Nhà Tống đã lập nên đế quốc Trung Hoa thống nhất lần thứ 3, thực hiện nhiều cách tân và đưa Trung Quốc vào một giai đoạn văn hóa phát triển nổi bật kéo dài.
Sau khi nhà Đường sụp đổ vào năm 907, Trung Quốc bị chia năm xẻ bảy. Trong vòng 53 năm, năm vị hoàng đế lần lượt cố gắng lập ra các triều đại mới tại lưu vực sông Hoàng Hà. Tuy nhiên không ai thành công cho đến tận năm 960, khi Tống Thái Tổ lên nắm quyền và sáng lập triều đại nhà Tống. Ông đã đưa nhiều tiết độ sứ và quân đội của họ vào vòng kiểm soát, và bằng cả biện pháp quân sự lẫn ngoại giao, bắt tay vào việc tái thống nhất Trung Quốc. Quá trình này kéo dài 16 năm và được em trai ông, hoàng đế thứ hai của nhà Tống là Tống Thái Tông hoàn tất vào năm 979.
Vì có các nước khác bao quanh nên Trung Quốc thời nhà Tống nhỏ hơn so với thời nhà Đường. Phía Tây Bắc là nước Tây Hạ (của người Tây Tạng), phía Đông Bắc là nước Liêu do người Khiết Đan Mông Cổ cai trị, phía Đông Nam là nước Nam Chiếu của người Thái, và phía Nam là vương quốc An Nam của người Việt. Các hoàng đế nhà Tống rất nỗ lực giữ hòa hiếu với tất cả các nước này. Nông nghiệp ở Trung Quốc thời kỳ này phát triển và dân số tăng, nhất là ở miền Nam lúc đó đã giàu có và có vị thế quan trọng. Cuối đời nhà Tống, có lẽ Trung Quốc có khoảng 100 triệu dân.
Năm 1068, tể tướng Vương An Thạch cải cách bộ máy cai trị của Trung Quốc. Ông đơn giản hóa hệ thống thuế và tinh gọn quy mô quân đội quá lớn lúc đó. Việc cắt giảm này tuy giúp tiết kiệm tiền nhưng cũng khiến Trung Quốc dễ bị xâm lược hơn. Năm 1127, nước Kim tấn công miền Bắc Trung Quốc và kinh đô Khai Phong thất thủ. Nhà Tống rút về Hàng Châu, phía Nam sông Trường Giang, còn miền Bắc do người Kim đô hộ cho đến khi bị quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Hốt Tất Liệt chiếm vào năm 1234. Hàng Châu trở thành một thành phố lớn và tráng lệ với kênh rạch, công viên và dinh thự nguy nga. Nhà Nam Tống tồn tại đến năm 1279 khi miền Nam Trung Quốc bị quân Mông Cổ tràn xuống.
Dưới thời nhà Tống, Trung Quốc phát triển phồn thịnh, đạt được nhiều tiến bộ về kỹ thuật, nghệ thuật và văn học. Họ phát minh ra pháo hoa, đồng hồ, phương pháp in bằng bản khắc chữ rời, thuyền di chuyển bằng bánh guồng, la bàn và máy móc chạy bằng sức nước. Tranh sơn thủy, đồ sứ, thơ ca và kịch nghệ phát triển mạnh. Hoạt động ngân hàng và thương mại trở nên quan trọng, các đô thị mở mang và những cây trồng mới được du nhập. Trung Quốc thời nhà Tống thậm chí có thể còn phát triển hơn nữa nếu không bị quân xâm lược Mông Cổ đánh tan.
Đồ gốm ở khắp nơi trên thế giới thường được làm từ đất sét, loại nguyên liệu cho ra những thành phẩm chắc nặng và thô ráp. Vào khoảng năm 900, người Trung Hoa thời nhà Tống đã phát minh ra đồ sứ, được làm từ cao lanh, một loại đất sét trắng mịn. Thợ thủ công Trung Hoa đã làm ra các sản phẩm sứ bóng mịn, thanh nhã, và khi được chế tác với các loại nước men đặc biệt cùng những hình vẽ kiểu cách thì mỗi sản phẩm thực sự là một tác phẩm nghệ thuật. Trong giai đoạn này, các hoàng đế Trung Hoa cho xây những xưởng sản xuất đồ sứ phục vụ cung đình. Chẳng bao lâu sản xuất đồ sứ trở thành một ngành lớn mạnh ở Trung Quốc.
907 Nhà Đường sụp đổ
960 Tống Thái Tổ sáng lập nhà Tống
979 Tống Thái Tông hoàn thành việc thống nhất Trung Quốc
1000 Văn hóa và kinh tế phát triển thịnh vượng ở Trung Quốc
1068-1086 Cải cách của Vương An Thạch
1127 Nhà Kim chiếm miền Bắc Trung Quốc, nhà Tống rút về Hàng Châu
1234 Quân Mông Cổ xâm lược miền Bắc Trung Quốc, lật đổ nhà Kim
1279 Quân Mông Cổ xâm chiếm miền Nam Trung Quốc, thời kỳ nhà Tống chấm dứt