Bài Học Thành Công Của Singapore

Chương Ba: Chính Sách Kinh Tế Hỗ Trợ Tăng Trưởng

Trong Chương 1, chúng ta đã nhận diện năm nguồn lực giải thích tại sao nền kinh tế Singapore lại phát triển đầy ấn tượng từ những điều kiện ban đầu như ta đã biết vào năm 1965. Rồi từ đó, sự đóng góp mạnh mẽ của nguồn tư bản tích lũy và lực lượng lao động đã dễ dàng khai phóng cho việc gia tăng năng suất và hướng trọng tâm vào giáo dục để xây dựng nguồn nhân lực. Phần lợi tức thu được đã chuyển sang đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều, đem lại một luồng thu nhập bổ sung cho việc sản xuất nội địa.

Câu hỏi kế tiếp đặt ra liên quan đến nguồn lực phía sau những nguyên nhân trực tiếp làm nên tăng trưởng. Nếu như việc tích lũy tư bản cao đã đóng góp rất lớn vào tiềm năng phát triển quốc gia thì đến lượt chúng ta phải hỏi xem điều gì đã khởi động cho việc tích lũy tư bản lớn lao ấy? Nói một cách cụ thể, liệu chính sách cải cách kinh tế có thể đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế? Làm thế nào mà những chính sách kinh tế vĩ mô và cơ cấu lại tác động đến việc tích lũy tư bản cao một cách đáng ngạc nhiên và phải chăng tỉ lệ tiết kiệm cao đến mức độ kỷ lục cũng đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng? Phải chăng những chính sách này cũng tạo điều kiện cho sự tham gia ngày một nhiều của lực lượng lao động và những người nhập cư? Chính quyền đóng vai trò gì trong việc khuyến khích gia tăng năng suất, lúc ban đầu có vẻ thấp nhưng dần dần càng lúc càng cao. Ở chương này chúng ta sẽ xem xét những chính sách công của Singapore trong những thập niên qua đã khích lệ những yếu tố tích lũy cũng như tạo nên sự tăng trưởng năng suất của quốc gia này như thế nào.

Chính sách về tài chính, tiền tệ và tỷ giá hối đoái đã đảm bảo sự bình ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Lạm phát thấp và giá trị đồng đô la Singapore ổn định đã đem lại niềm tin cho những cư dân địa phương tiết kiệm, cũng như cho những nhà đầu tư nước ngoài trong khi tiếp tục duy trì sự phân bố nguồn lực một cách hiệu quả bằng việc giữ cho giá cả minh bạch và ở mức tương đối. Trong suốt thời gian bốn mươi năm, chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng trung bình là 3%, duy nhất có một giai đoạn tăng cao đột biến là thời điểm 1973-1974 khi mà người ta chịu cuộc khủng hoảng giá dầu. (Xem hình vẽ 1.2). Tỷ lệ lạm phát của Singapore thì thấp so với mức trung bình là 25% ở các quốc gia châu Phi, thậm chí ở các quốc gia Nam Mỹ tỷ lệ ấy lại còn cao hơn nữa trong cùng thời kỳ. Giá trị ngoại biên của đồng đô la Singapore đã trở nên bình ổn nếu xét đến tương quan giữa giá trị đồng tiền này với các đối tác thương mại chủ yếu bao gồm đồng đô la Mỹ, đồng Yên, đồng Euro, thậm chí còn bình ổn hơn cả giá trị giữa các đồng tiền này với nhau.

Xét về phương diện chính sách cơ cấu, Singapore chủ trương mở cửa thị trường và hòa nhập nguồn vốn cũng như hoạt động thương mại vào nền kinh tế toàn cầu. Ở đây, người ta chào đón đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngay cả khi mà nó bị từ chối ở những nơi khác trên thế giới. Công cuộc công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu từ buổi ban đầu đã dần dần chiếm chỗ thay cho giai đoạn ngắn ngủi không hài lòng khi nhà nước chủ trương nhập khẩu hàng tương tự. Trong khi đó đường lối của chính quyền đã khích lệ việc tiếp tục tái cơ cấu vào những lĩnh vực công nghiệp giá trị gia tăng và dịch vụ mà ở mỗi thập niên người ta lại phải đối phó với những thử thách mới mang tính cạnh tranh. Giáo dục và đào tạo tại chức vẫn đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nguồn nhân lực. Những chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng thì hết sức hiệu quả về mặt chi phí, hỗ trợ cho mục tiêu phát triển kinh tế. Thị trường lao động vận hành tốt sẽ đảm bảo sự phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả đem lại bình ổn xã hội.

Nhiều quốc gia đã hoạch định sự ổn định cho nền kinh tế vĩ mô toàn diện và những sách lược điều chỉnh cơ cấu trong suốt những thập niên 1980-1990. Mục đích là để khích lệ và đẩy mạnh nền kinh tế lên một bước tiến mới, thường là chỉ sau khi đã vấp ngã vào tình trạng mất cân đối chủ yếu của nền kinh tế vĩ mô mà không còn có thể tài trợ tiếp tục được nữa. Những tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hỗ trợ cho việc hình thành những chương trình chính sách như thế. Mặc dù có những thành công nhất định nhưng những chính sách như thế thường không đáp ứng lại sự kỳ vọng.[45] Một trong những nguyên nhân là việc thực hiện không hoàn chỉnh. Những chiến lược kinh tế đôi khi chưa đủ tham vọng, thất bại trong việc tập trung đưa ra những giới hạn buộc hoặc là những định chế bị quên lãng. Khi nhìn lại, những đường lối này đôi khi đã được dự báo ngay khi hoạch định ban đầu sẽ có một số phận đáng thất vọng trong việc phát triển kinh tế.

Chiến lược phát triển kinh tế của Singapore là phát triển tự thân, mặc dù chính quyền tham khảo rộng rãi nhiều ban nghiên cứu khác nhau cũng như những ủy ban tư vấn để học hỏi những bài học thành công hay thất bại của những quốc gia khác. Tiến sĩ Albert Winsemius, một nhà kinh tế Hà Lan, người đã hướng dẫn phái đoàn Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đến Singapore năm 1960 vẫn tiếp tục đưa ra những lời khuyên về việc công nghiệp hóa và phát triển kinh tế cho họ nhiều năm sau đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thường xuyên tổ chức tham vấn cho Singapore như họ đã làm với 184 quốc gia thành viên khác, nhưng Singapore lại nằm ở số ít các quốc gia không bao giờ dựa vào nguồn lực tài chính của IMF.

Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét những chính sách kinh tế ở những lĩnh vực khác nhau mà Singapore lựa chọn để hoạch định và thực hiện chúng. Những chính sách kinh tế mạnh mẽ và nhất quán đã hỗ trợ cho sự tích lũy một cách đáng kể vào việc gia tăng năng suất. Thay vì mô tả lần lượt những chính sách kinh tế khác nhau một cách chi tiết, chúng ta hãy chọn lọc ra những nét tinh túy trong hệ thống tổng hợp các chính sách.

Mục đích là tìm ra những nguyên lý nền tảng có thể áp dụng rộng rãi và minh họa xem những chính sách này đã được áp dụng trong hoàn cảnh đặc thù ở Singapore như thế nào. Tổ chức thảo luận dựa theo những nguyên lý chính yếu này trong hoạch định chính sách sẽ giúp chúng ta dễ dàng so sánh những kinh nghiệm của Singapore với các quốc gia khác.

KỶ LUẬT SỬ DỤNG HẠN CHẾ NGÂN SÁCH

Singapore là một xã hội tôn vinh kỷ cương như chúng ta đã từng chứng kiến sự nền nếp và cần mẫn của họ. Trên thế giới này kỷ luật được ca ngợi trong thể thao và trong nghệ thuật vì nó dẫn dắt người ta đến sự tuyệt hảo. Tuy vậy trong lĩnh vực kinh tế người ta không ưa chuộng kỷ luật lắm, nhưng điều đó không đúng ở Singapore. Kỷ luật thấm nhuần trong tất cả chính sách tài chính của nhà nước – về tổng thể luôn đem lại thặng dư cho ngân sách suốt hai thập niên qua, chỉ trừ một năm[46]. Kỷ luật ấy được phản ảnh ở mức độ tiết kiệm cao và tương tự như vậy là tỷ lệ tiêu dùng thấp trong khu vực kinh tế tư nhân. Làm thế nào những chính sách kinh tế đóng góp vào việc tiết kiệm trong cả hai khu vực kinh tế công, và tư cao như thế? Sau cùng thì kỷ luật cũng được xem là cốt tủy cho chính sách lương bổng, ngoại trừ một vài năm khoảng 1980, người ta luôn có khuynh hướng giới hạn tiền lương để tăng năng suất.

Quản lý tài chính lành mạnh

Chính sách tài chính đã đem lại kết quả đáng kể trong thành quả tiết kiệm cao của Singapore. Những kết quả ấy trở thành nguồn lực chuyển vào cơ sở hạ tầng, nhà cửa và xây dựng nguồn nhân lực, và trong vài thập niên gần đây, đầu tư ra nước ngoài. Như thế, chính sách này đã đặt nền tảng cho việc ổn định tài chính, giảm bớt sự hoang mang đối với những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nó cũng tạo thêm những cơ sở hạ tầng công cộng bổ sung, tăng cường khả năng sinh lợi cho những dự án tư nhân và do đó thu hút những dự án đầu tư tư nhân thêm "đông đúc". Chính sách thuế nhắm vào mục đích gia tăng thu nhập quốc gia và là công cụ chủ yếu được cơ cấu để khích lệ phát triển kinh tế và các chính sách xã hội của nhà nước.

Quan điểm bảo thủ về mặt tài chính của Singapore được phản ảnh qua số thặng dư cao. Cán cân tài chính tổng quát của chính quyền trung ương luôn thặng dư hàng năm kể từ 1988. Những tài khoản bổ sung từ việc điều hành những công ty độc quyền nhà nước, dù không được công bố rộng rãi, sẽ giới hạn nhưng không làm mất giá trị của phần phân tích sau đây. Một bản nghiên cứu được tiến hành gần đây do Jang và Nakabashi tiến hành năm 2005 đã tính toán thặng dư trung bình là 10,6% GDP trong những năm 1990-2001. Bản nghiên cứu của họ và phần thảo luận sau đây trong chương này dựa theo phương pháp của Ban Thống kê Tài chính Chính quyền (Government Finance Statistics) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tập trung vào khái niệm "cán cân tổng quát" để đánh giá kết quả tài chính của một quốc gia. Khái niệm này tương ứng với Tổng tiết kiệm kinh tế vĩ mô trừ đi Tổng đầu tư của chính quyền trung ương.

Chính quyền Singapore thích có một chỉ số hẹp khi định vị ngân sách của mình. Họ chính thức cho phép áp dụng những phương pháp ghi nhận thặng dư thấp mà thật ra trong nhiều năm, ghi nhận thâm hụt bởi vì hạng mục lợi tức mà họ loại ra (lợi tức tài chính và một khoản lợi nhuận thu nhập từ đầu tư bằng các tài sản nhà nước) đã vượt xa những hạng mục chi phí mà họ bỏ ra ngoài (ví dụ như việc cho vay không lãi của nhà nước, việc thanh toán tiền lời cho các khoản nợ chính phủ và số tiền chuyển cho quỹ An sinh Xã hội).[47]

Việc chi tiêu công rất chặt chẽ, nhất là xét đến chi phí của chính quyền hiện nay, cho thấy đó là nền tảng cho ngân sách dồi dào của Singapore. Khác với các quốc gia đang phát triển khác, ở đây không có sự cạn kiệt ngân sách vì các công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ hay vì những khoản trợ cấp lớn lao cho những hạng mục như xăng dầu, điện năng tiêu thụ hoặc những mặt hàng thực phẩm. Việc thanh toán lãi cho các khoản nợ công cũng rất thấp: chính quyền không có nợ bên ngoài và nội địa, nợ chỉ giới hạn vào trái phiếu của chính phủ phát hành để đưa ra một chuẩn mực đánh giá thị trường vốn tại bản địa và bảo lãnh các khoản vay của chính quyền từ Quỹ Dự phòng Trung ương (CPF) để tái đầu tư hay cho các tổ chức khác mượn (Xem phần "Tiết kiệm cao trong gia đình và doanh nghiệp" trong chương này). Singapore cũng tránh được những cuộc khủng hoảng ngân hàng gây tổn hại vốn đã từng xảy ra với những quốc gia khác như Indonesia năm 1997, và Achentina năm 2000, đã đẩy những khoản nợ công lên đến 55% GDP, tạo những gánh nặng về lãi suất phát sinh cho những năm sau đó.[48] Khác với các quốc gia trong Tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD), Singapore không có những chương trình an sinh xã hội tốn kém: chi phí của chính quyền cho an sinh xã hội ở mức trung bình, thậm chí ít hơn 1% GDP trong những năm 1990 đến 2001, so với 13% GDP của các quốc gia trong khối OECD. Singapore không có các chương trình an sinh xã hội được qui định rõ.[49] Việc bảo hiểm tuổi già được nhìn nhận ban đầu là trách nhiệm của cá nhân và của gia đình, sau đó mới là trách nhiệm cộng đồng thông qua các tổ chức từ thiện và nhà nước chỉ đóng vai trò điểm tựa cuối cùng. Không có một chương trình hỗ trợ thất nghiệp chính thức, cá nhân thất nghiệp phải dựa phần lớn vào việc tích lũy tiết kiệm của chính mình hay sự hỗ trợ của gia đình. Nếu không thể làm được những việc này thì chính quyền sẽ cung cấp một mạng lưới an sinh xã hội như là điểm tựa cuối cùng nhưng phải tuân thủ những biện pháp kiểm tra hết sức ngặt nghèo. Singapore nhắm đến việc trở thành một xã hội giàu từ tâm, miễn là những người hưởng thụ phải cố gắng làm việc theo năng lực của mình. Những chương trình chăm sóc cộng đồng đến tận cơ sở, quan tâm đến nhu cầu của những người bất ngờ rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn hay những người nghèo đói dài hạn, nhằm mục đích ngăn cản họ không phải trở thành một tầng lớp vĩnh viễn dưới đáy xã hội. Trong cuộc suy thoái 2001, những người thất nghiệp đã nhận được phúc lợi như tiền thuê nhà và tiền chi trả cho những tiện nghi điện nước cũng như sự hỗ trợ tại chỗ sau khi được xem xét thận trọng với những số tiền giới hạn.

Tuy nhiên, chính quyền cũng lo ngại giá trị đạo đức lao động bị suy giảm nên họ phản đối đưa vào những chương trình phúc lợi. Thay vào đó, họ đề cao việc tái đào tạo và trợ cấp để tạo thêm việc làm. Thế nên trong ngân sách 2006, người ta đã đặt lên ưu tiên hàng đầu vấn đề lương bổng cho những công nhân lớn tuổi thu nhập thấp. Những người này phải được sử dụng ít nhất một thời gian nào đó trong năm như một hình thức hỗ trợ thu nhập, tưởng thưởng cho những nỗ lực của họ và động viên họ tiếp tục tự tin và đừng từ bỏ công việc, cho dù họ kiếm ít tiền và phấn đấu để tồn tại trong một xã hội kinh tế ngày một phát triển. Khoản trợ giúp tài chính này có thể được hiểu như khoản thu nhập không tính thuế mặc dù nó được ràng buộc với yêu cầu tiếp tục làm việc. Việc nhận trợ cấp một lần không phải là thường xuyên, vì trước tiên, chính quyền muốn nghiên cứu hiệu quả của nó.

Trong việc chi tiêu hiện nay, Singapore chủ trương xây dựng nhà cửa công cộng, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Những hạng mục này được giải thích như là đóng góp vào việc đầu tư nguồn vốn nhân lực và xã hội – là những lĩnh vực ưu tiên đối với nhà nước. Nhưng ngay cả trong lĩnh vực này người ta cũng sẽ giật mình khi nhìn vào chi phí thấp một cách đáng ngạc nhiên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chi phí của nhà nước trong việc chăm sóc sức khỏe chỉ có 1,2% trên GDP trong những năm 1990 đến năm 2001, so với 6,4% GDP ở các quốc gia OECD. Tuy thế, một hệ thống hữu hiệu cho phép Singapore đem lại việc chăm sóc sức khỏe công cộng có chất lượng ở mức chi phí khá thấp so với các quốc gia tiên tiến khác (xem trong phần nói về Hệ thống chăm sóc sức khỏe).

Chi phí quốc phòng, nhằm hỗ trợ cho ngoại giao, là một ưu tiên chiến lược đối với nhà nước – vốn nhận thức rằng dễ bị xâm phạm – lên tới 5% GDP, khá cao so với tiêu chuẩn quốc tế. Singapore cảm thấy họ đang sống trong một khu vực lân cận không an toàn, nơi lịch sử ghi nhận đã có khi bạo lực được nhà nước cổ xúy sử dụng để trấn áp kẻ yếu. Chính sách của nhà cầm quyền Singapore là luôn sẵn sàng tự vệ và phải được thế giới nhìn nhận như thế. Tuy vậy, ngay cả chi phí quốc phòng cũng có thể giải thích bằng lý luận kinh tế được. Lực lượng can thiệp trang bị hiện đại sẽ làm giảm bớt sự lo ngại. Quân đội đảm nhiệm những chương trình giáo dục, bao gồm giáo dục bậc cao học ở nước ngoài về quản trị kinh doanh và chính sách công cho những thành viên ưu tú trong lực lượng, những người mà nhiều trường hợp sau này đã gia nhập chính quyền – như trường hợp của đương kim thủ tướng hay việc bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh mới. Tương tự như vậy, nghĩa vụ quân sự bắt buộc hai năm cho tất cả nam công dân là những người cư trú thường xuyên từ mười tám tuổi trở lên là nền tảng cho quân đội, gồm những công dân đóng góp vào sự đoàn kết các chủng tộc khác nhau trên khắp đất nước Singapore và đem lại sự bình ổn về chính trị xã hội.

Một cách tổng thể, chí phí hiện tại của chính quyền Singapore lên đến một con số có thể là thấp – có người nói là quá thấp – 14% GDP của những năm 1990 đến 2001, so sánh với 35% của một quốc gia trung bình trong khối OECD (hãy tham khảo bảng thống kê 3.1). Tuy nhiên, những nền kinh tế với mức chi phí công thấp so với GDP vẫn được người ta xem là những nền kinh tế đem lại các chỉ số phát triển cao cho phép có đủ ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế.[50] Nhà ở công cộng là ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền. Kết quả là Singapore có số tỷ lệ dân chúng sở hữu nhà riêng nhiều nhất trên thế giới, bằng 93% cư dân. Việc khai hoang đất đai, công cuộc xây dựng phi trường Changi, và những đầu tư nhà nước ở lĩnh vực viễn thông và giao thông đã làm tăng thêm sự thu hút của Singapore như là một điểm đến cho các nhà đầu tư tư nhân.

![][17]

Như đã chỉ rõ ở hình 3.1, tổng chí phí của nhà nước và cho vay ròng (đối với các tổ chức như HDB) đã lên đến 23% GDP vào những năm 1990 cho đến 2001, so với 37% của các quốc gia OECD trung bình. Tuy nhiên tổng thu nhập quốc gia tương tự vào khoảng 33% GDP, Hệ quả là trong khi các quốc gia OECD điển hình luôn ghi nhận thâm hụt vào khoảng 4% GDP thì Singapore lại ghi nhận việc thặng dư tổng thể trong tài chính nhà nước là 11% GDP.

Lợi tức thu từ thuế chỉ chiếm khoảng 16% GDP so với 31% của các quốc gia OECD trung bình. Việc không đánh thuế an sinh xã hội ở Singapore có thể giải thích phần lớn sự khác biệt này. Thuế thu nhập doanh nghiệp là khoản lợi tức quan trọng nhất, cho dù miễn thuế là một công cụ chủ yếu trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên thuế lợi tức và thuế thu nhập cá nhân tiếp tục được hạ xuống mức tương đối thấp vào khoảng 20%, vì chính quyền vẫn tiếp tục dựa vào thu nhập từ thuế thông qua thuế dịch vụ và hàng hóa (GST – Goods and Services Tax), một loại thuế giá trị gia tăng, và trong quá trình thực hiện sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh trên thế giới.

Thu nhập nhà nước ngoài thuế ra được xem là rất cao ở Singapore, lên đến 17% GDP so với 3% ở các quốc gia OECD. Những khoản thu nhập ngoài thuế rất cao này được tìm thấy ở các quốc gia nơi mà chính quyền thu được một số tiền lớn, từ việc bán quyền khai thác dầu hỏa hay các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Một vài hạng mục chủ yếu giải thích sự khác nhau giữa Singapore và các nước OECD. Trước tiên lợi tức từ khoản cho thuê đất đai rất đáng kể trong thập niên 90 đến 2001 vào khoảng 7% GDP vì nhà nước chiếm giữ khoảng 80% đất đai ở Singapore.[51] Thứ hai là việc đầu tư khôn ngoan khối lượng tài sản lớn lao của chính quyền cũng đem lại một nguồn thu nhập dồi dào khoảng 5% GDP hàng năm. Điều này giải thích giá trị thăng tiến bội phần trong những năm vừa qua, khi ở các quốc gia OECD họ phải trả đến 3,5% GDP cho những khoản lãi đối với công nợ nhà nước, Singapore lại gặt hái được số tiền thậm chí còn lớn hơn thế nhờ vào các tài sản quốc gia. Thứ ba là thuế đánh trên người sử dụng, đặc biệt là những người sở hữu hay sử dụng những phương tiện xe hơi riêng, với mức rất cao ở Singapore vì đây là một phần chiến lược của nhà nước trong việc chống tắc nghẽn giao thông.

Xét tổng thể, việc thực hiện đúng đắn những biện pháp tài chính trong nhiều thập niên vừa qua cũng như dành dụm những khoản thặng dư trong thời kỳ phát đạt, mặc dù bị chỉ trích vì chuyện thắt lưng buộc bụng, nhưng đã đem đến một sự tích lũy đáng kể về tài sản thực của nhà nước mà người ta ước tính vào khoảng 120% GDP vào đầu năm 2004.[52] Điều này làm cho Singapore trở nên khác biệt với những quốc gia khác, nơi mà sự thâm hụt lũy tiến về ngân sách có thể dẫn đến những khoản nợ thực sự của nhà nước, trong một số trường hợp lên đến trên 100% GDP.

Người ta đã nhìn nhận chính sách tài chính ở Singapore được xem là thận trọng mà không nhất thiết phải kêu gọi sử dụng giá trị thặng dư tích lũy. Đôi khi nhiều nền kinh tế trưởng thành đã tiến đến mục tiêu cân bằng ngân sách thông qua chu trình kinh doanh. Đối với các quốc gia kém phát triển, họ hưởng lợi từ việc nhập khẩu tư bản, một lời khuyên được đưa ra là ngân sách nhà nước nên tránh bị thâm hụt vì họ sẽ không thể duy trì được nếu tiếp tục tài trợ. Hơn nữa, chất lượng và thành phần tạo nên những khoản thu chi thì cũng quan trọng như hiệu quả sinh lợi nhuận. Tuy vậy kết quả tích lũy của những chính sách tài chính đã đem lại cho chính quyền Singapore một chỗ dựa để có thể thực hiện chính sách mở rộng phản chu kỳ (countercyclical) như đã thực hiện từ năm 1998 đến năm 2002, mà không cần phải băn khoăn đến sự bền vững lâu dài hay sự suy giảm lòng tin của những người tham gia vào thị trường tài chính. Chính địa vị "tích sản" (có) này đã đặt Singapore vào một vị thế hùng mạnh hơn tất cả các quốc gia có những khoản vay lớn và những "khoản tiêu sản" (nợ) mà không có ngân sách chi trả. Singapore có thể tự tin đương đầu với những yêu cầu phát sinh về tài chính nhằm thỏa mãn nhu cầu của dân số đang già đi nhanh chóng trong những năm sắp đến và với những bất trắc như sự suy thoái toàn cầu.

Tiết kiệm cao trong gia đình và doanh nghiệp

Tùy theo thời điểm được chọn lựa, chỉ có khoảng một phần tư những khoản tiết kiệm cao đáng kể của Singapore có thể xem là kết quả trực tiếp của chính sách tài chính: phần tiết kiệm bởi chính quyền trung ương – được định nghĩa như là hiệu số giữa thu nhập và chi tiêu hiện nay – lên đến con số khoảng 12% GDP trong thập niên 1990-2001[53]. Chính sách của nhà nước đã ảnh hưởng ra sao đến 34% GDP còn lại do các thành phần kinh tế công cũng như tư và các hộ gia đình tiết kiệm?[54]

Chính sách kinh tế đã góp phần vào việc tiết kiệm ở mức cao trong các hộ gia đình và thành phần doanh nghiệp. Đường lối nhà nước trong việc điều hành các doanh nghiệp công một cách chặt chẽ trên cơ sở những nguyên tắc thương mại đã làm tăng lợi nhuận tác nghiệp và phần thu nhập được giữ lại, đóng góp cho khoản tiết kiệm quốc gia. Thẩm quyền được phép độc quyền định giá của các công ty do nhà nước thành lập nhằm cung ứng những tiện ích công cộng, và gần đây, là dịch vụ viễn thông cũng đã góp phần trong công cuộc này. Những tài khoản của các công ty quốc doanh này không phải sáp nhập vào các tài khoản của chính quyền trung ương.[55]

Lợi tức sau thuế trong khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm phần được tư nhân hóa trong các công ty có phần sở hữu của nhà nước – (GLC) và công ty quốc doanh) dù vẫn chịu ảnh hưởng những biến động có tính chu kỳ, thông thường vẫn ở mức cao. Một phần nào đó điều này phản ảnh phạm vi ảnh hưởng của những chính sách nhà nước, nhắm đến việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, bao gồm cả việc giảm thuế lợi tức xuống còn 20% như hiện nay. Điều này được hiểu trong thuật ngữ toán kinh tế là số giảm trên tổng tiết kiệm của quốc gia vì tầm quan trọng của GDP được xem như một biến số có thể giải thích được. Điều này cũng đồng nhất với một nhận xét nổi tiếng rằng những nền kinh tế có thu nhập trung bình đang phát triển thường có khuynh hướng tiết kiệm cao[56].

Chính sách công cũng khuyến khích các hộ gia đình tiết kiệm bằng nhiều cách. Trước hết, trong những năm tháng đầu tiên, chính sách kiểm tra dân số tích cực của chính quyền – ở mức độ mà nó có thể đóng góp hữu hiệu vào việc chuyển đổi kết cấu thành phần dân số – kết hợp với chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cũng hỗ trợ cho việc tiết kiệm. Thứ hai là chính sách thuế lợi tức khuyến khích tiết kiệm bằng việc giảm dần thuế lợi tức trên thu nhập tài sản, trên tiền lãi cho vay hay trên cổ tức. Việc tham dự hay rút lui khỏi quỹ CPF đều không phải đóng thuế lợi tức[57]. Thứ ba là dự phòng an sinh xã hội rất hạn chế do nhà nước chỉ cung cấp trong trường hợp thất nghiệp hay là đau ốm cũng khuyến khích người dân Singapore dựa vào tiền tiết kiệm phòng xa của mình.

Một phần lớn khoản tiết kiệm trong gia đình được thực hiện do yêu cầu đóng góp vào quỹ dự phòng bắt buộc của CPF. Quỹ CPF khởi xướng bởi chính quyền thuộc địa Anh như một chương trình tiết kiệm bắt buộc cho công nhân: 5% lương nhận được sẽ được kết hợp với 5% do giới chủ đóng góp để cung cấp một khoản lợi tức về hưu khiêm tốn từ tuổi 55 trở đi. Quỹ CPF là một chương trình đóng góp toàn diện, nơi mà số tiền tích lũy được giữ ở một quỹ trung ương với những tài khoản riêng cho từng người tham dự. Nó thu hút sự tham dự của 90% dân số. Từ 1968 trở về sau, nhà nước Singapore đã mở rộng chương trình bằng việc nâng tỷ lệ đóng góp từ mức ban đầu 10% lên đến đỉnh điểm trong thời kỳ 1984-1985, trước khi hạ xuống lần nữa. Theo thời gian, quỹ CPF đã được mở rộng như một phương tiện tiết kiệm bằng cách cho phép hoặc công nhân rút các khoản tiết kiệm trước khi về hưu hoặc để đầu tư thành một khoản tiền cọc khi mua nhà, hay sử dụng như một công cụ tài chính được chấp thuận, cũng như có thể dùng chi trả cho những dịch vụ chăm sóc y tế hoặc giáo dục theo sự chọn lựa của mình. Trong vòng 12 năm, cho đến 2004, những người ủng hộ sử dụng quỹ đầu tư của riêng mình đã nhận được ít hơn 2,5% mà CPF trả như mức tối thiểu cho số dư tài khoản của mỗi thành viên; một tỷ lệ không ấn tượng lắm vì chi phí cao cho việc điều hành quỹ riêng và đánh giá sai thời điểm. Một vài chuyên gia tin rằng quỹ CPF đã vi phạm đến chức năng ban đầu bằng việc ôm đồm thêm những trách nhiệm mới. Hệ thống quỹ CPF đã đóng góp vào khoản tiết kiệm gia đình trên cơ sở thu nhập ròng, mặc dù hiện nay người ta ít tham dự hơn những thập niên trước đây vì số người rút ra nhiều hơn. Khoản tiết kiệm gửi vào quỹ CPF và việc để dành tự nguyện trong gia đình đã thay thế nhau đến một chừng mực nhất định nào đó: nếu không bị buộc phải gửi tiết kiệm, số tiền tự nguyện tiết kiệm ở trong gia đình có thể đã trở nên nhiều hơn.[58] Tương tự như vậy đã có những dấu hiệu cho thấy rằng khoản tiết kiệm cao của chính quyền trung ương do thặng dư ngân sách đến một chừng mực nào đó đã làm giảm tiết kiệm gia đình so với lúc ban đầu lẽ ra nó phải như thế.[59]

Nói tóm lại, mức tiết kiệm rất cao này ở Singapore và – tương tự như vậy tỷ lệ tiêu dùng của cá nhân thấp trong tổng thu nhập quốc gia (GNI) – một phần do những yếu tố bên ngoài quyết định, ví dụ như sự phát triển nhân khẩu và có lẽ căn cơ là do giá trị của sự cần kiệm và việc ưu tiên mở rộng kinh doanh tài chính từ khoản thu nhập để dành của mình. Tuy vậy, chính sách công cũng đã đóng góp rất nhiều phương diện. Trước tiên, nó đóng góp trực tiếp thông qua chính sách sử dụng ngân sách của chính quyền trung ương. Thứ hai là chiến lược kinh tế tổng quát của nhà nước kích thích sự tăng trưởng cao, để rồi đến lượt nó khích lệ doanh nghiệp tiết kiệm, cả tư nhân và nhà nước. Thứ ba là sự tiết kiệm cho gia đình đã được khuyến khích bởi chính quyền cương quyết nhấn mạnh sự tự chủ của cá nhân và gia đình, các khoản thuế lợi tức, hệ thống quỹ CPF và quỹ tiết kiệm ngân hàng Bưu Điện (Post office savings bank – POSB).

Thứ tư, chính sách của nhà nước đem lại một kết quả bình ổn về kinh tế tài chính vĩ mô và sự tin tưởng trong lĩnh vực ngân hàng. Số tiền tiết kiệm cao đã tạo ra nên những không gian rộng rãi cho đầu tư lớn cả trong nước và gần đây là ở nước ngoài.

Sự hỗ trợ mạnh mẽ cho chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái

Chính sách tài chính nghiêm minh và nguồn tiết kiệm cao tạo nên một nền tảng vững chắc cho những chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Kỷ luật cũng chiếm vai trò chủ yếu trong quan hệ lao động khi chính quyền buộc phải cơ cấu lại tiền lương cho phù hợp với mức tăng năng suất. Năm 1972 chính quyền thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia (National Wages Council – NWC), như một tổ chức ba thành phần đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo để xác định tiền lương hàng năm mà mặc dù không bắt buộc nhưng được tuân thủ chặt chẽ khắp nơi ở Singapore, cho dù trong bối cảnh toàn dụng (full employment)[60]. Cùng với sự giới hạn tiền lương và việc tiết kiệm cao đã giảm thiểu nguyên nhân lạm phát ở trong nước. Một vài ngân hàng trung ương và nhưng nơi khác có thể xây dựng chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái dựa trên nền tảng vững chắc như Ủy ban Giám sát Tiền tệ MAS.

![][18]

Từ năm 1981, Singapore đã theo chính sách tiền tệ lấy tỷ giá hối đoái làm trọng tâm. Việc kiểm soát các nguồn lạm phát trong nước đã thả lỏng tỷ giá hối đoái và khắc chế tình trạng lạm phát thâm nhập quốc gia thông qua hàng hóa nhập khẩu giá cả cao. Cho phép đồng Dollar Singapore tăng giá trên danh nghĩa tùy theo thời điểm sẽ làm vô hiệu mức lạm phát do nhập khẩu. Điều này giúp Singapore luôn duy trì một mức giá thấp và bình ổn.[61] Việc bình ổn giá cả trong nước sẽ hỗ trợ cho giá trị đồng Dollar Singapore và là một mục tiêu chính cho chính sách tiền tệ. Như đã đề cập, mức độ lạm phát trung bình khoảng 3% vào những năm từ 1964 đến 2004 thì thấp theo tiêu chuẩn quốc tế của cùng thời kỳ đó và được xem như một thành tựu xuất sắc của một quốc gia không có người thất nghiệp.

Việc điều hành kinh tế vĩ mô vững chắc đặt nền móng cho việc gia tăng xuất khẩu nhanh chóng. Lạm phát trong nước thấp và bình ổn đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc duy trì sức cạnh tranh về lâu về dài đối với bên ngoài. Rủi ro của nền kinh tế vĩ mô rất thấp do giá trị vững chắc của đồng Dollar Singapore.

Đồng tiền này cũng được ghi nhận hết sức bình ổn trong những điều kiện và thời hiệu thực tế, đồng thời vẫn có thể biến thiên theo cùng thời gian khi tình hình kinh doanh thay đổi (xem hình vẽ 3.2). Việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thì không hạn chế, từ trước khi nó trở thành một quy tắc ở những nơi khác. Quỹ dự trữ ngoại tệ chính thức được ghi nhận là vào khoảng 130 tỉ Dollar Mỹ vào giữa năm 2006, là mức cao nhất trên thế giới tính theo đầu người. Vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào đầu tư ở Singapore, xem đất nước này là bệ phóng để xuất khẩu ra khu vực và trên thế giới. Phân tích kiểu nào đi nữa thì Singapore cũng đã trở thành kiểu mẫu cho một cơ chế kinh tế vĩ mô ổn định. Sự ổn định này là nhân tố hết sức tích cực khuyến khích đầu tư và tăng trưởng kinh tế cũng như giúp Singapore an toàn vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997.

TÍNH HIỆU QUẢ DỰA TRÊN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ MỐI QUAN TÂM ĐẾN NHỮNG KHÍCH LỆ

"Thường thì mọi cá thể đều muốn thu hoạch gì đó cho riêng mình... và anh ta được một bàn tay vô hình dẫn dắt đến mục đích đó, mà lúc đầu không hẳn là ý định của anh ta. Điều này cũng không hề đem lại gì xấu xa cho xã hội vì xã hội chẳng can dự vào. Trong khi theo đuổi tư lợi của mình, anh ta đã thường làm xã hội tăng thêm phúc lợi một cách hiệu quả hơn cả khi anh ta toan tính làm điều độ cho xã hội."

Adam Smith[62]

Tiến sĩ Goh Keng Swee, Bộ trưởng tài chính đầu tiên của Singapore, kiến trúc sư cho đường lối kinh tế chiến lược, được mô tả là một môn đồ say mê học thuyết căn bản của Adam Smith.[63] Hơn bất kỳ quốc gia nào, Singapore dựa nhiều vào tín hiệu giá cả thị trường để đưa ra những khích lệ cho người tiêu dùng hay nhà sản xuất. Chính sách kinh tế ở Singapore đã đẩy mạnh tính hiệu quả của kinh tế vi mô. Những lệch lạc được giảm đến mức tối thiểu bằng cách liên kết giữa những khích lệ tư nhân với phúc lợi xã hội và chi phí. Trong suốt bốn thập niên qua, thị trường lao động và vốn thì rất linh động, đáp ứng được luật cung cầu. Tương tự như vậy cùng với Hồng Kông, Singapore từ lâu được xem là một nền kinh tế mở vào bậc nhất trên thế giới, hòa hợp cao với thị trường toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế thì không chỉ xuất phát từ sự động viên hữu hiệu các nguồn lực mà còn nhờ vào sự quản lý các nguồn lực ấy. Chính quyền về căn bản theo đường lối kinh tế thị trường vững vàng. Điều này không có nghĩa là thả nổi nền kinh tế.

Chính quyền trợ cấp về căn bản cho các khoản chăm sóc sức khỏe, giáo dục, sở hữu nhà cửa, vì những yếu tố bên ngoài thuận lợi. Ngoài ra, chính quyền hoàn toàn không từ chối việc hiện diện ở những khu vực kinh tế công như sản xuất thức ăn, dịch vụ cho nền kinh tế thông qua các công ty pháp định quốc doanh và các công ty có phần vốn của nhà nước. Tuy nhiên phải luôn luôn ý thức rõ ràng yêu cầu ở đây là quản lý các doanh nghiệp công theo những nguyên tắc thương mại và kinh tế thị trường. Những khoản "lợi quyền cho thuê kinh tế" kinh tế thu được từ các công ty độc quyền béo bở hay từ việc giảm thuế, mà ở các nước khác người ta thường giao cho thân nhân và các bạn đồng liêu, thì ở Singapore người ta đã tránh, đồng thời giảm tối đa cơ hội tìm kiếm những đặc quyền như thế.

Chính sách công được xây dựng một cách thực tiễn trên cơ sở tính hợp pháp của việc sử dụng trợ giá và thực tiễn thị trường làm công cụ hoạch định nguồn lực một cách hữu hiệu và tránh lãng phí. Chúng ta có thể đưa ra minh chứng trong nhiều lĩnh vực.

Giao thông đường bộ

Định giá xe hơi và sử dụng đường sá là ví dụ chính. Là một hòn đảo nhỏ dân cư đông đúc, mọi người nhanh chóng thích sử dụng thu nhập của mình ngày một nhiều hơn sau khi đóng thuế. Singapore đối đầu với những rủi ro là quá nhiều xe gây tắc nghẽn đường phố. Thay vào đó thì giao thông trong những giờ cao điểm được ghi nhận êm ả một cách đáng ngạc nhiên, hoàn toàn khác với sự tắc nghẽn thường thấy ở thủ đô các nước trong khu vực. Ngoài ra ô nhiễm không khí bởi giao thông trên đường rất thấp so với bất kỳ thành phố lớn ở châu Á nào. Nhiều quốc gia đương đầu với tình trạng đường sá tắc nghẽn bằng việc quản lý sử dụng đất đai và giao thông công cộng. Đánh thuế cao đối với người đi mô tô vì việc sử dụng đường sá tắt nghẽn thì không phổ biến. Ở Singapore cơ chế giá cả và nguồn lực thị trường đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại hợp pháp của người dân bằng cách điều hành hiệu quả và văn minh.[64]

Nhiều loại chi phí khác nhau mà chính quyền đánh trên quyền sở hữu cá nhân mỗi chiếc xe hơi đã làm cho xe hơi ở đây được xếp vào loại đắt nhất trên toàn thế giới. Ở thời điểm vào cuối thập niên 90, mức thuế nhập là 45%, thuế cầu đường, thuế đăng bạ, và chứng thư cho phép (Certificate of Entitlement – COE) đã nâng giá một chiếc xe hơi chở khách lên cao gấp năm lần so với giá trên thế giới. Việc nâng giá lên này đã giảm nhanh chóng kể từ năm 2003. Ủy ban Giao thông đường bộ nâng số lượng chứng thư được cấp này và họ quyết định kềm hãm số xe hơi sử dụng hơn là quyền sở hữu nó. Từ năm 1990, chính quyền đã điều hành việc phát triển đội xe trên cả nước cho phù hợp với tiến độ đường sá bằng việc đấu giá hàng tháng một số lượng các chứng thư (COE) hạn chế. Những người sở hữu xe hơi, xe mô tô sẽ phải đấu giá cho chứng thư này trước khi được phép mua và mỗi COE này có giá trị trong vòng 10 năm. Giá của chứng thư thay đổi tùy theo cung cầu. Cho dù phí cao nhưng việc sở hữu xe hơi vẫn tương đối rộng rãi công bằng, tùy theo địa vị xã hội của người sử dụng đang nắm giữ.[65]

Ngoài ra, người Singapore phải trả phí rất cao cho việc sử dụng hệ thống đường sá công cộng bằng phương tiện tư. Những sản phẩm dầu hỏa sẽ bị đánh thuế với mức thuế nhập và thuế kinh doanh rất cao so với các quốc gia láng giềng, Malaysia và Indonesia.. Thuế cầu đường thay đổi hàng năm tùy theo dung tích của động cơ. Để tối ưu hóa việc sử dụng đường sá xét về phương diện mật độ lưu thông cao, Singapore đã đưa vào áp dụng Phí đường điện tử (Eletronic Road Pricing – ERP) vào năm 1999 kết hợp những quy định, công nghệ tiên tiến và cơ chế giá. Vào những ngày làm việc trong tuần, cổng tính phí đã được đặt đúng vị trí chiến lược ngay trung tâm thành phố và đường tốc hành, quét tự động trừ tiền vào thẻ tiền mặt gắn trong từng xe hơi khi đi qua cổng. Mức phí này thay đổi tùy theo thời gian, nơi chốn và loại xe. Hệ thống ERP đã cho phép sử dụng tối ưu hệ thống đường sá bằng cách buộc những ai góp phần nhiều vào việc gây nên tắc nghẽn phải chịu một mức cao hơn cho việc sử dụng nó. Lợi tức thu được từ việc thu các khoản thuế liên quan đến xe cộ và những chi phí khác đã lên đến 10% mức thu ngân sách của chính phủ hay là gần 3% GDP. Số tiền này sẽ được tài trợ cho việc đầu tư dự án công như xây dựng hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo. Tuy nhiên các công ty hỏa xa và xe buýt phải tự hạch toán chi phí hiện nay của họ mà không nhận trợ cấp từ chính phủ. Ngoài ra việc sử dụng taxi rất phổ biến và cũng không đắt so với nhiều thành phố khác trên thế giới, mặc dù việc tính giá khác nhau dựa vào thời gian trong ngày và vào việc khách hàng có sẵn lòng trả thêm chi phí để giảm bớt thời gian chờ đợi hay không.[66] Một hệ thống định vị toàn cầu, kỹ thuật thiết kế chu đáo để gọi xe sẽ đóng góp vào việc vận hành taxi một cách hiệu quả.

Người ta đã tranh cãi rằng liệu những điều kiện ban đầu của Singapore có đem lại sự dễ dàng cho việc đưa vào những chính sách tính toán giá dựa theo việc sử dụng đường sá hay không. Singapore có thể kiểm soát việc nhập xe vào nước mình mà không một thành phố có thẩm quyền nào về mặt thực tế có thể thực hiện được. Quyết định ban đầu chấm dứt sản xuất xe nội địa đã đẩy lùi ý kiến chống đối về gánh nặng tài chính trên những chiếc xe này. Hình thức chính quyền một tầng đơn giản cho cả nước đã loại bỏ những mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương, chính quyền tiểu bang, chính quyền liên bang: người ta không thể dễ dàng dùng đôi chân của mình để biểu quyết và mặc kệ luật pháp địa phương vì điều đó có nghĩa là ra khỏi đất nước.[67]

Singapore đã trả một giá rất cao cho sự thuận tiện và thoải mái của những chiếc xe tư nhân, nhưng phần đông mọi người đều đồng ý với thủ tướng của mình vì mặc dù có đau khổ đi nữa thì phương án lựa chọn sẽ giải quyết được tắc nghẽn giao thông. Đường lối cứng rắn và đầy sáng tạo của Singapore cho phép thị trường phân bố nguồn lực của mình một cách có hiệu quả.[68]

Hệ thống chăm sóc sức khỏe

Chính quyền Singapore đã chỉ để dành 3% GDP cho việc chăm sóc sức khỏe vào năm 2002, trong khi việc chăm sóc chi phí cho sức khỏe của công cộng và tư nhân lên đến con số ở mức thấp là 4,3% GDP. Ngược lại ở Mỹ, người ta chi đến 14,6% GDP cho việc chăm sóc sức khỏe cùng kỳ năm đó, tăng cao so với mức 7% vào năm 1970. Sử dụng một khoản chi đáng kể từ thu nhập của mình vào việc chăm sóc sức khỏe khi mà xã hội trở nên giàu có hơn sẽ có ý nghĩa nếu giá trị đồng tiền vẫn được mọi người nhìn nhận và cơ chế tài chính có thể chịu đựng được. Những chỉ số như là tỷ lệ trẻ sơ sinh chết hàng năm hay mức độ tuổi thọ trung bình thì người Singapore luôn luôn cao hơn người ở Mỹ (xem hình 3.3).[69] Điều này đúng vì những chỉ số đó tương quan đến toàn bộ môi trường sống và không chỉ liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe. Tuy vậy các chuyên gia quốc tế đánh giá hệ thống chăm sóc sức khỏe Singapore lại là thành công nhất trên thế giới xét về phương diện chi phí và kết quả sức khỏe cộng đồng. Người ta dựa vào cơ chế giá cũng như quan tâm đến sự khích lệ cá nhân để khuyến khích họ đừng lạm dụng thái quá cũng như luôn kiểm soát chi phí và lãng phí bằng cách yêu cầu người sử dụng cùng chi trả tiền với nhà nước.

![][19]

![][20]

Singapore đã hoạch định một hệ thống chăm sóc sức khỏe khác với các quốc gia Mỹ và châu Âu. Mục tiêu là đem lại sự chăm sóc sức khỏe có chất lượng ở chi phí thấp nhất đối với xã hội bằng cách dựa vào sự kết hợp giữa tư nhân và công cộng nhưng không có một hệ thống bảo hiểm sức khỏe quốc gia (xem hình 3.3b). Nhà nước đóng một vai trò quan trọng. Phòng chống các bệnh như HIV/AIDS, bệnh sốt rét và những bệnh liên quan đến thuốc lá bằng việc đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu. Các bệnh viện nhà nước và các dưỡng đường đa khoa đã đem lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe căn bản bằng ngân sách quốc gia, luôn tuân thủ việc kiểm tra chi phí một cách nghiêm ngặt. Việc sử dụng hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communication Technology – ICT) đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả bằng cách cho phép bác sĩ, các bệnh nhân quyền truy cập hồ sơ bệnh án của người bệnh và cho phép sử dụng một số lượng nhân viên văn phòng ít hơn. Hệ thống tinh vi này đã sàng lọc những trường hợp, nếu có thể chứng minh được, phải sử dụng công cụ chẩn đoán hiện đại đắt tiền để tính vào chi phí công, đồng thời có thể giới hạn những lựa chọn cho các bệnh nhân và bác sĩ. Sức khỏe được xem như một phúc lợi công cộng chủ yếu, hết sức quan trọng cho sự bình ổn xã hội, nên những dịch vụ chăm sóc sức khỏe căn bản được nhà nước trợ cấp 80% thông qua ngân sách. Nhà nước cũng cung cấp một hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện giá thấp gọi là MediShield nhằm mục đích hỗ trợ người dân trong hoàn cảnh gặp phải những căn bệnh hiểm nghèo hay kinh niên. Bảo hiểm này bao gồm những khả năng xảy ra thấp và chi phí cao hơn là khả năng xảy ra cao mà chi phí thấp – để giữ khoản tiền trợ cấp ở mức thấp. Chính quyền sẽ cung cấp mạng lưới an toàn xã hội và y tế (Medifund) cho những người thật sự nghèo khó, trải qua những cuộc kiểm tra chặt chẽ, để không ai bị tước đi quyền được chăm sóc sức khỏe thiết yếu của mình.

Trách nhiệm của gia đình và cá nhân trong chi phí y tế là nguyên lý căn bản. Gánh nặng tài chính cho việc chăm sóc sức khỏe đặt càng gần người thụ hưởng càng tốt, mà mục đích là tránh cho ngân sách nhà nước phải gánh chịu quá nhiều, điển hình là từ hệ thống bảo hiểm sức khỏe công cộng, có xu hướng bị lạm dụng. Theo ngôn ngữ của ông Lý Quang Diệu, ý thức được hậu quả chung cho nhà nước do những hành vi cá nhân này, ông nói: "Chúng tôi không muốn mọi người có tâm trạng là sau khi trả những chi phí bảo hiểm y tế, quí vị lại lạm dụng quá nhiều thứ trong những cuộc hội chẩn y khoa mà quí vị và bác sĩ của bạn nghĩ ra".[70] Nhà nước phải thu lại từ 20 đến 100% những chi phí chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua phí từ người sử dụng. Một bệnh nhân trong bệnh viện của nhà nước chọn loại phòng mở được chính quyền trợ cấp 80%. Những bệnh nhân khá hoặc giàu có hơn ở những phòng tiện nghi hơn với mức trợ cấp thấp hoặc không trợ cấp từ chính phủ, bằng các phương tiện tự kiểm tra. Không có nguồn tiền công lo "chính sách" cho mọi người hưởng cùng một chế độ phúc lợi trong bệnh viện. Những cá nhân trước đây để dành dự phòng chi phí y tế thông qua việc trừ lương bắt buộc và do người sử dụng lao động đóng góp vào tài khoản cá nhân Medisave cho Quỹ dự phòng CPF.[71] Chỉ có những hạng mục điều trị được chấp thuận mới được trừ vào tài khoản của Medisave cho chính họ, ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cái, việc khám bệnh ở các phòng mạch tư nhân vì những chứng bệnh thông thường không quan trọng phải do cá nhân tự trả bằng tiền túi của mình. Điều này làm nản lòng những ai muốn được cung cấp quá mức cần thiết.

Hệ thống y tế tư nhân cạnh tranh với hệ thống y tế công cộng và luôn luôn duy trì mức giá theo hai hướng. Bảo hiểm y tế tư nhân cũng sẵn sàng cung ứng cho người dân. Nhà nước buộc những bệnh viện tư công bố giá để cho mọi người có thể so sánh và lựa chọn. Số lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế được điều hành thông qua việc cho phép chỉ những trường y khoa trong nước và các cơ sở du nhập từ bên ngoài vào. Việc bảo hiểm nhằm tránh sự tranh tụng do làm sai luật pháp như đang tồn tại không phải là yếu tố đẩy cho giá cả tăng cao ở Singapore vì xã hội Singapore thì không thích tranh tụng, do đó cũng không có việc lập ra bồi thẩm đoàn để xét xử. Để cung cấp mạng lưới y khoa an toàn, những cơ sở từ thiện y khoa tư nhân có thể lập ra các quỹ bổ sung giữa cá nhân và nhà nước như là một điểm tựa sau cùng có thể nhờ vả đến.

Tổ chức chăm sóc sức khỏe hữu hiệu đã đóng góp vào việc tạo nên nguồn tài nguyên con người và sự tăng trưởng kinh tế bằng việc ngăn cản người dân rút lui ra khỏi lực lượng lao động quá sớm. Hiệu quả cao trong việc tiết kiệm chi phí đã giúp tăng nguồn lực vào đầu tư cho năng suất cao. Tuy vậy, tổng chi phí về sức khỏe của Singapore đã tăng lên từ 4,1% từ năm 1999 lên đến 4,5% GDP vào năm 2003 phản ảnh xã hội đang già đi và sự phồn vinh của nó nhưng vẫn ít hơn Hoa Kỳ khi tỷ lệ ở đó tăng từ 13,1% lên 15,2% GDP trong cùng kỳ.

Sự Cởi Mở Của Nền Kinh Tế

Nền kinh tế Singapore đặc biệt mở rộng cửa cho kinh doanh quốc tế – thế nên nó đã phơi bày ra cuộc cạnh tranh toàn cầu cũng như những tín hiệu về giá cả. Đã nhiều năm việc nhập và xuất khẩu hàng hóa kết hợp đã đem lại một doanh số gấp ba lần tổng sản lượng nội địa GDP, phản ảnh mức tái xuất khẩu đáng kể phù hợp với truyền thống buôn bán qua các kho – cảng.[72] Việc tham dự thị trường hối đoái không bị giới hạn và việc bảo hộ nhập khẩu rất thấp trong nhiều thập niên. Thuế nhập khẩu hiện nay chỉ đánh trên một số mặt hàng lựa chọn, ví dụ như xe hơi hoặc những vật dụng có giá trị không được tôn trọng lắm như rượu hoặc không khuyến khích sản xuất trong nước.

Hàng rào thuế quan ở mức tối thiểu hay hầu như không có. Kinh nghiệm không hài lòng trong một giai đoạn ngắn ngủi khi phải nhập khẩu hàng thay thế đã chấm dứt vào năm 1965 với sự mất đi quyền tự do thông thương vào thị trường Malaysia.

Việc giới hạn thị trường nội địa nhỏ bé, việc khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và sự thiếu hụt những nhà sản xuất công nghiệp bản xứ đã đưa quốc gia này ủng hộ hội nhập nền kinh tế toàn cầu bằng cách thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hướng về xuất khẩu. Áp lực cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới đã cho phép những công ty đa quốc gia tiếp cận không hạn chế đến những sản phẩm nhập khẩu trực tiếp mà không gặp trở ngại về vấn đề giá cả quốc tế. Biểu thuế nhập khẩu cho một số mặt hàng như dụng cụ điện được bãi bỏ vào năm 1975 đã khiến các nhà sản xuất trong nước đối diện với cuộc cạnh tranh khốc liệt với thị trường thế giới. Các nhà sản xuất địa phương, do đó buộc phải nâng cao năng suất hoặc phải đóng cửa. Điều này đã xảy ra với công nghệ lắp ráp xe hơi. Thoạt đầu thì nguồn lao động dồi dào địa phương với giá rẻ đã đem lại một sự cạnh tranh tương đối theo tiêu chuẩn Ricardo. Tuy nhiên sự đóng góp quan trọng của nền kinh tế cởi mở chính là việc sản xuất cho thị trường thế giới, đã làm cho các công ty đa quốc gia (MNC) phấn khởi khi đem đến Singapore những kỹ thuật tổ chức sáng tạo và những công nghệ cao sẵn có nằm ngay trong các hàng hóa nhập khẩu.

Việc kinh doanh dịch vụ cũng rất sôi nổi và cởi mở như du lịch quốc tế, logistic, cũng như những dịch vụ tài chính "hải ngoại" đều phát triển cao. Chín triệu du khách đã đến Singapore vào năm 2005. Tuy vậy, việc bảo hộ một số dịch vụ được lựa chọn để ngăn sự cạnh tranh nước ngoài đã phải chịu đựng lâu hơn như là việc kinh doanh hàng hóa, cho phép các công ty tại địa phương có thời gian xây dựng năng lực nội địa và vượt qua những giới hạn của cơ sở kinh doanh gia đình để đạt đến sản cuất đại chúng. Không có chủ nghĩa chính thống cho nền kinh tế thị trường không có rào cản này. Những ngân hàng nội địa nghĩa là "phục vụ thị trường nội địa" đã nhận được sự bảo hộ đối với cạnh tranh nước ngoài – phần nào đó cho phép họ xây dựng nguồn vốn vì lý do dự phòng. Chính quyền đã chậm rãi mở rộng quyền cho các ngân hàng nước ngoài cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, ví dụ dịch vụ ATM. Mãi đến thập niên 1990 những tranh cãi đầu tiên về việc bảo hộ này dường như đã khiến Singapore phải trả giá quá đắt, thế nên việc bảo hộ được giảm bớt. Ngay đến lúc này thì lĩnh vực tài chính nội địa vẫn phải đối đầu với những thử thách trong việc mở rộng hoàn toàn và duy trì tính cạnh tranh. Các công ty luật ở Singapore được nhà nước bảo hộ: luật sư nước ngoài hành nghề ở Singapore với một công ty luật nước ngoài không thể vận dụng luật Singapore.

Nền kinh tế Singapore cũng mở rộng cho các nguồn tư bản trên toàn thế giới. Thật là khó để có thể đề cao quá đáng tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước ngoài trong việc phát triển ở Singapore. FDI đã đạt gần 30% tổng vốn cố định gộp của Singapore trong những năm 1985 đến 1989. Vào cuối thập niên 90 thì các công ty do nước ngoài kiểm soát đã tạo ra 42% GDP và hơn ba phần tư giá trị thặng dư ở khu vực sản xuất.[73] Bầu không khí cởi mở chào đón nguồn đầu tư trực tiếp FDI ở các lĩnh vực xuất khẩu đã phục vụ quốc gia rất tốt. Vì các công ty đa quốc gia đều sản xuất cho thị trường xuất khẩu, nên họ luôn phải chứng tỏ sức cạnh tranh trên thế giới và do đó họ có động lực để đem vào Singapore những công nghệ tốt nhất có thể được. Điều này tương phản với Braxin và Achentina – nơi mà các công ty đa quốc gia nước ngoài chỉ được cho phép vào thị trường nội địa bảo hộ.[74] Xét về phương diện nguồn vốn ngắn hạn, mức lãi suất của đồng đô la Singapore đưa ra phù hợp với lãi suất quốc tế, nhìn chung thì hơi thấp hơn một tí, đều này phản ảnh khuynh hướng đang được hy vọng là đồng đô la Singapore sẽ lên giá theo thời gian. Việc Ủy ban Giám sát Tiền tệ Singapore (MAS) đã điều hành mức tỉ giá hối đoái này bằng cách thả nổi tỉ giá theo quy luật cung cầu trong một phạm vi giới hạn – chênh lệch tỉ giá gần mức hoàn hảo như trong sách giáo khoa, lưu lượng tiền và sự cơ động đã cho thấy rằng cơ quan quản lý tiền tệ đã từ bỏ việc kiểm soát mức độ lãi suất nội địa và họ cho phép việc cung cấp tiền tệ rộng rãi sẽ được quyết định bởi nhu cầu thị trường.[75] Giống như các quốc gia khác, Singapore quản lý nguồn lao động từ nước ngoài vào. Ở đây phải nói rằng sự tăng trưởng kinh tế đã được lợi rất nhiều từ việc mở cửa. Việc gia tăng cung cấp nhân lực nội địa là một phần không thể thiếu trong toàn bộ chiến lược phát triển của quốc gia.

Nguồn nhân lực nước ngoài đã đóng góp một vai trò then chốt đối với việc tăng trưởng kinh tế của Singapore vào năm 1970. Singapore đã đạt được sự toàn dụng nhân công và trở thành một nơi thu hút nhân công nước ngoài đến làm việc định kỳ, họ chiếm khoảng 3,2% lực lượng lao động. Con số này gia tăng nhanh chóng lên đến 7,4% nguồn nhân lực vào năm 1980.

Đến năm 2000 thì số công nhân nước ngoài lên đến tỷ lệ xấp xỉ 29% lực lượng lao động Singapore, 5% số lao động có tay nghề cao là những nhà chuyên môn làm việc theo "giấy thông hành tuyển dụng" và 24% lực lượng công nhân có trình độ tay nghề thấp đã có "giấy phép lao động".[76] Những người lao động nước ngoài đến đã chiếm một nửa trong số 6000 lao động mới tạo ra trong thập niên 1990 và nửa còn lại là do lực lượng địa phương nắm giữ. Từ đó xu thế ấy luôn luôn tăng cao.

Công nhân nước ngoài giờ đây đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Singapore. Những người kiếm thu nhập thấp chủ yếu đến từ Philipphin, Indonesia hỗ trợ công việc nhà và chăm sóc người già, trong khi công nhân cầu đường phần lớn đến từ Nam và Đông Á. Các nhà chuyên môn và những công nhân tay nghề cao thì được mời chào theo một chính sách khá tích cực và cởi mở để thu hút tài năng trên thế giới. Những người nước ngoài làm việc bằng giấy phép lao động và giấy tuyển dụng đều được yêu cầu là phải trở về quê hương mình sau khi hết hạn, trừ khi được cấp giấy phép mới. Có những qui trình mà người ta có thể giữ công nhân có tay nghề thấp như là nguồn luân chuyển đều đặn theo hợp đồng định kỳ, không cho phép họ lập cơ sở ở Singapore, án phạt tù dành cho những chủ đất và chủ sử dụng những người nhập cư bất hợp pháp ở trong nhà của họ. Lao động nước ngoài và kinh tế Singapore đã gắn kết, nương tựa lẫn nhau để cùng có lợi.

Cũng trong lĩnh vực này Singapore đã dựa trên cơ chế về giá như là một công cụ chính sách để điều hành nguồn cung ứng cũng như năng lực của những lao động nhập cư. Dưới hệ thống cấp giấy phép cho người nước ngoài, người chủ phải đóng góp vào ngân sách nhà nước tùy thuộc vào khả năng của người lao động và lĩnh vực hoạt động của họ. Giấy phép sẽ được cấp lại mỗi hai năm. Số tiền sẽ được nâng lên nếu yêu cầu từ phía người chủ mạnh mẽ hơn. Số tiền này có thể thấp hay không phải đóng cho những công nhân bậc cao. Việc phân biệt này đã khuyến khích các công ty xây dựng đầu tư nhiều trong việc huấn luyện công nhân của họ và đưa vào những biện pháp tiết kiệm lao động. Một hệ quả của việc nâng cao trình độ kỹ năng và sự cạnh tranh ngày một gia tăng: trong đợt suy thoái kinh tế năm 1998, một số công nhân người địa phương đã bị giảm biên chế trong khi các công nhân nước ngoài làm việc tốt hơn vẫn giữ được công việc của mình, khác với năm 1985. Tương tự như vậy, nguồn công nhân không đòi hỏi tay nghề cũng đã gián tiếp góp phần vào việc gia tăng năng suất. Việc gia tăng số lượng lao động nữ từ 29% năm 1970 đến 53% năm 1999 cũng đã cung cấp hơn 228.000 nhân công trong ba thập niên qua.[77]

Con số này bao gồm 130.000 người giúp việc nhà, cho phép mỗi gia đình có thêm người thu nhập thứ hai.[78] Chính quyền giải thích hiệu quả ích lợi của việc có mặt những người lao động nước ngoài này, mặc dù các chính sách như vậy sẽ gây nên những mối lo âu cho cộng đồng người Singapore về triển vọng việc làm của họ trong tương lai cũng như việc cạnh tranh tăng lên về vấn đề nhà cửa.

Thị trường lao động linh hoạt

Thị trường lao động và chính sách tiền lương là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển của Singapore. Chính sách tiền lương đã được thay đổi theo từng thời gian: ban đầu người ta nhấn mạnh đến việc giới hạn tiền công để làm thế nào giải quyết tình trạng thất nghiệp cũng như đề ra công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu vào những năm đầu thập niên 1980, mở đường cho những hoạt động đòi hỏi tay nghề cao. Cơ chế của việc định giá tiền lương đã thay đổi theo thời gian (xem phần "Những định chế thị trường lao động" ở chương 4). Tuy vậy một hằng số đã được nhấn mạnh, đó là việc phân bố lao động một cách hiệu quả. Tiền lương và việc tuyển dụng đã được quyết định rộng rãi theo quy luật cung cầu của thị trường mà không hề có sự can thiệp của chính quyền hay áp lực từ những tổ chức lao động. Chính quyền phản đối việc can thiệp vào thị trường lao động nhân danh người công nhân. Bộ phận quản lý kinh tế nhà nước không hành xử như những ông chủ có thể cuối cùng nương dựa vào hoặc nhường bước trước những áp lực tạo ra cho những công việc có năng suất thấp. Singapore không có tiền lương tối thiểu theo pháp luật và điều này kèm theo những rủi ro tiềm tàng làm gia tăng tình trạng thất nghiệp của những công nhân chỉ làm ăn công và chưa có kinh nghiệm, và hiểm họa là các công ty đánh mất tính cạnh tranh và rời bỏ Singapore. Việc không phải đền bồi khi thất nghiệp cũng đã khuyến khích công nhân phải chấp nhận công việc trả lương thấp thay vì thất nghiệp, do đó, những công nhân có tay nghề rải đều khắp nơi trong nền kinh tế và góp phần hạ thấp tỉ lệ thất nghiệp. Singapore không giống các quốc gia khác, ở đây công đoàn không thể đơn phương tăng lương cho các thành viên mà bất chấp đến quyền lợi của những người khác trong xã hội. Thị trường lao động đã được hòa nhập. Không có sự phân biệt giữa nhóm nhỏ những công nhân được trả lương tương đối cao và là thành viên công đoàn với một nhóm lớn những người bị thất nghiệp hay bị đẩy vào những tổ chức không chính qui.

Chính sách tiền lương được các định chế và người dân ủng hộ đã đóng góp quan trọng cho những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tăng trưởng nền kinh tế. Đây là một yếu tố quan trọng cho việc đầu tư và dẫn đến những yêu cầu cao cho lực lượng lao động, buộc họ phải trau dồi tay nghề ngày một tốt hơn. Việc sử dụng lao động đựơc tạo ra dựa theo mức tăng trưởng của nền kinh tế thị trường. Chính sách tiền lương mềm dẻo đáp ứng nhu cầu của lao động, kết quả là người ta giới hạn những cuộc đình công trong thời buổi kinh tế suy thoái và phục hồi rất nhanh trở lại khi nền kinh tế tăng trưởng. Thị trường lao động linh hoạt đã khiến người ta có thể vận dụng tối đa những kỹ năng đã được đào tạo của nguồn tài nguyên con người. Việc thay đổi nhân viên ở các công ty đa quốc gia kết hợp với sự chuyển dịch nhanh của thị trường lao động, đã phổ biến tri thức một cách rộng rãi trong toàn ngành kinh tế, kết quả là lợi ích của việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài được lan tỏa khắp nơi. Chế độ tiền lương linh hoạt đã đóng góp nhiều vào việc phân bố nhân lực hiệu quả. Sự linh hoạt này ngày một tăng lên vì một phần các khoản lương đã tự động thay đổi thích ứng với sự hiệu quả của nền kinh tế và của từng cá nhân xí nghiệp.[79] Một thị trường lao động phản ứng linh hoạt và có hiệu quả đã truyền đạt những thông tin về chi phí tương đối. Người ta phân bổ lao động dựa theo lực lượng thị trường và áp đặt những kỷ luật cạnh tranh. Điều này cho phép dễ dàng tìm ra lao động có kỹ năng đáp ứng nhu cầu của mình. Các thành phần kinh tế phát triển nhanh nhất đều được trả lương cao và có năng suất cao nhất. Sự phân bố nguồn lực đã cải thiện ở trong từng công ty và trong từng ngành công nghiệp đóng góp chung vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Những kết quả đầy ấn tượng đã diễn ra sau đó. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 10% năm 1965 xuống còn 2% vào những năm 1990. Người ta đã bảo vệ công nhân bằng việc tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Tiền lương được gia tăng là vì nguồn cầu chứ không phải theo luật nhà nước hay luật của công đoàn. Mức lương trung bình tăng trưởng gần 5% mỗi năm từ năm 1973 đến năm 1997.[80] Xu thế gia tăng làm tăng tính linh hoạt hơn, kết quả đi theo một vòng tròn thuận lý.

Chính sách hợp lý của Singapore bao gồm việc nhấn mạnh đến cạnh tranh, sự tưởng thưởng cá nhân và những lợi ích riêng, đồng thời cho phép thị trường tự phân bố nguồn lực của mình. Điều này không thể nói rằng Singapore đã theo đuổi chính sách thả nổi hay không can thiệp mà đơn thuần vì người ta chỉ dựa vào cơ chế giá để phân bố nguồn lực nhiều hơn bất kỳ một xã hội nào khác. Đây là một nguyên nhân làm nên tính hiệu quả, thể hiện qua tình trạng giao thông luôn luôn thông suốt, việc chăm sóc sức khỏe chi phí thấp nhưng chất lượng cao, sự cạnh tranh cởi mở và sản xuất hàng hóa cho thị trường thế giới. Thị trường lao động linh hoạt đã đóng góp vào việc phân bổ hiệu quả ấy. Liên Xô ngày xưa, dù đã tiết kiệm rất cao nhưng tăng trưởng rất thấp, cho thấy tầm quan trọng của việc phân bố hiệu quả đầu tư của mình.

CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NGUỒN NHÂN LỰC

Sự khắc nghiệt của việc cạnh tranh trên cơ sở kinh tế thị trường đã được tưởng thưởng bằng việc đem lại cho người dân những cơ hội tham dự vào việc tăng trưởng kinh tế. Người ta được hưởng sự chăm sóc sức khỏe tốt hơn, nền giáo dục và việc đào tạo tại chức cũng đã trang bị cho con người, nam cũng như nữ, có thể tìm được những việc làm có thu nhập tốt. Tình trạng thất nghiệp được ghi nhận là thấp một cách đáng kể. Singapore đã tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội việc làm vì rất nhiều công việc của những năm đầu thập niên 1970 đã chuyển sang các nước láng giềng có chi phí thấp hơn. Việc tuyển dụng lao động cao và năng suất phát triển trong một nền kinh tế đang tăng trưởng đưa đến kết quả là đồng lương thực tế và sự tăng trưởng lợi tức vẫn tăng lên một cách đều đặn.

Giáo dục và đào tạo tại chỗ

Đầu tư vào nguồn vốn con người thông qua giáo dục và đào tạo tại chức là trọng tâm của chính sách này. Singapore đã nhấn mạnh đến yếu tố con người là tài nguyên duy nhất. Vậy là trẻ đăng ký vào học ở cấp 2 đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 1960 và 1965 để chuẩn bị cho lực lượng lao động trong lĩnh vực toán học và khoa học căn bản, đồng thời những trường dạy nghề đã được mở ra. Nhà nước đang cung cấp một nền giáo dục phổ cập và trợ cấp cho việc đào tạo. Họ nhấn mạnh đến cơ hội lớn lao cho tất cả mọi người hiện thực hóa tiềm năng của chính mình, bất kể đến tình trạng thu nhập của cha mẹ mình, thông qua những học bổng và những lộ trình tiếp cận các cơ hội được giáo dục để khai thác tài năng trong xã hội cho tất cả mọi người, bao gồm những trẻ em nghèo và thông minh. Singapore tự hào vì đã nêu gương cho sự năng động hướng thượng đầy ấn tượng. Triển vọng thực sự để thăng tiến của con em họ là một yếu tố quan trọng trong quá trình thương thuyết về lương bổng khi phải thuyết phục người lao động có ý thức tổ chức cần tôi luyện tính chiến đấu ban đầu.

Vào cuối thập niên 1960, chính quyền bắt đầu điều hành hệ thống giáo dục trên cơ sở quản lý kinh tế (ngược lại theo kiểu từ chương hay hội đoàn) nhằm mục đích tối ưu hóa sự tăng trưởng kinh tế trung hạn. Hai mục tiêu song song là: đào tạo những thợ thủ công lành nghề và những nhà kỹ thuật.

Singapore đang cần những người này để tăng trưởng công nghiệp, và để tránh biến họ trở thành những người tốt nghiệp với hy vọng là những nhà quản trị nhưng lại thất nghiệp. Việc mở ra con đường giáo dục được hợp lý hóa bằng hệ thống những kỳ thi có tính cạnh tranh, dựa trên thành tích học tập nghiêm túc.

Học sinh được hướng nghiệp về những lĩnh vực tùy theo năng lực. Một số thi vào các trường bách khoa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực kế toán cũng như kỹ sư ứng dụng. Mãi cho đến giữa thập niên 1980 vẫn không có sự mở rộng giáo dục đáng khích lệ nào: Chỉ có 10% những người trong độ tuổi từ 20-24 học ở các trường bách khoa hay đại học. Vì số lượng ít, do đó cho phép người ta có thể chi phí bình quân nhiều hơn cho một sinh viên, đóng góp vào chất lượng nền giáo dục. Những học sinh ít có năng khiếu về mặt chữ nghĩa thì theo học các khóa học kỹ thuật và hướng nghiệp. Chỉ sau 1985 thì nền giáo dục bậc cao mới có thể rộng rãi mở ra cho mọi người. Bản thân tăng trưởng kinh tế nhanh tạo nên nhiều nguồn lực hơn cho giáo dục. Ngoài ra, sự gia tăng dân số bị suy giảm đã giới hạn dân số trong độ tuổi đi học, thế nên cho phép người ta sử dụng nhiều nguồn lực hơn cho từng học sinh. Xã hội có khuynh hướng đưa ra những tiêu chuẩn cao và đòi hỏi trẻ em phải học hành chăm chỉ. Việc giáo dục bằng tiếng Anh cho tất cả mọi người đã giúp họ mở rộng các cơ hội. Singapore đã tránh việc đào tạo một số lượng lớn những người hoạt động trong các ngành nghệ thuật, những người rồi sau đó có lẽ sẽ gia nhập đội ngũ những người thất nghiệp có học. Sự can thiệp của nhà nuớc một cách chu đáo và có kế hoạch đã đem lại sự hỗ trợ kỹ thuật tối đa và giúp người ta kiểm soát được việc giáo dục theo nhu cầu hoặc giáo dục lộn xộn không thích hợp mà chúng ta vẫn thường thấy ở những quốc gia đang phát triển.[81]

Giáo dục đã gắn bó chặt chẽ với những chính sách công nghiệp. Các nhà máy hoạt động ở Singapore đang cần các công nhân lành nghề trong việc điều hành các hoạt động dây chuyền phức tạp và trong ngành công nghệ chính xác. Đào tạo tại chức cũng đóng một vai trò quan trọng chủ yếu. Các công ty đa quốc gia (MNC) làm việc chặt chẽ với chính quyền, công đoàn và công nhân để tổ chức các chương trình huấn luyện đáp ứng những nhu cầu cụ thể và yêu cầu tất cả những công nhân có năng lực kỹ thuật phải tham dự các khóa học này do chính họ lựa chọn. Chính quyền đã cung cấp những lợi ích về mặt tài chính cho các công ty đa quốc gia để họ tham dự vào các trung tâm đào tạo kỹ thuật. Nhân viên đã thụ hưởng những khóa đào tạo kỹ thuật từ những tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Các khóa đào tạo thì đặc thù nhắm vào mục đích bổ sung cho nguồn lực do các công ty đa quốc gia mang đến và đảm bảo việc sử dụng một cách hoàn hảo ngân sách giáo dục xét dưới lăng kính phát triển. Tuy nhiên, việc đào tạo cũng đủ bao quát, cho phép các công nhân có thể chuyển đổi thành công qua những công việc đòi hỏi cao hơn sau này. Jeiss, một công ty sản xuất các thiết bị chính xác về quang học của Đức, đã huấn luyện 4.000 sinh viên ở Singapore. Khi mà nhà máy suy thoái trước sự cạnh tranh đổi mới của người Nhật, nhiều người trong số các công nhân lành nghề này đã được Seagate tuyển dụng để sản xuất các ổ dĩa.[82]

Cơ hội giáo dục được mở rộng đến mọi người. Hệ thống giáo dục không hề có thiên kiến đối với phái nữ và còn cho phép họ gia tăng sự tham dự vào thị trường lao động. Vào năm 1999 phái nữ đã chiếm tới 43% trong hai trường đại học công. Tuy nhiên, như ở những nơi khác, con em của những gia đình mà cha mẹ ít học vấn thường gặp bất lợi khi đi học. Người ta đã nỗ lực rất lớn để cải thiện kết quả học tập của thiểu số người Malay, những người thích nền giáo dục trên cơ sở tôn giáo và một số đông con em các gia đình này đã tụt hậu. Việc mở ra những cơ hội rộng rãi cho mọi người tương phản với những quốc gia như Pakistan, nơi mà những thiếu nữ ở các vùng nông thôn thường không có điều kiện thích ứng để tiếp thu nền giáo dục có chất lượng.

Việc chia sẻ sự tăng trưởng bằng tái phân phối tài sản Đảng PAP khởi đầu là một đảng xã hội. Nó rút lui ra khỏi Quốc tế Xã hội vào năm 1976 trước sự đe dọa của Đảng Lao động Hà Lan khi bị cáo buộc là đàn áp họat động của các công đoàn độc lập và tự do báo chí. Nhưng nó tin vào việc chia sẻ tăng trưởng kinh tế một cách công bình. Được lãnh đạo bởi những người ôn hòa như ông Lý Quang Diệu, chủ nghĩa xã hội của nó thì không mang tính chất ý thức hệ. Cơ sở lý luận của nó là không chấp nhận các chính sách tái phân bổ lợi tức theo đường lối xã hội chủ nghĩa cấp tiến. Nó không ưa chuộng chi phí lợi tức kinh tế cao và tỷ suất thuế lợi tức có khuynh hướng làm suy giảm đạo đức lao động và sự tạo ra công ăn việc làm.

Đảng PAP hoàn toàn đối nghịch với một nền văn hóa lệ thuộc của những kẻ chỉ biết ngửa tay nhận tiền phúc lợi xã hội hay trợ cấp thất nghiệp, phải cảnh giác về việc làm suy thoái cơ cấu tổ chức xã hội và tin rằng giải pháp tạo ra các cơ hội rộng rãi cho mọi người cùng tham dự trong công cuộc tăng trưởng kinh tế là tuyệt vời. Mạng lưới hỗ trợ an toàn trong gia đình hay thông qua các tổ chức tự nguyện được ưa chuộng hơn. Nhà nước nhấn mạnh đến bình đẳng hóa trong việc đem đến các cơ hội trước đó chứ không phải lo toan hậu quả sau này. Việc tái phân bổ định kỳ những thặng dư tài chính tích lũy được đã diễn ra chủ yếu dưới hình thức gia tăng tài sản, đẩy cao những tài khoản trong quỹ dự phòng CPF, cung ứng hỗ trợ trong việc tăng cường tính công bằng ở lĩnh vực phân phối nhà ở hay phân bố các cổ phiếu của các công ty tư nhân hóa. Khi cổ phiếu của công ty Viễn Thông Singapore được đưa ra công chúng vào năm 1993, chính quyền đã cung cấp phần lớn những cổ phiếu này để bán bằng nửa giá thị trường cho tất cả các công dân trưởng thành.

Một trong những đặc điểm của tái phân bố gây ngạc nhiên theo truyền thống của chủ nghĩa xã hội cấp tiến đã diễn ra như là hiệu quả phụ của chính sách đất đai Singapore. Luật Sở hữu Đất đai (1966) cho phép nhà nước đảm bảo có đủ đất cần thiết để xây dựng các công trình công cộng như trường học, nhà thương, nhà ở cho nhân dân và xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm đường sá, kênh, công trình cấp thoát nước và hệ thống Chuyển tải Đại chúng Nhanh chóng (Mass Rapid Transit – MRT). Theo đạo luật này, đất đai do nhà nước và các công ty quốc doanh sở hữu đã lên đến con số 90% tổng số đất đai mà trước đây chỉ là khoảng 40% vào năm 1960. Ngoài việc chiếm giữ đất đai do quân đội Anh để lại, nhà nước được quyền giữ lại một phần giá trị đang tăng lên của đất đai Singapore từ các chủ cá thể bằng cách chỉ mua đất đai dưới giá thị trường. Vào cuối thập niên 1970, nhà cầm quyền đã tu chỉnh luật để có thể có thêm quyền lực sở hữu đất đai cho mục đích công cộng ở mức giá thời điểm ban đầu, sau đó cố định vào ngày 30/11/1973.

Người ta lý luận rằng những ông chủ đất đai tư nhân không thể kiếm lợi dựa vào việc tăng giá đất đai do sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng mà nhà nước phải trả cho các quỹ công ích.[83] Sau này người ta đã định kỳ chỉnh mức giá những năm cơ sở gần hơn bởi vì giá thị trường tiếp tục lên cao. Chính quyền đã cho thuê đất đai thuộc quyền sở hữu của mình để phát triển nơi cư trú, các trung tâm thương mại, các trung tâm kỹ nghệ trong thời hạn lên đến 99 năm.85 Lợi tức từ những khoản cho thuê này cho phép mức thuế thấp hơn mà lẽ ra nó phải cao hơn thế. Hình thức tái phân bổ của cải này không tạo nên sự kém phấn khởi trong nhân dân về việc tái phân bố lợi tức.

Chính sách khích lệ xã hội ở Singapore rõ ràng đã đem lại kết quả trong lĩnh vực nhà cửa công ích.[84] Từ năm 1960-1980, Ủy ban phát triển nhà ở (HDB) đã xây dựng gần 400.000 căn hộ với một tốc độ hết sức nhanh chóng. Một số lớn những người dân đã rời bỏ những căn nhà ổ chuột và khu xóm tồi tàn để chuyển vào những căn hộ mà ban đầu họ chỉ thuê nhưng dần dần họ sẽ mua từ HDB. Với mức lợi tức gia tăng theo thời gian, những ông chủ sẽ chuyển đến các căn nhà lớn hơn của HDB, bao gồm cả những căn hộ cao cấp hoặc là những dãy nhà trong chúng cư. Vào năm 2005, hơn 88% dân số đã sống trong các ngôi nhà do nhà nước xây nên và 93% đã sở hữu được nhà cửa của mình. Chính quyền đã tài trợ rất nhiều cho những khoản vay cầm cố và với giá mua những căn hộ của HDB cho phù hợp với mức thu nhập cụ thể của từng người.

Người ta tin rằng việc sở hữu những ngôi nhà làm tăng sự cam kết trong việc bảo vệ tổ quốc và hết sức quan trọng đối với sự đoàn kết quốc gia. Đấy là tài sản thế chấp cho sự đóng góp của họ, dân chúng phải làm việc và tiết kiệm. Chính mái nhà trên đầu họ đã biến những người làm thuê bơ vơ hờ hững trở thành những ông chủ gia đình có trách nhiệm với lợi ích rõ rệt nhất cho cộng đồng dân cư khi mà quyền sở hữu ngôi nhà trở thành quyền sở hữu cổ phần. Những ngôi nhà tạo nên nền tảng và hội đồng dân cư trong khu vực hành xử như một tổ chức cơ sở có liên hệ với chính quyền. Nhằm mục đích tăng cường sự đùm bọc lẫn nhau trong gia đình, chính quyền đã cấp nhà cho những đôi vợ chồng mới cưới, miễn là họ chọn sống trong phạm vi gần với gia đình với cha mẹ của mình. Những giới hạn sắc tộc trong cộng đồng dân cư đã không cho phép tập trung về mặt tôn giáo cũng như sắc tộc, khuyến khích sự phân tán các sắc tộc và cuộc sống sẽ trở nên đa dạng.

Theo như những nhận xét của Linda Low, Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan đã thực hiện những cải cách ruộng đất một cách cấp tiến dưới sự điều hành của một chính quyền mạnh mẽ. Điều này đặt nền tảng cho sự bình đẳng các cơ hội và tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia này. Ngược lại chính sách cải cách ruộng đất ở Philippines thất bại trước sự quản lý dân chủ kiểu Mỹ sau năm 1945 và những quyền lực phong kiến cát cứ vẫn tồn tại dai dẳng. Ở Singapore thì chương trình nhà ở công cộng về một phương diện nào đó giống như cải cách ruộng đất. Nó có thể được gọi là: "Thế giới vi mô của một nước Singapore do chính quyền tạo ra".[85]

THIẾT KẾ CHÍNH SÁCH HIỆU QUẢ

Những chính sách của Singapore quan tâm tới kỷ luật trong sử dụng ngân sách, dựa vào việc khuyến khích về mặt giá cả, và tạo ra những cơ hội cho mọi người tham dự vào sự tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra những chính sách được thiết kế rất khéo léo. Chính quyền giải quyết những hạn chế ràng buộc chủ yếu xuất hiện theo thời gian, làm sao cho chính sách thích nghi với điều kiện đang thay đổi và với hoàn cảnh của địa phương, cũng như thay đổi đường lối khi phát hiện ra những sai lầm đã xảy ra trong chính sách. Những chính sách được hoạch định một cách cẩn thận, chặt chẽ và đáng tin cậy. Ngay buổi đầu, không thể có chính sách tổng quát cho 40 năm sau nhưng có những nguyên lý nền tảng mà các chính sách phát triển từ đó.

Giải quyết những hạn chế ràng buộc

Trong những bài viết nói về sự phát triển gần đây, người ta nhấn mạnh là các quốc gia phải tìm cho mình con đường để hướng đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực phi truyền thống để tạo ra sự tiếp nối cho những chương sách phát triển thành công. Nếu không thì sự tăng trưởng sẽ bị suy tàn.[86] Schumpeter đã nhận ra rằng tiến trình tạo ra những nền công nghiệp mới và bỏ đi những nền công nghiệp cũ là một đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa tư bản.[87] Bằng cách giải quyết những hạn chế ràng buộc này, các chính sách kinh tế sẽ mở đường cho sự phát triển của những hoạt động đem lại lợi nhuận mới.

Lịch sử phát triển Singapore đã minh chứng cho tiến trình chuyển dịch sang những hoạt động có giá trị gia tăng cao như nâng cao năng suất, đem lại kết quả là sự chuyển hóa cơ cấu liên tục. Trong khi một số quốc gia, chính quyền tự giới hạn mình trong việc tạo ra một bầu không khí thích hợp cho các doanh nghiệp tư nhân khởi sự làm ăn, chính quyền Singapore đã chủ động kiến tạo những giai đoạn kế tiếp, chỉ đạo việc tái cơ cấu từng bước, bao gồm cả hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

Viêc thu nhỏ thị trường nội địa sau khi tách khỏi Malaysia đã đưa đến chiến lược nhập khẩu hàng thay thế, mà Singapore chỉ theo đuổi ít lâu, đã không còn tồn tại. Chẳng bao lâu thì thành phố – quốc gia trở lại với truyền thống lâu đời là một cảng tự do và những lợi điểm của thị trường quốc tế mở khiến cho mô hình thương mại kho – cảng trở nên hiệu quả. Thế nên trong suốt những năm 1967-1973, Singapore đã ủng hộ cho việc công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm gia công và có giá trị thấp như dệt may, bàn ghế, dụng cụ điện gia đình, sửa chữa tàu và những công việc lặp đi lặp lại đơn giản trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Tiếp sau đó đến giai đoạn tăng vốn với sự đầu tư vào công nghệ lọc dầu và hóa chất.

Những hạn chế trong suốt thời kỳ này là tinh thần doanh nghiệp nội địa đã không đủ tạo ra những việc làm cho số đông các công nhân thất nghiệp và tay nghề thấp. Tạo ra những điều kiện thuyết phục các công ty đa quốc gia (MNC) chuyển dịch đến cư trú ở Singapore là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Công ty Jurong Town vừa mới thành lập đã phát triển và điều hành bất động sản công nghiệp và cung ứng những nhà máy làm sẵn. Vào năm 1967, những ưu đãi về thuế đã được đưa vào để khích lệ xuất khẩu. Năm 1968, người ta đưa vào luật hỗ trợ giải quyết mối quan hệ hài hòa trong lao động cũng như điều hòa tiền công ổn thỏa, giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp. Các công ty đa quốc gia đã có lợi nhiều từ hạ tầng cơ sở được nhà nước cung cấp. Đầu thập niên 1970, người ta đã nhìn thấy những chương trình nhà ở công cộng phát triển nhanh chóng tạo nên việc làm và đóng góp vào sự ổn định của xã hội.

Thời kỳ 1973-1984 người ta nhắm đến việc tái cơ cấu lại kinh tế nhằm mục đích bắt kịp tiến bộ về kỹ thuật. Việc đạt được chế độ toàn dụng đã tạo ra những áp lực lên vấn đề lương bổng. Để có thể tiếp tục giữ vững sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đòi hỏi phải nâng cấp hàng xuất khẩu. Đầu tư vào những lĩnh vực đòi hỏi tay nghề và công nghệ bao gồm điện tử, vi tính, kỹ thuật máy móc chính xác và dược phẩm trở nên quan trọng trong việc tạo ra những giá trị tăng cao ở từng công nhân. Những chính sách đã ủng hộ việc chuyển dịch này: ưu đãi miễn thuế trong thời kỳ này đã khuyến khích việc đầu tư vào những hoạt động nâng cao tay nghề.[88] Những hạn chế trở thành người lao động có tay nghề làm hàng xuất khẩu giá trị cao. Những trung tâm đào tạo công nghiệp trợ cấp bởi nhà nước, được thiết lập kết hợp với các công ty đa quốc gia xây dựng nên những kỹ năng làm việc cho công nhân. Để khuyến khích những doanh nghiệp hướng về mục đích tự động hóa, một mức thuế đánh vào những lao động không có tay nghề từ nước ngoài đã được áp dụng vào năm 1978, việc tăng lương vượt năng suất trong thực tế đã được khuyến khích và sự đóng góp của giới chủ vào quỹ dự phòng quốc gia CPF đã nâng lên tới 25% của mức lương vào năm 1984.

Trong suốt những năm 1985-1997, Singapore đã nhắm đến việc đa dạng hóa kinh tế, theo từng lĩnh vực và phù hợp với địa lý. Sự kiện suy thoái 1985 đã đưa ra một mối hiểm nguy trong việc quá mức tập trung vào xuất khẩu ở một số lĩnh vực như điện tử và hóa chất. Singapore phải phát triển và tỏ ra cạnh tranh hơn trên một phạm vi rộng của những hoạt động. Trong lĩnh vực dịch vụ, trọng tâm chuyển từ việc tận dụng vị trí địa lý của thành phố – quốc gia và những kinh nghiệm thương mại sang mục đích phát triển một cách thành công vận chuyển đường hàng không, viễn thông, logistics, vận chuyển hàng hải và các cơ sở giao nhận hàng. Những dịch vụ thương mại và tài chính cũng được đẩy mạnh hơn, dựa theo thị trường hải ngoại bắt đầu từ năm 1968. Một thị trường trái phiếu dựa trên đồng đô la ở châu Á cũng đã được nhà nước tạo ra và sau năm 1985, trọng tâm là xây dựng công nghiệp quản lý tài sản nội địa nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào New York. Vào năm 1993 thì Singapore đã là nước chủ nhà của 115 ngân hàng nước ngoài. Ở thập niên 1990, người ta thấy trọng tâm hướng đến những phương tiện tổ chức hội nghị như thiết lập các trung tâm thương mại hoàn chỉnh. Ngành công nghệ sinh học và các công ty đa quốc gia khác đã được thu hút để đặt các văn phòng phụ trách địa phương ở các khu vực và những phương tiện hỗ trợ cho công việc R&D (điều nghiên và phát triển) đến Singapore. Những dịch vụ thương mại và tài chính phát triển lên đến 1⁄4 GDP.

Trong khi đó nền công nghiệp hóa chuyển dịch theo hướng tăng cường vốn và tay nghề, ví dụ như công nghệ chính xác và những khía cạnh phức tạp trong việc thiết kế phần mềm, ổ đĩa và dược phẩm. Một lần nữa, chính sách lại hỗ trợ cho thời kỳ chuyển giao này: chính quyền mở rộng các cơ sở giáo dục thu hút nhiều học sinh với thời gian học lâu hơn. Để giảm bớt "tính dễ tổn thương", Singapore cũng đã tìm nguồn thu nhập khác bằng việc giúp các công ty phát triển và vươn ra trong khu vực.

Thời kỳ sau năm 1997-1998, châu Á rơi vào khủng hoảng tài chính, Singapore lại phát triển hơn nữa để tiến tới một nền kinh tế tri thức có tính chất cạnh tranh toàn cầu và tiên tiến.[89]

Việc tái cơ cấu tiếp diễn nhằm mục đích đảm bảo tính cạnh tranh dài hạn. Công nghệ hóa chất, sinh hóa và dược phẩm được nhắm đến việc làm giảm bớt sự lệ thuộc vào ngành công nghệ IT xoay vòng vốn chi phí cao nhưng không ổn định với mức lãi ngày một giảm sút. Trong lĩnh vực điện tử và hóa chất vẫn có sự nâng cấp thường xuyên để đáp ứng những yêu cầu ngày một gia tăng. Singapore đã chuyển dịch để trở thành một trung tâm cách tân giảng dạy đại học, giáo dục kinh thương, đem lại các cơ hội, đầu tư vốn cho những thiết kế kỹ thuật, phát triển phần mềm và gần đây nhất là các phim trường truyền thông, công nghệ tái xử lý nước thải, lọc nước và những nhà máy xử lý thẩm thấu theo qui trình ngược. Singapore nhắm đến việc trở thành một giao điểm quan trọng trong hệ thống toàn cầu của con người và ý tưởng. Công nghệ truyền thông kỹ thuật số tương tác đã bắt đầu với sự xuất hiện của các công ty như Lucas Film và được dự báo sẽ sản sinh ra 3% tổng sản lượng thu nhập quốc dân (GDP) vào năm 2018. Công nghệ lọc nước, xử lý môi trường và công nghệ vi sinh học cũng được kỳ vọng tạo ra 40.000 việc làm mới vào năm 2015. Người ta đã nhấn mạnh đến những dịch vụ tiếp thị và thiết kế cũng như việc biến Singapore thành một điểm ưa chuộng cho các sự kiện quốc tế.

Ý định này cũng nhằm biến Singapore thành một trung tâm điều hành các ngân hàng tư nhân trong khu vực, trung tâm y khoa, giáo dục, bảo vệ sở hữu trí tuệ và du lịch. Những chính sách hỗ trợ cho việc chuyển dịch gần đây thông qua hàng loạt các biện pháp như sau: Singapore phát triển những cảnh trí của mình và những sự thú vị khác để hấp dẫn các nhà kinh doanh chuyên nghiệp nước ngoài và các công nhân lành nghề.

Lo lắng về sự lệ thuộc vào những thị trường khu vực, Singapore đã khuyến khích các công ty của mình đặt văn phòng ở những địa điểm bên ngoài khối ASEAN và châu Á, và cho phép các công ty Singapore thiết lập những quan hệ toàn cầu và cạnh tranh trên trường quốc tế. Để hỗ trợ cho sự tăng trưởng thương mại nhanh chóng, một loạt các thỏa ước thương mại song phương và Thỏa ước Hợp tác Kinh tế Toàn diện (Comprehensive Economic Cooperation Agreements – CECAs) đã hoàn tất với nhiều quốc gia bao gồm Tân Tây Lan (năm 2000), Nhật Bản (2002), Úc (2003), Mỹ (2003), Ấn Độ (2005), và Nam Hàn (2005), để bổ sung nỗ lực tiếp tục của Singapore nhắm tới việc tự do hóa mậu dịch khu vực và đa phương. Người ta nhấn mạnh đến tính sáng tạo, sự cách tân, tinh thần doanh nghiệp là những nguồn lực mới làm tăng năng suất.

Nhiều quốc gia đã hoạch định các chiến lược chính sách kinh tế một cách chặt chẽ với những chương trình cải cách cơ cấu nhằm giải quyết rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên thường thì những chính sách này thất bại khi tập trung giải quyết những hạn chế của nó, chủ yếu là vì lý do chính trị. Kết quả là hiệu quả tăng trưởng đã trở thành một điều thất vọng. Thay vì cố gắng giải quyết tất cả mọi việc cùng một lúc, người ta có thể đạt được những kết quả tốt hơn nếu chính quyền chẩn đoán được những ràng buộc chủ yếu mà nền kinh tế của họ phải đối đầu vào một thời điểm nào đấy. Tìm một chìa khóa xe đã mất trong đêm dưới ánh sáng ngọn đèn đường gần đấy, nếu người ta ngay từ đầu không quan tâm đến nơi mà chìa khóa bị mất, nhưng "Chỉ vì đó là nơi có đèn chiếu sáng" thì không thể nào khởi động lại máyđược. Nhà cầm quyền Singapore đã quan tâm đến việc vượt qua những trở ngại hết sức quan trọng hiện nay đối với sự tăng trưởng khi chúng phát sinh cùng với thời gian theo trình tự của những mục tiêu cải cách, vì mỗi thập niên lại có những thử thách mới.

Việc tăng trưởng đem lại thay đổi nhanh chóng trong thành phần cấu tạo xét về phương diện sản xuất, một phần nó được khích lệ bởi sự tập hợp lực lượng cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu, và điều này đã làm lợi cho nền kinh tế cởi mở cao độ của Singapore. Bản thân toàn cầu hóa cũng được kích thích khi những sách lược thành công của Singapore và các nền kinh tế Đông Á hiệu quả cao khác cũng đã được những nơi khác học hỏi và bắt chước. Singapore đã chứng tỏ sự thích nghi nhanh chóng và sự phục hồi nhanh, đáp ứng việc chuyển dịch của những ưu thế tương đối của một nền kinh tế từng bước vươn lên trên bậc thang giá trị, tận dụng tất cả những lợi điểm mà các công ty đa quốc gia có thể đem lại. Chính sách kinh tế đã giúp cho việc chuyển tiếp của giai đoạn giao thời này dễ dàng...

Sự thích nghi của chính sách thực dụng và sửa chữa sai lầm

Những chính sách được làm cho thích nghi và thậm chí sửa lại hoàn toàn khi tình hình thay đổi. Nhà nước thì dị ứng với rủi ro và tuyệt đối cẩn thận. Bắt đầu từ năm 1959, nhà cầm quyền đã không bỏ đi di sản của người Anh để lại trên đất nước Singapore, mà lại gìn giữ và cải thiện nó theo những gì mà họ cảm thấy hữu ích. Không có đề án chính sách nào cho 40 năm kế tiếp, nhưng những giá trị căn bản không hề thay đổi. Chính quyền phải sáng tạo và đổi mới, nhưng cũng phải linh hoạt trong nhiều lĩnh vực chính sách. Vào thập niên 1960, chính quyền đã khuyến khích các cặp đôi, cung cấp cho họ trợ giúp tài chính, giới hạn số con mà họ sinh ra là hai cho mỗi gia đình. Khi mà tỉ lệ sinh giảm nghiêm trọng đưa đến sự thiếu lao động và dân số ngày một già đi như vào năm 1986, chính quyền chuyển sang hành động hỗ trợ sinh sản – mà một số người nói rằng khá muộn. Câu khẩu hiệu trước đây "Dừng lại ở hai" trong chính sách quản lý sinh sản đã được thay thế bằng một lời động viên "Hai hay nhiều con trẻ cho mỗi gia đình nếu cha mẹ có phương tiện đem lại cho nó sự dạy dỗ và giáo dục có chất lượng". Chính sách giáo dục cũng đã thay đổi một cách thực dụng theo thời gian[90], tương tự như vậy là vấn đề giao thông và chính sách chăm sóc sức khỏe cũng đã thay đổi như thảo luận ở phần trên.

Đôi khi chính sách cũng thất bại, không như dự liệu. Khi người ta đánh giá đã phán đoán hay tính toán nhầm, nhà nước phải hành động chuyển hướng chính sách ngay. Một trong những trường hợp ví dụ hiếm hoi đã xảy ra vào đầu thập niên 1980, khi mà bản thân "Chính sách sửa đổi tiền lương" phải sửa đổi.

Trong suốt những năm từ 1973 đến 1980, chính sách giữ vững đồng lương trong tay đã khuyến khích các công nhân nước ngoài tràn vào với năng suất thấp. Điều này lập tức khiến người ta phải tái cơ cấu nền công nghiệp. Bắt đầu từ năm 1979, nhà nước đã sửa đổi những chính sách lương bổng thấp một cách cố ý này bằng việc khuyến khích tăng lương khi vượt năng suất, với hy vọng rằng điều này sẽ khích lệ các công ty chuyển dịch nhanh về hoạt động tăng cường vốn và giá trị cao. Chính sách về lương cao năm 1979 cổ vũ cho việc tái cơ cấu lại một cách muộn màng nền kinh tế của mình. Tuy nhiên thời gian mà các doanh nghiệp, các nhà máy phản ứng lại chậm hơn dự kiến rất nhiều. Mặc dù chính sách đã thành công trong việc khuyến khích giới chủ tái cơ cấu lại chi phí công nhân, nhất là khoản phải đóng góp cho quỹ dự phòng CPF, lại gia tăng nhanh chóng và về lâu dài đấy chính là sự đánh mất đi tính cạnh tranh, cuối cùng đó là một vấn đề.[91] Điều này làm trầm trọng hơn cuộc suy thoái năm 1985, và những chính sách ban đầu sau đó đã phải bỏ đi, nhằm hỗ trợ cho việc cắt giảm đáng kể tỉ lệ đóng vào quỹ CPF và việc chấm dứt hay giảm bớt thuế tuyển dụng. Năm 2005 chính quyền đã quyết định xây nên những khu nghỉ tổng hợp, đổi lại chính sách về lâu dài đối với các sòng bạc. Trong thành phố – quốc gia bé nhỏ này, luôn luôn có những khoảng cách mong manh cho những sai lầm và những chính sách phải được thiết kế nhằm mục đích phù hợp với tình hình đang thay đổi.

Chính sách được thiết lập phù hợp với điều kiện địa phương.

Mô hình chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái từ năm 1980 là một trường hợp cần phải nghiên cứu[92]. Vào thời gian đó, việc kiểm soát tỉ giá hối đoái đã dần dần được gỡ bỏ và Singapore đã hòa nhập một cách trọn vẹn vào thị trường tư bản toàn cầu: dòng chảy chênh lệch tỉ giá có nghĩa rằng Singapore có thể định ra mức danh nghĩa hoặc là tỉ suất lãi nội địa hoặc tỉ giá hối đoái, nhưng không thể cả hai.

Việc mở rộng tuyệt đối kinh doanh thương mại đã thuyết phục nhà cầm quyền phải vận hành những chính sách tiền tệ thông qua những thay đổi trong tỉ giá hối đoái danh nghĩa như một mục tiêu chung, với sự bình ổn giá cả nội địa như mục tiêu cuối cùng. Sự tràn ngập hàng hóa nhập khẩu có nghĩa là giá cả nội địa của Singapore đã tương đương với giá cả quốc tế nhân với tỷ giá hối đoái. Trong những điều kiện này, thì một chính sách dẫn đến việc tăng giá danh nghĩa đồng đô la Singapore sẽ có ảnh hưởng hữu hiệu đến việc làm giảm đi giá cả và chi phí nội địa, cho phép Ủy ban Giám sát Tiền tệ (MAS) vô hiệu mức độ lạm phát nhập khẩu. Cũng quan trọng không kém, một chính sách cố ý làm giảm đi giá trị đồng tiền của mình để khích lệ xuất khẩu thì có lẽ cũng không hiệu quả, bởi vì nó sẽ mở đường cho hàng hóa nhập khẩu thấp hơn giá cả trong nước và đồng lương trong nước. Thay vào đó Singapore đã dựa trên sự cải thiện năng suất để duy trì tính cạnh tranh.

Singapore có một hệ thống, một chế độ hối đoái hỗn hợp có thể kết hợp tính chất của ba hệ thống khác nhau. Đồng đô la Singapore là một đồng tiền thả nổi, như ở trong một chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt, nhưng chỉ trong một phạm vi không được tiết lộ. MAS tham gia – và khống chế – thị trường tỉ giá hối đoái, trên cơ sở cung cầu như thị trường đòi hỏi, để giữ tỷ giá không vượt ra ngoài biên độ – một đặc điểm nổi bật của hệ thống tỷ giá cố định. Cuối cùng trong một chế độ được quản lý tốt, MAS sẽ định ra phạm vi của tỷ giá theo từng thời điểm, xét đến áp lực của mức độ lạm phát hiện tại và trong tương lai. Nếu lạm phát bên ngoài – hay ở mức độ nhỏ hơn, chi phí đơn vị tiền công trong nước tăng theo sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ – đe dọa đẩy mạnh tình trạng lạm phát đến mức độ không thể chấp nhận được, biên độ tỷ giá hối đoái sẽ được nâng lên cho phép tăng giá đồng tiền danh nghĩa và như thế sẽ giữ được sự bình ổn về giá cả nội địa. Mặc dù tỷ giá hối đoái thường được ghi bằng đồng đô la Mỹ, nhưng MAS đã điều hành tỷ giá của đồng đô la Singapore và hoạch định chính sách dựa trên rổ tiền tệ trọng tâm mậu dịch không công bố.

Việc can thiệp chính thức của nhà nước vào thị trường tỷ giá hối đoái đã làm cho tỷ giá này luôn trong biên độ cho phép. Nếu nguồn vốn đầu cơ đổ vào đe dọa đồng tiền tăng giá thái quá, MAS sẽ vào cuộc bằng cách mua vào nguồn dự trữ ngoại tệ chính thức bằng việc bán đô la Singapore ra. Tương tự nếu hệ thống thanh khoản trong nước cạn kiệt gây ra do sự tiết kiệm cao dưới hình thức thặng dư ngân sách hay khoản đóng góp lớn lao cho quỹ dự phòng CPF, sẽ buộc MAS đáp ứng nhu cầu đòi hỏi đô la Sigapore bằng cách mua vào ngoại tệ để bổ sung thêm cho quỹ dự trữ chính thức của mình.

Hệ thống hoạch định theo cách này đã phục vụ Singapore rất tốt, cùng với nó tỷ giá hối đoái thực sự luôn mang tính cạnh tranh khi mà Singapore đã tránh được rất nhiều lần sự vượt giá, đặc trưng của chế độ tỷ giá hối đoái cố định thường phải chịu đựng tình trạng lạm phát trong nước. Trong sự thức tỉnh của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, chế độ hiện hành đã cho phép đồng đô la Singapore giảm giá so với đồng đô la Mỹ và những ngoại tệ chủ yếu khác, tuy vậy nó lại tăng giá so với những đồng tiền của các quốc gia láng giềng, mà những đồng tiền này đã bị mất giá sâu sắc bao gồm cả việc mở rộng biên độ cho phép. Sự lạm phát nội địa luôn được giữ bình ổn và sự tin tưởng của quốc tế đặt vào việc quản lý tiền tệ của Singapore vẫn được duy trì đến hôm nay. Việc cắt giảm chi phí không qui ước (Xem phần "Sự can thiệp cố ý của nhà nước" phần sau của chương này) có lẽ là điểm mấu chốt trong việc bổ sung cho chính sách tỷ giá hối đoái.

Chặt chẽ và có thể dự báo được

Một số quốc gia đã có sự tăng trưởng đáng thất vọng chỉ vì sự thiếu chặt chẽ trong chính sách. Daran Acemoglu đã đề cập đến cái gọi là hiệu quả "seesaw" (hay là bấp bênh): một hiệu quả có lợi do thực hiện chính sách giúp "nâng cao" nền kinh tế bị triệt tiêu bằng một biện pháp hủy hoại trong một lĩnh vực chính sách khác "ức chế" nền kinh tế.[93] Một số quốc gia đã mở rộng kinh doanh thương mại quốc tế bằng cách hạ thấp thuế nhập khẩu nhưng thất bại trong việc phục hồi lợi tức bị mất đi ở ngân sách bằng việc mở rộng phạm vi đánh thuế nội địa. Một số khác chủ ý cho phép lãi suất trong nước hạ thấp để tìm thấy sự cân bằng do thị trường quyết định mà không xem xét đến chi phí cao trong việc trả các khoản nợ của nhà nước. Một ví dụ khác là người ta thực hiện những điều chỉnh cần thiết về mặt tài chính bằng cách cắt giảm đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe căn bản hay chi phí cho giáo dục. Đây là một rủi ro cho nhà cầm quyền đã cam kết thực hiện những chương trình phúc lợi lớn lao, ví dụ như chuyển lợi tức, những khoản phụ cấp ngoài kế hoạch và việc tuyển dụng dư thừa nhân sự cho bộ phận hành chính công.

Ngược lại kinh nghiệm phát triển của Singapore đã cho ta nhiều minh chứng về những chính sách rất chặt chẽ. Những chính sách này đã được kiến tạo một cách cẩn thận để có thể tăng cường hỗ trợ lẫn nhau tạo nên một vòng thuận lý.[94]

Trước hết, nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, (FDI), chính sách lương bổng linh hoạt và chặt chẽ, tạo ra công ăn việc làm, giáo dục, và kết quả của sự tăng trưởng kinh tế tất cả đều kết hợp chặt chẽ trong mối liên hệ nhân quả hỗ trợ qua lại theo nhiều hướng khác nhau. Do đó, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài có thể thực hiện được nhờ vào chính sách lương bổng và giáo dục. Nó tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. Rồi đến lượt sự tăng trưởng này hỗ trợ cho mối quan hệ lao động thân thiện. Đồng lương thực tế gia tăng đều đặn và người công nhân có quyền mua những căn nhà giá thấp và hấp thụ giáo dục, đóng góp vào sự bình ổn chính trị và công nghiệp, cũng như giữ những đòi hỏi lương bổng ở mức độ vừa phải, tất cả tạo nên sự bình ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Vì đã đạt được sự tăng trưởng và có việc làm nên người dân không có những ác cảm rõ rệt với lao động và tư bản của nước ngoài.

Hai là tỷ lệ lạm phát nội địa thấp đã hỗ trợ cho sự cạnh tranh trên thương trường quốc tế, cho phép chính quyền vay mượn với chi phí thấp thông qua quỹ dự phòng CPF và thuyết phục những người tham dự quỹ này tin tưởng rằng sức mua của những khoản tiết kiệm tích lũy được của họ sẽ không bị suy giảm. Nó tạo nên niềm tin vào giá trị của đồng đô la Singapore, cho phép lĩnh vực tài chính phát triển, và chính là công cụ duy trì kỷ cương trong lương bổng. Sự bình ổn của nền kinh tế vĩ mô đã đem lại nền tảng vững chắc cho phép người ta tiếp cận không hạn chế đối với ngoại hối và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Những chính sách có thể tiên liệu và được tin tưởng vì chặt chẽ. Những điều kiện thương mại sa sút qua cuộc khủng hoảng dầu hỏa đã được giải quyết thông qua việc điều chỉnh những khoản chi xuống một mức thu nhập khả dụng thấp hơn. Vấn đề tài trợ được giới hạn bằng việc rút dần một khoản hạn chế những tài sản đã tích lũy từ tiết kiệm ban đầu và không làm phát sinh tình trạng công nợ. Do đó, nền kinh tế đã hồi phục mạnh mẽ nhanh chóng và các nhà đầu tư giữ vững lòng tin. Có sự liên tục đáng kể trong những nguyên tắc chủ đạo và trong việc hoạch định chiến lược kể từ năm 1965, tuy rằng đã có những thay đổi quan trọng diễn ra một cách thực tiễn nhằm đáp ứng lại bối cảnh kinh tế thế giới đang phát triển. Những chính sách ấy về mặt chính trị thì hết sức bình ổn dựa vào mối quan hệ hợp tác và sự tin tưởng lẫn nhau giữa chính quyền và những tổ chức kinh tế chủ yếu. Sự hồi phục và thích nghi một cách đáng nể đối với những khủng hoảng từ bên ngoài hay những thách thức từ bên ngoài đã đem lại những điều lợi cho chính nó, thành công nay lại mở lối cho thành công khác.

BỐN NGUYÊN TẮC CĂN BẢN

Khuôn khổ chính sách của Singapore là yếu tố chủ yếu dẫn đến sự thành công vượt bậc của quốc gia này. Bốn nguyên tắc rộng rãi đã được nhận diện là: (i) kỷ luật sử dụng ngân sách đã giúp phát sinh ra những khoản tiết kiệm và tạo dựng nền tảng cho sự bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo cảm hứng cho sự tự tin; (ii) việc sử dụng trợ giá trong những lĩnh vực then chốt, ví dụ như chăm sóc sức khỏe, giao thông và thị trường lao động, cũng như hội nhập với thị trường toàn cầu đã hỗ trợ cho việc phân bố các nguồn lực một cách hiệu quả; (iii). Những cơ hội tham dự vào việc tăng trưởng kinh tế được tạo ra và chia sẻ rộng rãi trong dân chúng bằng cách đẩy mạnh năng suất của người dân thông qua tình trạng sức khỏe tốt đẹp, nền giáo dục ưu việt và nhà cửa khang trang; và điều thứ tư (iv) chính sách được hoạch định một cách chu đáo. Chính sách đã tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu năng động bằng cách giải quyết những ràng buộc về đầu tư cá nhân trong những hoạt động sinh lợi mới, thích nghi với những điều kiện đang thay đổi theo thời gian, xem xét tới những yếu tố địa phương, và hết sức chặt chẽ. Tất cả bốn nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi với những chính sách khác đã giúp cho Singapore tích lũy được những yếu tố sản xuất rất cao và năng suất gia tăng, ở trường hợp Singapore, là sự tập trung vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn tiếp tục đổ vào.

Ở phần trên, chúng ta đã làm rõ bốn nguyên tắc bao quát chính sách này, và cũng vừa minh họa trường hợp đặc thù của Singapore, đã đem lại một chuẩn mực hữu dụng cho các quốc gia khác tự đánh giá chính sách kinh tế của chính họ và sự đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù người ta còn có thể tranh cãi về mức độ và tầm vóc, ví dụ như tiết kiệm, thì bản thân những nguyên tắc này đã đủ tính phổ quát, không cần tranh cãi.[95] Một yếu tố then chốt trong các chính sách kinh tế của Singapore mà giờ đây chúng ta quay trở lại thì ít được áp dụng thường xuyên.

SỰ CAN THIỆP CÓ CHỦ Ý CỦA NHÀ NƯỚC

Ở Singapore, thành phần kinh tế nhà nước chứ không phải tư nhân bản địa là động lực cho sự phát triển. Một bàn tay vô hình phụng sự cho những phúc lợi chung thông qua tư lợi được dẫn dắt bởi một bàn tay hữu hình mạnh mẽ của nhà nước thông qua một sự can thiệp đầy thiện ý.[96] Không có nguyên tắc nền tảng cho một thị trường không định hướng hay phi can thiệp.

Thay vào đó chính quyền đã cùng làm việc với thị trường: họ không bỏ mặc hay chỉ đạo nó. Goh Keng Swee, người trước đây là kiến trúc sư mô hình kinh tế của Singapore không hề thấy mâu thuẫn giữa việc cổ vũ những nguyên lý thị trường tự do và tán thành sự can thiệp hữu hiệu của nhà nước khi cần thiết.

Chính quyền của đảng PAP đã can thiệp mạnh mẽ khắp các lĩnh vực kinh tế. Họ hoạch định những chiến lược dài hạn cho đất nước như thể bản thân họ là một công ty. Việc thực hiện kế hoạch kinh tế chủ yếu bắt đầu từ năm 1960 cùng chuyến viếng thăm của tiến sĩ Albert Winsemius và định kỳ sau đó ông đã đưa ra khuôn khổ cho những chính sách kinh tế. Những lực lượng hành động và những ủy ban tư vấn kinh tế rải rác trong suốt 40 năm qua, đã đưa ra những mục tiêu cụ thể và định lượng. Chính sách đã được đúc rút một cách có phương pháp để giải quyết các vấn đề cụ thể. Những mục tiêu được định lượng nhằm đạt được tại một thời điểm tương lai là chuẩn mực cho phép người ta điều hành chính sách đúng đường lối. Cuộc tranh cãi về tổng yếu tố sản xuất TFP vào giữa thập niên 1980 đã khai sinh ra một ủy ban mới, được giao nhiệm vụ rõ ràng phải đảm bảo sự tăng trưởng TFP đạt tối thiểu 2% mỗi năm.

Vào năm 2002, một kế hoạch phát triển khoa học đời sống mà mục tiêu quy định rõ là "ít nhất 15 công ty hàng đầu thế giới" sẽ thiết lập văn phòng khu vực của họ ở Singapore vào năm 2010, đây là một mục tiêu cụ thể đáng kể. Có ba khía cạnh cần phải nêu lên.

Vai trò doanh nghiệp

Đầu tiên bản thân nhà nước sẽ đóng vai trò của doanh nghiệp thông qua các công ty quốc doanh. Nhà nước sẽ hành xử với tư cách vừa là người đề ra nghị trình, vừa là người thực hiện cái nghị trình ấy.[97] Một phần quan trọng trong hoạt động kinh tế của Singapore đã được điều hành bởi các ủy ban pháp định của nhà nước hoặc các công ty do nhà nước quản lý, lên đến hàng trăm.[98] Ngoài ra nhà nước đã cho phép sử dụng số tiền tiết kiệm lớn lao từ Quĩ dự phòng CPF. Chính quyền đã dùng các công ty quốc doanh (GLC) trong nỗ lực đa dạng hóa quan hệ thương mại và thoát ra khỏi lề lối thương mại kho – cảng để chuyển đến các lĩnh vực mới như đóng tàu, ngân hàng và đồ điện tử.

Họ cũng sử dụng các công ty này như là đối trọng cho sự lệ thuộc của Singapore với các công ty đa quốc gia (MNC), trong khi vẫn nhấn mạnh đến việc điều hành độc lập. Nhiều công ty quốc doanh, như Hàng không Singapore, đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán, mặc dù một phần ở trong tay tư nhân. Trong số các công ty quốc doanh chủ yếu khác, công ty Yurong Town đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực xây dựng và quản lý công nghiệp, thương mại và khoa học, do đó cung cấp những hỗ trợ cho các công ty đa quốc gia mới gia nhập. Công ty Công trình Công cộng (PUB), Cảng vụ Singapore (PSA) và Ủy ban Phát triển Nhà ở (HDB) đóng vai trò then chốt.

Singapore cũng như nhiều quốc gia tiên tiến đang phát triển khác chia sẻ vai trò nặng nề của nhà nước trong rất nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế, đấy là điều mà cách đây 25 năm người ta vẫn không xem là bất thường. Ở Singapore, như ở nhiều quốc gia khác, các công ty nhà nước đã dần dần được tư nhân hóa.

Tuy nhiên thường thì các công ty nhà nước ở những nơi khác thất bại trong việc chứng minh khả năng sinh lợi hoặc giữ gìn kỷ luật trong chi tiêu ngân sách, và tìm thấy động lực, điều này khác với Singapore, nơi mà các công ty quốc doanh không chỉ có mục đích tạo công ăn việc làm hay là phụng sự xã hội. Nhiều công ty quốc doanh (GLC) đã liên tục ghi nhận những kết quả kinh doanh tài chính mạnh mẽ của mình. Trong số các công ty nổi tiếng và có lợi nhuận cao nhất ở Singapore, là những GLC như Hàng không Singapore, Công ty viễn thông Singapore, ngân hàng DBS, Công ty Keppel, và Công ty Sembcorp. Một báo cáo được công bố về công ty cổ phần Temasek Holdings, một trong bốn công ty cổ phần hàng đầu của nhà nước, đã cho thấy tỷ suất lợi nhuận cổ đông lên tới 18% hằng năm trong suốt 31 năm qua, mặc dù một phần do sự khủng hoảng tài chính châu Á và sự biến thiên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, tỷ suất lợi nhuận đã thấp hơn trong vòng 5-10 năm qua.[99] Hàng không Singapore đã từ lâu được xếp vào một trong những công ty được ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Thành công của nó do sự điều hành của đội ngũ lãnh đạo ưu tú và việc điều hành của công ty dựa trên những nguyên tắc thương mại vững chắc của một pháp nhân tự trị sinh lợi nhuận. Ở một thời điểm nào đó, nhà nước đe dọa đóng cửa các công ty nếu như ban lãnh đạo và công đoàn thất bại trong việc hợp tác hoặc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tạo ra lợi nhuận.

Sự can thiệp có chọn lọc

Khía cạnh thứ hai là sự can thiệp có chọn lọc. Singapore, trong khi mở cửa rộng rãi cho các nguồn vốn nước ngoài, vẫn lèo lái một cách có chọn lựa. Nhà nước đóng vai trò then chốt, ngoài việc tạo mọi thuận lợi trong việc hướng dẫn đầu tư của tư nhân theo những phương hướng chiến lược. Công cụ chủ yếu của nhà nước sử dụng là giảm thuế và những khích lệ về tài chính bao gồm việc miễn thuế lợi tức trong 5 đến 10 năm và những điều khoản về đất đai được trợ giá cho những hoạt động đặc biệt.

Lý luận kinh tế cho thấy sở dĩ có sự nhượng bộ này là vì nhà đầu tư trực tiếp của nước ngoài phải tạo ra những lợi ích bổ sung cho Singapore và điều này không hẳn đã phản ảnh trong lợi nhuận của họ. Những điều kiện thuận lợi bên ngoài bao gồm việc chuyển giao kiến thức mạnh mẽ trong các xí nghiệp và một tập hợp các công ty địa phương được chuyên môn hóa sẽ trở thành những nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia (MNC) gia nhập liên doanh với họ và những cơ hội để nắm bắt việc mở rộng hiệu quả kinh tế quy mô lớn một cách năng động, là kết quả của việc học hỏi.

Làm thế nào mà chính sách công nghiệp của Singapore lại có thể tránh được những vết xe đổ đã làm cho các quốc gia khác rơi vào? Đầu tiên việc giảm thuế đã không làm suy giảm lợi tức của nhà nước, mà còn đem lại vị trí mạnh mẽ về mặt tài chính. Ngoài ra, EDB (Ủy ban Phát triển Kinh tế) đã gia nhập liên doanh với một số nhà đầu tư nước ngoài, gặt hái một phần lợi nhuận. Điều này cũng làm lợi cho ngân sách của Singapore. Hai là việc giảm thuế có điều kiện dựa theo hiệu quả hoạt động đã diễn ra từ 1967, Singapore đã giảm một cách đáng kể thuế lợi tức của doanh nghiệp dựa theo lợi nhuận thực tế của nhà sản xuất đã được chấp thuận từ 40% xuống còn 4% trong 15 năm, miễn là các sản phẩm làm ra phải được xuất khẩu: những công ty này phải đáp ứng sự kiểm tra của thị trường thế giới. Thứ ba là con đường phát triển mà các công ty đa quốc gia được mời gọi – ban đầu chú trọng đến gia công, sau đó là tăng vốn và nâng cấp công nghệ cũng như đa dạng hóa là bước tiếp theo – tất cả đều phù hợp với những ưu điểm tương đối mà Singapore đang phát triển.[100] Sản xuất những mặt hàng có giá trị vốn cao phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường. Bốn là số lượng các dự án được nâng cấp đi chệch hướng thì dường như tương đối nhỏ.[101] Tỷ lệ thành công cao phần nào phản ánh bản chất của hệ thống chính trị, đảm bảo là những hoạt động tìm kiếm những đặc quyền đặc lợi đã không quyết định doanh nghiệp hay lĩnh vực kinh tế nào được hưởng ưu đãi.[102] Những bước phát triển có chủ đích của Singapore đã kích thích một số lĩnh vực mới phát triển trở nên hiệu quả. Kể từ năm 2000, lĩnh vực y sinh học đã phát triển nhanh chóng, trở thành ngành công nghiệp trị giá 18 tỷ đôla Singapore; đóng góp 5% GDP vào năm 2005. Việc chọn lựa trước những người chiến thắng có thể thất bại. Chính quyền đã hết sức thận trọng trong việc hỗ trợ, ý thức về những rủi ro khi phân bố ngân sách cho nghiên cứu và phát triển chiến lược (R&D).

Việc can thiệp phản chu kỳ

Khía cạnh thứ ba là Singapore nhờ vào việc can thiệp trực tiếp phản chu kỳ bất thường trong thời gian diễn ra những yếu tố bất lợi bên ngoài, như cuộc khủng hoảng tài chính của châu Á vào năm 1997. Lý do được đưa ra là chính sách tiền tệ tỏ ra bất lực và những chính sách về tài chính thì chỉ có hiệu lực hạn chế trong việc kích cầu: tỷ lệ nhập khẩu cao trong nền sản xuất tại địa phương nhanh chóng làm bão hòa những động lực tài chính để phát sinh thêm mức cầu – từ bên ngoài. Tuy nhiên, Singapore vẫn có một giải pháp, nói hình tượng là một mũi tên trong cái túi đựng tên của mình mà các quốc gia khác không có. Chính quyền trực tiếp can thiệp vào việc tạm thời hạ thấp chi phí của doanh nghiệp ở Singapore dựa trên quyền lực của mình đối với dịch vụ tiện ích công cộng và hạ thấp tỷ lệ đóng góp của giới chủ vào quỹ dự phòng (CPF). Những phương pháp can thiệp trực tiếp này như đã diễn ra vào năm 1998 hỗ trợ giảm bớt chi phí thực tế và khiến các công ty đa quốc gia an tâm về sự cam kết của nhà nước trong việc giúp họ duy trì tính cạnh tranh toàn cầu. Người ta đã tránh được việc phải sa thải nhân viên hay rơi vào tình trạng suy thoái một cách dễ dàng hơn các quốc gia khác.

Ở những nơi khác sự làm giảm giá trị đồng tiền danh nghĩa một cách đáng kể thường là biện pháp cuối cùng và duy nhất, nếu xét về sự suy giảm của đồng lương danh nghĩa eo hẹp, thường là kèm theo tỉ lệ lạm phát cao như một hiệu ứng phụ không mong muốn. Ngược lại Singapore đã dùng phương pháp can thiệp trực tiếp theo ý mình. Ngoài ra, trong cấu tạo của đồng lương luôn luôn có sự linh hoạt, vì một phần đồng lương của người công nhân đã được tự động hạ xuống nếu như sự tăng trưởng sản lượng kinh tế nội địa (GDP) không đạt được mục tiêu đề ra. Kết quả là Singapore đã chỉ phải trải qua kinh nghiệm đồng tiền bị mất giá nhẹ hơn mức yêu cầu – một kết quả thuận lợi vì nếu việc đồng tiền danh nghĩa mất giá bị triệt tiêu do giá hàng nhập khẩu tăng lên trong một nền kinh tế mở cao độ có thể sẽ làm suy giảm sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Phương pháp can thiệp trực tiếp đã giúp nền kinh tế Singapore trở lại con đường phát triển của nó vào giữa năm 1999.[103]

Việc can thiệp của nhà nước ở nhiều quốc gia khác đã thất bại bởi vì họ hoạt động trong một môi trường thiếu nguyên tắc lành mạnh căn bản như là kỷ luật sử dụng ngân sách, việc phân bổ nguồn lực hiệu quả trên cơ sở thị trường, đội ngũ công chức đầy năng lực, chia sẻ những cơ hội tăng trưởng kinh tế một cách rộng rãi. Vai trò của chính quyền trong chính sách đầu tư sẽ không cản trở sự tăng trưởng bền vững nếu như nó hỗ trợ sự phát triển hiệu quả hướng về xuất khẩu. Lập kế hoạch không nhất thiết luôn luôn thất bại. Trong nhiều trường hợp, việc can thiệp của nhà nước ở Singapore được vận hành cực kỳ xuất sắc.

Tuy vậy, sự phát triển nhanh chóng của các công ty nhà nước và các ủy ban pháp định, cũng đã gợi lên mối quan ngại khác, ví dụ như tham dự quá nhiều vào các ngành công nghiệp phi chiến lược, bỏ ra ngoài những công ty tư nhân nhỏ bé đang chen chúc thị trường và ngăn cản sự phát triển của một số lượng đông đảo các công ty tại địa phương đang phát triển.[104] Đôi khi ta cũng nghe được những lời phê bình khác, đó là những lời phản đối rằng các công ty nhà nước hoạt động tệ hơn các công ty thuộc thành phần kinh tế tư nhân, vì các nhà lãnh đạo của nó chỉ là các công chức, những người thiếu hẳn sự nhạy bén của nhà kinh doanh hoặc không đủ cảm quan nhận thức chấp nhận liều lĩnh.


[45] Ngân hàng Thế giới (2005b) trang 7-10

[46] Như giải thích sau đây, phương pháp chính thức mà chính quyền áp dụng là tập trung chủ yếu vào một biến số trong "sự cân bằng kết quả chủ yếu" chứ không phải dựa trên sự cân bằng tổng thể. Thâm hụt ngân sách thì thường xuyên, nếu phương pháp chính thức được sử dụng

[47] Sự lựa chọn sắc sảo một định nghĩa nhằm giải thích cho mục tiêu đường lối sử dụng dễ dàng khoản tiết kiệm lớn lao đóng góp vào phần dự trữ tích lũy của nhà nước từ năm này sang năm khác, và mục tiêu chính trị cho phép nhà cầm quyền kêu gọi bằng một phần của khoản "thặng dư" ấy đã được "đưa trở lại vào nền kinh tế để phát triển cơ sở hạ tằng" hay "chia sẻ cho những nhóm người thu nhập thấp trong nhiều năm vào việc chăm sóc sức khỏe hay giáo dục". Và một phần của tiền thuế thu được "chuyển trả cho nhân dân bằng những phúc lợi như là cổ tức thu được từ tăng trưởng kinh tế."

[48] Ngân hàng Thế giới (2005b) t. 102

[49] Hưu bổng công chỉ dành cho những ai giữ chức vụ chính trị, các nhà tư pháp, công chức cấp cao và sĩ quan quân đội

[50] Ngoại lệ bao gồm các nước Bắc Âu như Phần Lan, nơi một bộ phận lớn thành phần kinh tế nhà nước cũng phải tham gia cạnh tranh quốc tế.

[51] Mukul Asher (2002) trang 403, tranh luận ý niệm cho rằng gánh nặng về thuế má thì tương đối thấp ở Singapore. Theo quan điểm của ông, thu nhập nhà nước từ việc cho thuê đất không nên xếp vào thu nhập vốn, mà xem như một dạng thu từ thuế vì hiệu quả kinh tế của nó cũng tương đương thuế hàng hóa nội địa. Thu nhập mà nhà nước thu được từ những nhà thầu sau khi đấu giá thành công quyền sử dụng đất trong một thời gian qui định nào đó được phân đều từng năm và phản ảnh trong chi phí xây dựng và những quyền sử dụng đất khác. Tuy vậy, người ta vẫn có thể phản biện rằng một phần trong thuế thu nhập doanh nghiệp là do các pháp nhân kinh tế nhà nước trả, bao gồm các công ty quốc doanh

[52] Jang và Nakabayashi (2005), trang 16. Thông tin toàn diện về giá trị thị trường của những tài sản nhà nước thì không công bố, điều này cũng ảnh hưởng đến các dự toán

[53] Nếu thu nhập từ cho thuê đất được xếp lại vào thu nhập hiện hành, tiết kiệm nhà nước sẽ tăng lên và tương ứng với nó là sự giảm đi một khoản tương ứng ở khu vực kinh doanh. Sự phân biệt giữa những khoản chi hiện tại và khoản chi vốn của nhà nước có thể là độc đoán và có thể thiên về khoản tiết kiệm của chính quyền trung ương

[54] Tính toán của các nhà kinh tế trong MAS cho thấy khu vực kinh tế nhà nước tiết kiệm khoảng 10% GDP trong giai đoạn 1990-2001 (MAS – (2004), t. 6) Tiết kiệm gia đình tương đương 9% GDP, bao gồm 2,5% GDP tiết kiệm dưới hình thức đóng góp đơn thuần vào tài khoản CPF (IMF (2005), t. 13). Tiết kiệm – được định nghĩa là khấu hao và lợi nhuận giữ lại – của thành phần doanh nghiệp tư nhân lên đến con số 16% GDP trung bình trong suốt thời gian này

[55] Asher (2002), t. 418

[56] Ủy ban Giám sát Tiền tệ Singapore – MAS (2004), t. 6, xem Lim Chong Yah (2004), t. 373, trên giả thuyết đường cong -S khi phân loại các quốc gia

[57] Để có cái nhìn tổng quát về CPF, xem Cardarelli (2000), Asher (2004) và trang web của CPF:http://mycpf.gov.sg/CPF/About-us.htm

[58] Bercuson (1995) t. 47 và MAS (2004), t. 9

[59] Về minh chứng ở Singapore cho thấy trị giá tương đương từng phần Ricardian (2002) t. 384 vì kết quả trao đổi này được ghi nhận nhiều trong sách vở, xem Bercusson (1995), t. 47 và Peebles (2002) t. 384

[60] Lim Chong Yah (1998), các trang 203-4

[61] Ủy ban Giám sát Tiền tệ Singapore (2003)

[62] Smith (1776) Quyển IV, Chương 2, đoạn 9

[63] Austin (2004)

[64] Tay (1996) t. 318

[65] Mười một xe hơi trên 100 dân. Nguồn: Ủy ban Giao thông đường bộ (2004)

[66] Tiền cước taxi ở Singapore năm 2003 chỉ bằng 1/3 ở New York và ít hơn so với cước tại London. Xem Ủy ban Giao thông đường bộ, Singapore (2004). Phân tích những khác biệt không nằm trong phạm vi cuốn sách này, nhưng sự khác nhau về giá nhân công và hiệu quả tổng thể của nó có lẽ là những yếu tố đầy ý nghĩa. Tài xế taxi có thu nhập tương đương khoảng 40 đô la Mỹ cho một ca (10-12 tiếng)

[67] Tay (1996)

[68] Tuy nhiên, Tan Ling Hui (2003) vạch rõ rằng việc áp dụng thực tế hệ thống quota nhập xe đã đem lại một số kết quả lệch lạc không lường được. Số giấy phép (COE) được cấp chủ yếu cho một số loại xe khác nhau. Thông tin cần thiết để tối ưu hóa việc phân loại xe theo hệ thống hiện hành là một điều cấp thiết, và người mua xe rẻ tiền, nhỏ phải trả một số tiền bất hợp lý không tương xứng so với những người sở hữu các loại xe xa xỉ, đắt tiền

[69] WHO – Tổ chức Y tế Thế giới (2006). Bản phụ lục. WHO đã phát triển chỉ số HALE (health – adjusted life expectancy – sức khỏe – kéo dài tuổi thọ) như một cách đo lường ngắn gọn tình hình sức khỏe một quốc gia. Nên nhớ rằng nước Mỹ có một dân số tương đối hơi lớn tuổi và do đó nhu cầu thuốc men lớn hơn Singapore, cũng như những chỉ số khả quan hơn về tỷ lệ tử vong do những bệnh như ho lao. Ngược lại, vị trí địa lý ở vùng nhiệt đới đã khiến môi trường ở Singapore tệ hơn nhiều trong cuộc chiến đấu chống những bệnh truyền nhiễm

[70] Lý Quang Diệu (2000) t. 127

[71] Tỷ lệ đóng góp cho quỹ CPF thay đổi thường xuyên và biến động tùy theo tuổi tác và loại đối tượng tham dự. Tổng mức đóng góp cho quỹ CPF tính vào ngày 1 tháng 1, 2006 là 33% tiền công (tính đến mức thu nhập hàng tháng là 4.500 đô la Singapore) cho những công nhân trong lĩnh vực dân doanh và dưới 36 tuổi (Gồm 13% đóng góp từ giới chủ và 20% từ phía nhân viên). Trong số 33%, 6% được ký thác cho tài khoản Medisave. Nguồn: CPF Fund http://www.mycpf.gov.sg/Members/ gen-info/Con-Rates/ContiRa.htm.

[72] Theo Tổng cục Thống kê Singapore, tổng lượng hàng hóa kinh doanh lên đến 369% GDP vào năm 2005.

[73] Peebles and Wilson (2002) các trang 14, 69, và 170

[74] Ngân hàng Thế giới (1993) – ghi nhận Trung Quốc đã lèo lái nguồn đầu tư trực tiếp (FDI) sang thị trường xuất khẩu

[75] Nguyên lý "Bất quá tam" chủ trương rằng bất kỳ quốc gia nào chọn con đường mở cửa thị trường cho dòng tiền mua bán ngoại hối có thể phải định ra hoặc là tỷ suất danh nghĩa cho đồng tiền của mình hoặc lãi suất tiền lãi trong nước, chứ không thể làm cả hai

[76] Hui Weng Tat (2002) trang 29 và 33

[77] Sự tham gia của lực lượng lao động nữ lên tới 57% vào năm 2005. Nguồn: Tổng cục Thống kê, có thể tra cứu tại http: Singstat.gov.sg/ keystats/annual/indicators.html

[78] Hui Weng Tat (2002)

[79] Vào năm 1987, hệ thống hướng dẫn định lượng ban đầu đã dần bị thay thế bởi một hệ thống tiền công linh hoạt hơn, mà qua đó người ta phân chia mức lương: một khoản lương căn bản; mức bổ sung hàng năm trên cơ sở lương tháng, có thể điều chỉnh trong trường hợp đặc biệt, và một khoản thưởng tối đa hai tháng lương tùy vào hiệu quả công việc. Tất cả được đảm bảo bằng lợi nhuận hay năng suất

[80] Tăng trưởng lương thực tế giảm xuống trung bình còn 2,7%/năm trong giai đoạn 1998-2005, phản ánh nhu cầu của các nhà máy là giữ lấy sức cạnh tranh, đối đầu với hàng loạt các biến động tai hại bao gồm cả hệ quả của cuộc khủng hoảng châu Á 1997-98, sự kiện khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 và nạn dịch SARS năm 2003

[81] Huff (1999) t. 41

[82] Việc đào tạo lại công nhân giúp vượt qua sự phản kháng kỹ thuật hiện đại. Những người mà nguồn sinh sống của họ có thể bị phá hoại bởi nền kỹ thuật mới thường cố cản lại. Công nhân dệt ở Pháp thế kỷ 19 đã ném những đôi giày bằng gỗ vào máy kéo sợi và dệt vải, từ đó phát sinh ra từ "sabotage" nghĩa là phá hoại

[83] Lý Quang Diệu (2000) t. 119

[84] Như Huff đã chỉ ra (1999) t. 40 Singapore theo đuổi lý thuyết kinh tế, chủ trương rằng trong thế giới của tư bản lưu động và thông tin hoàn hảo, một quốc gia nhỏ bé không nên đánh thuế trên tư bản mà trên những yếu tố bất động như đất đai và lao động. 86 Cuộc thảo luận về chương trình nhà ở trong phần này rút ra từ Linda Low (1998).

[85] Low (1998) trang 3, 181, và 240

[86] Rodrik (2004): Hausnmann và những người khác (2004)

[87] Schumpeter J. (1947)

[88] Singapore đã áp dụng miễn giảm thuế rộng rãi cho một số ngành công nghiệp chọn lọc dưới nhiều chương trình khác nhau được Ủy ban Phát triển Kinh tế điều hành (EDB). Bao gồm Sắc lệnh Công nghệ tiên phong và Sắc lệnh mở rộng công nghiệp năm 1959 và Đạo luật Khuyến khích phát triển kinh tế năm 1967. Việc miễn thuế phải dựa trên điều kiện về hiệu quả: nó chỉ áp dụng cho những khoản đầu tư đặc biệt hay cho nguồn thu nhập đóng góp đặc biệt cho những sản phẩm nhất định hoặc cho xuất khẩu. Ngân hàng Thế giới (1993) đặc biệt chú trọng đến việc đưa ra điều kiện như chìa khóa cho những thành công tương ứng trong chính sách công nghiệp của những nền kinh tế thần kỳ Đông Á

[89] Cuộc khủng hoảng châu Á được "kích hoạt" vào tháng 7-1997 với sự mất giá của đồng Baht Thái Lan dưới áp lực căng thẳng do đầu cơ. Cuộc khủng hoảng sau đó lan sang Nam Hàn và Indonesia, đưa đến sự suy thoái trầm trọng về tiền tệ, thị trường chứng khoán và sản lượng đầu ra. Nó đe dọa hệ thống tài chính của các quốc gia này và khiến sản xuất bị thu hẹp trên phạm vi lớn, làm sụp đổ nhiều cuộc đời. Nền tảng tài chính Singapore đã giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng một cách vững vàng

[90] Mauzy and Milne (2002), t. 104

[91] Bercuson (1995), t. 30

[92] MAS (2003); Parrado (2004)

[93] Acemoglu và cộng sự (2004)

[94] Chuyển một vòng nghịch lý sang một vòng thuận lý là một khái niệm hình thành từ lâu trong kinh tế học phát triển và được nêu bật bởi giáo sư Lim Chong Yah (2004) t. 306, người đã tạo nên Lý thuyết nhân quả tích lũy

[95] Tốc độ tái cơ cấu do nhà nước lãnh đạo có thể quá nhanh. Young (1992) cho rằng tỷ lệ TFP thấp ở Singapore là do việc đưa phương tiện sản xuất hiện đại vào quá sớm theo chương trình khuyến khích của nhà nước trước khi người lao động sẵn sàng và những công nghệ cũ phát huy hết lợi ích của nó

[96] Low (1998), t. 23

[97] Low (1998), Lời tựa

[98] GLCs là các công ty do nhà nước quản lý dưới một ủy ban pháp định hay một trong công ty cổ phần nhà nước, mà Temasek Holdings là công ty lớn nhất xét về phương diện tài sản. Ủy ban pháp định thực tế là cánh tay nối dài của công việc hành chính. Họ được giám sát bởi các bộ ngành và chịu trách nhiệm trước quốc hội, nhưng có quyền tự trị trong tác nghiệp hàng ngày. Người ta ước tính rằng GLC đóng góp 13% GDP của Singapore vào cuối những năm 1990 (Nguồn: Peebles and wilson (2002), t. 14). Vào cuối tháng ba, 2005, Temasek Holdings đã xây dựng xong danh mục đầu tư của mình trị giá 103 tỷ đô la Singapore. (Nguồn: http://www.temasekholdings.com.sg/2005review). Khoảng một nửa số tài sản của nó nằm ở Singapore, một tỷ lệ mà Temasek đang có ý định hạ xuống còn 1/3, đồng thời nâng cao cổ phần của mình ở phần còn lại châu Á lên khoảng 1/3 tổng số. Họ đã mua ngân hàng, trung tâm mua sắm, dịch vụ và phương tiện vận tải container và sản xuất dược phẩm ở Trung Quốc, khách sạn và nhà nghỉ cho người lớn tuổi ở Anh và Đức, hệ thống viễn thông ở Bangladesh. Temasek là cổ đông quản lý của 7 trong số 10 công ty lớn nhất Singapore, bao gồm Công ty Viễn thông Singapore – Singapore Telecommunications Ltd., (Singtel) và Hàng không Singapore (SIA)

[99] Xem http://temasekholdings.comsg/2005review/

[100] Điều này được chú trọng ở Ngân hàng Thế giới (1993)

[101] Một ví dụ là những khoản lỗ lã do công ty Singapore Technologies có liên quan đến việc sáp nhập Micropolis, một hãng làm ổ cứng vào năm 1996, khi mà cuộc cạnh tranh trầm trọng giữa các đối thủ đều kết thúc bằng thiệt hại

[102] Bercuson (1995), t. 19.

[103] Sự đảo ngược những biện pháp can thiệp trực tiếp xảy ra vào nửa đầu thập niên 1980: thỏa thuận lương cao được đáp ứng kèm theo tỷ lệ đóng góp cho quỹ CPF phần nào đã rút đi khả năng thanh toán dồi dào

[104] Ramirez và Tan (2004) thấy rằng các nhà đầu tư đã trả thêm một khoản tiền cho các công ty quốc doanh (GLC) nhiều hơn các công ty tư nhân. Họ chứng minh rằng GLC đã hưởng một giá trị thị trường tương đối cao so với giá trị sổ sách (một tỷ lệ mà James Robin, người đoạt giải Nobel kinh tế 1981, gọi là q) hơn các công ty tư nhân đăng ký niêm yết. Sau khi kiểm tra những biến số thường giải thích tiêu biểu q là tỷ suất giá – trên – thu nhập, lãi trên vốn, hay qui mô công ty, Ramirez và Tan kết luận rằng thị trường vốn đánh giá cao sự kiện một công ty có quan hệ gắn bó với nhà nước, có lẽ là vì "thừa nhận thương hiệu" hay vì các nhà đầu tư có thể tin, đúng hoặc sai, rằng chính quyền Singapore bảo vệ các GLC không bị thất bại