Bản Tin Chiều

Chương 9

Angus Sloane thở phào khoan khái, đặt ly cà phê xuống rồi cầm chiếc khăn ăn thấm bộ ria bạc xám và lau miệng. “Ba cam đoan là – ông vui vẻ nói – cả bang New York sáng nay không nơi nào phục vụ ăn sáng ngon hơn nơi đây”.

“Và cũng không có nơi nào có chất gây xơ cứng động mạch cao hơn nơi đây nữa” – con trai ông nói vọng ra từ sau tờ Thời báo New York che khuất mặt. “Ba không biết rằng trứng rán rất có hại cho tim của ba sao. Ba ăn mấy quả? Ba phải không?

“Ai lại đi đếm thế nhỉ?” Jessica nói “Vả lại anh cũng có đủ tiền mua trứng cơ mà, Crawf. Ba ơi, ba ăn thêm nữa nhé?”.

“Thôi, cảm ơn con” – Ông già mỉm cười đôn hậu với Jessica. Ông là một người vui tính, hiền từ, vừa tròn bảy mươi ba tuổi cách đây mấy tuần.

“Ba quả trứng thì có gì là nhiều”, Nicky nói. “Mới đây có lần cháu xem bộ phim về một nhà tù ở miền Nam. Ở đó có người ăn hết cả năm mươi quả trứng ấy chứ”.

Crawford Sloane hạ tờ thời báo xuống và nói: “Bộ phim con đang nói là phim “Luke can trường”. Paul Newman đóng vai chính và phim này được làm từ năm 1967. Nhưng ba đảm bảo với con là Newman không ăn tất cả ngần ấy quả trứng đâu. Ông ta diễn thật khéo nên đã làm cho con tin là thật thôi”.

“Có lần một người thuộc nhà xuất bản Britannica tới đây”, Jessica nói. “Ông ta muốn mời mình mua một bộ bách khoa toàn thư. Em mới nói với ông ta là nhà mình đã có một bộ rồi, mà lại là bách khoa toàn thư sống hẳn hoi”.

“Anh làm thế nào mà không nói được”, - Crawford trả miếng, “nếu những chuyện đó anh vẫn còn nhớ như in? Cho dù đó là chuyện phiếm. Người ta chẳng bao giờ biết được cái điều gì cứ ăn sâu trong óc và cái điều gì mình quên bẵng đi ngay được”.

Cả gia đình đang ngồi trong phòng ăn sáng sủa vui vẻ ngay kề bếp. Angus đã đến trước đây nửa tiếng, ông thân mật ôm hôn con dâu cà cháu nội rồi mới long trọng bắt tay Crawford.

Mối bất hoà giữa hai bố con, đôi khi làm Crawford bực mình, đã bắt nguồn từ lâu. Chủ yếu là vì những ý kiến và những tiêu chuẩn giá trị khác nhau. Ông Angus không bao giờ thấy hợp được với sự dễ dãi đối với các tiêu chuẩn đạo đức cá nhân cũng như dân tộc mà hầu hết dân Mỹ chấp nhận từ năm 1960 đến nay. Ông tin tưởng mãnh liệt vào “danh dự, trách nhiệm và lá cờ”; hơn nữa, ông muốn đồng bào của ông vẫn cứ phải thể hiện lòng ái quốc không lay chuyển có từ Thế chiến hai – thời điềm đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của ông, thời điểm khiến dòng hồi tưởng của ông trở nên vô tận. Đồng thời ông gay gắt phê phán nhiều điểm mà ngày nay chính con trai ông, trong hoạt động thu thập tin tức của anh, cho là bình thường và tiến bộ.

Mặt khác, Crawford không khoan nhượng với lối suy nghĩ của ông già, mà theo cách nhìn nhận của anh là quá cổ hủ và không chịu đếm xỉa gì đến tri thức đã được mở rộng một cách tuyệt diệu trên khắp mọi lĩnh vực – nhất là khoa học và triết học – trong suốt hơn bốn thập kỷ sau thế chiến hai. Còn có một nhân tố khác nữa, đó là thái độ ngầm tự cao của Crawford (dù không bao giờ anh để lộ ra) cho rằng anh đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp chuyên môn của mình, những phán quyết của anh về tình hình thế giới và cuộc đời đểu đúng đắn hơn bất cứ ai.

Bây giờ, trong buổi sáng hôm nay, rõ ràng là khoảng cách giữa hai bố con vẫn chưa thu hẹp lại được.

Ông Angus đã giải thích trong bao nhiêu lần trước đây, và bây giờ ông lại đang giải thích, là suốt cả đời, ông bao giờ cũng thích tới nơi đã định vào sáng sớm. Đó là lý do tại sao hôm qua ông đã bay từ Florida tới La Guardia, nghỉ đêm tại nhà một người bạn thân trước cùng ở quân Mỹ ở ngay gần sân bay, rồi vừa mờ sáng ông đã đi xe khách và xe taxi đến Larchmont.

Trong lúc lời kể lể dài dòng quen thuộc đó đang tiếp diễn, Crawford đưa mắt nhìn lên trần nhà. Jessica vừa mỉm cười vừa gật gù như thể nàng chưa nghe những chuyện này bao giờ, vừa chẩn bị món thịt lợn hun khói và trứng cho ông, còn cả nhà ăn món xúp tấm tự nấu hợp sức khoẻ hơn.

“Về cái chuyện tim của ba và món trứng”, Angus nói, đôi khi phải mất mấy phút ông mới ngẫm ra được điều ông nghe, và trở lại chuyện đó. “Ba cho rằng nếu tim của ba đến tận bây giờ vãn còn hoạt động được, thì ba chẳng việc gì phải bận tâm đến cái chuyện xơ cứng động mạch ấy. Mà tim của ba và ba đã từng cùng vào sinh ra tử nhiều lần. Ba có thể kể cho các con nghe vài chuyện”.

Crawford Sloane hạ thấp tờ bào xuống đủ vừa tầm mắt của Jessica và ra hiệu cho nàng bằng mắt: “Đổi câu chuyện đi em, không có ông già lại tuôn ra một tràng hồi tưởng bây giờ”. Jessica khẽ nhún vai, ra ý trả lời anh: “Anh muốn thì đi mà làm lấy”.

Gấp tờ Thời báo lại, Sloane nói: “Trong số này họ đã có con số tổn thất của vụ tai nạn máy bay Dallas ngày hôm qua. Thật tệ hại. Anh cho là bọn anh sẽ phải tiếp tục đưa tin tới hết tuần sau”.

“Ba đã xem tin đó trên mục thời sự của con tối hôm qua” – Angus nói “Anh chàng Partridge đã đưa tin đó – ba thích anh ta. Hồi anh ta đưa tin tức từ nước ngoài, nhất là về quân lực của ta, anh ta làm ba cũng thấy tự hào vì mình là người Mỹ. Không phải ai cũng làm được như vậy đâu, Crawford ạ”.

“Đáng tiéc là ở đây lại có huyện oái ăm, ba ạ - Sloane nói. “Harry Partridge không phải là người Mỹ. Anh ta là người Canada. Mà ba cũng sẽ thấy anh ta phải vắng mặt ít lâu đấy. Hôm nay anh ta bắt đầu nghỉ phép dài”. Rồi anh hỏi một cách tò mò: “Thế còn ai trong đám đồng sự của con làm cho ba không cảm thấy tự hào hả ba?”.

“Gần như tất cả mọi người, hầu như tất cả đám truyền hình các anh đã phỉ báng tất cả mọi thứ, đặc biệt là chính phủ của chính mình, gây lộn với chính quyền, luôn luôn hạ nhục tổng thống. Không ai còn tự hào về bất cứ cái gì nữa. Không biết có bao giờ anh bận tâm về điều đó không?”.

Khi thấy Sloane lặng thinh, Jessica dịu dàng bảo anh: “Ba đã trả lời câu hỏi của anh. Bây giờ đến lượt anh trả lời ba đi chứ”.

“Ba ạ”, Sloane nói, “Ba và con đã đề cập đến chuyện này rồi, và con cho là ba con mình chưa bao giờ nhất trí được với nhau. Điều mà ba nói là “phỉ báng mọi chuyện” thì bọn chúng con là những phóng viên cho đó là cách đặt vấn đề hợp pháp, là quyền được biết của toàn dân. Điều đó đã trở thành một trách nhiệm của người đưa tin là phải thách thức các nhà thính trị và các vị quan liêu, phải chất vấn những điều người ta nói với bọn con – và cũng là một điều tốt. Thực tế là các chính phủ, dù là của đảng dân chủ, đảng cộng hoà, tự do xã hội, bảo thủ - tất thảy đều dối trá và lừa đảo. Một khi đã lên nắm quyền tất thảy bọn họ đều như vậy cả.

“Chắc hẳn là đám săn tin bọn con có lúc cũng hơi gay gắt và thỉnh thoảng, con công nhận, là đi quá đà. Nhưng vì những gì chúng con đã làm mà nhiều vụ gian trá đạo đức giả đã bị phanh phui, việc này trước đây những kẻ có quyền có chức bao giờ cũng thoát. Chính nhờ những phóng sự điều tra sắc sảo mà vô tuyến truyền hình đi tiên phong mà xã hội của chúng ta đã tốt đẹp hơn một chút, trong sạch hơn một chút, và những nguyên tắc của đất nước này đã tiến gần tới những ý nghĩa xác thực của nó.

“Còn đối với các vị tổng thống ấy, ba ạ, nếu một số có vẻ tầm thường, mà hầu hết dúng là như vậy, thì là vì bản thân họ đã làm người ta thấy như thế. Ồ đúng vậy, dân báo chí tụi con thỉnh thoảng đã giúp vào việc này, và đó là vì chúng con là những người hoài nghi, đôi khi đến mức cay độc, và thường không tin vào thứ xiro ru ngủ ngọt ngào mà các vị tổng thống đưa ra. Những trò bịp bợm ở các vị trí cao, tất cả các vị trí cao, đã cho chúng con vô khối lý do để xử sự theo cách của chúng con”.

“Con muốn là Tổng thống phải thuộc tất cả mọi người, chứ không phải dành cho một đảng”, Nicky nói. Cậu bé trầm ngâm nói thêm: “nếu các nhà lập quốc, để ông Washington làm vua, còn ông Franklin và ông Jefferson làm tổng thống thì có phải tốt hơn không? Thế là con cháu của ông Washington cứ nối tiếp nhau làm vua và nữ hoàng, và chúng ta sẽ có một tổng thống để mà tự hào và một tổng thống để trách cứ mọi chuyện, theo kiểu người Anh đối với thủ thướng của họ ấy”.

“Tổn thất lớn của nước Mỹ ấy mà, Nicky ạ” Crawford Sloane nói, “là con lại không ở trong Đại hội lập hiến để đưa ý kiến đó ra. Cho dù ông Washington chỉ có con nuôi, ý kiến của con hay hơn khối chuyện đã xảy ra từ dạo đó tới giờ”.

Tất cả đều cười, rồi ông Angus chợt trở nên nghiêm nghị và nói: “Cái hồi chiến tranh của ông, mà cháu gọi là chiến tranh thế giói thứ hai đấy, Nicky ạ, đưa tin khác hẳn với bây giờ. Bọn ông khi đó có cảm giác là những người viết về nó, nói về nó trên đài, đều ở phía của chúng ta. Bây giờ thì không còn như thế nữa”.

“Đó là cuộc chiến tranh khác”, Crawford nói, “và vào thời điểm khác. Cũng như là cách thu thập tin tức mới, quan niệm về tin tức cũng thay đổi. Nhiều người trong bọn con không còn tin tưởng vào chuyện “Đất nước tôi sai hay đúng” nữa.

Angus than thở: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi lại nghe chính con trai mình nói như vậy”.

Sloane nhún vai: “Thì bây giờ ba đang nghe đấy. Những người nào trong bọn chúng con theo đuổi mục tiêu là đưa tin đúng sự thật đều muốn đảm bảo đất nước của chúng ta hành động đúng và chúng con không chấp nhận các tin dối như cuội của bất cứ kẻ nào cầm đầu nước này. Cách duy nhất có thể tìm ra điều đó là phải hỏi những câu hỏi hóc búa, vặn vẹo cho ra”.

“Thế anh không tin là trong cuộc chiến tranh của ba, người ta cũng có những câu hỏi hóc búa à?”.

“Chưa đủ hóc” – Sloane nói. Anh ngừng một chút cân nhắc xem có nên đi sâu thêm không, rồi quyết định nói tiếp. “Ba có phải là một trong những người tiến hành ném bom bằng B.17 ở Schweifurt không?”.

“Phải” – Ông Angus nói, rồi quay về phía Nicky. “Chỗ ấy ở sâu trong nước Đức, Nicky ạ. Hồi ấy thì đó không phải là chỗ hay ho đâu cháu ạ”.

Với một thoáng tàn nhẫn Crawford nói tiếp: “Có lần ba nới với con là mục tiêu ở Schweinfurt là phá huỷ các nhà máy làm vòng bi, rằng những người phụ trách việc ném bom tin rằng họ có thể chặn đứng bộ máy chiến tranh của Đức bởi vì chúng cần phải có vòng bi”.

Ông Angus chậm rãi gật đầu, biết trước điều gì sắp tới: “Người ta nói với bọn ba như vậy”.

“Rồi ba cũng biết sau chiến tranh người ta phát hiện điều đó không có kết quả gì. Mặc dù đã ném bom và làm bao nhiêu chuyện khác, đã tốn sinh mạng của bao nhiêu người Mỹ, Đức vẫn không bao giờ thiếu vòng bi. Chính sách và mọi kế hoạch đều sai bét. Vâng, con không định nói là giới báo chí hồi đó đã có thể ngăn sự hoang phí kinh khủng đó lại được. Nhưng hiện nay thì người ta đặt câu hỏi, không phải là sau khi đã xong chuyện, mà là trong khi chuyện đang xảy ra, vậy nên việc chất vấn và việc quần chúng biết sẽ là một sự kiềm chế và có thể giảm bớt những tổn thất sinh mạng”.

Khi nghe con trai nói nét mặt ông già thay đổi, nhăn nhúm trong hồi tưởng và đau đớn. Trước những cặp mắt đang nhìn vào ông, ông như đang chơi vơi, đang chìm vào bản thân mình, và bất chợt ông trở nên già xọm hẳn đi. Ông nói, giọng run run: “Tại Schweinfurt chúng ta đã mất năm mươi chiếc B.17. Mỗi phi hành đoàn là mười người. Thế là trong có một ngày mà năm trăm mạng sống đã mất. Và cũng trong tuần đó, vào tháng Mười năm 43, chúng ta mất thêm tám mươi tám B.17, gần chín trăm con người”. Giọng ông hạ thấp xuống gần như tiếng thì thào: “Ba đã tham gia những trận oanh tạc đó. Điều tệ hại nhất là sau đó khi đêm xuống, ba thấy quanh ba bao nhiều là giường trống – của những người không bao giờ trở về nữa. Đêm đêm, ba thức dậy, nhìn quanh, ba thường tự hỏi, tại sao lại là ta? Tại sao ta lại trở về tuần đó và những tuần sau đó – trong khi bao người khác không bao giờ về nữa?”.

Tác động thật là sâu sắc và cảm động, khiến Sloane thầm mong giá mình đừng nói chuyện đó, đừng cố tranh hơn thua với cha đẻ ra mình. Anh nói: “Con xin lỗi ba. Con không nhận ra là con đã chạm vào vết thương cũ của ba”.

Như thể không nghe thấy, ba anh tiếp tục: “Họ đều là những người tốt. Bao nhiêu là người tốt. Bao nhiêu người bạn của ba”.

Sloane lắc đầu: “Thôi đừng nói đến chuyện ấy nữa ba. Con đã nói là con xin lỗi ba mà”.

“Ông ơi”, Nicky nói. Cậu bé đã chăm chú nghe. “hồi chiến tranh, đang làm những chuyện đó, có khi nào ông sợ hãi không ông?”.

“Ôi lạy chúa, Nicky! Sợ ư? Ông đã kinh hoàng ấy chứ! Khi hoả lực phòng không đang nổ ran, khắp xung quanh tung toé những mảnh sắt sắc như dao cạo, có thể xắt người ta ra từng miếng nhỏ… Lúc bọn lính ùa tới, với đại bác và cao xạ bắn tới tấp, thì ông đã nghĩ là chúng chỉ nhắm vào mình mà thôi… Khi những chiếc B.17 khác rơi xuống, đôi khi bốc cháy rừng rực hoặc quay đảo điên cuồng, ông biết rằng phi hành đoàn không bao giờ có thể ra thoát để nhảy dù xuống được… Tất cả đều ở trên độ cao 27.000 fut, trong bầu không khí loãng lạnh đến mức nếu cơn sợ có làm người ta toát mồ hôi ra thì mồ hôi cũng đông cứng lại, và kể cả có ôxy thì người ta cũng khó mà thở được… Tim ông thót lên trên cổ và đôi khi hình như cả ruột gan ông nữa…”.

Angus ngừng lại, im lặng bao trùm trong phòng ăn; có cái gì đó khác với những dòng hồi tưởng thông thường của ông. Rồi ông nói tiếp, chỉ nói với Nicky vì cậu đang nghe từng chữ một, dường như có một nỗi giao cảm giữa hai người, ông già và cậu bé.

“Ông sẽ kể cháu nghe một chuyện, Nicky ạ, một chuyện mà trước đây ông chưa hề nói với ai, bất cứ ai trên thế giới này. Một lần ông đã quá sợ, ông đã…”. Ông liếc quanh như để tìm kiếm sự thông cảm, “…ông sợ quá, ông đã vãi cả ra quần”.

Nicky hỏi: “Thế rồi ông làm thế nào?”.

Jessica có vẻ muốn ngừng câu chuyện lại vì nàng ngại làm phiền Angus, nhưng Crawford ra hiệu im lặng.

Giọng của ông già mạnh trở lại, rõ ràng pha chút tự hào: “Ông biết làm cái gì nữa? Ông không thích chuyện đó nhưng đã ở trên máy bay, thì cứ phải làm việc mình được giao. Ông là người cắt bom của phi đội. Lúc đó ngườ chỉ huy – vừa là phi công – nói với ông qua hệ thống điều khiển: “Mục tiêu của cậu đấy, Angus. Ném đi”. Thế là ông vươn người tới ống ngắm rồi ông ngồi thẳng lại và đưa dần mục tiêu vào ống ngắm. Trong vài phút ngắn ngũi đó, Nicky ạ, thì chính người cắt bom lái máy bay đấy. Ông đã ngắm đúng mục tiêu, và bom đã rơi xuống. Đó cũng là hiệu lệnh cho toàn đội cắt bom”.

Angus nói tiếp: “Để ông nói cho cháu nghe, Nicky ạ, là nếu ta sợ đến chết thì cũng chẳng có gì sai. Điều đó có thể xảy ra với bất cứ ai. Điều quan trọng là phải gắng gượng, bằng cách nào đó tự kiềm chế và làm những gì mà ta thấy nên làm”.

“Cháu hiểu rồi, ông ạ”. Giọng nói của Nicky có vẻ thản nhiên, và Crawford không hiểu là cậu bé hiểu đến mức độ nào. Có thể là rất nhiều, Nicky rất thông mình và nhạy cảm. Crawford cũng không hiểu trước đây, có phải bản thân anh cũng vất vả lắm mới hiểu được cha mình không?

Anh liếc nhìn đồng hồ. Đã đến giờ phải đi. Thường thờng anh đến hãng CBA vào 10 giờ 30 sáng, nhưng hôm nay anh phải đến sớm hơn bởi vì anh muốn gặp ông Giám đốc ban tin về việc làm sao chuyển Chuck Insen ra khỏi cương vị uỷ viên ban chủ nhiệm Bản tin tối Toàn quốc. Cuộc va chạm tối hôm trước vẫn còn đeo đẳng trong anh và hơn bao giờ hết, Sloane càng quyết tâm giành bằng được sự thay đổi trong tiến trình chọn tin.

Anh đứng lên xin lỗi cả nhà và đi lên gác thay quần áo.

Chọn một chiếc cravat, anh còn sẽ phải dùng nó trước ống kính tối nay, và vừa cẩn thận thắt theo kiểu Windsor, anh vừa nghĩ về cha mình, mường tượng những hình ảnh mà ông già vừa mô tả, trên bầu trời Schweinfurt và ở những nơi khác. Khi đó Angus chắc chỉ mới ngoài hai mươi tuổi – bằng nửa tuổi của Crawford hiện nay, chỉ mới là một thanh niên còn non nớt, kinh sợ vì kề cận với cái chết, rất có thể là khủng khiếp. Chắc chắn là trong suốt thời gian làm báo ở Việt Nam, Crawford chưa từng phải trải qua điều tương tự như vậy.

Bất chợt anh thấy lương tâm cẳn rứt vì anh đã không hiểu điều đó sớm hơn, theo chiều sâu hơn hoặc với sự cảm thông hơn.

Crawford cho rằng vấn đề là anh bị nghề nghiệp cuốn hút trong những dòng tin nóng hổi thời sự hàng ngày nên anh có khuynh hướng coi tin tức của những thời đại cũ là thuộc về lịch sử và không thích hợp với nhịp sống tràn ngập, hối hả hiện nay. Cái cách nghĩ đó là một căn bệnh nghề nghiệp; anh thấy nó ở những người khác; nhưng những tin tức xa xưa đó không phải là không thích hợp, mà mãi mãi thích hợp với cha anh.

Anh khoác áo, ngắm nghía mình trong gương, rồi hài lòng với hình thức bên ngoài của mình, trở xuống dưới nhà.

Anh chào tạm biệt Jessica và Nicky, tiến đến cha anh và khẽ nói: “Đứng lên đi ba”.

Ông Angus có vẻ bối rối. Crawford nhắc lại: “Đứng lên ba”.

Đẩy ghế lùi về phía sau, Angus từ từ đứng dậy. Vẫn theo thói quen thường lệ, ông giữ tư thế nghiêm của một quân nhân.

Crawford tiến đến gần cha mình, vòng tay ôm chặt lấy ông rồi hôn lên hai má ông.

Ông già có vẻ ngạc nhiên và bối rối “Này, này! Thế nghĩa là thế nào?”.

Nhìn thẳng vào mắt ông, Crawford nói: “Con yêu ba, ông già của con”.

Trên đường ra cửa, trước khi đi, anh liếc mắt nhìn lại. Trên khuôn mặt ông Angus hiện lên một nụ cười thánh thiện, dịu dàng. Anh thấy Jessica rơm rớm nước mắt và Nicky cười rạng rỡ.

*

Hai tên theo dõi Carlos và Julio ngạc nhiên khi thấy Crawford Sloane lái xe rời nhà sớm hơn thường lệ. Chúng dùng mật ngữ báo ngay cho tên cầm đầu Miguel.

Lúc này, Miguel đã rời sào huyệt ở Hackensack và cùng đồng bọn trên chiếc xe Nissan có trang bị điện thoại lưu động, đang qua cầu George Washington, giữa New Jersey và New York.

Miguel không bối rối. Hắn ra lệnh, cũng bằng mật ngữ, là vẫn theo những kế hoạch đã định trước, nếu cần thì hành động sớm hơn cũng được. Hắn lập luận một cách tự tin: Việc bọn hắn sắp làm hoàn toàn là bất ngờ, không theo một lôgich thông thường. Rồi ngay lập tức một câu hỏi điên rồ bật lên: Tại sao nhỉ?