Bách Khoa Thư Lịch Sử

Trung Quốc (1911–1935)

TRUNG QUỐC (1911–1935)

Sau khi triều đình Mãn Thanh sụp đổ vào năm 1911 và nước Trung Hoa Dân quốc được thành lập, Trung Quốc lại sa ngay vào một cuộc nội chiến kéo dài.

Khi nhà lãnh đạo Quốc dân Đảng Tôn Trung Sơn (1866–1925) qua đời, ông được an táng tại ngôi mộ này trên núi Tử Kim, ngay ở phía Đông Nam Kinh.

Các cuộc chống đối chế độ cai trị của nhà Mãn Thanh cuối cùng dẫn tới cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) và sự sụp đổ của triều đại này. Nhà lãnh đạo cách mạng Tôn Trung Sơn lên làm tổng thống lâm thời Trung Hoa Dân quốc. Trung Hoa Dân quốc được thành lập và ngày 12-2-1912 vua nhà Thanh chính thức thoái vị. Tôn Trung Sơn ngồi ghế tổng thống không lâu và đã từ chức để nhường chỗ cho Viên Thế Khải. Sau đó, thủ lĩnh quân sự Viên Thế Khải đã đứng đầu chính phủ Trung Quốc cho tới khi ông qua đời vào năm 1916, khi tình hình chính trị Trung Quốc bắt đầu phân hóa.

Những người theo bè nhóm của Viên Thế Khải thành lập chính phủ tại Bắc Kinh, còn Quốc dân Đảng của Tôn Trung Sơn thành lập chính phủ ở Quảng Châu. Trong vòng mười năm sau đó, Trung Quốc sa vào một cuộc nội chiến. Các cuộc biểu tình của sinh viên phản đối các điều khoản của Hiệp ước Versailles năm 1919, khi Nhật Bản tiếp quản thuộc địa của Đức ở Trung Quốc, cuối cùng đã dẫn tới sự thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1921. Với sự giúp đỡ của người Nga, Tôn Trung Sơn tổ chức lại Quốc dân Đảng và cho phép đảng viên Đảng Cộng sản gia nhập. Khi Tôn Trung Sơn qua đời năm 1925, quyền lãnh đạo Trung Quốc và Quốc dân Đảng thuộc về Tưởng Giới Thạch.

Tưởng Giới Thạch (1887–1975) giành quyền kiểm soát Quốc dân Đảng vào năm 1926. Năm 1927, ông thành lập chính phủ Quốc dân Đảng tại Nam Kinh. Sau thời kỳ kháng Nhật và bị những người cộng sản đánh bại, Tưởng Giới Thạch bỏ chạy ra Đài Loan và lập Trung Hoa Dân quốc tại đây.

NỘI CHIẾN TẠI TRUNG QUỐC

Năm 1926, với sự hợp tác của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch tiến hành cuộc tiễu phạt các thủ lĩnh quân phiệt cát cứ muốn lật đổ chính phủ của Quốc dân Đảng ở phương Bắc. Các thủ lĩnh quân phiệt bị đánh tan, nhưng vào năm 1927, liên minh Quốc-Cộng tan vỡ và giữa hai đảng bắt đầu một cuộc đối đầu, dẫn tới nội chiến tại Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch lập thủ đô ở Nam Kinh năm 1927. Cùng năm đó, Quốc dân Đảng thắng thế, những người cộng sản tạm rời Thượng Hải rút về vùng núi Giang Tây. Quốc dân Đảng tuyên bố đã thống nhất Trung Quốc, nhưng họ vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn đất nước.

VẠN LÝ TRƯỜNG CHINH: Tháng 10-1933, Tưởng Giới Thạch lãnh đạo Quốc dân Đảng mở một cuộc tấn công lớn nhằm vào những người cộng sản ở Giang Tây, miền Nam Trung Quốc. Tháng 10-1934, mười vạn người cộng sản rời Giang Tây và bắt đầu cuộc Vạn lý Trường chinh nổi tiếng. Dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, họ vượt qua quãng đường gần một vạn cây số lên miền Bắc Trung Quốc. Họ đã phải trải qua những điều kiện thời tiết khủng khiếp, đói rét trong suốt chặng đường dài, chỉ còn một phần năm trong số họ sống sót khi đến đích.
Trong cuộc Vạn lý Trường chinh (1934–1935), những người cộng sản rời Giang Tây, vượt qua miền Nam và miền Tây Trung Quốc, cuối cùng đã tới được Diên An ở tỉnh Thiểm Tây. Tại đây, Mao Trạch Đông nổi bật với vai trò lãnh tụ của những người cộng sản.

SỰ TRỖI DẬY CỦA MAO TRẠCH ĐÔNG

Năm 1931, lợi dụng sự bất ổn tại Trung Quốc, quân Nhật Bản đã chiếm Mãn Châu và thành lập nhà nước bù nhìn Mãn Châu quốc năm 1932. Trong khi đó, những người cộng sản thành lập một chính phủ đối lập ở miền Nam vào năm 1932, gọi là khu Xô viết Giang Tây. Cùng năm, Mao Trạch Đông trở thành chủ tịch khu Xô-viết Giang Tây. Những người cộng sản xây dựng lực lượng tại Giang Tây và chống chọi được bốn cuộc tấn công của phe Quốc dân Đảng. Tháng 10 năm 1933, Tưởng Giới Thạch mở một cuộc tấn công quy mô lớn với mục đích xóa sổ đối phương. Cuộc kháng cự của những người cộng sản Trung Quốc kéo dài trong vòng một năm, sau đó vào tháng 10-1934, 100.000 người cộng sản đã rời Giang Tây và bắt đầu cuộc Vạn lý Trường chinh.

Mao Trạch Đông (1893–1976) tham gia hoạt động cộng sản năm 1919, và năm 1931 trở thành Chủ tịch Xô-viết Giang Tây. Năm 1949, ông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

KẾT THÚC CUỘC VẠN LÝ TRƯỜNG CHINH

Mao Trạch Đông lãnh đạo cuộc Vạn lý Trường chinh, vượt qua gần một vạn cây số cho tới khi đến được Diên An (tỉnh Thiểm Tây) ở miền Bắc Trung Quốc. Tháng 10- 1935, từ con số lúc xuất phát là 100.000 người, 20.000 người đã đến đích. Cuộc Vạn lý Trường chinh đã đưa Mao Trạch Đông (1893–1976) lên vị trí lãnh tụ của những người cộng sản.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1911 Cách mạng Tân Hợi, chấm dứt triều đại nhà Mãn Thanh

1912 Thành lập Trung Hoa Dân quốc

1921 Thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc

1925 Tôn Dật Tiên qua đời

1926 Tưởng Giới Thạch nắm quyền kiểm soát Quốc dân Đảng

1927 Bắt đầu Nội chiến tại Trung Quốc

1931 Nhật Bản chiếm Mãn Châu

1934-1935 Cuộc Vạn lý Trường chinh do Mao Trạch Đông lãnh đạo