Khi đầu óc đã ổn định, anh nhận ra những đường nét quen thuộc của căn phòng ngủ ở nhà và biết rằng nếu anh ngồi nhỏm dậy – mà bây giờ thì anh chưa cảm thấy thích làm điều đó – anh có thể nhìn thấy chiều rộng mênh mang của hồ Ontario qua khuôn cửa sổ ở đầu giường.
Căn hộ này là nơi Partridge dùng làm một căn cứ, một nơi trú ẩn, công việc nay đây mai đó của anh chỉ cho phép anh trở về đây vài lần ngắn ngủi trong một năm. Và mặc dù anh để một ít đồ đạc lại đây như quần áo, sách vở, tranh ảnh và một mớ đồ kỷ niệm của mọi nơi và mọi lúc, anh không đứng tên thuê căn hộ. Theo tấm danh thiếp đặt gần nút chuông ở tầng dưới cùng thì người thuê hợp pháp là V. Williams (V là chữ viết tắt của Vivien) người thường xuyên ở đây.
Hàng tháng, dù ở nơi nào trên thế giới, Partridge cũng gửi một ngân phiếu đủ để Vivien trả tiền thuê nhà và đáp lại, cô ở lại đó và giữ nó như một bến cảng của anh. Sự thu xếp này, kể cả những thuận lợi khác như thỉnh thoảng lại làm tình với nhau, thích hợp với cả hai người.
Vivien là y tá làm việc tại bệnh viện Queensway gần đó, và bây giờ anh đang nghe thấy tiếng chân cô đi lại trong bếp. Chắc hẳn cô đang pha trà, vì cô biết sáng nào anh cũng thích, và cô sẽ mang ngay lên cho anh. Trong khi đó, anh thả dòng suy nghĩ trôi trở lại sự kiện ngày hôm qua và cuộc hành trình đêm hôm trước trên chuyến bay bị chậm trễ từ Dallas tới sân bay Quốc tế Pearson của Toronto.
Chuyện xảy ra tại sân bay DFW là một sự kiện nghề nghiệp và anh đã thành công. Tuy nhiên, khi nghĩ về sự kiện ấy trong đêm qua và cả sáng nay nữa anh ý thức được cái bi kịch ở sau nó. Theo bản tin mới nhất, thì hơn bảy mươi người trên chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Muskegon bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng và sáu người trong chiếc máy bay nhỏ đã chết ngay sau khi hai chiếcc đụng nhau trên không. Anh biết rằng ngày hôm nay nhiều gia đình và bè bạn đang đau đớn cố gắng đương đầu với tổn thất của họ trong nước mắt.
Dòng suy nghĩ gợi cho anh nhớ lại rằng đã có bao lần anh những mong mình cũng có thể khóc, có thể rơi nước mắt cùng với những người khác vì những điều anh đã chứng kiến trong cuộc đời làm nghề này của anh, có lẽ kể cả cái bi kịch ngày hôm qua. Nhưng không khóc nổi – trừ trong một trường hợp duy nhất mà mỗi khi nó trở lại trong tâm trí anh là anh lại phải cố xua đi. Anh vẫn còn nhớ lần đầu tiên khi anh tự ngạc nhiên về chính mình và về cái sự không có khả năng khóc hiển nhiên của anh.
Vào thời gian bắt đầu sự nghiệp, Harry Partridge ở Anh đúng vào lúc một tấn bi kịch xảy ra ở xứ Wales. Một làng thợ mỏ ở Aberfun bị một đống phế thải than khổng lồ trượt từ trên sườn đồi xuống và nuốt chửng ngôi trường trung học. Một trăm mười sáu học sinh chết.
Ngay sau thảm hoạ xảy ra, Partridge đã có mặt ở hiện trường, đúng vào lúc những xác chết đang được kéo ra. Những thân thể nhỏ bé đáng thương này bị bùn đặc đen ngòm thối hoắc bao kín và người ta phải dùng vòi phun để rửa sạch trước khi chở đi nhận dạng.
Những người chứng kiến cảnh đó ở quanh anh, những phóng viên, nhiếp ảnh, cảnh sát, người xem… đều nức nở khóc. Partridge cũng muốn khóc oà lên, nhưng không được. Lòng đau đớn nhưng mắt ráo hoảnh, anh hoàn tất công việc đưa tin và bỏ đi.
Từ đó trở đi, anh còn chứng kiến vô số những cảnh đáng rơi lệ khác, nhưng anh cũng không hề khóc.
Phải chăng là có cái gì không ổn, có sự lãnh cảm trong anh? Một hôm anh đã hỏi một nữ bác sĩ tâm thần bạn của anh câu đó, sau khi cả hai đã cùng uống rượu với nhau suốt buổi tối và đã ngủ với nhau.
Cô ta bảo anh: “Chẳng có gì không ổn đói với anh, hoặc có lẽ anh đã không nghĩ kỹ khi hỏi chuyện này thôi. Điều mà anh có là một bộ máy bảo vệ đã vô nhân tính hoá cảm giác của anh. Anh đang giữ tất cả lại, giấu cảm xúc sâu vào một nơi nào đó trong anh. Một ngày nào đó tất cả sẽ tràn ra, nổ tung và anh sẽ khóc. Ồ, lúc đó anh sẽ khóc ra trò đấy”.
Đúng, người bạn chung giường đầy hiểu biết đêm đó của anh đã nói đúng, và đã có một ngày… Nhưng anh lại không muốn nghĩ đến ngày đó, cố xua hình ảnh đó đi đúng vào lúc Vivien đi vào phòng ngủ cùng với một khay trà buổi sáng.
Cô đã ngoài bốn mươi tuổi, nét mặt xương xương, dáng dấp mạnh mẽ, tóc đen thẳng, nay đã thoáng điểm bạc. Tuy không đẹp mà cũng không thể gọi là xinh, cô là người nhiệt tình, dễ dãi và rộng lượng. Khi Partridge quen biết cô thì cô đã goá chồng và anh đoán chừng là cuộc hôn nhân cũng không lấy gì làm tốt đẹp, dù không mấy khi cô nhắc tới chuyện đó. Cô đã có một đứa con gái sống ở Vancouver. Thỉnh thoảng cô bé mới tới đây, và không bao giờ có mặt lúc Partridge về ở.
Partridge mến Vivien nhưng không yêu cô, và anh đã quen biết cô trong một thời gian khá dài đủ để anh nhận thức là tình yêu sẽ không bao giờ tới. Anh cho là Vivien có yêu anh và sẽ yêu anh mãnh liệt hơn nếu anh khuyến khích chuyện đó. Nhưng tình cảm của anh chỉ mới tới mức đó, và cô chấp nhận mối quan hệ họ đã có.
Trong khi anh nhấm nháp trà, Vivien nhìn chăm chăm vào Partridge, cô thấy khuôn mặt vốn đã gầy của anh nay lại gầy hơn. Tuy vẫn còn đôi nét trẻ thơ lưu lại trên đó cô vẫn thấy những nếp nhăn của sự căng thẳng và mệt mỏi. Mớ tóc bờm xờm ngả xám rõ hơn và cần phải tỉa bớt.
Biết cô đang ngắm nhìn mình, Partridge hỏi: “Em thấy thế nào?”.
Vivien lắc đầu với vẻ thất vọng giễu cợt “Anh tự nhìn mình mà coi! Khi em chia tay với anh thì anh béo tốt khoẻ mạnh. Hai tháng rưỡi sau, anh trở về mệt rũ, xanh lướt như ma đói”.
Anh nhăn mặt. “Anh biết – Viv ạ. Cuộc sống của anh là thế. Có quá nhiều việc dồn ép, những giờ phút tồi tệ, ăn uống thất thường và rượu chè”. Rồi anh mỉm cười: “Anh về đây lôi thôi thế này thì em làm gì nào?”.
Cô nói, vừa thương cảm, vừa kiên quyết: “Trước hết em sẽ dọn cho anh một bữa sáng ngon lành. Anh cứ nằm yên trên giường, em sẽ mang tận nơi cho anh. Bữa trưa và bữa tối anh sẽ ăn cá và gà, rau tươi, hoa quả tươi. Ăn sáng xong, em sẽ tỉa tóc cho anh. Rồi đưa anh đi tắm hơi và xoa bóp – em đã gọi điện đặt chỗ rồi”.
Partridge lại nằm dài ra giường và giơ hai tay lên: “Tuyệt trần”.
Vivien nói tiếp: “Ngày mai em chắc là anh muốn gặp lại đám bạn bè cũ ở hãng CBC – như thường lệ, đúng không? Nhưng đến tối thì em đã mua vé xem hoà nhạc dành riêng cho chương trình của Mozart ở Toronto, tại nhà hát lớn Roy Thomson. Âm nhạc sẽ rũ sạch mọi thứ cho anh. Em biết là anh thích điều đó.ngoài những chuyện đó ra, anh cứ nghỉ ngơi hoặc muốn làm gì thì làm”. Cô nhún vai: “Có thể là giữa mọi chuyện đó, anh sẽ thích làm tình nữa. Đêm hôm qua anh đã cố nhưng anh quá mệt. Anh đã ngủ thiếp đi”.
Partridge chợt cảm thấy mình biết ơn Vivien hơn bao giờ hết. Cô thật là một điểm tựa, một nơi nương náu. Khuya hôm qua, cuối cùng thì máy bay của anh cũng tới được sân bay Toronto, cô đã kiên nhẫn chờ và đưa anh về đây.
Anh hỏi: “Hôm nay em không phải đi làm à?”.
“Em được nghỉ phép. Em đã thu xếp để nghỉ bắt đầu từ hôm nay. Một y tá khác làm thay em”.
Anh bảo cô: “Viv, cả triệu người mới có một người như em”.
Crawford Sloane đã gọi điện tới sân bay DFW để chúc mừng anh.
Crawf có vẻ lúng túng, vẫn như mọi khi hai người nói chuyện với nhau. Đã bao lần Partridge muốn nói: “Này Crawf, nếu cậu cho là tôi ác cảm với cậu về chuyện Jessica hoặc về công việc của cậu hoặc bất cứ chuyện gì khác, thì hãy quên đi! Tôi không có ác cảm và không bao giờ có!”. Nhưng anh biết rằng những lời như vậy, càng làm mối quan hệ của họ căng thẳng hơn, và có thể là Crawford cũng không tin điều đó.
Ở Việt Nam, Partridge biết rõ là Sloane chỉ bay những chuyến thật ngắn, cốt để có thể bám chốt ở Sài Gòn và xuất hiện trên màn hình của hãng CBA càng nhiều càng tốt. Nhưng Partridge không quan tâm đến điều đó. Anh có những ham thích của riêng anh. Một trong những cái đó – có thể gọi là một cơn nghiện – nghiện những hình ảnh và âm thanh của chiến tranh.
Chiến tranh… cảnh hỗn loạn đẫm máu của chiến trường… tiếng sấm rền và ánh lửa của đại bác, tiếng rít chói tai và tiếng nổ ầm ầm của những trái bom rơi… Những tràng liên thanh không ngớt trong khi ta không biết ai đang bắn ai hoặc từ đâu bắn tới… Cái cảm giác gần như khoái cảm khi bị tấn công, mặc dù sợ hãi làm cho ta run lên… Tất cả những cái đó kích thích Partridge, làm anh đê mê, máu trào trong huyết quản.
Anh phát hiện ra cái cảm giác này lần đầu tiên tại Việt Nam, nơi anh trải qua những kinh nghiệm đầu tiên về chiến tranh. Từ đó đến nay, cảm giác đó vẫn ở trong anh. Hơn một lần anh tự hào: Hãy đối mặt với nó – mi thích nó. Rồi thừa nhận: Đúng – ta thích nó, và ta thật là đồ chó đẻ, ngu xuẩn”.
Ngu xuẩn hay không thì không biết, nhưng anh chưa bao giờ từ chối khi hãng CBA cử đi đưa tin về chiến tranh. Partridge biết đám đồng sự của anh đặt cho anh cái tên là “pằng, pằng”, một cái tên có vẻ hơi coi thường đối với một phóng viên nghiện chiến tranh – đôi khi người ta còn cho thử nghiệm đó còn tồi tệ hơn là nghiện hêroin và côcain, nhưng cũng có kết cục hầu như biết trước được.
Nhưng tại trụ sở của hãng CBA, và đây mới thực sự là vấn đề quan trọng nhất – mọi người đều biết là thu thập loại tin này thì Harry Partridge là người giỏi nhất.
Do đó anh không quá quan tâm đến việc Sloane có được chiếc ghế phát thanh viên của Bản tin tối Toàn quốc. Cũng giống như mọi phóng viên thời sự khác, Partridge đã nuôi ý định vươn tới vị trí tuyệt đỉnh đó, nhưng lúc nó rơi vào tay Sloane thì Partridge vẫn đang say mê công việc của anh đến mức quên cả chuyện đó đi.
Thật kỳ lạ là mới đây có người bỗng nêu lại vấn đề chiếc ghế phát thanh viên. Hai tuần trước đây, trong cuộc nói chuyện mà Chuck Insen báo trước là “tế nhị và riêng tư”, ông ta đã tâm sự với Partridge rằng có thể sắp có những thay đổi quan trọng tại Ban Bản tin tối Toàn quốc, “nếu chuyện đó xảy ra”, Insen hỏi, “liệu anh có quan tâm việc từ bỏ xứ lạnh lẽo đó và đến đây làm phát thanh viên không? Anh làm việc đó quá tốt mà!”.
Partridge quá ngạc nhiên nên anh không biết phải trả lời ra làm sao. Và Insen đã nói: “Cậu không phải trả lời ngay đâu. Tôi chỉ muốn cậu nghĩ về chuyện dó trong trường hợp tôi gọi lại cho cậu sau”.
Rồi sau đó, qua những nguồn tin ngầm, Partridge biết rằng giữa Chuck Insen và Crawford Sloane đang có việc tranh chấp quyền lực. Nhưng cho dù là Insen thắng, mà điều này thì có vẻ khó, Partridge không chắc công việc phát thanh viên ngồi yên một chỗ là cái anh mong muốn, hoặc thậm chí có thể chịu đựng được, nhất là anh đã tự nhủ nửa đùa nửa thật, trong khi tiếng súng vẫn còn vang lên và vẫn thu hút anh ở bao nơi trên thế giới này.
Mỗi khi nghĩ về Crawford Sloane, anh không khỏi nhớ tới Jessica, cho dù nó không có gì ngoài kỷ niệm, bởi vì giờ đây giữa hai người không còn gì nữa, kể cả cuộc trò chuyện bất chợt, và họ cũng hiếm khi gặp nhau ở nơi tụ hội, có lẽ chỉ một hoặc hai lần mỗi năm. Partridge cũng không hề trách Sloane vì chuyện anh đã mất Jessica, vì anh nhận thức được nguyên nhân là do sự suy xét ngu xuẩn của mình. Lúc anh đã có thể cưới nàng, Partridge lại đã quyết định không làm như vậy, thì đơn giản là Sloane cứ việc tiến tới, tự chứng mình mình là người khôn ngoan hơn, có một giác quan về giá trị tốt hơn vào đúng khi đó.
Vivien đã trở lại phòng ngủ, mang theo bữa ăn sáng xếp thành nhiều lớp. Đúng như cô hứa rằng đây là một bữa ăn sáng ngon lành: nước cam tươi vắt, cháo nóng có đường và sữa, trứng chần nước sôi, bánh mì nướng, cà phê đen, mới rang xay, đậm nóng hổi, thêm một đĩa bánh mì nướng nữa và mật ong Anberta.
Món mật ong làm cho Partridge cảm động sâu sắc. Nó làm anh nhớ lại, đúng như Vivien dự tính, quê hương anh, nơi anh khởi đầu sự nghiệp báo chí tại một đài phát thanh địa phương. Anh nhớ đã kể cho Vivien nghe rằng anh làm việc cho một đài phát thanh gọi là đài 20/20; nó có nghĩa chương trình chính là roóc-en-rơn, cứ hai mươi phút lại bị ngắt quãng để hét toáng lên một số tin chính trích từ tin điện của AP (Liên đoàn tin tức). Một chàng trai trẻ tên là Harry Partridge phụ trách việc hét tin này. Anh mỉm cười khi nhớ lại chuyện này; có vẻ như chuyện xảy ra từ lâu lắm rồi.
Sau bữa ăn sáng, anh đi vơ vẩn quanh nhà, vẫn mặc quần áo ngủ. Anh nhận xét: “Nhà này trông tồi tàn quá. Cần phải sơn lại và mua thêm ít đồ mới”.
“Em biết rồi” Vivien công nhận. “Em đã nói với chủ nhà về việc sơn lại. Nhưng họ nói toà nhà này không đáng phải bỏ tiền ra đầu từ thêm vào đó”.
“Mặc xác họ! Cần quái gì phải nói với chủ nhà. Em cứ tìm một thợ sơn rồi bảo họ làm cài gì mình cần. Trước khi anh đi anh sẽ để tiền lại”.
“Anh bao giờ cũng hào phóng”, cô nói, “thế anh vẫn thu xếp ổn thoả việc không phải nộp thuế lợi tức à?”.
Anh cười: “Tất nhiên rồi”.
“Ở bất cứ nơi nào, với bất cứ ai cũng vậy sao?”.
“Không phải trả cho bất cứ ai, đó là điều hoàn toàn hợp pháp và trung thực. Anh không đòi được nhận lại một phần thuế lợi tức, anh không cần. Tiết kiệm được khối thời gian và tiền bạc”.
“Em không bao giờ hiểu được anh làm cách nào mà thu xếp được”.
“Anh chẳng có gì phải giấu em cả, tuy bình thường ra, anh không nói về chuyện này. Những người phải nộp thuế lợi tức sẽ ghen tỵ, vì ở đời không ai muốn người khác khá hơn mình cả. Điều quan trọng nhất”, anh giảng giải, “là công dân Canada,sử dụng hộ chiếu Canada làm việc ở nước ngoài. Trong khi rất nhiều người không nhận ra rằng Mỹ là nước lớn duy nhất trên thế giới đã đánh thuế công dân của họ, cho dù họ sống ở đâu. Kể cả khi công dân Mỹ sống ở nước ngoài, họ vẫn bị chú Sam đánh thuế. Canada thì lại không làm như vậy. Người Canada sống ở nước ngoài không có trách nhiệm đóng thuế cho Canada. Cách của anh làm là hãng CBA trả lương hàng tháng của anh vào tài khoản ở New York mà anh có ở ngân hàng Chase Manhattan. Từ tài khoản này, anh chuyển tiền vào các tài khoản ở các nước khác – như Bahamas, Singapore, đảo Channel, nơi có lãi suất khá và hoàn toàn không phải nộp thuế”.
“Thế còn thuế ở các nước mà anh đến làm việc thì sao?”.
“Vì anh là một phóng viên vô tuyến truyền hình cho nên anh không bao giờ ở một nơi nào lâu đến mức phải có trách nhiệm nộp thuế. Thậm chí kể cả ở Mỹ, với điều kiện là anh ở đó không quá 120 ngày một năm, mà em có thể chắc chắn là anh không bao giờ ở lâu đến như vậy. Còn ở Canada thì anh không có nhà, kể cả cái này nữa. Cái nhà này là của em, Viv ạ. Như cả hai chúng ta đã biết”.
Partridge nói thêm: “Điều quan trọng là không lừa dối, trốn thuế không những là bất hợp pháp, nó là ngu xuẩn và không đáng phải mạo hiểm như vậy. Tránh thuế lại hoàn toàn là chuyện khác…”. Anh ngừng lại: “À quên anh có giữ cái này”.
Partridge rút ví lấy ra một mảnh giấy gấp nhỏ. “Đây là quyết định năm 1934 của chánh án Learned Hand, một trong những luật gia lớn nhất ở Mỹ. Nó đã được các cơ quan luật pháp khác áp dụng rất nhiều lần rồi”. Anh đọc to: “Bất cứ ai cũng có thể thu xếp công việc sao cho thuế của người đó càng thấp càng tốt. Người đó không bị bắt buộc phải chọn việc đóng góp nhiều tiền cho ngân khố; tăng thuế của một người nào đó lên không hề có nghĩa rằng đó là một nghĩa vụ yêu nước”.
“Em có thể hiểu tại sao người ta ghen tỵ với anh”. Vivien nói. “Những người khác ở trong hãng vô tuyến của anh có làm như vậy không?”.
“Nhiều đến mức đáng ngạc nhiên. Cái lợi thế về thuế má này là một lý do khiến cho người Canada thích làm việc cho các hãng của Mỹ ở nước ngoài”.
Cho dù anh không đả động đến nhưng còn nhiều lý do khác, kể cả việc các hãng Mỹ trả lương theo trình độ mà thực tế là cao hơn. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là làm việc cho một hãng của Mỹ sẽ làm uy tín của người ta nổi bật hơn – vì ở trung tâm sôi động của những công việc trên thế giới.
Còn về phía họ, các hãng Mỹ rất thích những phóng viên Canada, vì những người này đã được hãng CBC và hãng CTV đào tạo cẩn thận. Họ cũng biết khán giả Mỹ rất thích âm điệu của người Canada; và đó là một phần trong lý do tại sao đã xuất hiện trên vô tuyến truyền hình những phóng viên nổi tiếng như: Peter Jennings, Robert Macneil, Morley Safer, Ailen Pizzey, Barrie Dunsmore, Peter Kent, John Black Stone, Hilary Bowker, Harry Partridge, và những người khác.
Vẫn tiếp tục đi vớ vẩn trong phòng, Partridge thấy chiếc vé xem hoà nhạc Mozard của ngày hôm sau đã được đặt lên bàn. Anh biết là anh rất thích và một lần nữa anh cảm thấy biết ơn Vivien vì cô đã nhớ tới sở thích của anh.
Anh cũng cảm thấy rất
biết ơn đối với ba tuần lễ nghỉ ngơi, hoàn toàn rỗi rãi như là anh đã mơ ước đang chờ đón anh.