Bài Học Thành Công Của Singapore

Chương Bốn: Văn Hóa Và Những Định Chế Hỗ Trợ Sự Tăng Trưởng

ĐỊNH CHẾ - NỀN TẢNG CHO SỰ THỊNH VƯỢNG CỦA SINGAPORE

Nền tảng cho sự tăng trưởng hiệu quả đầy ấn tượng của Singapore là một hệ thống các định chế hoạch định chính sách được thực hiện nhắm đến sự tăng trưởng lành mạnh một cách thuận lợi. Bằng việc cho phép thực hiện các chính sách hoàn hảo, những định chế này đã là những nguyên nhân trực tiếp giúp cho kinh tế tăng trưởng như chúng ta đã đề cập ở chương I. Ngoài ra những định chế bền vững cũng đã tạo nên một bầu không khí thích hợp cho đầu tư, điều này trực tiếp đóng góp vào việc tích lũy các yếu tố, sự phát triển công nghệ và thu hoạch được những kết quả tốt.

Những định chế hỗ trợ cho việc thực hiện chính sách

Thường thì chính quyền đã hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế hỗ trợ cho sự tăng trưởng, nhưng lại thất bại trong việc thực thi chúng. Nhiều quốc gia, giống như Singapore đã hoạch định chính sách nhắm đến mục đích củng cố tài chính, phân bố nguồn lực trên cơ sở thị trường hiệu quả. Xây dựng nguồn vốn nhân lực và phân bố năng động đến những lĩnh vực kinh tế khác có tiềm năng tăng trưởng cao. Cũng như các chính sách chặt chẽ có tính chất hỗ trợ lẫn nhau, chuyển hóa những chu trình bất lợi thành ra những chu trình thuận lợi. Tuy nhiên khác với Singapore, các chính sách này thường không được thực thi, chẳng bao lâu nó sẽ phản tác dụng sau khi ra đời, hoặc hiệu quả tốt đẹp của nó đã không thực hiện bởi những biện pháp mới đã gây phản ứng ngược lại. Việc thực hiện các chính sách vốn dĩ chặt chẽ và bền vững bị thất bại là vì thiếu sự hậu thuẫn của những định chế tăng trưởng. Thành tích xuất sắc về mặt kinh tế của Singapore vượt lên trên rất nhiều quốc gia đã phản ảnh tình hình hoạch định kế hoạch một cách xuất sắc và nhất là thi hành nó.

Những định chế không hoàn chỉnh sẽ gây trì hoãn tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia như việc ngăn cản các đường lối kinh tế vĩ mô lành mạnh và các chính sách cơ cấu được thực thi. Một đội ngũ công chức hành chính hoạt động kém hiệu quả, bao gồm ở mọi cấp chính quyền địa phương, thường đem lại hậu quả là không thi hành các chính sách cần thiết cho sự tăng trưởng cao, ví dụ như các chính sách củng cố tài chính. Không có một nhà cầm quyền hiệu quả và trung thực, quốc gia nào cũng sẽ thất bại trong việc phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe, tổ chức giáo dục và thị trường lao động hiệu quả để có thể tạo ra lực lượng lao động năng suất cao có sức cạnh tranh, hoặc củng cố hệ thống ngân hàng vững mạnh và thị trường vốn để đóng góp cho việc tăng trưởng kinh tế. Thông thường việc không thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng này được người ta gán ghép cho việc thiếu "ý chí chính trị". Cho dù có ý định xây dựng một chính sách tốt thế nào đi nữa, việc kéo dài tỷ lệ lạm phát cao, những xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, tình trạng hành chính cồng kềnh chậm chạp, tất cả đã làm cho việc thành lập các công ty mới trở nên tốn kém và mất thời gian, hay thị trường lao động kém linh hoạt, cũng được xem là những chứng cớ cho thấy các cấp chính quyền không "làm chủ "những chính sách hỗ trợ tăng trưởng của mình.

Tuy vậy nguyên nhân của việc thực thi một cách yếu kém thường là sự vận hành trục trặc thỏa ước xã hội về những gì mà người ta gọi là sự phân phối công bình giữa cái được và cái mất từ sự tiến bộ kinh tế. Sự đồng thuận bề ngoài nhằm ủng hộ cho những nguyên lý mơ hồ thường che đậy sự bất hòa tiềm ẩn trong xã hội về sự phân phối giữa chi phí và lợi ích của việc tăng trưởng kinh tế mà người ta đã nhìn nhận. Những chính sách sẽ mãi mãi không được thực hiện bởi vì công lao khó nhọc mà người ta bỏ ra thuyết phục quần chúng, giới truyền thông và các thành phần ưu tú trong xã hội đã không đưa lại kết quả nào. Tại sao những chính sách tốt đẹp được thực thi ở Singapore lại thất bại ở những nơi khác?

Douglas North, người đoạt giải Nobel về khoa học kinh tế năm 1993, định nghĩa định chế là "luật chơi" đề ra những sự khích lệ cũng như uốn nắn hành vi của một tổ chức và cá nhân trong xã hội.[105] Những định chế có thể là những luật lệ chính thức, ví dụ như hiến pháp, luật pháp, nội quy và những quy trình nội bộ trong một quốc gia. Hay nó có thể là những giá trị, những quy tắc sống không chính thức, ví dụ như những quy tắc đã đưa người ta đến những hành vi quan liêu. Định chế là do con người tạo ra và bắt nguồn trong lịch sử. Nó định ra sự khích lệ làm cho xã hội được tổ chức và vận hành một cách trật tự, cả việc ký các thỏa ước. Những định chế tốt đẹp vững mạnh thường làm cho cộng đồng hiểu rằng cần thiết cho phép các chính sách hợp lý được thực thi nhằm hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế lâu dài. Những định chế chính là cơ chế vận hành của chính quyền.

Những định chế hữu hiệu đóng góp tích cực trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế.

Như đã định nghĩa, những định chế cũng đóng góp trực tiếp vào sự tích lũy những yếu tố và thúc đẩy gia tăng năng suất. Sự tôn trọng quyền sở hữu, chế độ tư pháp công minh và sự tuân thủ những điều luật, tất cả góp phần thuận lợi cho việc đầu tư. Những định chế hỗ trợ sự tăng trưởng lâu dài, ví dụ như quyền hưởng những thành quả do lao động và vốn liếng của mình bỏ ra và định chế sẽ bảo vệ họ khỏi nỗi lo sợ bị tước đoạt bởi nhà nước hay những người khác. Nếu không có những định chế này, nỗi lo sợ bị mất đi những thành quả của chính mình sẽ khiến người ta nản lòng khi đầu tư vốn liếng, con người cũng như đóng góp công sức.

Những định chế hỗ trợ sự tăng trưởng cũng cho phép các cá nhân và doanh nghiệp tận dụng những tiềm năng do sự tiến bộ kỹ thuật hay sự tự do hóa thương mại quốc tế đem lại.[106] Những định chế tốt đẹp như thị trường lao động linh hoạt, các luật lệ tham dự và rút lui của doanh nghiệp và quyền được tăng tài sản và tri thức cũng như cho phép cá nhân và doanh nghiệp tận dụng những cơ hội thị trường. Không có những định chế vững mạnh, việc tái cơ cấu nhanh chóng của nền kinh tế chuyển sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao và việc cải thiện năng suất sẽ trở nên chậm chạp.

Nói tóm lại, nhiều quốc gia phát triển chậm vì đã thiếu những định chế cho phép thực thi những chính sách kinh tế vĩ mô và cơ cấu một cách bền bỉ vì chính những chính sách này đã dẫn đến việc tích lũy cao của nguồn vốn cũng như nguồn nhân lực, cùng với sự tham gia thị trường lao động, sự tiến bộ kỹ thuật và việc gia tăng năng suất. Những chính sách kinh tế hoàn hảo và định chế thì gắn bó với nhau. Chúng cùng tạo nên những nguyên nhân trực tiếp cho sự tăng trưởng kinh tế.

Công trình thực nghiệm của Daran Acemoglu và những cộng sự của mình đã nêu lên sự khác biệt trong "định chế" giải thích 3⁄4 những biến đổi mức thu nhập theo đầu người mà người ta phát hiện gần đây ở những quốc gia khác nhau.[107] Các quốc gia tiến bộ về kinh tế có khuynh hướng sở hữu những định chế "tốt" trong khi những quốc gia thu nhập thấp thì được mô tả do những định chế "tồi tệ". Trong bản nghiên cứu này, chất lượng những định chế của một quốc gia được đánh giá thông qua những chỉ số định lượng về tinh thần tôn trọng pháp luật của một quốc gia và sự liêm chính của tổ chức hành chính công quyền. Mối quan hệ nhân quả tuy vậy không chỉ một chiều mà sự phản hồi đã diễn ra từ mức thu nhập cao cho đến định chế. Tuy vậy ngành kinh tế lượng học dựa theo những biến số công cụ này giúp cho ta thấy tầm quan trọng của định chế như một yếu tố then chốt trong việc tăng trưởng kinh tế. Sự khác biệt lớn lao trong kết quả tăng trưởng kinh tế giữa hai miền Nam và Bắc Hàn từ năm 1953 đã vạch rõ vai trò của chính sách kinh tế đã được những định chế khác nhau của nhà cầm quyền thiết lập ra sao.[108]

Những định chế mạnh mẽ – nền tảng cho sự tăng trưởng của Singapore.

Singapore đã tạo ra những định chế bền vững có thể làm cho bầu không khí đầu tư ở đây trở thành bầu không khí kinh doanh thân thiện nhất châu Á. Điều này bao gồm (i) một chế độ hành chính hiệu suất cao; (ii) tinh thần thượng tôn pháp luật và sự bảo vệ quyền sở hữu; (iii) sự liêm chính cao độ của công chúng và (iv) một xã hội hài hòa dẫn đến sự bình ổn chính trị.

Chính quyền và bộ máy hành chính đầy năng lực

Như đã ghi nhận trong tờ báo The Economist, Singapore đã nổi tiếng như một thương hiệu quản lý hành chính cao cấp.[109] Việc xử lý hiệu quả đại dịch SARS bùng nổ năm 2003 là một ví dụ điển hình. Bộ máy hành chính của họ tỏ ra hết sức hiệu quả.[110] Những nguyên tắc của đội ngũ lãnh đạo ưu tú đã chi phối việc tuyển dụng và đề bạt. Dịch vụ hành chính luôn luôn có một vị trí cao. Lương bổng có thể cạnh tranh được với thành phần kinh tế tư nhân và người ta đã tránh việc o ép tiền công trên những bậc thang lương mà thường thấy điển hình như ở những nơi khác. Chế độ lương hấp dẫn này đã không làm nặng gánh ngân sách của nhà nước vì họ không bao giờ tuyển thừa người và dịch vụ hành chính luôn luôn được giữ ở mức độ vừa phải. Singapore đã có nhiều định chế hiệu quả và đủ thẩm quyền. Cùng với thời gian, những lớp công chức trẻ sau này cũng sẽ thấm nhuần tinh thần triết lý thực dụng của một nhà nước quản lý đầy hiệu quả.

Ủy ban Phát triển Kinh tế (Economic Development Board), cơ quan hàng đầu vạch ra kế hoạch và thực thi những chiến lược phát triển của nhà nước, đã tạo dựng được tiếng tăm về những hoạt động xuất sắc kể từ khi ra đời vào năm 1961. Nhân viên của họ đóng vai trò then chốt trong việc thu hút, rồi thương thảo mọi điều kiện và phối hợp trong vai trò cơ quan – một cửa, với các công ty đa quốc gia (MNC), làm cho Singapore trở thành một bệ phóng xuất khẩu ra thế giới. Lý Quang Diệu đã nhớ lại, ngay cả những thành công nhỏ nhất trong những năm tháng đầu đời cũng đòi hỏi sự bền bỉ tuyệt vời từ những nhân viên EDB, dù lúc đó triển vọng của Singapore còn rất mờ mịt. Tuy vậy những nhân viên này luôn hăng hái phụng sự cho một chế độ cộng hòa non trẻ, háo hức học hỏi và được lựa chọn trong số những người ưu tú nhất.[111] Rồi những nỗ lực của họ đã được tưởng thưởng khi công ty Texas Instruments thiết lập cơ sở năm 1968, theo sau là công ty National Semiconductor, Hewlett Packard, General Electric, và nhiều công ty khác nữa. Sức mạnh và tính chuyên nghiệp của EDB là một mắt xích định chế quan trọng hỗ trợ cho những chính sách kinh tế hướng về việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Singapore.[112] Chính vì suy nghĩ này mà công ty Seagate đã chọn Singapore thay vì Hồng Kông và Nam Hàn vào năm 1982.

Ủy ban Giám sát Tiền tệ (MAS) đã giúp thúc đẩy mạnh hệ thống ngân hàng và thị trường vốn. Tiếp theo sau việc cho phép Ngân hàng Mỹ (Bank Of America) được thuê văn phòng vào năm 1998, Singapore đã phát triển vững mạnh thành một trung tâm ngân hàng quốc tế, dịch vụ tài chính này đã đóng góp 12% (GDP) vào cuối thập niên 1990. Tuy vậy trong nhiều năm, Singapore đã phải tham dự vào cuộc chiến nghiệt ngã trên thị trường quốc tế để xây dựng niềm tin vào sự minh bạch của hệ thống tài chính và khả năng để nó không rơi vào sự thất bại có tính chất hệ thống. Là một cơ quan giám sát, (MAS) đã chấp nhận đường lối cẩn trọng trong việc quy định lĩnh vực tài chính này, nhấn mạnh đến tình trạng thích ứng về vốn cao cho các ngân hàng và điều hành những định chế tài chính một cách cẩn trọng đối với những tài sản không phát huy hiệu quả và phải tuân thủ những nội quy khác nữa. Những ông chủ ngân hàng cũng phàn nàn rằng sự hướng dẫn từ trên xuống dưới đôi khi bóp nghẹt những cải cách trong khu vực kinh tế tư nhân, nhưng những nhà đầu tư lại có được những niềm tin vào sự giám sát mạnh mẽ đối với lĩnh vực này. Chính sự giám sát từ trước như vậy đã giúp chúng ta giải thích tại sao Singapore đã chịu đựng được khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và 1998 tốt hơn bất kỳ quốc gia láng giềng nào với mức độ thiệt hại tối thiểu trong lĩnh vực tài chính.[113]

Ít có ai đóng thuế một cách hài lòng ở những nơi khác, và người ta có thể nói điều tương tự như thế ở Singapore. Tuy nhiên việc tuân thủ luật thuế ở đây rất cao, cũng giống như người ta đã tuân thủ những luật lệ nói chung. Những đặc điểm khác có thể giúp chúng ta giải thích điều này: Nhà cầm quyền đã chứng minh việc phân bổ một cách có trách nhiệm những đồng tiền mà người dân đóng thuế và luôn luôn tuân thủ những luật lệ chặt chẽ trong lĩnh vực chi tiêu, mức thuế lợi tức thì thấp; và cơ quan thuế cũng như công tác hải quan rất chuyên nghiệp. Cả hai định chế này đã giúp cho chính sách tài chính thương mại mở cửa của Singapore thành công vượt mức. Không thể nói rằng những hệ thống như thế này đã luôn luôn vận hành suôn sẻ. Thoạt đầu cũng có những vấn đề xảy ra. Vào năm 1991, cục thuế đã đối đầu với một sự ùn tắc khổng lồ những bản đánh giá thuế lợi tức tồn đọng trong nhiều năm.

Tinh thần nhân viên cực kỳ sa sút vì mãi đến lúc đó thì cục thuế vẫn chưa tính toán lại được tất cả số thuế phải hoàn và vấn đề càng thêm trầm trọng là số lượng thuế phải hoàn lại này đã gia tăng nhanh chóng cùng với nền kinh tế, nhưng luật hành chính thì lại không cho phép họ gia tăng số nhân viên hiện có.[114] Để giải quyết tình hình này, vào năm 1992 Sở lợi tức đã được chuyển thành một công ty nhà nước hoặc là Sở Lợi tức Nội địa Singapore, viết tắt là (Internal Revenue Authority of Singapore – IRAS). Chính quyền đã trả IRAS một khoản phí cho dịch vụ của họ tùy theo kết quả công việc. Quy trình làm việc đã được tổ chức lại với việc áp dụng bản tự đánh giá mức thuế phải trả của người dân. Đồng thời những cải tiến then chốt trong lĩnh vực kỹ thuật và tự động hóa cũng đã được thực hiện. Tất cả những nỗ lực này đã giúp nâng cao tinh thần nhân viên. Thời điểm để tiến hành cải cách thuế thì hết sức lí thú. Nó cho ta thấy việc cải thiện những định chế diễn ra liên tục, và được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng kinh tế mà sự hoàn thiện định chế này trên mọi lĩnh vực không hẳn là một yếu tố tiên quyết để tăng trưởng cất cánh.

Ezra Vogel khẳng định rằng, "Điều kỳ lạ ở Singapore không phải là sự nổi bật của cá nhân những nhà quản lý hành chính ưu tú mà là sự kiện những nhà quản lý ưu tú này có khuynh hướng vươn lên trong thực tế bao gồm tất cả những nhà lãnh đạo chính trị.[115] Thật vậy, Diane Mauzy và RS Milne đã đưa ra giải thích hết sức hấp dẫn về tiến trình lựa chọn khắc nghiệt với những tiêu chuẩn về tài năng và nhân cách do đảng (PAP) chấp thuận để chọn những ứng viên vào Quốc hội, và sau cùng là những chức vụ bộ trưởng, bằng cách chỉ dựa theo tài năng mà thôi.[116] Đảng (PAP) đã đặc biệt chú ý đến năng lực con người khi đem lại những kết quả để họ sẵn sàng đề bạt hay cho xuống cấp tùy theo kết quả. Những nhà lãnh đạo cao nhất trong chính quyền và trong công việc hành chính làm việc chặt chẽ với nhau và cùng ở Ban Giám đốc của các công ty nhà nước hay ủy ban pháp định do nhà nước đặt ra, và luôn luôn có cùng phương thức hành động tổng hợp và theo tôn ti. Việc ở trong Ban Giám đốc hai nơi trong các công ty của nhà nước là hết sức tế nhị nhưng hữu hiệu mạnh mẽ, qua đó nhà nước đã thực hiện việc điều phối chính sách vĩ mô một cách dễ dàng.[117] Mặc dù cách làm này đã bị phê bình, theo quan điểm của PAP, sự khan hiếm tài năng hàng đầu đã khiến cho việc người ta phải đảm đương rất nhiều chức trách và hợp nhất là một điều không thể tránh khỏi. Trong nhiều năm, chủ tịch của MAS đồng thời là bộ trưởng bộ tài chính cho phép việc phối hợp hết sức hữu hiệu. Nhưng những tình hình này cũng đặt ra sự xung đột tiềm tàng về lợi ích, mà ở những quốc gia khác người ta dễ nhìn thấy dễ đổ lỗi cho đây là một công thức tạo nên lạm phát phi mã. Tuy nhiên ở Singapore thì con cáo vẫn chứng minh tính xuất sắc của nó và chuồng gà thì vẫn được bảo vệ chu đáo.

Định chế thị trường lao động

Ý niệm về một nhà nước hành xử như một người trung gian giữa giới lao động và tư bản là một phương pháp điều hòa cho cuộc đấu tranh công nghiệp hết sức phổ biến ở châu Âu. Chế độ ba bên đã ra hiệu triệu trong bản hiến pháp của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labor Organization – ILO) năm 1919 như một phương tiện hòa giải giữa mệnh lệnh của công bình xã hội với tính cạnh tranh thương nghiệp và sự phát triển kinh tế. Singapore đã định chế hóa các cuộc tham vấn về tiền lương như việc lập ra Ủy ban Lương bổng Quốc gia (National Wages Council – NWC) vào năm 1972. NWC đã được thành lập để đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho những cuộc thảo luận trong vòng trật tự về lương bổng và nhằm ngăn cản những cuộc tranh cãi về lương bổng, không làm phát sinh và khơi lên tình trạng bùng nổ thị trường lao động eo hẹp. Hội đồng, gồm đại diện của chính quyền, giới chủ và công đoàn và do một chủ tịch trung lập đứng đầu, sẽ đưa ra quyết định dựa theo sự đồng thuận.[118] Mỗi năm NWC sẽ xem xét lại tiền công và xu hướng kinh tế trước khi tham vấn cho nhà nước về đường lối điều chỉnh lương bổng trong những lĩnh vực kinh tế khác nhau. Những đường lối này thoạt đầu được thể hiện như một con số đơn thuần nhưng dần dần mang tính định lượng hơn từ năm 1987, phù hợp với xu hướng chuyển đến một hệ thống "tiền công – linh hoạt" theo xu hướng thị trường. Những đề nghị về lương bổng có tính chất định lượng thì không bao giờ ràng buộc nhưng thành phần kinh tế nhà nước thường tuân thủ chặt chẽ. Với tư cách là một hội đồng tham vấn chính thức, NWC đã khẳng định cam kết chia sẻ sự tăng trưởng, đây là một lợi ích chính trị quan trọng. Nó cũng cung cấp cho nhà nước một kênh thông tin để nắm bắt từ các doanh nghiệp về thực tế thị trường và mức độ cạnh tranh quốc tế. Sự hợp tác giữa công nhân và giới chủ có nghĩa là các vụ đình công trở nên hiếm hoi, tạo một môi trường thuận lợi cho kinh doanh đưa đến sự tăng cường đầu tư và gia tăng năng suất.

Luật lệ và việc bảo vệ quyền tư hữu

Luật lệ là phúc lợi công cộng quan trọng mà nhà nước đem lại cho toàn dân. Liệu rằng những thỏa ước có thể được thực thi một cách ít tốn kém? Liệu rằng tài sản và sự an toàn của từng cá nhân được bảo vệ không bị xâm hại bởi những kẻ có quyền lực hơn? Theo những điều luật, các cuộc tranh tụng sẽ được dàn xếp giải quyết thông qua quá trình tố tụng công minh và hiệu quả trên cơ sở những luật lệ được công bố, chứ không phải những án lệnh độc đoán hay là do những quyền lực tự ý đặt ra như trường hợp có thể xảy ra với những vụ án có liên quan tới chính trị. Tương tự như vậy, không ai bị trừng phạt trừ việc vi phạm luật pháp đã được quy định và được xét xử trong những phiên tòa. Luật lệ cũng ràng buộc những kẻ có quyền lực không được lợi dụng cơ hội cưỡng đoạt tài sản cá nhân. Cùng lúc đó nó tăng cường sự an sinh cho nhân dân bằng việc đẩy mạnh hợp tác giữa các công dân với nhau. North quan niệm rằng sự bất lực của nhà nước trong việc thực thi những thỏa ước hiệu quả, ít tốn kém là nguyên nhân chính của sự kém phát triển trong lịch sử và cả ngày nay.[119] Singapore đã kiến tạo những bộ luật ổn định bảo vệ những thỏa ước xã hội và quyền tư hữu.

Luật pháp và trật tự đem lại khuôn khổ pháp lý cho sự bình ổn và phát triển. Singapore tin vào sự trừng phạt kể cả bị đánh đòn bắt buộc hay án tử hình cho những trọng tội là một trong những biện pháp hữu hiệu hơn là giam giữ lâu dài trong nhà tù. Số lượng các cuộc hành hình chủ yếu là về buôn lậu ma túy và mưu sát, đã giảm xuống trung bình 12 vụ mỗi năm kể từ năm 2003 đến năm 2005. Cuộc khảo sát gần đây cho thấy rằng 85% người Singapore ủng hộ tiếp tục án tử hình đối với những tội như vậy.[120] Đánh đòn nam công dân từ 16 đến 50 tuổi cũng là biện pháp trừng phạt ngoài việc giam giữ, về những tội như cưỡng hiếp và ăn cướp, hay những tội không có tính chất bạo lực như hủy hoại công trình. Khi Michael Fay, một công nhân Mỹ 18 tuổi, cùng với một số bạn thanh thiếu niên Singapore bị buôc tội phải đánh 6 hèo năm 1994 về tội phá hoại vì phun sơn lên 20 chiếc xe hơi, giới truyền thông và nhà nước ở Mỹ đã phản đối kịch liệt mặt dù quan điểm công chúng được tường thuật lại là không thống nhất.[121] Người ta được biết đến Singapore vì việc thực thi pháp luật nghiệm ngặt và những hình phạt khắc nghiệt cho những kẻ vi phạm. Chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) đã nhất trí xếp Singapore vào thứ hạng cao nhất về "sự tin tưởng tuyệt đối của toàn dân rằng con người và tài sản của họ được bảo vệ."[122]

Đề cao nguyên tắc bình đẳng cho mọi người trước pháp luật vào những thời điểm đòi hỏi sự can đảm và không thương hại. Trong hồi ký của mình, Lý Quang Diệu đã mô tả cách mà Singapore tiến hành cuộc hành hình ba bị can Indonesia năm 1968 bất chấp lời đe dọa trả đũa từ phía Indonesia. Xây dựng lòng tin tưởng và sự trong sáng trong hệ thống tài chính của Singapore cũng đòi hỏi sự cương quyết và bền bỉ trong nhiều năm. Singapore đã buộc phải truy tố một công dân người Anh nổi tiếng đã lũng đoạn thị trường chứng khoán vào năm 1975 mặc dù nhà nước Anh ra sức bảo vệ cho anh ta.[123] MAS, trong nhiều năm, đã phản đối áp lực chính trị mạnh mẽ nhằm hạ thấp tiêu chuẩn và cấp giấy phép cho ngân hàng Brunei, hành động mà sau đó đã được thanh minh khi ngân hàng này buộc phải đóng cửa năm 1986 sau những chứng cớ bất thường trong hoạt động. MAS cũng từ chối rất nhiều lần cấp giấy cho Ngân hàng Thương mại và Tín dụng Quốc tế (BCCI). Ngân hàng đó cũng đã phá sản vào năm 1991 sau những hành vi không chính đáng dẫn đến sự thất thoát khổng lồ.

Xây dựng một nền tư pháp hàng đầu cũng mất nhiều năm. Năm 1990 hệ thống tư pháp đã được cải tổ nhằm giải quyết những tồn đọng của tòa án nơi mà rất nhiều vụ việc bị trì hoãn từ 4-6 năm trước khi đưa ra xét xử. Lý Quang Diệu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một cơ chế khách quan và minh bạch trong việc lựa chọn những con người có khả năng và tận tụy nhất vào ghế chánh án cũng như là trả cho họ đồng lương thích đáng. Trong hồi ký của mình, ông đã mô tả Yong Pang How, chánh án tòa án tối cao từ năm 1990 cho đến đầu năm 2006 đã lãnh đạo những thẩm phán như thế nào, lựa chọn những người tốt nhất trên cơ sở tài năng ưu việt, cải tổ tòa án và trình tự tố tụng, cũng như đưa vào hệ thống vi tính hóa. Ông đã làm giảm bớt số vụ tồn đọng và trì hoãn bằng cách buộc người ta phải tu chỉnh lại những luật pháp và những điều lệ mà các luật sư có thể lợi dụng để trì hoãn hay kéo dài phiên tòa. Ông đã duy trì trật tự trong tòa án, luôn làm việc có hệ thống, công minh và hiểu những mục tiêu của một nhà nước mạnh mẽ trong một xã hội đa chủng tộc.

Vào năm 1999, hệ thống tòa án Singapore đã đạt được uy tín rất cao về tốc độ xử lý, tính hiệu quả, chi phí thấp và việc xét xử công minh. Nhiều quốc gia đã đến đây để học tập điều này và Ngân hàng Thế giới đã nêu lên làm gương. Hệ thống đánh giá Thế giới đã xếp Singapore vào loại cao nhất ở châu Á và trên toàn cầu, còn trên cả Anh và Mỹ, về sự điều hành luật pháp công minh trong xã hội.[124] Sự thành công của Singapore trong lĩnh vực này, vượt qua rất nhiều quốc gia khác, có thể được xem là do những sự khích lệ kết hợp trên quan điểm cây gậy và củ cà rốt. Một chiến lược liên quan đến việc lựa chọn những người giỏi nhất và kêu gọi ý thức phục vụ lý tưởng cao cả và vượt qua tất cả thử thách trong tinh thần đồng đội, đồng thời cũng đem lại cho họ một đồng lương thỏa đáng. Bản thân ông chánh án trước đây cũng đã gầy dựng tài sản của mình với tư cách là chủ của một ngân hàng thương mại thành công. Các luật sư sợ bị kỷ luật nếu như hành sự không đúng theo chức trách của mình và phải tuân thủ thời gian tố tụng một cách nghiêm ngặt để có thể nhanh chóng xử lý các vụ việc.

Việc ứng dụng luật pháp công minh và cương quyết đã hỗ trợ nền kinh tế Singapore trên nhiều phương diện. Nó đem lại sự đảm bảo căn bản cho các nhà đầu tư rằng quyền sở hữu tài sản được bảo vệ và thỏa ước luôn có giá trị thực thi. Nó xây dựng niềm tin vào hệ thống tài chính. Ngoài ra mức độ tội phạm thấp cũng thuyết phục các công ty đa quốc gia (MNC) chọn lựa Singapore làm nơi đặt văn phòng khu vực và là một nơi hấp dẫn để cho nhân viên và thân nhân của họ cư trú. Hiến pháp Singapore và các đạo luật khác cũng đòi hỏi sự tôn trọng và ứng xử công bằng đối với các thành phần chủng tộc thiểu số khác, điều đó cũng đóng góp cho sự hài hòa trong xã hội. Việc tuân thủ chặt chẽ luật lao động cũng giúp cho những mối quan hệ xây dựng được mạnh mẽ giữa giới chủ và công nhân. Nó làm chính quyền vững mạnh và đóng góp vào sự kế tục của chính sách và môi trường theo định chế.

Hình vẽ 4.1A và 4.1B minh họa mối liên hệ giữa luật lệ và những nguyên nhân trực tiếp của tăng trưởng kinh tế theo thống kê: yếu tố tích lũy và thu hoạch về năng suất.

Trong những số liệu trên người ta đánh giá các đạo luật như một tập hợp gồm (i) tính thực thi của hợp đồng; (ii) tính hiệu quả và có thể tiên liệu trước của pháp luật; và (iii) tỷ lệ xảy ra phạm tội. Singapore xếp thứ 3 trong số 71 quốc gia, chỉ sau Thụy Sĩ, Áo và trên cả Mỹ và Canada. Trong cả hai trường hợp này luôn có mối quan hệ tích cực mạnh mẽ phù hợp với những điều người ta mong đợi rằng nơi nào mà luật pháp tỏ ra yếu ớt, thì những yếu tố sản xuất sẽ không được tích lũy và hoạt động kinh tế cũng sẽ phải tổn hại vì thiếu hiệu quả.

Sự liêm chính của nhà cầm quyền

Giờ đây người ta đã xem tham nhũng như là một trở ngại chính đối với phát triển kinh tế và xã hội. Nó làm xói mòn nền tảng những định chế mà sự tăng trưởng dựa vào đó. Không nhất thiết phải nói rằng sự tăng trưởng kinh tế sẽ không thể thực hiện được nếu như có sự hiện diện của tham nhũng: thành phố New York vào thế kỷ XIX, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Trung Hoa trong những thập niên gần đây đã trải qua sự tăng trưởng mạnh mẽ mà không xóa sạch được tham nhũng.[125] Tuy nhiên tham nhũng được định nghĩa như là sử dụng quyền lực công để thu hoạch riêng, về nhiều mặt vẫn gây tổn hại. Nó đòi hỏi người ta phải đánh thuế cao hơn mức độ cần thiết nếu không sẽ tăng thâm hụt ngân sách, khuyến khích nhà nước hoạch định các chính sách theo ý mình, tạo ra nhiều cơ hội để tham nhũng, làm cho qui trình hành chính bị trì hoãn để vòi vĩnh tiền hối lộ hay là còn gọi "tiền làm nhanh" đồng thời làm suy thoái hệ thống tư pháp. Nó khiến người ta tập trung năng lực và tài năng vào việc phân phối những của cải hiện có mà không quan tâm đến việc tạo nên những của cải mới, vốn đòi hỏi sự tin cậy và những cơ hội tiếp cận. Tham nhũng đã làm xói mòn niềm tin của công chúng vào những luật lệ. Nó có thể xem như một loại thuế độc đoán thường với mức độ ngẫu nhiên rất cao tạo nên sự hoang mang và làm cho chi phí thành lập doanh nghiệp mới tăng cao, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ.[126]

Singapore vẫn tự hào là một trong những quốc gia được đánh giá là có mức độ tham nhũng thấp. Một bản báo cáo gần đây của Ủy ban Minh bạch Thế giới (Transparency International – TI) đã xếp Singapore đứng thứ 5 trong số 159 quốc gia, trên cả Hoa Kỳ và sau Aixơlen, Phần Lan và Tân Tây Lan.[127] Không phải lúc nào điều này cũng đúng. Nước Singapore thời thuộc địa đã cho phép người ta chia sẻ những khoản tham nhũng nho nhỏ ví dụ như tiền trà nước để làm nhanh dịch vụ giám sát hải quan, và những khoản chi phí ngoại lệ trong việc mua sắm của chính phủ, mặc dù điều này có lẽ không bám rễ sâu xa như trong một số xã hội khác. Với luật lệ nội địa ra đời năm 1959, nhà nước đã đưa ra chiến lược chống tham nhũng mà trong nhiều thập niên đã trở nên hết sức hiệu quả. Chiến lược này giảm thiểu cả những cơ hội và những động cơ khích lệ cho tham nhũng. Những đặc điểm chính có thể diễn tả như sau: Trước tiên sự liêm chính của nhà cầm quyền bắt đầu từ những người lãnh đạo cao nhất. Những chiến dịch chống tham nhũng tập trung vào những người bị tố cáo ở mức độ cao cấp. Nhà cầm quyền đặt ra những tiêu chuẩn cao cho chính mình, đảm bảo rằng mỗi đồng đô la chi tiêu đều phải có trách nhiệm và phải đạt được mục tiêu đã được dự định. Không có ai, dù là dân sự hay quân sự đứng trên luật pháp. Trong nhiều trường hợp, thủ tướng và nhiều thành viên nội các cũng phải tự bảo vệ mình trước tòa án. Những tờ báo nổi tiếng thế giới đã được tòa án yêu cầu phải rút lại những lời buộc tội hay những lời thêu dệt về tình trạng gia đình trị hay tham nhũng, hoặc phải trả những khỏan phạt bằng tiền cho những người lãnh đạo Singapore.

![][21]

Thứ hai là nhà nước chú trọng đến việc xử lý nhất quán đối với tất cả những người vi phạm, bất kể ở cấp bậc hay ở vị trí nào. Giữ niềm tin vào đạo đức cao trọng đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ. Quan chức chống tham nhũng phải được sự ủng hộ toàn diện từ những người lãnh đạo cao nhất để thực thi pháp luật. Những hành vi cố ý hối lộ công chức sẽ bị luật pháp trừng phạt. Những công chức bị phát hiện phạm tội nhận hối lộ không những bị thi hành án mà còn bị đuổi việc và mất luôn những khoản hưu trí, đồng thời chịu mọi rủi ro là sẽ không được nhận trở lại bất kỳ một đơn vị tư nhân nào. Tất cả những sự ngăn trở này đóng góp vào mức độ minh bạch cao. Những trường hợp xảy ra ở cương vị lãnh đạo cao cấp nghiễm nhiên trở thành tiêu đề cho các bài báo – đã có những bộ trưởng trong nội các bị buộc tội là cố tìm cách gạ gẫm để nhận hối lộ trong các thương vụ mua sắm máy bay hay mở rộng đất đai. Một vị bộ trưởng khi cảm thấy sỉ nhục đã phải tự sát.

Điều thứ ba là để cho công bằng thì việc cấm cản bằng trừng phạt cũng phải song hành với những biện pháp khích lệ hấp dẫn về mặt lương bổng, tương đương với những người giữ cùng vị trí ở trong thành phần kinh tế tư nhân. Điều này được xem là hết sức quan trọng cho tính liêm chính cao độ của các nhà lãnh đạo chính trị và các quan chức cao cấp.[128] Đồng lương cao của những bộ trưởng, công chức, giới quân sự và các cán bộ tư pháp – có lẽ là cao nhất trên thế giới – là một lĩnh vực cũng còn gây tranh cãi ở Singapore. Tuy nhiên nó có lợi không những trong việc thu hút tài năng mà còn ngăn ngừa khuynh hướng sử dụng chức vụ công của mình vào những thu hoạch riêng tư. Như Lý Quang Diệu đã nói: "Chủ trương cao thượng cho rằng các bộ trưởng sẽ được đền bù bằng quyền lực và bằng danh dự trong cương vị của mình và rằng sự phục vụ công chúng luôn bao gồm sự hy sinh về thu nhập là một điều phi thực tế. Các bộ trưởng và các quan chức nhà nước được trả lương thấp đã tàn hoại rất nhiều chính quyền châu Á.[129] Giải pháp thay thế như kết hợp giữa đồng lương chính thức thấp kèm theo những khoản bổng lộc không công khai hay những hợp đồng béo bở sau đó với khu vực kinh tế tư nhân được xem là hạ sách. Việc trả lương thích đáng cho các công chức ở cấp thấp cũng góp phần vào việc ngăn cản tệ tham nhũng vốn dựa vào nhu cầu nhiều hơn là lòng tham. Hệ thống này khuyến khích các chính trị gia phải quan tâm đến công việc chung trước hết rồi sau đó hãy quan tâm đến những lợi ích riêng tư hợp pháp về sau.

Thứ tư, những cơ hội tạo ra tham nhũng phải giảm đến mức tối thiểu. Trong lĩnh vực kinh tế, Singapore dựa vào cơ chế giá cả cạnh tranh trên thị trường và đã tránh được những khoản "đặc quyền" kinh tế thường đi kèm theo chế độ độc quyền béo bở, sự giảm bớt việc cấp giấy phép hay việc cấp phát các giấy phép nhập khẩu như Tổng thống Philippin Marcos và tổng thống Suharto của Indonesia cấp cho người thân và những cộng sự của mình. Trong lĩnh vực dịch vụ công cộng, sự tự tiện cũng giảm bớt bằng cách vạch rõ đường lối được ấn hành rõ ràng, việc tuyển dụng và thăng tiến dựa theo thành tích. Công chức cũng như các viên chức tư nhân ở Singapore thường được xem như những người tuân thủ luật pháp tuyệt đối. Trong lĩnh vực chính trị, Singapore đã tránh những tình hưống thường xảy ra ở những nơi khác, là khi mà các đảng phái chính trị và những người nắm giữ quyền lực phải sử dụng một số tiền rất lớn để ra ứng cử, thì khi còn đương chức họ sẽ mong muốn làm thế nào đó để thu hồi và chuẩn bị cho kỳ bầu cử kế tiếp. Những chiến dịch tranh cử ngắn hạn xoay vòng và việc bầu cử bắt buộc nhằm giảm bớt động cơ cho việc mua phiếu là một trong những phương pháp mà Singapore áp dụng.

Nhà cầm quyền Singapore đã xem sự liêm chính là ưu tiên hàng đầu. Sau khi lên nắm quyền năm 1959, một đạo luật chặt chẽ – thậm chí một số người còn cho rằng hà khắc – để chống tham nhũng đã được thực hiện thay thế cho luật được xây dựng dưới thời thực dân. Đạo luật năm 1960 đã mở rộng định nghĩa về những khoản tiền cho bao gồm bất cứ thứ gì có giá trị và cho phép những nhà điều tra có quyền lực rộng rãi kể cả bắt giữ, thẩm vấn, điều tra tất cả những tài khoản ngân hàng của những kẻ tình nghi và vợ con cũng như là những người đại diện cho họ. Nếu những chứng cớ về một bị cáo là mức sống của họ dư dả hơn những phương tiện mà họ có thể tạo ra được là đã đủ để cấu thành chứng cớ của sự nhận hối lộ. Đạo luật này thậm chí được thắt chặt hơn nữa vào năm 1963, buộc tất cả những người làm chứng khi được triệu tập phải cung cấp tất cả những thông tin mà họ biết.[130]

Như ông Lý Quang Diệu đã giải thích: "Đảng cầm quyền (PAP) đã khẳng định là cần có một nền hành chính trong sạch. Chúng ta đã quá chán ngán vì lòng tham, tình trạng tham nhũng và sự suy thoái của các nhà lãnh đạo châu Á... Những người đã để cho xã hội của mình tụt hậu lại đằng sau". Nhưng đó cũng là những suy nghĩ của người cộng sản, những kẻ đối lập chủ yếu chống lại đảng (PAP). "Quá chán ngán với tình trạng thoái hóa... của những nhà lãnh đạo Trung Hoa Quốc dân đảng sau chiến tranh, đã làm cho nhiều sinh viên Singapore trẻ tuổi trong thời gian ấy trở thành những người ngưỡng mộ sự cống hiến và hy sinh mang phẩm chất đạo đức cách mạng và đời sống khắc khổ của những người cộng sản". Thế nên ý thức sâu sắc của Đảng (PAP) về sứ mệnh khiến khi đến tuyên thệ nhậm chức vào tháng 6-1999, họ đã mặc trang phục toàn trắng "để biểu tượng cho sự tinh khiết và trung thực mà họ đại diện... Đó là những gì mà nhân dân đang kỳ vọng".[131] Những nguyên tắc đạo đức cao cả, một chính quyền có năng lực và những tính toán chính trị, tất cả đều trùng hợp với nhau".

Xã hội hài hòa dẫn đến sự ổn định chính trị

Singapore nhắm đến một xã hội hài hòa bằng việc tìm kiếm những giải pháp hợp tác khi mà những chọn lựa của nhân dân có thể khác nhau. Hồi ức về những cuộc bạo lọan sắc tộc đã hướng đất nước non trẻ này đi theo con đường xây dựng một xã hội đa chủng tộc, đa dân tộc, đa tôn giáo cùng sống chung với nhau. Có một sự nhạy cảm rất cao đối với bất kỳ điều gì có thể khơi gợi lên sự căng thẳng về chủng tộc và tôn giáo. Gần đây nhà cầm quyền tỏ ra lo lắng về hiểm họa tiềm tàng phản ứng chống lại người Hồi giáo một khi cuộc tấn công khủng bố được tiến hành bởi các nhóm bên ngoài, ví dụ như nhóm Jemaah Islamiyah. Nghĩa vụ quốc gia là một qui ước phải được mọi người thông qua: một lối sống giúp tạo nên sự đoàn kết trong số các nhóm khác nhau. Sự xung đột lao động có thể tránh khỏi thông qua việc kết hợp các chính sách. Một yếu tố quan trọng cải thiện những cơ hội kinh tế cũng sẽ làm giảm thiểu sự đối đầu trong xã hội và giải phóng năng lực để người ta có thì giờ mưu cầu kinh tế. Khi những sinh viên gốc Malay học các môn khoa học và toán học không tốt bằng các nhóm khác, nhà cầm quyền đã khuyến khích những người lãnh đạo cộng đồng giúp đỡ cha mẹ các em động viên con em của mình học hành tốt hơn, và điều này đã có kết quả. Tỷ lệ lạm phát thấp và sự tăng trưởng nhanh chóng đóng góp vào việc ổn định chính trị xã hội, yếu tố quan trọng hàng đầu cho việc khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực tư bản cố định hay đào tạo nguồn nhân lực và cũng nhằm để nâng cao năng suất và những việc này sẽ hấp dẫn những nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực mới.

Đến đây kết thúc phần thảo luận của chúng ta về định chế. Xây dựng định chế đưa đến tăng trưởng kinh tế là một thử thách lớn lao mà nhiều nhà cầm quyền đang phải đối diện. Ở Singapore, một nền quản lý hành chính công hữu hiệu, tinh thần thượng tôn pháp luật, một chính quyền liêm chính cao độ, sự hài hòa xã hội đưa đến ổn định chính trị đã là nền tảng cho những chính sách hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Những luật lệ, quy tắc chính thức và không chính thức đã quyết định cơ hội và những khích lệ cho các cá nhân và công ty. Nhiều xã hội đã lãng phí nguồn tài nguyên phong phú để chỉ cố đấu tranh chiếm hữu những thành quả có sẵn hay những hoạt động vô tích sự ở Singapore, định chế đã hướng dẫn nhân dân nỗ lực tích lũy nguồn vốn vật chất và nhân lực của mình, nâng cao năng suất đều vào, tiếp thu và truyền bá những công nghệ mới, dịch chuyển nguồn vốn và lao động đến những lĩnh vực có năng suất cao hơn.

NHỮNG ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA HỖ TRỢ CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Chúng ta đã nhận ra những thành tựu tăng trưởng kinh tế xuất sắc của Singapore được cho là do năm nguyên nhân trực tiếp đem lại. Rồi chúng ta cũng đã phân tích cách thức mà những chính sách kinh tế đã ảnh hưởng đến năm nguồn lực của sự tăng trưởng này. Sau đó chúng ta xem xét làm thế nào những định chế này tạo điều kiện để các chính sách có thể thực thi được – và tác động trực tiếp đến năm nguồn lực này.

Trong phần này chúng ta sẽ xem xét đến yếu tố văn hóa – những giá trị đối với nhân dân, thái độ và niềm tin. Nói một cách cụ thể, làm thế nào những đặc điểm văn hóa của Singapore ảnh hưởng đến những chính sách và định chế hỗ trợ sự tăng trưởng, và về phương diện này, giúp hình thành những nguồn động viên cũng như những cơ hội mở đường cho phát triển kinh tế? Ngoài ra những phẩm chất văn hóa như sự cần mẫn, khát vọng vươn đến sự tuyệt hảo, sự cởi mở đối với những ý tưởng mới, lòng tin cậy, và năng lực hợp tác có lẽ cũng có những tác động trực tiếp đến những nguồn lực. Tuy nhiên, trong trường hợp không có những chính sách và những định chế hỗ trợ sự tăng trưởng này, những đặc trưng văn hóa có lẽ cũng sẽ không đem lại kết quả.[132]

"Văn hóa" hay "nếp tư duy của toàn dân" thì không được thường xuyên đề cập trong các tác phẩm nói về sự phát triển kinh tế. Ngược lại, vai trò của "định chế" đã trở thành nguồn mạch chính suốt 20 năm qua. Định chế không phải là một khám phá mới. Gunnar Myrdal, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1974, nhấn mạnh rằng định chế là một nhân tố quyết định quan trọng cho sự phát triển thành công trong tác phẩm "Tấn kịch châu Á" nổi tiếng của ông (1968). Myrdal còn đi xa hơn nữa, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thái độ con người và giá trị mà họ công nhận khi hỗ trợ và tương tác với những định chế ấy. Ông ghi nhận thái độ thường thấy ở trong các xã hội truyền thống, chủ yếu nông thôn, đã kềm hãm tăng trưởng kinh tế. Thẳng thắn và sâu sắc, Myrdal đã cho rằng lý do mà những nhà kinh tế thường ngại ngần khi thảo luận về vấn đề thái độ vì họ mong muốn chỉnh đốn chính trị. Những nhà trí thức ở các quốc gia mới độc lập, theo nhận xét của ông thì rất nhạy cảm với việc cường điệu hóa những vấn đề chủng tộc và những suy nghĩ theo lối mòn, nhắc ta hồi tưởng đến thời kỳ trước khi dành độc lập, vào lúc mà những thế lực thực dân vẫn còn nhằm vào thái độ chống lại hiện đại hóa trong dân chúng địa phương để biện minh cho việc tiếp tục duy trì tình trạng lạc hậu.[133]

Sự ngần ngại trong thảo luận các vấn đề về văn hóa còn có một lí do khác nữa. Các nhà kinh tế thích những lĩnh vực có thể dễ dàng định lượng. Ngoài ra, khó mà quan sát văn hóa bằng một thái độ không định kiến: biết rằng nền kinh tế đang phát triển thành công, từ trong tiềm thức, chúng ta vẫn nhìn nhận những đặc trưng văn hóa một cách cẩn thận.[134] Tương tự như vậy, nói về phương diện nhân quả thì cũng mơ hồ bởi lẽ sự tăng trưởng kinh tế sẽ giúp người ta lựa chọn nền văn hóa cho xã hội. Sau cùng bản thân sự tăng trưởng kinh tế và những giá trị tiềm tàng chủ yếu của nó, có thể khiến chúng ta cảm thấy phân vân vì sự mâu thuẫn này. John Maynard Keynes, một trong những nhà kinh tế mà người ta cho rằng giỏi nhất của thế kỷ vừa qua, đã quan niệm rằng những đặc trưng văn hóa nâng cao tăng trưởng kinh tế – tình yêu dành cho tiền bạc, sự tôn vinh cần lao, và mối quan tâm cải thiện mọi chuyện của tương lai hơn là sống trong hiện tại – thật đáng chán. Rất tiếc, theo cách nói của ông: "Cho đến khi người ta đạt được những mục tiêu tăng trưởng kinh tế... thói bần tiện và sự cẩn trọng luôn luôn là những vị thần đối với chúng ta, trong một thời gian nào đấy.[135]

Người ta đã thảo luận về những giá trị nổi bật trong suốt những năm cuối thập niên 1980 và 1990, cuộc tìm kiếm những lời giải thích cho một nền kinh tế "phép mầu Đông Á" tăng trưởng nhanh chóng đã làm chúng ta phải quan tâm đến những tính chất văn hóa của nó. Đạo đức trong lao động và tính cần kiệm thì phổ biến đối với Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, Hồng Kông và Singapore. Những phẩm chất này tượng trưng cho những giá trị mà người ta đã tôn thờ từ thời Khổng Tử cách đây 2500 năm. Những kết quả đầy ấn tượng của nền kinh tế Đông Á này đã đem lại niềm tự hào có thể hiểu được đối với nhiều người châu Á, những người mà chủ nghĩa thực dân đã đóng khung suy nghĩ của họ về xã hội là có giá trị nội tại thấp kém. Ở Singapore, chủ nghĩa cá nhân và sự tự do chính trị vẫn được nhìn nhận như những con đường tiếp cận với văn hóa Tây phương và những giá trị của nó. Tiếp theo đó là cuộc tranh cãi về "giá trị châu Á" mà bản thân nó cũng đem lại những khoảng thời gian khó chịu vì thường đưa đến những cuộc tranh luận cực đoan chống lại phương Tây khi họ tự hào về tính ưu việt của những đặc trưng trong định chế xã hội và chính trị của họ, bất kể đến việc là đôi khi trong những hoàn cảnh rất khác, với những hoàn cảnh mà xã hội châu Á đang sống. Nhiều người châu Á, đi tìm ý thức về bản ngã, rất ghét thái độ đánh đồng quan điểm về tính hiện đại, mà họ đang tôn sùng, với việc Tây phương hóa. Kishore Mahbubani, đại sứ trước đây của Singapore tại Liên Hiệp Quốc, đã diễn đạt hùng hồn về vấn đề này, mà chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn ở chương 6.[136]

Đối với những người mô tả các ý niệm bao hàm trong từ giá trị, một số người cảm thấy không yên tâm khi phổ quát hóa cụm từ "Á châu", là những giá trị thường được liên tưởng đến một vùng của lục địa này và trong chừng mực nào đó cũng là giá trị nổi bật ở nước Anh, thế kỷ thứ 19, dưới triều đại Victoria.[137]

Sự khôi hài là những giá trị châu Á trong suốt thời kỳ thuộc địa đó đã được khêu gợi lên để giải thích không phải cho sự thành công mà sự thiếu phát triển của vùng Đông Nam Á. Những giá trị châu Á thường được đề cập đến như một thái độ sống xa rời thực tế và nghiêng về tâm linh, rũ bỏ những khát vọng về tiến bộ vật chất. Jawaharlal Nehru, người trở thành thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đã phản đối đường lối mà người ta gọi là sự tôn vinh nghèo đói.[138] Nhiều người có lẽ cũng đồng ý rằng hệ thống chính trị xã hội thành công và sự phát triển tương lai của nó đã pha trộn những yếu tố của cả truyền thống Đông và Tây Phương.

Tuy vậy những giá trị văn hóa xuất sắc, những thái độ, và những niềm tin làm cho Singapore khác với tất cả, nhất là những xã hội kém thành công về mặt kinh tế. Đây chắc chắn là quan điểm của chính quyền. Rất nhiều chiến dịch của nhà cầm quyền trong suốt những năm qua là tìm cách tác động trực tiếp đến thái độ và cách ứng xử của nhân dân. Người Singapore đã được giáo dục là phải từ bỏ những thói quen cũ như khạc nhổ (có thể gây ra bệnh ho lao) để chăm sóc những tài sản công và những cây mới trồng ở nơi công cộng, chấm dứt việc ném bừa bãi (bao gồm việc nhai và ném chewingum trên vỉa hè), giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, và tỏ ra lịch sự với du khách cũng như với nhau.[139] Một cách căn cơ hơn nữa, nhà nước liên tục điều chỉnh và đẩy mạnh các giá trị, xem chúng như là yếu tố không thể thiếu trong việc thực thi những chính sách và xây dựng định chế cho đất nước. Ví dụ thì rất nhiều. Để xây dựng quân đội quốc gia, chính quyền đã quyết định phải thay đổi ác cảm lâu đời của người Singapore gốc Trung Hoa đối với việc đi lính vì họ xem đây là công việc hạ cấp. Để đảm bảo sự cạnh tranh trên trường quốc tế, chính quyền đã không ngừng nhắc nhở người lao động rằng đồng lương phải phù hợp với công việc thực hiện, chứ không phải căn cứ theo tuổi tác hay thâm niên. Những giá trị đã tạo nên ý thức hệ của nhà cầm quyền Đảng PAP và hệ thống những tín điều ẩn chứa trong những định chế và chính sách. Điều này đóng góp cho việc "tạo nên thương hiệu" Singapore trên thế giới, đồng thời tạo nên tình đoàn kết quốc gia ngay tại quê nhà. Những thay đổi căn bản về xã hội và văn hóa cũng đã giúp Singapore thực hiện những thành công như hiện nay.

Nhà cầm quyền ở các xã hội khác thì ít có khuynh hướng đóng vai trò tương tự. Nhân dân của họ sẽ xem việc này mang tính chất gia trưởng. Báo chí phương Tây thường chế diễu các nhà cầm quyền Singapore bởi kiểu quản trị theo kiểu "PAP cái gì cũng biết" và tạo ra một "xã hội nhà trẻ". Ở những nơi khác thì nhà thờ, trường học và những định chế tương đương hoàn thành vai trò này. Nhưng nhà cầm quyền Singapore muốn giáo dục nhân dân phải đóng góp khả năng cao nhất, phải đạt được tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về an toàn công cộng và cá nhân, về chăm sóc sức khỏe, về giao thông vận tải, và gặt hái được danh hiệu là "Một quốc gia thịnh vượng của cả Đông Nam Á". Điều này một phần sẽ khiến các du khách bỏ ra nhiều tiền hơn và tăng cường sức hấp dẫn của thành phố – quốc gia này thành một trung tâm để các công ty đa quốc gia đặt văn phòng khu vực, và không kém phần quan trọng là làm cho cuộc sống cảm thấy dễ chịu hơn đối với mọi người, nâng cao lòng tự hào tập thể và tính tự trọng Theo ngôn ngữ của Lý Quang Diệu: "Chúng ta muốn trở thành một xã hội văn minh, và có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể được (tác giả nhấn mạnh)".[140] Xã hội Tây phương đã cho rằng thói quen xấu sẽ mất dần theo thời gian và có lẽ trong thời kỳ tương đối dài – Nhưng Singapore thì vội vã cho kịp thời gian. Họ muốn theo kịp một cách nhanh chóng và để đạt mục tiêu này, tổ chức xã hội của họ hoàn toàn khác với phương Tây.

Đâu là vai trò của thái độ và giá trị? Ở Singapore nếp tư duy người dân và nền văn hóa hỗ trợ cho những định chế tăng trưởng như thế nào? Có chăng một tập hợp các niềm tin hướng dẫn hành động và chứng minh nó? Nếu không tán thành khái niệm giá trị châu Á, ta phải nêu lên bốn chủ điểm nổi bật vì nó là những nét đặc trưng của Singapore suốt 40 năm qua. Vấn đề then chốt là phải chăng đây là những giá trị nội tại ở xã hội Singapore hay đã được nhà cầm quyền PAP khắc sâu trong lòng dân. Có lẽ đây là một trong những chủ trương mà nhà nước ra sức ủng hộ vì nó là một phần trong chính sách "xã hội hóa". Nhưng cũng phải có sự tiếp nhận từ phía quần chúng và hội đủ sự đồng thuận của mọi người với những giá trị này để có thể hỗ trợ những chính sách và định chế khác.

Một tầm nhìn dài hạn, hướng tới tương lai.

Xã hội Singapore thì luôn hướng tầm nhìn dài hạn về tương lai. Một khuynh hướng nổi bật là tiết kiệm – ngay cả khi người ta đã nghe giải thích về ngành nhân khẩu học đang phát triển hay về thu nhập ngày một tăng cao – cũng bao hàm ý nghĩa người dân sẵn sàng chấp nhận trì hoãn sự hưởng thụ về sau. Người dân Singapore cổ vũ những nhà lãnh đạo của mình làm việc cần mẫn, hy sinh hiện tại để hưởng thụ tương lai, và đem lại một ngày mai tốt đẹp hơn cho thế hệ sau. Người ta ca ngợi những xí nghiệp năng động và luôn luôn sẵn sàng nắm bắt những cơ hội mới trong một thế giới đang thay đổi hằng ngày. Cái nhìn hướng tới tương lai này tập trung vào việc tạo ra của cải cho tập thể theo thời gian, nhưng không phải phân chia ngay cái bánh đang có sẵn. Ngược lại, những xã hội chỉ biết xây dựng nhanh chóng các chương trình phúc lợi mà không có ngân sách thì chỉ có một tầm nhìn hết sức ngắn ngủi và sẽ sống nhiều cho hiện tại. Cuối cùng thì điều này sẽ dẫn đến tình trạng bất lực trong việc thực hiện chính sách cộng đồng, mà người ta hay lý luận bằng những giả thuyết lạc quan phi thực tế về những điều kiện sống trong tương lai. Những giả thuyết kinh tế vĩ mô dài hạn của Singapore thì bảo thủ một cách cố ý.

Những xã hội khác cũng thấy khó mà tập trung toàn tâm toàn ý cho tương lai. Họ có thể có một cái nhìn lâu dài – nhưng là nhìn lại phía sau. Rất nhiều nhóm người ở trong các quốc gia cảm thấy cực kỳ khó khăn khi phải vượt qua những nỗi đau khổ trong quá khứ về chủng tộc, về xã hội, về tôn giáo; họ không thể nào quên được những bất công thuở ban đầu. Những cuộc chiến tranh triền miên giữa các thế hệ, giữa Tamils và người Sinha ở Sri lanka; việc chia cắt vùng Kasmir, bắt nguồn sâu xa từ mối hiềm khích lâu đời giữa người Ấn giáo và người Hồi giáo, giữa người Pakistan và người Ấn Độ; Việc chung sống khó khăn giữa con cháu của những người Incas bị chinh phục, để rồi đất nước bị khai thác cạn kiệt quặng mỏ và bị loại ra khỏi đời sống chính trị quốc gia với những người Tây Ban Nha, kẻ chinh phục Bolivia, một cuộc chung sống chất chứa trong lòng đầy những bất ổn. Ngay cả ở Tây Âu, những tàn dư của tình trạng bất công vẫn còn dai dẳng trong những giai cấp xã hội của thế kỷ 19, làm cho xã hội khó hàn gắn để có một cái nhìn xây dựng hướng về tương lai. Những nỗi đau lịch sử đã làm cạn kiệt nguồn năng lượng tập thể trong nhiều quốc gia, đã được chính quyền Singapore nhận ra và thấy cần phải hướng nguồn năng lượng ấy cho sự phát triển hướng tới tương lai, cương quyết xây dựng sự hài hòa tôn giáo, chủng tộc và chấp nhận một đất nước đa văn hóa và để "cùng nhau lãng quên "những nỗi muộn phiền trước đây từng hiện diện.

Sự cởi mở trước những ý tưởng mới và lòng háo hức muốn học hỏi cũng là nhắm đến tương lai. David Landes đã mô tả những người châu Âu đã hết sức mong muốn học hỏi những điều tốt nhất mà các quốc gia khác có thể đem đến cho họ như thế nào, mà theo quan điểm của ông đây là yếu tố then chốt làm cho châu Âu thăng tiến. Họ sẵn sàng chấp nhận những phát minh như giấy, thuốc súng và những phát minh khác của người Trung Hoa. Và đến lượt nước Nhật vào giữa thế kỷ 19, cũng đã hết sức hào hứng học hỏi những ý tưởng và công nghệ từ Tây Âu, cả những đạo luật và định chế.[141] Ngược lại, thế giới Hồi giáo nhìn một cách tổng quát đã tỏ ra ít cởi mở trong những thập niên gần đây. Những nhà lãnh đạo của Singapore đã hăng hái học tập từ những quốc gia khác, để rồi áp dụng những điều phát hiện được vào hoàn cảnh đất nước mình.[142]

Những cái nhìn tích cực và lâu dài hướng về tương lai với lời hứa cải thiện cuộc sống đã đem lại sự đoàn kết quốc gia và ổn định chính trị ở Singapore. Họ khích lệ tiết kiệm cao ở các thành phần kinh tế công cũng như tư và cởi mở đón nhận những công nghệ mới cũng như những qui trình hiệu quả hơn. Nêu cao lợi ích xây dựng tài sản cộng đồng – theo thời gian – đã giúp cho Singapore trấn áp được tình trạng tham nhũng và dẹp bỏ tất cả những hành động không mang lại hiệu quả chỉ nhằm vào trò chơi không kết quả của việc phân phối ngắn hạn. Quan điểm lâu dài và hướng về tương lai của người dân đã đem lại một mảnh đất màu mỡ cho những chính sách có tầm nhìn xa.

Thiết lập những giải pháp hiệu quả thông qua sự đồng thuận.

Sự tin cậy là yếu tố then chốt cho nhiều thương vụ tạo nên một nền kinh tế hiện đại. Những xã hội với một mức "Vốn xã hội" cao, có nghĩa là, đoàn kết nội bộ và sẵn lòng hỗ trợ lẫn nhau, thường có khuynh hướng nhận được mức đầu tư cao hơn.[143] Chú trọng giải quyết các vấn đề thông qua sự đồng thuận hơn là những cuộc tranh cãi là một đặc điểm của Singapore. Sự hài hòa về mặt chủng tộc và tôn giáo được nhìn nhận như là yếu tố then chốt cho sự bình ổn và là một yếu tố có ý nghĩa quyết định cho tinh thần chung của Singapore. Tình trạng đa văn hóa cũng đã nhìn nhận rằng các chủng tộc khác nhau đã chọn Singapore làm quê hương của mình và sự hòa điệu chung của tất cả mang một phong thái tinh tế và trang nhã. Hiến pháp Singapore qui định rõ bốn ngôn ngữ chính thức. Malay, ngôn ngữ của thiểu số, trở thành ngôn ngữ quốc gia. Tiếng Anh, ngôn ngữ chủ yếu dùng trong nhà trường và làm việc, đã đem lại lợi điểm rất lớn cho Singapore bởi vì nó đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu trong các nền kinh tế thế giới[144]. Tạo nên một bầu không khí tin tưởng lẫn nhau là hết sức quan trọng trong việc thuyết phục các công ty đa quốc gia (MNC) đến đặt văn phòng và ở lại Singapore, đảm bảo mối quan hệ xây dựng giữa người lao động và tư bản, và trong quan hệ quốc tế của Singapore. Chúng ta sẽ xem xét tất cả ba lĩnh vực.

Trong một bài nghiên cứu lịch sử chi tiết toàn diện về Singapore, Carl Trocki (năm 2005) đã ghi nhận cách thức mà đảng PAP, gạt ra ngoài ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và gia nhập liên minh "chiến lược với giới tư bản toàn cầu". Thật vậy, Singapore đã chào đón các công ty đa quốc gia ngay từ buổi đầu, không để ý thức hệ cản đường cho những suy luận duy lý của họ. Cùng thời điểm đó, thì trường phái tư duy lệ thuộc chủ nghĩa thực dân kiểu mới đã đưa nhiều quốc gia đang phát triển đến chỗ từ chối các công ty đa quốc gia. Nhưng Đảng PAP cảm thấy rằng để có thể duy trì quyền lực, họ phải tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp. Việc dựa vào các công ty đa quốc gia đã cho phép nhà cầm quyền của Đảng PAP "nhảy vọt" vượt lên trên các quốc gia láng giềng để đạt được nền kinh tế toàn cầu và tránh được đối đầu với các nhà doanh nghiệp được đào tạo ở Trung Quốc bản địa, những người không hề có cảm tình với chương trình nghị sự của đảng PAP.

Chính quyền đã tạo ra môi trường hỗ trợ cho kinh doanh và hướng về kinh tế thị trường. Bất cứ điều gì mà các công ty đa quốc gia đòi hỏi hợp lý, Singapore đều đáp ứng. Điều này bao gồm một lực lượng lao động hiền hòa và kỷ luật, sẵn lòng làm việc với mức lương khởi điểm thấp và sẵn sàng rèn luyện kỹ năng sau. Singapore đã có rất ít hay hầu như không có những giới hạn trong việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, cho phép các công ty 100% vốn nước ngoài, và hoàn toàn không đòi hỏi mức vốn tối thiểu từ địa phương. Việc miễn thuế cũng rộng rãi và thuế lợi tức theo thời gian được hạ rất thấp. Các công ty được quyền thuê mướn đất đai theo giá bao cấp và hưởng lợi từ những điều khoản được cung cấp các cơ sở hạ tầng có chất lượng, bao gồm việc vận chuyển bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không cũng như viễn thông hết sức tốt đẹp. Họ có thể yên tâm tin rằng những luật lệ không thể thay đổi một cách độc đoán theo hướng bất lợi cho họ. Singapore đã đem lại sự bình ổn về tài chính, kinh tế, chính trị và đồng tiền vững bền, cùng với sự liên tục theo đuổi chính sách của mình. An ninh cá nhân luôn luôn được đảm bảo và bầu không khí thân thiện khắp nơi. Chính quyền có năng lực và trung thực. Ngân sách quốc phòng mạnh mẽ và sự hiểu biết vai trò địa chính trị với người Mỹ lại càng làm cho các nhà đầu tư yên tâm hơn.

Nhưng nhà nước cũng đảm bảo rằng điều gì tốt cho các công ty đa quốc gia thì cũng có lợi cho người Singapore. Các công ty đa quốc gia đã đem lại việc tiếp cận thị trường hết sức đáng quí, nguồn vốn và kinh nghiệm làm việc. Những chính sách công nghiệp được tài trợ thì có chọn lọc. Những ngành công nghiệp mục tiêu được xem là kỳ vọng phải đạt được một số tiêu chuẩn tối thiểu, thoạt tiên là sử dụng nhân công và thứ hai là tiềm năng phát triển, sau đó mới đến các nội dung kỹ thuật và giá trị gia tăng, rồi tiếp theo đó sự sẵn sàng đem nghiên cứu và đầu tư (R&D) vào Singapore. Các công ty đa quốc gia có thể xuất khẩu hiệu quả từ Singapore ở những lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng và về mặt chiến lược đòi hỏi phải đem những công nghệ có chất lượng cao vào. Họ phải hợp tác một cách tích cực trong việc đào tạo các tay nghề địa phương trở thành những kỹ sư và những công nhân lành nghề, đủ sức cạnh tranh toàn cầu với những nơi tốt nhất. Các công ty đa quốc gia cũng cho phép Singapore tiếp cận với những nền kỹ thuật tốt nhất tạo nên những tài sản có giá trị được nhập khẩu cùng những tay nghề cao từ nước ngoài. Nguồn vốn nhân lực, vốn thực tế và tri thức tương tác hỗ trợ lẫn nhau. Đây là một cách làm hiệu quả cho Singapore trong việc tiếp thu tri thức. Các quốc gia có một thị trường được bảo hộ sẽ bỏ lỡ mất các cơ hội học hỏi quí giá này.[145] Các công ty đa quốc gia cũng được hy vọng sẽ không can dự vào môi trường chính trị địa phương, một yêu cầu mà sau này người ta đã tổng quát hóa gọi là "Những tài năng nước ngoài" được mời đến Singapore chỉ vì năng lực chuyên môn của họ mà thôi.

Sự tin tưởng còn vượt xa hơn cả việc họ được đảm bảo tiếp cận với hệ thống tư pháp đáng tin cậy và hết sức chặt chẽ. Lý Quang Diệu đã nhớ lại vào khoảng giữa tháng 10 năm 1973, khi dầu hỏa đang bị cấm vận, nhà cầm quyền Singapore đã quyết định cho phép hãng Shell, hãng BP, Esso và một số hãng khác xuất khẩu sản phẩm dầu hỏa của họ đang được chứa ở các kho trên Singapore cho bất kỳ khách hàng nào mà họ muốn bất cứ nơi nào trên thế giới. Bằng việc đặt mối quan hệ dài lâu lên trên những mối quan hệ ngắn hạn nhất thời và không đòi hỏi rằng Singapore phải được cho phép ưu tiên nhận hàng trước những khách hàng khác, đã tạo nên thiện chí, sau này góp phần nhiều vào những quyết định của các công ty đa quốc gia mở rộng hoạt động trong lĩnh vực hóa dầu của họ ở Singapore.[146] Sự cộng sinh và hợp tác chứ không phải lệ thuộc là nét đặc trưng trong quan hệ. Trong suốt những năm khó khăn từ 2001 đến 2003, nhà cầm quyền đã giảm chi phí cho doanh nghiệp, chú trọng đến chế độ tiền công linh hoạt, đồng thời cũng hạ thấp thuế lợi tức.

Quan hệ lao động là lĩnh vực thứ hai trong việc xây dựng niềm tin và sự đồng thuận. Chính quyền đã cam kết sâu sắc thực hiện tầm nhìn chiến lược để tạo nên nền tảng cho quan hệ lao động. Nói theo ngôn ngữ của ông Lý Quang Diệu: "Điều then chốt dẫn đến sự bình ổn và hài hòa trong xã hội chính là ý thức công bình... Mà mọi người sẽ góp phần của mình để cùng chia nhau thành quả của sự tiến bộ này".[147] Điều này đòi hỏi những cơ hội và tưởng thưởng cho các cá nhân và gia đình khi họ làm việc chăm chỉ hơn, tiết kiệm nhiều hơn, và học tập tốt hơn. Nhưng để có thể duy trì sức mạnh cạnh tranh quốc tế trong việc xuất khẩu những sản phẩm gia công, các nhà đầu tư nước ngoài cần một sự bình ổn trong nhà máy: giảm thiểu các cuộc đình công và cần có một khung pháp lý cho tập thể những công nhân lớn tuổi thương thảo. Để đáp ứng những yêu cầu này, nhà cầm quyền đã hạn chế các công đoàn độc lập và khuyến khích một bầu không khí hợp tác mà ở đó những người lao động được tưởng thưởng khi tăng năng suất. Trong các nhà máy, chiến lược này vạch ra sự hợp tác và tính liên minh để thay thế cho sự đối đầu và tình trạng căng thẳng thông qua những đạo luật có hiệu lực từ cuối những năm 1960. Là đối tác, những người lao động đã được bảo vệ, không bị giới chủ lạm dụng quyền lực, bằng những thủ tục trọng tài mà qua đó công đoàn có thể bảo vệ quyền lợi những thành viên của mình, và những luật lệ cho phép tưởng thưởng những công nhân cam kết tăng năng suất. Về phần mình, giới chủ cũng được phục hồi những đặc quyền lãnh đạo, cho phép họ quyết định việc tuyển dụng, thăng bậc, giảm bớt nhân công, và có bộ máy tổ chức công việc ngoài khuôn khổ của những cuộc tranh luận tập thể. Sự dàn xếp hai bên cùng có lợi này đã đưa đến việc đầu tư cao hơn, và kết quả đem lại nhiều hơn làm cho nhu cầu lao động tăng vọt.

Sự lựa chọn hợp tác và hòa giải hơn là xung đột đã làm cho mối quan hệ quốc tế của Singapore trở nên tốt đẹp. Mặc dù khẳng định quyền quyết định tương lai của mình, họ vẫn thỏa thuận những điều khoản tốt nhất có thể được, về thời gian và cách thức mà người Anh rút quân ra khỏi đất nước Singapore, cuối cùng đã thực hiện vào năm 1971, đồng thời họ cũng hỗ trợ người Anh trong cuộc khủng hoảng đồng Bảng vào cuối thập niên 1960 bằng việc giữ lại nguồn dự trữ ngoại tệ bằng đồng tiền này, và do đó cả hai bên cùng có lợi. Trong khi tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình vào những năm sau khi dành được độc lập, Singapore vẫn ủng hộ sự nương tựa lẫn nhau rộng rãi hơn về kinh tế trong khu vực. Họ là thành viên sáng lập của khối ASEAN và tiếp tục duy trì tổ chức này như hòn đá tảng trong chính sách ngoại giao của mình. Trong những năm gần đây, Singapore đã giúp xây dựng một chân dung khối Đông Nam Á rộng lớn hơn, trong mối tương quan trước sự trỗi dậy của Ấn Độ và Trung Hoa. Singapore mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả những cường quốc quan trọng; đồng thời cho phép họ đều được góp phần vào sự tiến bộ và sự vững mạnh của chính Singapore. Họ làm trung gian cho những mâu thuẫn giữa Trung Hoa và Nhật Bản, và với cả hai về vấn đề Đài Loan. Rất xuất sắc, nhà cầm quyền không ngừng nhấn mạnh quan điểm về toàn cầu hóa, đặt trọng tâm vào những lĩnh vực và những cơ hội có thể tìm thấy được. Họ làm điều này mặc dù vấp phải sự cạnh tranh căng thẳng từ các quốc gia láng giềng nơi có chi phí thấp hơn và những các nền kinh tế đối thủ, một số nước có tiềm lực tài chính rất lớn, những nước có cùng một chiến lược tăng trưởng kinh tế tương tự, hoặc dựa vào ngành du lịch hay những lĩnh vực kinh tế tri thức và đổi mới công nghệ. Sự cạnh tranh, mặc dù không hẳn được hoan nghênh, vẫn được Singapore ca ngợi như một trò chơi có đáp số dương.

Tính tự chủ và tình đoàn kết trong một gia đình nhỏ bé

Sau Đệ nhị thế chiến, các quốc gia công nghiệp đã phát triển một hệ thống an sinh xã hội hết sức chu đáo, cung cấp chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, bảo hiểm thất nghiệp một cách rộng rãi, và tiền hưu trí cho những người già. Những khoản thu nhập này thỏa mãn khái niệm rộng rãi về sự bình đẳng, đồng thời đóng góp vào ổn định xã hội nhưng với một cái giá phải trả. Việc trợ cấp qua nhiều thế hệ đã để lại những khoản nợ trong tương lai không còn tiền chi trả. Tương tự như vậy, những động cơ lệch lạc đã khiến cá nhân ỷ lại nhiều hơn vào nhà nước, làm tăng gánh nặng ngân sách, và làm hạ thấp mức độ tăng trưởng kinh tế. Chỉ còn một vài quốc gia, phần lớn ở Bắc Âu, có vẻ thành công khi kết hợp tình đoàn kết xã hội được chính quyền bảo trợ rộng rãi với tính cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ.

Ở Singapore, chính quyền đã thực hiện trợ cấp xã hội chỉ ở mức hạn chế cho những người già, người thất nghiệp, những người nghèo và những người đau ốm. Họ nhấn mạnh tinh thần tự chủ thông qua tiết kiệm cá nhân và việc mua bảo hiểm. Khi những khoản này không đủ chi trả, thì mối dây liên đới trong gia đình trở thành quan trọng, và nhà nước chỉ là một điểm tựa cuối cùng. Quỹ CPF và hệ thống thuế lợi tức đã định chế hóa những điều khoản này. Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và với những thân nhân trực tiếp thì mạnh mẽ. Trong thực tế, những phẩm chất đạo đức đã được ràng buộc bằng những qui định pháp luật khi mà con cái phải có nghĩa vụ tài chính.[148]

Tính tự chủ về tài chính trong những gia đình nhỏ ở Singapore cũng tương phản với những gia đình đông người theo truyền thống mà người ta có thể tìm thấy ở những quốc gia như Philippin. Trong một gia đình lớn, việc chia sẻ là cần thiết để tồn tại trong những xã hội mà người ta thường tụ tập để săn bắn. Tuy vậy khi những người thân xa xôi kia cảm thấy có quyền chia sẻ thành quả từ những cá nhân phải làm việc chuyên cần, đổi mới công việc và tiến bộ về mặt tài chính, thì tình đoàn kết ấy sẽ làm giảm bớt sự hưng phấn trong công việc và đổi mới.

Ở Singapore, trong những gia đình nhỏ bé đó, mặc dù là trung tâm của sự đoàn kết, vẫn là nơi mà người ta có quyền sở hữu tài sản tư nhân. Nhà cầm quyền PAP đã đáp ứng lại ý thức sâu sắc về sở hữu cá nhân, căn bản coi đây là một giá trị tư sản. Nhà cầm quyền cảm thấy rằng người Singapore phải bảo vệ căn nhà của mình, và tài sản mà họ sở hữu được cùng những khoản tiết kiệm cá nhân phải làm tăng thêm sự tự trọng cũng như ý thức trách nhiệm của họ.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chính quyền đã đề cao giá trị của sự tự lập, của sự liên đới trong gia đình, và việc sở hữu tư nhân một cách tích cực nhằm hỗ trợ cho những chính sách kinh tế. Người ta vẫn nhìn thấy mối dây liên hệ, ràng buộc trong gia đình nhỏ bé đó vẫn tiếp tục mạnh mẽ, bền chặt cho dù lối sống đang thay đổi mà người ta ngày càng tập trung nhiều hơn đến những gia đình, thậm chí nhỏ bé hơn nữa. Tuy vậy trong bốn thập niên qua, việc nhấn mạnh đến những giá trị đã hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế ở Singapore. Sự tự chủ kết hợp với một tầm nhìn dài hạn đã dắt người ta vươn đến sự tuyệt hảo. Đây là một phần tạo nên thương hiệu Singapore cùng với sự ổn định.

Sẵn lòng chấp nhận quyền lực và sự lãnh đạo gia trưởng

Người Singapore đã quan tâm đến việc thúc giục các nhà cầm quyền phải chấp nhận đưa những sở thích cá nhân thành thứ yếu, không những đối với gia đình mà còn đối với xã hội. Cá nhân phải sẵn lòng đặt quyền lợi của cộng đồng lên trên những quyền phản đối của cá nhân, như trường hợp của các quốc gia khác. Sự tôn trọng dành cho người lớn tuổi và sự hài lòng với lãnh đạo được xem là điều quan trọng duy trì "Thể diện". Tính tôn ti và quyền uy thì ít bị thách thức và người ta không chế nhạo các nhà lãnh đạo. Những đạo luật có tính chất gia trưởng thì không bị phản đối như người ta vẫn nghĩ. Điều này làm cho nơi làm việc, đường lối lãnh đạo từ trên xuống dưới là chủ yếu và những cuộc tranh cãi bất hòa thường ít phổ biến hơn những nơi khác. Lòng yêu nước và ý thức về sự hy sinh đã làm cho việc cắt giảm chi phí một cách đáng kể có thể thực hiện được trong thời gian suy thoái. Dân chúng chấp nhận công quỹ dành cho giáo dục sẽ được phân bổ cùng với tăng trưởng kinh tế trong suy nghĩ của mình: việc nhập học được dựa theo thành tích học tập và chương trình giảng dạy khi đưa ra được dựa theo chức năng hữu ích cho xã hội chứ không phải sự ưa thích cá nhân của bất kỳ ai. Hai năm nghĩa vụ quân sự bắt buộc cho tất cả công dân nam giới, và đối với phần đông những người Trung Hoa thì truyền thông về nền văn hóa, tôn ti luôn luôn làm cho người ta dễ dàng tập hợp đứng sau lưng lãnh đạo của mình.[149]

Đối với một thiểu số người Singapore nổi bật, người ta vẫn ước mơ về một nền dân chủ được thử thách nhiều hơn và một chế độ chính trị cởi mở hơn.[150] Đặc biệt là một số người trẻ có thể thấy bầu không khí ở đây quá ngột ngạt và họ đã dùng "đôi chân" của họ bỏ phiếu bằng cách ra đi. Tương tự như vậy, đã đến giới hạn cho sự chấp nhận của công chúng đối với thói gia trưởng và đòi hỏi luôn luôn tuân phục. Hai ví dụ cần phải lưu ý. Năm 1983 nhà cầm quyền đã phàn nàn khi thấy một xu hướng là nhiều nam thanh niên đã cưới những người vợ ít học hơn, nhà cầm quyền đã thúc giục họ cưới những người đồng trang phải lứa, được định danh bằng giai cấp học vị – Một lời cảnh báo mà không phải ai cũng hoan nghênh.[151] Về một đề tài tương tự, trong một cuộc thăm dò thống kê năm 1980, người ta đã thấy rằng nhiều phụ nữ tốt nghiệp đại học vẫn còn độc thân và những ai đã lập gia đình thì lại sinh ít con hơn những người phụ nữ ít học, chính quyền đã phản ứng với điều này. Họ đã đưa vào CHƯƠNG TRÌNH BÀ MẸ TỐT NGHIỆP vào tháng 6 năm 1984, qua đó họ cung cấp tài chính và những phúc lợi khác cho những phụ nữ có con thứ ba, nhưng với điều kiện họ phải có bằng đại học. Chương trình này đã không được ủng hộ, ngay cả trong các Bộ trưởng Nội các, và phải rút sau 12 tháng khi người ta xem xét lại.

Tuy vậy dường như có một đạo luật bất thành văn giữa chính quyền và nhân dân. Như một nhà quan sát đã tổng kết như sau: "Chính quyền của Đảng PAP đem lại việc làm và sự thịnh vượng chưa từng thấy, phân phối công bình và hợp lý đến toàn dân, bao gồm nền giáo dục, những phúc lợi công cộng như sự bình ổn xã hội và không có tội phạm. Để đáp lại, dân chúng Singapore cũng sẵn sàng chấp nhận kỷ luật, tuân thủ mối quan hệ lao động, ít tự do cá nhân hơn và ít tự do diễn đạt hơn, đồng thời sự cởi mở chính trị cũng được giới hạn hơn, và đã nhiều lần họ đồng ý cấp cho chế độ một Đảng lãnh đạo "giấy phép" mới để tiếp tục hiện thực hóa viễn cảnh chiến lược lâu dài này. Đại đa số người dân Singapore dường như đã chấp nhận cuộc trao đổi này. Ai cũng thấy rằng đây không phải là một cuộc tranh cãi đầy cảm hứng, nhưng nó đã có hiệu quả ở Singapore".[152]

Quyết tâm hướng về phía trước với một tầm nhìn lâu dài; sự cởi mở trước tình thế hợp tác hai bên cùng có lợi dựa trên lòng tin; tính tự chủ và đoàn kết trong các gia đình nhỏ bé; sự chấp thuận quyền lực và những luật lệ nhân hậu mang tính gia trưởng là những nét văn hóa đã định nghĩa nên nền nếp đạo đức Singapore. Nó phản ánh kinh nghiệm, truyền thống và kỳ vọng của toàn dân. Nhưng nhà cầm quyền cần phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa để có thể uốn nắn tính chất của dân tộc, củng cố vững vàng những định chế và chính sách mạnh mẽ của Singapore hỗ trợ sự tăng trưởng.


[105] North (1991) trang 97

[106] Chủ điểm này được Ngân hàng Thế giới khai triển (2002)

[107] Acemoglu và những tác giả khác. (2004)

[108] Weil (2005), trang 332

[109] Báo The Economist 23-3-2006

[110] Nhân viên của ủy ban pháp định, mặc dù không phải là công chức, vẫn được xem như một phần của bộ máy quan liêu

[111] Lý Quang Diệu (2000), chương 4

[112] Schein (1996)

[113] Peebles và Wilson (2000), chương 8

[114] Asher (2002), trang 415

[115] Vogel (1989) các trang 1052-53

[116] Mauzy và Milne (2002), các trang 48-49

[117] Low (1998), trang 164. Ghi nhận là mối quan hệ với nhà nước đôi khi phức tạp khi các công ty quốc doanh mua các công ty nước ngoài

[118] Giáo sư Lim Chong Yah là chủ tịch từ 1972 đến 2001, và theo lời của Mauzy và Milne thì "ông được ca ngợi khắp nơi vì những đóng góp cho việc xây dựng cơ chế ba thành phần." (Mauzy và Milne (2002), trang 207)

[119] North (1990), trang 54

[120] Jeremy Au Yong, Sunday T, 12 tháng 2, 2006, Tin tức, trang 8.

[121] Lý Quang Diệu (2000), trang 243

[122] Diễn đàn kinh tế thế giới (2005)

[123] Lý Quang Diệu (2000), Chương 5

[124] Trong nhiều năm, Ủy ban Tư vấn Rủi ro Kinh tế và Chính trị (Political and Economic Risk Consultancy – PERC) văn phòng đặt tại Hongkong xếp hạng nền tư pháp Singapore vào hàng đầu trên thế giới. Asia Pacific Legal 500, sách hướng dẫn chuyên đề pháp luật (Ấn bản 2006) khẳng định: "Tòa án tối cao Singapore luôn ở vị thế cao hơn hẳn các quốc gia láng giềng."

[125] Weil (2005), Chương 12

[126] Tanzi (1998)

[127] Ủy ban Minh bạch Quốc tế (Transparency International) (2005)

[128] Công thức tính lương cho các bộ trưởng là bằng 2/3 thu nhập của 48 người có thu nhập hàng đầu, hoạt động trong các nghề nghiệp khác nhau, như ngân hàng, kỹ sư, luật sư... dựa trên thu nhập còn lại sau thuế của khu vực kinh tế tư nhân. Con số được công bố gần đây là năm 2000, lương hàng năm của thủ tướng được nâng lên 1,94 triệu đô la Singapore còn các bộ trưởng dưới quyền là 968.000 (Straits Times, 1-7-2000; trích trong Mauzy va Milne (2002), trang 61). Giới lãnh đạo cũng tự nguyện từ chối việc tăng lương trong giai đoạn kinh tế khó khăn, như vào các năm 2001 và 2003

[129] Lý Quang Diệu (2000), trang 196

[130] Lý Quang Diệu (2000), chương 12

[131] Lý Quang Diệu (2000) trang 183. Bộ đồng phục chính thức màu trắng của đảng PAP vẫn còn duy trì đến nay

[132] Liên kết giữa những đặc trưng văn hóa và định chế cho phép chúng ta nhích gần hơn các quan điểm khác nhau chứ không thể mở đường cho một cuộc tranh luận. Một bên là các nhà kinh tế, những người chú trọng đến những cơ hội và nguồn động viên được phản ảnh trong chính sách và định chế. Phía bên kia là các nhà xã hội học theo truyền thống Max Weber, người cho rằng sự tăng trưởng ở thế kỷ 16 ở Bắc Âu là nhờ vào "nền đạo đức Thanh giáo" và các sử gia kinh tế tiêu biểu cho nhóm này là David Landes (1999), người khẳng định; "Nếu như chúng ta học được điều gì đó từ lịch sử phát triển kinh tế, chính văn hóa làm nên mọi sự khác biệt."

[133] Myrdal (1968) Dẫn nhập

[134] Đọc Weil (2005) Chương 14 về khuynh hướng của nhà quan sát

[135] Keynes (1930)

[136] Mahbubani (2002) đặc biệt là tiểu luận "Người châu Á có thể tư duy?" và "Triển vọng nhân quyền và tự do báo chí châu Á".

[137] Khổng Tử ca ngợi đức cần kiệm đã từ 2500 năm trước đây và John Cavin ca ngợi lòng tận tụy cần lao và thành công vật chất cách đây 500 năm.

[138] Myrdal (1968), trang 94

[139] Thủ tướng Goh Chok Tong quyết định cấm nhập khẩu kẹo chewing gum vào năm 1992, được tường thuật lại là do việc phá rối bằng cách dùng kẹo dán vào các bộ cảm biến ở cửa của hệ thống xe lửa MRP, khiến dịch vụ vận chuyển hành khách bị gián đoạn. Một phần lệnh này đã được dỡ bỏ năm 2002

[140] Lý Quang Diệu (2000), trang 211.

[141] Landes (1999), Chương 3 và 23.

[142] Lý Quang Diệu (2000) cho rằng những ý tưởng quan trọng về chiến lược công nghiệp hóa ban đầu xuất phát từ tiến sĩ Albert Winsemius và giáo sư Raymond Vernon. Những nhà tư vấn Do Thái cung cấp những kiến thức quý giá về công tác quân sự và thiết lập EDB (Ủy ban Phát triển Kinh tế). Giới chức ngân hàng J.B. Morgan đưa ra những ý kiến hữu ích về nhu cầu cấp thiết chuẩn bị cho các ngân hàng Singapore có thể cạnh tranh toàn cầu và dựa trên nền tảng tin học hóa. Các chuyên gia làm vườn ở Tân Tây Lan chia sẻ kiến thức về phương pháp giữ xanh thành phố Singapore. Ông Lý cũng học hỏi từ Canada việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, từ thành phố Boston việc cấp giấy chứng nhận xe có thể chống ô nhiễm không khí và việc cất cánh hay đáp máy bay qua biển sẽ giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn cho đô thị; học từ Nhật Bản, việc kiểm tra chất lượng; và từ nước Đức, giáo dục kỹ thuật.

[143] Weil (2005), t. 409.

[144] Điều này tương phản với Bangladesh, ủng hộ việc sử dụng tiếng Bengali làm ngôn ngữ giảng dạy trong các trường công lập khi đất nước giành độc lập năm 1971 sau khi tách khỏi Tây Pakistan

[145] Ngân hàng Thế giới (1993)

[146] Lý Quang Diệu (2000) t. 87

[147] Lý Quang Diệu (2000) t. 115

[148] "Đạo luật nuôi dưỡng cha mẹ" có hiệu lực từ năm 1995 cho phép các bậc cha mẹ trên 60 nếu không tự nuôi dưỡng mình có quyền yêu cầu con cái phải nuôi dưỡng

[149] Nghĩa vụ quốc gia kéo dài 30 tháng cho các sĩ quan đến 2004

[150] Mauzy và Milne (2002), t. 197. Cũng xem Chee (2001) và George (2000)

[151] Lý Quang Diệu lập gia đình với cô Kwa Geok Choo, người con gái duy nhất trong lớp đánh bại ông về hai môn toán và kinh tế. Lý (1998) Chương 1.

[152] Huff (1999) t. 44