MÊ TÍN, TẬP TỤC VÀ TÍN NGƯỠNG
Những sự tin nhảm như tin “chuột rúc, chim cú kêu, nhện sa v.v…” là do óc phán đoán khuyết kém thêm vào đó một cảm xúc tính quá mạnh, hoặc giả là do một trạng thái áy náy nó làm tê liệt óc phán đoán, có thể đó là do sự thiếu học. Thời xưa ở đồng bái, người ta tin “ma đuốc” vì thỉnh thoảng về đêm người ta thấy những đám lửa nhá nhem trên mặt ao hồ, nhưng bây giờ ở trường sơ học các trẻ con đều biết rằng ao hồ có thể bốc lên một thứ khí gọi là khí ao hồ (gaz) và thứ khí này tự nhiên có thể phát lên cháy. Vì thế hiện nay người có chút học thức không ai còn tin ở “ma trơi, ma đuốc” nữa.
Những “điềm xui”:
Bởi không am tường về những nguyên tắc của khoa số học sơ đẳng hoặc của khoa tính xác xuất nên số đông quần chúng hay tin tưởng ở những “điềm lành” hoặc “điềm xui”. Một độ nào báo chí có nói đến vụ “Tchaikowsky”. (Nhà soạn nhạc trứ danh người Nga). Nhiều nhà báo kể rằng: nhạc phẩm mà Tchaikowsky đã soạn ra trước khi quá vãng, có “huông” vì người ta nhận thấy rằng nó mang “họa” cho những người đã tham gia trong những buổi hòa tấu bản nhạc ấy tức là những nhạc công, những nhà tổ chức hoặc những người quen thuộc của họ. Người ta cũng đưa ra bằng cứ là có nhiều người trong nhóm nói trên đã chết. Tuy rằng không ai dám nói rõ những thính giả đã từng dự những buổi hòa nhạc ấy có phải chịu số phận không may ấy chăng?
Xét theo những định luật của phép tính xác xuất điều ấy chẳng có gì đáng cho chúng ta kinh ngạc. Những nhà bảo hiểm đều biết: nếu chúng ta lấy số 100 người, tuổi trên dưới từ 35 đến 40 ra mà xét thì mỗi năm đầu trong số 100 người ấy ít ra cũng có một người chết. Sở dĩ người ta cho rằng tác phẩm của Tchaikowsky có “huông” bởi đó là một nhạc phẩm tuyệt vời, lại nữa đó là công trình cuối cùng của ông ta (ông đã soạn ra trước khia lìa trần) do đó nó dễ làm người ta chú ý đến. Nếu người ta chịu nhận xét về các nhạc phẩm khác theo lối ấy, thì kết quả sẽ không mấy khác.
Cũng bởi tin nhảm theo lối này nên độ nào thiên hạ đã đồng đại rằng những nhà khảo cổ tìm ra mồ mả của Tou-Ank-Ammon (Vị vua Ai Cập mà một số nhà khảo cổ chuyên nghiên cứu về Ai Cập thời xưa đã tìm ra mồ mả vào khoảng năm 1922) đều bị ông thần hay ông thánh nào đó vật chết. Thực ra cũng có một vài nhà khảo cổ ấy chết, nhưng người ta quên rằng các nhà khảo cổ ấy phần nhiều tuổi đã gần đất xa trời vả lại khí hậu miền thượng Ai Cập lại không mấy hạp với người ngoại quốc, đó mới là những lý do thực tế giải thích tại sao trong những nhà khảo cổ đã đào mả vua Tou-Ank-Ammon lại có nhiều người chết.
Thực ra con người chỉ chết vì những nguyên do rất tự nhiên: chết già, chết bệnh, chết vì tai nạn, giặc giã, đôi khi chết vì đau khổ hoặc giả nói theo người tin đạo, vì Chúa Bà xét chúng ta đã làm xong nhiệm vụ ở dương thế này nên cất chúng ta đi. Ngoài ra những nhạc phẩm và những mồ mả các vị vua Ai Cập không ăn chịu gì đến sự chết chóc con người. Kể ra như thế cũng hay, bởi loài người đã sáng chế rất nhiều phương tiện để giết lẫn nhau, bày thêm một lối giết chóc theo kiểu nói trên tưởng không ích lợi gì.
Những món nữ trang có “huông”:
Lại còn có thứ mê tín khác cho rằng có những món nữ trang “có huông” tức là người nào mang nó sẽ bị tai họa. (Đại để người ta cho rằng: những người làm chủ hạt kim cương “Régent” một trong những hạt kim cương to nhất thế giới đều bị tai họa”). Đánh đổ thói mê tín này không khó: suốt một đời người mấy ai không bị “tai bay họa gửi” ít ra cũng một lần, lắm khi lại nhiều lượt, bị tang chế, đau ốn, bị tai nạn hoặc hao tài. Khi một biến cố không may xả đến cho người chủ món nữ trang ấy tự nhiên họ nhận thấy một mối liên quan giữa việc xui xẻo ấy với việc đeo món nữ trang đó, rồi họ cho việc xảy ra sau là nguyên nhân việc trước và “đổ tội” cho món nữ trang ấy “có huông” nhất là khi người chủ trước cũng gặp cảnh không hay như thế. Thực ra món nữ trang kia có dính dáng gì đến những tại họa đã xảy ra cho người mang nó đâu. Người hiểu luật xác xuất có thể phỏng đoán những tai họa này sẽ diễn ra bao nhiêu lần trong một đời người. Sở dĩ món nữ trang ấy bị người ta “đổ vạ” vì lúc tai họa ấy xảy ra “rủi” cho nó là chính lúc ấy người ta có mang nó trong mình.
Gần đây một tờ báo có thuật lại việc “xui xẻo” đã xảy ra cho tài tử Michel Simon mà chúng ta đã từng có dịp thưởng thức tài nghệ trên màn bạc. Ông ta mua một búp bê Trung Hoa mặc dầu nhà bán đồ cổ mách trước với ông rằng con búp bê ấy “có huông”.
Ít hôm sau đó, người giúp việc cho ông bị té gãy chân, con khỉ ông nuôi chết và vở kịch ông đang diễn bị thất bại. Ông hoảng hốt vứt bỏ con búp bê “có huông” ấy.
Giá ông giữ nó lại cũng không sao. Bị gãy chân không phải là một tai nạn hiếm xảy ra, giống khỉ nuôi ở trời tây tự nhiên dễ đau ốm vì không hợp phong thổ, còn những vở kịch “bị gãy đổ” tưởng cũng là việc rất thường…
Những thói mê tín khác:
Nếu có ai hỏi tôi: “Ông có tin rằng những người dự bữa tiệc có 13 người khách thì trong năm ấy thế nào cũng có một người chết?”. Tôi sẽ đáp: “Cái đó còn tùy tuổi tác và tình trạng sức khỏe của những người khách dự tiệc”. Lẽ dĩ nhiên nếu tuổi của những người dự tiệc ấy đều đã quá thất tuần hoặc giả nếu có một người trong đám có bệnh ung thư hay bệnh héo gan thì rất có thể sẽ có một người mãn phần trong năm đó. Bằng nếu 13 người ấy đều là những gã trai tráng “cọp vật không ngã” thì có phần chắc họ sẽ thọ thêm một tuổi nữa.
Thỉnh thoảng, có báo nhắc đến những vụ “nhà có ma”, “người chết hiện hồn về”. Nếu có dịp điều tra kỹ lưỡng người ta sẽ thấy những hiện tượng ấy hoặc có những nguyên do rất tự nhiên, hoặc giả đó là do một người “chơi trác” muốn phá phách xóm giềng cho bõ ghét, cũng có thể là do một người “khoác lác” muốn cho thiên hạ để ý đến mình nên phao tin “lạ”. (Như ông nào đó ở Gò Vấp “phóng tin” là Phật và Đức Mẹ hiện trong nhà ông).
Và những lối tin nhảm khác như ra ngõ gặp gái thì xui, gặp đám ma thì hên, hoặc nhện sa là có tin, chim cú kêu là trong nhà có người chết v.v… đều có thể giải thích là do lối nhận xét quá nông cạn của một số người lấy hiện tượng cho là nguyên nhân.
Nằm mộng và đoán mộng:
Từ thời xưa đã có những bậc tiên tri đoán điềm giải mộng và hiện giờ những sách đoán mộng vẫn bán chạy như tôm tươi.
Mặc dầu hiện nay các nhà khảo về thần kinh học đã vạch rõ nguyên nhân của giấc mộng. Trước hết nên biết trong lúc ngủ mê rất có thể chúng ta nằm mộng mà chúng ta không hay biết cũng không nhớ rõ đã thấy những gì. Những giấc mộng mà chúng ta còn nhớ lại và chỉ nhớ mù mờ lúc tỉnh giấc là những giấc mộng trong lúc “tỉnh”. Theo sự giải thích của các nhà thần kinh học thì những giấc mộng là những chu kỳ tâm lý vô trật tự đã diễn ra trong cái khoảnh khắc từ giấc ngủ mê đến lúc chúng ta lần hồi tỉnh trở lại. Có nhiều nguyên do làm cho chúng ta nằm mộng. Hoặc do những cảm giác nội thần như đau thắt ở dạ dày chẳng hạn, hoặc bởi lối nằm ngủ không đặng thong thả (nằm ép ngực, nằm nghiêng) cũng có thể là do một biến cố bên ngoài như tiếng chuông reo, cảnh cửa đập mạnh, hoặc những tiếng động dưới đường mà người đang ngủ lại đoán nhận biến cố ấy một cách hết sức nhanh, cho rằng đó là kết quả của một trạng huống.
Một nhận xét khác, ít khi chúng ta nằm mộng về những biến cố mới xảy ra dù là những biến cố quan trọng đáng cho chúng ta ghi nhớ.
Có điều hơi lạ: những sách đoán mộng xưa nay mà hầu hết là quyển này cóp nhặt theo quyển kia đều giải thích loanh quanh mấy “điểm” như: nằm mộng thấy nước, thấy “phân người” là có tiền vào, thấy rắn là bị phản bội, thấy răng rụng là bị bệnh v.v… nhưng không thấy quyển nào thử giải thích về tàu bay, về ô tô, máy điện thoại, máy vô tuyến điện hoặc về bom nguyên tử…
Từ mấy “lốc - cốc – tử” tiên sinh đến mấy ông “giáo sư” đoán mộng:
Mấy ông thầy bói dù đã dùng phương tiện nào để đoán tương lai vận mạng đi nữa: hoặc bói bài, xem chỉ tay, xây đồng lên cốt hay đoán theo những vết mực v.v… cũng chỉ là những người khá sành về tâm lý con người. Nhờ khéo quan sát họ có thể thấu hiểu cá tính của người đến nhờ họ đoán vận mạng (xem lại chương nói về cách khảo xét trực tiếp). Trong lúc tiếp chuyện họ khéo thăm dò ý tưởng của khách bằng cách gợi chuyện. May ra gặp người khách nhiều cảm xúc thì họ dễ dàng khai thác “bầu tâm sự” của khách.
Vả lại nội cái việc một người thích đi xem bói cũng đủ chứng chỉ họ có nhiều cảm xúc tính và đang trải qua một trạng thái áy náy. Bởi đó chúng ta vẫn thấy lắm người thông minh có ăn học lại thích đi xem bói. Mấy người “giáo sư” có tiếng há chẳng từng quảng cáo rằng họ xem vận mạng cho chính khách này, nhân vật kia. Trí tuệ không ăn chịu gì với những phản ứng của cảm tính, nó chỉ kiềm hãm những phản ứng ấy đặng phần nào khi những phản ứng ấy chưa đến mức mãnh liệt. Vì thế xưa nay có những bậc thông minh, học rộng lại bị những đam mê lôi cuốn: mê đánh bạc, hoặc mê gái lẽ ra đã có đủ khí giới để tự vệ họ phải dễ lướt thắng những đam mê ấy hơn người thông phàm.
Chúng ta cũng nhận thấy mấy ông “lốc – cốc – tử” hay “giáo sư” ấy thường chỉ đoán về những việc tổng quát, họ khéo dè dặt bằng cách đoán úp mở, chiết trung. Xét theo luật xác xuất trong số một trăm việc họ đoán ắt phải có một hai việc xảy ra. Người đi xem chỉ nhớ đến hai việc đoán trúng ấy thôi, còn bao nhiêu lời tiên đoán khác bị “lạc quẻ” thì không ai nhớ đến.
Ngoài ra lối tiên đoán của họ cũng rất mập mờ chỉ ước lượng về “phẩm” không bao giờ đề cập đến “lượng”. Đại khái họ chỉ nói với khách: “Ông sắp có tiền”, “Bà sẽ có dịp đi” nhưng có bao giờ họ đoán rõ số tiền là bao nhiêu, hoặc nói rõ đi xa hay đi gần, đi trong thời gian bao lâu? Cái ngữ vựng họ dùng rất khéo chọn lọc để đoán theo lối “hàng hai” đại để: “Bà sẽ có một người đàn ông tóc đen giúp”, “Ông sẽ gặp một người đàn bà hơi lẳng lơ”, “Cô sẽ có tin”, “Có người đàn ông để ý đến cô”…
Một khi đã nhận rõ cái phương trình cá tính của một người, đã biết rõ về tình trạng sức khỏe của họ chúng ta cũng rất có thể, không phải tiên đoán từng chi tiết, từng điểm một về tương lai của họ, nhưng ít ra cũng đoán đặng đại khái về cách họ phải hướng cuộc đời như thế nào, về những tại nạn, bệnh tật có thể xảy ra cho họ. Cũng như khi nhìn vào những gì đã diễn ra trong lịch sử của một nước chúng ta có thể tiên đoán về tương lai của nước ấy, lẽ dĩ nhiên chỉ đúng phần nào thôi, bởi chúng ta là người phàm chứ phải đâu là thần thánh.
Nhiều người hỏi chúng tôi: “Ông có tin tưởng ở khoa thông thần học chăng?”. Chúng tôi luôn luôn đáp: “Nếu quả thật người ta có thể đàm đạo với một người thân yêu đã quá vãng thì đó là một giáo lý rất hay để vỗ về lòng người”. Song tiếc thay, xưa nay khi người ta gọi hồn người chết về, bằng cách nay hay cách khác người ta chỉ nhận những câu trả lời rất sáo, rất vô vị, điều này càng dễ nhận thấy khi người ta gọi hồn một bậc danh nhân.
Còn về những “ông đồng”, “cô cốt” chúng tôi chỉ tin ở quyền lực của họ khi giữa thanh thiên bạch nhật và trước mắt mười người chứng vô tư có ai làm cho chúng tôi đặng thấy cái “hồn” hay cái “vía” từ trong một người xuất ra hoặc giả đặng thấy những món đồ không ai sờ động đến lại có thể bị dời đi.
Chiêm tinh học:
Chiêm tinh học, cái khoa học giả hiệu cho rằng xem vị trí các hành tinh trong những chòm sao là có thể đoán về tương lai của người, thực ra chỉ là một trò bịp bợm.
Trước hết, nên biết rằng các hành tinh đều vận chuyển theo một vòng quanh, nếu sự vận chuyển ấy có vẻ phức tạp thì đó là do sự vận chuyển của địa cầu sánh với sự vận chuyển của mặt trời.
Lại nữa, như ông Paul Courdec đã nhận xét trong quyển “Những chặng đường của thiên văn học”:
1) Những hành tinh không phát ra thứ ánh sáng nào khác hơn là ánh sáng của mặt trời. Mặt trời đã chiếu ánh sáng vào hành tinh và ánh sáng này phản chiếu lại địa cầu. Song thứ ánh sáng mà những hành tinh đã phản chiếu vào địa cầu nó kém hơn ánh sáng mà mặt trời chiếu thẳng vào địa cầu muôn triệu lần.
2) Những chòm sao chỉ là những ảo ảnh nó làm cho chúng ta thấy một số ngôi sao luôn luôn hiện ra trên một góc trời nào đó mà thực ra những ngôi sao này ở cách xa nhau hằng bao nghìn “năm ánh sáng”. Nếu có thể vượt ra ngoài địa cầu, đứng ở một góc vòm trời nào khá xa địa cầu để nhìn thì chúng ta sẽ thấy vị trí các chòm sao không còn sống như chúng ta đứng ở địa cầu mà nhìn.
3) Một hành tinh không thể “ở trong” một chòm sao, nói theo lối các nhà chiêm tinh học, vì rằng một hành tinh bao giờ cũng ở gần địa cầu hơn một ngôi sao. Vả lại vị trí các ngôi sao vẫn thay đổi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác bởi một hiện tượng mà thiên văn học gọi là sự “tuế sai của tiết cân phân”.
Xét ngay về mặt trăng, nó rất gần chúng ta, nó có ảnh hưởng đến những con nước, đến sự xoay hướng của cành cây, chiếc lá tuy thế cho đến nay chưa ai có thể chứng minh một cách khoa học rằng nó có ảnh hưởng đến khí tượng học hoặc đến nông nghiệp.
Hiện nay các báo chí (ở nước ta cũng như ở ngoại quốc) thường có những trang “tử vi, đẩu số”. Điều này cho chúng ta thấy rõ sự ngu muội vô cùng tận của loài người.
Tại sao lại sợ chết?:
Người ta đã bày vẽ lắm điều mê tín xung quanh cái sự chết. Hiện giờ ít ai dám “phiêu lưu” vào trong một nghĩa địa lúc đêm thanh vắng. Thực ra còn nơi nào an tĩnh hơn các nghĩa địa. Thời xưa người La Mã chôn xác dọc theo các đường lộ như hiện giờ chúng ta vẫn còn thấy ở các vùng gần thành Ajaccio thuộc đảo Corse. Ở Thổ Nhĩ Kỳ nghĩa địa là nơi để dân chúng đến hóng mát. (Ở thành Gênes (Ý) có một nghĩa địa mang tên là “Campo Santo”, trong đó phần nhiều các ngôi mộ (lẽ dĩ nhiên là của những bậc phú gia) đều là những công trình mỹ thuật đáng kể. Du khách thập phương ai đã đặt chân lên thành Gênes đều có đến viếng).
Chúng tôi không hiểu tại sao hiện giờ người ta lại rào kín các nghĩa địa. Những người đã nằm trong đó dù có thành “ma” họ cũng chưa ắt có phương tiện để trốn thoát, còn những người hiện còn ở ngoài vòng thì có ai lại muốn nhảy vào nơi “an nghỉ cuối cùng” ấy?
Thói sợ những người chết cũng là một điều khó hiểu, đối với những ai tin theo thuyết “sự sống bất diệt” thì người chết chẳng qua là một nắm tro bụi còn linh hồn của họ thì đang tiêu diêu nơi cõi xa xăm nào; còn đối với những người vô tín ngưỡng đã không tin gì cả thị tại sao lại sợ một nắm xương tàn?
Phải vận dụng nhiều tưởng tượng mới có thể suy niệm trước một nấm mồ. Người quá vãng đâu có ở dưới ba tấc đất. Họ chỉ sống trong trí nhớ chúng ta. Nếu đó là những người thân yêu họ sẽ sống mãi trong trí óc chúng ta cho đến khi người đời không còn nhớ đến họ nữa thì họ sẽ bước vào cõi hư vô.
Về những tăm tiếng của mỗi thời đại:
Người đời thường gán cho mỗi thời đại cũng như cho mỗi một người một thứ tiếng tăm. Có những thời đại đặng người ta khen tặng là “đức hạnh” như thời vua Louis XIV, lại có những thời đại bị mang tiếng là trụy lạc như thế kỷ XVIII và nhất là thời “Nhiếp Chính” bên Pháp. (Ông quán trong Lục Vân Tiên đã chẳng phê phán:
“Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang”
…
“Ghét đời Thúc, Quý phân bang
Sớm đầu tối đánh, lăng quằng rối dân”
…
“Thương là thương Đức thánh nhân
Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần lúc Khuông
Thương thầy Nhan Tử dỗ dương”)
Thực ra không có thời đại nào là “tốt” hay “xấu” hơn thời đại nào. Làm gì nền phong hóa của loài người có thể thay đổi một cách nhanh chóng như thế? Có những thời đại hỗn loạn (đại để như các thời hậu chiến) mà tội lỗi và sự khốn khổ con người đặng phơi bày ra trước mắt mọi người một cách không thẹn thùng. Và có những thời đại mà thói hư nết xấu của con người bị luật lệ kiềm hãm một cách quá chặt chẽ, làm cho chúng ta ngờ rằng ở thời ấy đạo đức đã cả thắng tội lỗi. Nhưng thực ra cái vẻ đạo đức ấy chỉ đượm ở lớp ngoài. Bất luận ở thế hệ nào, cái tỷ lệ giữa những người “tốt” và những người “xấu” cũng vẫn không mấy khác nhau. Bởi, như chúng tôi đã nói ở trước, dù loài người có “văn minh tiến bộ” (?) thật song con người lúc nào cũng là con người. Những nhiễm thể của tế bào sinh sản chúng ta hiện nay vẫn không khác những nhiễm thể đã cấu tạo tổ tiên chúng ta ở vào thời đại Thạch khí, tuy có một vài biến đổi do hiện tượng đột biến gây ra song nó chỉ ảnh hưởng đến những đặc tính phụ thuộc. Mỗi con người sanh ra đời là một con người hoàn toàn mới. Nếu con cái chúng ta có giống chúng ta phần nào đó là do sự ngẫu nhiên.
Cá tính thiên nhiên của chúng đặng tạo thành do một sự hòa trộn hoàn toàn mới của những đặc tính mà chúng ta đã thừa hưởng của tổ tiên và chúng ta di truyền lại cho con cái sau khi đã mang dùng một phần nào để thực hiện đời sống chúng ta. Những đặc tính tổng quát này rất ít tuy rằng những sắc thái của nó thì rất nhiều, vì thế tính theo luật xác xuất, tỷ lệ về các loại cá tính con người vẫn không thay đổi dù ở thế hệ nào.
Dù ở thời đại nào, cái tỷ lệ giữa những người tham ăn và người tiết độ, người hiền lành và người hung ác, người hoạt động và người nhu nhược, người đa cảm và người điềm nhiên, người biết phán đoán và người nông nổi, người khôn ngoan và người khờ dại vẫn không thay đổi.
Như chúng tôi đã nói ở phần trước, chỉ có những cá tính tập thành là biến đổi do ảnh hưởng của bao nhiêu yếu tố: phong tục, tập quán, luật lệ xã hội, giáo dục, những biến cố tang thương hay tốt đẹp, chiến tranh, sự thịnh, suy v.v… Chính cá tính tập thành này đã tạo ra cái đặc tính của mỗi thời đại. Vả lại cái đặc tính này chỉ tạm bợ và chỉ có ở mặt ngoài bởi những cá tính tập thành ấy chỉ là những lớp mặt nạ, nó không đặng di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó chỉ có giá trị riêng đối với mỗi người. Hơn nữa, ngay đối với mỗi người nó vẫn có tính cách tạm bợ, nhất thời. Nội một việc thay đổi khí hậu cũng có thể thay đổi cá tính tập thành của một người, để rồi những đặc tính thiên nhiên phát lộ trở lại.
Lấy một thí du, hạng người “ái nam nái nữ” ở thời đại nào cũng có ít nhiều, bởi sự nghịch đảo của tính dục không phải là một đặc tính tập thành mà là do một bẩm chất thiên nhiên đã bị một trạng thái cảm xúc quy định theo một điều kiện nào đó. Những công trình khảo cứu của giáo sư Pavlov về những phản ứng có điều kiện, của các giáo sư Ernest Dupré, Delmax, Marcel Boll về cảm xúc đã chứng tỏ rằng thói đồng tính ái luyến và những chứng thác loạn của tính dục đều do một thể tạng đa cảm xúc và một phản ứng đã bị quy định theo một cảm xúc riêng của tính dục gây ra.
Vì thế ở thời đại nào cũng có hạng người “ái nam ái nữ”. Sống ở những thời đại mà “căn bệnh” ấy bị xã hội khép vào tội tử hình thì những “con bệnh” tự nhiên vì sợ sệt phải giấu nhẹm “tật bệnh” của họ, không dám để nó chường ra một cách công khai. Các sử gia thời sau rất dễ lầm tưởng rằng ở thời đó những chứng thác loạn của tính dục đã bớt đi hoặc bị tiêu diệt. Thực ra nó vẫn tồn tại, song nó chỉ phát lộ một cách kín đáo mà thôi.
Thời xưa, ở La Mã luật Julia kết án tử hình những đàn bà ngoại tình. (Và thời đó bên nước ta những hạng đàn bà ấy cũng bị “voi chà, ngựa xé” hoặc bị “kết bè thả trôi sông”). Ở thời Trung Cổ, đạo Công Giáo cũng đặt ra những luật lệ rất khắc khe để bảo vệ thuần phong mỹ tục, những luật lệ mà trải qua các thời đại sau đó đã bớt gắt gao dần dần và hiện nay người ta còn thấy dấu vết trong bộ dân luật. Nhưng không phải vì thế mà số những ông chồng “bị cắm sừng” đã suy giảm. Lúc những luật lệ khắt khe ấy còn hiệu lực nó chỉ làm cho các cặp nhân tình “bất hợp pháp” thêm dè dặt.
Cũng như vào đầu thế kỷ XVII bên Châu Âu có rất nhiều thầy tu sa đọa. Song đồng thời lại có những bậc thánh thiện như Vincent de Paul, Francois de Sales, Bossuet, Bourdaloue v.v…
Căn cứ vào đó để buộc tội hay đề cao đạo Công Giáo cũng đều lầm lạc. Lấy trung bình mà xét, các đoàn viên của giáo hội thời đó không xấu mà cũng không tốt hơn những người thời ấy. Thời ấy có những thầy tu “ngã mặn” vì sự tuyển trạch chưa đặng chu đáo cho lắm. Có những người không bề thế, chọn con đường tu hành để làm bước tiến thân, vì lúc bấy giờ đạo Công Giáo rất có thế lực, đó là tôn giáo đặng chính quyền nhìn nhận. Nhưng từ cuối thế kỷ XVII và nhất là hiện giờ, việc tuyển trạch các vị tu sĩ đã gắt gao và sáng suốt hơn nhiều. Nhưng phải đợi một thời gian lâu nữa mới thấy kết quả tốt của công cuộc chấn hứng ấy.
Như chúng ta thấy, một chánh quyền mạnh mẽ, một tôn giáo có đủ uy quyền rất có thể dùng luật lệ để tạo nên một lớp sơn “đạo đức” ở mặt ngoài, nhưng ở dưới, lòng dục con người vẫn ngấm ngầm sôi sục. Khi những chế độ nghiêm khắc ấy đổi thay thì những mặt nạ ấy cũng rơi xuống. Lúc bấy giờ những nguồn lực bị đè nén quá lâu bèn bốc dậy thêm mạnh mẽ và sự phản ứng này có thể đưa đến mức thái quá tạo nên một phong thái hoang dâm phóng túng để rồi người ta lầm tưởng đó là đặc tính của thời đại.
Lòng tín ngưỡng của con người là một thiên bẩm:
Do những nhận xét trên đây, chúng ta có thể hiểu tại sao ở thời đại nào cũng có những người vô tín ngưỡng, ngay ở những thời đại có tiếng là sùng tín như thời Trung Cổ bên Âu Châu cũng thế.
Nguồn gốc của sự vô tín ngưỡng là óc phê bình nó do sự liên kết của một vài bẩm chất thiên nhiên mà ra. Nói một cách khác, có những người trí tuệ kém hoặc tầm thường nên dễ chấp nhận những tín điều mà không cần suy xét, lại có những tâm hồn mộ đạo, tự nhiên họ có “giác quan thánh linh” và cũng có một số ít người thiếu giác quan ấy. Như thế cũng dễ hiểu, bởi những người có óc phê bình già dặn bao giờ cũng hiếm, người ta thường bảo: “Con người là một con vật biết tín ngưỡng”.
Nhưng lắm khi óc phê bình ấy không thể tự do phát huy, chẳng hạn ở những thời mà ai không chịu tư tưởng đúng theo đường lối của thời thượng lại bị đưa lên giàn hỏa. Chúng ta rất hiểu tại sao lúc bấy giờ những người mà văn hào Montaigne bảo rằng họ “ngã đầu vào chiếc ghế êm ả của hoài nghi” lại câm miệng. Chúng ta có thể tin rằng trong thời mà những giáo đường đồ sộ đặng dựng lên, số người mộ đạo, tín đạo cũng vẫn tương đương với số người giữ đạo cách lạnh lạt, hoặc vô đạo y như hiện giờ.
Có nhiều bằng cứ khác để chứng tỏ rằng sự tín ngưỡng là do một thiên bẩm. Ở thế kỷ XVII, trước thời cách mạng Pháp, việc học vấn đều do giáo hội đảm nhận. Tuy thế nền học vấn thiên về đạo ấy vẫn ung đúc ra lắm nhà triết học vô thần, lắm nhà cách mạng. Ngay hiện giờ vẫn có những người nghịch đạo xuất thân từ những nhà tu và lắm bậc giáo sĩ trứ danh lại đặng huấn luyện ở các trường ngoại đạo.
Ta cũng thường nhận thấy trong nhiều gia đình, hai anh em chịu ảnh hưởng một nền giáo dục như nhau, song người anh thì rất mộ đạo còn người em thì “vô tín ngưỡng”. Giáo dục không đủ sức để cải biến những bẩm chất thiên nhiên.
Bởi những lẽ nói trên các nhà chính trị chủ trương “tục hóa các trường học” tức là không để cho tôn giáo xen vào việc giáo dục, là một chính sách sai lầm. Không đếm xỉa đến tôn giáo hoặc giả có ý bài trừ các tôn giáo như chính sách Nga-Sô hoặc của một vài chính khách cũng đều lầm lạc như muốn lập ra một tôn giáo duy nhất cho toàn dân. Xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng của dân chúng là một chính sách bạo ngược thất sách, không thể thành công, cũng như bao nhiêu chính sách bạo ngược khác.
Cũng nên nhận xét về điểm này là bao giờ giáo hội (Tức là Thiên Chúa Giáo Hội La Mã) cũng “ngán” những người tà giáo hơn những người vô thần. Điều ấy kể ra cũng dễ hiểu vì người vô thần không mấy khi có cái tinh thần “sốt sắng truyền bá tư tưởng” của những người mới nhập đạo, bởi óc hoài nghi không thể truyền dạy đặng, người vô thần vốn không tin rằng có thể làm cho người ta “trở lại đạo”.
Bởi thế, giáo hội để yên những kẻ vô thần, biết rằng không chầy thì kíp cũng sẽ có dịp đem họ về “mối đạo”, lúc họ lâm chung. Dưới mắt giáo hội những kẻ tà đạo mới thật là nguy hiểm hơn. Bởi họ chủ trương những điều sai lạc với giáo điều chính thức do đó họ phá ngay cái nền móng của đạo. Vả lại họ cũng là người có tín ngưỡng.
Mà thói thường làm cho một người thay đổi tôn giáo bao giờ cũng khó hơn là truyền đạo cho một người chưa biết tin tưởng ở đạo nào cả.
Chúng ta cũng nên dè dặt với những vụ trở lại đạo ở giờ chót. Lúc gần mệnh chung, trí tuệ và tính khí con người thường suy yếu hoặc không còn đủ sáng suốt như thời thường do đó ảnh hưởng đến sự quyết định sau cùng.
Trước giờ chết con người có những thái độ khác nhau bởi cá tính con người có lắm thứ chính trong giờ lâm tử ấy những khuynh hướng thiên nhiên lại phát hiện ra một cách rõ rệt. Giữa thái độ của một người mộ đạo xưa nay nhờ ân sủng mà có một lòng tín ngưỡng mãnh liệt, thản nhiên chờ đón tử thần tước sang cõi thiên đàng và thái độ của người vô thần bất trị, đến giờ chót vẫn không chịu tin ở đạo, chúng ta còn thấy lắm thái độ khác nhau. Có người tính vốn hiền lành, xưa giờ không biết đạo hạnh là gì nhưng trước giờ chết chỉ vì không muốn làm buồn lòng người thân quyến nên nghe theo lời họ mà trở lại đạo. Lại có lắm người lưng chừng, suốt đời lưỡng lự nan phân, nửa muốn sống theo đà những thị dục của mình cho thỏa thuê, nửa sợ những hình phạt ở địa ngục nên lúc gần chết họ trở lại đạo, vì muốn “ăn chắc” họ đánh cuộc theo lối nhà triết học Pascal dạy tức là cứ tin theo thuyết có thần thánh có thiên đàng đi, vì lỡ không có cũng chẳng thua thiệt gì.
Có những triết gia suốt đời sống một cách thanh thiện đúng theo lề luật của đạo nhưng lúc gần chết họ vẫn hoài nghi sự bất diệt của linh hồn bởi cái vũ trụ vô biên họ nhận thấy con người chẳng qua là một hạt bụi, và họ xét rằng linh hồn có vĩnh cửu bất diệt hay chăng, đó cũng không phải là điều đáng kể. Lúc lâm chung những người ấy rất có thể nhận chịu đủ các phép theo nghi thức đạo chỉ vì họ muốn giữ đúng lễ. Lại có những người tầm thường và đây là số đông, suốt đời cố tình gạt bỏ qua một bên cái lòng tín ngưỡng hồn nhiên mà họ đã tiêm nhiễm tử thuở bé để rồi đến giờ chết lại bám víu vào đó.