Bách Khoa Thư Lịch Sử

Nghệ Thuật (501–1100)

NGHỆ THUẬT (501–1100)

Trong thời kỳ này, phần lớn các hình thức biểu hiện nghệ thuật đều vì mục đích tôn giáo. Giới chức tôn giáo cũng khuyến khích phát triển nghệ thuật, âm nhạc và nghề thủ công.

Alfred Đại vương xứ Wessex rất mộ đạo. Đây là phần trên tấm thẻ đánh dấu trang mà ông đã cho làm, có lẽ dành cho một linh mục dùng đánh dấu trang khi đọc Kinh thánh. Những chữ viền xung quanh là: “Alfred sai ta làm”.

Nhà thờ Ki-tô giáo, nhà thờ Hồi giáo và các đền thờ khác ở khắp nơi trên thế giới là nơi thu hút những thợ thủ công và nhạc sĩ xuất sắc nhất. Cảm xúc tôn giáo khuyến khích họ sáng tạo nên những tác phẩm thanh nhã, tinh tế mà đời sống hàng ngày không cần đến. Những người có tài thường được giới chức tôn giáo đào tạo. Mặc dù vẫn phải chịu những khốn khó như mọi người dân thường, tôn giáo cho phép họ nghĩ đến những điều cao cả hơn và cầu nguyện được sống tốt đẹp hơn, ít nhất là ở kiếp sau. Ngay cả các nhà cai trị hiếu chiến và tàn bạo cũng muốn được tôn giáo ủng hộ. Do vậy họ đưa các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ và nhà tư tưởng vào cung bằng cách trả tiền, đem lại công chúng thưởng ngoạn và tạo điều kiện cho những người này sáng tạo. Các nhà cai trị thường hy vọng Chúa đứng về phía họ và tìm cách chứng tỏ điều này.

Những người chép sách trong tu viện dùng than chì đỏ, vàng, bạc và các loại mực đặc biệt để vẽ tranh minh họa có tính tôn giáo dành cho sách. Một số người có thể bỏ ra hàng năm trời để trang trí cho mỗi cuốn sách theo phong cách kết hợp ảnh hưởng của người Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Celt và Đức.

Nhà thờ Ki-tô giáo, nhà thờ Hồi giáo và các đền thờ đều giàu có, và dùng nghệ thuật để truyền bá lịch sử tôn giáo và tư tưởng tôn giáo. Vào thời này, hầu hết mọi người không biết đọc biết viết, và ở nhiều vùng, các nghi lễ tôn giáo lại được tiến hành bằng tiếng nước ngoài. Tranh vẽ, âm nhạc, tác phẩm điêu khắc, tranh khảm và kiến trúc được dùng để giáo dưỡng và nâng đỡ tinh thần con người. Mỗi nền văn hóa đều phát triển nghệ thuật, âm nhạc và văn học theo phong cách riêng của mình.

Người Viking trang trí công phu những con thuyền dùng an táng thủ lĩnh của họ bằng cách khắc hoặc khảm kim loại vào gỗ, như họ vẫn làm đối với thuyền bè và nhà ở. Họ không chỉ là chiến binh mà còn là thợ thủ công khéo tay, thích những đồ vật đẹp.
Một bức tranh khảm theo kiểu Byzantine trên mái vòm nhà thờ Ariens ở Ravenna (Italia), tả cảnh Chúa Jesus đang được John Baptist làm lễ báp-têm. Xung quanh là 12 vị Tông đồ, mỗi người cầm một chiếc vương miện. Mỗi nhân vật trong bức khảm là cả một tác phẩm nghệ thuật.

Các nhà thờ Byzantine được trang trí bằng tranh khảm trên tường và tranh thánh (icon). Trong các tu viện ở châu Âu, các thầy tu bỏ ra hàng giờ để chép sách. Họ làm minh họa, hoặc trang trí những chữ viết hoa trong văn bản và lề trang bằng các họa tiết tỉ mỉ. Người Hồi giáo chú trọng đến thư pháp, nghĩa là lối viết đẹp, và thực hiện các trang trí hoa văn tinh tế trên các công trình kiến trúc. Các tín đồ Phật giáo ở châu Á vẽ tranh về cuộc đời của đức Phật. Ở Trung Quốc thời nhà Đường và nhà Tống, họ vẽ và khắc phong cảnh thiên nhiên theo phong cách mới. Ở Mexico, các bản thảo viết tay, tác phẩm khắc trên đá hoặc bích họa (tranh tường) rất phổ biến.

Thời Tống, đồ sứ được sản xuất để dùng tại Trung Quốc và xuất khẩu. Chiếc bát màu xanh nhạt này tráng loại men ngọc bích mà nếu đựng phải chất độc thì sẽ bị rạn hoặc đổi màu, nên được các nhà cai trị có nguy cơ bị đầu độc đánh giá rất cao.
Theo luật Hồi giáo, họa sĩ không được vẽ người hoặc động vật. Hành động đó sẽ bị gọi là “sùng bái thần tượng”. Do vậy, họ để tâm vào thư pháp và trang trí văn bản bằng những họa tiết hình học hoặc lá và hoa.