Bách Khoa Thư Lịch Sử

Đại Suy Thoái (1929–1939)

ĐẠI SUY THOÁI (1929–1939)

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh chóng. Sự sụp đổ của Phố Wall năm 1929 đã chấm dứt đà tăng trưởng này và dẫn tới tình trạng suy thoái trên toàn thế giới.

Trong thời kỳ Suy thoái vào thập niên 1930, hàng nghìn gia đình nghèo ở Mỹ đã rời miền duyên hải phía Đông, từ bỏ ruộng đồng để tìm việc làm ở miền Tây, tại California.

Nguyên nhân của cuộc Đại Suy thoái có thể xuất phát từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới I. Năm 1919, Hiệp ước Versailles buộc Đức phải trả một khoản tiền bồi thường cho các nước Đồng minh thắng trận. Nhiều người Đức đã mất sạch các khoản tiền tiết kiệm vì tiền mất giá. Tại Anh, Pháp và Mỹ, ngành công nghiệp phải cố gắng điều chỉnh sang nền thương mại thời bình. Hàng triệu người lính trở về nhà và tìm kiếm việc làm. Các tổ chức công đoàn kêu gọi công nhân bãi công để chống lại giới chủ đòi cắt giảm lương. Cuộc tổng bãi công đầu tiên chưa từng có tiền lệ tại Anh nổ ra vào năm 1926. Giá lương thực giảm xuống tới mức rất thấp đến mức khiến nhiều nông dân bị phá sản và phải từ bỏ đất đai.

Trong thập niên 1920, kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh một phần là vì khi đó, Anh trả nợ cho Mỹ vài tỉ đô la mà họ vay trong thời gian chiến tranh. Sự tăng trưởng này còn là kết quả từ các chính sách kinh tế của các Tổng thống Harding và Coolidge. Giá cổ phiếu tại Mỹ được các nhà đầu cơ chứng khoán liều lĩnh đẩy lên cao tới mức vượt quá giá trị thực của chúng.

Sự sụp đổ của Phố Wall gây hoảng loạn trên các đường phố New York vào tháng 10-1929. Giá cổ phiếu sụt giảm mạnh đến mức nhiều người mất sạch vốn liếng.

PHỐ WALL SỤP ĐỔ

Tháng 10-1929, các nhà đầu tư chứng khoán bắt đầu hoảng hốt và bán tháo cổ phiếu của mình. 13 triệu cổ phiếu đã được bán ra tại Thị trường Chứng khoán New York. Sự kiện này khai mào cho cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ được đặt tên là sự Sụp đổ của Phố Wall (Phố Wall là tên gọi khu vực tài chính của New York), và cuộc khủng hoảng đã nhanh chóng ảnh hưởng tới cả thế giới.

Tháng 10-1936, 200 người từ Jarrow ở miền Đông Bắc nước Anh diễu hành tại London với kiến nghị gây sự chú ý tới nạn thất nghiệp do nhà máy đóng tàu Jarrow đóng cửa.

Nhiều người mất sạch tiền bạc. Các ngân hàng và công ty phải đóng cửa, nạn thất nghiệp bắt đầu gia tăng. Đến năm 1933, năm tồi tệ nhất của thời kỳ suy thoái, chỉ riêng tại Mỹ đã có 12 triệu người thất nghiệp. Những người vẫn có việc làm bị giảm một nửa tiền lương và hơn 85 nghìn công ty phá sản.

Tình hình tại Mỹ còn trở nên tồi tệ hơn khi hạn hán xảy ra ở trung tâm nông nghiệp của nước này. Nhiều nơi đất khô biến thành bụi và bay theo gió, dẫn tới mất mùa. Hàng nghìn nông dân cùng gia đình của họ buộc phải bỏ đồng ruộng và bắt đầu một cuộc sống mới tại vùng duyên hải phía Tây.

BÃO BỤI: Thập niên 1930, vì hạn hán kéo dài, nên đất đai ở Đồng bằng Lớn thuộc miền Nam nước Mỹ trở nên rất khô cằn. Hàng loạt trận bão bụi khủng khiếp đã xảy ra ở vùng đất này. Đến năm 1933, hàng trăm triệu tấn bụi trên mặt đất đã bị gió cuốn đi, khiến đất đai cằn cỗi. Bị phá sản, hàng nghìn gia đình nghèo phải trốn chạy các trận bão bụi và tới tìm việc làm tại California và những nơi khác.
Franklin D. Roosevelt (1882–1945) đắc cử thị trưởng New York năm 1928. Năm 1932, ông đắc cử tổng thống, và năm 1933 ông đã áp dụng chính sách kinh tế Đường lối Mới để chống đói nghèo.

CHÍNH SÁCH MỚI CỦA ROOSEVELT

Trong hai năm đầu xảy ra cuộc Đại Suy thoái, chính phủ Mỹ và Tổng thống Hoover không hành động trực tiếp gì nhiều vì cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tự hồi phục. Franklin D. Roosevelt được bầu làm tổng thống năm 1932, và năm sau đó, ông đã áp dụng chính sách kinh tế mới (New Deal) để giải quyết các vấn đề do Đại Suy thoái gây ra. Chính sách New Deal thực chất là một loạt đạo luật, chủ yếu có mục đích giảm nhẹ tình trạng đói nghèo, hỗ trợ các ngân hàng và bảo vệ tiền tiết kiệm của người gửi. Các mặt hàng nông sản được trợ giá, chế độ lương tối thiểu được áp dụng và một chương trình xây dựng lớn được khởi công nhằm tạo việc làm. Chính sách này đã có vai trò đáng kể, nhưng phải đến năm 1939, khi Chiến tranh Thế giới II bùng nổ và kích thích mạnh mẽ ngành công nghiệp nặng, thì cuộc suy thoái mới chấm dứt.

Theo chính sách Đường lối Mới của Tổng thống Roosevelt, nhiều người thất nghiệp đã tìm được việc làm trong các dự án do nhà nước tài trợ vào thập niên 1930. Trong bức ảnh này, những thành viên trẻ thuộc Đội Bảo tồn Dân sự đang nhổ cây giống ở khu vực Oregon cho Cục Lâm nghiệp Mỹ.

SUY THOÁI TOÀN CẦU

Sự Sụp đổ của Phố Wall dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống tín dụng quốc tế được lập ra nhằm giải quyết vấn đề bồi thường chiến tranh. Sự kiện này ảnh hưởng trực tiếp tới châu Âu và Bắc Mỹ. Các khu vực khác trên thế giới cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì phần lớn hoạt động thương mại và kinh doanh phụ thuộc vào việc bán lương thực và nguyên liệu thô sang châu Âu và Bắc Mỹ. Khi các thị trường này sụp đổ, nhiều người dân ở khắp nơi trên thế giới bị mất việc làm. Và hậu quả là tình trạng bất ổn gia tăng, chủ nghĩa dân tộc trở nên lớn mạnh ở nhiều quốc gia.

Mặc dù Liên Xô thoát khỏi những tác động tồi tệ nhất của cuộc Đại Suy thoái, nhưng kế hoạch năm năm của Stalin lại gây nên những vấn đề khác. Được công bố vào năm 1928, kế hoạch này bao gồm chương trình thành lập các nông trang tập thể. Trong quá trình thực thi kế hoạch này, các phú nông hoặc bị xử tử hoặc bị xua đuổi tới Siberia, bộ phận nông dân còn lại bị buộc phải làm việc trong các nông trang. Kế hoạch này đã phá vỡ cơ cấu nông nghiệp và dẫn tới nạn đói năm 1933.