Bài Học Thành Công Của Singapore

Chương Năm: Cải Thiện Những Định Chế – Nền Tảng Kinh Tế Chính Trị Cho Việc Thực Thi

Dành được sự ủng hộ cho những chính sách pháp lý cũng như các định chế hỗ trợ tăng trưởng là cực kỳ khó khăn ở nhiều quốc gia. Nhiều quốc gia đang phát triển khác đã đương đầu với khó khăn đến nản lòng trong quá trình xây dựng một chính quyền trung thực, cũng như một chế độ hành chính hữu hiệu hay trong việc tạo ra các điều kiện để ổn định chính trị và xã hội. Nhiều quốc gia tiên tiến khác cũng thấy khó mà thực hiện các biện pháp tài chính hỗ trợ cho dân số ngày một già nua trên nền tảng bền vững hoặc là phải cho phép những người nhập cư mà nền kinh tế đang cần họ hòa nhập xã hội để có thể duy trì lực lượng lao động. Singapore đã thừa hưởng ưu điểm của những định chế khi mà Đảng PAP lên nắm chính quyền vào năm 1959. Nhưng những chuyển biến chủ yếu của định chế chỉ xảy ra trong 45 năm sau đó. Tại sao và làm thế nào Singapore lại thành công trong việc tạo ra sự đồng thuận của toàn xã hội để xây dựng những định chế chính trị xã hội hỗ trợ các chính sách dài lâu cho phát triển kinh tế?

Các lực lượng nắm quyền lực có khuynh hướng muốn duy trì những định chế hiện có trong bất cứ xã hội nào. Những định chế thường bắt nguồn sâu xa trong lịch sử. Người ta đã chọn chúng sau những cuộc xung đột xã hội để đạt được quyền phân phối lợi tức các khoản tô tức, những đặc quyền của nhóm người giữ quyền lực chính trị đặt để theo ý thích của họ. Tuy vậy những thay đổi chủ yếu vẫn xảy ra. Đôi khi những thay đổi này xảy ra đột ngột như dưới triều Minh Trị ở Nhật Bản vào năm 1867-1868. Sự cải cách kinh tế của Trung Hoa chuyển sang kinh tế thị trường sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, sự tàn lụi của Liên Xô sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Ở các quốc gia khác thì chuyển hóa định chế cũng kéo dài trong một thời gian khá lâu.

Như Daran Acemoglu đã chỉ ra, các nhà lãnh đạo ưu tú chỉ mở rộng cửa cho các cơ hội kinh tế khi cảm thấy đó là điều họ quan tâm.155 Trong một vài tình huống như đã diễn ra ở Tây Âu trong thế kỷ qua là khi những nhóm người không thuộc thành phần ưu tú tăng cường thách thức việc phân phối những đặc quyền hiện tại. Họ đấu tranh giành lấy những phúc lợi ấy và những nhà lãnh đạo ưu tú sau cùng phải cắn răng nhường nhịn để bảo vệ sự sống còn của chính mình. Một tình hình khác nữa là chính thành phần ưu tú này cũng nhận thấy rằng trật tự cũ đã không thể chấp nhận được nữa, đã lỗi thời rồi. Họ kết luận rằng mở rộng cửa là biện pháp tốt nhất để có thể duy trì đặc quyền và ảnh hưởng của mình cũng như để thực hiện được tiềm năng của chính họ và con cháu họ về sau.

Kinh nghiệm của Singapore đã rơi vào phạm trù thứ hai. Carl Trocki đã mô tả cách thức mà tầng lớp những người chuyên nghiệp gốc Hoa được giáo dục ở Anh, những người nắm quyền chủ yếu thuộc cánh hữu trong Đảng PAP đã chiếm lấy quyền lực như thế nào.156 Thường thì cha ông của họ thuộc về giai cấp thương nhân Baba của người Trung Hoa. Trong thời kỳ thực dân, giai cấp này đã liên kết lại với nhau cùng những nhà buôn phương Tây dưới sự bảo trợ của luật pháp Anh. Gia đình Lý Quang Diệu cũng thuộc giai cấp trung thượng lưu đó. Cha ông đã làm việc cho hãng Shell, và một trong hai người ông của ông Lý là người đã tuyên thệ ủng hộ người Anh. Sự lựa chọn tiếp theo đó của Singapore là một chiến lược tăng trưởng kinh tế lấy việc quan hệ với các công ty đa quốc gia làm trọng tâm, nghiễm nhiên phù hợp với bối cảnh xuất thân của ông ấy. Một số người ưu tú trẻ tuổi này đã trở lại Singapore vào thập niên 1950, với mảnh bằng nhận được từ các trường đại học hàng đầu nước Anh. Và ở đó họ đã khẳng định quyết tâm của mình, phấn đấu cho nền độc lập thoát khỏi ách thống trị của người Anh. Những nhóm đối lập ở Singapore cũng liên kết với những nhà kinh doanh được hưởng nền giáo dục Trung Hoa, những học sinh, người lao động và một số người mang nặng tư tưởng thiên cộng sản có được tiếng nói của mình trong phe cấp tiến của đảng PAP.

Việc theo đuổi quyền lực chính trị mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ lợi ích của tập thể, có thể từ trong vô thức, không loại trừ sự lãnh đạo lý tưởng. Ở Singapore cả hai điều này đi cùng với nhau. Sự chiếm đóng của người Nhật năm 1942-1945 đã làm tổn thương những người dân ở đây. Sau chiến tranh, thành phần ưu tú trẻ tuổi vẫn phản đối ách thống trị và sự tàn bạo đã gây tổn thương cho những người dân địa phương. Luật pháp của Anh đã không che chở cho người Singapore. Sinh mạng cá nhân đầy rủi ro. Chỉ bằng sự khôn ngoan tỉnh táo mà Lý Quang Diệu thoát khỏi cuộc hành quyết tập thể hàng ngàn thanh niên Trung Hoa trẻ trong tay người Nhật.157 Lòng tự trọng là động cơ khiến những người trẻ tuổi này chiến đấu cho độc lập. Như Lý Quang Diệu đã nói: "Chúng ta đã từng là những nhà lãnh đạo tư sản được người Anh giáo dục, nhưng chúng ta đứng lên vì đồng bào, những người đã ra lệnh cho chúng ta từ năm 1959." Những nhà lãnh đạo đầu tiên ở Singapore đã tuân thủ niềm tin chính trị sắt đá, bén rễ từ những ngày đi học ở Anh. Cuộc đấu tranh gian khổ trong những thập niên qua đã làm cho mối quan hệ của họ gắn bó chặt chẽ. Họ đã có những cam kết sâu sắc đối với tương lai của Singapore và cảm thấy có trách nhiệm đối với nhân dân.158 Những năm tháng về sau, năm 1993 ông Lý nhớ lại rằng: "Cá đã trở lại với dòng sông Singapore, những dòng sông trong sạch đã thay đổi chất lượng của cuộc sống. Người ta đã tắm nắng trên bờ sông... Với những ai còn nhớ dòng sông Singapore khi nó còn là cống rãnh, sẽ thấy như một giấc mơ khi họ đi dọc theo bờ sông của nó."159 Đây là niềm sung sướng của quyền lực, khi dẫn dắt chúng dân an bình đến miền đất tốt lành hơn.

Trong thời gian 12 năm, vào năm 1971, nhà cầm quyền của Đảng PAP ôn hòa đã củng cố hoàn toàn quyền lực của mình và thực hiện đầy đủ chiến lược toàn diện. Sự thống trị của họ đối với những nhóm cạnh tranh quyền lực khác cho phép họ thực hiện nhất quán những đường lối phát triển lâu dài và chặt chẽ. Nhiều quốc gia khác cũng tập trung quyền lực mặc dù không có nơi nào đạt được sự phát triển thành công xấp xỉ như Singapore.

CHIẾN LƯỢC CỦA NHỮNG NGƯỜI ƯU TÚ.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, những người lãnh đạo của Đảng PAP là những người ưu tú." Theo lời Mauzy và Milne: "Họ ngưỡng mộ quyền lực của những người trí thức, họ tin rằng chỉ có một số những người giỏi nhất, thông minh nhất mới đủ khả năng lãnh đạo quốc gia hữu hiệu."160 Tuy vậy nhóm ưu tú này trong hoàn cảnh Singapore là dựa theo công trạng của họ. Khác với nhiều quốc gia, đây không phải là một giai cấp xã hội theo kiểu cha truyền con nối khép kín hưởng nhiều đặc quyền và chỉ thành công trong việc chiếm hữu đất nước. Chiến lược mà thành phần lãnh đạo ưu tú này lựa chọn đã đưa đến việc thực hiện các định chế chính trị hỗ trợ tăng trưởng và ta có thể nhận ra 3 đặc trưng mà các quốc gia khác không có.

Thứ nhất, một tầm nhìn dài hạn về tăng trưởng kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của Singapore. Những mục tiêu khác cùng tồn tại, ví dụ như sự duy trì vị thế của một quốc gia độc lập, xây dựng một bản thể dân tộc và sau cùng là đạt đến tiêu chuẩn hàng đầu trên thế giới về nghệ thuật và văn hóa. Nhưng sự tăng trưởng kinh tế đạt được là hết sức cần thiết để có thể giúp họ thực hiện những mục tiêu quốc gia. Ưu tiên hàng đầu của việc đạt được sự thịnh vượng lâu dài về kinh tế và xã hội như một tổng thể đã khiến Singapore không giống nhiều quốc gia khác. Goh Keng Swee, Bộ trưởng tài chính đầu tiên của Singapore và cũng là Bộ trưởng quốc phòng, bày tỏ điều này một cách ngắn gọn như sau: "Chúng ta phải nỗ lực không ngừng để đạt được sự tăng trưởng về kinh tế. Nó đòi hỏi sự ổn định chính trị và không thể để các mục tiêu khác chi phối."161 Các mục tiêu khác do đó được xem là thứ yếu, ví dụ như khái niệm về ý thức hệ trong việc thực hiện phân bổ công bình các khoản trợ cấp về xã hội hay các chính sách thuế má. Các quốc gia cộng sản cũng có những mục tiêu ưu tiên khác. Cho mãi đến năm 1976, mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc vẫn là giành lấy quyền lực cho giai cấp nông dân bằng cách phá vỡ trật tự 4000 năm phong kiến và xây dựng lại đất nước.162 Chỉ đến năm 1982 thì ông Đặng Tiểu Bình mới công bố mục tiêu hàng đầu là biến Trung Hoa thành một quốc gia hiện đại, thịnh vượng bằng cách cải tổ và mở cửa nền kinh tế. Vẫn còn có những quốc gia khác hướng nguồn năng lực tập thể khổng lồ của mình vào việc phục hồi cán cân quyền lực, chính trị và kinh tế giữa các nhóm chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo, nếu không thì họ sẽ rơi vào cuộc chiến tranh biên giới, kết quả thường là một sự tăng trưởng năng suất ảm đạm, có nghĩa là tổng năng suất bị suy giảm cho dù số lượng hàng nhập vào vẫn tăng lên. Sự hoang mang bao trùm khắp nơi sẽ ngăn cản mức độ đầu tư cao và rồi những người trẻ tài năng sẽ ra đi khỏi đất nước vì nếu không họ sẽ tàn lụi.

Những người lãnh đạo ưu tú ở Singapore không rơi vào những trường hợp ấy vì phương châm của chính phủ là: "Nếu bạn không đạt được tăng trưởng kinh tế, bạn sẽ diệt vong".163 Người ta tránh bị chia rẽ. Singapore đã đề cao trong hiến pháp của mình là một xã hội đa chủng tộc, ở đó người ta luôn luôn ủng hộ sự bình đẳng cho mọi công dân bất kể ngôn ngữ, tôn giáo hay sắc tộc. Luật pháp cho phép thực thi những điều này. Đây là mối quan tâm thường xuyên không gây xáo trộn sự bình yên trong nước để duy trì sự ổn định.

Kiến tạo sự thịnh vượng cho mọi người là cách tốt nhất để đạt được sự ổn định nội tại, hòa bình giữa các chủng tộc và hài hòa trong xã hội đồng thời để cùng tồn tại. Sự tăng trưởng kinh tế đã trở thành ngọn hải đăng cho số phận tập thể của thành phố – quốc gia này, không chỉ để sinh tồn mà còn vươn lên bằng những thành tựu xuất sắc.

Điều thứ hai là ở Singapore, thành phần lãnh đạo ưu tú đã lựa chọn một chiến lược để nhân dân có thể chia sẻ lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế – không phải thông qua các chính sách tái phân bổ lợi tức mà thông thường nó chỉ cản trở sự tăng trưởng. Thay vào đó người ta thích chọn chiến lược có thể trang bị cho nam hay nữ phương tiện và cơ hội mưu sinh để tăng thu nhập và tài sản cho gia đình mình bằng cách nâng cao tay nghề, cho cả những nhóm người thu nhập thấp và do đó đảm bảo sự chuyển dịch mạnh mẽ lên tầng lớp trên. Đối với thành phần ưu tú của Singapore, thì những giải pháp hai bên cùng có lợi này hoàn toàn hợp lý: sự giàu có cần được chia sẻ nếu không sẽ không thể tồn tại. Hình thái thực tiễn duy nhất là hướng sự tăng trưởng về xuất khẩu: tận dụng ưu thế địa lý của Singapore và sử dụng nguồn lực của nó một cách tốt nhất cả về con người và trong quá trình thực hiện sẽ tạo ra một xã hội thống nhất.

Sự khan hiếm bất động sản, đất đai và những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác đã ngăn trở hình thái chế độ phong kiến vì nó là nguồn gốc của những đặc quyền. Cho dù ý định đằng sau các chính sách xã hội của Singapore cao quí thế nào đi chăng nữa, chính mối quan tâm của những nhà lãnh đạo ưu tú là phân phát một cách rộng rãi những cơ hội kinh tế, như giáo dục, cho phép những con người mới gia nhập vào nhóm của họ. Nền giáo dục phổ quát và rất nhiều học bổng đã giúp các trẻ em thông minh của những gia đình nghèo có thể đi hết con đường đại học của mình. Điều này tương phản với nhóm người ưu tú ở một số quốc gia khác. Giai cấp quý tộc phong kiến ở một số quốc gia, ví dụ như Pakistan với những tài sản đất đai mênh mông thì sẵn lòng mở rộng cửa thành phần của mình cho những nhà công nghiệp gia nhập dưới chiêu bài chính sách thay thế hàng nhập khẩu.164 Tuy nhiên họ không thể cung cấp một nền giáo dục có chất lượng và qui mô lớn cho thanh thiếu niên nam nữ ở thôn quê vì họ sợ rằng quyền lực của mình sẽ bị vuột mất. Kết quả là nhiều trường hợp, tình trạng ổn định rất thấp, cùng với năng suất công nông nghiệp tồi tệ và người ta lại quay trở lại mô hình cổ xưa trong việc chia những khoản lợi quyền "thuê" kinh tế chứ không tạo ra của cải mới.

Thứ ba là, nhóm thống trị chính trị ở Singapore sẵn lòng chịu trách nhiệm. Mặc dù sự tham dự vào chính trường bị giới hạn ở Singapore, cũng cần nhấn mạnh rằng nhóm người ưu tú này sẵn lòng chấp nhận nhà nước giới hạn quyền lực của mình. Họ chấp thuận việc kiểm tra và tình trạng cân bằng có thể làm giảm khuynh hướng gia tăng quyền lực vốn thường đưa đến tham nhũng. Điều này giúp cho Singapore không rơi vào tình trạng độc tài, chế độ thiểu số lãnh đạo và là một tổ chức mà trong đó những cá nhân độc đoán chuyên quyền hợp pháp hóa nhà nước của họ. Nhiều khía cạnh khác cần được làm rõ. Đầu tiên, luật pháp của Singapore được xem như công cụ kiểm tra đối với quyền lực chính trị. Những quan chức lãnh đạo cao nhất cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và họ đã được triệu tập. Lý Quang Diệu và con ông Lý Hiển Long đã phải chịu sự thẩm vấn của tòa án vào năm 1996 về những lời buộc tội lạm quyền đối với một số bất động sản và cuối cùng đã được tha bổng. Các cuộc khảo sát quốc tế theo thông lệ đã xếp quốc gia này ở một vị trí rất cao trong việc duy trì các điều luật, nêu cao quyền sở hữu và sử dụng luật pháp để duy trì sự liêm chính của các chính khách và công chức. Thứ hai là chế độ một đảng lãnh đạo không có nghĩa là thiếu dân chủ: những cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức theo kỳ hạn 5 năm, gần đây vừa mới diễn ra vào tháng 5 năm 2006. Những cuộc bầu cử này được tổ chức một cách tự do. Không có tình trạng mua phiếu hay hăm dọa cử tri. Singapore đã có những phương tiện để thay đổi chính quyền của mình một cách dân chủ, mặc dù những trở ngại lớn nhất luôn được đặt trên đường đi của những phe phái đối lập.165 Sự thống trị của Đảng PAP đối với phe đối lập từ cuối thập niên 1960, với thuận lợi của họ là đang nắm giữ các chức vụ trong chính quyền và những điều luật bầu cử hoạch định trong nhiều năm, cho phép họ luôn ở đỉnh cao thống trị trước những đảng này: thường thì thắng lợi của họ được đảm bảo trước ngày bầu cử, bởi sự khan hiếm những ứng cử viên đối lập. Tuy nhiên kết quả bầu cử từ 61% ủng hộ Đảng PAP năm 1991, 75% năm 2001, 67% năm 2006 được xem như biểu đồ đánh giá sự ủng hộ của quần chúng. Nhà cầm quyền cảm thấy rằng định kỳ phải tự đòi hỏi chính mình tìm ra những mệnh lệnh mới, để báo cáo trước mặt cử tri như là một sự khích lệ mãnh liệt đem lại thịnh vượng chung cho mọi người cùng chia sẻ, sự an toàn cá nhân, trật tự xã hội mà các cử tri luôn luôn mong muốn.166 Bằng cách tạo ra các cơ hội việc làm một cách rộng rãi và cải thiện điều kiện sống, các nhóm lãnh đạo chính trị này ở Singapore đã nhận được yêu cầu của toàn dân là theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế lâu dài. Thứ ba là một lực lượng đối trọng mạnh ở trường hợp của Singapore đôi khi là bất thường, nhưng có tầm ảnh hưởng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay là các công ty đa quốc gia (MNC). Chiến lược của Singapore dựa vào các công ty đa quốc gia là động cơ của tăng trưởng kinh tế. Nó cũng là thước đo phụ trợ giúp tăng cường kiểm tra một số mặt không thành công của chính quyền, vì sự ổn định chính trị, một chính quyền không tham nhũng và một sự lãnh đạo kinh tế lành mạnh là then chốt trong việc thúc đẩy sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Singapore.

Sự kết hợp một nhà nước vững mạnh với một thị trường đa dạng hơn là một nhà nước vững mạnh với thị trường độc quyền. Nói tóm lại, thành phần lãnh đạo ưu tú của Singapore đã xây dựng quyền lực vào thập niên 1960, sau đó kết nạp những nhân tài khắp nơi trong xã hội và thành công trong xây dựng định chế hỗ trợ tăng trưởng. Họ thành công vì đã chọn một chiến lược phát triển kinh tế lâu dài làm ưu tiên hàng đầu. Họ chia sẻ cơ hội cho mọi người tham gia một cách rộng rãi vào sự tăng trưởng đó và sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc hành xử quyền lực của mình. Tất cả ba yếu tố này đã khiến Singapore khác với nhiều nước. Nhóm người xuất chúng trong xã hội đã tạo nên thỏa ước xã hội được mọi người chấp thuận cho một chiến lược sống còn lâu dài.

Chiến lược này vì lợi ích tốt nhất của thành phần lãnh đạo ưu tú và vì nhân dân. Đảng PAP nhận ra rằng họ phải cải thiện những điều kiện kinh tế để ngăn cản những người cộng sản đào sâu vào nỗi đau khổ của những người thất nghiệp. Singapore thiếu hụt tài nguyên để có thể chia đều cho mọi người như là chiến lợi phẩm. Một khi quyền lực chính trị đã được củng cố thì không có nhóm đối lập nào cần phải xoa dịu nhân dân thông qua con đường mua chuộc. Thật ra tính liêm chính cao đã làm cho quyền lực của Đảng PAP mạnh hơn. Chiến lược có tầm nhìn xa này đã cho phép những nhà quản lý ưu tú không chỉ tồn tại mà còn phát triển thành những người lãnh đạo của một đất nước an toàn đáng tôn trọng và năng động. Việc hiện thực hóa ước mơ đạt được bằng cách giúp các công dân phát triển tối đa tiềm năng của mình. Đây là một động cơ mạnh mẽ mà nhóm người ưu tú đã nắm lấy cơ hội này. Sự trùng hợp về lợi ích của những nhóm người lãnh đạo ưu tú và sự phát triển của toàn dân được củng cố vững chắc và là hòn đá tảng cho sự thành công của Singapore.

NHỮNG CHIẾN THUẬT CỦA CHÍNH QUYỀN TRONG XÂY DỰNG ĐỊNH CHẾ

Theo sự hiểu biết của tôi thì không có một cuốn cẩm nang tổng hợp nào hiện nay có thể sẵn sàng hướng dẫn nhà nước, thực hiện những chiến lược trong hệ thống kinh tế chính trị của mình để thiết lập các định chế hỗ trợ cho sự tăng trưởng. Các đảng cộng sản, ngược lại, thường phát triển những cẩm nang chỉ dẫn cặn kẽ chiến thuật trong việc giành lấy quyền lực và thực hiện mục tiêu của họ: một ví dụ thông thường là họ thâm nhập vào phong trào đòi độc lập của các đảng phái quốc gia và một khi họ lọt vào trong đảng rồi, họ sẽ chuyển đảng đó, theo lý tưởng cộng sản. Tuy nhiên người ta nhận ra là vẫn có những ý tưởng mang tính chiến thuật. Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ một số kết luận trong tác phẩm của mình với các quốc gia về cách thức làm thế nào tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền.167 Nhà cầm quyền Singapore đã thực hiện những bước thực tiễn nào để đạt được các chiến lược dài hạn và tham vọng của mình? Ở những chương dưới đây chúng ta sẽ triển khai ba chủ đề chính.

Chinh phục và giữ gìn lòng tin nhân dân

Nhà cầm quyền Singapore đã giành được sự tin tưởng của toàn dân bằng việc xây dựng một bảng thành tích kinh tế thắng lợi. Họ củng cố quyền lực qua việc đảm bảo sự tín nhiệm trong việc thực hiện những lời hứa. Các mục tiêu thì rất thực tế và được thực hiện bằng hoặc vượt yêu cầu. Vào năm 1972, nạn thất nghiệp đã được thanh toán. Những công trình lớn đã được chia thành những công trình nhỏ hơn và dễ quản lý hơn nhằm mục đích tạo thuận tiện cho việc thực hiện những viễn cảnh dài hạn. Còn về công cuộc cải cách thì Singapore sẽ từng bước một lần lượt thực hiện chứ không tiến hành tất cả cùng một lúc. Rất nhiều những thành tựu ngày một đòi hỏi cao ví dụ như cải cách hệ thống thuế má và tư pháp, đã được thực hiện nhưng chỉ trong những thập niên gần đây cho phù hợp với quan điểm cấp tiến quốc tế về tầm quan trọng của nó. Nhà cầm quyền đã thực thi những lời hứa của mình trong việc đưa ra các lợi ích cụ thể. Nhà cửa, nền giáo dục và đào tạo đã hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của nhân dân. Người ta đã hoạch định rất cẩn thận kế hoạch kinh tế nhằm đảm bảo cho sự thành công. Rồi thì thành công này khơi nguồn cho thành công khác và cứ như thế gầy dựng sự tin tưởng trong nhân dân và các nhà đầu tư nước ngoài. Đảng PAP đã chứng minh các đạo luật nhất quán của mình trong việc đem lại những kết quả cụ thể.

Chính quyền luôn đứng về phía đại đa số dân chúng. Họ đã thiết lập được những hệ thống tiếp nhận phản hồi rất tốt từ phía cộng đồng. Khi mà người ta thấy rằng không thể tránh được việc cải tổ thì họ sẽ đưa ra cơ sở lý luận. Điều này không dễ dàng. Nói theo lời của Lý Quang Diệu: "Mỗi một việc định cư lại nông trang, nông trại hay là các cơ sở thủ công đều phải bàn bạc mặc cả. Chẳng ai vui vẻ khi phải dời đi. Đây là một công việc rủi ro về mặt chính trị..., nó đòi hỏi sự đồng cảm và xử lý một cách nhẹ nhàng... nếu không sẽ khiến chúng ta mất sự tín nhiệm của cử tri trong cuộc bầu cử kế tiếp... Ngay cả đến lúc người ta phải chấp nhận những quyết định đau lòng vì mục tiêu, lợi ích của đa số. Những người nông dân trước đây giờ phải tái định cư từ những ngôi nhà thôn quê của họ đến những căn hộ trên lầu cao sẽ nhớ những căn nhà của mình, những con vịt của mình, những luống rau của mình. Phiếu bầu của họ sẽ phản đối Đảng PAP, mà điều này thậm chí xảy ra 20 năm sau. Họ cảm thấy rằng nhà nước tàn phá cuộc sống của họ.168 Cuối cùng thì những lập luận duy lý đã chiến thắng. Nỗi đau khổ của họ ngày hôm nay chính là thành tựu của con cái họ ngày mai.

Nhà cầm quyền đã thực hiện những nỗ lực hết sức cần mẫn trong việc tiếp thị và giải thích cơ sở lý luận cho chính sách của mình, nhất là đối với với những chính sách không thuận lòng dân lắm. Nhà cầm quyền dĩ nhiên là những người ưu tú xét về tài năng lãnh đạo nhưng họ không thể đứng xa cách quần chúng. Các chính sách không thể chỉ ban từ trên xuống. Bản thân từng nhà lãnh đạo công đoàn đã phải được thuyết phục vào cuối thập niên 1960, thông qua những cuộc giải thích chăm chỉ kiên nhẫn và đầy tôn trọng ở các buổi gặp gỡ trực tiếp với các thành viên chủ chốt trong chính quyền, những người có khả năng giao tiếp xuất sắc.169 Việc quản trị chính trị một cách cẩn thận đã diễn ra trước khi áp dụng sắc thuế GST (mức thuế đánh trên hàng hóa và dịch vụ), một loại thuế giá trị gia tăng đối với hàng tiêu dùng.170 Tương tự như thế, nhà cầm quyền đã chuẩn bị cho người dân sẵn sàng đón nhận việc đánh thuế đường sá bằng điện tử (ERP) vào năm 1999. Năm 1998 lúc đó Lý Hiển Long còn là phó thủ tướng đã khéo léo điều hành một vấn đề chính trị gai góc trong việc hạ thấp mức đóng góp của giới chủ đối với quỹ dự phòng quốc gia CPF. Những đề nghị không phải chỉ được đưa ra với những lời hoa mỹ thêu trên vành mũ. Dần dà thì nó sẽ bộc lộ như những chính sách giả định mà người ta cuối cùng dựa vào đó sau những cuộc đối thoại với công chúng về những vấn đề, những giải pháp khác nhau, trước khi được toàn dân chấp nhận thi hành chính sách như là một điều tất yếu.171 Theo quan điểm của nhà nước, nếu như có nhu cầu cần phải thay đổi chính sách thì điều quan trọng là phải chuẩn bị cho người dân trước đó sớm hơn và giải thích tại sao những thay đổi đó là cần thiết.

Chính quyền đã sử dụng những nguồn vốn một cách dè sẻn, tránh những cuộc cải cách có thể gây phản tác dụng. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công, ví dụ sự thử nghiệm đầu tiên trong việc tái cơ cấu dân số là một trong những ngoại lệ và nó đã khiến họ mất một số phiếu của cử tri.172

Hướng tình cảm quần chúng vào tăng trưởng kinh tế

Nhà cầm quyền Singapore đã nhắc đến sự đe dọa tồn vong thực tế của đất nước nhằm động viên những thành tích kinh tế. Sự đe dọa là có thật. Cuộc xâm lược tàn bạo của người Nhật từ năm 1942 đến 1945 đã làm mọi người thấy rõ rằng tất cả sự tồn tại của họ không phải mặc nhiên mà có. Chủ nghĩa cuồng tín đã kích động cuộc bạo loạn về chủng tộc tại Singapore vào năm 1964 và dai dẳng đe dọa mạng sống của gia đình ông Lý và bản thân ông vào năm 1965. Thời kỳ va chạm với Malaysia và bị đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp sống còn, nguồn nước sinh hoạt mà Malaysia bán cho Singapore, đã khiến người Singapore phải đoàn kết lại với nhau. Nhà cầm quyền đã khuyến cáo rằng nếu thất bại trong sự tiến bộ, có nghĩa là phải tái sáp nhập trở lại Malaysia và trở thành một tỉnh hay một khu vực như Penang và Malacca. Như một nhà quan sát đã viết: "Ý thức về sự bao vây và một nền văn hóa bất an... luôn luôn là mối đe dọa và ám ảnh đối với người Singapore."173 Nguy cơ về những hành động khủng bố đã làm tăng thêm nỗi hoang mang này.

Thay vì khích động sự thù hận, thì cảm giác luôn luôn bị đe dọa từ bên ngoài và luôn luôn phải sát cánh cùng quê hương, tất cả được chuyển hóa nội tại trở thành một sức mạnh tích cực. Singapore đã bảo vệ chủ quyền của mình thông qua việc xây dựng lực lượng quân đội hữu hiệu, và quốc phòng trở thành một phần trong hệ thống giá trị của họ. Tầm quan trọng của hòa hợp sắc tộc và sự hòa hoãn để cùng tồn tại thường xuyên được đề cao. Hồi ức về những nỗi đau buồn trước đây luôn luôn được đánh thức và được sử dụng để xây dựng mối đoàn kết nội bộ trong lòng quốc gia. Điều này không khác với Tây Âu, nơi mà thảm kịch của hai cuộc thế chiến – trong trường hợp này là giữa các quốc gia, đã tạo nên thiện chí hợp tác giữa những cựu chiến binh để cùng hòa giải trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế châu Âu EU. Mối lo sợ khủng hoảng và kẻ thù bên trong cũng như bên ngoài đã được gợi lên để động viên năng lực của toàn dân, làm cho người Singapore trở nên cứng cỏi và sớm hồi phục, sát cánh cùng đảng PAP, do đó đã hợp pháp hóa vai trò của người được họ gởi gắm niềm tin trong công cuộc lãnh đạo toàn dân an toàn vượt qua nguy khốn.

Khi mà những mối đe dọa thực tế đối với quốc gia non trẻ này đã bị đẩy lùi, sự sống còn kinh tế vượt lên hàng đầu. Một nền kinh tế dễ tổn thương đối với những sức mạnh từ bên ngoài thì đã rõ ràng. Người ta sợ sự sụp đổ về kinh tế khi người Anh công bố vào năm 1967, ý định đóng cửa những căn cứ quân sự trước cuối năm 1971. Phỏng ước về những thiệt hại kinh tế hàng năm có thể gây ra đến 1/5 tổng sản lượng kinh tế quốc dân GDP. Chính quyền sử dụng ý thức sâu sắc về sự khủng hoảng trước triển vọng người Anh ra đi để chứng minh những hậu quả vô cùng tai hại của các cuộc đình công mà công nhân tiến hành vì lợi ích của chính họ. Mối lo sợ đã kích thích quốc gia non trẻ này xây dựng sự hòa thuận xã hội để hướng đến một nền công nghiệp dùng sức lao động và hướng về xuất khẩu. Singapore do đó không thể hiện sự thù hận cũng như trách cứ người ngoài. Họ không yêu cầu viện trợ từ nước ngoài – mặc dù tình hình đang khó khăn. Tuy nhiên vào năm 1971 người ta đã thực hiện xong cuộc chuyển hóa kinh tế và người lao động đã tìm thấy việc làm mới nhờ vào đầu tư.

Nhiều biến động kinh tế xảy ra sau đó. Sự khủng hoảng giá dầu vào thập niên 1970, sự suy thoái sức cầu của nền kinh tế thế giới đã tạo ra suy thoái kinh tế vào năm 1985 và 2001, khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1987 và đại dịch SARS vào năm 2003, tất cả đều đã làm mất hoặc giảm lượng khách du lịch đến Singapore. Tất cả đã gây nên cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế. Trong mỗi trường hợp, điều dễ nhận ra trên con đường phát triển là cách mà quốc gia đó phản ứng. Mỗi cuộc khủng hoảng là mỗi lần khích lệ Singapore cảm thấy cần thiết chu trình tái cơ cấu, đa dạng hóa và đổi mới, điều này phù hợp với quan điểm của Arnord Toybbee khi cho rằng lịch sử là thử thách và phản ứng.

Sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu gia tăng được nhìn nhận đem lại thách thức và cơ hội. Những đáp ứng yêu cầu đổi mới theo kiểu của Singapore cũng có rủi ro là bị nhiều nước bắt chước. Singapore phải chuyển động nhanh hơn để theo kip các quốc gia đối thủ về kinh tế. Những ưu điểm cạnh tranh tương đối đã bị sự cạnh tranh giá thấp làm suy giảm. Nhưng thay vì than khóc cho hậu quả của nó, nhà cầm quyền Singapore đã nhấn mạnh đến những cơ hội mới. Bài diễn văn gần đây của Bộ trưởng cao cấp Goh Chok Tong là một điển hình. Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập trường Đại học kỹ thuật NANYANG, ông đã nhấn mạnh nhu cầu cần tái đổi mới thường xuyên và trích dẫn tuyên bố của Darwin: "Ngay giống loài mạnh nhất, cũng có thể bị thoái hóa nếu nó không kịp thích nghi."174 Không chỉ tồn tại, bắt kịp kinh tế phương Tây là một lời hiệu triệu động viên khác cho Singapore. Những mục tiêu cụ thể đã được định ra và cập nhật thường xuyên, ví dụ phải đạt được mức thu nhập đầu người bình quân bằng nước Mỹ năm 2030 hay là của Hà Lan năm 2020 đã được qui định rõ trong chiến lược chính sách của năm 1991.175 Nhà nước khuyến khích đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và liên tục nâng cao năng lực đổi mới nhằm giảm bớt thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật đối với những nền kinh tế tiên tiến và trở thành một quốc gia có thu nhập hàng đầu.

Để theo kịp, người Singapore động viên lẫn nhau và cùng nỗ lực vươn lên. Tính chất khăng khăng đòi hỏi sự hoàn thiện đôi khi đã bị nhắc đến một cách khôi hài bởi những người Singapore "Kiasu", tiếng Phúc Kiến thay cho từ "Sợ thất bại" hay là "Sợ thất bại không được chia phần". Về phương diện kinh tế, đó là mối quan tâm thường xuyên làm sao phát triển những lĩnh vực ưu việt nhất, mới mẻ nhất, ví dụ như gần đây là các khu nghỉ mát cho du khách, các trường quay kỹ thuật số và công nghệ xử lý tổng thể nước tiên tiến.

Chiến thuật nắm giữ và củng cố quyền lực

Biến tầm nhìn chiến lược chia sẻ sự thịnh vượng chung thành hiện thực đòi hỏi sự lãnh đạo hết sức cương quyết và khéo léo về mặt chính trị. Về phương diện này, trong thỏa ước xã hội, nhà cầm quyền đã sử dụng một chuỗi chiến thuật lập trình từng bước một với hiệu quả cao nhất tùy theo tình hình diễn ra cho phép họ chiếm lĩnh và củng cố quyền lực. Họ đã dùng quyền lực để đảm bảo việc thực hiện các chính sách kinh tế và xây dựng các định chế.

Các nhà lãnh đạo của Singapore thì cần mẫn và thông minh trên cơ sở thực tiễn. Giống như các đảng phái cầm quyền ở các nước khác, họ đã sử dụng ngân sách và lợi điểm về việc đang cầm quyền trước khi diễn ra bầu cử. Họ đã vận dụng một cách rất khôn ngoan các sơ hở của địch thủ trước đó. Dưới thời Lý Quang Diệu, phái ôn hòa của Đảng PAP đã khéo léo vượt qua đối thủ của mình. Trước khi cuộc bầu cử năm 1961 tiến hành, những thành viên cực đoan của Đảng PAP và những chủ tịch công đoàn ủng hộ chủ nghĩa cộng sản đã thành lập nên một đảng cấp tiến mới: đảng Barisan Socialis. Diễn đàn của họ là gì? Là phải giành quyền độc lập ngay lập tức và toàn diện từ phía người Anh, đồng thời người Anh phải sớm rút quân ra khỏi Singapore. Lý đã nhận thức đúng rằng các cử tri có thể bị lay chuyển lập trường theo hướng khác bằng một lời hứa đáng tin cậy về việc tạo công ăn việc làm và những điều kiện sống tốt hơn nhờ phát triển kinh tế. Đảng PAP đã tuyên bố chiến lược ưu việt của mình trên thực tế vào lúc đó: "Không ai có thể hoàn thành sứ mạng kinh tế tốt hơn chúng tôi." Hai năm sau, nhận thức khôn ngoan đúng thời điểm giai đoạn đó đã giúp Lý Quang Diệu khai thác điểm yếu của đảng Barisan Socialis. Ông kêu gọi một cuộc bầu cử bất ngờ vào ngày 22 tháng 9 năm 1963, chỉ 6 ngày sau khi Singapore gia nhập Liên bang Malaysia, bất chấp sự phản đối của đảng Barisan Socialis và thắng lớn trong cuộc bầu cử này.

Đảng PAP cũng tỏ ra mạnh tay khi họ thấy cần thiết. Ngay lập tức sau cuộc bầu cử thắng lợi năm 1963, chính quyền đã bắt giữ 15 nhà lãnh đạo nổi tiếng của phe đối lập với lý do rằng họ chuẩn bị một âm mưu cộng sản. Điều này đã làm suy yếu phe đối lập. Albert Winsemius ngay từ năm 1959, đã cảnh báo Lý Quang Diệu rằng loại trừ những người cộng sản như một thế lực sẽ là một sự kiện then chốt trong việc dành lấy sự ủng hộ của công đoàn đối với chiến lược kinh tế mà họ đang cần sự hợp tác xây dựng. Hành động mạnh mẽ của Đảng PAP chống lại đảng Barisan Socialis đã vô hiệu hóa sự đối lập của những người cộng sản, cùng với họ là những chủ tịch công đoàn tả khuynh cực đoan.

Cuộc đối đầu khốc liệt với những người lãnh đạo ngoan cố của công đoàn đã xảy ra và không thể tránh khỏi vào năm 1968, đưa đến việc loại những người này ra khỏi danh sách công đoàn sau khi họ đã kết án họ tổ chức các cuộc đình công bất hợp pháp, mặc dù những công nhân tham gia vụ này vẫn giữ được việc làm của họ. Kể từ đó, Đảng PAP đã cho thấy họ là những đối thủ hết sức đáng sợ và có thể đối đầu không khoan nhượng với mọi đối thủ. Việc không có những phe đối lập đáng tin cậy càng khiến Đảng PAP hành xử một cách chuyên quyền. Ví dụ như có thời kỳ họ dẫn chứng đạo luật an ninh nội địa (ISA) bao vây những người "cộng sản" và "những người theo quan điểm cộng đồng" và bắt giữ họ mà không hề xét xử, có một trường hợp lên đến 23 năm. Không còn báo cáo nào về tù nhân chính trị nữa cho đến nay.176 Sau cuộc bầu cử năm 1997, những người lãnh đạo Đảng PAP đã đưa ra những bản luận tội đối với một thành viên của đảng đối lập, do những lời nhận xét có tính chất xúc xiểm mà ông ta đã đưa ra. Chi phí để bảo vệ mình tại phiên tòa đã đưa ông ta đến chỗ khánh kiệt và thế là theo luật ông ta không có tư cách ở lại Quốc hội.

Về mặt địa chính, một khi họ đã chiếm giữ, sẽ được đảm bảo thông qua con đường hợp pháp hóa hoặc chính thức thừa nhận. Rồi sau đó người ta sẽ bảo vệ nó thông qua các đạo luật. Nền lập pháp hiện hành được sử dụng một cách có hệ thống, tăng cường thêm và những đạo luật mới có hiệu lực vừa củng cố quyền lực và đồng thời hỗ trợ cho những chiến lược phát triển. Đạo luật về chống lật đổ được người Anh đưa ra vào năm 1948 đã phê chuẩn sự bắt bớ và lưu giữ người không cần xét xử vẫn còn trong sách. Đến ngày hôm nay khi nhà cầm quyền đã có quyền lực thống trị tuyệt đối bao gồm việc kiểm soát tất cả những cuộc đấu tranh công cộng. Luật bầu cử còn củng cố quyền lực chính trị mạnh mẽ hơn và có lợi cho đảng PAP.177 Luật được thực thi đã ngăn cản việc sở hữu và tự do hành động của báo chí và luôn luôn có những điều khoản phạt nặng nề về tội báng bổ. Theo ngôn ngữ của Lý Quang Diệu: "Đầu tiên chúng ta phải giáo dục và khuyến khích toàn dân... Sau khi chúng ta đã thuyết phục, chiếm được đại đa số chúng ta sẽ luật hóa (tác giả nhấn mạnh) để trừng phạt thiểu số bướng bỉnh".178 Nền lập pháp đã hỗ trợ và củng cố cho chiến lược kinh tế.

Hiến pháp đã được vạch ra một cách chu đáo để thiết lập sự cân bằng giữa các nhóm sắc tộc với những điều khoản rõ ràng cho phép một xã hội đa chủng tộc chấp nhận lẫn nhau. Luật pháp có hiệu lực từ năm 1968, đã buộc những hoạt động công đoàn tuân theo các chiến lược phát triển kinh tế của chính quyền...179 Một khi những đường lối bảo thủ về mặt tài chính đã được thực hiện thì sẽ trở thành luật lệ. Ở Singapore theo luật thì ngân sách phải được cân đối và luôn luôn thặng dư so với chi dùng của chính phủ. Khoản ngân sách tiết kiệm tích lũy trước khi chính phủ chi dùng sẽ không ai được chạm đến trừ khi có sự cho phép của tổng thống. Theo luật, chỉ có những cá nhân nào được xem là "có tư cách đạo đức cao" và đáp ứng được những thử thách chặt chẽ, ví dụ như có kinh nghiệm điều hành và quản lý tài chính mới có quyền tranh cử tổng thống. Ở Singapore lệ luôn luôn đi trước luật. Đôi khi quốc gia đã được thuyết phục để đưa vào luật hay chấp nhận cho phép luật lệ ràng buộc chính mình, và nhân danh quyền lực của pháp luật hay những cam kết trước đó, họ buộc phải gắn bó với chính sách kinh tế đang được kỳ vọng. Luật tài chính đã chi phối các chính sách về ngân sách trong các quốc gia thành viên khu vực châu Âu luôn nằm trong tâm trí họ hay là cách sắp xếp một thể chế ngoại tệ giống như ở Achentina những năm 1990, với những điều khoản phạt được qui định trước cho những ai vi phạm luật đã xác lập. Trong khi luật về trách nhiệm tài chính có thể tăng cường tính minh bạch và có thể tiên liệu trước, bản thân nó cũng không thể đem lại sự tin cậy về mặt chính sách được. Ở trường hợp Singapore, cả xã hội đề cao tính thanh liêm về tài chính. Luật pháp cho phép người ta đóng thêm một chốt an toàn vào cánh cửa đã được khóa thông qua quy trình thực tế được hỗ trợ thêm bằng quyền lực và lòng tin.180

Nhà cầm quyền PAP đã nhận được sự hợp tác và đã tạo nên nhiều liên minh. Một số liên minh có tính chất cơ hội và có thể chuyển biến theo thời gian khi tình hình thay đổi. Điều này cũng bao gồm việc hợp tác với những người cấp tiến tả khuynh đã bỏ đi vào thập niên 1950, với thủ tướng hữu khuynh của Malaysia là ông Tunku Agdul Rahman chống lại đảng Barisan Soialis và với người Anh vào thập niên 1960 để dành lấy sự ủng hộ của họ cho việc Singapore gia nhập Liên bang Malaysia. Những mối quan hệ khác đặc biệt là với công đoàn, mối quan hệ về nguyên tắc lâu dài và bền chặt. Nhà cầm quyền đã liên kết, thậm chí gắn bó với công đoàn càng chặt chẽ càng tốt cùng với những chính sách của họ. Đảng PAP sử dụng Đại hội Nghiệp đoàn Quốc gia (National Trade Unions’ Congress – NTUC), một tổ chức bao trùm lên giai cấp lao động để buộc người công nhân phải sống trong kỷ luật và hòa hợp với xã hội vì giá trị cần lao và lòng trung thành. Năm 1982, Luật Công đoàn (bản tu chính) đã định nghĩa chức năng của công đoàn là gia tăng mối quan hệ công nghiệp tốt đẹp giữa giới chủ với giai cấp thợ thuyền, đồng thời lưu ý nâng cao năng suất vì lợi nhuận chung của những bên hữu quan. Đảng PAP cũng khuyến khích các công đoàn giúp cho công nhân vào hợp tác xã sản xuất, ví dụ như siêu thị hay dịch vụ taxi, đem lại cho họ những việc làm đóng góp vào nền kinh tế. Theo thời gian, mối quan hệ cộng sinh phát triển giữa đảng cầm quyền PAP và NTUC đã trở thành mối liên hệ chủ yếu cho sự thành công về mặt kinh tế của Singapore. Trong nhiều năm tổng thư ký của NTUC cũng là Bộ trưởng nội các trong chính phủ. Nhiều đời tổng thống Singapore trước đây đã từng làm việc tại công đoàn. Đảng đã hướng dẫn những cán bộ có năng lực và tận tâm. Chính quyền đã có đồng minh để hỗ trợ cho sự nghiệp của mình thông qua quyền bổ nhiệm những chức vụ trong bộ máy hành chính công quyền kết hợp với tầng lớp lãnh đạo ưu tú và tránh được tình trạng gia đình trị. Công chức thì gắn bó chặt chẽ trong việc thực thi chính sách nhà nước.

Singapore cũng đã xây dựng mối quan hệ song phương hỗ trợ cho sự thống nhất đa phương cởi mở. Họ tỏ thái độ không liên kết với các siêu cường đang cạnh tranh, họ muốn "tìm và kết bạn với tất cả những ai muốn làm bạn với họ".181 Họ đã công khai công nhận sự che chở về mặt an ninh do Hoa Kỳ cung cấp cho khu vực Đông Nam Á. Điều này là đảm bảo quan trọng đối với đầu tư của người Mỹ trong thời gian chiến tranh lạnh. Trong mối tương quan đó, Singapore đã nhấn mạnh đến quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Việt nam bằng cách cho nhiều quốc gia khác trong khu vực thời gian để phát triển kinh tế và đến quyền lợi do hải quân Mỹ đem lại, giữ cho những hải trình trong vùng biển toàn cầu này một con đường sống còn để mở rộng ngoại thương. Singapore đã nỗ lực hướng đến sự hỗ trợ của khối ASEAN, cho sự phát triển kinh tế của Ấn Độ và Trung Hoa.

Tóm lại, bằng những sách lược lâu dài và những chiến thuật tư pháp, nhà cầm quyền của Đảng PAP đã xây dựng những định chế hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế trong suốt bốn thập niên qua. Chiến lược của họ là gì? Là xây dựng, là đem lại sự phồn vinh và an toàn cho mọi người và chịu trách nhiệm những lời hứa. Chiến thuật đã được sử dụng bao gồm: hướng cảm xúc của tập thể và nêu bật những giá trị tập thể nhằm hỗ trợ cho chiến lược của mình; sự khai thác một cách khôn ngoan những điểm yếu của địch thủ kết hợp với những quyền lực trấn áp; sử dụng quyền lập pháp; và xây dựng liên minh. Vào năm 1971, Đảng PAP đã củng cố quyền lực của mình. Mười hai năm, từ 1959 đến 1971 đã chứng tỏ là hết sức quan trọng, đã đặt nền tảng cho 35 năm sau đó. Vào thời gian ấy những cành cây non trong chiến lược phát triển kinh tế của Singapore đã bén rễ vững chắc. Những thành công vang dội sau này trong việc xây dựng các định chế và chính sách hỗ trợ về kinh tế đã được đặt trên nền tảng những thành tựu chính trị của nó, của 12 năm đầu đời đó.