Chuyện Thời Bao Cấp

Tư Cách Hòn Đá

Có bao nhiêu người xem triển lãm là có bấy nhiêu cuốn phim quay chậm về hình ảnh và ký ức về thời bao cấp tưởng như đã bị bỏ quên trong kho chứa.” (Nguyễn Quang Sơn, 34 tuổi, một trong những người đến xem trưng bày).

Chỉ cần một hiện vật nhỏ, độc đáo như lọ pênixilin đựng mì chính, dân dã như vỏ bao thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo thôi cũng có thể nhắc nhớ lại không khí một thời. Từ thanh niên tới người đứng tuổi chăm chú xem kỹ từng hiện vật, chỉ trỏ với vẻ thích thú, so sánh những hiện vật trưng bày với những thứ đồ dùng mình còn lưu trữ ở nhà và hào hứng kể lại câu chuyện của riêng mình.

Nhiều người trẻ chú ý đến “hòn đá xếp hàng” nhỏ xíu trong tủ kính. Hòn đá ấy từng “đại diện” cho cán bộ nghiên cứu Mai Xuân Hải, công tác tại Viện Hán Nôm. Ông Xuân Hải ghi tên mình và số 127 - số của sổ mua hàng lên hòn đá để giữ một chỗ trong hàng người rồng rắn chực chờ trước cửa hàng thực phẩm thời bao cấp.

Có khán giả trẻ ước: “Giá như bảo tàng cho phục dựng một gian hàng rồi bán vé cho khán giả vào xếp hàng cầm tem phiếu mua đồ như thật. Cảm giác sẽ rất hay”.

Xúc cảm thế hệ

Đứng trước câu chuyện này, mỗi người thuộc những thế hệ khác nhau có tâm trạng khác nhau: “Xem triển lãm xong, em mới hiểu được bố mẹ, ông bà em đã phải sống chật vật như thế nào. Em nhớ ông nội em có cái ca tráng men, hồi còn nhỏ em được uống nước bằng cái ca ấy. Em ấn tượng nhất là khu xếp hàng mua gạo và gian bán hàng tết” - Vũ Thị Nhung, sinh năm 1987, sinh viên năm 1 khoa tiếng Anh Viện đại học Mở chia sẻ.

Đây là lần thứ hai từ khi triển lãm mở cửa, Nhung tới Bảo tàng Dân tộc học. Nhung biết đến cuộc trưng bày trong một chuyến đi thực tế của môn học cơ sở văn hóa Việt Nam và ngay lập tức bị thu hút.

Còn bác Nguyễn Tiến Mỹ, 64 tuổi, nguyên kỹ sư quân đội về hưu, trầm ngâm: “Tôi nhớ lại thời gian khổ và bình đẳng của xã hội, thời vật chất túng thiếu nhưng phẩm chất tốt đẹp hơn bây giờ. Số cán bộ và đảng viên giữ được phẩm chất nhiều hơn bây giờ”.

Những cơn gió dũng cảm

Trước và sau “trái bom thơ” của Phạm Thị Xuân Khải, còn có nhiều văn nghệ sĩ như nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Thái Bá Lợi, đạo diễn Trần Văn Thủy, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, Ma Văn Kháng… Giờ thì bài thơ và tác giả Xuân Khải cùng hiện diện tại khu trưng bày, sẵn sàng cởi bỏ nỗi lòng về thời đã qua.

Những ví dụ về sự ấu trĩ trong quản lý văn hóa thời bao cấp cũng được chính những nhân chứng cùng thời với Phạm Thị Xuân Khải kể lại trước ống kính máy quay của những người làm bảo tàng và được đem phát tại chỗ dưới chủ đề  “Quản lý xã hội và văn hóa”. Chủ đề này được đặt ở vị trí trung tâm trong không gian trưng bày.

Có thể coi đây là lần đầu tiên, những câu chuyện về khó khăn của văn nghệ sĩ được công khai một cách có hệ thống. Người lo việc “bếp núc”, tiến sĩ Mai Thanh Sơn, thư ký dự án “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp”, nói:  “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi là những người làm lịch sử, làm khoa học, cần phải trung thực. Đây là thời điểm thích hợp nhất để nói. Chúng ta đang tổng kết 20 năm đổi mới. Cần phải biết rằng có những người đã phải trả giá cả một phần đời. Đó là những trái tim trong sáng, dũng cảm, đại diện cho tâm trạng một thời. Thế hệ trẻ hôm nay cần phải biết được điều đó”.

Uyên Ly