Hiếm có một cuộc trưng bày nào thu hút được đông đảo người tới xem như triển lãm “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp” tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội. Người già thì bùi ngùi, trầm lắng, người trẻ thì tò mò, sẻ chia.
Đấy là “Cuộc sống ở Hà Nội thời… rưng rưng nước mắt”. Câu nói ấy ông Lê Hữu Tầng, 66 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Quốc gia, trong buổi khai mạc cuộc trưng bày "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp", khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi là một người trẻ sinh sau năm 1975, thực tế có nếm trải chút ít dư vị của thời bao cấp. Nhưng đó là những cảm nhận rất mong manh, mơ hồ. Chỉ có thế hệ cha mẹ chúng tôi, những người đã trải qua chiến tranh và sống trọn vẹn qua thời bao cấp, mới có được những xúc cảm đặc biệt nhất khi có cơ hội được nhìn lại, tái hiện lại cuộc sống mà mình từng trải nghiệm.
Một người phụ nữ cứ đứng mãi ở quầy trưng bày các loại tem phiếu, trên gương mặt bà dường như những ký ức ngủ yên bấy lâu đang bộn bề quay trở lại. Bà tên Liên, nhà trên phố Hàng Bài. Bà bảo: "Tôi tưởng như mình đang đứng trước một cửa hàng lương thực và đợi cô mậu dịch viên bán cho một ít gạo. Đợi chờ, kiên nhẫn là một thói quen của thời bao cấp. Tôi rất sợ những ngày mua phải gạo có mùi mốc, hoặc những ngày đến lượt mình mua thì hết hàng. Cái thời ấy, như vừa mới hôm qua thôi. Mà thấm thoắt đã hơn 20 năm rồi".
Bà Liên đã 68 tuổi, là cán bộ về hưu, có 3 người con. Các con của bà đều thành đạt và giữ những vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đất nước. Và các cháu của bà thì hầu hết đang du học ở nước ngoài. Cuộc sống đã thay đổi đến mức ngoài sức tưởng tượng của bà. "Ngày hôm nay đúng như là một giấc mơ đối với tôi. Hàng hóa, vật chất nhiều vô kể, thỏa sức mà mua bán, lựa chọn".
Một nhóm bạn trẻ tay cầm điện thoại di động sành điệu, cười rúc rích khi đọc một bài thơ, vốn là "phương châm tình yêu" của các cô gái thời bao cấp: "Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô để dành/ Ba yêu rửa mặt bằng khăn/ Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa". Lạ nhỉ, thời ấy các anh trai rửa mặt bằng gì nhỉ? Nhưng đằng sau cái rúc rích cười ấy, và đằng sau câu hỏi ấy là gì? Có lẽ vẫn là một thái độ rưng rưng nước mắt như nhân vật đầu tiên trong bài viết này đã nói.
Đất nước ta đã trải qua một thời kỳ như vậy, một thời kỳ thiếu thốn, khan hiếm hàng hóa và các nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống của mỗi con người. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người đã mất nhiều thời gian, công sức, cùng với các đồng sự của mình ở tổ chức UNDP, quỹ SIDA (Thụy Điển), quỹ Ford, Viện Khoa học xã hội Việt Nam thu thập, tìm kiếm các hiện vật để có được một cuộc trưng bày này đã kể lại cho chúng tôi câu chuyện về chính gia đình mình thời bao cấp: "Chị gái tôi con một vị Bộ trưởng mà cũng phải đi làm chuyên gia ở Angiêri, vì kinh tế gia đình eo hẹp. Mẹ tôi viết thư cho chị dặn dò: ‘Con đi xa là vì kinh tế gia đình. Nhưng dù thế nào con cũng phải giữ lấy thanh danh của gia đình, đất nước.’”
Vòng quanh một lượt để ngắm nhìn tất cả các chủ đề trong trưng bày như: cơ chế phân phối (hệ thống tem phiếu, cửa hàng lương thực, quầy hàng Tết, quản lý xã hội và văn hóa (phim ảnh, văn nghệ, đài, xe đạp), không gian của một gia đình trong một căn hộ chật hẹp… khách tham quan dường như chỉ nói nhiều về nỗi thiếu thốn vật chất thời bao cấp, khi hàng hóa luôn nằm trong sự phân phối của Nhà nước. Nhưng sự thiếu thốn tinh thần mới là một điều quan trọng.
Những đứa trẻ của thời bao cấp (bây giờ đều là các cụ, các ông, các bác cả rồi) sẽ hiểu rõ hơn ai hết cảm giác của việc đi xem tivi nhờ nhà hàng xóm. Có khi cả làng, cả phố mới có một gia đình có được cái tivi để xem. Đó là những gia đình khá giả và thường là có người thân đi Liên Xô gửi về. Báo chí, sách, phim ảnh thời bao cấp cũng thật khó để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đông đảo công chúng không có cơ hội được tiếp xúc với nhiều tác phẩm nghệ thuật và nhân văn. Nhiều cơ quan tìm cách khai thác các bộ phim không được chiếu công khai để chiếu dưới danh nghĩa "chiếu nội bộ", "phim nghiên cứu"…
Quản lý xã hội, quản lý văn hóa thời bao cấp, ai cũng hiểu là còn nhiều bất cập. Trong khó khăn, bức bối của đời sống, người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung nhìn ra sức sáng tạo và khả năng duy trì sức sống của lịch sử trong chính mình. Người dân luôn biết xoay xở để làm sao có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, như trồng rau, chăn nuôi lợn, gà, làm thêm các dịch vụ nhỏ và nghề thủ công. Hàng tiêu dùng được tiết kiệm và tận dụng triệt để, như lộn cổ áo sơ mi, vá, đổi ống quần trước ra sau, lộn xích xe, đắp lốp… Những người phụ nữ thì làm thêm nghề đan len, dệt khăn áo len, làm kim băng mang đi bán.
Ai cũng xúc động khi nhìn thấy chiếc áo mút với hàng trăm mối nối từ những sợi mút thừa, rất ngắn, mà bà Hà Thị Kiệm ở phố Vương Thừa Vũ mua về để đan áo cho chồng. Đó cũng là chiếc áo ấm duy nhất mà chồng bà có để diện trong mười mấy mùa đông Hà Nội lạnh giá. Không thể nói hết bao nhiêu yêu thương bà Kiệm gửi vào trong chiếc áo bà đan cho chồng, khi đôi tay mỏi nhừ bởi công việc nối những mẩu mút thừa.
Ông Lê Gia Thụy, 65 tuổi, Trung tá Công an về hưu, kể lại một câu chuyện "móc ngoặc" hết sức hồn nhiên của mình thời bao cấp: "Có một lần tôi ‘móc ngoặc’ được với một bà bán gạo ở chợ Mơ. Tôi nói: ‘Thôi bây giờ chị bán gạo cho tôi trước đi, nhà tôi khó khăn, hết gạo. Nếu khi nào nhà chị hỏng tivi, hay đài, cần sửa chữa tôi sẽ cho người đến.’ Vậy là bà ấy nghe ngay, dặn tôi nhớ giữ lấy lời mình nói."
Hàng trăm câu chuyện được những người đã sống qua thời bao cấp kể lại, như là những nhân chứng lịch sử của một thời kỳ gian khổ mà đất nước ta phải trải qua. Những hiện vật trực quan được nhìn thấy bằng mắt, những ký ức vui buồn, ngậm ngùi được hiện hữu… Ai cũng nhận thấy rõ một điều rằng, thời kỳ bao cấp là thời kỳ nghị lực và trí tuệ của hàng triệu người bị kìm nén, chỉ chờ được giải phóng. Nó cũng chính là tiền đề để đất nước ta bước vào một giai đoạn đổi mới. Đó là lúc năng lực kìm nén ấy bùng phát, và tạo ra những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, như chúng ta đã chứng kiến, trong 20 năm vừa qua.
Tôi nghĩ, gần 500 hiện vật được trưng bày, tái hiện cũng chỉ có thể kể cho người xem một phần rất nhỏ của cuộc sống thời bao cấp của người Hà Nội. Những khó khăn, chật vật, phiền toái, mà thế hệ 8X, 9X hôm nay hình dung về thời cha mẹ họ đã trải qua cũng chỉ là rất nhỏ. Nhưng, có một điều đặc biệt là, tôi không hề thấy, từ phía những người sống qua thời bao cấp mà tôi đã tiếp xúc, thái độ cay đắng với thời cuộc mình đã sinh ra và lớn lên. Hầu hết đều là tiếng nói cảm thông, pha chút ngậm ngùi.
Ông Lê Nam, ở phố Hàng Buồm: "Sao tôi lại ruồng rẫy thời mình đã sống, khi có dịp nhìn lại? Đó là một giai đoạn tất yếu của lịch sử, khi đất nước ta vừa trải qua chiến tranh, bom đạn, vẫn đang bị bao vây bởi nhiều thế lực thù địch bên ngoài. Tôi thừa nhận cách quản lý xã hội của chúng ta khi đó còn nhiều ấu trĩ. Và người dân rõ ràng là trăm nỗi thiếu thốn, cơ cực rồi. Nhưng ngày đó tôi vẫn thấy vui, là bởi mình đang là công dân của một nước độc lập. Những thay đổi, tái thiết của đất nước thời hậu chiến phải từ từ chứ".
Còn bà Liên thì đầy nỗi niềm: "Tôi nhận thấy, đất nước ta rõ ràng đang có những đổi thay vượt bậc về kinh tế. Nhưng sự phân hóa giàu nghèo đang ngày một trở nên rõ rệt hơn. Trong khi nhiều người vung tiền vào các cuộc ăn chơi sa đọa thì vẫn có hàng triệu người nghèo cần được ăn no, mặc ấm. Thời bao cấp thiếu thốn, nhưng là thiếu thốn chung của toàn xã hội. Còn con người thì rất hòa thuận, yêu thương, đùm bọc nhau.Tình làng nghĩa xóm thời ấy cũng khác lắm. Chúng ta đang giàu có, đầy đủ hơn. Nhưng tôi lo các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đang bị xói mòn nhanh chóng".
Thời bao cấp, những ước mơ bình dị của con người là "được ăn một bát cơm gạo không bị mốc, được sở hữu một chiếc quạt nhỏ làm dịu bớt sự tù túng và nóng nực, được tắm bằng xà phòng thơm". Khi cánh cửa đổi mới mở ra, những ước mơ đó cũng được trỗi dậy trong một thế giới tràn ngập hàng hoá với ý tưởng mới. Các loại hình dịch vụ đa dạng. Bây giờ, xe máy, máy tính, điện thoại di động lấp lánh trong các cửa hàng. Học sinh thì mơ ước được đi du học. Những ước mơ về vật chất có thể thay đổi theo chiều hướng cao hơn. Nhưng, ước mơ của các bậc cha mẹ về con cái mình, là mong chúng mạnh khỏe, hạnh phúc, thì chưa bao giờ thay đổi.
Vậy, trong một đời sống mỗi ngày một tiện nghi hơn, liệu tuổi trẻ hôm nay có cảm thấy mình hạnh phúc hơn thời cha mẹ họ? Đó là một suy ngẫm vượt ra khỏi khuôn khổ của một cuộc trưng bày thuần túy. Sự phát triển của một xã hội, không đơn thuần là việc mang tới cho con người ngày một nhiều hơn sự văn minh vật chất.
Ai cũng hiểu rằng, nhu cầu vật chất, dù có lớn đến bao nhiêu, vẫn là hữu hạn. Người ta vẫn có thể ở một ngôi nhà đẹp nhất, lái một chiếc xe sang trọng nhất, ăn những món ngon nhất và sử dụng những đồ dùng đắt tiền nhất… mà vẫn không cảm thấy mình hạnh phúc. Vì sao một số người sống qua thời bao cấp vẫn có cảm giác vui, hạnh phúc, thậm chí là có phần tiếc nuối khi nhắc lại thời kỳ này (dù cho họ thừa hiểu những thiếu thốn của nó)? Một nhà thơ lớn lên trên phố Hàng Đào suốt thời bao cấp nói rằng, mỗi khi nghĩ về những năm tháng ấy lòng anh lại dâng lên một nỗi thương cảm, xót xa. Đó là một thời kỳ con người sống hồn nhiên, yêu thương nhau, và vì vậy họ dễ dàng vượt qua những khốn khó. Sự đủ đầy vật chất luôn luôn là điều mà con người hướng tới, nhưng nó chỉ là sự thêm vào, chứ nó không có giá trị tối cao đảm bảo hạnh phúc, nếu con người ta đánh mất đi sự đồng cảm, tình yêu thương và lòng nhân ái.
Thế hệ trẻ sinh ra những năm 1980 sẽ nhìn nhận thời kỳ cha mẹ mình đã sống theo một cách riêng. Và như lời nói của ông Đỗ Hạnh ở phố Nam Ngư, được trích dẫn trong trưng bày, thì: "Mong sao cuộc sống tiện ích với vô vàn lựa chọn thời nay sẽ không làm bọn trẻ mất phương hướng và sa ngã. Để có được điều đó, gia đình vẫn là một giá trị cao quý, một nhân tố quan trọng nhất"
Bình Nguyên Trang