Biết Người

Phần III - Chương 8

BÀN VỀ LỐI KHẢO XÉT NGƯỜI CÁCH TRỰC TIẾP

Bất luận một công cuộc làm ăn nào, xét theo nghĩa chung cũng phải đi đến chỗ tranh chấp về quyền lợi, dù là một cuộc mua bán, việc ký kết một tờ hợp đồng, một bản thỏa hiệp hay việc thành lập một hội buôn.

Kinh doanh là một cuộc tranh đấu mà chúng ta phải chiến thắng nhưng không đè bẹp đối phương vì trong những công cuộc làm ăn phải cố làm thế nào cho đối phương trở nên một đồng minh, một người bạn với mình, đó mới là thượng sách.

Trong cuộc tranh đấu ấy, biết rõ đối thủ là một điểm lợi không nhỏ. Lẽ đương nhiên, trong những công cuộc làm ăn to, trước khi xuất trận ai cũng biết dò dẫm đường đất trước hoặc lo thu thập những tài liệu, những điều cần biết về công cuộc ấy. Chúng ta cũng hay dò xét về bề thế, về dĩ vãng, về địa vị xã hội của những người mình định hợp tác, song về cá tính của họ thì chúng ta không mấy rõ bởi chúng ta chỉ gặp gỡ họ trong công việc làm ăn, không có dịp đi sâu vào đời tư của họ.

Những tay doanh nghiệp cừ mà người ta khâm phục và quen gọi họ là những “con cáo già” trong thương trường là những người rất hoạt động, đầu óc lại tinh nhuệ, phụ vào đó, họ rất giàu kinh nghiệm về người và việc.

Nói rằng sự thấu hiểu những định luật tâm lý có thể thay thế hẳn cái kinh nghiệm quý báu ấy có khi hơi quá đáng, song điều chắc chắn là nó có thể giúp chúng ta thâu thập kinh nghiệm ấy một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn và biết sử dụng nó một cách kiến hiệu hơn.

Trong đời sống, chúng ta thường gặp phải bài toán này: chúng ta mưu tính một công cuộc làm ăn, chúng ta nghiên cứu nó; trong giai đoạn nghiên cứu ấy chúng ta có dịp tiếp xúc với một người nào đó mà thường khi chúng ta chỉ biết về địa vị xã hội của họ. Như vậy làm thế nào để nhận định rõ cá tính của họ? Làm cách nào để vạch ra cái phương trình cá tính của người ấy?

Những phương pháp để dò xét cá tính con người mà chúng tôi vừa chỉ ở chương trước không thể áp dụng trong trường hợp này. Chỉ có lối dò xét trực tiếp và những cuộc quan sát tinh xác mới có thể giải quyết phần nào bài toán khó giải ấy.

Trước hết phải nhận xét về cái “mặt tiền” của người:

Việc quan sát đầu tiên mà chúng ta có thể làm là quan sát cá tính tập thành, cái phần cá tính dễ nhận xét nhất. Trước khi giao dịch làm ăn với ai, lẽ dĩ nhiên chúng ta phải dò xét về người đó.

Chẳng những dò xét về cái “chân đứng” của họ trên thương trường, dựa theo những tài liệu do các ngân hàng hoặc các cơ quan chuyên môn cung cấp; ngoài ra chúng ta còn phải dò xét những thị hiếu, những thói quen, xét về tư tưởng, về trình độ văn hóa của họ.

Nội một việc phân tách cái cá tính tập thành như chúng tôi đã có chỉ ở một phần trước, cũng có thể giúp chúng ta “hiểu” đôi chút về một người nào đó.

Một nhà thể thao (nên hiểu là người thích tập thể thao chứ không phải người thích xem những cuộc thịnh diễn thể thao), một người hay đi du lịch, năng xê dịch, quen dậy sớm, có thể kể là người hoạt động.

Một người thích “chơi bời”, thích “ăn nhậu” ắt có ít nhiều tham muốn.

Người có óc thẩm mỹ, thích âm nhạc, thích chơi tranh, viết văn hoặc ngâm thơ ắt phải có nhiều cảm xúc tính, nhiều trí tưởng tượng.

Cứ trông vào nhà một người, nếu chúng ta thấy nơi ấy thường có những cuộc tiếp tân, tiệc tùng, chúng ta có thể đoán chủ gia là người có nhiều óc hợp đoàn, nhưng cũng đừng quên ảnh hưởng của người đàn bà; lắm gia đình có bộ mặt rất niềm nở, nhưng chúng ta đừng vội đoán rằng chủ gia là người thích giao du, vì thực ra đó chỉ là sở thích riêng của bà vợ, còn ông chồng thì tính vốn thích cô độc, kém xã giao.

Thấy một người tham gia nhiều hội hè, hoặc có chân trong hội thể thao, hội phước thiện, chúng ta có thể tạm đoán: lòng nhân người ấy khá cao. Ngoài ra nhận xét này cũng có thể là chứng chỉ của lòng tham muốn, của óc hợp đoàn bởi có người tham gia vào những công cuộc ấy chỉ vì háo danh, ham chức. Chúng ta há chẳng thường thấy những tấm danh thiếp trên đó có ghi hàng loạt chức vị nào là chủ tịch hội này, tổng thư ký hội kia, hội trưởng danh dự phong trào nọ, lại có những người bất luận ở đám nào người ta cũng thấy họ chường mặt đến.

Những tham vọng về chính trị cũng là điềm chỉ về lòng tham muốn và óc hợp đoàn.

Trái lại, người nhận lãnh chức tổng thư ký của một hội ái hữu, một chức vụ ở trong bóng tối nhưng đòi hỏi nhiều hy sinh, bởi viên tổng thư ký của một hội trường phải cáng đáng hầu hết công việc của hội, ắt phải là người biết hy sinh tức là giàu lòng nhân.

Trong một vài cuộc gặp gỡ khó mà nhận xét óc phán đoán của một người, họa chăng chúng ta biết dựa vào một vài câu chuyện người khác nói về họ rồi suy diễn ra để dò biết.

Sức khỏe:

Đã có những tài liệu đầu tiên ấy bây giờ chúng ta sẽ trực tiếp dò xét người ấy để tìm hiểu họ rõ hơn.

Công việc phải làm trước tiên là thử đoán về sức khỏe của họ. (Trong quyển tiểu thuyết “Những Con Người” của Pierre Hamp, một bác thợ cạo nói: “Khi đôi tay tôi nắm giữ lấy cái đầu của một người khách, tôi tự hỏi ông ta mắc chứng bệnh gì?”). Ở một phần trước chúng tôi đã nói qua về ảnh hưởng của toàn thân cảm giác đối với hành động và thái độ của con người. Chúng ta có ích lợi mà nhận xét về sức khỏe của những người chúng ta định hợp tác. Sức khỏe của họ dồi dào, tinh thần họ vui vẻ, bãi bôi, họ yêu đời. Thiếu sức khỏe hoặc mắc bệnh hoạn, họ sẽ là người lạnh lạt, cau có, vả lại đối với người bệnh chúng ta phải dè dặt khi mưu sinh với họ những công cuộc làm ăn dài hạn, họ có thể nằm trên giường bệnh hàng năm, để chúng ta gánh lấy tất cả công việc, hoặc giả họ dám bỏ rới chúng ta dọc đường để bước sang thế giới khác.

Chúng ta sẽ không xin hội kiến với người đau dạ dày sau buổi ăn, vì lúc ấy họ bị dạ dày hành và họ đâm ra cáu kỉnh. Trái lại, người sung huyết rất vui vẻ sau khi ăn uống no đủ. Đối với người thuộc thần kinh chất nên tiếp xúc với họ vào buổi sáng hơn buổi tối.

Hình dáng thể chất của một người cũng có thể là những điềm chỉ về các chứng bệnh thuộc tạng phủ. Đành rằng những dấu hiệu bên ngoài ấy chưa đủ để quyết đoán về căn bệnh, một người gầy yếu lại thường ho khúc khắc chưa hẳn là người bị lao, một người mập mạp, hồng hào có thể mang chứng bệnh ung thư, nhất là thời kỳ bệnh này mới phát triển.

Những triệu chứng chỉ về bệnh tật mà chúng tôi vạch ra dưới đây chỉ là những phỏng đoán, những tài liệu đầu tay, tuy thế tưởng cũng nên biết qua.

Những gân máu ở hai mang tang nổi gồ ra là điềm chỉ người sung huyết. Ở những người có tuổi, đó là triệu chứng bệnh mạch cứng.

Cái bướu thịt ở cổ (trái cấm) và mắt lồi (mắt ốc bưu) là dấu hiệu tim yếu.

Người gầy đét, nét mặt nhăn thường đau quặn ở dạ dày, sau bữa ăn bị bức rứt, hay cáu kỉnh, là điềm chỉ bệnh ăn khó tiêu kinh niên, hoặc cuống dạ dày sưng, nổi bướu, nếu không phải do gốc ung thư, có thể chữa hết bằng cách mổ.

Người bị lao thường gày còm, đôi mắt sáng một cách đặc biệt, hay ho khan, khó thở.

Những khớp xương ngón tay nổi gồ hoặc méo mó là triệu chứng bệnh thống phong, bệnh phong thấp.

Người đau gan, con mắt thường vàng như nghệ. Nước da người yếu gan cũng thường vàng và ngâm ngâm.

Trí nhớ đột nhiên bị mất, nhất là trường hợp nó mất hẳn nhưng chỉ trong một chập là dấu hiệu bệnh kinh gián.

Trí nhớ bị mất dần dần, nhất là ở người hơi có tuổi là điềm chỉ báo hiệu bệnh lẩm cẩm. Bệnh tim la ăn vào óc, bệnh nghiện rượu, nghiện thuốc phiện cũng có thể làm suy giảm trí nhớ.

Những thương tích, tinh thần bị xúc động quá mạnh cũng có thể làm mất trí nhớ một phần nào hoặc mất hẳn.

Môi da chì lại có những chấm nâu nâu là triệu chứng của bệnh addison tức là chứng bệnh thuộc về thượng thận.

Người thiếu máu thì da mặt thường mét hoặc trắng bạch chản, môi trắng nhợt, mắt thiểu thần mất sắc. người thiếu máu không hẳn là người gầy nhưng luôn luôn họ cáu kỉnh và có vẻ uể oải, mệt nhọc.

Có hai mẫu người nghiện rượu, một mẫu “bợm nhậu” cổ điển: sắc mặt láo liên, gương mặt đẫy đà luôn luôn nhuộm màu ớt, gân máu ở mặt nổi gồ, đầu chóp mũi đỏ au; một mẫu “bợm nhậu” khác da mặt lại tái mét, khuôn mặt gầy gò, da khô lùi xùi. Môi và lưỡi người nghiện rượu thường bị run nên họ hay nói lắp. Lúc chưa ăn, khi họ đặt bàn tay xuống bàn và xòe những ngón tay ra chúng ta để ý thấy một vài ngón run rẩy. Nên để ý điều này là người có thể vướng bệnh nghiện rượu mặc dầu chưa bao giờ bị say rượu.

Đặc điểm của người nghiện thuốc phiện hoặc các chất ma túy như cocain và mọt-phin là khi đã no say với ả phù dung thì họ trải qua một giai đoạn khích thích, nói năng huyên thuyên, cử chỉ nhanh nhẹn, để rồi một thời gian sau đó, họ lại trải qua một giai đoạn suy nhược nằm không muốn cựa quậy, lo âu, rã rượi, nếu họ không kịp tiếp tế chất độc ấy vào người.

Chứng run rẩy có nhiều nguyên do: run vì rét lạnh, vì sợ hãi, vì quá xúc động là nguyên do ở sinh lý. Song ngoài ra có những chứng run rẩy khi đều đều khi bất thường, đó là do sự suy nhược của thần kinh, cái run rẩy của những người đa cảm xúc.

Môi và lưỡi những người bị chứng tê liệt toàn diện thường run rẩy. Do đó họ nuốt mất nhiều tiếng khi nói chuyện (nói đớt đát). Nên để ý điều này: trong giai đoạn đầu của chứng tê liệt toàn diện, người bệnh hay có những tật của trẻ con.

Người cầm ly rượu đưa vào miệng uống mà tay run rẩy đã có triệu chứng ngạnh kết. Tiếng nói hơi run, bước đi chập chững cũng là triệu chứng của bệnh này.

Tay của người bị lậm vì chất độc của thủy ngân, của thuốc lá, của thuốc phiện trắng cũng bị run rẩy như người nghiện rượu (khi bắt họ xòe các ngón tay ra).

Lúc đi mà chân bị run hoặc bước đi cứng đơ như hình nộm là triệu chứng của bệnh ta bét (tabès), một chứng bệnh có nguyên nhân xa ở bệnh tim la.

Chứng đái đường không có dấu hiệu bên ngoài, người mắc chứng bệnh ấy có khi mập mạp phốp pháp, có khi lại gầy đét. Tuy nhiên, xem cách ăn uống của họ: cữ các thức ăn có chất đường, có chất bột chúng ta có thể đoán biết.

Những người bị sưng nhiếp hộ tuyến bị đau thận, bị bệnh trĩ không thể ngồi lâu một chỗ được.

Những người bị chứng tĩnh mạnh trường, nổi gân xanh hoặc sung tĩnh mạch, đứng lâu không được. Hai chứng bệnh này do máu huyết lưu thông không đều. Riêng về bệnh sưng tĩnh mạch, nếu không khéo chữa có thể gây ra bệnh tắt huyết.

Những tật giật gân cũng đáng cho chúng ta quan tâm. Nên phân biệt những tật giật gân với những tật giật thịt. Tật giật thịt thường diễn ra trên mặt và có tính cách bất thường, vô ý thức. Tật giật gân trái lại là mọt sự lệch lạc của vận động tinh thần. Thoạt tiên tật giật gân là một cử động có mục đích rõ rệt nhưng vì đặng lặp lại mãi về sau biến thành một cử động tự động.

Những tật giật gân (như vuốt râu, gải tay, cạy mũi, cắn móng tay) thường đặng lập lại một cách vô ý thức, tự động.

Như đã nói trước, tật giật gân thoạt tiên là một cử động ý thức (thí dụ nheo mắt, lối nhướng mắt của người cận thị).

Phái nam hay phái nữ và ở tuổi nào cũng có thể vướng tật này, nhưng sớm nhất ít ra cũng phải từ độ lên năm lên sáu trở đi.

Những người có tật giật gân luôn luôn là người đa cảm xúc.

Những tật giật gân có tính cách hay biến đổi. Nó có thể diễn ra từng chập, từng quãng bất thường, không theo một nhịp điệu duy nhất nào cả. Nó thường diễn ra từng hồi, từng cơn. Có lúc tưởng như nó chấm dứt nhưng rồi nó lại nổi cơn lên còn mạnh hơn trước. Trong giấc ngủ nó mới dịu bớt và ngưng hẳn.

Có những tật giật gân thuộc về mặt, nó làm giật môi, miệng, lưỡi, con mắt, có những tật giật gân thuộc về cổ (tật ngoáy cổ, lật lắc đầu), thuộc về thân vai (lật uốn mình) v.v…

Lại có những tật giật gân thuộc về bộ hô hấp (ho hen, đằng hắng), thuộc về cách phát âm (thinh không lại phát ra những tiếng “a a”, “oa”), thuộc về lới nói (trong khi nói chuyện đệm vào những tiếng vô nghĩa).

Nói lắp (nói cà lăm) không phải là một tật giật gân.

Người nói lắp có thể là người thông minh. Người nói lắp là người nhiều cảm xúc vì muốn nói nhanh quá nên bị lắp.

Nếu biết cách huấn luyện có thể chữa được tật nói lắp.

Để chấm dứt đoạn nói về bệnh học, chúng tôi tưởng cũng nên nói qua một lối quan sát khác để đoán về sức khỏe của một người. Đó là cách xem họ đi chữa bệnh ở thành phố nào. (Bên Pháp có những thành phố để người ta đến đó chữa bệnh hoặc dưỡng bệnh. Phần nhiều mấy thành phố này có những mạch nước thiên nhiên mà trong nước có chất thuốc chuyên trị một vài chứng bệnh nào đó khi suối Vĩnh Hảo ở miệt Phan Thiết).

Thấy một người thường đi nghỉ ở vichy, chúng ta có thể đoán họ yếu gan đau dạ dày hoặc bị đái đường. Người đi chữa bệnh ở Vittel, Evian chắc có đau khớp xương. Người đi dưỡng bệnh ở Aix-les-Bains chắc có bị phong thấp v.v…

Quan sát về thể chất:

Ngoài việc quan sát những bẩm chất thuộc về bệnh học mà chúng ta vừa duyệt qua trên, việc quan sát về thể chất của một người cũng có thể giúp chúng ta nhiều tài liệu để hiểu rõ về họ.

Điều đáng chú ý trước tiên là giọng nói, cách ăn nói của họ. Mỗi giọng nói có bộ mặt riêng của nó. Điều này ai cũng phải nhìn nhận, vì chỉ nghe qua một giọng nói trong điện thoại chúng ta có thể nhận ra người đang nói ở đầu dây. Mỗi người đều có giọng nói khác nhau.

Người nói quá nhanh, hoặc khi nhanh khi chậm, nói những câu không đứt đoạn thường là người đa cảm xúc. Nội việc quan sát một người nói nhiều hay ít cũng đủ cho chúng ta ước đoán về óc hợp đoàn của họ. Người nói nhiều, song chỉ nói những chuyện không đâu, những câu vô nghĩa lý hẳn là người có nhiều óc hợp đoàn, rất có thể là người nói dóc, nói khoác, hoặc giả đó là bị kích thích đến độ…

Người ăn nói chậm rãi, từ tốn, nói từng câu một ngắn, nhưng rõ ràng, chứng chỉ một người trầm tĩnh, điềm nhiên, kém cảm xúc tính.

Người hoạt động cũng nói nhanh song rõ ràng.

Người tự cao luôn luôn bắt đầu một câu nói bằng tiếng “Tôi”. “Tôi như thế này…”, “Tôi sẽ làm thế kia…”. Người khiêm tốn trái lại không thích đưa cái “tôi” của họ ra trước và ít hay nói về họ. Trái lại người kiêu hãnh hoặc vênh váo dù là khi họ tự quán sát về họ.

Cấp điệu của giọng nói cũng có nhiều ý nghĩa. Có những giọng nói gò bó, sửa giọng, chứng chỉ một tâm hồn giả dối. Có những giọng nói êm dịu, giàu âm điệu chứng chỉ người giàu tưởng tượng, cảm xúc tính và óc hợp đoàn điều hòa.

Lại có những giọng nói chát chúa chứng chỉ một người ích kỷ, thiếu óc hợp đoàn.

Câu nói:

Mỗi câu nói, xét trong toàn thể câu chuyện, có thể giúp chúng ta nhận định về trình độ văn hóa hoặc tình độ giáo dục của một người.

Người văn hóa khá cao trong khi nói chuyện dùng lối văn không mấy khác văn viết. Tự nhiên họ biết tránh câu văn tầm thường, những danh từ không rõ nghĩa những câu khách sáo, hoặc những câu lặp đi lặp lại mãi. Biết dùng những danh từ sát nghĩa, dùng những câu ngắn nhưng vẫn đầy đủ ý, bỏ bớt những lời lẽ vô ích, là chứng chỉ một người vừa có văn hóa khá cao vừa có nhiều óc phán đoán. Tuy thế, trong khi nói chuyện chúng ta không bắt buộc phải hoàn toàn áp dụng lối văn viết, trong văn nói, chúng ta có thể dùng lối láy đi láy lại nó làm cho câu văn thêm mạnh, hoặc nuốt bớt những âm cuối cùng để có thể nói nhanh.

Những người lúc nói chuyện quen gò bó, uốn nắn câu văn y theo lối văn viết chứng tỏ hai điều: hoặc giả đó là người kiểu cách, hoặc là người bị ảnh hưởng của chức nghiệp. Những giáo sư, trạng sư, thẩm phán, có thói quen mang dùng lối hành văn nhà nghề trong câu chuyện hằng ngày.

Người thiếu giáo dục quen dùng những danh từ thô tục, những tiếng “lóng”, những câu văn khách sáo. Người kém phán đoán nói chuyện nhạt phèo, vô vị.

Những bác nhà quê, thiếu học thường dùng sai danh từ, nói trật cú pháp, nhưng nếu họ không thiếu óc phán đoán, họ vẫn biết nói chuyện một cách có ý nhị.

Cái cách mà một người nghe người khác nói chuyện cũng là điềm chỉ đáng quan tâm. Người có giáo dục bao giờ cũng biết nhẫn nại nghe người khác nói, không bao giờ ngắt lời của ké đối thoại. Người kém sức chú ý hay tỏ vẻ xao lãng trong lúc nghe người khác nói. Đừng lầm lộn với cái vẻ xao lãng của một người trầm tĩnh, họ làm tuồng như không nghe song họ vẫn ghi rõ trong trí nhớ những lời nói của người khác.

Một lối xếp loại đã lỗi thời:

Từ ngàn xưa, người ta đã biết xếp loại con người thành bốn hạng tùy theo khí chất của họ: hạng đa huyết chất; hạng thần kinh chất; hạng lâm ba chất; hạng đảm trấp chất.

Lối xếp loại ấy cổ thật, nhưng cổ kính chưa ắt đã có giá trị. Đứng về mặt tâm lý học mà xét, những danh từ: thần kinh chất; đa huyết chất; v.v… không thể chỉ định rõ ràng về một hạng người nào cả. Nếu có thể xếp những con người thành bốn loại, dù là chỉ xếp loại một cách đại khái đi nữa thì thực cũng quá giản dị. Hẳn thí dụ rằng có thể phân chia con người thành bốn hạng tùy theo khí chất của họ, và có thể phân làm bốn loại khí chất thật là thuần túy nghĩa là không bị pha trộn thì với hàng hà sa số con người đã sinh sống trên quả địa cầu này từ xưa đến giờ, chúng ta phải nghĩ rằng khí chất của những con người ấy đã từng bị pha trộn hằng bao nhiêu lượt.

Tướng học, một khoa học giả hiệu:

(Theo người dịch: Về đoạn này chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với tác giả. Dù vậy chúng tôi vẫn dịch đúng theo nguyên bản không bỏ bớt đoạn nào, cốt giữ đúng tư tưởng của tác giả).

Vì thế chúng ta không nên quan tâm đến lối xếp loại theo khí chất, cũng như đừng quá tin tưởng ở khoa xem tướng, cái khoa học mà người ta cho rằng nó có thể giúp chúng ta đoán biết tính tình và những khả năng trí thức của một người bằng cách quan sát hình thái của gương mặt, của tay chân, của thân hình, hoặc của mái tóc người ấy.

Tướng học không phải là một khoa học mới mẽ gì. Từ thế kỷ 18, ông Lavater nhân quan sát chỗ giống nhau của một vài gương mặt người với mặt của những cầm thú, đã lập ra nền móng khoa xem tướng. Nó gần giống khoa xem xương sọ người của ông De Gall, cho rằng những xương gồ trên sọ người có liên quan đến tính tình con người, phương pháp xem xương sọ này hiện nay không còn mấy ai dùng.

Thiếu cơ sở vững chắc, phương pháp xem tướng của Lavater lần hồi bị chìm trong lãng quên, nhưng trong thế kỷ vừa qua một vài nhà sinh lý học trong khi nghiên cứu về sự liên quan giữa những cử động các thớ thịt trên mặt với những cảm xúc, đã gián tiếp làm sống lại khoa xem tướng ấy trong một thời.

Mấy nhà tướng học lập thành một bảng kê chỉ rõ sự liên quan giữa những bẩm chất thuộc tính tình và trí tuệ con người với hình dáng của mũi, miệng, trai, của lông mày, khuôn mặt v.v… Nếu chủ trương của họ đúng thì còn gì hay bằng. Chúng ta chỉ cần học nằm lòng bảng kê ấy là có thể thấu rõ tâm can bác hàng xóm và tất cả mọi người đều là quyển sách đã lật sẵn, chúng ta chỉ cần ghé mắt qua là đọc thông suốt nội dung sách ấy.

Những người chủ trương xem tướng này cả quyết nhiều điểm thật đáng kinh ngạc. Chẳng hạn họ cho rằng không cần phải nghiên cứu về tâm lý học, cũng không cần gì hiểu qua các thứ tính tình, người ta vẫn có thể dùng phép xem tướng để nhận biét đâu là một tên côn đồ, dù rằng tên côn đồ ấy ăn vận rất sang chẳng khác một trang công tử.

Hoặc giả có người cả quyết rằng: “Một người gầy yếu, cổ ốm teo, có vẻ bệnh hoạn trừ một vài trường hợp rất hiếm, khó mà trở nên một tay chỉ huy giỏi”. Thực ra người đã thốt ra câu ấy hẳn đã quên phứt những nhân vật như thánh Paul, như hoàng đế Napoléon lúc còn là tướng Bonaparte đánh trận Ý đại lợi, như Richelieu là những người không có vẻ gì là bậm trợn, lực lưỡng cả, song họ vẫn là những vị thủ lãnh đại tài, và các nhà xem tướng ấy cũng quên hẳn rằng có rất nhiều chàng trai trẻ vạm vỡ, có bộ mặt gân guốc, nhưng khi ra trận thì nhuệ khí của họ đã bay đâu mất.

Có người cho rằng: Có thể đoán biết một người là công chức khi họ có những điệu bộ nhừa nhựa. Theo các nhà tướng học ấy, một cơ quan, mọi nét mặt đều có ý nghĩa khác nhau tùy theo chiều dài, theo chiều ngang, theo bề dày v.v… Và những đức tính tinh thần của con người thì lộ diện ở những vùng khác nhau trên khuôn mặt và nếu vùng này to rộng hơn vùng kia đó là những triệu chứng rất đáng quan tâm. Những người có cặp mắt xanh biếc thì tính tình lạnh lạt, nếu họa hoằn cái nhìn của họ đượm vẻ tình tứ thì đó là giả dối. Những đôi mắt nhung chứng chỉ những tâm hồn nồng nhiệt. Nhận xét này làm cho chúng ta nhớ lại một thành kiến hơi ngộ nghĩnh và rất đặng phổ thông là những đàn bà người Y-pha-nho với những cặp mắt đen huyền của họ thường rất nồng nhiệt. Nhưng thật ra không thiếu gì đàn bà Y-pha-nho lạnh lạt, trái lại nhiều đàn bà phương bắc với những cặp mắt xanh biếc lại tỏ ra rất nhiệt tình.

Đọc những sách bàn luận về tướng học, chúng ta thấy không biết bao nhiêu là quyết đoán đại để thẹo như loại vừa kể qua. Lối khảo xét của mấy nhà tướng học này thật là tỉ mỉ: những vết nhăn của cái cằm, những chi tiết của một ngón tay, của mớ tóc và ngay cho đến cái hình dáng, cái vị trí của mép tai đối với họ cũng rất quan trọng.

Đành rằng họ cũng khéo rào đón là không nên căn cứ vào một điểm nào đó rồi ước đoán mà phải nhận xét toàn diện, kiểm soát, đối chiếu một điểm này với điểm khác, một điểm tốt có thể giảm bớt tai hại của một điểm xấu. Nhưng, chúng tôi cũng từng đã nghe mấy bà thầy bói bài hoặc mấy “giáo sư” xem tử vi dùng luận điệu ấy.

Ai muốn chứng minh quá nhiều sẽ không chứng minh đặng gì. Và sau đây là một ít nhận xét của chúng tôi về khoa học giả hiệu ấy.

Hình thái học không liên quan chi đến tâm lý học cả:

Trước hết chúng ta nhận thấy: những điểm tương quan giữa hình dáng bên ngoài với tâm trí của con người mà các nhà tướng học thường nêu ra không có gì làm chắc chắn, bởi trong mớ thuật ngữ họ dùng khi đề cập đến tâm lý học còn nhiều danh từ quá cổ lỗ, cái thuật ngữ còn mù mờ chưa phân biệt cảm xúc với tình cảm, còn nói đến những gì thuộc về “đầu óc” với những gì thuộc “thể chất”, hoặc còn phân loại “khí chất” con người làm bốn hạng v.v… lối phân loại mà chúng tôi vừa có dịp nhận định giá trị của nó.

Điều sai lầm của các nhà tướng học là họ tin rằng có sự liên quan mật thiết giữa những hình dáng bên ngoài, nói theo các nhà khoa học là giữa hình thái học với những bẩm chất thuộc tâm lý. Song thực ra chỉ có sự liên quan giữa những “phát hiện vận động bên ngoài” tức là những phản ứng, những xung động, những hành động với một vài bẩm chất tâm lý.

Mà đó là hai điều khác nhau hẳn. Màu sắc của đôi mắt chẳng hạn, không thể ăn chịu gì điến tính tình. Những đặc điểm theo thể chất loại này (và có lẽ những hình dáng bên ngoài cũng thế) đặng truyền sang từng phần riêng biệt nhau, từ đời cha đến đời con theo những định luật di truyền mà ông Mendel (Mendel (Johann Gregor), vị tu sĩ mà cũng là nhà thảo mộc học người Áo (1922 – 1884). Trong khi nghiên cứu về cách gây giống lai cho các loại cây, về sự di truyền của loài thảo mộc ông đã tìm ra một vài định luật về sự di truyền) đã nêu ra và sau này nhiều nhà sinh vật khác như Morgan (Morgan (Thomas Hunf), nhà sinh vật học người Hoa Kỳ (1866 – 1945) chuyên khoa khảo cứu về những đặc tính của di truyền, giải thưởng Nobel 1933) đã chứng minh. Hơn nữa, những đặc tính thể chất này đã không lệ thuộc những yếu tố tâm lý nó đặng di truyền theo những thể thức mà hiện giờ người ta chưa thể nghiên cứu tuy đó không phải là một điều bí mật mà chỉ vì người ta chưa tìm ra một thứ đơn vị nào để đo lường những bẩm chất tâm lý này.

Những đặc tính thể chất của chúng ta là kết quả một sự phối hợp mới mẻ của những yếu tố mà cha mẹ chúng ta truyền sang, chính những đấng sanh thành chúng ta đã đặng thừa hưởng những yếu tố này của ông cha do một sự phân phối theo rủi may. Điều nên biết là cái di sản này chúng ta thừa hưởng một phần bên nội và một phần bên ngoại. Song cái di sản thể chất mà cha mẹ chúng ta để lại đó không hẳn là những gì m các đấng ấy đã có sử dụng trong đời sống của họ. Rất có thể chúng ta thừa hưởng một đặc tính nó chỉ ngấm ngầm, chỉ tiềm tàng ở cha mẹ hoặc ông bà chúng ta từ bao nhiêu đời. Những đặc tính tâm lý cũng đặng truyền sang theo thể thức ấy.

Trong việc di truyền chính là do rủi may định đoạt. Chúng ta dễ nhận thấy cái sự cách biệt giữa những đặc tính thể chất và những đặc tính tâm lý.

Hai anh em ruột giống nhau như đúc, tình tính có thể khác hẳn nhau. Một đứa trẻ, về thể chất có thể giống bên nội nhưng về những đặc tính tâm lý thì lại giống bên ngoại hoặc trái lại. (Về điểm này chúng ta có nhận xét hơi tầm thường sau đây: Con cái của những bậc thiên tài thường không đặng ưu tú của cha mẹ, trái lại những bậc vĩ nhân thường xuất thân từ nơi những gia đình tầm thường. Tuy thế, luật đa số nó chỉ huy việc di truyền đôi khi cũng có thể bảo tồn những đức tính trí thức hoặc tâm thần từ đời này sang đời kia nhất là khi cả hai họ ngoại và nội đều nảy sinh những người ưu tú...Có những gia đình mà con cháu đều là những họa sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ hoặc chánh khách có tài, song thường hơn, trải qua hai ba đời, cái “thiên tư” ấy cũng tiêu dần. Cũng có thể nó tồn tại năm bảy đời nhưng đó là những ngoại lệ nó chứng minh quy tắc). Các bà mẹ nói về con cái của họ cũng đã biết nhận xét đại để: “Vẻ mặt, dáng người của nó thì giống tôi, nhưng về tâm tính thì nó giống cha nó”. Chỉ những người sanh đôi thực sự (tức là do một trứng nở sanh) là có thể giống nhau về thể chất cũng như về tâm thần, bởi họ đều do một nhiễm thể mà ra. Nếu khi đã trưởng thành cá tính của họ không còn giống nhau nữa đó là do cá tính tập thành, bởi họ đã sinh sống trong những hoàn cảnh khác nhau.

Những sắc mặt:

Nếu màu sắc của cặp mắt chẳng hạn, không ăn chịu gì với những bẩm chất tinh thần, trái lại sắc mặt, thí dụ cách biểu lộ của đôi mắt chẳng hạn, có liên quan mật thiết đến phần tâm lý, bởi đó là một lối phát hiện của thể chất. Nhưng ở đây chúng ta cũng nên dè dặt khi xén đoán.

Ai cũng biết những cắp mắt hay nhìn xéo là chứng chỉ người nhút nhát (nhiều cảm xúc tính), nhưng nó cũng có thể chứng chỉ một tâm hồn nham hiểm (suy nhược và ích kỷ) hoặc giả đó là một đặc tính tập thành (cái nhìn của những đứa trẻ bị đòn).

Những người mơ mộng tức là những người giàu tưởng tượng, không nhìn xéo nhưng lại có cái nhìn xa xắm, nhìn lên trời. Họ quen “nhìn lên cung trăng” như người ta thường nói. (Những nhà thủy thủ cũng có cái nhìn xa xăm ấy và trong số những người đeo theo nghề bể vì xu hướng có lắm người có tâm hồn thi sĩ mà họ không ngờ). Song cử chỉ này - vì cách nhìn cũng là một cử chỉ - là một kết quả chứ không phải là một nguyên nhân.

Cái nhìn “thẳng thắn”, nhìn ngay vào mặt người là điềm chỉ người hoạt động, nhiều tự tin, xin nhớ chúng tôi không nói là điềm chỉ một tâm hồn “ngay thẳng”, chân thành. Bởi không có gì chứng tỏ rằng cái nhìn “thẳng thắn” là dấu hiệu tính cách ngay thẳng. Điềm chỉ ấy cần phải đặng kiểm soát lại. Không thiếu gì gã lưu manh có cái nhìn đáng ngợi hoặc những đàn bà trắc nết có đôi mắt “thiên thần”.

Vẻ mặt của một người bạc nhược, thiếu nghị lực, tự nhiên lần hồi sẽ đâm ra bí xị. Luôn luôn buồn bực, họ có thói quen trề môi nhíu mày, thét rồi những nét mặt bị ủ rủ. Một người hay suy nghĩ, quen chú ý sẽ sớm có những vết nhăn trên trán. Một tay hoạt động, yêu đời và hay cười thét rồi niềm hân hoan của họ cũng biểu lộ trên gương mặt.

Cũng nên để ý là chỉ có một vài bẩm chất tâm lý có thể biểu lộ ra ngoài, đại khái như cảm xúc tính và hoạt động tính.

Muốn xét đoán về một gương mặt chúng ta nên nhớ rằng con người rất dễ bị ảnh hưởng của lối trang điểm, cách ăn mặc và cái khung cảnh bên ngoài. Lấy một người thuộc hạng phong lưu, có vẻ là người lương thiện đứng đắn, cho họ ăn mặc quần áo tả tơi, để tóc tai bờm xờm, dơ dáy, khi nhìn lại họ chúng ta sẽ có cảm tưởng khác ngay. Hoặc giả khi chúng ta có dịp nhìn thấy một người đàn bà xinh xắn nhưng không son phấn đang lau nhà, quét bếp…

Như chúng ta thấy, giữa hai hình thái và cá tính con người không có sự liên quan nào chắc chắn cả. Chúng ta vẫn tìm thấy nhiều tâm hồn cao thương ẩn núp sau những bộ mặt “trời đánh”, hoặc chứa đựng trong nhiều thân hình xấu xí.

Điều đáng kể là cái sắc mặt, nhưng đừng quên rằng không gì chóng thay đổi bằng sắc mặt. Còn một nhận xét nữa, là sự vui vẻ, sự khoan khoái cũng như một mối đau khổ vô hạn có thể thay đổi hẳn sắc diện của con người, làm chúng ta không còn nhận ra họ nữa.

Ngoài ra, trong khi nhận xét chúng ta còn phải lưu ý đến triệu chứng của các chứng bệnh. Chúng tôi thấy một quyển sách dạy xem tướng cho rằng: người có đôi mắt lồi là người thiếu tự tin (thế là không hay cho những người vì yếu tim nên có bướu ở cổ và mắt lồi), còn người có đôi mắt sưng híp là người không biết kềm chế thú tính, người đa vật dục. Nhưng hỡi ôi, những người đau gan mắt cũng thường bị sưng híp.

Đã có bao nhiêu tội nhân ra trước tòa đại hình với vẻ mặt rất lương thiện và đã có bao nhiêu đàn bà có đôi mắt bồ câu, gương mặt trong sáng như thiên thần nhưng thực ra là… quỷ.

Nên xếp khoa tướng học vào hàng các trò chơi ở khách thính là hơn. Chỉ có việc quan sát một cử chỉ, một cái nhìn, một điệu bộ, một sắc mặt mới có thể dẫn dắt nhà tâm lý học vào con đường chân lý.

Những bẩm chất tâm lý thiên nhiên không bao giờ lộ diện trên nét mặt, kể ra như thế cũng có chỗ hay vì nếu trái lại thì thực khó sống trên cõi đời này.

Việc một người để râu hay không để râu hoặc cách họ để râu cũng có ý nghĩa đối với nhà tâm lý học vì đó là một sự quyết định của người ấy.

Ngoài trừ trường hợp những người vì bị thương tích làm méo mặt hoặc lẹm cằm thường để râu dài che lắp vết thương, thói quen những người để râu dài là những người tốt bụng, hoặc là người bất chấp những ràng buộc của xã hội, những dư luận của quần chúng, cũng có thể là người có óc châm biếm (để râu theo lối nhà hiền triết Socrate) (Bộ râu của nhà văn châm biếm Pháp Trisian Bernard) hoặc giả là người hay giả vở. Vì bộ râu là một thứ mặt nạ người ta mang lên mặt để làm cho nó có vẻ điểm nhiên.

Những tay hoạt động, những nhà thể thao thường để râu mép (râu Clark Gable) (Cũng nên bàn thêm: Ở Sài Gòn hiện nay có nhiều chàng trai trẻ thuộc hạng “cà lơ” chỉ biết thả rong ngoài phố và thân hình ốm teo như cọng sậy nghĩa là không hoạt động và không chơi thể thao nhưng cũng tập tễnh để râu “Clark Gable) cho giống mấy ông kép xi-nê. Vậy chúng ta có thể nhận xét thêm: rất có thể mấy sợi râu mép lún phún đó là chứng chỉ một tâm hồn a dua, hay bắt chước). Một bộ mặt nhẵn nhụi, trơn bén không râu ria tuy không hẳn là một điềm chỉ về tính ngay thẳng nhưng rất có thể là điềm chỉ một người thành thực không có gì phải giấu giếm, hoặc giả là một người giả vờ ít cảm xúc.

Nhận xét về cách ăn mặc:

Không có câu tục ngữ nào sai lầm bằng câu “Áo mặc không làm thành một vị thầy tu”. Thực ra, xem về cách ăn mặc của một người chúng ta có thể đoán biết ít nhiều về tâm tính của họ. (Người Việt chúng ta có câu: Quen sợ dạ, lạ sợ áo).

Người ở địa vị xã hội khá cao nhưng ăn mặc lôi thôi tỏ ra tính keo kiệt, thiếu óc hợp đoàn. Trái lại, lối ăn mặc lôi thôi thường chứng chỉ người kém tham vọng hoặc người lẩn thẩn hay lãng trái, trường hợp của một vài nhà thông thái.

Người nhiều óc hợp đoàn luôn luôn biết chải chuốt, áo quần lúc nào cũng bảnh bao, đó cũng là chứng chỉ lòng tham muốn vì bộ cánh là cái mặt tiền có thể giúp ta trong công việc giao thiệp làm ăn.

Người không biết cách ăn mặc: mang những cà vạt lòe loẹt hoặc đeo vòng vàng đỏ chói là người thiếu nhãn thức. Mà những lỗi lầm về nhãn thức là do óc phán đoán sai lầm hoặc do sự khuyết kém về giáo dục.

Thấy một người vắt chiếc khăn túi màu sắc rực rỡ hoặc ở túi áo trên có một cặp bút máy đứng xếp hàng cho ra vẻ người làm ăn dù là bút hiệu Parker hay Evershap chính cống chúng ta có thể đoán: tư cách người ấy rất tầm thường.

Người ăn mặc quá nghiêm chỉnh, luôn luôn vận “đồ lớn” cà vạt màu xậm, chứng chỉ một tâm hồn đạo mạo, bi quan, đôi khi đó cũng là dấu hiệu của người kém óc hợp đoàn, không thích giao du.

Người đầu có điều hòa cũng ăn vận theo thời trang nhưng một cách kín đáo, không theo đòi một cách mù quáng, thái quá. Brummel (Một trang hào hoa phong nhã người Anh có tiếng bên Âu Tây thế kỷ 19) đã chẳng từng nói đại để: người phong nhã là người ăn mặc lịch sự nhưng kín đáo, nên lối phục sức cua rhọ không “đánh” vào mắt ai cả.

Người chỉ đeo một món tư trang nhưng thật quý hay thật hiếm chứng chỉ người có óc thẩm mỹ cao và nhiều cảm xúc.

Có cách khác để xét lại điềm chỉ nói trên có đúng chăng, là quan sát cái khung cảnh người ấy sinh sống hàng ngày. Người có óc thẩm mỹ tự nhiên biết chọn cái khung cảnh sống thích hợp với mình tức là đúng thẩm mỹ. Dù rằng một người giúp việc, không có quyền trang trí bài biện cái phòng văn cho thích hợp với ý thích của mình song nếu người giúp việc ấy có óc thẩm mỹ họ rất có thể tô điểm cái phòng văn đôi khi quá tầm thường ấy bằng một vài món đồ trang trí riêng của họ: một bức tranh, một lọ hoa, một món đồ vật bày biên bàn giấy mà kiểu vở rất độc đáo v.v…

Tính đúng mực:

Tính đúng mực là một điềm hay để chúng ta quan sát. Bắt một người khách mà chúng ta đã hẹn một giờ nhất định phải đời chờ là thiếu lễ độ. Người quá bận vì công việc có thể sai hẹn vài phút hoặc mười lăm phút. Nhưng một người để sai hẹn cả giờ hẳn là người thiếu trật tự, thiếu cả phương pháp. Điều ấy cũng có thể giải thích: đó là người bị kích thích, người quá giàu tưởng tượng.

Khi chúng ta lỡ bắt ai phải chờ đợi mình một cách vô lý, và nếu chúng ta biết nói một câu xin lỗi điều đó chứng tỏ chúng ta có giáo dục và biết nhã nhặn (có lòng nhân lại có óc hợp đoàn).

Nên biết rằng có khách đến viếng và tuy chưa tiếp người đặng nhưng chúng ta vẫn bước ra phòng để xin lỗi và yêu cầu khách chịu khó đợi trong chốc lát, cử chỉ ấy cũng tỏ ra chúng ta có nhiều lòng nhân, nhiều óc hợp đoàn.

Cái khung cảnh:

Người nhã nhặn bao giờ cũng mau mắn đứng lên đón khách khi khách bước vào và lúc khách cáo từ cũng biết chịu khó tiễn khách đến tận ngõ. Trái lại người không thích giao du (kém óc hợp đoàn) vẫn điềm nhiên ngã người trên ghế phô-tơi, lạnh lùng mời khách ngồi và để cho khách tự mở đầu câu chuyên, không có một cử chỉ nào để đánh tan không khí tẻ lạnh buổi sơ giao.

Còn bao nhiêu dấu hiệu khác có thể giúp chúng ta nhận xét về một người mà chúng ta mới gặp gỡ lần đầu để bàn tính công việc làm ăn. Nếu chúng ta có dịp gặp họ trong cái khung cảnh làm việc hằng ngày thì việc nhận xét có phần dễ hơn vì nơi đó, trong cái không khí họ sinh sống hằng ngày ấy họ không gò bó, trái lại rất cởi mở, do đó chúng ta dễ nhận xét cá tính của họ hơn.

Chúng ta đều biết trong giới doanh nghiệp có những quy tắc về phép xã giao. Chẳng hạn người ở địa vị xã hội kém hoặc người muốn xin xỏ hay cầu cạnh ai một điều gì thì tự nhiên phải đích thân đến viếng người ấy trước nơi gia cư hoặc nơi phòng văn của họ. Mà như thế người khách có nhiều điểm lợi hơn người chủ, vì người khách muốn giấu giếm tâm tư của mình chỉ có một việc là đề phòng, giữ gìn “con người” của mình thôi, trong khi đó họ có thể chẳng những là nhận xét về “con người” của chủ gia mà con có thể quan sát cái khung cảnh, cái ngõ ngách trong nhà, hoặc giả khi ngồi đợi ở phòng khách họ có thể gợi chuyện với các gia nhân để hiểu thêm về người chủ nhà. Có ai ngờ rằng trong mười lăm phút chờ đợi ở phòng khách ấy, người ta lại có thể biết đặng rất nhiều điều.

Những viên chủ hãng tiện tặn không dám dành riêng một căn phòng tiếp khách hoặc giả chỉ dọn một phòng khách sơ sài cho lấy có, thật đã tiết kiệm không phải lối. Nếu họ lại đặt viên gác điện thoại ngồi ở ngay lối bước vào phòng khách, hoặc giao cho người ấy thêm phận sự rước khách thì họ lại thiếu dè dặt, bởi viên gác điện thoại thường biết rất nhiều điều trong nhà chủ, lỡ hắn ta có tính hay bép xép…

Nghe một người chủ hãng nói chuyện với người giúp việc chúng ta cũng có thể đoán biết ít nhiều về tâm tính ông ta. Có những cách nói, những giọng nói nó thố lộ tình giao bảo giữa chủ và nhân viên.

Trong lúc viên chủ hãng tiếp chuyện với chúng ta, nếu họ phải ngưng câu chuyện nhiều lượt để trả lời điện thoại, điều ấy chứng tỏ viên thư ký của họ không rành nghề. Hoặc giả nó chứng tỏ người chủ ấy qua tham quyền, tham việc nên ngay trong những công việc nhỏ như việc trả lời điện thoại chẳng hạn họ cũng không dám để người khác làm thay họ… Về mặt tâm lý điều ấy chứng tỏ quá nhiều tham muốn nhưng óc phán đoán kém. Thiếu sự tin cậy ở người là do lòng nhân kém.

Cách bắt tay cũng có ý nghĩa. Đành rằng nhờ giáo dục người ta có thể tập tành cách bắt tay đúng lề lỗi xã giao nhưng thường hơn, cái bắt tay ấy để bộc lộ cá tính con người vì nó là một cử chỉ tự động.

Cái bắt tay chắc nịch, nhưng không siết quá mạnh chứng chỉ người hoạt động, thành thật, cảm tính vừa phải.

Cái siết tay quá mạnh, quá chặt (theo lối võ sĩ nhu đạo) chứng chỉ người rất nhiều hoạt động tính nhưng lại kém lòng nhân, ít cảm xúc tính.

Cái bắt tay hờ hững có vẻ miễn cưỡng lấy lệ (hoặc chỉ chìa hai ngón tay ra hoặc đưa tay trái) chứng chỉ người tự kiêu, tự mãn (nhiều tham muốn).

Những cách chào hỏi khác cũng có thể giúp chúng ta nhiều nhận xét hay.

Nhận xét về cách nói chuyện:

Trong khi hầu chuyện nếu chúng ta nhận thấy người đối thoại hiểu chúng ta rất nhanh, đó là do những chu kỳ tâm lý ở họ hoạt động rất mạnh. Và điểm này chứng chỉ văn hóa của họ khá cao, guồng máy trí thức của họ thường đặng vận dụng. Cũng có thể đoán: óc phán đoán họ rất tinh xác bởi họ ước lượng rất nhanh.

Khi chúng ta trình bày một vấn đề nào với người nào mà họ biết nhận định ngay vấn đề, rồi kết luận một cách đích xác, ta có thể đoán: họ có nhiều óc phán đoán.

Trái lại khi chúng ta nêu ra vấn đề cho người giàu óc tưởng tượng là họ thường tán rộng thêm, bước sang nhiều vấn đề khác lắm khi không ăn chịu với vấn đề chính. Nếu họ lại vừa có nhiều cảm xúc tính, họ có thể đi đến ảo tưởng. Còn nếu đồng thời họ lại bị kích thích nên nói rất hăng, nói huyên thuyên (vì quá nhiều hoạt động tính) điềm ấy chứng chỉ một đầu óc lộn xộn, vô tổ chức, thiếu phương pháp.

Người lĩnh hội chậm không hẳn là người kém óc phán đoán. Một trí khôn chậm lụt, lâu hiểu thường là do sức khỏe không dồi dào (toàn thân cảm giác không tốt) nên các chu kỳ tâm lý diễn ra rất chậm. Một người đi đến kết luận chậm nhưng biết kết luận chính xác vẫn là người biết phán đoán.

Nhưng cũng nên đề phòng chính mình. Lắm khi chúng ta đinh ninh rằng những ý kiến hoặc những vấn đề chúng ta nêu ra là hay là đúng mà người đối thoại với chúng ta lại không đồng ý. Ở trường hợp này không nên vội cho rằng người ấy thiếu phán đoán, rất có thể chính chúng ta sai lầm. Điều đáng cho chúng ta quan tâm không phải là việc họ có đồng quan điểm với chúng ta chăng mà phải xét xem cách lĩnh hội của họ, lẽ đương nhiên trước đó chúng ta phải biết trình bày vấn đề một cách minh bạch, đầy đủ.

Như chúng ta đã thấy, một cuộc đàm luận về công việc làm ăn là một cuộc tranh đấu giữa hai óc phán đoán. Nếu chúng ta phán đoán kém tất nhiên chúng ta sẽ nhận định sai làm về người đối thoại.

Người có óc phương pháp biết trình bày vấn đề cách rõ ràng, có lớp lang nhưng có vẻ máy móc, khô khan. Trong bài trần thuyết của họ có ba phần: khai đề; phụ diễn; kết luận. Nó rõ rệt, minh bạch nhưng cộc lốc, khô khan.

Trong khi trần thuật người có óc tinh nhệu trái lại biết đưa ra nhiều khía cạnh, những nét xuất sắc của vấn đề và cũng biết gia vị thêm chút thi vị hay trào lộng, hoặc đệm thêm chút màu sắc. Người có tinh nhệu đáng cho chúng ta “ngán” hơn người có óc kỹ hà là ở điểm đó. Họ có thể thâu phục chúng ta chỉ vì những tư tưởng, những ý kiến họ đưa ra gói ghém cách khéo léo, rất quyến rõ tuy rằng chưa ắt chính xác.

Người biết suy nghĩ không bao giờ thâu nhận một ý kiến mà không khảo xét lại. Luôn luôn họ biết nhận xét vấn đề ấy dưới mọi phương diện cho đến khi họ không còn tìm ra lý lẽ để chống đối. Lúc bấy giờ họ mới chịu thâu nhận. Nếu óc phán đoán họ chắc chắn họ có thể kết luận nhanh chóng.

Người nhút nhát ít khi dám quyết định ngay mặc dù không có lý do chính đáng họ vẫn dời lại mãi cái giờ phút quyết định, như thế là bởi óc phán đoán của họ không tinh xác hoặc giả họ có tính nhút nhát (kém hoạt động tính nhưng nhiều cảm xúc tính).

Một người tuy trong thâm tâm đã quyết từ chối điều gì đó nhưng vẫn ưỡm ờ không dám nói thẳng ra là người giả dối hoặc nhút nhát.

Người thành thật dù không tìm ra lý lẽ để từ khước vẫn nói thằng ý định của họ.

Người nhiều hoạt động và đa cảm xúc khi vớ đặng một ý kiến hoặc tư tưởng nào đó là họ vồ chụp lấy ngay một cách tin tưởng và nồng nhiệt dù họ chưa kịp suy nghĩ. Tuy nhiên, dù họ có quả quyết như thế nào chúng ta cũng đừng vội tin rằng họ đã chấp thuận tư tưởng ấy một cách vĩnh viễn.

Nhưng nếu người ấy có một óc phán đoán thượng đẳng rất có thể họ đã nhận định tất cả vấn đề. Vì thỉnh thoảng người ta cũng gặp một vài đầu óc siêu đẳng, có óc tổng hợp, óc tưởng tượng rất dồi dào lại có đủ hoạt động tính và cảm xúc tính. Những đầu óc ấy nhờ biết phán đoán tinh xác nên chỉ cần xét qua một lượt là có thể nhận định cách đúng đắn toàn khối vấn đề. Và rất có thể họ dám quyết định ngay. Song những bậc ưu tú ấy hiếm lắm.

Như chúng ta đã thấy, nếu biết áp dụng tâm lý học người ta có thể rút tỉa nhiều bài học khá hay trong những nhận xét nhỏ nhặt. Nếu để tách riêng ra những nhận xét ấy hình như không có giá trị là bao song nếu biết gom lại nó để nhận xét tổng quát nó có thể giúp chúng ta nhiều điều đáng biết về những người chúng ta cần biết.

Tóm lại khi muốn phán đoán về một người trước hết chúng ta phải xét xem những bẩm chất thiên nhiên của họ ở mực độ nào, nhiều hay ít. Song song theo đó chúng ta sẽ thử phác họa con người của họ, nhìn theo cá tính tập thành của họ mà vẽ lại.

Phối hợp hai phương diện quan sát ấy chúng ta sẽ có một nhận định tổng quát về cá tính của họ và do đó chúng ta sẽ biết cách ứng phó với họ khi cần.