Bách Khoa Thư Lịch Sử

Triều Đại Stuart Tại Anh (1603–1649)

TRIỀU ĐẠI STUART TẠI ANH (1603–1649)

Triều đại Stuart gốc gác từ xứ Scotland. Tại xứ Anh (England), họ phải đương đầu với bối cảnh chính trị phức tạp, dẫn tới sáu năm nội chiến và sự sụp đổ của một ông vua.

Bề ngoài vua James I là một người nói lắp và hay chảy nước miếng, nhưng thực tế ông là một vị vua thông minh, đã phát huy tốt nhất khả năng của mình trong bối cảnh khó khăn. Trong thời trị vì của ông, xứ Anh và xứ Scotland tiến gần hơn tới việc thống nhất. Ông không được lòng dân vì ông cho rằng phàm là vua thì có quyền cai trị thế nào tùy ý.

Nữ hoàng Elizabeth I, người cai trị cuối cùng của dòng họ Tudor tại xứ Anh, mất năm 1603 mà không có con kế vị. James VI của xứ Scotland, là con trai của Mary – nữ hoàng Scotland – đã lên kế vị, trở thành vua James I của xứ Anh. Vua James là hậu duệ của Margaret Tudor - chị gái vua Henry VIII, bác của nữ hoàng Elizabeth và là vợ của vua Scotland James IV năm 1503. Dòng họ Stuart của vua James đã cai trị xứ Scotland trong hơn 200 năm.

Anh và Scotland lúc này do một vị vua cai trị nhưng vẫn là hai nước riêng biệt. Vua James mong mỏi thống nhất hai nước, nhưng nhiều người Anh và người Scotland phản đối việc này. Ông đã nỗ lực dàn hòa giữa người Thiên Chúa giáo, Anh giáo và Thanh giáo. Người Thanh giáo là những tín đồ Tân giáo cực đoan, muốn hủy bỏ nghi lễ nhà thờ, âm nhạc, chức vụ giám mục và hệ thống cấp bậc trong nhà thờ, và những tập quán khác của giáo hội La Mã. Họ tức giận khi vua James không làm đúng theo những yêu cầu của họ. Vua James đã ra lệnh dịch lại Kinh thánh, bản dịch sau này được gọi là Kinh thánh của vua James, với nỗ lực đoàn kết các tín đồ Ki-tô giáo.

Khi xứ Anh phát triển phồn thịnh dưới thời Tudor và Stuart, nhiều đô thị đã được xây lại. Các đô thị này không được quy hoạch mà được xây lại dọc theo các con phố đã có sẵn.

JAMES “HOANG PHÍ”

Vua James đã giảng hòa với Tây Ban Nha theo Thiên Chúa giáo để xoa dịu căng thẳng giữa người Thiên Chúa giáo và người Tân giáo ở châu Âu, và nước Anh được hưởng 20 năm hòa bình. Nhưng năm 1624, vua James bị cuốn vào Chiến tranh Ba mươi Năm ở Đức, về phe Tân giáo để ủng hộ con rể là hoàng thân Đức Frederick. Ông lún sâu vào nợ nần. Chi phí điều hành đất nước tăng lên còn bản thân vua James là một người tiêu xài hoang phí. Ông tin Nghị viện Anh sẽ phục tùng và đáp ứng mọi yêu cầu của ông. Nhưng Nghị viện và các quan đứng đầu các bộ dưới quyền vua đã có vị thế mạnh hơn dưới thời Tudor, và vua James bất hòa với họ khi yêu cầu được chi thêm tiền của ông bị bác bỏ.

ÂM MƯU “THUỐC SÚNG”: Người Thiên Chúa giáo ở Anh thất vọng trước thái độ không khoan dung của người Tân giáo đối với họ, và tuy vua James I đã cố làm mọi người hài lòng nhưng các ý kiến ngày càng trở nên xung đột với nhau. Một số tín đồ Thiên Chúa giáo coi bạo lực là cách duy nhất để người Thiên Chúa giáo được chấp nhận, tuy nhiên nhiều người không thích quan điểm này. Một nhóm nhỏ đã âm mưu giết cả vua lẫn các nghị sĩ bằng cách cho nổ tung tòa nhà Nghị viện trong buổi lễ khai mạc long trọng ngày 5-11-1605. Một trong những người tham gia âm mưu này là Guy Fawkes, bị phát hiện đang canh giữ các thùng thuốc súng trong tầng hầm Nghị viện. Ông và những người đồng phạm khác bị bắt, bị tra tấn và giết chết. Sau vụ này, thái độ của người Tân giáo đối với người Thiên Chúa giáo càng trở nên khắc nghiệt hơn.
Kinh thánh của vua James, còn được gọi là “bản được phép” (dùng trong các nhà thờ), xuất bản năm 1611, được dịch rất cẩn thận dưới sự chỉ đạo của vua James I, để làm cuốn Kinh thánh duy nhất cho cả người Anh giáo, Thanh giáo và Thiên Chúa giáo. Cuốn kinh thánh này được ưa thích vì vẻ đẹp của ngôn ngữ và cho đến nay vẫn được sử dụng trong một số nhà thờ.

CHARLES I

Vua James I cố lấy lòng mọi người. Dân chúng xứ Anh không ưa ông vì ông đã phạm nhiều sai lầm, và bởi ông là người Scotland còn Anne, vợ ông, là người Đan Mạch theo đạo Thiên Chúa. Sự tin tưởng của ông vào quyền hạn của nhà vua cũng không được dân chúng ưa thích. Khi vua James mất năm 1625, con trai ông là Charles lên kế vị và thừa hưởng luôn vị thế không được lòng dân này.

Vua Charles I cũng không thích bị Nghị viện can thiệp, và đã xử lý kém một số tình huống. Dân chúng bắt đầu chia thành hai phe, hoặc ủng hộ vua hoặc ủng hộ Nghị viện. Đó là một cuộc đấu tranh giữa tư tưởng truyền thống và tư tưởng hiện đại. Năm 1629, khi Nghị viện từ chối cấp thêm tiền cho vua Charles và không cho phép ông tự ý cai trị, ông đã giải tán Nghị viện và cố gắng cai trị đất nước không cần đến Nghị viện.

Vua Charles cai trị đất nước không có Nghị viện trong 11 năm, nhưng triều đình và quan lại bất đồng và chia rẽ về nhiều vấn đề hệ trọng. Ông cũng khiến người Scotland tức giận vì cho rằng ông đã trở nên quá Anh, nên đánh mất sự ủng hộ của họ. Nghị viện được triệu tập trở lại vào năm 1640, sau đó đã đoàn kết chống nhà vua. Nghị viện cố hạn chế quyền lực của nhà vua và đàn áp những người ủng hộ vua. Năm 1642, vua Charles định bắt năm nhà lãnh đạo Nghị viện, nhưng Nghị viện, gồm cả giới quý tộc, đã hoàn toàn chống lại vua.

Vua Charles rời London và gây dựng quân đội. Cuối cùng ông bị đánh bại và phải trao quyền cho Nghị viện. Ông trốn thoát và tiếp tục nội chiến, nhưng rồi bị bắt lại, bị giam và xử tử vào năm 1649. Trong 12 năm diễn ra cuộc Cách mạng Anh và nội chiến, xứ Anh không có vua.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1603 James I lên ngôi vua xứ Anh

1605 Vụ âm mưu “Thuốc súng” cho nổ tung tòa nhà Nghị viện

1608 Vua James bất đồng với Nghị viện về vấn đề tiền nong

1621 Vua James lại bất đồng với Nghị viện

1625 Charles I lên ngôi vua

1629 Vua Charles giải tán Nghị viện

1637 Triều đình của vua Charles bị chia rẽ sau một cuộc khủng hoảng

1640 Vua Charles triệu tập Nghị viện trở lại – các cuộc xung đột kế tiếp

1642 Bắt đầu cuộc nội chiến ở Anh

1649 Các nghị sĩ xử tử vua Charles I