Trong 500 năm dưới triều đại Abbasid, đế quốc Hồi giáo được thống nhất, nền văn hóa Hồi giáo hưng thịnh, và Baghdad trở thành một trong những thành phố lớn nhất thế giới.
Vào năm 750, giữa người Arập với nhau có sự bất hòa, và các dân tộc bị người Hồi giáo xâm lược cũng bất tuân phục đế quốc. Nhà Abbasid đã lật đổ nhà Umayyad và cai trị thế giới Hồi giáo trong 500 năm. Nhà Abbasid là hậu duệ của al-Abbas, chú của tiên tri Muhammad. Dưới sự trị vì của al- Mansur, vị caliph (vua Hồi giáo) đầu tiên của triều đại Abbasid, nhà Abbasid đã dời đô tới thành phố mới là Baghdad vào năm 762, và tiếp nhận nhiều tập quán truyền thống của Ba Tư và Hy Lạp. Người trị vì nổi tiếng nhất là vị caliph thứ năm Harun al- Rashid (786–809). Trong những năm 791–806, vua al-Rashid giao tranh với đế quốc Byzantine và cuối cùng giành thắng lợi. Một số vùng thuộc đế quốc nổi lên đòi độc lập nhưng bị Harun al-Rashid đàn áp. Dù xảy ra các cuộc chiến tranh này, Harun al-Rashid vẫn dành thời gian khuyến khích giáo dục và nghệ thuật, đưa các ảnh hưởng của Ba Tư, Hy Lạp, Arập và Ấn Độ lại gần nhau. Baghdad trở thành một trung tâm của thế giới về thiên văn học, toán học, địa lý học, y học, luật học và triết học. Cung điện ở Baghdad được lấy làm bối cảnh cho phần lớn các truyện trong Nghìn lẻ một đêm, một bộ sách vẫn còn được yêu thích đến ngày nay. Dưới sự trị vì của các caliph sau đó, nhiều tỉnh của đế quốc Hồi giáo được độc lập nhưng vẫn theo đạo Hồi, theo luật pháp và văn hóa Hồi giáo. Các caliph triều đại Abbasid dần dần mất quyền lực và trở thành những vị vua bù nhìn chỉ có ý nghĩa tinh thần. Đế quốc Hồi giáo bị chia thành nhiều tiểu vương quốc, các tiểu vương quốc này trải qua nhiều thăng trầm ở những giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, thế giới Hồi giáo vẫn là một nền văn minh với nhiều trung tâm.