Đôi lúc nghĩ lại, Hồng Kim cũng tự trách mình vì sự hồ đồ đó và cũng muốn tìm cơ hội để nói câu xin lỗi với anh ta. Nhưng xem ra Bửu Điền cố tình lánh mặt cô thì phải. Đã thế thì Hồng Kim này cũng cóc cần!
Và cô càng không nên để phiền toái trong lòng khi đứng giữa khung cảnh khu vườn tuyệt đẹp này. Dù có ấn tượng hay ác cảm với Bửu Điền cỡ nào đi chăng nữa, Hồng Kim vẫn phải thầm khen đầu óc thẩm mỹ của anh ta.
Bửu Điền đã tạo cho quang cảnh xung quanh nhà một vẻ đẹp độc đáo và đầy ấn tượng.
Hồng Kim thích nhất là hồ nước nằm giữa thảm cỏ xanh rì, khi mở vòi nước phun lên thành từng tia nhỏ bắn ra xa lấp lánh trông chẳng khác nào những đêm bắn pháo bông hay dịp lễ hội.
Mải mê đưa tay hứng nhũng giọt nước mát, Hồng Kim không hay Bửu Điền đã có mặt ở ngoài vườn và anh đang đứng không cách xa cô cho lắm.
– Cô vọc phá bao nhiêu đó đủ chưa?
– Tôi... tôi...
Mặt đỏ như gấc chín, Hồng Kim ngắc ngứ không tìm ra được câu trả lời.
Bửu Điền đã bồi thêm bằng một giọng lạnh băng:
– Tại sao cô phải sang đây? Có phải cô có sẵn ý đồ để bước vào công ty Việt Việt.
Ngó sững Bửu Điền đến mấy giây, Hồng Kim bướng bỉnh:
– Tôi không biết Việt Việt là cái chi chi cả.
– Có thật không đó?
Bửu Điền cất giọng khinh khỉnh. Hồng Kim tròn mắt với một sự ngạc nhiên:
– Câu hỏi của anh có nghĩa gì?
– Thông minh như cô mà hỏi điều đó thì xem ra quá thừa. Nhưng không sao, tôi sẽ nhắc cho cô một chi tiết có lẽ đã bị cô bỏ quên rồi.
Hồng Kim cáu kỉnh thật sự:
– Anh muốn nói gì thì cứ nói huỵch toẹt ra đi. Tôi không ưa sự rào đón, thái độ đó thường hay giả tạo lắm.
Nhếch môi nhưng Bửu Điền không cười trái lại giọng anh có vẻ giễu cợt:
– Nếu vậy là do sơ Ân Bình và các sơ khác ở làng trẻ đã nhận xét nhầm lẫn về cô, họ khen cô Hồng Kim ở đấy có trí nhớ tuyệt vời, nhưng theo tôi thì ngược lại.
– Cám ơn nhận xét của anh. Thế thì bây giờ anh cứ nói cho tôi biết Việt Việt là cái chi chi đi.
Bửu Điền cao giọng:
– Việt Việt là một công ty sản xuất và kinh doanh đồ chơi trẻ em hẳn hòi chứ không phải là cái chi chi gì gì cả.
Trời không nóng nhưng trán của Hồng Kim rịn mồ hôi, cô thầm trách mình tại sao lại quên khuấy đi điều đó. Hôm ở làng trẻ, khi không thấy phái đoàn Nhật Bản đến viếng, Hồng Kim đã được sơ Ân Bình cho biết số qùa đó là của công ty Việt Việt ở Nhật Bản. Chẳng trách anh ta đã mắng cô nãy giờ, cô quả thật là đãng trí.
Giờ đây đối diện với gương mặt tự đắc và thách thức của Bửu Điền, Hồng Kim lại thấy hơi bị tự ái.
Thay vì nhận ra sơ xuất của mình, thì cô lại khiêu khích:
– Ồ.. hóa ra, anh đang nhắc cho tôi biết mình chẳng những là con của ông chủ mà còn là một ông chủ con... À, không...
Cô lại dài giọng:
– Ông chủ bự nữa chứ gì?
Bửu Điền nhìn xoáy vào Hồng Kim, tia nhìn ngun ngút lửa của anh đã đánh đổ cô. Bất giác Hồng Kim cúi mặt xấu hổ thật sự vì những lời lẽ chẳng nên nói tí nào. Giờ đã muộn mất, cô không thể rút lui. Và chắc chắn Bửu Điền không thể có thiện cảm với cô rồi.
Hồng Kim mím môi, thay vì phải nói lời xin lỗi... nhưng kỳ thật cô đang len lén nhìn anh nửa muốn mở lời nửa lại không. Bửu Điền ung dung hút thuốc.
Qua làn khói thuốc lờ mờ mỏng manh ấy, dáng cao lớn khỏe mạnh của anh càng như có chút gì đó bất cần đời. Tuy nhiên điều đó lại càng làm cho phong thái anh ta càng trở nên đáng chú ý và hấp dẫn hơn thì phải.
– Sao, chắc chắn là trên cả điểm mười phải hôn?
Bửu Điền nhếch môi hỏi khẽ. Câu hỏi của anh đã làm Hồng Kim thêm lúng túng vì phút lơ đãng của mình, cô thật thà.
– Anh nói gì, tôi không hiểu?
– Chẳng phải nãy giờ cô đang chấm điểm tôi đó sao?
Hồng Kim cười rũ ra:
– Trời ơi! Không ngờ con người anh lại tự cao tự đại đến như vậy.
– Thế à!
Giọng Bửu Điền thản nhiên:
– Cô cho rằng điều đó là không tốt ư?
– Đương nhiên. Vì chẳng ai tự khen mình như vậy cả, mà hãy để người khác đánh giá về mình.
Bửu Điền nhún vai:
– Hình như cô đã nhầm lẫn giữa hai vấn đề:
''tự nhận xét về mình và tự khoe khoang'' rồi Hồng Kim ạ. Nhưng tôi cũng không phải là triết gia để diễn giải với cô về vấn đề này.
Hồng Kim ngồi sượng ngắt, cô không biết gương mặt mình bây giờ ra sao nữa. Chắc là khó coi lắm, đỏ, xanh hay là trắng? Nhưng duy nhất một điều là cô đang ấm ức ghê lắm chẳng hiểu vì sao giữa cô và Bửu Điền không thể tương đồng trong cách nói chuyện. Tại Hồng Kim chăng? Cũng có thể.
Bởi vì Hồng Kim hay nói thắng và không ưa kiểu xun xoe tăng bốc, mà xem ra thì Bửu Điền cũng không phải thuộc mẫu người thích nói ngọt, ưa nịnh hót... như vậy hai người tại sao lại chỏi nhau được chứ?
Một thoáng thất vọng chợt đến trong Hồng Kim khi cô nghĩ lung tung về điều đó, muốn nói nhưng cô lại im.
Phà nhẹ một hơi thuốc rồi nhìn những vòng khói bay lơ lửng. Bửu Điền điềm đạm hỏi:
– Mẹ cô thế nào rồi, sức khỏe tốt chứ? Tôi tiếc là hôm đi vội vã đã không kịp đến thăm và tạm biệt bác.
Ngước mắt lên nhìn thẳng Bửu Điền, giọng Hồng Kim êm dịu:
– Mẹ tôi cũng có một điều tiếc và ray rứt là không gặp lại được anh để nói một lời cám ơn.
Tự nhiên Bửu Điền cau có, giọng khó chịu:
– Tôi hỏi thăm bác gái xuất phát từ tình cảm chớ không phải để muốn nghe những lời trên môi ấy.
Câu trả lời của Bửu Điền chẳng khác nào anh ta đang vung tay tạt một ca nước lạnh vào mặt Hồng Kim, cô tức anh ách và đồng thời cũng lấy làm thắc mắc vì sao anh lại thích đấu khẩu vói cô như thế nhỉ?
Anh không thích cô ở điểm nào. Giá như anh biết được quả tim cô đã xao động vì anh khi cô nhìn thấy anh giữa đám trẻ, rồi thêm hai lần gặp mặt.
Và lần này sự xuất hiện của anh đã làm cô vui, cô nghĩ ngợi mông lung và mộng mơ nhiều nhất, dù biết rằng khoảng cách giữa anh và cô quá xa. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện Bửu Điền ghé mắt để ý đến cô. Ấy vậy mà cô vẫn hoài tưởng mộng mơ.
Hồng Kim ơi, mi hãy tình ngủ lại đi. Đừng sống trong mộng mị nữa.
Hình như trong thâm tâm Hồng Kim đang cố nhắc nhở mình như thế.
Đứng phắt dậy, Hồng Kim tỉnh bơ phủi phủi bụi trên áo. Rồi giữ thái độ dửng dưng, cô lên tiếng:
– Thế thì tôi sẽ không làm phiền anh vì những lời nói trên môi ấy nữa đâu.
Nói xong, cô đi thẳng vào nhà mà không cần biết Bửu Điền có phản ứng gì không.
Thủy Tiên gieo mình xuống ghế với một tâm trạng vô cùng bực bội. Cô vừa đến tìm Bửu Điền. Thái độ tiếp đón hững hờ của Bửu Điền chứng tỏ anh vẫn còn giận cô nhiều lắm.
Thủy Tiên càng không hiểu nổi vì sao Bửu Điền lại tôn kính ông ta như là sùng bái như thế. Ông ta chỉ là cha nuôi chứ có phải cùng máu huyết ruột rà gì đâu. Hơn nữa, ông lại mang hình hài đáng sợ đến như vậy, thử hỏi làm sao mà ai dám đến gần được.
Tưởng tượng đến chuyện mình sẽ gọi ông Liệt Quân biến dạng là cha, Thủy Tiên thoáng rùng mình. Lại sẽ phải sống cùng nhà ăn cùng mâm với ông ta nữa nếu Thủy Tiên và Bửu Điền nên vợ nên chồng, cô phải làm sao đây. Thật là ngán ngẩm.
Đã trót yêu Bửu Điền từ bấy lâu nay rồi, Thủy Tiên tin là Bửu Điền cũng vậy. Anh cũng đã yêu cô lâu rồi, chỉ có điều cô muốn chờ nghe lời anh tỏ tình trước mà thôi.
Tiếng kên bóp vang inh ỏi, Thủy Tiên cũng chẳng buồn đứng dậy. Cho đến chừng tiếng giầy khua lộp cộp đến gần, cô mới nhẹ giọng:
– Tìm được thông tin rồi chứ mẹ?
Bà Giao Thủy mặt mày tươi rói:
– Chắng những đầy đủ thông tin mà còn có địa chỉ nữa con ạ.
Mắt Thủy Tiên sáng lên:
– Thật hở mẹ?
– Mẹ chạy đôn chạy đáo cũng chỉ vì lo cho con mà còn không thật sao?
Bật dậy như chiếc lò xo, Thủy Tiên ôm bà Giao Thủy rồi hôn chùn chụt lên gò má của bà.
– Vì con là con gái cưng của mẹ mà.
– Chỉ giỏi nịnh!
Bà Giao Thủy mắng yêu côn gái rồi chau mày nói tiếp:
– Mẹ và con phải bay về Việt Nam ngay, Thủy Tiên ạ. Bửu Điền rất hiếu thảo và có nhân nghĩa. Chúng ta sớm tìm được bà ấy thì mọi chuyện sẽ vô cùng tốt đẹp:
Thủy Tiên ngần ngừ:
– Nhưng con còn hợp đồng quảng cáo với hãng nước hoa.
Bà Giao Thủy cắt ngang:
– Tuổi xuân rồi sẽ tàn phai, con không thể làm người mẫu quảng cáo mãi Thủy Tiên ạ.
– Nhưng hiện thời con vẫn đang là người nổi tiếng của giới quảng cáo.
Bà Giao Thủy lắc đầu, giọng oai quyền sắc lạnh:
– Hư danh rồi cũng chỉ là bọt bèo. Con cần phải biết nắm bắt thời cơ là hơn.
Thủy Tiên lưỡng lự:
Thủy Tiên tự tin:
– Nhưng anh Bửu Điền cũng có vẻ yêu con cơ mà.
– Từ chỗ yêu nhau đến cưới nhau vẫn còn khoảng cách xa vời vợi đấy con ạ. Ai biết đoạn đường ấy suôn sẻ hay đầy chông gai khúc khuỷu. Con bảo Bửu Điền chỉ có vẻ thôi, thì mẹ thấy còn mong manh đấy.
Những lời phân tích của mẹ đã làm Thủy Tiên băn khoăn. Chính cô cũng đang tự hỏi giữa cô và Bửu Điền đã có tình yêu mãnh liệt chưa?
Bửu Điền đẹp trai, lịch sự, bặt thiệp, nhưng anh lại không có tính trăng hoa bay bướm. Một người đàn ông như thế làm sao Thủy Tiên không mơ ước được? Và đúng như mẹ nói, cơ hội đã nằm trong tay cô, vậy thì cô không cờn gì phải ngần ngại.
– Con chuẩn bị hành lý đi. Mẹ đã đăng ký vé máy bay rồi. Bây giờ mẹ cũng phải lo thu xếp công việc riêng của mẹ.
Bà Giao Thủy lên tiếng phá tan dòng suy nghĩ của Thủy Tiên. Cô gật đầu thật nhanh. Trước mắt cô bây giờ chỉ có hình ảnh Bửu Điền hiện diện.
Cởi chiếc tạp dề ra máng lên móc áo, Hồng Kim dùng tay lau nhẹ những gịot mồ hôi trên trán rồi cô mới bưng chiếc khay chuẩn bị mang thuốc đến phòng cho ông Liệt Quân.
Kể ra, ông Liệt Quân cũng dễ tính, chớ nếu không chẳng biết cô có chịu đựng nổi với một người vừa dễ sợ vừa khó chịu.
– Bác Quân ơi, đến giờ bác uống canh dưỡng sinh rồi nè.
Chưa vào phòng ông Liệt Quân nhưng Hồng Kim đã lên tiếng trước. Ông Liệt Quân đáp lại với giọng khôi hài:
– Dưỡng sinh, dưỡng thể gì rồi cũng vào dưỡng lão thôi phải hôn? Nói vậy chứ để đấy cho bác đi.
– Dạ.... Ủa! Có anh Hào Trung và Bửu Điền ở đây nữa ạ.
Hồng Kim hơi khựng lại nhưng rồi cô đặt nhanh chiếc khay lên bàn rồi nói ngay:
– Cháu để đây nghe bác. Cháu xin phép.
Hào Trung xen vào:
– Hình như hai thằng tôi có mặt không đúng lúc hay sao mà Hồng Kim tắt đài lẹ vậy?
Liếc xéo Hào Trung, Hồng Kim đáp:
– Tôi mang thuốc cho bác Quân chứ không có mở đài, tắt đài gì hết... Tôi là đài chắc anh cũng thuộc về loa.
Hào Trung tỉnh bơ:
– Đó, Bửu Điền! Mày thấy tao nói ''đàí' có đúng không? Kể mày không tin?
– Anh đã nói lén gì tôi thế hở Hào Trung?
– Tôi thế này mà đi nói lén cô sao?
– Hào Trung nói đùa đấy cháu Kim ạ.
Ông Liệt Quân dịu giọng can thiệp. Còn Bửu Điền thì lạnh băng cất giọng:
– ''Đài loá' gì cũng nên tắt cả đi!
Hào Trung nhăn mặt:
– Thằng quỷ! Mày chơi tao hả?
Không trả lời bạn, nhìn thẳng Hồng Kim, Bửu Điền lại nghiêm nghị chất vấn:
– Cô vừa gọi cái này là gì?
– Canh dưỡng sinh?
– Không phải thuốc sao?
Hồng Kim thành thật:
– Đây không phải là thuốc nhưng nó cũng gần như là thuốc. Vì ''bài vị'' này cũng giúp cho sức khỏe của bác tiến triển hơn.
– Vậy sao!
Bửu Điền khinh khinh hỏi và tiện tay anh cầm bát canh đưa lên mũi ngửi và đột nhiên giọng anh xẵng lè:
– Bác sĩ Hà đã bảo cô toa thuốc này à?
– Đương nhiên là không rồi.
Bửu Điền giật nảy người lên kinh ngạc:
– Hử!
Hồng Kim bình tĩnh giải thích:
– Là như thế này, đơn thuốc của bác sĩ Hà, bác Quân vẫn uống đều đặn.
Còn món canh dưỡng sinh này là do tôi đọc được tài liệu.
Không chờ Hồng Kim nói hết câu, Bửu Điền đã lớn tiếng cắt ngang:
– Ai cho cô tùy tiện kê đơn, kê toa thuốc cho ba tôi vậy hả? Cô tưởng mình là ai hử? Hào Trung, cậu quan tâm đến chuyện này tới mức độ nào mà cô ấy tự ý làm bác sĩ, cậu vẫn không hay biết.
Mặt Hào Trung ngơ ngẩn:
– Bửu Điền à! Chuyện này tao vừa mới biết tức thời đó thôi. Hồng Kim, cô hãy mau giải thích đi!
– Bác Quân ơi! Thế bác không...
Hồng Kim lúng túng, một phần vì bị mắng oan ức. Ông Quân nở nụ cười hiền hậu:
– Là bác Quân không nói với tụi nó. Vả lại, bác thấy cũng không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe khi đang sử dụng thuốc tây cả.
Bửu Điền cáu kỉnh:
– Đâu được tùy tiện như vậy chứ ba! Lỡ như có chuyện gì... cô ấy chỉ là...
Bửu Điền ngừng lại rồi mới nói thêm.
– Cô ấy có phải là bác sĩ đâu mà ba lại tuân chỉ?
Hồng Kim vừa buồn vừa giận. Dẫu biết thân mình là đầy tớ nhưng câu nói nửa vời của Bửu Điền lại làm cô vô cùng buồn bã. Tuy anh không nói trọn câu nhưng Hồng Kim vẫn tự biết. Ai bảo cô tài lanh mà chi. Tình cờ cô gặp một người bán rau củ, bà ta cho biết chồng bà bị bệnh đã lâu ngày rồi và nhờ bài thuốc canh dưỡng sinh đã giúp ông ấy ăn ngủ được. Hơn nữa, Hồng Kim cũng đã mua được quyển sách có liên quan, cô đọc rất kỹ tài liệu rồi mới thực hiện. Không nghĩ đó là thần được, nhưng cô thấy cũng có công hiệu vì từ ngày dùng thêm thứ nước gọi là canh dưỡng sinh này thì ông Quân ăn uống được và giấc ngủ cũng dài hơn.
– Thôi được rồi!
Bửu Điền hơi nhẹ giọng nhìn Hồng Kim và nói tiếp:
– Để tôi gặp bác sĩ Hà hỏi rõ. Nhưng mai mốt cô đừng tự ý mình mà làm nữa nhé. Đây là sinh mạng chớ không phải trò đùa hay một cuộc thí nghiệm.
Ông Liệt Quân ái ngại:
– Coi kìa Bửu Điền! Vấn đề không đến nỗi quan trọng như vậy đâu con!
– Vâng, tôi biết rồi. Tôi xin lỗi.
Hồng Kim nói nhanh rồi cô chạy vội ra khỏi phòng. Cô không muốn để Bửu Điền nhìn thấy những giọt nước mắt của mình.
Mân mê tấm ảnh đã cũ mèm theo năm tháng nhưng từ trong tâm thức của Bửu Điền anh vẫn cảm nhận ra nó rất thiêng liêng và quen thuộc. Phải chăng tình máu mủ vẫn là sợi dây thiêng liêng quấn chặt đời anh.
Bửu Điền nhìn bà Bội Trâm. Trong ảnh, mẹ anh không có gì thay đổi lắm, nét thanh xuân vẫn còn phảng phất trên gương mặt, dù nhan sắc bà có nhạt phai theo thời gian.
Chỉ có Bửu Điền là hoàn toàn đổi khác. Từ một thằng bé mới biết đi chập chững tóc mọc loe ngoe mà bây giờ đã gần ba mươi năm rồi. Chính anh cũng không thể nhận ra mình nữa là... nếu như không có những dòng chữ của bà Lâm Vân, nội anh đã ghi sau tấm ảnh thì chắc Bửu Điền còn phải đi tìm đáp án.
Gian phòng như cô đọng lại và im ắng đến lạ thường. Chỉ có giọng trầm ấm của bà Bội Trâm nghe thật là u uất.
Bây giờ tâm trạng bà đang vui, niềm vui pha đầy nước mắt. Ngay cả trong mơ, bà cũng không bao giờ dám nghĩ đến ngày gặp mặt lại đứa con trai này. Thế mà sự trùng phùng đang diễn ra trước mắt.
Bà Bội Trâm nghẹn ngào hỏi Bửu Điền:
– Mẹ đã không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ đã sinh ra con.
Con oán hận mẹ lắm phải không Bửu Điền.
Bửu Điền gật đầu thú nhận:
– Ngày xưa khi sống cùng với nội, những điều nội kể buộc một đứa trẻ như con phải tin và để lòng oán trách. Bởi vì chẳng có đứa con nào chấp nhận chuyện bị mẹ nó bỏ rơi, mà nguyên nhân bao giờ cũng là sự phản trắc phải không mẹ?
– Trời ơi!
Bà Bội Trâm thốt lên tức tưởi. ông Liệt Quân từ đầu đến giờ vẫn chưa nói lời nào, bỗng lên tiếng:
– Chị Trâm! Tôi xin chị hãy bình tĩnh, đừng quá xúc động và đau khổ như vậy.
Bà Trâm vẫn còn nghẹn giọng. Bà như sụp đổ trước câu khẳng định phũ phàng của Bửu Điền. Bà chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ chồng đã vẽ nên hình tượng một người mẹ xấu xa như thế với Bửu Điền. Như vậy là suốt ngần ấy năm trên cõi đời này, Bửu Điền đã sống với nỗi trăn trở và oán giận mẹ vô biên. Thật tội nghiệp cho con bà. Và phải chăng cũng là tội nghiệp cho bà:
Chừng như thấu hiểu tâm trạng của bà Bội Trân và chờ cho bà dịu cơn xúc động, ông Liệt Quân ôn tồn nói tiếp:
– Thật ra, trong chuyện này, ngay đến chú út của Bửu Điền cũng đã hiểu lầm mà oán giận chị. Anh Khắc mang Bửu Điền sang Nhật nuôi dưỡng cũng vì điều đó. Mãi sau khi bà cụ lâm chung đã trao bức ảnh này và nối rõ sự thật. Nhưng lúc đó chị cũng đã lưu lạc xa xứ nên dòng họ không tìm được.
Bây giờ mẹ con sum họp là tốt và đáng mừng rồi. Chuyện của quá khứ đừng nhắc lại mà thêm đau lòng. Chúng ta cũng không nên trách cứ người đã khuất.
Bửu Điền ngồi lặng đi trong niềm đau mà mẹ đã gánh chịu, anh thầm trách bà nội. Nhưng cha nuôi đã nói đúng hãy để quá khứ ngủ yên đừng nhắc lại nữa.
Suy cho cùng, nội anh cũng phải vì khuôn phép gia giáo của một đại gia đình danh gia vọng tộc mà thôi. Làm sao mà chấp nhận cô con dâu làm nghề ca kỹ trên sông Hương.
Từ nãy giờ theo dõi câu chuyện kể bằng vẻ hời hợt hơn là quan tâm, nhưng bà Giao Thủy vẫn giả vờ lên tiếng an ủi:
– Chị Bội Trâm ơi! Chuyện cuộc đời chị thiệt giống như trong phim. Tôi nghe mà cảm thương và tội nghiệp cho chị. Nhưng anh Quân nói đúng, chúng ta hãy quên những chuyện không vui này đi và hãy nhìn về những gì tốt đẹp đang diễn ra trước mắt. Bửu Điền rất hiếu đạo rồi đó sẽ chăm sóc báo đáp cho chị trong quãng đời còn lại.
Bà Bội Trâm nhẹ giọng:
– Vâng! Tất cả cũng là nhờ chị và cháu Thủy Tiên. Tôi còn có ngày được Bửu Điền gọi bằng tiếng mẹ thiêng liêng này cũng là do mẹ con chị đem đến. Tôi rất biết ơn.
Thủy Tiên sung sướng nhưng cô vẫn giả lả:
– Ôi, bác! Xin bác đừng nói vậy mà con phải đắc tội.
– Thôi, như thế này là hoàn hảo quá rồi. Bửu Điền, con hãy tổ chức bữa tiệc mừng hai mẹ con trùng phùng đi. Ba nuôi sẽ giao quyền dạy dỗ này lại cho mẹ ruột con và quay về ở ẩn.
Lời nói đùa của ông Liệt Quân không làm cho bầu không khí bớt căng thẳng hay sôi nổi thêm tí nào cả, vì hình như trong đầu mỗi người bận đeo đuổi những ý nghĩ riêng tư.
Không ai ngoài Bửu Điền có thể hiểu được tâm trạng của ông Liệt Quân cả. Ông mừng cho Bửu Điền tìm được mẹ, nhưng chắc chắn trong lòng sẽ không được vui vẻ, từ nay ông mất vai trò được làm một người cha trọn vẹn và duy nhất rồi. Ông sẽ trả Bửu Điền về vòng tay của mẹ ruột để rồi hai chữ ''ba nuôí' sẽ làm ông quay quắt trong chuỗi ngày còn lại.
Ông không muốn điều đó. Cả Bửu Điền cũng vậy, mãi mãi anh vẫn xem ông là người cha đáng kính. Thế nhưng làm sao ông chịu sống chung với Bửu Điền khi trong nhà có thêm mẹ ruột của anh. Những điều tưởng chừng thật đơn giản mà hóa ra rắc rối vô cùng.
– Anh Liệt Quân!
Bà Bội Trâm thốt lên khi thấy vẻ buồn phiền và đau khổ như hiện lên trong đôi mắt của ông.
– Hai mẹ con tôi có ngày này đối với tôi quả là một điều hết sức hy hữu.
Tôi mừng và mãn nguyện lắm nhưng có lẽ tôi không thể sống cạnh con trai được. Tôi sẽ trở về Việt Nam.
– Kìa, chị Trâm! Rồi Bửu Điền sẽ lo thủ tục rước chị sang đây mà.
Bà Giao Thủy hơi bất ngờ khi nghe lời nói vừa rồi của bà Bội Trâm.
Chẳng phải bà khó khăn lắm mới thu thập được những thông tin này và tìm cho được bà Trâm chỉ vì gia đình bà không thể kết thông gia với người có khuôn mặt gớm ghiếc như ông Quân.
– Chuyện ai ở đâu và sau này như thế nào, chúng ta đừng bàn bạc nữa.
Theo tôi, trước mắt hãy bàn về buổi tiệc mừng, phải không anh Quân?
– Vâng? Tôi hưởng ứng lời chị đấy chị Thủy ạ. Bửu Điền, chuẩn bị tổ chức mọi việc đi con.
Bà Bội Trâm giọng thành thật:
– Không cần thiết phải rườm rà và quan trọng như vậy đâu anh Quân, chị Thủy và Bửu Điền ạ. Một bữa cơm gia đình là tôi hạnh phúc rồi.
Bà Giao Thủy không đồng ý:
– Đâu có được! Cháu Bửu Điền là người có tiếng tăm trong giới kinh doanh. Mọi việc không thể xềnh xoàng được. Chị cứ yên tâm, tôi sẽ giúp cháu Điền tổ chức.
Lặng lẽ thở dài, ông Liệt Quân giấu đi nỗi niềm riêng và xin phép mọi người để về phòng riêng với lý dơ sức khỏe.
Như hiểu được ý cha nuôi, Bửu Điền cất giọng quả quyết:
– Buổi họp mặt với tính cách gia đình cho nên con sẽ tổ chức ở đây và chỉ mời một số bạn bè hội đồng hương thôi.
Quay sang bà Giao Thủy, Bửu Điền lễ phép:
– Cháu rất cảm ơn bác đã tìm lại mẹ cho cháu. Riêng việc tiệc tùng, bác không phải bận tâm nữa.
Bà Giao Thủy giả lả:
– Bác chỉ muốn mẹ cháu được rỡ ràng vinh hạnh có đứa con thành đạt như cháu. Nhưng ý cháu không thích phô trương thì thôi. Đơn giản cũng được. Thôi, vậy nhé, cháu cứ lo.
Mùa xuân sang có hoa anh đào Màu hoa tôi trót yêu từ lâu Lòng bâng khuâng nhớ ai năm nào Hẹn hò nhau dưới hoa anh đào Mình nói chuyện ngày sau...
Giọng hát trong trẻo của Hồng Kim vô tình đã đưa bước chân của Bửu Điền lên đến sân thượng. Hồng Kim vừa săm soi những chậu hoa kiểng vừa say sưa ca hát. Vẻ hồn nhiên vô tư của cô bất chợt gieo vào lòng anh một cái gì đó rất là thiện cảm và dễ thương.
– Hay! Hay lắm! Nhưng rất tiếc!
Bửu Điền lên tiếng và vỗ tay dồn dập.
Giật mình, Hồng Kim quay lại, cô đưa tay lên chận ngực:
– Anh làm tôi hết hồn. Nè, anh làm ơn mai mốt đừng nói sau lưng tôi như thế này nha.
Bửu Điền cười cười:
– Là do tại cô đang thả hồn say sưa gởi theo lời ca tiếng hát chứ có phải tại tôi.
Hơi xấu hổ nhưng Hồng Kim cũng thành thật:
– Tính tôi hay hát nghêu ngao, đôi lúc cũng muốn bỏ mà vẫn cứ quên hoài... chắc là anh cười tôi lắm phải không?
Vẻ mặt Bửu Điền thoáng ngạc nhiên:
– Cười ư? Tại sao tôi phải cười cô chứ?
– Vì tôi hát không hay mà lại dám hát. Chính anh vừa rồi đã mở miệng cười đó.
Mỗi nụ cười đều có ý nghĩa khác nhau và tôi bíết rõ mình đã cười cái gì.
Hồng Kim có muốn biết về nụ cười vừa rồi của tôi không?
Hồng Kim nhún vai:
– Anh cười cái quái gì mặc kệ anh chứ tôi biết làm chi.
Bửu Điền tỉnh bơ:
– Tôi không cười cái quái gì cả, mà cười Hồng Kim đấy.
Bàn tay đang cầm bình nước tưới của Hồng Kim cũng phải ngừng lại theo sự ngạc nhiên của cô:
– Vậy mà vừa rồi anh lại chối.
– Tôi chỉ muốn giải thích về kiểu cười.
Hồng Kim cáu kỉnh:
– Anh đúng là con người lúc nào cũng nói vòng vo.
Giằng lấy chiếc bình tưới trong tay Hồng Kim, giọng Bửu Điền dí dỏm:
– Nè, chậu hoa chúng ''vô tứ', bộ cô định trút sự bực tức cho chúng sao hả Hồng Kim? Nhưng cũng nguy hiểm lắm nếu như cô không trút xuống những chậu hoa mà lại trút lên người tôi.
Hồng Kim xẻn lẻn vì sự vô ý vừa rồi. Cô đã để nước ngập chậu hoa sứ khi loài cây này không cần phải tưới nhiều nước như thế. Hồng Kim không biết vì sao mình lại thường lúng túng bối rối khi đối diện với Bửu Điền như vậy. Dù lòng đã dặn lòng không được mộng mơ ảo tưởng nhưng con tim lại không chịu nghe những lý lẽ này.
– Hôm nay anh không đi làm à?
Vờ đánh trống lảng, Hồng Kim cất tiếng hỏi.
Bửu Điền gật đầu:
– Hào Trung đã làm tốt mọi việc hầu như không cần phải có mặt tôi.
Hồng Kim châm biếm:
– Những ông chủ thì bao giờ cũng sung sướng vậy cả.
Một thoáng khó chịu hiện lên trên mặt, Bửu Điền chùng giọng:
– Để được trở thành chủ như ngày hôm nay tôi đã phải cật lực như thế nào cô không thể hiểu nổi đâu. Thêm nữa, cuộc sống tha phương cầu thực chẳng đơn giản chút nào đâu.
Bĩu môi, Hồng Kim cãi:
– Xời ơi! Như tôi mới gọi là tha hương cầu thực. Chớ còn anh hả, câu đó nghe chẳng lọt lỗ tai đâu.
– Vậy sao?
– Đương nhiên. Chẳng biết anh cơ cực thế nào, nhưng nếu về Việt Nam với bộ cánh Việt kiều sang trọng của anh thì thiên hạ phải xuýt xoa, thèm muốn thôi.
Bửu Điền tỉnh bơ:
– Nếu thế cô cũng vậy thôi. Mai mốt trở về cũng được người ta gọi là Việt kiều chứ bộ.
– Anh mỉa mai tôi đó à?
Hồng Kim chợt thấy buồn buồn.
Thấy vậy, Bửu Điền chợt đổi giọng thân thiện:
– Hồng Kim có biết là mình quá bướng bỉnh nhưng lại vô cùng ngây thơ, nhẹ dạ không?
– Hả! Anh chỉ trích tôi đó à? Tôi mà ngây thơ nhẹ dạ ư? Hổng dám đâu!
– Nhìn đời đơn giản bằng đôi mắt trong veo qua khung kính màu hồng, đó chỉ là với các cô bé mới bước chân lên ngưỡng cửa trung học thôi Hồng Kim ạ.
– Vâng. Và tôi thì đã ra khỏi ngưỡng cửa đó rồi, cho nên tôi thực tế lắm giám đốc ơi.
Bửu Điền nheo mắt:
– Thế em nghĩ rằng khi sang đây sẽ có lắm tiền lắm sao?
Rụt cổ, Hồng Kim đáp với giọng tưng tửng:
– Chà! Cái này để coi... “lắm tiền” chắc chắn là thực tế rồi. Còn “lắm sao” ấy hả, đấy phải gọi là mơ mộng rồi. Anh không thấy sao ở tít tận trên trời cao à. Hơn nữa, nếu muốn thấy ''lắm saó', tôi đâu cần phải qua tận nước Nhật làm gì chớ?
Bửu Điền châm chọc:
– Lúc nào cũng thích bắt bẻ! Nhưng tôi cũng lấy làm lạ, một người có tính cảnh giác cao độ như em cuối cùng cũng chủ quan lúc nào chả hay.
– Tôi chủ quan ư? Về điều gì?
– Thì việc em dám một mình sang đây. Em không sợ bị lường gạt bị đem bán sao?
Hồng Kim tự tin:
– Tôi đăng ký theo diện ''hợp tác lao động" đàng hoàng hẳn hoi. Hơn nữa, tôi xem báo nghe đài thường thấy việc dụ dỗ gạt gẫm đó hay xảy ra ở Ma Cao, Thái Lan, Đài Loan... thôi.
– Đúng là chủ quan. Nhưng mà thiệt may mắn cho em là lúc đó tôi đang nhờ Hào Trung tìm Ô-sin. Nếu không xin được việc ở đây hổng biết giờ này em có giữ được tấm thân không.
Tức khí, Hồng Kim gân cổ lên cãi:
– Trời ạ! Vậy ra anh tưởng tôi lọt vào đây là may mắn sao? Và nếu không được làm Ôsin cho nhà anh thì tôi đã vất vơ vất vưởng ngoài đường rồi chắc.
Bửu Điền trêu chọc:
– Cô hồn mới vất vơ vất vưởng, chẳng lẽ cô thích mình làm ma?
– Hứ! Tôi có là ma cũng biến anh thành quỷ dữ. Thú thật với anh là mạng tôi lớn lắm. Bằng cớ là khi sang đây thì tôi cũng đã có ngay một chỗ làm tốt rồi, chớ không phải đợi tới khi Hào Trung trương bảng tuyển dụng Ô-sin đâu.
Thái độ khinh khỉnh của Hồng Kim làm Bửu Điền cau mày khó chịu:
– Chà! Nếu vậy sao lại từ chối chỗ tốt đẹp kia nhỉ?
Hồng Kim đều giọng:
– Vì như anh đã nói đó:
“lắm tiền”. Tôi chỉ vì điều duy nhất và thực tế đó thôi.
– Tiền... tiền! Em coi trọng cái điều đó lắm sao?
Hồng Kim trố mắt nhìn Bửu Điền. Tức nhưng cô lại nhỏ giọng như than thở:
– Phải! Có lẽ anh quá thừa tiền cho nên anh đã xem thường. Nhưng trái lại, với tôi nó là cứu cánh, anh có hiểu không?
Chợt Hồng Kim khựng lại, cô không muốn bộc lộ tâm sự với người khác và đấy lại là một người đàn ông không thân thuộc nữa.
Thấy Hồng Kim đột nhiên yên lặng, Bửu Điền dịu giọng:
– Thế em định khi nào về? Em có cần tôi giúp gì không?
Giọng Hồng Kim rưng buổn:
– Tôi cũng không biết nữa! Có nhiều khi tôi mong thời gian trôi qua thật mau, nhưng cũng có khi lại muốn nó kéo dài mãi bởi vì tôi vẫn chưa...
– Kiếm đủ tiền phải hôn?
Thật tự nhiên vả tỉnh bơ; Bửu Điền cắt lời Hồng Kim bằng một câu rất thực khiến Hồng Kim hơi tự ái. Cô không thêm lên tiếng. Cô đang tránh ánh mắt nhìn chăm chú của anh. Hồng Kim rất sợ phải nhìn thẳng vào đôi mắt Bửu Điền. Cô đã nhận ra ánh mắt ấy có một ma lực, nó như thỏi nam châm có sức hút mãnh liệt. Mà cô chỉ là bụi sắt thôi chứ không phải thanh sắt cũng đã bị lực hút mất rồi.
Cảm thấy hổ thẹn vì những ý tưởng đó nhưng Hồng Kim không thể dối lòng. Cô đã thầm ngưỡng mộ, đã âm thầm tưởng anh và có lẽ cô mãi mãi chôn giấu những cảm xúc vu vơ vào sâu tận trong con tim bé nhỏ tội nghiệp.
Sợ lắm! Nếu Bửu Điền biết được thì cô không biết trốn vào đâu, chỉ cầu mong một trận động đất.
Hồng Kim bỗng nghiêm giọng hỏi:
– Anh có biết vì sao mà khi tôi vào đây rồi lại không thể nghỉ ngang cho dù phải bị trục xuất về nước không?
– Tại sao? Gì mà không dám nghỉ ngang?
– Tại cái điều khoản hợp đồng lạ lùng ấy kìa.
Bửu Điền ngạc nhiên:
– Điều khoản gì hở?
Hồng Kim l1ếm môi:
– Bồi tiền gấp ba số tiền lương lãnh và phải tự tìm cho được một Ô-sin thay vào.
Bửu Điền bật cười to:
– Ồ! Quả thật lạ đó! Bộ có chuyện ấy thật sao Hồng Kim?
– Nè, đừng nói với tôi là anh không biết gì hết đó nghen!
– Đúng là như vậy!
Lắc đầu, Hồng Kim nghênh mặt:
– Tôi không tin, bởi vì anh Hào Trung cánh tay trái của anh mà.
Nụ cười vẫn nở trên môi Bửu Điền và anh chàng thản nhiên chìa bàn tay trái của mình ra huơ huơ trước mặt Hồng Kim.
– Cô lầm rồi. Đây mới là cánh tay trái của tôi.
Hồng Kim bật cười giòn. Lần này thì đã cười một cách tự nhiên và thoải mái trước mặt Bửu Điền. Xem ra, anh và cô cũng có tính cách giống nhau là “khoái bắt bẻ và đấu lý”.
Nhưng đấy chỉ là ý nghĩ thôi, Hồng Kim vẫn phải nhớ đến khoảng cách xa vời vợi của hai người, một khoảng cách mà không dễ gì rút ngắn lại được.
Thoáng u buồn, Hồng Kim tự nhắc nhở mình:
Hãy thức tỉnh và nhớ về vai trò Ô-sin của mình đi, con ngốc ạ.