uộc dạo bộ dọc theo hàng rào mất nhiều thời gian hơn Bruno tưởng; hàng rào dường như cứ kéo dài mãi dài mãi hàng dặm liền. cậu cứ đi miết, mỗi lần ngoái nhìn cậu lại thấy ngôi nhà mình đang ở trở nên nhỏ thêm đi một chút, cho đến khi nó biến mất hoàn toàn khỏi tầm nhìn. Trong suốt thời gian đó cậu chẳng hề nhìn thấy bóng người nào ở bất kỳ đâu gần hàng rào; cũng không tìm ra bất kỳ cánh cửa nào mà bước vào, và cậu bắt đầu rơi vào nỗi tuyệt vọng rằng cuộc khám phá của mình sắp hoàn toàn thất bại. trên thực tế, hàng rào cứ tiếp tục kéo dài mãi đến ngút tầm mắt, những gian trại, nhà và cột khói cứ dần lùi xa rồi mất hút đằng sau lưng, rồi hàng rào dường như chẳng còn chia tách cậu với cái gì ngoài không gian trống rỗng.
Sau khi đi gần một tiếng đồng hồ và bắt đầu cảm thấy hơi đói, cậu nghĩ thế có thể đã đủ khám phá cho một ngày và sẽ là một ý tưởng hay khi quay trở về. Tuy nhiên, ngay lúc ấy một chấm nhỏ xuất hiện phía đằng xa và cậu nheo mắt lại để cố nhìn xem đó là cái gì. Bruno nhớ đến một cuốn sách mà mình đã từng đọc trong đó kể một người đàn ông bị lạc trên sa mạc rồi vì không có thức ăn và nước uống trong nhiều ngày liền, ông ta bắt đầu tưởng tượng ra mình nhìn thấy những nhà hàng tuyệt vời và những suối nước mênh mông, nhưng khi ông ta thử ăn hoặc uống chúng từ những thứ đó thì chúng biến thành hư không, chỉ còn những vốc tay đầy cát. Cậu băn khoăn không biết đó có phải là điều đang xảy ra lúc này với cậu hay không.
Nhưng khi cậu còn mải suy nghĩ, đôi chân đã đưa cậu, từng bước từng bước, tiến gần hơn rồi gần hơn tới chấm điểm ở phía đằng xa, trong lúc đó chấm điểm đã biến thành một vết đốm, rồi sau đó bắt đầu biểu hiện mọi dấu hiệu biến thành một viên tròn. Và ngay sau đó viên trong biến thành một hình dáng. Và rồi, khi Bruno tới gần hơn nữa, cậu nhìn thấy thứ đó không phải là một chấm điểm, không phải là một vết đốm, không phải là một viên tròn, cũng không phải là một hình dáng mà là một con người.
Sự thực thì đó là một chú bé.
Bruno đã đọc đủ thứ sách về các nhà thám hiểm để biết rằng người ta có thể không bao giờ biết chắc mình sẽ thấy cái gì. Thường thì họ chỉ tình cờ bắt gặp thứ gì đó kỳ thú đang ở yên đó, chỉ bận tâm đến việc riêng của nó, chờ đợi được khám phá ra (ví như châu Mĩ). Còn lại thì họ chỉ khám phá ra mấy thứ mà tốt nhất nên được để mặc đó (con chuột chết đằng sau tủ bát chẳng hạn).
Chú bé đó thuộc về nhóm thứ nhất. chú chỉ ngồi đó, bận tâm đến việc riêng của mình, chờ đợi được khám phá.
Bruno bước chậm lại khi cậu nhìn thấy chấm điểm biến thành một hình dáng rồi biến thành một chú bé. Mặc dù có một dãy hàng rào phân cách hai đứa, cậu biết rằng cẩn thận với người lạ không bao giờ là thừa và sẽ luôn là tốt nhất khi thận trọng tiếp xúc với họ. vậy nên cậu tiếp tục bước đi, và chẳng mấy chốc hai đứa đã đối diện nhau.
“Chào cậu,” Bruno nói.
“Chào cậu,” chú bé nói.
Chú bé nhỏ hơn Bruno và đang ngồi bệt trên đất với vẻ mặt rất đáng thương. Nó cũng mặc đồ pyjama sọc giống như tất cả những người khác ở phía bên kia hàng rào, cùng một chiếc mũ vải sọc trên đầu. Nó không đi giày hay tất gì cả và chân nó khá bẩn. trên cánh tay nó đeo một chiếc băng đo có hình một ngôi sao.
Lúc đầu khi Bruno đến gần chú bé, nó đang ngồi khoanh chân trên mặt đất, chằm chằm nhìn xuống đất bụi. Tuy nhiên, sau một chốc nó ngẩng lên và Bruno nhìn thấy mặt nó. Đó là một gương mặt khá lạ. Nước da nó gần như màu xám, nhưng chẳng thật sự giống màu xám nào Bruno từng nhìn thấy trước đây. Nó có cặp mắt rất to và chúng có màu của kẹo caramel; lòng trắng rất trắng, và khi nó nhìn Bruno tất cả những gì cậu trông thấy là một cặp mắt mênh mang buồn bã nhìn mình.
Bruno chắc chắn mình chưa bao giờ trông thấy thằng bé nào gầy gò và buồn bã hơn thế trong đời, và cậu quyết định tốt hơn là nên nói chuyện với nó.
“Tớ đang đi khám phá,” cậu nói.
“Cậu ư?” nó lí nhí nói.
“Ừ. Gần 2 tiếng rồi cơ.”
Nói đúng ra thì không hẳn vậy. Bruno chỉ mới thám hiểm được hơn 1 tiếng nhưng cậu nghĩ phóng đại đôi chút cũng không phải là việc gì quá xấu. nó không hoàn toàn giống như nói dối mà chỉ khiến cậu có vẻ phiêu lưu hơn sự thật thôi.
“Thế cậu đã tìm ra cái gì chưa?” chú bé hỏi.
“Ít lắm.”
“Tức là không tìm ra gì cả?”
“Ờ, tớ tìm ra cậu này,” Bruno nói sau một giây lát.
Cậu chăm chăm nhìn cậu bé, định hỏi tại sao trông nó lại buồn bã tới vậy nhưng rồi lại thôi vì cậu nghĩ như thế có thể nghe rất thô lỗ. cậu biết rằng đôi khi những người đang buồn bã không muốn bị hỏi han, đôi khi họ lại tự kể chuyện mình và sẽ không ngừng kể lể suốt nhiều tháng sau đó, còn trong trường hợp này, Bruno nghĩ mình từ từ hẵng kết luận. cậu đã khám phá ra một số thứ trong cuộc thám hiểm này, và giờ đây khi rốt cuộc câu sắp được nói chuyện với một trong những người ở phía bên kia hàng rào, có vẻ như cậu nên tận dụng tối đa cơ hội.
Cậu ngồi bệt xuống đất ở phía bên này hàng rào và khoanh chân lại giống chú bé ấy, ước gì mình mang theo một ít sô cô la hay bánh ngọt để hai đứa có thể cùng ăn.
“Tớ sống trong ngôi nhà ở phía bên này dãy hàng rào,” Bruno nói.
“Thật sao? Tớ trông thấy ngôi nhà ấy một lần, từ rất xa nhưng tớ không thấy cậu.”
“Phòng tớ ở tầng hai,” Bruno nói. “Từ đó tớ có thể rất xa qua dãy hàng rào này đấy. tiện thể, tớ là Bruno.”
“Tớ là Shmuel,” chú bé nói.
Bruno nhăn mặt lại, không chắc mình có nghe tên nó đúng không. “Cậu vừa nói tên cậu là gì cơ?” Bruno hỏi.
“Shmuel,” chú bé nói như thể đó là điều tự nhiên nhất trên đời. “Thế cậu vừa nói tên cậu là gì?”
“Bruno,” Bruno đáp.
“Tớ chưa bao giờ nghe cái tên đó,” Shmuel nói.
“Còn tớ thì chưa bao giờ nghe cái tên của cậu,” Bruno nói. “Shmuel.” Cậu suy nghĩ một lát. “Shmuel,” cậu nhắc lại. “Tớ thích âm của nó. Shmuel. Nghe như tiếng gió thổi ấy nhỉ.”
“Bruno,” Shmuel nói, gật gật đầu đầy sung sướng. “Ừ, tớ nghĩ tớ cũng thích tên cậu. nghe như tiếng ai đó đang xoa tay để giữ ấm.”
“Trước đây tớ chưa bao giờ nghe thấy ai tên là Shmuel cả,” Bruno nói.
“có hàng tá Shmuel ở phía bên này của hàng rào đấy,” chú bé nói. “Có khi là hàng trăn ấy chứ. Ước gì tớ có một cái tên hoàn toàn riêng của mình.”
“Tớ thì chưa từng gặp bất kì ai tên là Bruno cả,” Bruno nói. “Ngoài tớ ra, dĩ nhiên rồi. tớ nghĩ tớ hẳn là người duy nhất.”
“Vậy thì cậu thật may mắn,” Shmuel nói.
“Ừ, chắc vậy. cậu bao nhiêu tuổi rồi?” Bruno hỏi.
Shmuel suy nghĩ và nhìn xuống những ngón tay mình, chúng ngoe nguẩy như thể nó đang cố tình tính nhẩm. “Tớ 9 tuổi,” nó nói. “Sinh nhật tớ vào ngày 15.04.1934.”
Bruno chằm chằm nhìn nó kinh ngạc. “Cậu vừa nói gì cơ?” cậu hỏi.
“Tớ nói là tớ sinh ngày 15.04.1934.”
Mắt Bruno mở to và miệng cậu há thành hình chứ O. “thật không thể tin nổi,” cậu nói.
“Tại sao không?” Shmuel hỏi.
“Không,” Bruno nói, lắc lắc đầu thật nhanh. “Tớ không có ý bảo là không tin cậu. ý tớ là tớ rất ngạc nhiên, chỉ thế thôi. Vì sinh nhật tớ cũng là 15.04 và tớ cũng sinh năm 1934. Chúng ta cùng sinh một ngày.”
Shmuel suy nghĩ giây lát. “Vậy thì cậu cũng 9 tuối,” nó nói.
“Phải, chuyện đó có gì kỳ lạ không?”
“Rất lạ đấy,” Shmuel nói. “Bởi vì ở bên này hàng rào có hàng tá Shmuel nhưng tớ không nghĩ là trước đây mình đã từng gặp bất kỳ ai có cùng ngày sinh nhật như tớ cả.”
“Chúng ta giống anh em sinh đôi,” Bruno nói.
“Hơi giống một chút,” Shmuel đồng tình.
Đột nhiên Bruno cảm thấy sung sướng vô cùng. Chợt chạy qua đầu cậu một hình ảnh của Karl, Daniel và Maurin, ba người bạn thân nhất trần đời của cậu, và cậu nhớ hồi còn ở bên nhau ở Berlinbọn cậu đã vui vẻ biết bao, để rồi nhận ra mình cô đơn nhường nào từ khi đến Ao Tuýt.
“Cậu có nhiều bạn không?” Bruno hỏi, hơi nghiêng đầu lúc đợi cậu trả lời.
“Ồ, có chứ,” Shmuel nói. “Ừm, kiểu thế.”
Bruno chau mày. Cậu đã hy vọng Shmuel sẽ nói là không vì như thế sẽ đem đến cho hai đứa một điểm chung khác. “Bạn thân ấy?” cậu hỏi.
“Ờ, không thân lắm,” Shmuel nói. “nhưng có rất nhiều đứa bọn tớ - bọn con trai bằng tuổi chúng tớ, ý tớ là thế - ở phía bên này hành rào. Nhưng suốt ngày bọn tớ chọi nhau. Đó là lý do tại sao tớ chạy ra đây. Để được ở một mình.”
“Thật bất công,” Bruno nó. “Còn tớ thì không biết tại sao lại bị mắc kẹt ở đây, phía bên này, chẳng có ai để trò chuyện và chẳng có ai để chơi cùng trong khi cậu có cả tá bạn và ngày nào cũng chơi hành tiếng. tớ phải nói với cha về việc đó mới được.”
“Cậu từ đâu tới vậy?” Shmuel hỏi, nheo mắt nhìn Bruno đầy tò mò.
“Berlin.”
“Nơi đó ở đâu?”
Bruno há miệng ra định trả lời nhưng nhận ra mình cũng hoàn toàn không chắc chắn. “Ở Đức, dĩ nhiên là vậy rồi,” cậu nói. “Không phải cậu cũng đến từ nước Đức sao?”
“Không, tớ đến từ Ba Lan,” Shmuel trả lời.
Bruno chau mày. “Vậy thì tại sao cậu lại nói tiếng Đức?” cậu hỏi.
“Bởi vì cậu nói xin chào bằng tiếng Đức. Vậy nên tớ đáp lại bằng tiếng Đức. cậu biết nói tiếng Ba Lan không?”
“Không,” Bruno nói, cười đầy căng thẳng. “Tớ chẳng biết bất kỳ ai biết nói cả hai thứ tiếng cả. Đặc biệt là chẳng có ai ở tuổi chúng ta.”
“Mẹ tớ là giáo viên dạy ở trường tớ và mẹ đã dạy tớ tiếng Đức,” Shmuel giải thích. “Mẹ tớ còn nói tiếng Pháp nữa. Cả tiếng Ý. Và tiếng Anh. Mẹ rất thông minh. Tớ không biết tiếng pháp hay tiếng Ý, nhưng mẹ bảo một ngày nào đó mẹ sẽ dạy tớ tiếng Anh vì tớ cần phải biết tiếng Anh.”
“Ba Lan,” Bruno trầm ngâm nói, trầm ngâm nói, thử sức nặng của từ đó trên lưỡi. “Nó không tuyệt bằng tiếng Đức, đúng không?”
Shmuel chau mày. “Tại sao không?” nó hỏi.
“Ờ, bởi vì Đức là đất nước vĩ đại nhất trong tất cả các nước,” Bruno trả lời, nhớ ra một câu mà cậu đã nghe lõm được được cha bàn luận với ông nội vô khối lần. “Chúng tớ siêu việt.”
Shmuel chằm chằm nhìn cậu nhưng không nói gì, và Bruno liền cảm thấy một khao khát khủng khiếp được đổi đề tài, vì ngay cả khi chính cậu đã nói những lời đó, cậu vẫn thấy chúng nghe có vẻ không được đúng lắm, mà cậu thì chẳng muốn làm cho Shmuel nghĩ rằng cậu không tốt chút nào.
“Thế Ba Lan ở đâu vậy?” câu hỏi sau khi vài khoảnh khắc yên lặng trôi qua.
“Ờ, nó ở châu Âu,” Shmuel nói.
Bruno cố gắng nhớ lại tên những đất nước mà cậu đã được học trong giờ địa lý gần đây nhất với ông Liszt. “Cậu đã bao giờ nghe tới Đan Mạch chưa?” cậu hỏi.
“Chưa,” Shmuel nói.
“Tớ nghĩ Ba Lan ở Đan Mạch,” Bruno nói, càng lúc càng bối rối hơn dù đã cố ra vẻ thật hiểu biết. “Bởi vì nơi đó cách đây là bao nhiêu dặm.” cậu nhắc lại để tăng thêm phần chứng thực.
Shmuel nhìn cậu chằm chằm trong giây lát, há miệng ra rồi ngậm lại hai lần, như thế nó đang cân nhắc lời nói cẩn thận. “Nhưng đây là ở Ba Lan mà,” cuối cùng nó nói.
“Thật sao?” Bruno nói.
“Đúng vậy. Còn Đan Mạch ở khá xa Ba Lan và Đức đấy.”
Bruno chau mày. Cậu đã từng nghe về tất cả những địa danh này nhưng luôn luôn thấy khó mà ghi nhớ rõ. “Ờ, phải,” cậu nói. “Nhưng tất cả đều là tương đối thôi, đúng không? Về khoảng cách ấy, ý tớ là thế.” Cậu ước bọn cậu có thể chấm dứt chủ đề này vì cậu đang bắt đầu nghĩ mình đã hoàn toàn sai và âm thầm quyết tâm sau này sẽ chú ý hơn trong giờ địa lý.”
“Tớ chưa bao giờ tới Berlin cả,” Shmuel nói.
“Còn tớ thì không nghĩ là mình đã từng tới Ba Lan trước khi tới đây,” Bruno nói, điều này là sự thật bởi vì cậu chưa từng đến thật. “Đó là, nếu đây thực sự là Ba Lan.”
“Tớ chắc chắn đây là Ba Lan,” Shmuel khẽ nói. “Mặc dù đây không phải là phần tươi đẹp của đất nước tớ.”
“Ừ.”
“Nơi tớ ở trước đây đẹp hơn rất nhiều.”
“Chắc chắn là không đẹp bằng Berlin được,” Bruno nói. “Ở Berlin gia đình tớ có một ngôi nhà lớn với năm tầng nếu tính cả tầng hầm và căn phòng nhỏ có cửa sổ trên tầng thương. Rồi có những con phố, những cửa hiệu, tiệm bán rau quả và vô số quán cà phê rất tuyệt. Nhưng bao giờ cậu tới đó, tớ sẽ không khuyên cậu đi quanh thành phố vào chiều thứ bảy đâu bởi vì khi ấy có quá nhiều người và cậu sẽ bị xô đẩy từ bên này qua bên khác. Và trước khi mọi thứ thay đổi thì nó còn đẹp hơn nhiều.”
“Ý cậu là sao?” Shmuel hỏi.
“Ờ, thành phố đã từng rất yên tĩnh,” Bruno giải thích, cậu không thích nói về việc mọi thứ đã thay đổi như thế nào. “Và tớ được đọc sách trên giường vào ban đêm. Nhưng bây giờ đôi khi nó thật ồn ào và đáng sợ, nhà tớ cứ phải tắt hết đèn khi trời bắt đầu tối.”
“Quê nhà tớ đẹp hơn Berlin rất nhiều,” Shmuel nói, dù nó chưa bao giờ tới Berlin. “Mọi người ở đó đều rất thân thiện, gia đình tớ rất đông người và thức ăn cũng ngon hơn nhiều.”
“Thôi, chúng ta bỏ qua chủ đề này nhé,” Bruno nói, cậu không muốn tranh cãi với người bạn mới của mình.
“Được thôi,” Shmuel nói.
“Cậu có thích thám hiểm không?” Bruno hỏi sau một giây lát.
“Tớ chưa bao giờ thực sự làm cuộc thám hiểm nào cả,” Shmuel thừa nhận.
“Khi nào lớn lên tớ sẽ thành một nhà thám hiểm,” Bruno nói, gật đầu rất nhanh. “Hiện tại tớ chưa thể làm gì được ngoài việc đọc sách về những nhà thám hiểm, nhưng ít ra điều đó cũng có nghĩa là khi chính tớ trở thành nhà thám hiểm tớ sẽ không phạm phải sai lầm như họ.”
Shmuel chau mày. “Nhưng sai lầm như thế nào cơ?” nó hỏi.
“Ôi, đếm không xuể,” Bruno giải thích. “Vấn đề của thám hiểm là người ta phải biết liệu thứ mà mình vừa tìm thấy có đáng được tìm thấy hay không. Một số thứ cứ ở yên đó, chỉ bận tâm đến việc riêng của nó, chờ đợi được khám phá ra. Giống như châu Mỹ ấy. Còn ở một số thứ khác thì có lẽ tốt nhất nên được để mặc ở đó. Ví dụ như con chuột chết đằng sau tủ bát.”
“Tớ nghĩ tớ thuộc về nhóm thứ nhất,” Shmuel nói.
“Ừ,” Bruno trả lời. “Tớ nghĩ cậu đúng là thuộc nhóm thứ nhất. Tớ hỏi cậu một câu được không?” cậu nói thêm sau giây lát.
“Được,” Shmuel nói.
Bruno suy nghĩ một lát. Cậu muốn đặt câu hỏi cho thật chính xác.
“Sao bên cậu có nhiều người thế?” cậu hỏi. “Và tất cả các cậu đang làm gì ở đó vậy?”