Chuyện Thời Bao Cấp

Đột Phá

Sau khi có chủ trương bung ra và cởi trói cho sản xuất của Hội nghị trung ương lần thứ 6, các địa phương bắt đầu có một cái “gậy” để phá rào. Sự bung ra của TP.HCM bắt đầu từ việc sử dụng thương nhân đứng ra thu gom những mặt hàng có thể xuất khẩu để trao đổi trực tiếp với nước ngoài.

Xuất khẩu ở phao số 0

Cuối năm 1979, TP.HCM gần như bế tắc trong chuyện nhập hàng từ bên ngoài. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt và Chủ tịch UBND thành phố Mai Chí Thọ loay hoay tìm cách nhập khẩu một số nguyên liệu và nhu yếu phẩm tối cần thiết, nhằm nuôi sống các cơ sở sản xuất của thành phố. Việc đó cũng giống như chuyện chạy gạo của Công ty Lương thực: phải tìm một hình thức phá rào mà không bị huýt còi.

Sự bung ra của TP.HCM bắt đầu từ việc sử dụng thương nhân đứng ra thu gom những mặt hàng có thể xuất khẩu để trao đổi trực tiếp với nước ngoài. Hàng thì có. Đối tác cũng có. Vấn đề là cơ chế.

Một giải pháp được đề xuất: không dựa vào quốc doanh mà sử dụng hệ thống liên hiệp xã của thành phố. Liên hiệp xã là một tổ chức có tính chất mặt trận, phi chính phủ. Chỉ có hình thức này mới có thể huy động tư nhân.

Chỉ có tư nhân mới có điều kiện bỏ vốn, mua hàng và liên lạc với các doanh gia nước ngoài để trao đổi hàng hóa. Thật ra tư nhân có khả năng làm việc đó chỉ có thể là thương nhân người Hoa. Họ vừa có vốn, vừa có quan hệ với các chân hàng trong nước, lại có quan hệ thân thiết với người Hoa ở Hong Kong, Singapore. Họ có thể liên lạc, chắp nối để biết có thể đem hàng gì đi trao đổi. Giữa người Hoa với nhau có khi không cần văn bản hợp đồng. Chỉ bằng điện thoại, fax là họ có thể thỏa thuận với nhau.

Phương thức này được xúc tiến từ khoảng đầu năm 1980. Bước đầu liên hiệp xã nhờ các thương nhân người Hoa, liên lạc với Hong Kong, Singapore để hẹn mua một số hàng như sợi thuốc lá, sợi dệt, xăng dầu…

Sau đó, họ đi thu gom các mặt hàng như mực khô, tôm khô, lạc, đỗ, đồ thêu ren, sơn mài… để đổi. Giá cả đều tính ra đôla và trao đổi bằng hiện vật. Làm như vậy là vượt qua được cơ chế giá chỉ đạo của Nhà nước là một trong những cửa ải khắc nghiệt nhất.

Việc trao đổi được tiến hành theo phương pháp trực tiếp: hai bên ngầm điện cho nhau biết, hẹn ngày giờ, gặp nhau tại phao số 0 ngoài khơi trao hàng cho nhau, xong thì ai về nước của mình, không có xuất nhập cảnh gì cả.

Một vị lãnh đạo trung ương “huýt còi” và răn đe cách làm của TP.HCM trái nguyên tắc chủ nghĩa xã hội. Nhưng nếu nghiêm chỉnh chấp hành thì tất cả bó tay.

Không có sự năng động của cơ sở và sự bảo trợ mạnh tay của lãnh đạo thành phố, khó có thể tháo gỡ được cơn đói hàng nhập khẩu. Nhưng dù năng động và mạnh tay thì trước những rào cản về tư duy và cơ chế kể trên, mọi sự tháo gỡ đều phải đi từng bước một, trong xiết bao gian nan và trở ngại.

Trăm “imex” đua nở

Trong năm 1980, phương thức trao đổi ở phao số 0 đã tiến hành được khoảng hơn một chục chuyến. Những chuyến hàng đó đã góp phần giải quyết nguyên liệu cho Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội, sợi dệt cho Nhà máy dệt Thành Công, nguyên liệu làm bột ngọt cho Nhà máy Vifon…

Lúc này thật ra vẫn chưa có vốn vay của ngân hàng. Cả Ngân hàng Ngoại thương cũng như Ngân hàng Nhà nước đều không dám bỏ tiền cho vay hoặc bảo lãnh cho việc xuất nhập khẩu đó. Vốn hoàn toàn là của tư thương, thực chất là của người Hoa bỏ ra để thu gom những mặt hàng trong nước và trao đổi lấy nguyên liệu phục vụ sản xuất và đời sống.

Từ những kết quả buôn bán ở phao số 0, Thành ủy và UBND thành phố bắt đầu nghĩ tới việc thành lập liên hiệp xã, một đơn vị chuyên lo công việc xuất nhập khẩu. Tháng 5/1981, công ty đầu tiên được thành lập bởi liên hiệp xã mang tên Direximco (nghĩa đen là công ty xuất nhập khẩu trực dụng, tức là trực tiếp dùng hàng đổi lấy hàng).

Sau thành công của Direximco, hàng loạt “imex” ra đời. Quận 5 đã thành lập một công ty xuất nhập khẩu rất nổi tiếng là Cholimex. Hội Công thương gia thành lập Công ty Phiconimex. Công ty dược phẩm cần nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc thành lập Pharimex… Như vậy là cùng với Imex Sài Gòn là cơ quan ngoại thương chính thức của thành phố, có chức danh như một tổng công ty, thành phố đã có hàng loạt công ty xuất nhập khẩu thật sự là của địa phương.

Từ trung ương đến các địa phương thời đó, người ta vẫn đồn đại về một câu nhận xét rất nổi tiếng của Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Lê Khắc về những tháo gỡ của TP.HCM: “Bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất là đã thấy sặc mùi Nam Tư rồi!”

Cholimex làm luôn cả chuyển kiều hối ngầm. Cholimex liên hệ với đại diện Việt kiều yêu nước tại Canada. Cơ sở Việt kiều đó nhận làm “đại lý” cho việc chuyển tiền về nước. Bất cứ Việt kiều nào ở Canada, Mỹ đều có thể gửi tiền cho cơ sở này. Cơ sở đó báo về cho Cholimex. Cholimex phải chi tiền Việt để trả cho thân nhân của Việt kiều ở trong nước, tỷ giá được tính sát giá thị trường tự do. Như thế là Việt kiều đã giải quyết được việc giúp thân nhân. Cholimex có một số ngoại tệ tương ứng trừ đi khoảng 2-3% phí dịch vụ cho đại lý hải ngoại. Khi số tiền của nhiều Việt kiều gửi về gộp lại thành một khoản lớn, Cholimex yêu cầu đại lý đó chuyển khoản về Hong Kong hoặc Singapore để trang trải một món hàng nhập khẩu nào đó.

Để cho các hoạt động này được hợp pháp, có tình có lý, các “imex” báo cáo với Nhà nước rằng đó là Việt kiều yêu nước gửi nguyên vật liệu về giúp đỡ phát triển sản xuất và xây dựng đất nước. Về nguyên tắc thì điều đó không trái với những quy định rất ngặt nghèo của cơ chế kế hoạch hóa tập trung: nếu Việt kiều yêu nước gửi nguyên vật liệu về giúp đất nước thì được khuyến khích và miễn thuế. Như vậy cái vòng đi và vòng về đã khép kín và trót lọt.

Xét về kim ngạch, con đường kiều hối nguyên liệu không lớn bằng con đường xuất nhập khẩu trực tiếp. Mỗi năm tổng số gửi về chỉ khoảng vài chục triệu USD. Tuy nhiên, để giải quyết những thiếu thốn lúc đó, nó cũng đã đóng một vai trò rất quan trọng trong những năm “đêm trước” đổi mới.

Trong ba năm từ 1980-1982, hoạt động của các “imex” phát triển mạnh không chỉ ở TP.HCM mà đã lan tỏa ra rất nhiều tỉnh trong cả nước. Nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và ngoài Bắc cũng áp dụng phương thức hoạt động này.

Họ cử những đoàn vào nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của TP.HCM. Đó là trường hợp của Dệt lụa Nam Định, Thuốc lá Bông Sen ở Thanh Hóa. Đặc biệt các tỉnh có biển như Quảng Ninh, Hải Phòng cũng phát triển rất mạnh những hình thức xuất nhập khẩu địa phương.

Tình hình phát triển tới mức mà các cơ quan quản lý ở cấp trung ương đã thấy rằng phải để mắt tới. Bắt đầu có những ý kiến yêu cầu phải siết chặt lại. Lý do thì có rất nhiều: hiện tượng tranh mua tranh bán đã đẩy giá lên cao.

Việc các địa phương mua vét hàng nông sản, lâm sản làm cho cơ quan ngoại thương của trung ương càng thêm khó khai thác các nguồn hàng để xuất khẩu theo các kênh chính thức. Việc mua bán vòng vo, ngoài kế hoạch đã làm rối loạn hệ thống kế hoạch hóa và cơ chế quản lý kinh tế…

Siết lại nhưng chỉ là hình thức

Ngày 14/9/1982, Bộ Chính trị ra nghị quyết 01 về “công tác của TP.HCM” nhằm uốn nắn những biểu hiện bị coi là “chệch hướng”. Đến tháng 12/1982, Hội nghị trung ương lần thứ 3 (khóa V) ra nghị quyết “Về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1983 và mức phấn đấu năm 1985”. Nội dung chính của nghị quyết này là lập lại kỷ cương trong phân phối lưu thông.

Để thực hiện những tư tưởng trên, một trong những biện pháp quan trọng là dẹp các “imex” nhỏ lẻ, tập hợp tất cả vào trong một cơ quan xuất nhập khẩu duy nhất của mỗi tỉnh. Từ đó, tất cả các “imex” của TP.HCM đều bị giải thể và nhập lại trong một đơn vị gọi là Imexco.

Tại các tỉnh, các cơ quan xuất nhập khẩu cũng được tập trung lại thành một cơ quan duy nhất, gọi là Unimex. Tất cả các tác nghiệp xuất nhập khẩu đều được “thanh lý”, chuyển toàn bộ tài sản và nhân sự vào một đơn vị thống nhất, do Nhà nước quản lý. Có thể nói nếu xét về mặt tháo gỡ những ách tắc do cơ chế cũ gây ra thì nghị quyết 01 và nghị quyết của Hội nghị trung ương lần thứ 3 là một bước lùi trên con đường đi tới cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, đó cũng là điều khó tránh khỏi trong thời kỳ đang phải “dò đá qua sông”, vì những năm nửa đầu thập kỷ 1980 vẫn còn là thời kỳ tranh tối tranh sáng, giằng co giữa một bên là cơ chế kế hoạch hóa tập trung và một bên là cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trong khi ý kiến chính thức của trung ương là siết lại, thì ở TP.HCM và nhiều địa phương phần lớn ý kiến lại chưa “thông” với chủ trương đó. Cũng rất may là việc siết lại chỉ mang tính chất hình thức.

Tuy tất cả các tỉnh và thành phố đều chỉ còn một cơ quan xuất nhập khẩu duy nhất, nhưng việc xuất nhập khẩu trong thực tế lại không siết vào được nữa. Sau ba năm bung ra của các “imex”, các cơ sở sản xuất đều đã học được cách tiếp cận với thị trường nước ngoài. Khi các “imex” không còn, họ đã kịp tìm được cách tự tổ chức những mối quan hệ.

Cùng với những thành công kể trên, các “imex” cũng phải trả giá vì chưa có kinh nghiệm thương trường, nhiều cơ sở đã bị thua lỗ, phá sản! Và không ít những giám đốc các “imex” đi tù, có người đã tự tử. Tất nhiên, các “imex” cũng như phần lớn các cuộc phá rào khác chỉ là biện pháp tình thế để khắc phục nhất thời những ách tắc của cơ chế cũ. Để đi tới nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa, còn phải tiếp tục trả giá và cả chặng đường dài cam go nữa.

ĐẶNG PHONG (chuyên gia sử kinh tế Việt Nam)