Bản Tin Chiều

Chương 8

Mới sáu giờ 30 phút sáng, cuộc theo dõi căn nhà của Sloane ở Larchmont đã lại tiếp tục. Sáng nay, bọn chúng dùng một chiếc Chervolet – Celebrity, và vẫn bọn người Colombia, Julio và Carlos, ngã người trên hàng ghế đầu, một lối quan sát đúng kiểu để không bị những chiếc xe qua lại chú ý. Chiếc xe đỗ ở một phố nhỏ thuận tiện phía bên trên nhà Sloane, và cuộc quan sát được tiến hành qua những chiếc gương ở hai bên và gương chiếu hậu.

Cả hai tên trong xe đều cảm thấy căng thẳng vì biết rằng ngày hôm nay sẽ là ngày hành động, cao điểm của một dự tính lâu dài và cẩn thận.

Bảy giờ 30, một sự kiện không lường trước đã xảy ra khi một chiếc taxi tiến đến nhà của Sloane. Một người đàn ông lớn tuổi tay xách valy từ trong xe bước ra. Ông vào nhà rồi ở lại trong đó. Sự hiện diện không được tính trước của người mới đến này khiến bọn chúng lúng túng và phải dùng điện thoại lưu động gọi ngay về trụ sở lâm thời của bọn chúng ở cách đó chừng hai mươi dặm.

Hệ thống liên lạc tinh vi và chiếc xe hảo hạng này đủ cho thấy rằng đây là một hoạt động mà mọi chi phí đều không thành vấn đề. Những kẻ chủ mưu đã toan tính và tổ chức cuộc theo dõi, từng bước tiến hành đều là những chuyên gia đầy thủ đoạn và có trong tay hàng đống tiền.

Chúng là thành viên của nhóm Medelin của Colombia, một liên minh các ông trùm ma tuý xấu xa, đầy tội ác và cực kỳ giàu có. Hoạt động bằng những phương thức man rợ, chúng là tác giả của vô số những cuộc ám sát tàn bạo, đẫm máu kể cả vụ ám sát ứng cử viên tổng thống Colombia là thượng nghị sĩ Luis Carlos Galan vào năm 1989. Từ năm 1981 đã có hơn 220 vị thẩm phán và nhân viên toà án bị ám sát, không kể cảnh sát, nhà báo và những người khác. Vào năm 1986, một đồng minh của nhóm Medellin cùng với phái du kích theo xu hướng XHCN mang mật danh M-19 đã nhúng tay vào một vụ giết người tập thể, khiến mười chín người chết, trong đó một nửa là thành viên của toà án tối cao Colombia.

Mặc dù nhóm Medellin có chiến tích đáng ghê sợ như vậy, chúng lại thích có quan hệ chặt chẽ với nhà thờ cơ đốc giáo La Mã. Nhiều tên trùm nhóm kiêu hãnh vì có nhà thờ riêng. Một hồng y giáo chủ đã nói về bọn Medellin một cách thiện chí và một giám mục đã khúm núm nhận tiền của bọn buôn lậu ma tuý này.

Nhóm này không chỉ tiến hành các vụ ám sát. Những vụ hối lộ và tham nhũng với quy mô lớn do bọn trùm buôn ma tuý chi phí đã lan tràn như một thứ nạn dịch hoành hành trong hệ thống chính phủ Colombia, toà án, cảnh sát và quân đội, bắt đầu từ các cấp cao nhất và luồn lách đến các cấp thấp nhất. Một sự mô tả trắng trợn về lời đề nghị hợp tiêu chuẩn của bọn buôn ma tuý với giới quan chức là plata o Plams – tiền bạc hoặc đạn chì.

Trong một thời gian, suốt từ 1989 và 1990 trong bầu không khí ghê sợ sau vụ ám sát Galan, các ông trùm nhóm rất khó chịu vì sự tăng cường hoạt động của các cơ quan luật pháp chống lại chúng, kể cả một vài vụ can thiệp của Mỹ. Phản ứng trả đủa của bọn chủ mưu buôn bán ma tuý được mô tả chính xác là một cuộc “Chiến tranh toàn diện” bao gồm bạo lực quy mô lớn, đánh bom và giết chóc nhiều hơn nữa, một chiến dịch mà chắc chắn là chúng vẫn tiếp tục. Nhưng có lẽ không ai tin là có thể tiêu diệt nhóm này cũng như việc buôn bán ma tuý ở khắp nơi của chúng – có thể là với các ông trùm mới và các cơ sở mới.

Ngay giờ đây, trong khi hoạt động bí mật ở Mỹ, Medellin không chỉ tiến hành các công việc của bọn chúng, mà còn làm thuê cho tổ chức khủng bố theo chủ nghĩa Mao của Peru gọi là Sendero Luminoso, có nghĩa là Con đường sáng. Gần đây tại Peru, Sendero Luminoso đã thâu tóm được nhiều quyền lực hơn trong khi chính phủ hợp pháp ngày càng trở nên bất lực và yếu đuối. Trước kia, lĩnh vực hoạt động của Sendero chỉ giới hạn trong dãy núi Andes, thung lũng Huallaga và các trung tâm như Ayacucho và Cuzco; giờ đây, các đội đánh bom và các đội ám sát của nó lang thang khắp thủ đô Lima.

Có hai lý do chủ yếu dẫn đến các mối liên hệ giữa Sendero Lominoso và nhóm Medellin. Lý do đầu tiền là Sendero có thói quen dùng các tên tội phạm nước ngoài để tiến hành các vụ bắt cóc thường xảy ra ở Peru, nhưng những vụ này không được giới báo chí Mỹ đưa tin rộng rãi. Thứ hai là Sendero Luminoso kiểm soát hầu như toàn bộ vùng Thượng thung lũng Huallaga, là nơi chiếm tới 60 phần trăm côca trên thế giới. Côca từ dạng lá sẽ được chuyển qua dạng bột nhão côca – trước khi tinh chế thành côcain – rồi sau đó được chuyển bằng máy bay từ các vùng xa xôi cho các nhóm buôn lậu ở Colombia.

Trong toàn bộ tiến trình này thì số tiền thu được từ ma tuý phần lớn rơi vào ngân quỹ của Sendoro; nhóm này đòi hỏi một sự cống nạp lớn của cả người trồng côca lẫn bọn buôn lậu – trong đó có đường dây của Medellin.

Giờ đây, trong chiếc Chervolet, hai tên khủng bố người Colombia xem một tập ảnh chụp nhanh mà Carlos, một nhiếp ảnh lão luyện, đã chụp tất cả những người chúng thấy ra vào nhà hai vợ chồng Sloane trong suốt bốn tuần qua. Ông già vừa tới không có mặt trong số ảnh này.

Julio, dùng mật ngữ gọi điện về.

“Một kiện hàng xanh vừa mới tới. Vận đơn số hai, kiện hàng đã ở trong kho. Chúng tôi không biết ai đặt hàng”. Dịch ra là: “Một người đàn ông vừa mới tới. Đi bằng taxi. Ông ta đã vào nhà. Chúng tôi không biết ông ta là ai, không có ảnh chụp ông ta”.

Giọng nói chói tai của Miguel, tên cầm đầu nhóm, hét qua điện thoại: “Số phiếu gì?”.

Julio không quen với mật ngữ lắm, khẽ chửi thề khi hắn lật cuốn số tay để giải mã câu hỏi. Câu đó là “Người này bao nhiêu tuổi?”.

Hắn ta nhìn Carlos cầu cứu: “Uni vie jo. Bao nhiêu tuổi?”.

Carlos cầm cuốn sổ và đọc câu hỏi: “Bảo ông ta là số phiếu bảy mươi lăm”.

Julio trả lời, phía bên kia lại hỏi cộc lốc: “Kiện hàng xanh có gì đặc biệt không?”.

Bỏ cả mật hiệu, Julio đãng chí nói bằng ngôn ngữ thông thường: “Ông ta mang một chiếc va li vào. Có vẻ như ông ta dự định ở lại đó lâu”.

*

Ở phía nam Hackensack, New Jersey, trong một căn nhà thuê dột nát, người đàn ông mang mật danh là Miguel rủa thầm sự cẩu thả của Julio. Tại sao hắn lại buộc phải làm việc với mấy thằng ngu này không biết? Trong cuốn mật mã có một câu có thể trả lời câu hỏi này, mà hắn đã báo trước tất cả bọn, đã nói đi nói lại là điện thoại vô tuyến thì bất cứ ai cũng có thể nghe thấy được. Các thiết bị dò sóng có thể nghe trộm những cuộc nói chuyện qua điện thoại lưu động bán đầy các cửa hiệu. Miguel đã nghe nói rằng có một đài phát thanh sử dụng máy dò sóng và khoe rằng họ đã làm thất bại nhiều âm mưu tội ác.

Lũ ngốc! Hắn không thể nào làm cho mấy thằng ngốc cùng hành sự với hắn hiểu được điều quan trọng là phải cảnh giác, thận trọng, luôn canh phòng, không chỉ hầu hết mọi lúc mà là tất cả mọi lúc, khi mà sự thành công của phi vụ cùng với mạng sống và tự do của bọn chúng đang bị đe doạ.

Chính Miguel lúc nào cũng nhớ là phải rất thận trọng. Vậy nên hắn không bao giờ bị bắt, cho dù hắn ở trong danh sách “cần truy nã nhất” của lực lượng cảnh sát ở cả Nam và Bắc Mỹ và ở cả một số nước châu Âu, kể cả lực lượng cảnh sát quốc tế. Ở Tây bán cầu hắn đã bị truy tìm, cũng ráo riết như chiến hữu của hắn, tên khủng bố Abu Nidal ở phía bên kia Đại Tây Dương. Về chuyện đó thì Miguel tự cho phép mình có tự hào đôi chút, mặc dù không bao giờ hắn quên rằng tự hào có thể sinh ra tự tin thái quá, và do đó cũng là một điều hắn luôn dè chừng.

Mặc dù đã tham gia vào nhiều phi vụ làm ăn, hắn vẫn còn khá trẻ, mới quãng ba mươi tám tuổi. Nhìn bề ngoài, hắn không có gì đáng để ý, vào loại dễ coi, bất cứ ai đi ngang qua mặt hắn trên đường phố có thể cho hắn là một nhân viên ngân hàng, hoặc khá lắm thì cũng chỉ là chủ một cửa hàng nhỏ. Một phần vì hắn cố hết sức làm cho mình có vẻ không quan trọng. Hắn cũng tạo ra một thói quen là rất lịch sự với người lạ, nhưng không đến mức gây ra ấn tượng lưu lại trong trí nhớ; hầu hết mọi người tình cơ gặp hắn mà không biết hắn là ai thì đều quên cuộc gặp đó.

Trong quá khứ, cái vẻ bình thường này đã là một lợi thế lớn của Miguel, cũng như việc hắn không tỏ uy lực của mình ra. Quyền chỉ huy của hắn luôn luôn được giấu kín, trừ phi đối với những người mà hắn phải thực thi quyền đó, và lúc đó thì không lầm vào đâu được.

Vào những ngày đó, hắn dùng tên thật của hắn là Ulises Rodriguez.

Vì khá giả nên bố mẹ hắn đã chu cấp cho hắn ăn học tại Berkeley. Bố hắn vốn là một bác sĩ phẫu thuật não, đã hy vọng rằng đứa con trai duy nhất của mình sẽ nối nghiệp mình trong ngành y, một viễn cảnh mà Miguel không hề quan tâm ngay hồi đó. Thay vì vậy, khi gần tới những năm 1970, thằng con trai ông ta đã mường tượng những thay đổi cơ bản ở Colombia – chuyển từ một nước dân chủ giàu có với một cơ sở luật pháp trung thực thành nơi trú ngụ của một lũ trùm tội ác giàu có không thể tưởng tượng được, không có luật pháp và được cai trị bằng chế độ độc tài, sự tàn bạo và nỗi sợ hãi. Số vàng khổng lồ của nước Colombia mới này sẽ do marifuana, về sau là côcain, mang lại.

Tính cách của Miguel đã như vậy nên giai đoạn chuyển tiếp không làm cho hắn lúng túng. Điều hắn thèm muốn là được hành động.

Trong khi đó hắn lao vào một số hoạt động riêng tại Berkeley và hắn phát hiện ra rằng hắn hoàn toàn không có lương tâm và có thể giết người một cách mau lẹ và tàn bạo, không hề ăn năn hoặc có dư vị khó chịu gì cả.

Lần đầu tiên chuyện đó xảy ra là sau cuộc ăn nằm với một người phụ nữ trẻ mà trước đó hắn đã gặp trên đường phố Berkeley trong khi cả hai cùng xuống xe ô tô buýt. Vừa đi ra khỏi bến xe, họ vừa nói chuyện và phát hiện ra rằng cả hai đều là sinh viên. Cô ta có vẻ thích hắn và đã mời hắn tới phòng của mình ở đường Oakland nghèo khổ cuối đại lộ Bưu điện. Thời đó những cuộc hẹn hò như vậy là chuyện bình thường, trước thời mà người ta lo ngại về bệnh SIDA khá lâu.

Sau cuộc truy hoan cuồng nhiệt hắn đã ngủ thiếp đi. Khi chợt tỉnh dậy, hắn thấy cô gái đang lặng lẽ xem xét những thứ hắn đựng trong ví. Trong đó có nhiều căn cước với những cái tên giả, ngay từ lúc đó hắn đã chuẩn bị cho cái tương lai ngoài vòng pháp luật quốc tế của hắn. Cô gái đã quá chú ý vào những tấm thẻ vì tò mò, có lẽ cô ta là một loại do thám, nhưng hắn sẽ không bao giờ biết có đúng vậy không.

Điều hắn làm là nhảy bật khỏi giường, túm lấy cô ta và bóp cổ. Hắn vẫn còn nhớ cái nhìn kinh ngạc của cô ta khi cô ta giãy giụa cố tìm cách thoát thân; rồi cô ta ngước nhìn hắn với vẻ năn nỉ câm lặng, tuyệt vọng ngay trước khi trút hơi thở cuối. Hắn thấy khoái chí, như đang thực hành ở bệnh viện, khi hắn phát hiện việc giết cô gái đó không làm hắn phiền lòng chút nào.

Thay vì vậy, với một sự bình thản lạnh lùng hắn tính toán khả năng bị bắt, mà theo hắn ước định là không thể xảy ra. Khi ở trong xe, hai người không ngồi cạnh nhau, thực tế là lúc đó họ chưa biết nhau. Không chắc là có người nhìn thấy họ đi từ bến xe ra. Khi đi vào khu nhà, và trong thang máy đi lên tầng bốn, họ không gặp ai cả.

Hắn nhanh nhẹn lấy một miếng vải để lau những chỗ có thể có dấu tay của hắn. Rồi dùng khăn tay bọc kín bàn tay phải, hắn tắt hết đèn và rời khỏi toà nhà, khoá cửa lại.

Tránh dùng thang máy, hắn đi xuống bằng lối cầu thang cứu hoả, trước khi đi ra ngoài phố, hắn đã kiểm soát xem có ai ở tầng trệt không.

Ngày hôm sau và suốt nhiều ngày sau đó, hắn theo dõi báo chí địa phương xem có tin tức gì về cô gái đã chết đó không. Nhưng phải đến gần một tuần sau thì cái xác đã gần thối rữa của cô mới được phát hiện. Rồi lại hai, ba ngày tiếp theo, không có gì mới và rõ ràng là không có dấu vết, báo chí thôi không quan tâm nữa và không ai nhắc đến chuyện đó nữa.

Các cuộc điều tra sau đó cũng không phát hiện ra hắn là người đã giết cô gái.

Những năm còn ở lại Berkeley, hắn còn giết người trong hai trường hợp nữa. Những vụ này xảy ra ở Vịnh San Francisco – những trường hợp mà hắn gọi là “Giết người theo khoái cảm”, những người hoàn toàn xa lạ, tuy hắn coi cả hai trường hợp là để đáp ứng cho cái nhu cầu mài dũa kỹ thuật giết thuê đang ngày càng nhiễm sâu vào hắn. Hẳn là hắn đã mài dũa rất cẩn thận, bởi vì không vụ nào hắn bị nghi ngờ hoặc thậm chí chưa bao giờ bị cảnh sát hỏi đến.

Sau khi từ Berkeley về Colombia, Miguel đôi lúc làm ăn với mạng lưới đang lớn mạnh dần của lũ trùm nha phiến điên khùng. Hắn có bằng lái máy bay và đã nhiều lần lái máy bay chở chất côca đặc từ Peru sang Colombia để tinh chế. Mối giao kết ngày càng chặt chẽ với một gia đình Ocboa không có danh tiếng nhưng đầy thế lực đã dẫn hắn đến những phi vụ to lớn hơn. Rồi đến nhóm M-19 các vụ ám sát cuồng loạn của chúng và “cuộc chiến tranh toàn thể” của nhóm khủng bố Medellin, bắt đầu từ cuối năm 1989. Miguel tham gia vào tất cả các vụ giết người số lượng lớn, nhiều vụ nhỏ, và đã từ lâu hắn không còn nhớ được là hắn đã giết bao nhiêu người nữa. Hắn không thể tránh được chuyện cả thế giới biết tên hắn, nhưng nhờ sự cẩn trọng tỉ mỉ của hắn, nên ngoài tên ra thì người ta biết rất ít về hắn.

Những mối liên hệ của Miguel – hay là của Ulises Rodriguez, với nhóm Medellin, M-19 và gần đây là với Sendero Luminoso đã mở rộng dần theo năm tháng. Tuy vậy, trong tất cả các hoạt động này hắn vẫn duy trì sự độc lập của hắn, trở thành một kẻ sống ngoài vòng pháp luật quốc tế, một kẻ khủng bố giết người thuê, mà vì năng lực của hắn, nên không lúc nào là không có việc làm.

Dĩ nhiên, chính trị được coi là một phần trong tất cả mọi hoạt động. Miguel vốn là một người theo chủ nghĩa xã hội, hắn ghét cay ghét đắng chủ nghĩa tư bản và khinh rẻ cái mà hắn cho là một nước Mỹ suy đồi và đạo đức giả. Nhưng hắn cũng hoài nghi tất cả mọi loại chính trị và đơn giản là hắn chỉ khoái mối nguy hiểm, gian truân mà mọi hoạt động của cuộc đời hắn đang theo đuổi như một kẻ cuồng loạn.

Cách sống đó đã đưa hắn tới Mỹ cách đây một tháng rưỡi, để hoạt động lén lút, chuẩn bị cho cái chuyện xảy ra ngày hôm nay, câu chuyện mà sau đó cả thế giới đều biết.

Ngay từ đầu hắn đã dự tính một con đường vòng vèo nhưng an toàn để sang Mỹ - đi từ Bogota, Colombia, qua Rio de Janerio tới Miami. Ở Rio, hắn thay hộ chiếu và giấy căn cước, và sẽ xuất hiện ở Miami với danh nghĩa của một nhà xuất bản đang trên đường đi tới hội chợ sách ở New York. Nhưng có một nguồn tin ngầm hiện làm ở Bộ Ngoại giao Mỹ báo cho nhóm Medellin biết cơ quan xuất nhập cảnh ở Miami đã yêu cầu khẩn cấp về mọi tin tức có thể có được liên quan đến Miguel, đặc biệt là về các loại căn cước mà người ta biết trước đây hắn đã sử dụng.

Thực tế là trước đây Miguel có lần đóng vai một nhà xuất bản người Brazil và mặc dù hắn tin là chuyện này chưa bị lộ, khôn ngoan hơn là cứ tránh cả Miami nữa. Vậy nên, cho dù là phải chậm lại một chút, hắn đã bay từ Rio sang London để đóng một vai mới và kiếm một tấm hộ chiếu Anh hoàn toàn mới và hợp pháp.

Tiến trình công việc thật dễ dàng.

A, cái bọn dân chủ ngây thơ này! Chúng mới ngu ngốc và khờ dại làm sao! Lật đổ những chế độ tự do khoác lác của chúng và mở cửa cho những hệ thống tiến tới các mục tiêu mà lũ người như Miguel cũng chẳng tin tưởng mới đơn giản làm sao chứ!

Trước khi tới London, hắn đã được thông báo cặn kẽ về chuyện nên làm như thế nào.

*

Đầu tiên là hắn tới Toà thị chính ở vào khoảng tiếp giáp giữa Kingsway và Aldwych, nơi tất cả mọi giấy khai sinh, kết hôn và khai tử của cả nước Anh và xứ Wales được lưu giữ. Tại dây, Miguel xin làm ba bản chứng nhận khai sinh.

Những chứng nhận khai sinh này mang tên ai? Tên những người có cùng hoặc gần sát với ngày sinh của chính hắn.

Không nói chuyện với ai hoặc bị ai hỏi han gì, hắn lấy năm tờ chứng nhận khai sinh chưa điền tên, rồi bước về phía một loạt sổ lớn bày trên giá, xếp loại theo các năm sinh khác nhau. Miguel chọn những cuốn sổ ghi năm 1951. Những cuốn này chia theo thứ tự từng quý một. Hắn chọn phần tên bắt đầu bằng chữ cái M đến R từ tháng Mười đến tháng Mười hai.

Ngày sinh của hắn là 14 tháng Mười một năm đó. Lật qua vài trang, hắn thấy cái tên “Dualey Martin”, sinh tại Keighly, Yorkshire, ngày 13 tháng Mười một. Cái tên này xem ra có vẻ hợp, không đặc biệt quá và cũng không quá thông thường như cái tên Smith. Tuyệt! Miguel chép mọi chi tiết vào một trong những tờ đơn in chữ đỏ.

Bây giờ hắn cần hai cái tên khác nữa. Ý định của hắn là xin ba hộ chiếu; cái thứ hai và thứ ba sẽ để dự trữ trong trường hợp cái thứ nhất bị trục trặc. Rất có khả năng là người ta vừa mới cấp hộ chiếu cho chính cái anh chàng Dualey Martin đó. Trong trường hợp này, người ta sẽ không cấp hộ chiếu mới. Hắn cố tình chọn những họ có chữ đầu cách xa chữ M của chữ Martin, nên hắn chọn một họ bắt đầu bằng chữ B, cái kia bằng chữ Y. Đó là vì tại Văn phòng Hộ chiếu, mỗi nhân viên phụ trách một số đơn xin gồm một nhóm tên theo thứ tự chữ cái khác nhau. Chọn cách xa nhau như vậy để đảm bảo rằng ba hộ chiếu của hắn là do ba người làm thủ tục, và nếu có những điểm giống nhau thì không bị để ý.

Ở tất cả mọi điểm Miguel đã cẩn thận không đụng vào tờ đơn mà hắn phải điền vào. Đó là lý do tại sao hắn đã lấy năm tờ; hai tờ bên ngoài là để bảo vệ cho những tờ bên trong khỏi có dấu tay và hắn sẽ huỷ đi sau. Từ hồi ở Berkeley, hắn đã biết rằng không có gì có thể hoàn toàn xoá vết tay, kể cả lau đi lau lại, vì đã có kỹ thuật thử dấu vân tay tối tân bằng tia ion-argon fade và chất Ninhydrin sẽ làm hiện lên hết.

Tiếp theo đó, hắn tới quầy thu tiền. Hắn đưa ba tờ đơn, vẫn tránh không sờ vào bất cứ tờ nào hắn lưu lại đấy. Một nhân viên bảo hắn là mỗi bản chứng nhận khai sinh phải nộp năm bảng lệ phí và hắn trả ngay bằng tiền mặt. Người đó bảo sau hai ngày hắn sẽ có chứng nhận khai sinh.

Trong thời gian chờ đợi, hắn thu xếp để sử dụng ba địa chỉ cư trú khác nhau.

Trong cuốn Hướng dẫn Thương mại London của Kelly, hắn ghi lại tên của nhiều hãng thư ký có những địa chỉ đường phố ít rắc rối để thư tín có thể gửi tới đó và tới đó nhận. Đến một trong những hãng thư ký này, hắn trả một khoản lệ phí là năm mươi bảng, vẫn bằng tiền mặt. Hắn đã chuẩn bị sẵn một câu chuyện – là hắn đang mở một hãng buôn nhỏ nhưng chưa thu xếp được văn phòng và thư ký. Khi nghe chuyện đó, không ai thắc mắc gì hết. Hắn lập lại câu chuyện đó với hai hãng thư ký khác và cũng không ai tò mò. Hiện giờ hắn đã có ba địa chỉ riêng biệt để dành cho ba tờ đơn xin hộ chiếu, cả ba đều không hề để lại dấu vết gì về hắn.

Rồi hắn sử dụng máy chụp ảnh tự động để chụp ba bộ ảnh hộ chiếu, mỗi bộ có một diện mạo khác nhau. Một bộ hắn đeo râu và ria mép gọn gàng, một bộ hắn lại không mang râu và chải tóc rẽ sang hai bên, bộ thứ ba hắn đeo đôi kính đạo mạo, nặng nề.

Ngày hôm sau hắn đến toà Thị chính để lấy các bản chứng nhận khai sinh. Vẫn như hôm trước, không ai mảy may quan tâm là tại sao hắn lại muốn có những chứng nhận này.

Hắn cũng đã có mẫu đơn xin hộ chiếu ở bưu điện, và hắn lại hết sức cẩn thận không sờ vào chúng. Sau đó đeo găng tay cao su loại dùng xong vứt đi hắn điền tên vào đơn xin. Trên mục địa chỉ, hắn dùng một trong những địa chỉ mà hắn đã thu xếp trước.

Mỗi tờ đơn xin phải có hai tấm ảnh kèm. Một tấm ảnh cần phải có một lời xác nhận của “một người có chức danh nghề nghiệp” ví dụ như là bác sĩ, kỹ sư hoặc luật sư, chứng nhận tư cách người làm đơn, và người đó cũng phải xác nhận rằng ông, hoặc bà ta đã quen biết người xin này ít nhất là đã hai năm. Theo hướng dẫn trước khi tới đây, Miguel tự viết và tự ký vào lời xác nhận, chỉ thay kiểu chữ và sử dụng những tên và địa chỉ mà hắn vớ được trong danh bạ điện thoại. Hắn cũng đã mua một bộ con dấu bằng cao su để làm cho tên và địa chỉ này đáng tin cậy hơn.

Mặc dù trong tờ đơn xin hộ chiếu có nói là sẽ có kiểm chứng các chữ ký, thực tế là chẳng mấy khi có, nên rất hiếm trường hợp lời xác nhận giả bị phát hiện. Đơn giản là có quá nhiều người xin hộ chiếu và quá ít nhân viên cấp hộ chiếu.

Cuối cùng, Miguel tìm cách xử lý ba tấm ảnh “nhận diện” – những cái có lời xác nhận và sẽ không xuất hiện trên bất cứ tấm hộ chiếu nào của hắn, mà sẽ được để lại trong hồ sơ của sở cấp phát Hộ chiếu. Hắn dùng bọt biển mềm thấm loại thuốc Domestos nhạt, loại thuốc tẩy gia dụng tương tự như loại thuốc Cloror ở Bắc Mỹ, vào những tấm ảnh. Như vậy sẽ đảm bảo trong vòng hai ba tháng những tấm ảnh lưu trong hồ sơ sẽ mờ đi và biến hẳn, do đó không còn hình ảnh của Miguel, hay còn có tên là Dualey Martin và những tên khác nữa.

Miguel lại gửi ba đơn xin hộ chiếu qua đường bưu điện, mỗi đơn kèm theo một bưu phiếu mười lăm bảng lệ phí. Hắn biết rằng phải chờ ít nhất bốn tuần thì các thủ tục mới làm xong và phiếu trả lại. Đây là một sự chờ đợi chán ngắt, nhưng vì sự an toàn tính mạng, nên cũng đáng phải chờ.

Trong thời gian chờ đợi đó, hắn gửi rất nhiều thư cho chính mình qua những địa chỉ đã trả tiền. Cứ cách vài ngày hắn lại gọi điện hỏi xem là hắn có thư tín gì không và khi câu trả lời là “có” thì hắn nói rằng sẽ có người đến lấy thư. Rồi hắn sử dụng những thiếu niên không quen biêt ở ngoài phố đến lấy, mỗi lần trả vài bảng và trước khi nhận hắn xem xét cẩn thận để đảm bảo rằng không ai bị theo dõi. Miguel có ý định cũng sẽ dùng cách này để lấy hộ chiếu khi người ta gửi cho hắn.

Cả ba tấm hộ chiếu đã lần lượt tới cách nhau một vài ngày trong tuần thứ năm và đều được người đến nhận không hề có gì trục trặc. Khi tấm họ chiếu thứ ba đã ở trong tay, Miguel mỉm cười tự nhủ “Tuyệt!”. Hắn sẽ sử dụng tấm hộ chiếu mang tên Dualey Martin, còn hai tấm kia sẽ dành để sử dụng về sau.

Bước cuối cùng còn lại là mua một chiếc vế máy bay khứ hồi tới Mỹ - Miguel mua ngay trong ngày hôm dó.

Trước năm 1988, những ai có hộ chiếu Anh đều phải xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ. Bây giờ thì không cần thị thực nữa, miễn là chuyến đi không quá chín mươi ngày và du khách đó phải có vé khứ hồi. Cho dù Miguel không có ý định sử dụng phần vé về và sau đó hắn sẽ huỷ đi, thì giá của nó cũng chẳng đáng là bao so với việc mạo hiểm vượt qua được hệ thống thủ tục quan liêu. Còn đối với quy định chín mươi ngày, thì đối với hắn không có vấn đề gì. Vả lại hắn không có ý định ở lại Mỹ lâu đến như vậy; còn khi hắn rời đi thì hoặc là đi một cách bí mật hoặc với căn cước khác, tấm hộ chiếu mang tên Dualey Martin sẽ được huỷ bỏ.

Sự thay đổi thủ tục của Mỹ về thi thực làm Miguel rất mừng. Một lần nữa những cơ chế cởi mở tiện lợi đó lại giúp ích cho loại người như hắn!

Sáng hôm sau, hắn bay tới New York và, tại sân bay John F. Kenedy, hắn đã được nhập cảnh dễ dàng.

*

Tới New York, Miguel đến ngay cộng đồng người Colombia khá lớn ở Queens và nơi tay chân của nhóm Medellin đã thu xếp một căn nhà an toàn cho hắn.

“Tiểu Colombia” ở Jackson Heights kéo dài từ phố Sáu mươi chín đến phố Tám mươi chín. Đây là một trung tâm xì ke ma tuý náo nhiệt, và là một trong những khu vực tập trung tội ác nguy hiểm nhất New York, nơi mà bạo lực chỉ là tiếng tặc lưỡi và ám sát chỉ là chuyện vặt. Các sĩ quan cánh sát mặc đồng phục hiếm khi dám mạo hiễm lai vãng tới nơi này một mình: và kể cả đi hai người, ban đêm họ cũng không dám làm nhiệm vụ mà lại đi bộ.

Tiếng tăm của cái quận này không làm cho Miguel bận tâm chút nào, thực tế hắn còn cho rằng đó là một sự che chở trong khi hắn bắt đầu kế hoạch của hắn, thuận tiện cho việc rút tiền ra một cách bí mật, và tập hợp được cả tay chân do hắn cầm đầu. Lực lượng này gồm có bảy tên, kể cả Miguel, tất cả bọn chúng đều được chọn lọc ở Bogota.

Julio, kẻ đang làm nhiệm vụ theo dõi và Soccoro,người phụ nữ duy nhất của nhóm, đều là người Colombia và là “nhân viên nằm vùng” của nhóm Medellin. Nhiều năm trước đây chúng đã được đưa tới Mỹ, bề ngoài là dân di cư, chúng được chỉ thị duy nhất là tự củng cố và chờ đến một thời cơ nào đó được lệnh hành động cho các hoạt động liên quan đến ma tuý hoặc một số mục đích tội ác khác. Nay thời cơ đã đến.

Julio là một chuyên gia liên lạc. Còn trong thời gian chờ đợi thì Soccoro đã được đào tạo và đủ tiêu chuẩn làm y tá.

Soccoro còn là một hội viên của một tổ chức khác nữa. Qua đám bạn bè ở Peru, ả đã trở nên một người có cảm tình và là nhân viên hợp đồng của đám cách mạng Sendero Luminoso ở Mỹ. Với những người Mỹ la tinh này thì mối quan hệ đan xen giữa tội ác do động lực chính trị và động lực lợi nhuận là mối quan hệ chung mà trong lúc này với mối liên hệ kép của ả, Soccoro còn giữ một vai trò thay mặt Sendero giám sát công việc này.

Còn bốn tên kia thì ba là người Colombia, với các mật danh là Rafael, Luis và Carlos. Rafael là thợ cơ khí và vừa là một người làm công việc lặt vặt nói chung. Luis được tuyển chọn vì tài nghệ lái xe của hắn; hắn là một chuyên gia về việc chạy trốn truy lùng, nhất là từ các hiện trường tội ác. Carlos còn trẻ, sắc sảo và là người tổ chức cuộc theo dõi này trong suốt cả bốn tuần vừa qua. Cả ba đều nói tiếng Anh trôi chảy và trước đây đã nhiều lần tới Mỹ. Chuyến này chúng đến đây mà không hề biết nhau trước và đều dùng hộ chiếu và tên giả. Chúng được chỉ thị tìm gặp tên thuộc hạ của nhóm Mendellin, kẻ đã thu xếp nơi trú ngụ an toàn cho Miguel và sau đó nhận chỉ thị trực tiếp từ Miguel.

Tên cuối cùng trong bọn là người Mỹ, tên dùng trong phi vụ này là Baudelio, Miguel hoàn toàn không tin tưởng gì Baudelio, tuy rằng kiến thức và tay nghề của tên này là tối cần thiết đối với cơ hội thành công của phi vụ.

*

Giờ đây, tại trung tâm hoạt động tạm thời của nhóm người Colombia ở Hackensack, Miguel cảm thấy tức giận dâng trào khi nghĩ về cái thằng người Mỹ phản phúc với mật danh Baudelio ấy. Cơn giận của hắn càng tăng thêm về cái chuyện cẩu thả của Julio khi lỡ buột miệng sử dụng ngôn ngữ thường để báo cáo qua điện thoại từ bên ngoài nhà Sloane ở Larchmont về. Tay vẫn cầm điện thoại, cố dằn cơn giận, Miguel cân nhắc câu trả lời.

Lời báo cáo của thuộc hạ nói tới một người đàn ông quãng bảy mươi tuổi, đã đến nhà Sloane cách đây mấy phút, đem theo một chiếc vali vào trong nhà – theo từ ngữ cẩu thả của Julio là “có vẻ như ông ta định ở lại”.

Trước khi rời Bogota, Miguel đã nhận được toàn bộ thông tin mà hắn chưa nói lại hết với những tên đang ở dưới quyền hắn. Trong hồ sơ có nói đến việc Crawford Sloane có một người cha đúng theo lời mô tả người mới tới. Miguel lập luận: được rồi, nếu ông già tới thăm con trai, ở lại một thời gian, thì cũng chỉ hơi phiền một chút nhưng không có gì đáng lo ngại. Chắc sẽ phải làm thịt ông già vào cuối ngày hôm đó, còn bây giờ thì không có vấn đề gì.

Ấn nút điện thoại, Miguel ra lệnh: “Không đụng tới kiện hàng màu xanh. Chỉ báo cáo việc làm hoá đơn mới thôi”. “Hoá đơn mới” có nghĩa là “nếu tình hình thay đổi”.

“Rõ”. Julio đáp cộc lốc.

Đặt máy điện thoại xuống, Miguel liếc nhìn đồng hồ. Gần 7 giờ 45 phút sáng. Trong hai tiếng nữa tất cả bảy tên trong nhóm sẽ phải vào vị trí và sẵn sàng hành động. Mọi việc tiếp theo đã được dự tính cẩn thận, lường trước mọi vấn đề, thận trọng hết mức. Khi khởi sự cần có một số ứng biến, nhưng không cần nhiều.

Và không thể trì hoãn gì nữa. Bên ngoài nước Mỹ những hoạt động khác ăn khớp với kế hoạch của bọn chúng cũng đã bắt đầu.