Mỗi quốc gia, ở bất kỳ thời điểm nào, cũng đều phải đối mặt với thực tế hiện hữu của các yếu tố địa lý, lịch sử, xã hội và chính trị. Chính sách phát triển của mỗi quốc gia, do vậy, đều phải xuất phát từ những thực trạng ban đầu này. Có phải những yếu tố hoàn cảnh mà Singapore xác định vào năm 1965 đã góp phần thuận lợi cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ sau này? Hay những yếu tố hoàn cảnh này lại chính là những trở ngại?
NỀN TẢNG KHỞI ĐẦU
Vị trí địa lý, được xem như yếu tố quyết định đến sự phát triển đất nước, có một lịch sử lâu dài và gây nhiều tranh cãi. Sức nóng và độ ẩm của vùng đất thuộc khí hậu nhiệt đới bước đầu được xem như là một vấn đề thách thức đối với lực lượng lao động chân tay và trí óc. Triết gia người Pháp Montesquieu vào năm 1748 đã nhận xét rằng "con người sẽ trở nên kém mạnh mẽ hơn trong những vùng khí hậu nóng nực[31]. Tuy vậy, sau Thế chiến thứ hai, có lẽ người ta không ngạc nhiên lắm khi tầng lớp trí thức ở các vùng thuộc địa trước đây nay vừa mới giành được độc lập đã lên tiếng phản bác chiều hướng nhận định này. Theo họ, chính những học thuyết mang tính tiền định và bi quan về mặt địa lý này và do sự kém phát triển của người dân bản xứ đã làm nảy sinh những lập luận hợp lý trong các chính sách cai trị thuộc địa của tầng lớp có thế lực thống trị trước đây.
Theo lập luận hiện nay thì yếu tố địa lý đóng một số vai trò đáng kể trong việc phát triển kinh tế.[32] Trong trường hợp đất nước Singapore, mọi yếu tố về mặt địa lý bao gồm vị trí vùng nhiệt đới, địa thế vùng ven biển và tình trạng khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ được đưa ra xem xét.
Những vùng lãnh thổ thuộc khí hậu nhiệt đới thường phải đối mặt với nhiều điều kiện bất lợi. Như David Landes đã từng nhận định, để tồn tại, con người bắt buộc phải làm việc với nhịp độ chậm hơn trong một vùng khí hậu nóng bức và ẩm thấp[33]. Để vận hành hiệu quả, cơ thể con người phải tiêu thụ nhiệt năng sản sinh từ cơ bắp, do đó họ bắt buộc phải ngưng làm việc khi mồ hôi không thể tiết ra được nữa. Trong khi nhiều loại cây trồng vùng ôn đới như dầu cọ đang bước vào mùa bội thu, thì khí hậu vùng nhiệt đới lại thường tỏ ra khắc nghiệt đối với nền nông nghiệp gieo trồng: những cơn mưa như thác đổ luân phiên xen kẽ với những mùa khô hạn kéo dài đã làm xói mòn đất trồng; không có đặc ân của vùng thời tiết buốt giá với những loài côn trùng tự nhiên vừa gieo mầm bệnh vừa giúp phát triển thực vật; cùng với một vùng khí hậu nóng ẩm luôn tồn tại dai dẳng dẫn đến việc lây lan các bệnh truyền nhiễm gây hại cho mùa màng và sức khỏe con người. Hơn nữa, sự lây lan bệnh tật ở vùng khí hậu nhiệt đới đòi hỏi thời gian chữa trị lâu hơn so với khu vực khí hậu ôn đới. Mặc cho những điều kiện bất lợi như thế, Singapore vẫn ra sức nỗ lực tiêu diệt căn bệnh sốt rét bằng việc tiến hành làm tiêu thoát nước ở các vùng đầm lầy và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tật khác; tuy một số bệnh như sốt đậu mùa vẫn còn tồn tại.
Địa thế vùng ven biển, trái lại, từng được đánh giá là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển kinh tế dù không nhiều lắm. Adam Smith đã từng nêu rõ "vận chuyển đướng thủy rẻ hơn rất nhiều so với vận chuyển đường bộ, cho nên sẽ không là điều ngạc nhiên khi các đô thị trung tâm và mọi nền văn minh đều nằm ở vùng ven biển hoặc dọc theo những con sông có đường thủy thông thương".[34]Chi phí vận chuyển thấp hơn sẽ góp phần khuyến khích việc giao thương, trao đổi thông tin, việc chuyên môn hóa, và mua bán đủ mọi chủng loại hàng hóa khác nhau, từ đó tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Giao thương thông thoáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kỹ thuật và các ý tưởng sáng tạo, góp phần hỗ trợ cho các thành phần kinh tế đạt được giá trị trao đổi hàng hóa cao hơn và hoạt động hiệu quả hơn.
Những chứng minh dựa vào thực nghiệm đã cho thấy mối tương quan khá chặt chẽ giữa mức thu nhập của một quốc gia và vị trí lùi sâu vào trong của quốc gia đó so với đường xích đạo (xem Biểu đồ 2.1). Các vùng khí hậu khác nhau là một minh chứng cho thấy sự khác biệt giữa các khoảng cách lùi sâu vào trong so với đường xích đạo, cho dù là một minh chứng sơ nét vì chưa được đưa ra khảo sát về mặt cao độ hay hiện tượng; điển hình như Dòng nước nóng Gulf Stream chảy từ vịnh Mexico qua Đại tây dương đã tạo thuận lợi rất nhiều cho phần lãnh thổ phía tây châu Âu khi đổ về đây.[35]
Một điều tương tự là các vùng ven biển cũng tỏ ra có mối tương quan với mức thu nhập bình quân (xem Biểu đồ 2.2).
![][14]
![][15]
Trong phạm vi các quốc gia rộng lớn như Trung Quốc, các khu vực ven biển của nước này đều phát triển tốt hơn so với các vùng lãnh thổ nằm sâu trong nội địa. Nhưng mối tương quan này tỏ ra không chặt chẽ lắm, đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của các tác động biến đổi khác đã bị bỏ sót trong quá trình nghiên cứu. Trong biểu đồ 2.1, đất nước Singapore biểu thị cho một trường hợp ngoại lệ hết sức đặc biệt. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, khi đề cập tới những vấn đề phát triển kinh tế, thì việc đưa ra phân tích nguyên nhân – hệ quả phải được thực hiện theo cùng một hướng hết sức rõ ràng.
Việc có sẵn nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ giữ vai trò quan trọng ra sao đối với sự phát triển kinh tế? Theo như kết luận dựa trên những bằng chứng thực nghiệm thì một nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào sẽ góp phần thúc đẩy việc phát triển nền kinh tế, nhưng vấn đề này chưa phải là một điều kiện cần và đủ.[36] Giữa hai yếu tố trên có một mối tương quan mật thiết, nhưng nếu tiến hành phân tích thống kê thì vẫn còn nhiều trường hợp ngoại lệ đã khiến cho điều kiện này không đủ sức thuyết phục: Nhật Bản đạt một mức thu nhập rất cao nhưng lại có rất ít nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngược lại điều kiện này lại tỏ ra là đúng đối với trường hợp của Venezuela. Sự dồi dào nguồn đất đai trồng trọt màu mỡ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia như Úc, Mỹ, Argentina vào thế kỷ thứ 19. Tuy nhiên, ngược lại sự có sẵn nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thực tế có thể làm cản trở sự phát triển về mặt kinh tế. Vấn đề được coi là "mối hiểm họa tài nguyên thiên nhiên" này có thể biểu hiện ở nhiều hình thái. Thứ nhất, sự phát hiện dầu mỏ hay việc leo thang tăng giá xuất khẩu dầu mỏ có thể dẫn đến hậu quả nhiều quốc gia muốn ứng trước khoản tiền vay mượn để sử dụng do dựa vào doanh thu của nguồn dầu mỏ khai thác sau này, nhưng sau đó kết cuộc không xảy ra đúng như mong đợi, và điều này đã để lại cho nhiều quốc gia một gánh nặng nợ vay chính thức khó thể xóa hết. Thứ hai, nếu việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên mang lại một tỷ giá hối đoái đạt giá trị cao, thì việc đưa ra xuất khẩu một lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể làm kềm hãm sự phát triển nền sản xuất công nghiệp và nguồn lợi nhuận kèm theo.[37]Thứ ba và có lẽ là điều quan trong hơn hết, về mặt kinh tế, việc vay mượn dựa vào cơ sở có sẵn nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể gây một tác động xấu cho hệ thống chính trị khi nó sẵn sàng mang đến một sự tha hóa về mặt chính trị, dẫn đến những cuộc tranh đấu nhằm nắm quyền kiểm soát chính quyền, có thể làm chuyển hướng nguồn ngân sách chung thông qua vay mượn từ các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước để có kinh phí thực hiện việc cấu kết phe đảng; tất cả các điều này đã dẫn đến những hậu quả như một món nợ trễ hạn (ở đất nước Venezuela), một cuộc nội chiến (ở Sudan, Angola), hay nạn ngoại xâm (ở Congo).
Một nghiên cứu mới đây đã góp phần làm tăng thêm giá trị thực tiễn của điều phân tích nêu trên. Rodrik và Subramanian đã chứng minh được rằng hai yếu tố lịch sử và địa lý đã thật sự tác động một cách gián tiếp lên mức thu nhập thông qua hiệu quả hoạt động của cơ cấu tổ chức chính quyền[38]. Hai tác giả đã tiến hành những khảo sát hết sức thận trọng nhằm đi đến xác định rõ nguyên lý vận hành của quan hệ nhân – quả giữa các biến số có xu hướng tác động lẫn nhau. Họ đã nhìn ra được bản chất của sự việc mà Duran Acemoglu từng nhấn mạnh[39]. Ở những vùng lãnh thổ thuộc địa, nơi còn nhiều đất đai với dân cư thưa thớt và ảnh hưởng của khí hậu phần nào hạ thấp tỷ lệ tử vong (tiêu biểu như vùng đông nam nước Mỹ), thì những người châu Âu đến định cư dài lâu ở đây đã mang theo cùng với hành trình của mình những mô hình tổ chức nhà nước theo kiểu châu Âu. Ngược lại, ở những vùng lãnh thổ thuộc địa nơi ảnh hưởng khí hậu có thể gây ra tỷ lệ tử vong cao, nơi mật độ dân cư dày đặc và có sẵn nguồn tài nguyên thiên nhiên để khai thác (như khu vực vùng Caribbean và châu Mỹ La tinh), thì người châu Âu, sẽ tham gia vào việc khai thác nguồn tài nguyên dư thừa ở nơi đây và sẽ tiến hành thay đổi mô hình tổ chức ở những thuộc địa này, sau đó làm băng hoại những bộ máy quản lý chính quyền do chính họ tạo ra để có thể đạt được mục đích khai thác kia. Những bộ máy quản lý do những thế lực cầm quyền thuộc địa thiết lập thường có chiều hướng chuyển sang cai trị thời kỳ hậu thuộc địa sau này, cái mà họ mang đến cho các vùng thuộc địa chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới trước đây chỉ là những bộ máy tổ chức chính quyền vô cùng tệ hại, sẵn sàng quay lại bóp nghẹt sự phát triển về mặt kinh tế ở các nơi này. Theo các tác giả, các quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới sẽ không phải chịu những tác động tiêu cực của khí hậu hay của nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng đối với sự phát triển kinh tế, nếu họ tìm cách cải tiến lại bộ máy tổ chức chính quyền của chính quốc gia mình (xem Biểu đồ 2.3).
Biểu đồ 2.3 Mối tương quan giữa yếu tố địa lý và mức thu nhập.
![][16]
Thông qua hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thì việc mở mang về mặt kinh tế cũng tạo một ảnh hưởng tích cực. Trường hợp của Singapore đã minh chứng cho kết luận của hai tác giả.
ĐIỀU KIỆN KHỞI ĐẦU TỆ HẠI - ĐIỂM YẾU CỦA SINGAPORE
Tại Singapore, các dữ liệu nghiên cứu đã cho thấy rõ những viễn cảnh phát triển không thuận lợi mà một đất nước non trẻ vừa độc lập đã phải đối mặt. Sự non nớt yếu đuối, cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại, là một điềm bất lợi vô cùng. Nền độc lập đất nước bị cuốn vào tình trạng căng thẳng với Malaysia và trong thời kỳ "Konfrontasi" (cuộc chiến tranh giai đoạn xung đột giữa Malaysia và Indonesia) (1963-1966) do Tổng thống Indonesia Sukarno phát động nhằm cổ vũ cho sự thành lập nhà nước Malaysia. Chi phí quốc phòng xem như là điều kiện bắt buộc, cho dù mức thu nhập ngân sách không đáng kể. Singapore phải lệ thuộc các nước bên ngoài về nguồn lương thực, chất đốt và nguồn nước sạch. Sự tác động mạnh về việc tăng giá nhập khẩu hàng hóa được cảm nhận một cách rõ rệt. Đất nước không hề có nguồn nguyên liệu công nghiệp và nông nghiệp. Không có thị trường nội địa rộng lớn. Vào lúc này, hai nước Malaysia và Indonesia đã tìm mọi cách xuất khẩu trực tiếp từ các hải cảng trong nước họ các mặt hàng như dừa khô, thiếc và các nguồn nguyên liệu khác, không qua Singapore – khi mà đất nước này áp dụng chủ nghĩa dân tộc trong các vấn đề kinh tế với mô hình "trục trọng tâm – nan hoa" (hub-and-spoke) – một mô hình thương mại trung chuyển truyền thống.
Nội tình đất nước thì luôn tiềm tàng mối đe dọa của chủ nghĩa đối lập và các liên minh quân đội. Tỷ lệ thất nghiệp ít nhất là 10%, vấn đề thiếu hụt nhà ở diễn ra hết sức nghiêm trọng. Bộ máy chính quyền mới thành lập và thiếu kinh nghiệm phải đối mặt với một trọng trách to lớn trong việc cố gắng tạo dựng một sự nhận thức đúng đắn về thể chế quốc gia đối với dòng người nhập cư đa thành phần. Trình độ dân trí hết sức nghèo nàn. Tình trạng rối loạn về sản xuất công nghiệp tăng cao vào thập niên 1950 trong một bối cảnh hướng về độc lập nhưng lại mang nặng tính tranh chấp quyền lực chính trị. Nghiệp đoàn lao động chỉ gồm những người cộng sản, binh lính và những người đối lập. Họ ra sức o ép giới chủ doanh nghiệp mà không hề quan tâm đến khả năng hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Không như Hồng Kông, Singapore không có những nhà tư bản công nghiệp bản xứ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Bạo động chủng tộc gieo nỗi khiếp sợ cùng khắp đất nước. Mọi triển vọng dường như tỏ ra u ám đối với Singapore sau sự việc tách đất nước này ra khỏi Liên bang Malaysia, dẫn đến sau đó Bộ trưởng Ngoại giao, ông S. Rajaratnam đã phát biểu rằng cơ hội sống còn của đất nước Singapore về mặt chính trị, kinh tế, quân sự coi như gần bằng con số không.[40]
NHỮNG ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI BAN ĐẦU
Nếu xét trên một bối cảnh dài lâu hơn, thì vị trí chiến lược thuận lợi và hải cảng với mực nước sâu tự nhiên của Singapore đã ban tặng cho đất nước này một hoàn cảnh phát triển mang tính quyết định vào thời điểm năm 1965. Với vị tri địa lý giữa Ấn Độ dương và Thái Bình dương, nằm trên lộ trình thương mại Đông-Tây nổi tiếng thế giới, Singapore đã bước đầu trở thành một trung tâm gia công chế biến các hàng hóa nhập khẩu như cao su, thiếc và dầu cọ từ các quốc gia láng giềng nhằm mục đích tái xuất khẩu sau này. Các chính sách tự do thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước trở thành một trung tâm buôn bán trung chuyển với quy mô hoạt động rất sầm uất. Khoảng thập niên 1950, những ngành công nghiệp phụ như đóng tàu, bảo hiểm, ngân hàng và cơ sở giao thông hạ tầng đều rất phát triển. Khởi đầu từ những làng chài xa xôi hẻo lánh được Raffles phát hiện vào năm 1819, mãi đến năm 1960, cho dù vẫn còn ở trong tình trạng rất hoang sơ nhưng đất nước Singapore đã dần dần phát triển mở mang thêm cho tới hôm nay. Truyền thống kinh doanh của Singapore đã góp phần ủng hộ rất nhiều cho triết lý kinh doanh đề cao lợi ích cho cả hai bên mua bán, dễ dàng và thoải mái trong giao lưu văn hóa khi tiếp xúc với mọi người thuộc các sắc tộc khác nhau, nhạy bén và có năng khiếu trong việc khai thác mọi cơ hội nhằm tạo ra lợi nhuận từ giao thương mua bán và từ các mối quan hệ khác với các nước láng giềng. Truyền thống này cũng góp phần nuôi dưỡng khát vọng và tính năng động trong kinh doanh, ở một nơi mà bối cảnh nền sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở trong tình trạng hoang sơ, với những chu kỳ mùa màng còn phải lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên và còn tồn tại khuynh hướng phân hóa xã hội cùng sự trì trệ, có lẽ cảnh tượng như thế này ít thấy hiện hữu ở một nơi nào khác.
Cho dù những tuyên bố đòi độc lập ngày càng tăng cao mạnh mẽ vào thập niên 1950, Singapore vẫn thụ hưởng mọi phúc lợi của một nền di sản thuộc địa hùng mạnh Anh Quốc. Đất nước này đã từng là trung tâm hành chánh, thương mại và quân sự của vương triều Anh ở vùng Đông Nam Á. Nền di sản thuộc địa này bao gồm các ban ngành dân sự hoạt động đúng chức năng, một cơ cấu chính trị và luật pháp nhằm mục đích hỗ trợ cho các điều luật ban hành, một hệ thống trường học hoàn hảo trong khu vực nơi những người tốt nghiệp sẽ được gởi sang học tiếp tại các trường Đại học Cambridge và Oxford.
Tiếng Anh giữ vai trò độc tôn trong tất cả mọi lĩnh vực. Được truyền bá và trở thành ngôn ngữ giao tiếp phổ biến trong công việc, tiếng Anh đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào trong nước và đặt Singapore vào một vị trí thuận lợi đối với vấn đề toàn cầu hóa sau này. Chủ nghĩa thuộc địa ở Singapore không hề kết thúc bằng một cuộc chiến tranh giành độc lập đầy cay đắng và phân chia, cũng như không cho thấy việc khai thác đến kiệt quệ nguồn tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ dẫn đến những cơ chế kềm hãm tăng trưởng như ở những quốc gia khác.
Địa vị xã hội ở mức tương đối trong thời gian gần đây của phần lớn người dân nhập cư Singapore vào thời điểm độc lập cũng được xem là một điều kiện thuận lợi. Là một quốc gia trẻ với phần lớn dân nhập cư đều thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba, mặc dù người Malaysia có đặc quyền đến định cư sớm một cách hợp pháp nhưng ở Singapore không có hiện tượng chia rẽ cộng đồng bắt nguồn từ những lề thói bất công xưa cũ. Cứ coi như nguồn nhân lực thiếu chuyên môn đã bị khai thác tận cùng ở Singapore vào thế kỷ thứ 19, nhưng điều này không trở thành một sự thù địch giai cấp kéo dài dai dẳng. Không có đấu tranh giành độc lập như ở Việt Nam, Indonesia hay Algeria. Không có những di chứng khủng hoảng tinh thần đối với quá khứ hay quá trình khủng bố tinh thần diễn ra sau đó. Singapore đã tỏ ra dễ dàng hơn nhiều trong việc tìm ra một quan điểm chung hết sức tiến bộ, so với trường hợp các quốc gia vùng Caribbean, nơi người châu Phi bị đưa đến qua con đường buôn bán nô lệ.
Sự thiếu vắng bề dày kinh nghiệm lịch sử truyền thống ở Singapore cùng với những bất ngờ đầy ấn tượng trong việc giành độc lập có lẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái định hướng quyền lãnh đạo nhà nước độc lập Singapore. Sự tôn trọng quyền lực và tầng lớp phong kiến vương triều ảnh hưởng từ truyền thống Trung Quốc cũng góp phần làm cho nhà cầm quyền định hướng cho một quốc gia vừa mới độc lập đi theo con đường đã chọn. Tương tự như một tiền đồn mở rộng thuộc Trung Quốc, đối với Singapore, một đất nước đã từng biết rõ tầm quan trọng của sự thỏa hiệp giữa các sắc tộc và các chủng tộc, thì việc chấp nhận các ảnh hưởng thuận lợi khi mở cửa đón mời các tập đoàn đa quốc gia và nguồn nhân lực nước ngoài có lẽ là một điều dễ dàng hơn bất cứ một trường hợp nào khác.
Mọi quan điểm có vẻ trở nên dễ thay đổi hơn và việc sẵn sàng thay đổi cơ cấu quản lý nhà nước sẽ tỏ ra mạnh mẽ hơn trong những xã hội có nhiều ổn định. Dân nhập cư, những người đã ra đi rời bỏ quê nhà, đang rất sẵn lòng muốn từ bỏ những lề thói xưa cũ, họ thường ít có xu hướng bài ngoại hay vọng ngoại, và luôn tỏ ra nhanh nhạy và nhiệt tình hơn trong việc đón bắt các thời cơ kinh doanh nhằm vượt lên mọi sự nghèo khổ nghiệt ngã ngày xưa.
NHỮNG ĐIỀU KIỆN BÌNH THƯỜNG BAN ĐẦU
Có nhiều yếu tố mang tầm ảnh hưởng vừa thuận lợi vừa bất lợi, dẫn đến việc khó nhận định kết quả tác động thực trong việc cân bằng các yếu tố này.
Thu nhập bình quân tính trên đầu người đạt mức cao vào lúc khởi đầu
Singapore đã có thuận lợi bước đầu. Thu nhập bình quân tính trên đầu người của quốc gia này vào năm 1965 gấp 2,5 lần so với Malaysia – mức cao nhất đứng thứ hai trong khu vực hiện nay – và gần 10 lần mức hiện hành ở Indonesia và Ấn Độ, dựa trên tỷ giá hối đoái thị trường[41]. Điều này cho thấy vị thế của một quốc gia với một thương cảng xuất nhập hàng hoạt động quy mô và vai trò của một trung tâm hành chánh quân sự. Tuy nhiên, mức thu nhập cao, do những điều kiện thuận lợi ban đầu về cơ cấu quản lý góp phần đưa tới, tự bản thân nó không hề là một yếu tố tỏ ra thuận lợi đối với tỷ lệ tăng trưởng sau này. Cứ sau một thời kỳ, khi mức thu nhập ban đầu càng cao bao nhiêu, thì sau này việc duy trì tỷ lệ tăng trưởng đó lại càng khó khăn bấy nhiêu. Những trường hợp khác cũng tương tự như vậy. Đối với các nền kinh tế đã phát triển, họ sẽ không có được những cơ hội tăng trưởng dễ dàng nhờ vào việc mô phỏng các ứng dụng công nghệ mới nhất và vào các phương thức tổ chức sản xuất mang lại nhiều hiệu quả. Thêm nữa, khi mức dự trữ vốn tăng, thì giá trị hiệu năng của một đơn vị đồng vốn bổ sung sẽ gỉảm bớt đi, và một tỷ lệ cao hơn của tổng dự trữ ngân sách buộc phải sử dụng vào để thay thế cho đồng vốn hiện hành đang giảm đi giá trị, và do đó không thể đóng góp vào sản lượng chung nữa. Điều này đã góp phần giải thích vì sao tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Singapore vào thời điểm hiện nay, khi dự phóng về tương lai từ 10 đến 15 năm tới, được hoạch định ở mức thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác như Ấn Độ hay Việt Nam. Đồng thời, không thể phủ nhận mức thu nhập của Singapore vào năm 1965 là một tác nhân tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và dự trữ nhiều hơn mức có thể trong những nền kinh tế luôn phải đấu tranh để có thể tồn tại.
Diện tích nhỏ hẹp
Diện tích đất đai nhỏ hẹp của Singapore vừa có yếu tố thuận lợi lẫn bất lợi. Về mặt thuận lợi, kích thước nhỏ như đô thị của quốc gia này cho phép hạ thấp đơn giá chi phí trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và những ngành phục vụ công cộng. Mật độ dân số tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc phân bố dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các tiện ích phúc lợi xã hội khác, đồng thời dễ dàng hơn trong việc đạt được tính nhất quán và tính hiệu quả cao trong quản lý so với một quốc gia lớn với các vùng đất đai phân chia rộng khắp. Các tiện ích về mặt đô thị làm cho việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hay việc kêu gọi nhân lực lao động nước ngoài có nhu cầu đóng góp đầu tư được thuận lợi hơn. Những khu vực mật độ dân cư dày đặc thường tạo điều kiện dễ dàng hơn trong quan hệ giao dịch và trao đổi các vấn đề chuyên môn. Ở Singapore, người lao động cần kiệm không nhất thiết phải chuyển nhà đến một nơi nào khác trong phạm vi đất nước khi mạng lưới giao thông công cộng dày đặc cho phép họ nhận công việc làm ở bất cứ nơi nào mà không cần thiết phải dời nhà đi. Ngoài ra, một khi các tập đoàn đa quốc gia đến đây, tình trạng thất nghiệp sẽ nhanh chóng giảm thiểu do quy mô hoạt động của các tập đoàn này cho phép thu hút tỷ lệ 10% nguồn lực lao động vào năm 1973, con số vẫn còn là ít trong điều kiện tuyệt đối như thế nếu so sánh với các quốc gia rộng lớn hơn. Thêm nữa, các quốc gia có diện tích nhỏ thường có khuynh hướng tập trung vào khai thác lĩnh vực dịch vụ khi việc khan hiếm nguồn đất đai xem ra là điều bất lợi cho việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế nông nghiệp.
Về mặt bất lợi, diện tích đất nước nhỏ hẹp cũng bao hàm ý nghĩa diện tích đất đai khan hiếm, làm cho việc xây dựng nhà ở bước đầu đều vượt ngoài khả năng của hầu hết dân chúng. Hơn nữa, hiện vẫn còn đang có nhiều ý kiến cho rằng dân số Singapore hiện nay đang ở dưới mức tối ưu cho phép.
Một số nhận xét cho rằng con số các nhà khoa học của Singapore hoạt động trong lĩnh vực chuyên sâu không nhiều lắm để có thể cùng góp sức tạo nên những tổ chức mà ảnh hưởng của nó vô cùng lớn, như kiểu thung lũng Silicon vậy. Vấn đề nhân lực hạn chế đặt ra những yêu cầu đòi hỏi đất nước phải có chính sách phân bổ người có năng lực hay có bằng cấp chuyên môn rộng khắp hơn cho các vùng lãnh thổ. Thêm một yếu tố nữa, diện tích nhỏ hẹp của thị trường tiêu thụ, theo lập luận truyền thống, sẽ dẫn đến những mặt hạn chế trong việc thay đổi chính sách nhập khẩu. Đi liền theo vấn đề này là việc thiếu hụt nguồn tài nguyên thiên nhiên đối với một diện tích đất đai nhỏ hẹp như vậy. Điều khá quan trọng, những quốc gia nhỏ bé thường có khuynh hướng tỏ ra yếu thế về mặt kinh tế đối với sự phát triển mang tính toàn cầu và thường dễ bị tác động từ những khủng hoảng kinh tế từ phía bên ngoài.
Thật ra vấn đề diện tích dường như cho thấy không đóng một vai trò nào dù bằng cách này hay cách khác. Những mặt hạn chế của một thị trường tiêu thụ nhỏ vẫn có thể được khắc phục bằng việc mở rộng thương mại. Nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể được chuyển đến từ các quốc gia láng giềng, do đó vấn đề diện tích nhỏ hẹp đã chứng tỏ không hề là yếu tố bất lợi đối với Singapore. Nhưng yếu tố vùng lãnh thổ nhỏ hẹp không phải là một điều kiện cần và đủ cho sự phát triển tăng tốc. Đỉnh cao đột phá của Trung Quốc kể từ thời điểm năm 1978 đã chứng tỏ là vẫn có khả năng thực hiện, dù chẳng dễ dàng chút nào, việc phát triển tăng tốc đối với một quốc gia có diện tích đất đai quá rộng lớn. Tương tự như vậy, các quốc gia nhỏ bé khác đang trên đà phát triển cũng khó có thể đạt được thành quả tương đồng với các thành tích tăng trưởng của Singapore.
Quyền lực quốc gia
Việc trở thành một quốc gia độc lập và có chủ quyền phải chăng là một điều kiện thuận lợi tư nhiên? Là một quốc gia độc lập có chủ quyền, Singapore có thể thiết lập các chính sách riêng của đất nước theo một đường lối linh hoạt nhằm thích ứng với yêu cầu của từng hoàn cảnh. Trong một chừng mực nào đó thì những chính sách này được vạch ra để thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Do đó, khả năng thiết kế được một viễn cảnh kinh tế chính trị riêng của đất nước hướng về tương lai, cũng chính là một điều kiện hết sức thuận lợi. Là một quốc gia có chủ quyền, Singapore có khả năng đối phó nhanh chóng với những thách thức mới và luôn tôi luyện ý chí. Các chính sách được luật pháp hậu thuẫn. Không giống các đô thị khác, chính quyền thủ đô Singapore nắm quyền kiểm soát vấn đề nhập cư từ các vùng nội địa thuộc khu vực, kể cả về mặt tình trạng chất lượng và số lượng của người lao động, đồng thời cũng kiểm soát vấn đề phúc lợi xã hội của những lao động tạm thời.
Singapore cũng thực hiện việc chuyển nguồn thu nhập đến những khu vực phụ cận nghèo khó hơn dưới hình thức chuyển tiền của người lao động, không bằng hình thức thông qua ngân sách nhà nước như chính phủ vẫn thường phải sử dụng đối với những vùng chưa phát triển trong nước. Chính vì lý do này, có nhiều quan điểm cho rằng nền độc lập đối với Singapore chỉ là một niềm ân sủng khéo được che đậy. Trong chừng mực nào đó thì Singapore đã thụ hưởng rất nhiều thuận lợi từ việc tách ra khỏi Malaysia, trong đó phải kể đến việc chuyển thu nhập ra ngoài ở mức thấp hơn trước đây đồng thời lại tiếp nhân dòng chảy nhân tài và nguồn vốn từ Malaysia đổ vào. Nhưng thành tích tăng trưởng của Malaysia dường như cũng không vì thế mà chịu nhiều hậu quả, dù có sư hao hụt đáng kể trong việc chuyển nguồn thu nhập (Một nhận định khách quan bên lề nội dung sách đã từng nêu ra vấn đề liệu thành tích tăng trưởng kinh tế của Malaysia sẽ trở nên mạnh hơn hay yếu đi nếu xảy ra sự kiện đất nước Singapore vẫn còn ở lại trong nền chính thể Liên bang).
Kiến tạo được vị thế của một đất nước có quyền lực dù vậy không hề là một thang thần dược đối với các quốc gia nhỏ bé. Phải nỗ lực rất nhiều cho điều kiện đạt được này. Nước Bỉ thường được liệt kê là một đất nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Điều này góp phần tạo nên vị thế cho quốc gia này, một phần nhờ vào sự chuyên biệt của thị trường tài chính dựa trên những điều kiện thuận lợi về thuế và mức thuế điều chỉnh, và cũng còn nhờ vào chỗ đứng của quốc gia này trong cơ cấu điều hành khối châu Âu. Nhưng cũng có nhiều đảo quốc nhỏ bé có chủ quyền độc lập lại không phát triển thành công. Các đảo quốc Dominica và Saint Lucia thuộc vùng Caribbean với diện tích đất đai tương tự như Singapore nhưng tăng trưởng kinh tế và mức thu nhập lại thấp hơn Singapore rất nhiều; lại thêm một lần nữa cho thấy ngoài vấn đề diện tích đất đai thì những yếu tố thuận lợi cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với đất nước Singapore.
Kết luận
Hoàn cảnh khởi đầu của Singapore đều bao gồm cả hai yếu tố thuận lợi và bất lợi. Với những thành quả gặt hái được ở tương lai sau này và nhìn lại những thành công đầy ấn tượng đã được thực hiện trong bốn thập niên vừa qua, có thể rút ra kết luận rằng có một yếu tố cân bằng hết sức thuận lợi giữa các hoàn cảnh tự nhiên thiên phú ban đầu. Nhưng đối với đất nước này thì một vị trí địa lý thuận lơi, một di sản lịch sử ôn hòa và là điểm đến của người nhập cư trong thời gian gần đây, tất cả chưa phải là những điều kiện bảo đảm cho các mục tiêu phát triển kinh tế sau này.
Điều rõ ràng nhận thấy là Singapore đã biết nắm bắt mọi vận hội để trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền, biết khai thác đến cùng những cơ hội trời cho vào thời điểm khởi đầu đầy thuận lợi, đồng thời cũng ra sức lao động miệt mài và sáng tạo để có khả năng vượt qua được những khó khăn nội tại và ngoại tại.
Dựa vào thế mạnh của những yếu tố thuận lợi, Singapore đã tìm cách chế ngự những điểm bất lợi về mặt lich sử và địa lý bằng việc mau chóng định hướng tăng trưởng kinh tế ưu tiên cho xuất khẩu thông qua hình thức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đất nước này đã thiết lập các chính sách kinh tế mang lại hiệu quả, nạn thất nghiệp, thiếu hụt nhà ở, tình trạng dân trí kém trong tầng lớp nhân dân lao động, tất cả các vấn đề này đều được giải quyết thành công.
Các giai đoạn suy thoái là tác nhân thúc đẩy Singapore phải xác định những đường hướng chiến lược mới, tiêu biểu như trường hợp sau tuyên bố rút lui của quân đội Anh vào thời điểm năm 1967. Nhiều cơ hội không phải tự nhiên đến, mà là chờ sẵn để được mở ra. Đầu thập niên 1990, thủ đô Singapore được xếp hạng thứ tư trên thế giới, sau New York, London và Tokyo về mật độ lưu lượng trao đổi ngoại tệ hàng ngày. Những hoàn cảnh khởi đầu của Singapore vào năm 1965 chính là một phương tiện góp phần đưa tới những sự kiện như thế. Đất nước đã có sẵn hệ thống ngân hàng thương mại, một quá trình giao thương trong khu vực và một cơ cấu quản lý về mặt luật pháp làm hậu thuẫn cho thị trường, cùng sự thuận lợi về mặt địa hình khi nằm trong đới địa lý có chu kỳ ổn định. Chính quyền đã phát hiện một cơ hội cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế vào điểm giao thời khi thị trường San Francisco kết thúc giao dịch vào buổi chiều và thị trường Zurich mở cửa giao dịch vào sáng hôm sau, mang lại lần đầu tiên khả năng giao dịch thương mại toàn cầu chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ. Vào năm 1968, chính phủ Singapore đã đặt vấn đề mời Ngân hàng Quốc gia Mỹ đặt định một đơn vị tiền tệ riêng của khu vực Đông Nam Á nhằm giao dịch chính thức với đồng đô la Mỹ và các đơn vị ngoại tệ mạnh khác. Theo sau đó, nhà nước cũng cam kết đưa vào thực hiện mọi chính sách bổ sung nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình phát triển của hoạt động giao dịch này, có thể kể đến: một đơn vị tiền tệ có giá trị ổn định bảo đảm độ tin cậy, sự gầy dựng tiếng tăm của một trung tâm tài chính đầy uy tín với những hoạt động thường trực nhằm giám sát và điều chỉnh hoạt động giao dịch ngân hàng, cùng sự hậu thuẫn hỗ trợ của các điều luật ban hành trong trường hợp xảy ra tranh chấp thương mại.
Singapore đã có những mặt thuận lợi và bất lợi đáng kể. Nhưng đất nước đã giải quyết được cả hai vấn đề này. Cho dù máy điều hòa không khí đã được sáng chế từ năm 1902, nhưng phải đến bảy thập niên sau đó, cũng chính nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mà chiếc máy này mới trở nên thông dụng ở Singapore. Việc khắc phục sức nóng và độ ẩm làm cho khí hậu đảo quốc này luôn dễ chịu quanh năm, góp phần nâng cao hiệu năng lao động trong các xưởng máy và văn phòng làm việc.
Múc dự trữ cao cho phép việc đầu tư, kể cả việc nới rộng diện tích quần đảo: việc khai phá đất đai đã làm tăng thêm 20% diện tích đất cho Singapore trong giai đoạn 1960-2005, tạo thêm mặt bằng lý tưởng dành cho các hoạt động sản xuất công nghiệp, các dịch vụ vận chuyển hàng không và đường bộ, dành cho xây dựng nhà ở và các công trình hoạt động ngoài trời[42]. Sự giàu có sung túc cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho các phương tiện diệt trừ căn bệnh sốt rét, nhờ đó sức khỏe cộng đồng được cải thiện đáng kể. Cũng nhờ vào các sách lược đúng đắn mà Singapore đã biến diện tích nhỏ hẹp của đất nước trở thành yếu tố thuận lợi. Lãnh thổ nhỏ hẹp tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân bố các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khi đem điều này so sánh với các quốc gia rộng lớn với những khu vực đất đai dân cư thưa thớt, nhưng chính sách sáng suốt chính là điều kiện tiên quyết giúp Singapore đứng vào vị trí số một với thành tích có tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 và 5 tuổi ở mức thấp nhất thế giới[43]. Vẫn còn tồn tại các mối quan hệ lao động với nhiều bất lợi ban đầu cùng với tình trạng khá bất ổn trong các ngành sản xuất công nghiệp. Như ông Lý Quang Diệu đã từng phát biểu:
"Mãi cho đến năm 1962, ở Singapore vẫn không ngừng diễn ra những cuộc đình công". Vào năm 1969, tình trạng trên đã chấm dứt. Trong vòng bảy năm, các mối quan hệ trong nền kinh tế công nghiệp đã có những bước chuyển hóa sâu sắc[44]. Các chính sách sáng suốt và một cơ cấu quản lý hiệu quả đã góp phần chế ngự được một số yếu tố bất lợi, dẫn đến một quá trình hoàn thiện, vấn đề này sẽ được đề cập ở hai chương tiếp theo.
[31] Montesquieu (1758), cuốn thứ 14, chương 2
[32] Sachs (2005) đã nhấn mạnh đến vai trò của yếu tố địa lý đối với những thảm họa của các quốc gia châu Phi như nạn hạn hán và sốt rét, sự thiếu kém cơ sở hạ tầng và căn bệnh HIV/AIDS
[33] Landes (1999), trang 7
[34] Smith (1776), cuốn 1, chương 3
[35] Weil (2005), các trang 432 và 434
[36] Mệnh đề này được trích dựa theo Weil (2005), các trang 452-455.
[37] Tình trạng này còn được gọi là "căn bệnh nấm lây lan" khi đề cập đến tình hình khó khăn trong lĩnh vực sản xuất ở Hà Lan vào thập niên 1960 khi việc khai thác và xuất khẩu một lượng lớn nguồn khí đốt tự nhiên đã gây nên tác động làm tăng giá đồng Guilder Hà Lan
[38] Tình trạng này còn được gọi là "căn bệnh nấm lây lan" khi đề cập đến tình hình khó khăn trong lĩnh vực sản xuất ở Hà Lan vào thập niên 1960 khi việc khai thác và xuất khẩu một lượng lớn nguồn khí đốt tự nhiên đã gây nên tác động làm tăng giá đồng Guilder Hà Lan
[39] Acemoglu và những vấn đề khác. (2004)
[40] Đầu năm 2006, đất nước Singapore đã nói lời chào từ biệt với nhân vật được cho là thành viên trụ cột khai sáng nền độc lập quốc gia trong một tang lễ trang trọng và cảm động theo nghi thức nhà nước. Ông được công nhận là người có công đặt nền móng cho sự hình thành chủ nghĩa đa văn hóa ở Singapore
[41] Thu nhập bình quân đầu người ở Singapore năm 1965 là 1.567 đô la Singapore, tương đương với 512 đô la Mỹ theo tỷ giá hối đoái thời điểm đó. Nếu tính theo đồng đô la PPP theo giá thị trường vào năm 2000, thì thu nhập bình quân đầu người ở Singapore vào năm 1965 là 2.750 đô la PPP. Lưu ý rằng tỷ giá hối đoái đồng đô la PPP đang sử dụng sẽ giảm một nửa mức chênh lệch giữa Ấn Độ và Indonesia từ 10 xuống còn 5. Nguồn dẫn: Cục thống kê, trang web Singapore, Ngân hàng Thế giới, Những chỉ báo phát triển thế giới, Niên giám thống kê và kiểm toán của Liên Hiệp Quốc, Nghiên cứu kinh tế vùng châu Á và Viễn Đông của Liên Hiệp Quốc
[42] Diện tích đất đã tăng từ 580km2 năm 1990 lên 699km2 năm 2005, và có nhiều triển vọng lên đến 733km2 vào năm 2030. Nguồn dẫn: http://library.thinkquest.ong/C006891/reclamation.html
[43] Tổ chức Y tế Thế giới (2006), bảng phụ lục 1
[44] Lý Quang Diệu (2000), trang 103