- Dở quá trời. Không hiểu sao lúc đó Thuyên lại quên dẫn chứng quan trọng đó chứ! Lại còn hụt giờ ở kết bài. A… Buồn quá đi…
Thuyên đang nói về bài làm của mình trong kỳ thi hôm trước. Thuyên cứ thấy buồn hoài về một thiếu sót không nên có, mặc dù cô giáo xem dàn ý trong nháp của Thuyên và bảo là đã nắm rất đúng ý của đề bài. Sở dĩ Thuyên buồn cũng là vì dàn bài của Như có một dữ kiện rất tốt để phân tích bài sâu hơn, trong khi Thuyên thì lại quên béng. Thuyên phải tức chứ! Trúc Anh gõ gõ cây thước lên bàn:
- Nè, có chịu làm toán không hả? Học nhóm với tui mà cứ lo chuyện đã rồi hoài. Một dẫn chứng nhỏ không ảnh hưởng quá lớn đối với bài văn “tuyệt bút” của Thuyên đâu! Hơn nữa, có lẽ ý đó cũng có nhiều bạn viết rồi, Thuyên không viết, có khi giám khảo lại… bớt ngán.
Thuyên kéo nét bút cẩn thận, vẽ cho xong hình ê-lip rồi nói:
- Biết rồi, không nói nữa đâu.
- Dữ ác hôn! - Trúc Anh cười.
Cậu trở lại với bài toán mà từ nửa tiếng trước, Thuyên cứ lằng nhằng. Phương trình đường ê-lip, phương trình đường tròn… rối cả lên. Thuyên muốn buông bút vì nhức đầu quá, nhưng phải ráng. Lớp 12, đâu thể đùa được! Trúc Anh giảng say sưa, đôi lúc dừng lại để xem Thuyên còn thắc mắc gì không. Thuyên ngoan ngoãn học cho xong hai tiếng đồng hồ.
Mẹ Thuyên bước vào với hai ly nước và một dĩa bánh quy:
- Hai đứa nghỉ một chút, ăn bánh đi!
Trúc Anh và Thuyên cảm ơn mẹ rồi xếp tập vở lại. Đã gần sáu giờ. Trúc Anh cắn một miếng bánh, hỏi:
- Sao giờ này ba Thuyên chưa về?
- Ba nói hôm nay bận tổng kết nên về trễ một chút.
- Sáu giờ rưỡi Trúc Anh phải về để kịp ăn cơm với ba mẹ. Hôm nay mẹ làm bò bít tết. Thuyên còn hỏi gì không, môn vật lý?
- Thuyên làm xong rồi.
Thuyên giở cuốn tập vật lý ra đưa cho Trúc Anh xem như để chứng minh lời nói của mình. Nơi cửa sổ, chiếc chuông gió Thuyên treo đôi lúc reo leng keng nghe rất vui tai. Thuyên thường nói với Trúc Anh:
- Đi đến đâu mà nghe tiếng chuông này thì Trúc Anh biết Thuyên ở đó.
Bây giờ, Thuyên đang chun môi thổi mạnh vào nó. Rồi Thuyên chợt hỏi:
- Từ bữa đi thi tới giờ, Trúc Anh có gặp lại Như không?
- Không… - Trúc Anh ngập ngừng:
Thuyên ngồi xuống ghế:
- Không biết quê của Như ở đâu Trúc Anh há? Mà Thuyên thấy Như ngộ lắm, không biết nói sao nữa…
- Thuyên ghét Như lắm hả? - Trúc Anh nheo mắt.
- Không có! Chỉ hơi giữ kẽ thôi.
Thuyên nhớ đến những hôm Như đi học lớp chọn, lúc nào cũng trễ mất vài phút. Có lần học gần hết hai tiết rồi Như mới đến. Thế mà không hiểu sao vẫn cứ học tốt được. Tác phong đi học như vậy, không thể chấp nhận!
- Trúc Anh biết không, có lần Như đi trễ quá, cô giáo la cho một chặp. Trúc Anh biết Như nói sao hông? “Thưa cô, em xin lỗi… Nhưng cô ráng thông cảm giùm em đi cô!”. Ý nói là sẽ tiếp tục đi trễ nữa.
Trúc Anh cười thành tiếng, có vẻ rất thích thú về câu chuyện Thuyên vừa kể. Trúc Anh cho là Như bận chuyện gì đó, chứ ai lại muốn đi học trễ. Thuyên cũng thắc mắc lắm, nhưng không thể hỏi Như. Đối với Thuyên, nội quy nhà trường là không thể sai được. Trúc Anh lại quan tâm đến chuyện khác, cậu hỏi:
- Thuyên có thấy Như thân với ai không?
- Không rõ lắm - Thuyên nói sau một lúc ngẫm nghĩ - Thuyên thấy Như quen biết nhiều, nhưng không thấy có bạn thân thì phải. Như mới chuyển trường mà.
- Sao Thuyên không thử tiếp xúc với Như? Trúc Anh nghĩ Như không xấu đâu.
Thuyên giương mắt nhìn cậu bạn thân đang soạn tập chuẩn bị về. Thuyên biết không phải tự nhiên mà Trúc Anh lại nói như vậy. Thuyên vừa định hỏi thì Trúc Anh đã bước ra cửa phòng:
- Thôi, Trúc Anh về. Sáng mai Thuyên nhớ đem mặt bàn đến lớp giùm Trúc Anh nghe!
Cửa phòng khép lại và Thuyên nghe tiếng Trúc Anh chào mẹ dưới bếp. Thuyên ngồi bệt xuống ghế, nghĩ mông lung…
Tới phường 8, Trúc Anh quẹo xe vào con hẻm nhỏ đầy hoa giấy. Nhà cậu ở đầu hẻm, khá rộng. Cậu cùng ăn tối với ba mẹ rồi lên gác nghỉ ngơi. Trúc Anh không thích xem tivi, cậu luôn mải mê với chiếc máy vi tính mà ba đã mua cho cậu từ mấy năm trước. Chơi games, soạn chương trình… cái gì cũng hấp dẫn. Chỉ mỗi tội, nhìn màn hình rất chóng bị mỏi mắt.
Trúc Anh vẽ loằng ngoằng vài hình trên máy rồi ra lan can ngồi hóng mát. Dưới nhà, ba mẹ đang xem phim Trung Quốc nhiều tập. Thỉnh thoảng, mẹ lại bình phẩm này nọ, ba chỉ cười.
Ai cũng bảo, càng lớn Trúc Anh càng giống ba cái tính không thích tranh cãi với mọi người, cười khoan dung là xong chuyện. Ba cũng là một nhà toán học. Đôi lúc Trúc Anh nghĩ, không biết sau này mình có giống ba bây giờ không nhưng tật ghiền thuốc lá thì Trúc Anh chẳng muốn giống ba chút nào. Trúc Anh phì cười khi nhớ đến lời Thuyên nói:
- Trúc Anh mà lắp cái “ống khói” vào miệng, chắc trông xấu trai lắm. Ai biểu, xấu trai sẵn rồi nên lớn đừng có mà bắt chước người ta hút thuốc nghe hông?!
Lần đó, mọi người bàn luận về chuyện mỗi ngày trên thế giới có bao nhiêu điếu thuốc được châm lên. Quả là một cuộc tranh luận sôi nổi!
Nghĩ đến Thuyên, Trúc Anh cảm thấy gần đây, Thuyên thay đổi nhiều. Thuyên hay ngồi trầm tư suy nghĩ, thả hồn tận đâu đâu và không còn thích kể mọi chuyện cho Trúc Anh nghe nữa. Có lẽ là vì Dũng! Một “anh Dũng” nào đó xa lạ với Trúc Anh nhưng đã có ảnh hưởng rất lớn đối với Thuyên. Trúc Anh cũng không biết có phải mình quá ích kỷ? Mỗi khi biết Thuyên nghĩ đến Dũng là cậu thấy rất… khó chịu trong lòng. Trúc Anh ước ao rằng, giá như mùa hè đó mình đừng để Thuyên về Nha Trang, để rồi… Có lẽ mọi chuyện đều có duyên cớ của nó, nếu lường trước được mọi điều thì người ta đâu ai phải khổ đau hay hối hận. Trong cùng một thời điểm, những sự gặp gỡ khác nhau sẽ mang đến những kết quả khác nhau, vui hay buồn… “Cuộc sống, có lẽ chỉ cần yên bình là đủ” - Như nói đúng. Lòng Trúc Anh giờ đang không yên bình. Nếu Thuyên có một người bạn thân khác, không phải là mình thì người bạn ấy có buồn như mình? Không biết trong những lá thư đó, Dũng đã viết cho Thuyên những gì mà Thuyên còn thích hơn lời của mình nói nữa. Hơn nữa, Thuyên biết Dũng quá ít, vẻn vẹn chỉ có mươi ngày, còn mình, gần 16 năm rồi…
Trúc Anh triền miên trong những suy nghĩ rối rắm, cậu không biết làm sao để dứt ra, cũng chẳng hiểu vì sao mình lại nghĩ nhiều như vậy. Cậu có cảm giác như đầu mình sắp nổ tung, tự dưng lại thấy tức giận. Chẳng lẽ mình “ghen” với Dũng? Thật điên rồ!
Cố gắng gạt những suy nghĩ kỳ quặc ấy sang một bên, Trúc Anh chợt nghĩ đến Như, một cô bạn cứ luôn đẩy Trúc Anh từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc sôi nổi hoạt bát, lúc lại co mình trong một vỏ ốc cô đơn đến thảm hại. Hẳn là Như có nhiều tâm sự nhưng chẳng biết nói cùng ai. Cũng lạ, Thuyên hiền như vậy mà lại có vẻ không thích Như. Có lẽ vì bản tính lạ lùng của cô bạn ấy. Tội tình gì chứ! Trúc Anh thở dài khi tâm trí lại quay về với chuyện của Thuyên. Cậu thật sự không muốn nghĩ nhiều nữa, nhưng…
Có tiếng mẹ gọi. Trúc Anh quay vào phòng.
“Dũng thân mến!”; “Anh Dũng!”; “Dũng thương!”... Ôi, sao tất cả đều có vẻ kỳ quá! Thuyên nghĩ mãi mà không biết nên dùng từ gì ở đầu thư. Chẳng lẽ cứ “Xin chào” hoài, Dũng sẽ chán mất thôi. Dũng viết cho Thuyên bằng những lời xưng hô nghe rất ngọt ngào, Thuyên đọc thì được, chứ còn viết lại cho Dũng như thế, Thuyên không làm được. Mới nghĩ mà Thuyên còn đỏ mặt lên rồi, huống chi… Thuyên cũng không dám khẳng định mối quan hệ của hai người như thế nào, chỉ thấy lòng xao xuyến và hạnh phúc khi nhận thư anh. Thuyên hay nghĩ vẩn vơ và mơ mộng ngày gặp lại nhau, lắm lúc cũng thấy nhơ nhớ… Như vậy có phải là… tình yêu?
Từ lúc Trúc Anh ra về cho đến giờ ăn cơm, Thuyên luôn nghĩ về lời mào đầu trong lá thư viết cho Dũng. Sáng mai Thuyên sẽ gởi đi, kẻo anh chờ lâu rồi lại buồn. Nhưng suy nghĩ mãi không xong, Thuyên cứ ngồi cắn bút hoài. Nhìn đồng hồ, sắp đến giờ ngủ, Thuyên hạ bút: “Chào anh Dũng! Em viết thư cho anh giữa đêm mùa đông tàn, anh có thấy lạnh...”.
Viết đến đâu, Thuyên lại nghĩ đến nét mặt của anh đến đó. Anh có vui nhiều không? Anh có nhớ đến Thuyên nhiều như anh đã viết?
Cũng may, ba mẹ rất tâm lý, không bao giờ cấm đoán chuyện thư từ của Thuyên, vì từ trước đến giờ nhiều người bạn cũng thường viết thư cho Thuyên. Nhưng nhiều lúc, Thuyên cũng hơi sợ. Nếu lỡ ba mẹ đọc được thư Dũng gởi cho Thuyên thì không biết hai người sẽ thế nào? Có ngăn cấm? Ba mẹ hẳn sẽ lo lắng cho việc học của Thuyên, nhưng chuyện học hành có bao giờ Thuyên xao nhãng đâu? Nghĩ vậy, Thuyên thấy an lòng đôi chút. Nhiều lúc Thuyên cũng muốn kể với mẹ, rồi lại thấy sợ sợ. Thuyên nghĩ, khi nào đậu đại học, nói sẽ tiện hơn. Lúc đó chắc ba mẹ sẽ không cấm đoán. Còn bây giờ, Thuyên có cả những tháng ngày bộn bề trước mắt.
Chữ đặc kín một đôi giấy, Thuyên kể về chuyến đi thi học sinh giỏi của mình cho Dũng biết. Thuyên còn lo lắng, sợ không đạt yêu cầu đã đặt ra, bảo anh đừng giận. Trong thư, Thuyên cũng không quên nhắc anh đừng hút thuốc và hỏi đùa xem anh có đang đi cùng với cô gái xinh đẹp nào không. Thuyên còn nói rõ dự định học sư phạm văn của mình nữa. Thuyên muốn trở thành cô giáo, một cô giáo thật dịu dàng.
... Lúc này anh đang làm những gì? Kể cho em nghe với! Bây giờ em rất muốn được ra với biển Nha Trang. Biển đẹp chứ anh? Trong này, bọn em đang gấp rút học tập, năm cuối nên cứ cuống cả lên. Em mong cho những ngày tháng mệt mỏi này nhanh chóng qua đi, em lại được nghe biển hát và thả hồn theo những áng mây bay. Anh có biết biển hát gì không? Hãy ước mơ và chắp thêm đôi cánh. Hãy bay thật xa đón ánh hào quang cuộc đời. Hãy tin tưởng và quý mến người bên cạnh… Em nghe biển hát vậy đó, còn anh? Chắc anh Dũng lại đang cười sự lãng mạn của em phải không? Cấm không được cười nghe, em giận đó! Mà anh Dũng nè, anh có thích đến thăm quê hương em không? Quê em đẹp lắm...…