Biết Người

Phần III - Chương 9

TÂM LÝ HỌC ÁP DỤNG VÀO VIỆC CẢI TẠO BẢN THÂN

Nếu tâm lý học có thể áp dụng trong việc tìm hiểu cá tính những người đồng loại, nó cũng có thể giúp chúng ta trong việc tu bổ cá tính của chính mình trong việc cải tạo bản thân.

Đã biết rằng cá tính thiên nhiên con người là bất di bất dịch, nhưng chúng tôi đã giải thích bằng cách nào chúng ta tuy không thể sửa đổi giá trị của những bẩm chất cốt yếu ấy lại vẫn có thể hướng dẫn cách sử dụng và hành động của mình đến những kết quả mong muốn.

Mọi người cần thấu đáo cá tính thiên nhiên của mình. Chúng ta phải tìm hiểu chính mình một cách thành thực để có thể chỉ định giá trị của những bẩm chất thuộc cảm tính hầu biết rõ rệt hệ số của những bẩm chất tham muốn; lòng nhân; óc hợp đoàn; hoạt động tính và cảm xúc tính. Để đánh giá những bẩm chất thuộc tinh thần như trí nhớ, trí tưởng tượng và óc phán đoán. Đành rằng cá tính thiên nhiên chúng ta ẩn núp trong phần vô thức và như thế muốn quan sát nó không phải dễ. Tuy thế chúng ta co thể quan sát nó một cách gián tiép, bằng cách xét dĩ vãng tìm xem nguyên nhân và hậu quả những hành động của mình. Hoặc giả chúng ta nhờ những bạn thân vừa thành thực vừa có óc phán đoán cho biết ý kiến của họ về chúng ta.

Người biết nghĩ đến việc cải tạo bản thân tức là đã biết gia tăng vận may của họ trong công cuộc tranh thủ thành công trên dời. Nhưng trước khi xét về vấn đề này chúng ta hãy xét qua về vấn đề vận may .

I. VẬN MAY

Trong những yếu tố có liên quan đến sự thành công trên đời, vận may là yếu tố kém quan trọng nhất. Nói thế sẽ có nhiều người phản đối nhưng chúng ta hay bình tĩnh mà nhận xét vấn đề.

Trước hết, hãy thử định nghĩa vận may là gì? Đó là những dịp, những cơ hội thuận tiện nó không tùy thuộc chúng ta, nó đến đúng dịp, đúng lúc để giúp chúng ta thực hiện những công cuộc chúng ta trù liệu. Vận may, cái vận máy thuần túy là những loạt cơ hội thuận lợi.

Cái vận may thực sự ấy mà chúng tôi gọi là vận may thuần túy nó không tùy thuộc con người, nó hoàn toàn khách quan.

Luật xác suất căn cứ trên thuyết đa số cho rằng cái vận may ấy nó không bạc đãi ai cả, nghĩa là mỗi người đều có hận hạnh đặng nó đến viếng một số lần gần như nhau. Xem thế, trước cái vận may thuần túy ấy mọi người đều bình đẳng. (Người xưa đã chẳng nói: “Mặt trời soi sáng chung cho mọi người” còn gì).

Tuy nhiên cái vận may trong đời sống có khác cái vận may trong những trò đổ bác có tính cách “rủi may hoàn toàn” như đánh chẳng lẽ hoặc xốc đĩa chẳng hạn, vì trong đời sống chúng ta ít có dịp gặp vận may, bởi trong bao nhiêu biến cố của một kiếp sống có mấy biến cố đặng gồm có sự ngẫu nhiên may mắn mà chúng ta vừa nói trên? (Chúng tôi nói những trò đổ bác có tính cách “rủi may” vì có những trò đổ bác mà nhà cái gác hơn nhà con phần nào. Thí dụ trong môn roulette nhà cái gác ở tụ ngôi sao và trong môn tài xỉu thì nhà cái gác ở tụ bảo, nhưng vậy ngay trong luật lệ của những trò chơi ấy nhà con đã có ít phần may hơn nhà cái rồi đó là chưa kể phần lấy xâu của chủ chứa. Vì thế những người thử thời vận trong những trò đen đỏ ấy thật không có óc phán đoán, bởi khi vào cuộc đã thấy rõ “vận may” họ kém hơn đối phương rồi mà còn thử làm gì? Nếu quả thật hai người muốn thử thời vận thì nên sát phạt nhau trong những môn cờ bạc hoàn toàn may rủi như đánh chẵn lẽ, đánh xấp ngửa, những trò chơi mà phần ăn thua của hai bên đồng nhau không ai gác ai. Song như luật xác suất đã chứng minh thì cái vận may thuần túy của hai người ấy đều như nhau, nghĩa là không ai hơn ai kém, nếu chỉ sát phạt nhau trong một thời gian ngắn rất có thể có một người ăn một người thua, nhưng nếu kéo dài canh bạc trong một thời gian dài thì hai người sẽ hòa nhau. Người có óc khoa học có thể “giỡn” tiền trong giây lát để giải trí chứ không bao giờ ngu xuẩn định “làm tiền” bằng cách đánh bạc).

Cái hy vọng để gặp những ngẫu nhiên may mắn ấy đã kém cỏi, chúng ta cũng không có cách gì giúp cho vận may ấy nẩy nở, thì trong những cuộc mưu tính làm ăn chúng ta nên gạt bỏ yếu tố ấy là hơn. Nếu chúng ta vừa thất bại năm bảy keo liên tiếp đừng căn cứ theo luật may rủi mà hy vọng rằng sau vận “đen” ấy thời vận chúng ta sẽ “đỏ” trở lại.

Những vận may chưa ắt đã hoàn toàn do may rủi:

Xét kỹ vấn đề, chúng ta sẽ thấy rằng những gì mà chúng ta thường cho rằng do vận may đưa đến thực ra không phải do sự ngẫu nhiên tạo ra. Có thể tìm thấy nguyên do của một cơ hội may mắn trong cái dĩ vãng xa xăm.

Cái vận hội tốt đẹp mà ngày nay chúng ta hưởng lấy kết quả biết đâu là chẳng do hành động của chúng ta trong thời gian đã qua, lúc bấy giờ chúng ta đã hành động một cách bất vụ lợi không nghĩ gì đến kết quả tốt đẹp mà chúng ta có thể rước lấy.

Xét ngay trong việc làm ăn chẳng hạn, lắm khi chúng ta làm nên là nhờ sự giúp đỡ của một người bạn hoặc nhờ biết dùng đúng nhịp chỗ quen biết. Nhưng không phải vô cớ chúng ta đã may mắn gặp vị “quới nhơn” ấy. Rất có thể họ giúp chúng ta vì trước đó lúc chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến sự giúp đỡ của họ chúng ta đã thâu phục cảm tình của họ, hoặc bởi lòng thành tín chúng ta đã làm cho họ cảm mến.

Có thể nói “vận may” của chúng ta có liên quan trực tiếp đến cá tính chúng ta. Chính những khả năng thể chất và tinh thần chúng ta đã giúp chúng ta thành công. Cái vận may thực sự là cái di truyền chúng ta thừa hưởng của ông cha. Như khoa học hiện nay đã chứng minh, di truyền này là do một sự phân phối hoàn toàn may rủi. Ở một đoạn sau chúng ta sẽ có dịp xét lại vấn đề di truyền này một cách kỹ hơn.

Cái vận số không may thực sự:

Không ai chối cãi rằng một người lúc ra chào đời đã mang tật què chân, mù mắt, gù lưng hoặc rất xấu xí thật quả có một vận số không may. Song đó chỉ là một điều thu thiệt mà người ta có thể vớt vát lại phần nào bằng cách phát triển tận độ cái cá tính tập thành. Trong doanh nghiệp chẳng hạn, cái vẻ đẹp thể chất thiên nhiên không ảnh hưởng quan trọng lắm. Đành rằng người bán hàng xấu xí khó lấy lòng khách hơn người bán hàng bảnh trai. Nhưng có biét bao nhiêu người không đặng tạo vật hậu đãi song họ vẫn rất khả ái, có biết bao tâm hồn siêu đẳng đã lướt thắng những khuyết kém thể chất.

Trong lịch sử không thiếu những thí dụ ấy. Hoàng đế Napoléon người vốn thấp bé và sức khỏe rất kém, Thánh Paul người đã xây đắp nền móng cho đế quốc giáo hội La Mã là người gầy yếu. Nhà cách mạng Mirabeau rất xấu xí. Ai cũng rõ suốt trận đại chiến thứ nhất thống chế F. Foch mắc phải bệnh đau thận. Cố tổng thống Hoa Kỳ F. Roosevelt là gương mẫu đáng ngợi của một người đã lướt thắng sự suy đồi của thể chất (ông bị tê liệt ở chân). Và gần chúng ta hơn, cũng không thiếu những thí dụ. Chúng ta đã từng thấy nhiều thương phế binh thích ứng lại cuộc đời một cách can đảm. Họa sĩ Lemordant bị mù, bị tê liệt nhưng vẫn hoạt động đắc lực. Một vị trạng sư nổi tiếng ở tòa án Paris, ông M. Bloch bị mù mắt từ lúc mới lọt lòng. Và hẳn chúng ta còn nhớ gương đáng ngợi của một đàn bà Mỹ, bà Helen Keller vừa mù vừa câm lại vừa điếc nhưng với một nghị lực không bờ bến bà đã tự tạo một nền học vấn uyên thâm.

Dù thể chất của một người có khuyết kém đến đâu, nếu cá tính họ có giá trị họ vẫn chưa đến nỗi tuyệt vọng.

Vì thế chúng ta nên quan tâm đến những bẩm chất cốt yếu hợp thành cá tính thiên nhiên và thử xem những bẩm chất ấy đã đặng truyền sang cho chúng ta như thế nào.

Vấn đề di truyền:

Những năm gần đây khoa sinh vật học và khoa di truyền học đã tiến bộ khá nhiều, nhưng trong đại chúng ít ai để ý đến những tiến bộ ấy.

Ở một chương trước nhân đã có dịp đề cập đến khoa tướng học chúng tôi đã có dịp nói sơ qua về vấn đề di truyền, nhưng muốn hiểu rõ vấn đề vận may tưởng cũng nên xét kỹ về việc di truyền.

Cách đây 70 năm (sách này xuất bản năm 1956) một vị tu sĩ người Áo mà cũng là một nhà thảo vật học trứ danh, ông Johan Mendel đã nêu ra những định luật đầu tiên về cách di truyền. Nhưng thời đó không mấy người nhận thấy sự quan trọng những công trình của ông. Phải đợi cho đến đầu thế kỷ 20 này người ta mới nhận thấy giá trị của những công cuộc tìm tòi ấy. Chính ông đã tìm ra những định luật về cách gây giống lai trong khi ông thí nghiệm về cách gây giống những cây trong khu vườn nhà ông.

Bắt đầu từ đó nhiều nhà khoa học như Morgan bên Mỹ và Cuénot bên Pháp đã nghiên cứu về vấn đề di truyền.

Nghiên cứu về một giống ruồi tên Drosophile, tục gọi là giống ruồi bu theo giấm chua, người ta đã tìm ra định luật chỉ huy việc di truyền sang những đặc tính. Nhưng ở đây chúng ta không cần biết rõ cách khảo cứu của những nhà bác học ấy mà chỉ cần biết những kết luận của họ ra sao.

Xưa nay người ta vẫn đinh ninh rằng những gì mà ông cha chúng ta đã thu thập, những tính tốt cũng như những tật xấu về trí thức cũng như về tinh thần sẽ đặng di truyền lại cho con cháu. Nghĩa là chúng ta chắc chắn thừa hưởng hoặc ít hoặc nhiều những cố gắng để cải tiến của ông cha chúng ta về phương diện trí thức hoặc tinh thần.

Song những kết luận của các nhà khoa học hiện nay đã làm cho chúng ta vỡ mộng. Đành rằng trong cái di truyền mà chúng ta thừa hưởng của ông cha, một nửa thuộc bên nội và một nửa thuộc bên ngoại. Nhưng khoa sinh vật đã chứng minh một cách không chối cãi rằng: khi cái trứng (cái trứng do sự phối hợp những tế bào của người cha và người mẹ kết thành) đã bị chia đôi thì nó đã trổ sanh những tế bào mới thuộc hai nguồn gốc khác nhau. Một hạng tế bào mang tên là tế bào thuộc thể chất, có nhiệm vụ tạo nên những phần khác nhau trong thân thể của một con người mới. Một hạng tế bào khác mang tên tế bào tính dục có nhiệm vụ sinh sản, truyền giống. Trong những tế bào thuộc hạng sau này lẽ dĩ nhiên có những chứa chất trong mầm giống của người cha và người mẹ đã mang khi hai giống ấy phối hợp nhau để kết thành cái trứng. Những tế bào này chỉ có tính cách sinh sản, do một sự kết hợp mới của mầm giống bên nội và bên ngoại và chỉ có cái mầm giống này là đặng di truyền từ đời này sang đời khác. (Và như Jean Rostand đã nói rõ, khoa học tìm ra một lý lẽ xác thực để chứng tỏ rằng những đặc tính về thể chất cũng như về tinh thần lại có thể tiêm nhiễm vào những tế bào sinh sản tức là những tế bào truyền giống. Đã không ảnh hưởng đến những tế bào này, những đặc tính ấy không thể di truyền lại).

Có hiểu như thế mới có thể giải thích tính cách bất biến của cá tính con người và chúng ta mới hiểu tại sao bản chất con người xưa nay vẫn không thay đổi. (Chỉ có những hiện tượng “ngẫu biến” là có thể làm mất tính cách bất biến này, làm thay đổi một cách đột ngột cái di sản của cha ông, song những hiện tượng “ngẫu biến” ấy rất hiếm thấy trong loài người. Vả lại thường nó chỉ ảnh hưởng đến những đặc tính phụ thuộc. Điều nữa là nó diễn ra một cách may rủi và thường ảnh hưởng một cách không hay cho nòi giống, có khi lại hủy diệt nói giống ấy bằng cách tạo nên những con người thác loạn). Chẳng hạn tâm lý các nhân vật trong những vở hài kịch của Aristophane (nhà soạn kịch trứ danh người Hy Lạp) vẫn còn giá trị đối với người thời nay. (Xét về những nhân vật trong các truyền Tàu cũng thế. Những Tào Tháo, Lưu Bị trong “Tam Quốc”. Những Hàn Tín, Quản Trọng, Trương Nghi trong “Đông Chu Liệt Quốc” vẫn rất gần gũi với người thời nay). Những thị dục, những khuynh hướng, những tâm tính con người thời “cổ” vẫn không khác với con người thời “văn minh” này.

Mỗi đứa trẻ mới ra chào đời quả là một con người hoàn toàn mới, bởi do một sự phối hợp duy nhất khác những phối hợp đã có từ trước đến giờ, song những yếu tố cấu thành con người mới ấy xét về nguyên thể, xét về những yếu tố cấu tạo vẫn không khác gì những yếu tố đã cấu thành các bậc tổ tiến của nó. Tất cả những gì mà các bậc tiền bối ấy đã thâu thập trong đời sống của họ đã tiêu tan đi một khi họ lìa cõi thế. Họ chuyền sang cho con cháu cái mầm giống còn những đặc tính về thể chất cũng như về tinh thần mà họ đã thâu thập họ không thể truyền sang cho con cháu.

Bởi, chỉ có sự liên tục giữa mầm giống này đến mầm giống khác từ là trên phương diện vật chất mà thôi, nên về phương diện tinh thần có một sự gián đoạn rõ rệt giữa hai thế hệ này và thế hệ khác. (Người Việt chúng ta có câu “cha làm thầy con đốt sách”). Hai phần này hoàn toàn biệt lập nhau cho đến nỗi chúng ta có thể nói rằng mỗi người khi sanh ra đời đều phải bắt đầu “học lại” tất cả những gì cần thiết để sinh sống. Những công trình, những cố gắng chúng ta chỉ có giá trị với chúng ta. Con cháu chúng ta không thừa hưởng đặng những gì mà chúng ta đã có hoặc đã thâu thập. Chúng ta không thể truyền sang cho con cháu thứ “tài sản” ấy. Tất cả những gì chúng ta đã có hoặc đã thâu thập đều mất đi một khi chúng ta chết. Chúng ta tiến bộ hay chăng là do ở sức mình và chỉ có chính mình là hưởng lấy.

Xem thế, chúng ta chỉ thừa hưởng của ông cha cái cá tính thiên nhiên, mà những yếu tố tạo thành cá tính này lại đặng phân phát cho chúng ta một cách may rủi trong số những yếu tố di truyền mà ông cha chúng ta đã mang trong người họ và họ không thể thêm thắt hay sửa đổi chi cả. Những tiến bộ của họ về tinh thần, cái vốn liếng văn hóa họ đã thâu thập, tất cả cái cá tính tập thành của họ đối với chúng ta kể như con số không.

Có thể sánh việc truyền sang sự sống với một cuộc thi chạy rước đuốc. Duy có điềm khác là mỗi lần có dịp chuyền bó đuốc sang tay người khác thì người cầm đuốc lại không thể chuyền trọn bó đuốc ấy mà phải chia nó ra làm hai phần bó đuốc đều nhau để chuyền sang và sau đó hai phần bó đuốc ấy lại kết hợp lại để tạo nên một thứ ánh sáng mới.

Cái vận may thật sự của chúng ta:

Cái vận may thực sự của chúng ta là ở phần cá tính thiên nhiên mà chúng ta đã thừa hưởng của cha mẹ. Chúng ta đã nhận thấy vai tuồng quan trọng của nó. Trong cái phần cá tính thiên nhiên ấy, tổ tiên chúng ta đã truyền lai cho chúng ta hoặc ít hoặc nhiều khả năng, một mớ vật liệu hoặc tốt hoặc xấu, nói tóm lại một mớ dụng cụ hoàn hảo hay chăng. Nhưng nó còn vấn đề trọng yếu khác là chúng ta có biết sử dụng những dụng cụ ấy chăng. Chính cách sử dụng những khả năng ấy mà mọi người có thể lèo lái con thuyền đời của mình theo ý mình.

Đối với người khéo sử dụng, dù những dụng cụ của họ không hoàn hảo họ cũng có thể tạo nên món đồ khá tốt. Với những vật liệu tầm thường người ta vẫn có thể xây dựng những tòa nhà kiên cố cũng như có lắm người sẵn có những tảng đá cẩm thạch tuyệt đẹp để xây dựng nhà lại làm sứt mẻ đi.

Khi bước ra thi đua với đời, mọi người trong chúng ta tương đối mà sánh, đều có chỗ hơn kém nhau ít nhiều.

Nếu không bị “vận số” bạc đãi thậm tệ thì mỗi người đều có thể về đến mức với một địa vị khả quan. Không phải những người về tốp đầu luôn luôn là những người chiếm ngao đầu.

Ở một phần trước chúng tôi đã có nói: điều đáng kể là ở cách phản ứng của bẩm chất lòng nhân đối với những bẩm chất khác. Nói rõ hơn: công lao của một người chính ở chỗ họ biết cố gắng nhiều hay ít để sử dụng những bẩm chất thiên nhiên hoặc khuyết kém hoặc phát triển quá độ.

Một người đa cảm xúc biết giữ bình tĩnh trước những biến cố trong đời lẽ dĩ nhiên có công khó hơn một người tính vốn thản nhiên. Một người có tính tham nhưng nhờ ảnh hưởng của giáo dục, biết giữ mình đặng liêm chính hẳn đáng ngợi hơn người vì kém tham muốn mà không biết tham lam v.v…

Như chúng ta đã thấy, những điều kiện để thành công trên đời cốt ở chỗ biết tu bổ và biết sử dụng mớ vật liệu về thể chất cũng như về tinh thần mà ông cha chúng ta đã truyền lại.

II. VỆ SINH THÂN THỂ

Đành rằng cái toàn thân cảm giác chưa thể gọi là sức khỏe, bởi nó còn tùy thuộc trạng thái bộ thần kinh, nhưng không ai chối cãi rằng nếu biết giữ gìn sức khỏe cho kiện toàn thì đồng thời người ta cũng đã gia tăng năng suất của cá tính phần nào, hoặc ít ra người ta cũng đã diệt trừ những nguyên nhân làm suy kém sức hoạt động.

Công việc làm bằng trí não dù là dưới hình thức nào cũng tiêu dùng một lượng sinh lực quan trọng chẳng kém những công việc làm bằng tay chân nặng nhọc nhất. Lịch sử văn học cho chúng ta nhiều thí du. Nếu Victor Hugo không không phải là một người “khỏe” thì dù có thiên tài như ông cũng chưa đủ để tạo nên một văn nghiệp đồ sộ như chúng ta đã biết. Nhà đại văn hào Balzac mặc dù rất cường tráng cũng thọ không quá năm mươi vì làm việc quá nhiều. Nhà soạn kịch Molière (Molière là một người thuộc hạng “tính bất định”) cũng ngã gục trên công việc làm. Chúng ta đã thấy gương bao nhiêu nhà doanh nghiệp thọ yếu, sức khỏe họ chóng hao mòn vì những công trình sáng tác.

Như chúng ta thấy, cái cơ sở thể chất cũng rất hệ trọng. Trừ khi lúc sinh ra đã vướng phải một chứng bệnh do bẩm sinh, ai cũng có thể giữ gìn sức khỏe bằng cách tuân giữ những quy tắc vệ sinh thích hợp, càng có tuổi càng phải tuân giữ nghiêm ngặt.

Vai trò của ông thầy thuốc:

Nhắc lại câu mà người ta thường nhắc: “Con người không chết, chính con người đã tự sát” sợ e quá nhàm tai. Tuy đây không phải là nơi để giảng về y học chúng tôi tưởng cũng nên nói sơ qua về lề lối sống của một nhà hoạt động.

Nguyên tắc của lối sống này gồm ở câu cách ngôn La tinh “In medio stat virtus”. (Có nghĩa là: “Đức tính chỉ đứng ở mực trung”, cũng một ý với thuyết Trung Dung của Khổng Tử). Không nên khinh thường sức khỏe cũng như không nên để cho thói “sợ mắc bệnh” ám ảnh, hơi nhất động nhất tĩnh là réo thầy, chạy thuốc. Người hoạt động không bắt buộc sống theo lối dưỡng sinh khổ hạnh của vị tu sĩ nhưng cũng không nên khinh thường lời khuyên của y sĩ.

Thật ra ít người biết cách “dùng thầy, dùng thuốc”. Bình thường không ai chịu hỏi han ý kiến của y sĩ, chờ đến khi lâm bệnh người ta mới chạy đến họ để cầu cứu. Và lúc bấy giờ, người ta lại đòi hỏi y sĩ phải chữa bệnh sao cho chóng lành. Ông thầy nào không biết ra toa dạy dùng thật nhiều thứ thuốc sẽ bị con bệnh cho là kém tài.

Chỉ có khoa giải phẫu là có thể trừ tuyệt gốc một vài chứng bệnh. Sự công hiệu của những món “cao đơn hoàn tán” chỉ có thời hạn.

Một vài thứ thuốc chủng họat huyết thanh mà y học đã tìm ra cách dùng cách đây không bao lâu, ngoài một vài thứ thuốc chuyên trị mới sáng chế gần đây như các vị thuốc trụ sinh… không có bao nhiêu thứ thuốc thật linh nghiệm. Phần nhiều các món thuốc chúng ta thấy trưng bày nhan nhản ở các hiệu thuốc (nói về thuốc tây cũng như thuốc ta) chỉ có thể xem là những trợ được, nó chỉ trợ giúp chứ không thể chữa hẳn căn bệnh. Việc chữa lành bệnh hay không phải do sức cố gắng của người bệnh phần nào.

Chúng ta chỉ nên xem vị y sĩ như một người giàu kinh nghiệm, có thể đoán biết cách đích xác bản chất của căn bệnh (Lẽ dĩ nhiên tương đối mà nói. Thực ra ông thầy thuốc không phải là ông thầy bói), mà như thế cũng đã nhiều lắm rồi. Ngoài ra ông thầy thuốc chỉ có thể giúp chúng ta phần nào bằng cách tổ chức việc vệ sinh thích ứng để chúng ta theo hầu phục hồi sức khỏe.

Ông thầy thuốc sẽ giúp chúng ta đắc lực hơn nếu chúng ta biết nhờ đến họ lúc chúng ta còn khỏe mạnh, tức là lúc bệnh chưa phát. Một vị y sĩ giỏi có thể tìm thấy triệu chứng những bệnh thuộc tạng phủ, những triệu chứng này người thông phàm như chúng ta khó thể nhận thấy, do đó vị y sĩ có thể quy định cho chúng ta những phép dưỡng sinh thích ứng hầu chận đứng căn bệnh trong trứng.

Câu nói hy hữu của ông Ambroise Paré (Một vị danh sư của Pháp thời xưa (1510 – 1590) chuyên về khoa mổ xẻ): “Tôi băng bó người bệnh, nhưng Chúa đã chữa họ khỏi bệnh” vẫn còn đúng. Những người hoài nghi, không tin thần thánh có thể nhái lại câu ấy để nói một cách khác: “Ông thầy thuốc trị bệnh, song chính người bệnh tự chữa khỏi bệnh”.

Một nhà hoạt động cần phải biết nghe lời khuyên của y sĩ để bảo vệ cái vốn sức khỏe của mình trước khi bệnh hoạn làm cho nó sứt mẻ.

Khi đã có tuổi, độ một năm rưỡi hoặc hai năm nên đi thầy thuốc để khám sức khỏe một lần, xin thử máu, nước tiểu, rọi kiến v.v... Đó là một cách hay để bảo vệ sức khỏe.

Một lối dưỡng sinh khôn ngoan:

Nhiều nhà doanh nghiệp lắm khi tưởng rằng họ bị đau dạ dày hoặc đau gan. Nhưng thực ra nếu hai cơ quan này có “trục trặc” đó là do lối ăn uống hối hả, bất thường của họ, hoặc giả vì họ có thói quen ăn uống tạp nạp, ăn quá nhiều mà sinh ra.

Nếu sự vận động cảu dạ dày không điều hòa thường khi đó là do bộ thần kinh. Khi cái “toàn thân cảm giác” không đặng tốt, chúng ta thấy đau ở dạ dày, lúc cái “toàn thân cảm giác” ấy đặng cải thiện chứng đau dạ dày lại biến đi.

Nếu lúc ấy chúng ta lại chạy đến thầy thuốc, tự nhiên họ sẽ ra toa, bốc thuốc và bắt chúng ta ăn kiêng này nọ. Nhưng thực ra với một vài quy tắc giản dị về phép dưỡng sinh chúng ta cũng có thể tự chữa bệnh cách nhanh chóng. Có thể gom lại những quy tắc này trong vài hàng: ăn chậm rãi, trong bữa ăn đừng uống nhiều (trước khi ăn khá lâu có thể uống vài cốc nước lã) nên dùng thứ bánh mì thật chín hoặc nướng. (Đối với người Việt chúng ta tưởng nên nhắc lại điều này: dùng cơm gạo lức bổ hơn cơm gạo giã trắng đã mất hết cám).

Dù không mắc bệnh gì chúng ta cũng nên tuân giữ những quy tắc chung của phép vệ sinh trong việc ăn uống.

Phép dưỡng sinh của nhà doanh nghiệp đặt nền móng trên tiết độ. Chỉ nên ăn vừa phải, có điều độ, thức ăn phải chọn những món giản dị, thịt nướng, cá nướng, rau cải hấp, quý hơn những món chiên xào rắc rối. Vả lại người sành ăn bao giờ cũng thích những món ăn đơn giản. Thỉnh thoảng có “đại yến” một bữa cũng không hại gì, song ngày kế đó phải bù trừ lại ngay bằng một ngày nhịn ăn (chỉ uống nước lã) hoặc ăn khem (chỉ ăn trái cây, uống sữa và nước lã). Bộ máy tiêu hóa là một guồng máy mà chúng ta chỉ nên bắt nó vận động vừa phải và điều hòa. Lỡ có bắt nó làm việc hơi nhiều thì liền sau đó phải để nó nghỉ ngơi.

Rượu rang (rượu chát) uống vừa phải trong bữa ăn cũng có phần bổ.

Lẽ cố nhiên nên tránh những thứ rượu mạnh, rượu khai vị, nhưng cũng đừng quá sợ nó như sợ thuốc độc. Người nghiện rượu thường là người có tính lo âu (kém hoạt động, óc phán đoán tệ).

Những chất kích thích như cà phê và thuốc lá có người dùng vô hại và có người dùng lại sanh độc, đó là tùy khí chất của mỗi người.

Những người thuộc thần kinh chất, những người bị thực khí, những lao tâm nên nghỉ trưa sau bữa ăn.

Thể dục và thể thao:

Phép dưỡng sinh hợp lý bao giờ cũng chủ trương việc tập thể dục, chơi thể thao. Nhưng nó cũng không khuyên ai sùng mộ hai môn này một cách mù quáng.

Bất luận môn thể thao nào làm vận dụng tất cả những bắt thịt trong người và chúng ta có dịp hô hấp thoáng khí đều tốt. Đi bộ là môn vận động vừa bình dân, vừa tốt nhất. Nếu có dịp đánh quần vợt, đi ngựa cũng hay nhưng không cần thiết, điều cần là có dịp hô hấp, có dịp làm cho các gân thịt trong người vận động.

Mỗi buổi sáng tập thể dục trong mười lăm phút là một lối vận động rất tốt. Nhiều người nói đến thể dục song không mấy người tập điều mặc dù họ có thiện chí. Phần đông chúng ta mệt mỏi vì lắm khi phải làm việc về đêm, sáng dậy rất trễ, mở mắt ra là công việc tấp tới, chúng ta đâm ra hấp tấp, vội vã, không còn cản đảm để “phí” mười lăm phút cho việc rèn luyện thân thể. Mặc dù đó là điều kiện cần thiết, mỗi buổi sáng làm vận dụng các bắp thịt khắp châu thân, hô hấp nhiều sẽ làm vận chuyển máu trong người do đó sẽ thêm phấn khởi khi bắt tay vào công việc trong ngày.

Người có tuổi nên tránh những môn thể thao dùng nhiều sức (đá banh, chạy bộ v.v…) có thể chơi các môn ấy nhưng phải hỏi ý kiến thầy thuốc. Những môn thể thao nhẹ nhàng hơn như: đi bộ, đánh quần vợt v.v… thì người có tuổi cũng có thể chơi, miễn là biết dè dặt chỉ chơi vừa phải. Nhiều người có tuổi bị đau tim mà họ không ngờ, nếu tim yếu không nên chơi môn thể thao nào cả.

Giấc ngủ:

Trong phép dưỡng sinh, giấc ngủ điều hòa là điều quan trọng. Thời thường không cần ngủ nhiều lắm, bảy đến tám giờ cũng đủ, song giấc ngủ phải thật ngon lành. Có người cho rằng địa thế của chiếc giường nằm có ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đặt chiếc giường xoay đầu về hướng bắc sẽ đem lại cho chúng ta một giấc ngủ an tịnh hơn là để nó xoay đầu về hướng đông. Điều này có thể là do từ trường của quả địa cầu mà những đường phát lực nó đi từ hướng bắc xuống hướng nam.

Chính tôi đã có dịp thí nghiệm thuyết này và thấy đúng. Tuy nhiên quý bạn đọc nên thí nghiệm lại thử xem. Ai cũng thừa biết phòng ngủ phải thoáng khí. Nếu không quen ngủ mà để cửa sổ mở thì cũng nên tìm cách nào khác làm cho phòng ngủ đặng thông khí.

Tóm lại: giấc ngủ chúng ta cần điều hòa và chúng ta cần ngủ thật ngon giấc. Nhưng gặp lúc bị những mối lo nghĩ vồ vập thì làm sao ngủ cho ngon giấc? Lịch sử kể lại những bậc vĩ nhân như Turenne, Napoléon, Joffre, muốn ngủ lúc nào cũng đặng dù là giữa nơi trận địa. Chưa phải là vĩ nhân, chúng ta nên biết một vài phương thuật nho nhỏ những lệnh hiệu để dỗ giấc ngủ.

Trước hết phải tập thói quen ngủ đúng giờ và dậy đúng giờ. Trước khi ngủ có thể xem sách nhưng nên tránh những tiểu thuyết quá hấp dẫn, quá kích thích, nên chọn những sách đòi hỏi nhiều suy nghĩ. Đọc quyển sách viết bằng một ngoại ngữ mà chúng ta mới học và nhiều nhá nhem cũng là một lối “ru ngủ” hay. Sự gắng sức để tìm hiểu làm chúng ta mau uể oải và buồn ngủ.

Song cách dỗ giấc ngủ hay hơn hết là tắt đèn rồi đừng suy nghĩ gì cả. Với một tí công phu luyện tập ta có thể “quét sạch mọi tư tưởng” trong đầu nghĩa là không suy nghĩ gì cả. Có những phương chước máy móc hơn là đếm chầm chậm từ một đến một trăm, hoặc nhớ một cảnh tưởng êm đẹp, một cuộc du hành lý thú v.v…

Người ngủ hay bị thức giấc hoặc bị mộng mị kinh hoàng là do ăn uống không tiêu. Người bị bệnh mất ngủ tức là khó dỗ giấc ngủ thường là do một trạng thái suy nhược hoặc bị cảm xúc thái quá.

Nên tránh những thuốc ngủ. Trước hết vì các thuốc ấy dễ sanh thói quen, càng dùng lâu phải dùng thêm mới thấy công hiệu. Điều khác, tất cả các thứ thuốc ngủ không ít thì nhiều đều có chất độc, nó ảnh hưởng đến trung khu thần kinh. Gặp lúc thần kinh bị kích thích làm cho khó ngủ, chúng ta chỉ cần tắm bằng nước hâm hẩm trước khi ngủ, hoặc uống một cốc nước thuốc sắc với hoa bồ đề.

Cà phê và trà là những chất kích thích có thể làm cho những người không quen dùng nó vào buổi tối phải mất ngủ. Cũng nên đánh đổ thành này: để bụng trống sẽ dễ ngủ hơn. Các loài vật sau khi ăn no luôn luôn đi ngủ. Nhưng, lẽ cố nhiên nếu ăn quá nhiều chúng ta cũng bị mất ngủ vì bộ máy tiêu hóa có thể mệt bởi vận động quá nhiều.

Sáng thức dậy nên để cho cơ thể làm việc trở lại một cách từ từ, đừng bắt tay vào những việc nặng nhọc ngay sau khi nhảy xuống giường, nhất là đối với người bị tăng huyết áp.

Trong ngày, giữa buổi làm việc thỉnh thoảng nên nghỉ ngơi trong giây lát để cho gân thịt có dịp nghỉ xả. Một cách hay nhất để nghỉ ngơi khi thấy cơ thể mệt mỏi là rút vào một gian buồng ánh sáng lờ mờ, ngả người ra trên ghế phô tơi êm ả hoặc nằm dài trên một chiếc ghế dài, duổi thẳng tay chân ra, cốt cho các gân thịt giãn ra, rồi nằm yên đừng động đậy, cũng đừng nghĩ đến điều gì cả. Nằm nghỉ như thế trong mười phút chúng ta sẽ thấy khỏe khoắn một cách kỳ lạ.

Ái tình:

Ái tình chiếm một phần quan trọng trong đời sống con người, thiết nghĩ cũng nên đề cập đến nó nhân dịp bàn về lối sống của người hoạt động.

Đức tinh khiết không phải là điều kiện bắt buộc để thành công trên đường đời. Vả lại, các hạch sinh dục có vận dụng điều hòa, bộ thần kinh mới đặng thăng bằng. Nhưng lạm dụng nó một cách thái quá lại còn tệ hại hơn. Về điểm hơi tế nhị này thiết tưởng chúng ta nên nương theo thiên nhiên hơn là đàn áp nó. Chúng ta quan sát thấy phần nhiều các nhà doanh nghiệp lỗi lạc đều sống một đời sống khắc khổ. Cũng có một số ít người hay “cặp xách” với những ngôi sao trong “làng chơi” nhưng đó chẳng qua là họ muốn làm ra vẻ “nhà giàu” (?), một cách họ làm quảng cáo. Không phải đa số nhà doanh nghiệp ấy, “thần thánh” gì hơn chúng ta. Sở dĩ họ không thiết nghĩ đến việc “chơi bời” vì họ cảm thấy những thú vui, những cảm xúc do công việc tranh thương đoạt lợi mang lại nó có phần hào hứng hơn những thú vui “yêu đương”. Hẳn là chúng ta có quyền nghĩ khác hơn họ.

Một mối tình cuồng si có thể là động lực thúc đẩy ta làm nên những công cuộc vĩ đại. Mối tình cuồng si thường xảy ra trong lúc kẻ si tình trải qua một cơn cường tính tăng lên quá độ do đó nó ảnh hưởng đến đời sống hoạt động của họ. Một tình yêu êm thắm gây ra thói yêu đời, vui tính, những điều kiện tốt để thành công. Song không phải tất cả những cuộc tình duyên nào cũng đi đến chỗ tốt đẹp đâu. Khi mà kẻ si tình bị thất vọng thì họ như mất thần, mất cái lò xo đã khiến họ hăng hái hoạt động và nguy hơn là họ có thể làm nhiều điều diên dại. (Chúng ta thường thấy gương những người vì mê say một “bông hồng biết nói” mà bán rẻ lương tâm, trở nên gian xảo. Xin nhắc lại đức liêm chính không tùy thuộc những bẩm chất di truyền, nó là kết quả của những khuynh hướng, của giáo dục). Xét kỹ lại, đã có bao nhiêu lần chúng ta quyết định về công ăn việc làm nhưng lại không đứng về phương diện kinh doanh để xét chỗ lợi hại mà chỉ nghe theo tiếng gọi của quả tim.

Điều tối kỵ mà nhà doanh nghiệp nào cũng phải tránh là đừng xen những trò chơi tình ái với những công việc làm ăn. Lẽ phải dạy chúng ta như thế.

Những thời giờ dành cho công việc làm ăn, cho chức nghiệp là những thời giờ bất khả xâm phạm. Dù gặp lúc “cảm hứng” đến đâu chúng ta cũng nên gác ngoài cửa văn phòng những “bài toán lòng”. Người khôn ngoan biết phân chia hai phần riêng biệt: những vấn đề kinh doanh và những vần đề thuộc quả tim.

III. VỆ SINH TINH THẦN

Công cụ chính của một người hoạt động là bộ não, phải cố gắng giữ gìn bộ não ấy cho khỏi ảnh hưởng. Biết giữ vệ sinh tinh thần có thể tránh đặng sự lao tâm.

Bộ não con người cũng bị thấm mệt và suy yếu:

Trước hết chúng ta cần phải biết thay đổi công việc làm của trí não, đừng để những công việc thuộc về nghề nghiệp hoàn toàn xâm chiếm óc não. Trong tập “Tiểu Luận” nhà hiền triết Montaigne đã có nói về điều này một cách rất hay, quả ông là một bậc khôn ngoan. Chỉ nên dành cho công việc làm ăn một thời giờ nhất định nào đó, ngoài ra nên để cho đầu óc thảnh thơi. Muốn đặng thế phải biết làm việc có quy củ, có phương pháp… Chúng ta thường thấy lắm người luôn luôn bị bù đầu vì công việc làm ăn. Làm việc không biết giờ giấc, ăn ngủ không yên vì luôn luôn họ bận tâm bận trí. Luôn luôn họ phải đổi những giờ hẹn với khách dù vậy họ cũng không làm hết một nửa công việc họ định làm. Và họ chép miệng than: “Đời gì mà vất vả thế. Không sao có đủ thời giờ để làm một công việc gì”.

Hãy quan sát họ: từ lúc sáng họ đã bị chậm trễ, đã mất nhiều thời giờ vì lối làm việc thiếu phương pháp, họ làm những công việc mà người khác có thể làm giúp họ, trái lại không lo nghĩ đến những việc thuộc thẩm quyền của họ. Năng suất của họ kém và nguy hơn là họ mất sức rất nhiều.

Ngoài trừ trường hợp đặc biệt không ai có thể làm công việc bằng trí não ròng rã bảy tám tiếng đồng hồ trong một ngày. Ngoài mức ấy ta sẽ bị mệt ngay. Có những người tưởng chừng họ có thể làm việc bằng trí não trên bảy tám tiếng đồng hồ song thực ra đó là họ không kể những thời giờ chết trong đó họ không sản xuất đặng gì mà trái lại còn làm giảm năng suất chung cua rhọ trong khoảng thời gian nói trên. Cũng như các công việc làm có tính máy móc, trong những công việc bằng trí não chúng ta cũng có thể phân chia thời giờ đắc dụng và những thời giờ chết. Chịu khó phân tách một chút ta sẽ gặp lắm bất ngờ.

Trong tiểu thuyết “Babbit” văn hào Sinclair Lewis có thuật lại câu chuyện ngộ nghĩnh sau đây: Nhân vật chính trong truyện vì muốn giữ sức khỏe nên đã can đảm quyết tâm không hút thuốc lá nữa. Ông ta vứt mấy hộp xì gà vào một ngăn tủ, khóa ngăn tủ ấy lại, hơn nữa lại cẩn thận bỏ chìa khóa tủ ấy vào ngăn kéo bàn viết, khóa ngăn kéo bàn viết rồi giấu chìa khóa vào một cái tủ khác. Sau đó ông bước ra khỏi nhà để rồi… tạt qua hàng bán thuốc lá.

Lắm nhà doanh nghiệp giống lão Babbit nói trên. Khi bước ra khỏi sở làm họ không biết khóa chặt các “ngăn kéo” chứa đựng những vấn đề làm ăn trong óc não họ. Những mối lo nghĩ về công việc làm luôn luôn theo họ như bóng với hình, họ lo âu, nghĩ vớ vẩn và trong những câu chuyện luôn luôn họ nhắc đến công việc đang trù liệu, những hy vọng, những nỗi lo ngại của họ.

Về phương diện vệ sinh tinh thần đó là một thói quen tai hại. Não óc là một bộ máy có thể bị hao mòn nếu chúng ta luôn luôn bắt nó làm việc trong một địa hạt nhất định. Có tay chạy đua bộ nào mà suốt ngày chỉ tập chạy? Sự mệt nhọc của tâm não phát hiện ra chậm hơn sự mệt mỏi của gân thịt, song bị lao lực có thể phục hồi nhanh chóng hơn bị lao tâm.

Người ra khỏi sở làm mà còn nghiền ngẫm mãi về công ăn việc làm đã làm suy giảm cái thể năng làm việc của họ, họ bị mất ngủ và sáng dậy họ không còn khỏe khoắn để bắt tay vào những việc hằng ngày.

Tạo thêm một “công việc làm cho tay trái”:

Muốn giải tỏa trí não không phải là một việc dễ nếu không có sự trợ giúp nào. Một cách hay để giải tỏa trí não là tìm ra một công việc nào khác hơn những công việc làm hàng ngày, nghĩa là thay đổi công việc làm, tạo ra một “công việc làm tay trái”. Công việc làm phụ thuộc này có thể là công việc thuộc tinh thần hoặc về tay chân cũng không quan trọng, điều cần là nó giúp chúng ta quên hẳn công việc làm ăn chính của chúng ta.

Một hôm, anh bạn tôi cũng là một chính khách cừ, một người rất thông minh, nói: “Ở đời này muốn đặng hạnh phúc phải “say sưa”, “say sưa” một cái gì nó không làm hại mình về thể chất cũng như về tinh thần”.

Câu nói bông đùa này thực ra chứa đựng một chân lý sâu sắc: sau khi tan giờ làm việc chúng ta phải quên hết công việc làm cho đến ngày mai, và bắt đầu óc “say mê” một trò giải trí hoặc một công việc gì khác, chẳng hạn như đánh cờ, chơi ô chữ, đánh quần vợt, sưu tầm tem bưu chính, tập vẽ, tập chơi đàn, hoặc đóng sách hay tập làm đồ mộc. Tôi đặng biết một nhân vật “giải tỏa” trí não bằng cách sưu tầm những chiếc xe lửa điện nho nhỏ theo kiểu của trẻ con chơi, trong giờ rỗi rãi ông ta đặt những đường ray nho nhỏ khắp phòng để cho xe lửa chạy dọc chạy ngang.

Ngoài giờ làm việc nhà doanh nghiệp nên thoát ly hẳn với cái không khí, cái khung cảnh, nói tắt là cái giới doanh nghiệp, vì nếu mãi đắm mình trong giới ấy chúng ta lại phải nói, phải nghĩ đến công việc làm ăn. Mấy ông bác sĩ có lẽ nhờ hiểu rõ hơn chúng ta những nguy hại của sự lao tâm nên ông nào cũng biết tự tạo thêm cho mình một “công việc lằm bằng tay trái” và khi chúng ta có dịp tiếp chuyện với họ ở ngoài đời, tốt hơn là đừng bao giờ nói đến những vấn đề y học.

Sau hết, nếu mỗi tối chúng ta cần khóa chặt các “ngăn kéo chứa đựng những công việc làm ăn” thì mỗi năm ít ra một lần chúng ta cũng nên tạm đóng cửa hiểu trong mươi hôm để đi nghỉ mát tức là để nghỉ ngơi một cách hoàn toàn.

Đi nghỉ mát:

Thay đổi cái không khí chưa hẳn là đi nghỉ mát. Nhất là cái khung cảnh của nơi nghỉ mát ấy lại không mấy khác cái khung cảnh thành phố chúng ta sống thường ngày, hoặc có khác chăng là ở những chiếc quần đùi, những chiếc áo lạnh ngoài ra nơi đó chúng ta lại gặp những hiệu ăn, những tửu quán, những nhà khiêu vũ, những “hộp đêm”. Biết đi nghỉ mát tức là biết ngơi nghỉ hoàn toàn mà như vậy bạn phải để cho trí não nghỉ xả hoàn toàn, tức là tạm sống trở lại đời sống của người hoang dã, chỉ sống bằng thú tính. Lối nghỉ mát rẻ tiền nhất mà cũng hiệu nghiệm nhất là lối sống nào có thể làm cho chúng ta sống gần thiên nhiên nhất.

Trong mỗi người đều có bản năng du hí du ngoạn, đều có sự thèm khát những chân trời xa lạ, nó khiến chúng ta thích thú thả rong thả rểu. Phần đông ai cũng thích du lịch. Xe hỏa, xe hơi rồi tàu bay là những khí cụ mở mang nẻo tự do cho chúng ta. Nhưng hiện giờ, với những đường lộ đầy xe, cuộc hành trình không còn khỏe khoắn như xưa… Nếu phải tự mình lái ô tô tên khoảng 500 cây số ngày chúng ta sẽ thấy thần kinh mệt mỏi.

Đi tàu bay tuy không nhọc sức nhưng vì sự thay đổi khí hậu quá đột ngột cũng làm mệt người.

Chỉ có lối cắm trại (hoặc đi bộ, đi xe đạp, hoặc đi thuyền để cắm trại…) là có thể tạo cho chúng ta những điều kiện sống gần gũi với lối sống sơ khai nhất. Nó có thể chữa chúng ta khỏi “cơn sốt” do dự náo nhiệt của thành thị gây ra. Ngoài ra nó mang đến cho chúng ta một bảo vật: sự im lặng. Có lẽ sự ồn ào của thành phố làm hại cho sức khỏe chúng ta nhiều hơn là cái không khí dơ bẩn của nó. Nhà cầm quyền và nhiều hội như hội “Touring Club” có tìm cách bài trừ những tiếng ồn trong các thành phố, song những công cuộc bài trừ ấy chỉ mới ngăn ngừa, không để tai họa ấy bành trướng chứ thật ra chưa làm giảm bớt.

Bộ thần kinh căng thẳng mệt mỏi của chúng ta có thể giãn xả, ngơi nghỉ trong cái khung cảnh an tĩnh của núi rừng hoặc giữa sự im lặng khôn tả của một con kênh lách mình giữa cánh đồng hiu quạnh, lúc chúng ta ngã mình trên chiếc thuyền con, tai chỉ nghe tiếng lạch chạch của sóng nước vỗ hai bên mạn thuyền, hoặc tiếng gió rỉ rít trên những cụm cây mọc theo ven bờ kênh.

Chúng ta ai cũng cần ít nhiều nghị lực để vượt lên những trở ngại ở hiện tại, ở tương lai. Dù có thất bại đến đâu, dù có mất mát những gì đi nữa chúng ta cũng còn một thứ vốn liếng mà chúng ta phải bảo vệ bất cứ giá với giá nào: sự nguyên vẹn của thể chất và của tinh thần. Một khi chúng ta còn giữ gìn đặng số vốn ấy, chúng ta chưa có quyền thất vọng. Chúng ta chưa mất mát gì cả, bởi với số vốn ấy chúng ta có thể gầy dựng lại tất cả.

IV. NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ THÀNH CÔNG

Như chúng ta đã rõ, trí tuệ có ba thành phần: trí nhớ, trí tưởng tượng và óc phán đoán. Ai cũng biết muốn thành công trên đời này cần phải đủ óc thông minh, tức là phải có đủ ba yếu tố cấu thành nên trí tuệ. Nhưng thực ra chỉ có óc phán đoán là cần thiết.

Đôi khi cũng nên đề phòng cái trí tuệ:

Lắm khi chúng ta cũng nên đề phòng cái trí tuệ ấy. Có những người rất thông minh, tức là có đủ ba bẩm chất nói trên ở mức độ khá cao, văn hóa cũng không thiếu nhưng lại thất bại liên miên. Chúng ta có thể hiểu vì đâu:

Người thông minh, văn hóa cao có thể hiểu mọi vấn đề một cách nhanh chóng. Họ có thể ước lượng ngay phương diện tốt và xấu của sự vật, có thể chỉ định bao nhiêu yêu tố mà người thông phàm không thể nhận định. Tuy nhiên họ khó lòng mà nhận định những phản ứng của hạng người thuộc bậc trung bởi họ lầm nghĩ rằng những người ấy cũng thông minh như họ. Cũng như lão hà tiện không bao giờ “biết” rằng mình keo kiệt, hoặc người hoạt động không thể “nhận” rằng người ta có thể ở không, một người thông minh có thể nhận rằng có lắm người đần độn. Đối vợi họ việc gì cũng dễ dàng, do đó họ lại tưởng rằng đối với người khác nó cũng phải dễ dàng như thế. Mà phần nhiều những công cuộc tranh thương lại đặt nền móng trên sự phản ứng của quần chúng mà trình độ trung bình rất thấp. (Một anh bạn tôi, vốn là họa sĩ vẽ quảng cáo, kể lại rằng trước khi ông cho đăng báo một tranh quảng cáo hoặc cho in một bích chương do anh sáng tạo ra, luôn luôn anh hỏi ý kiến của mụ gác cửa nhà, để xem mụ ta có hiểu qua ý nghĩa của những quảng cáo ấy chăng).

Người thông minh rất có thể phạm những lỗi lầm, hoặc giả họ chủ trương một cuộc làm ăn mà họ đinh ninh rằng đa số quần chúng sẽ biết tán thưởng, hoặc giả họ gác bỏ những công cuộc kinh doanh mà họ nghĩ rằng quần chúng sẽ không quan tâm đến.

Người quá thông minh cũng đâm ra ngở vực. Người hiểu quá nhiều sẽ không tin tưởng điều gì cả mà đức tin lại rất cần thiết cho người hoạt động. Nếu họ không tin tưởng những gì ở những gì họ chủ trương thì làm sao họ có thể làm cho người khác tin tưởng?

Chính đó là bí quyết sự thành công của nhiều nhân vật. Họ biết tạo ra chung quanh họ một thuần thuyết. Lòng tin mà họ truyền ra, tạo nên một không khí tín ngưỡng mà dù họ đã bị sụp đổ rồi vẫn còn lắm tín đồ sùng bái.

Một óc phán đoán tốt:

Chính óc phán đoán mới là điều kiện cần thiết để thành công. Trước một bài toán nêu ra người biết phán đoán tự nhiên sẽ cho giải pháp hay nhất.

Óc phán đoán là cơ sở của “tinh thần ước lượng sự vật” với tinh thần này người ta có thể chỉ dùng trí mà ước lượng với bao nhiêu đơn vị trong một đại lượng có thể đo lường. Đó là sự tinh mắt.

Thí dụ khi viếng sơ qua một xưởng may, người tinh mắt rất có thể độ biết, lẽ dĩ nhiên chỉ phỏng độ: xưởng may ấy chiếm bao nhiêu thước đất, dùng bao nhiêu nhiên liệu, có bao nhiêu máy móc và số thương vụ hàng năm là bao nhiêu.

Sự tinh mắt ấy giúp cho viên thư ký tòa soạn ngồi trước đống bài vở có thể ước lượng, biết phải đưa bao nhiêu bài vở cho thợ xếp chữ mới đủ một khuôn báo, giúp cho nhà buôn chỉ nhìn vào số khách ra vào có thể biết độ món tiền thâu trong ngày, giúp cho viên đốc công biết liệu phải dùng bao nhiêu kíp thợ là đủ dùng để hoàn thành một công việc trong một thời hạn nhất định v.v…

Cái tinh mắt ấy không ăn chịu với sự hiểu biết về toán học, bởi nó do một bẩm chất thiên nhiên của chúng ta: óc phán đoán. Lắm viên kỹ sư không đặng cái tinh mắt ấy, họ không thể làm một bài toán nhỏ nào mà không rút cây thước dùng để tính ở trong túi ra.

Trái lại, phép tính nhẩm mà mọi người đều cần biết, có thích giúp ích chúng ta nhiều.

Óc phán đoán vốn là một đức tính thiên nhiên do đó chúng ta mới có thể giải thích vì sao có nhiều người kém nhưng lại thành công rực rỡ trên đời: óc phán đoán của họ tốt.

Điều nữa, óc phán đoán giúp chúng ta biết áp dụng những quy tắc của tâm lý học. Một người biết phán đoán tiến bộ rất nhanh trong việc tìm hiểu người đồng loại và chính mình.

Có thể nào chúng ta cải thiện óc phán đoán chăng? Về cái giá trị của nó lẽ dĩ nhiên là không thể thay đổi, tuy nhiên sự học vấn, những trí thức nói chung và văn hóa có thể giúp chúng ta biết cách sử dụng óc phán đoán một cách đúng đắn và ích lợi. Người có học tự nhiên sẽ biết nhận định ngay họ phán đoán sai hay đúng và sai nhiều hay ít. Nếu họ nhận thấy đã phán đoán sai, sau đó họ sẽ biết tìm cách sửa lại, hoặc để kiểm điểm lại những nhận xét của họ.

Vì thế một người hoạt động cần bồi bổ sở học phổ thông của mình, nên tò mò tìm hiểu mọi điều, dù là những điều không dính dáng đến nghề nghiệp của mình. Sự học hỏi không có bờ bến. Càng đi sâu vào việc học họ càng thêm đặng đà tiến.

Phải có ít nhiều trí tưởng tượng:

Muốn hoạt động phải có ít nhiều trí tưởng tượng. Làm việc, không những là hành động mà còn phải biết tiên liệu. Trước khi bắt tay vào việc chúng ta phải biết rõ những gì mình phải làm và xếp đặt trước một chương trình hành động, bằng không những cố gắng chúng ta sẽ bị tản mác và do đó năng suất cũng sẽ kém đi.

Nếu công cuộc hoạt động của chúng ta không thuộc phạm vi sáng tác, thì trí tưởng tượng quá dồi dào sẽ làm hại hơn là giúp ích chúng ta, bởi nó sẽ đưa đến những ảo vọng, điều tối kỵ trong doanh nghiệp.

Người có óc tưởng tượng quá dồi dào có thể nhờ óc phán đoán để kềm hãm “mụ điên trong nhà” ấy. Cũng có thể nhờ giáo dục, học vấn, để cải biến trí tưởng tượng quá kém hoặc để hãm bớt một trí tưởng tượng quá sung mãn.

Trí nhớ:

Trí nhớ dai là một khí cụ hữu ích nhưng không cần thiết.

Nếu trí nhớ kém chúng ta có thể bồi bổ nó một cách gián tiếp bằng cách dùng những kỹ thuật luyện trí nhớ hoặc giả dùng một cuốn sổ tay ghi chú những gì cần nhớ.

Có cách hay để sử dụng một trí nhớ kém là gạt bỏ ra khỏi trí óc những gì không hữu ích cho đời sống hằng ngày và chỉ tập nhỡ kỹ những điều cần biết.

Nếu chúng ta không có trí nhớ về những con số thì cần gì phải mệt trí để nhớ số điện thoại của những người quen biết? Khi cần dùng, chỉ lật quyển niên giám hay quyển sổ tay ra cũng đủ.

Cảm xúc tính:

Trong trường đời cũng như trong doanh nghiệp, người kém cảm xúc tính có lợi hơn người đa cảm. Người có tính điềm nhiên ít bị khổ hơn và cũng tự chủ hơn dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào. Tập đặng đức tự chủ mà người Anh gọi lầ “self control” là đã nắm đặng một ưu thế. Đành rằng người có nhiều cảm xúc thì đời sống bên trong của họ cũng đặng phong phú hơn, nồng nhiệt hơn. Nếu họ dễ bị đau khổ thì họ cũng để thưởng thức những thú vui mà người có tính điềm nhiên không thể hưởng.

Nhưng, ở đây chúng ta đứng về mặt thực tiễn mà xét, chúng ta có thể khuyên những người đa cảm xúc nên kiềm hãm bớt những bồng bột của con tim. Vả lại, tập tự chủ không có nghĩa là hủy diệt mọi cảm xúc mà chỉ là ngăn ngừa đừng để bộc lộ quá rõ rệt. Nhưng đó là công việc của giáo dục, của văn hóa.

Nên nói thêm: điềm nhiên thái quá cũng là một tật xấu. người không biết cảm xúc gì cả tự nhiên sẽ có một thái độ trung lập trong những hoàn cảnh đòi hỏi sự hành động, thành thử họ đâm ra bất lực.

Cần nhiều hoạt động tính:

Lẽ di nhiên, thuốc thành công không thể thiếu hoạt động tính. Ở những chương trước chúng tôi đã nói rõ về những thứ tính tình có chịu ảnh hưởng của hoạt động tính nhất là về một thứ tính tình rất đặc biệt: tính bất định.

Xét về phương diện hoạt động tính chúng ta có thể xếp thành mấy hạng người sau đây: hạng bạc nhược, người lừ đừ, người kích thích, người ẩu tả, người hoạt động. Lại có những người tính bất định, khi thì họ hăng hái vui vẻ làm việc rất hăng, lúc thì dã dượi, rầu rầu, nằm co để rồi sau đó lại hoạt động mạnh.

Tính bất định vốn là một bẩm chất tùy thuộc cá tính thiên nhiên nên khó mà cải biến. Tuy nhiên nếu tính bất định ấy chỉ ở mức độ vừa phải nó không phương hại gì đến năng suất của một người. Có khác chăng là ở tiết điệu làm việc của họ. Trong giai đoạn kích thích người có tính bất định sẽ làm việc gấp đôi để bù trừ lại những lúc họ ngồi khoanh tay rế.

Không ai lại khiển trách một người có tính bất định vì như thế chẳng khác nào quở trách một người mù mắt hay một anh què chân. Bộ thần kinh của người có tính bất định đã bi lệch lạc, hay dao động, thăng trầm dù có quở trách họ đến đâu cũng không sửa đổi đặng phần nào. Tuy thế người ta vẫn có thể giảm bớt những hậu quả của bẩm chất thiên nhiên ấy.

Trước hết phải “săn sóc những dây thần kinh” như người ta thường nói. Song về điều này nói thì dễ mà làm thì rất khó. Cho đến ngày nay y học chưa tìm ra một phương pháp chắc chắn nào có thể điều hòa bộ thần kinh bị lệch lạc.

Khi tính bất định còn ở trạng thái nhẹ, gặp hồi thần kinh suy, tinh thần con bệnh đang xuống dốc, người ta có thể tạm chữa bằng cách cho họ thay đổi cảnh sống hoặc cho họ giải trí, đôi khi chỉ cần một vài người bạn vui tính gây ra một không khí vui vẻ là họ có thể chống lại cơn khủng hoảng ấy dễ dàng.

Song ở trạng thái trầm trọng thật khó lòng mà giúp người đỡ bệnh. Vả lại chính họ cũng không mấy rõ về trạng thái của họ. Lúc họ bị những tư tưởng đen tối ám ảnh họ ngờ rằng sẽ bị nó xâm chiếm mãi mãi không bao giờ “trời có thể sáng trở lại” mặc dù họ vẫn còn nhớ mang máng rằng vừa rồi mới trải qua một giai đoạn vui tươi.

Trong lúc này những người xung quanh họ phải hành động một cách kín đáo, nhất là đừng bao giờ lý luận hoặc quở trách họ. Như thế chỉ làm cho họ thêm bi quan. Tốt hơn là để họ ở yên và làm ngơ như không biết về tình trạng của họ.

Cơn suy nhược của người tính bất định không sớm thì muộn rồi cũng sẽ chấm dứt, song chúng ta có thể giúp cơn khủng hoảng ấy chóng qua bằng cách thay đổi nhịp sống của con bệnh, bằng cách đưa họ đi du lịch, để họ giải trí, chơi thể thao, nói tóm lại dùng những phương tiện nào có thể giải thoát họ khỏi cái không khí, cái hoàn cảnh đã làm cho họ ưu tư. Và ở đây cũng nên dè dặt, đừng bao giờ cho họ biết rõ ý định chúng ta bắt họ thay đổi lối sống như thế cốt giúp họ diệt trừ “những ý tưởng đen tối đang ám ảnh họ”, bởi như thế họ sẽ chống đối ngay.

Y học cũng có thể giúp họ phần nào với những thứ thuốc chỉ thống. Giấc ngủ, dù là giấc ngủ giả tạo vẫn còn là một thứ thuốc hay. Nhưng cũng đừng quá tin tưởng ở thuốc men và sự công hiệu chỉ là tạm bợ, nhất thời.

Óc hợp đoàn và lòng nhân:

Óc hợp đoàn và lòng nhân chỉ cần thiết trong một phần nhỏ. Người muốn thành công phải biết tự tạo những dịp may hiển nhiên mà chúng tôi đã nói ở một phần trước. Những dịp may ấy mà do những bẩm chất phức tạp mà ra: tính hòa nhã là do sự pha trộn của óc hợp đoàn và lòng nhân; tính hay giúp đỡ là do sự phối hợp của óc hợp đoàn và hoạt động tính.

Người thiếu óc hợp đoàn khó mà thành công. Không một ai có thể làm việc một cách đơn thương độc mã mà dựng nên nghiệp lớn. Tất cả những công cuộc làm ăn đều đòi hỏi sự hợp tác của nhiều người. Có thể nào chúng ta làm nên khi chúng ta thù ghét người đồng loại? Ít ra chúng ta phải biết chịu đựng họ.

Một lòng “tham muốn” vừa phải:

Tham muốn là một động lực cần thiết cho những ai muốn thành công trên đời. Vả lại thành công là gì? Phải chăng là đặt ra một mục đích và cố gắng đạt lấy mục đích ấy. Người thiếu bẩm chất tham muốn làm gì có mục đích?

Phải biết dùng cá tính tập thành, sự giáo dục để khích động bẩm chất tham muốn nếu nó quá kém cỏi, hoặc hãm bớt nó lại nếu nó quá sung mãn, để nó phát triển vừa đủ hầu nuôi nấng một ảo vọng chính đáng.

Tính kiên nhẫn và tính lạc quan:

Kiên nhẫn là sức chú ý đặng kéo dài ra một cách bền bỉ. Chúng ta cũng đã biết sức chú ý chỉ là một áp dụng của óc phán đoán. Đây là một đức tính rất hữu ích gần như cần thiết.

Người hoạt động có quyền và có bổn phận suy nghĩ thật lâu, thật kỹ một khi đã quyết định thì phải ra tay hành động ngay và nhất là hành động một cách bền bỉ.

Nhà hiền triết Hy Lạp Bias nói: “Lúc mưu toan thì phải trầm tĩnh mà khi hành động thì phải nhiệt tâm và kiên chí”.

Tính lạc quan là do ảnh hưởng của hoạt động tính và của toàn thân cảm giác. Nó là một yếu tố của đức kiên nhẫn giúp chúng ta san bằng mọi trở ngại.

Lạc quan không phải là nhìn thấy ở đời cái gì cũng tốt đẹp cũng dễ dàng. Lạc quan là nhận định rõ những nỗi khó khăn có thể xảy ra trên đường đời song tin chắc rằng chúng ta sẽ lướt thắng.

Nhưng dù lạc quan đến đâu cũng phải có một giới hạn: khi sự thất bại đã quá hiển nhiên. Cũng như trong lúc hành động chúng ta phải biết quyết định thật nhanh thì khi phải đương đầu với những trở ngại chúng ta biết chắc không thể lướt qua, chúng ta cũng biết ngừng lại ngay, đừng cố lì một cách vô ích.

Lắm lúc, thật là một khổ tâm khi phải quyết định cách tiêu cực như nói trên. Gặp trường hợp này chúng ta phải nhờ óc phán đoán, xét lại mọi khía cạnh của tình trạng hiện hữu, cân nhắc tất cả chỗ lợi hại, đo lường những nguy cơ, những thua lỗ cũng như một ít dịp may còn sót lại, sau khi cân nhắc kỹ chúng ta phải quyết định chọn lấy giải pháp nào ít hại nhất. Kinh doanh cũng như kiện tụng, khi còn trong vòng tranh chấp nếu thấy rõ mình bất lợi thì tốt hơn nên điều đình. Sự cố lỳ là tật xấu nguy hại nhất cho nhà doanh nghiệp.

Vả lại trên đời này có mấy ai là người chỉ thành công mà không thất bại? Khi trù liệu một công cuộc làm ăn chúng ta phải tiên liệu cái ngày ảm đạm ấy. Vị đại tướng tài danh nhất lắm khi cũng nếm mùi thất bại. Bại trạng cũng chưa sao, điều nên tránh là một cuộc đại bại toàn diện như Napoléon ở trận Waterloo.