Chuyện Thời Bao Cấp

Công Phá “Lũy Tre”

Thành trì hợp tác xã nông nghiệp vừa siết lại ở miền Nam đã đưa đẩy người dân vào cảnh bát cơm độn với ngô khoai. Mọi người đều cảm thấy bức bách tìm đường thoát. Và cái chuyện ngăn sông cấm chợ rồi cũng bị công phá nốt.

Trả lại nông cụ cho dân

Linh hồn của hợp tác xã và các tập đoàn sản xuất là công hữu hóa tư liệu sản xuất (ruộng đất và nông cụ). Cuối năm 1978, An Giang quyết định thành lập hợp tác xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành làm nhân tố điển hình để mở rộng phong trào hợp tác hóa.

Ông Sáu Kiệt, nguyên chủ nhiệm hợp tác xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành, An Giang, kể: vận động bà con vào hợp tác xã, công an còn phải đứng bên bờ yêu cầu nông dân phá hết rau để giao đất cho hợp tác xã.

Ông Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên bộ trưởng Nông nghiệp, từng chứng kiến cảnh hai vợ chồng có một con trâu, chồng nghe vận động vào hợp tác xã, vợ thì không. Khi ra đồng, chồng đòi dắt trâu cày cho hợp tác, vợ giằng lại thừng để cày cho ruộng nhà.

Không thể chống nhiệm vụ được hợp tác xã giao, chồng phải trói vợ giữa đồng để cày xong mới thả cả người lẫn trâu… Rồi mạ chết rét, thời vụ sắp hết, loa hợp tác xã gọi xã viên ra đồng cấy dặm nhưng từng đoàn người uể oải dắt díu nhau như đi hội. Vừa làm vừa ngẩng đầu tán gẫu chờ kẻng nghỉ trưa.

Và dù không thiên tai thì năm nào cũng như mất mùa… Cảnh cha chung không ai khóc bao trùm lên tất cả các hợp tác xã lúc bấy giờ. Cuối mỗi buổi làm, cán bộ hợp tác xã ghi điểm từng người. Chỉ cần đánh trống ghi tên là được. Điểm này sau quy ra thóc với giá rất rẻ rúng.

Làm ăn như vậy, cuối vụ thóc thu về bằng 1/4 thời chưa vào hợp tác. Ai dành dụm được chút lúa thì phải bán cho Nhà nước, cấm mang ra chợ. Giá Nhà nước mua chỉ bằng 1/10 giá chợ và không đủ hoàn vốn đầu tư.

Thời trước bà con xã Hòa Bình Thạnh đã đầu tư rất nhiều máy móc phục vụ sản xuất. Toàn xã 900 hộ có hơn 70 cỗ máy cày, bừa, bơm, xới… Vận động bà con vào hợp tác xã rất khó nhưng lãnh đạo ra chủ trương bằng mọi giá phải công hữu hóa hết số máy móc nông cụ.

Tất nhiên việc ấy thì làm được nhưng hầu hết các chủ máy đều rất miễn cưỡng vào tập thể. Họ nói đây là thứ tài sản lớn, nhiều năm chắt chiu mới có được. Thứ hai phải “hiểu” nó, “yêu” nó thì nó mới sống mà nuôi người được.

Nay đưa vào hợp tác, thu nhập tính bằng công lao động, máy giao người khác như vậy là họ mất không… Thế là dù phải nộp máy cho hợp tác nhưng họ cố tình tháo bớt phụ tùng. Có người chặt gần đứt cả xích, cưa cả trục máy rồi mới giao hợp tác xã.

Số máy có thể hoạt động thì những chủ cũ không chịu điều khiển hoặc không được điều khiển nên giao cho chủ mới. Chủ mới thường thiếu kỹ thuật hoặc thiếu tâm huyết nên chẳng mấy chốc cũng lại để đắp chiếu. Thế là sau một vụ, 100% đầu máy nông nghiệp của xã phải nằm kho, hàng trăm hecta đất không làm kịp vụ phải bỏ hoang.

Ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên bí thư Tỉnh ủy An Giang, nhớ rất rõ: lúc ấy tỉnh gần như hoàn thành chỉ tiêu hợp tác hóa bằng các tập đoàn sản xuất và hợp tác xã. Nhưng đồng hành với việc này là 20.000ha diện tích đất bỏ hoang (chiếm gần 10% tổng diện tích) vì lý do trên.

Không có cách nào khác để khắc phục ngoài việc phải trả máy cho dân. Tuy nhiên, ý tưởng này là trái với ý chí công hữu hóa tư liệu sản xuất. Ông Hơn yêu cầu phải nghĩ cách. Ban đầu tỉnh xin Nhà nước kinh phí để mua máy mới và sửa chữa máy cũ vì an ninh lương thực bị đe dọa.

Tất nhiên trung ương lúc ấy lấy đâu ra ngân sách để mua máy nên đã trả lời không có. Vậy các tập đoàn, hợp tác xã muốn hoạt động được phải bỏ tiền ra mà mua, mà sửa máy. Tỉnh ra công văn yêu cầu những đơn vị đó thực hiện ngay.

Với hợp tác xã, tập đoàn thì việc này hơn là đánh đố vì làm sao có tiền? Nếu không tiền thì bán lại những cái đống sắt vụn đó cho dân. Tất nhiên phải bán đúng giá mà trước đây các anh đã mua (rất rẻ và chủ yếu nợ trên giấy tờ) của dân và phải bán lại đúng người chủ cũ của máy thì họ mới vận hành được.

May quá, các tập đoàn gỡ được thế bí, thi nhau gọi dân đến bán máy mà thật ra là trả lại cho chủ cũ. Nông dân mừng khỏi phải nói. Và không đầy nửa vụ, toàn bộ những đống sắt phế liệu lại trở thành chỗ dựa cho hạt lúa và người dân An Giang khi chạy xình xịch trên các cánh đồng.

An Giang đã “xé rào” một cách hợp pháp và ngoạn mục như vậy. Đây cũng là phát súng đầu tiên và mang tính quyết định trong chiến dịch giải thể các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp của tỉnh, mở ra một hướng đột phá mới.

Những mũi đột phá như thế, đặc biệt là khoán chui ở Vĩnh Phú, rồi ở Đoàn Xá, Đồ Sơn (Hải Phòng) đã đẩy đến điểm chín muồi cho sự ra đời chỉ thị 100 (tháng 1/1981). Văn bản chính thức này cho phép áp dụng “khoán 100” (khoán ba khâu: cấy lúa, chăm bón, thu hoạch) trên cả nước. Đèn xanh đã bật nhấp nháy chuẩn bị cho khoán triệt để (khoán 10) giao đất cho dân, bỏ công điểm… sau năm 1986.

Mở chợ khơi sông

Một trong những yếu tố gây ức chế nhất cho nền kinh tế lúc đó là chính sách giá mà nổi cộm và có ảnh hưởng lớn nhất là giá thu mua lương thực. Điều này không phải những người làm chính sách không nhận thức đầy đủ mà là cuộc đấu tranh giữa hai luồng ý kiến chưa ngã ngũ.

Theo chuyên gia sử kinh tế Đặng Phong, một số cán bộ cốt cán của Ủy ban Vật giá bảo vệ cơ chế và mức giá cũ với lý lẽ chủ nghĩa xã hội là ổn định giá chỉ đạo, cách duy nhất có thể đảm bảo cơ chế kế hoạch hóa tập trung.

Những trục trặc hiện nay trên thị trường là do lãnh đạo địa phương chưa thông, chưa làm tốt, hợp tác xã còn nặng tư tưởng tư hữu… Trong khi Bộ Nông nghiệp và Viện Kinh tế học có ý kiến ngược lại.

Có lần, tại diễn đàn Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, ông Trần Phương, viện trưởng Viện Kinh tế học, phát biểu: cơ chế thu mua này là mua như cướp, bán như cho. Cách tính giá của Ủy ban Vật giá là sai vì đã không tính đến điều kiện thị trường, sự bất cập trong cơ chế cung ứng vật tư của Nhà nước hay nhu cầu ngày càng tăng của nông dân…

Một người trong hội trường chất vấn: Đây là ý kiến cá nhân hay trung ương? Ông Phương trả lời: Đây là ý kiến trung ương giao tôi trình bày. Đây cũng là ý cá nhân nhưng là ý của đồng chí tổng bí thư…

Sự phản đối cơ chế thu mua này diễn ra ở cơ sở tuy âm thầm nhưng mạnh mẽ hơn nhiều. Làm việc với lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, một cán bộ Ủy ban Vật giá thuyết giảng: những người cộng sản chúng ta lấy lập trường của chủ nghĩa xã hội hay lập trường thị trường tự do để làm giá?

Ông Bảy Phong, chủ tịch tỉnh Đồng Tháp lúc đó, trả lời: “Nếu nói phẩm chất người cộng sản thì chúng tôi không thua bất cứ ai. Khi chúng tôi lăn lộn đánh Mỹ thì các anh đang ở đâu, làm gì? Đánh Mỹ xong, chúng tôi đi theo chủ nghĩa xã hội. Nhưng chủ nghĩa xã hội gì mà mua không được, bán không được.

Người nông dân có thể cho chúng tôi hàng trăm ngàn tạ lúa để đánh Mỹ. Nhưng bây giờ nói mua phải đúng là mua, nói bán phải đúng là bán. Cơ chế mua không được, bán không được trong khi lúa đang còn thì đấy có là chủ nghĩa xã hội không?”

Trong cuộc đấu tranh tư tưởng ấy, An Giang chỉ tính toán bằng những phép tính đơn giản. Ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên bí thư Tỉnh ủy An Giang, nói: năm 1980, khi ông làm chủ tịch tỉnh, trung ương chuyển cho An Giang một lượng hàng tiêu dùng là săm lốp xe đạp, đường, sữa, vải, xà phòng… tương ứng với nghĩa vụ An Giang phải thu mua và nộp về trung ương 100.000 tấn lúa.

Nhiệm vụ này rất khó vì giá lúa ngoài chợ khi ấy cao gấp 10 giá Nhà nước mua. Nông dân không muốn bán cho Nhà nước. Ngược lại, với lượng hàng trung ương phân bổ, tỉnh cũng phải bán cho dân với giá quy định.

Giá đó cũng thấp hơn giá chợ, thấp hơn giá thành của nó nhiều lần. Song giá bán ấy hàm chứa rất nhiều tiêu cực, bất công như đầu cơ, móc ngoặc, tham ô, cửa quyền, nhũng nhiễu…

Cả hai bài toán này đều chung một cách giải đơn giản: tỉnh bán hàng theo giá chợ và lấy tiền đó cũng mua lúa theo giá chợ. Mạnh dạn thực hiện, năm đó An Giang mua được 160.000 tấn lúa, vượt chỉ tiêu 60.000 tấn mà vẫn còn thừa 10 triệu đồng…

Nông dân, Nhà nước đều có lợi… Đồng hành với những mũi tấn công vào cơ chế giá, ở TP.HCM, Công ty Lương thực thành phố cho xe tràn xuống đồng bằng sông Cửu Long mua lúa giá chợ về bán cho ba triệu dân thành phố tuy có tiền nhưng đang phải ăn độn.

Sau cuộc cải cách đó, chủ nhiệm Ủy ban Vật giá đương nhiệm chuyển công tác khác. Ông Đoàn Trọng Truyến được cử về thay và tham gia điều hành cuộc tổng điều chỉnh giá. Ông Nguyễn Văn Hơn, bí thư An Giang, tác giả của đột phá ở tỉnh, đến năm 1982 chuyển ra trung ương nhận chức thứ trưởng Bộ Nông nghiệp.

XUÂN TRUNG - QUANG THIỆN