Bách Khoa Thư Lịch Sử

Người Thổ Seljuk (1037–1243)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

NGƯỜI THỔ SELJUK (1037–1243)

Người Seljuk từ Bokhara tràn xuống Baghdad, sau đó đi về phía Đông tới Tiểu Á, gần tới thành Constantinople. Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ) sau đó theo Hồi giáo chứ không theo Ki-tô giáo.

Từ năm 1037 trở đi, người Seljuk xâm lược Trung Đông, chấm dứt sự thống trị của người Arập trong thế giới Hồi giáo và mở đường cho người Ottoman.

Người Turk (còn gọi là người Tuyếc hay Thổ) vốn là một nhóm bộ lạc sống ở Turkestan, Trung Á. Vào thế kỷ VI, các bộ lạc này tách khỏi nhau và tràn sang Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Ba Tư. Một số người Turk từ bỏ cuộc sống du mục, trở thành những người phục vụ và lính đánh thuê. Họ phục vụ các triều đại Abbasid, Fatimid và đôi khi được cất nhắc lên những vị trí cao. Chẳng bao lâu sau, những nhóm Turk như người Seljuk, Ottoman, Mamluk, Bulgaria và Khazar bắt đầu có thế lực lớn. Họ cũng hợp lực với người Mông Cổ. Các thành phố Samarkand và Bokhara của người Turk trở nên phồn thịnh và có nền văn hóa phát triển trong thời đại Hồi giáo.

Tháp đền thờ Hồi giáo Jami ở Simnan (Iran) thể hiện mẫu họa tiết điển hình của người Seljuk ở những công trình bằng gạch xây dựng công phu. Người Seljuk trở thành người Hồi giáo vào khoảng năm 970 và tự coi mình là người bảo vệ đức tin của đạo Hồi.

SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA NGƯỜI SELJUK

Phía Đông biển Caspi là nơi sinh sống của một nhóm người Turk gọi là người Ghuzz, hoặc Turkoman. Người Seljuk tách khỏi người Ghuzz vào năm 950 và di chuyển về hướng Nam và hướng Tây. Caliph của triều Abbasid ở Baghdad đang gặp khó khăn nên yêu cầu người Seljuk giúp đỡ. Dưới sự lãnh đạo của Tughril Beg, người Seljuk xâm lược Ba Tư và chiếm thành Baghdad vào năm 1055. Abbasid chỉ định Tughril làm sultan, dưới quyền caliph. Thực chất, caliph đã trao đế quốc Abbasid cho người Seljuk. Và như vậy, người Seljuk từ một bộ lạc du mục bình thường đã trở thành những người cai trị thế giới Hồi giáo.

Alp Arslan, cháu họ của Tughril trở thành sultan vào năm 1063. Ông chiếm Syria, Armenia và tấn công Tiểu Á. Năm 1071, Hoàng đế Byzantine phản công. Vua Alp Arslan thuê lính Normandy và Turk rồi hành quân tới Armenia. Quân đội hai bên chạm trán ở Manzikert. Quân Seljuk giành chiến thắng sau khi vờ thua và tháo chạy. Khi quân Byzantine truy đuổi, họ quay trở lại và đánh tan quân Byzantine. Người Seljuk bắt giữ Hoàng đế Byzantine để đòi tiền chuộc. Chiến thắng này đã đặt nền tảng cho đế quốc Ottoman sau này. Alp Arslan là một nhà lãnh đạo giàu lòng trắc ẩn và trị quốc rất giỏi. Với sự tán thành của ông, nhiều người Turkoman và Seljuk chuyển tới Tiểu Á.

Như hầu hết dân du mục từ vùng thảo nguyên châu Á, người Seljuk là những kỵ sĩ giỏi. Nhờ áp dụng phát minh mới là chiếc bàn đạp cưỡi ngựa, họ có thể ngồi trên lưng ngựa và bắn tên chính xác khi giao chiến. Bức tranh này mô tả cảnh người Seljuk đánh bại người Byzantine trong trận Manzikert.

HOÀNG ĐẾ MALIK SHAH

Đế quốc Seljuk cường thịnh nhất dưới thời trị vì của Malik Shah (1072–1092), con trai của Alp Arslan. Ông là người bảo trợ cho khoa học, nghệ thuật và đã xây nhiều nhà thờ Hồi giáo tráng lệ ở thủ đô Isfahan. Quan tể tướng Nizam al-Mulk của ông là một chính khách được mọi người tôn kính. Thời kỳ này, người Seljuk kiểm soát toàn bộ bán đảo Tiểu Á (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), thành lập vương quốc Hồi giáo (sultanate) Rum ngay sát thành phố Constantinople. Sau khi Malik Shah qua đời, đế quốc Seljuk chia thành nhiều quốc gia nhỏ, và các vương quốc Hồi giáo của người Seljuk, người Mamluk và người Kurd tiếp tục tồn tại đến hết thế kỷ XII dưới sự giám sát của caliph Abbasid ở Baghdad. Tiếp đó, năm 1220, người Mông Cổ cướp bóc khu vực này và cuối cùng chiếm Baghdad vào năm 1258.

Đây là những họa tiết trên gạch lát mộ sultan Kaykavus I người Seljuk ở Sivas (Thổ Nhĩ Kỳ). Người Seljuk sáng tạo những mẫu họa tiết đẹp và phức tạp, dùng để trang trí các công trình tôn giáo của họ.

CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

950 Người Seljuk ly khai với người Ghuz

1038 Người Seljuk chiếm Khorasan (Afghanistan)

1055 Người Seljuk chiếm Baghdad

1071 Người Seljuk đánh bại người Byzantine ở Manzikert

1072 Đế quốc Seljuk cực thịnh

1081 Thành lập vương quốc Hồi giáo Rum của người Seljuk

1092 Malik Shah qua đời, đế quốc Seljuk tan rã

1243 Người Mông Cổ xâm lược, người Seljuk trở thành chư hầu của người Mông Cổ

1258 Người Mông Cổ tàn phá vương quốc Hồi giáo Abbasid

Mặc dù người Seljuk mang lại sinh khí mới cho đế quốc Abbasid, nhưng cuộc sống trong thế giới Hồi giáo vẫn gần giống như trước. Một khu chợ trong nhà (souk) ở Baghdad vào khoảng thế kỷ XII có lẽ giống như những gì được mô tả trong bức tranh này.