Bách Khoa Thư Lịch Sử

Trào Lưu Thống Nhất Và Thực Dân Hóa(1836 - 1913)

Trong cuộc chiến tranh Boer thứ hai ở Nam Phi, người Boer (người định cư gốc Hà Lan) cuối cùng bị người Anh đánh bại vào năm 1902.

TRÀO LƯU THỐNG NHẤT VÀ THỰC DÂN HÓA(1836 - 1913)

Bản đồ thế giới thay đổi nhiều trong giai đoạn này: các quốc gia mới ra đời và một số quốc gia được thống nhất. Châu Phi bị những người thực dân xâu xé, và quyền lực của Trung Quốc rạn nứt. Tại châu Âu, thêm nhiều cuộc cách mạng đã nổ ra. Mỹ, Canada và Nga mở rộng thêm lãnh thổ ở những vùng biên giới xa xôi. Đường sắt, đường dây điện báo và tàu thủy chạy bằng hơi nước đã làm thế giới dường như nhỏ hơn. Các thành phố mới như New York, Buenos Aires, Johannesburg, Bombay và Thượng Hải trở thành các trung tâm trong một trật tự toàn cầu mới.

Sự xuất hiện của đường sắt đã giúp khai khẩn Bắc Mỹ, nhưng cũng dẫn tới cuộc bãi công toàn quốc đầu tiên. Cuộc bãi công lan dọc theo tuyến đường sắt, từ đầu phía Đông tới đầu phía Tây, nhằm tập hợp các công nhân trong cuộc đấu tranh đòi tăng lương.

SƠ LƯỢC TOÀN CẢNH THẾ GIỚI (1836-1913)

Bắc Mỹ, người định cư đi về phía Tây và lập nghiệp ở các vùng đất rộng lớn của Mỹ và Canada. Nhưng việc khai khẩn các vùng lãnh thổ mới này đã gây nhiều đau khổ cho người bản xứ, và đe dọa nếp sống của họ.

Ở châu Phi, các cuộc chiến tranh tôn giáo đã củng cố thế lực của người Hồi giáo tại các vương quốc miền Bắc. Các nhà thám hiểm và nhà truyền giáo châu Âu bắt đầu tới các vùng đất ở giữa châu Phi. Các cường quốc châu Âu nhanh chóng lập thuộc địa ở khắp châu Phi vì muốn khai thác tài nguyên của châu lục này. Quyền lực của các cường quốc thương mại lớn mạnh.

Tại châu Á, người châu Âu cũng nắm quyền kiểm soát Ấn Độ, Miến Điện, Đông Nam Á, và bắt đầu buôn bán với Trung Quốc và Nhật Bản. Việc châu Âu bành trướng sang các lục địa khác đã không chấm dứt được các cuộc xung đột ngay tại châu Âu, và nhiều cuộc chiến tranh nổ ra giữa các nước hoặc đế quốc châu Âu muốn có thêm quyền lực và lãnh thổ.


BẮC MỸ

Nước Mỹ lớn mạnh trong thời kỳ này. Các lãnh thổ của Mỹ mở rộng về phía Tây tới Texas và California, và “miền Tây hoang dã” đang được khai khẩn nhờ hoạt động của ngành đường sắt, người định cư và binh lính. Công cuộc khai khẩn này gây tổn thất lớn cho người bản xứ. Họ bị giết hoặc bị dồn vào các vùng đất biệt lập. Mặc dù họ đã nỗ lực khôi phục lại cuộc sống của mình, nhưng văn hóa của họ bị mai một và ít được người Mỹ mới đến định cư tôn trọng. Những năm 1860, nội chiến Mỹ bùng nổ. Đây là một cuộc chiến tranh hiện đại có sức hủy diệt lớn, xuất phát từ những bất đồng chính trị. Hệ quả của cuộc chiến tranh này là chế độ nô lệ ở Mỹ bị thủ tiêu. Các thành phố ở miền Đông và Trung Tây lúc này lớn mạnh hơn, công nghiệp hơn và ngày càng có thêm người định cư tới từ châu Âu. Canada được thống nhất và cũng mở rộng về phía Đông, trở thành một lãnh thổ tự trị độc lập và phồn thịnh thuộc đế quốc Anh. Đến năm 1900, Bắc Mỹ trở thành khu vực giàu có, hùng mạnh. Nước Mỹ thậm chí cũng trở thành một thế lực đế quốc. Các nhà tài phiệt, các công ty và quân đội Mỹ góp phần đưa nước này thống trị thế giới trong thế kỷ XX.


TRUNG VÀ NAM MỸ

Châu Mỹ La-tinh phát triển chậm hơn so với Bắc Mỹ, một phần vì các chính phủ độc tài và các địa chủ quyền hành ở nơi này. Sau các cuộc chiến tranh giành độc lập vào những năm 1820, làn sóng thay đổi thứ hai diễn ra trong các thập niên 1860–1880, khi các nước Nam Mỹ gây chiến với nhau. Sau đó các nước này phát triển mạnh nhờ có hệ thống đường sắt, dân số tăng và của cải cũng tăng nhờ xuất khẩu. Nhưng lề thói cũ của Tây Ban Nha vẫn tồn tại dưới hình thức chính phủ hà khắc, các địa chủ giàu có sống trong các trang trại (hacienda) và phần đông dân chúng vẫn nghèo khổ.


CHÂU ÂU

Đây là thế kỷ của châu Âu. Các cuộc chiến tranh liên miên ở châu Âu hầu như đã chấm dứt và các đội quân châu Âu ra nước ngoài, lập đế quốc. Các thành phố công nghiệp mở rộng, với các hệ thống đường sắt và đường dây điện thoại. Các nhà chính trị, nhà công nghiệp và tầng lớp trung lưu nắm quyền lực ngày càng nhiều. Các tầng lớp lao động mới đã tổ chức các phong trào công nhân, dẫn tới cuộc cách mạng đầu tiên của công nhân, xảy ra ở Nga vào năm 1905 nhưng không thành công. Các lĩnh vực như cơ khí, khoa học, tư tưởng, nghệ thuật và thám hiểm thế giới đạt được những thành tựu to lớn. Châu Âu lúc này thống trị và cấp vốn cho thế giới, và nhờ thế mà giàu có. Tuy nhiên một số tầng lớp rất khó khăn trong thời kỳ này; xảy ra nạn đói, bãi công, suy thoái kinh tế và di cư ồ ạt. Những khó khăn này cuối cùng dẫn tới thêm một phát minh mới: đó là hệ thống phúc lợi xã hội cho người nghèo.


CHÂU Á

Tình trạng hỗn loạn xảy ra ở Trung Quốc và Nhật Bản vào giữa thế kỷ XIX. Các thương gia nước ngoài dùng vũ lực tiến vào các nước này và các cuộc khởi nghĩa lớn đã nổ ra ở Trung Quốc. Triều đình nhà Thanh chủ trương bế quan tỏa cảng, cuối cùng sụp đổ vào năm 1911. Nhật Bản chấp nhận đổi mới theo phương Tây. Tại Ấn Độ, Anh hoàn toàn cai trị nước này mặc dù thời gian đầu phải đương đầu với một cuộc binh biến của người Ấn Độ. Phương Tây lúc này thống trị phương Đông. Đối với một số người châu Á làm công cho người Tây Âu thì việc này có lợi cho họ. Nhưng số đông còn lại chỉ trở thành nguồn lao động rẻ tiền trong các đồn điền và thành phố thuộc địa ở châu Á. Đường sắt được xây dựng, các nhà truyền giáo, binh lính và thương gia khai khẩn trong lòng các nước châu Á. Nhưng các truyền thống châu Á vẫn trụ lại được nhiều hơn so với truyền thống của các nền văn hóa khác trên thế giới.


ÚC-Á

Người định cư Anh chiếm hầu hết khu vực Úc-Á và ngày càng áp đảo người bản xứ. Trên bản đồ thế giới, Australia và New Zealand xuất hiện với vai trò các quốc gia xuất khẩu lương thực, len và vàng.


TRUNG ĐÔNG

Đế quốc Ottoman tiếp tục thời kỳ suy tàn chậm, kéo dài, còn người Ba Tư phải chiến đấu với người Anh để tự vệ. Trung Đông trở thành một khu vực trì trệ, bị ách cai trị truyền thống ngáng trở và không chịu tác động của những thay đổi trên thế giới. Nhưng nhờ đó, khu vực này cũng tránh được quá trình thực dân hóa.

CHÂU PHI

Đầu tiên là các nhà thám hiểm, rồi đến các thương gia, nhà truyền giáo, thống đốc và nhà cai trị lần lượt tới châu Phi. Vào những năm 1880, châu Âu chia rẽ châu Phi và kiểm soát châu lục này. Các cuộc đổ xô đi tìm vàng đã làm cho Nam Phi trở nên giàu có và bị người da trắng cai trị. Nạn buôn bán nô lệ lúc này đã chấm dứt, nhưng thay vào đó toàn bộ châu Phi bị người châu Âu, chủ yếu là người Anh và người Pháp, khai thác và cai trị.