Bách Khoa Thư Lịch Sử

Cách Mạng Công Nghiệp (1836–1913)

CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP (1836–1913)

Cách mạng Công nghiệp là tên gọi đặt cho một thời kỳ có những thay đổi lớn ở Anh, con người bắt đầu dùng năng lượng hơi nước để sản xuất hàng hóa trong các nhà máy.

Nhiều trẻ em làm việc trong hầm mỏ và nhà máy, nhưng đến năm 1900 thì tình trạng này bị cấm ở hầu hết các nước châu Âu.

Trong thế kỷ XVIII, ở Anh có nhiều người làm việc tại nhà, thường sản xuất hàng hóa bằng phương pháp thủ công. Cũng có nhiều nông dân và người lao động trang trại làm việc ngoài đồng và trồng cây lương thực nuôi gia đình. Đến giữa thế kỷ XIX, tất cả những điều này đã thay đổi. Nhiều người Anh lúc này sống trong các thành phố và làm việc trong các nhà máy lớn hoặc cửa hàng, văn phòng, ngành đường sắt và các hoạt động kinh doanh khác nhằm phục vụ dân cư ở các trung tâm công nghiệp này. Dẫn đầu thế giới là các nhà sáng chế Anh, họ tiếp tục phát minh ra các cỗ máy mới mang tính cách mạng để thực hiện những công việc truyền thống như xe sợi và dệt vải nhưng nhanh hơn nhiều so với làm bằng tay. Máy móc cũng được dùng vào việc sản xuất sắt, thép. Và những kim loại này lại được dùng làm vật liệu chế tạo thêm máy móc, vũ khí và công cụ.

Nhà sáng chế Anh Isambard Kingdom Brunel (1806–1859) đã xây dựng đường sắt, cầu, đường hầm, cầu cạn, nhà ga, cảng và đóng con tàu lớn nhất thế giới.

Có bốn yếu tố dẫn đến sự thay đổi này: hoạt động khai thác than đá, hệ thống kênh đào, vốn đầu tư (tiền) và lao động rẻ. Than đá được dùng vào việc luyện sắt, thép và để tạo hơi nước vận hành các máy móc mới. Các xà lan vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm dọc theo các kênh đào. Lợi nhuận thu được từ các thuộc địa của Anh giúp các thương gia Anh có tiền đầu tư. Người làm nghề nông có thu nhập thấp đã đổ ra các thành phố để tìm công việc có thu nhập khá hơn.

Những công việc trong các công xưởng như nhà máy dệt này thường đòi hỏi sự khéo léo hơn là sức mạnh. Phụ nữ làm những việc này cũng tốt như nam giới và nhiều phụ nữ độc thân tự kiếm tiền được nên có thể sống tự lập.
Các nhà máy mới được xây dựng gần kênh đào và đường sắt để có thể chuyển nguyên liệu tới nhà máy, sau đó chở thành phẩm đi. Các dãy nhà xây liền nhau làm nơi ở cho công nhân.
Sự ra đời của ngành đường sắt giúp khai khẩn Bắc Mỹ, nhưng cũng dẫn tới cuộc bãi công toàn quốc đầu tiên – cuộc Bãi công Lớn năm 1877. Khi bị giảm lương, công nhân ngành đường sắt đã biểu tình, chặn các đoàn xe lửa. Cuối cùng, quân đội được huy động tới để can thiệp.

BÙNG NỔ KINH DOANH

Các mỏ than mới được khai thác để cung cấp than đá cho động cơ hơi nước và than cốc cho nghề chế tạo đồ sắt. Đến giữa thế kỷ XIX, hệ thống kênh đào và đường sắt của Anh đã kết nối tất cả các thành phố công nghiệp lớn. Các loại máy móc mới đã sản xuất hàng hóa nhanh hơn và rẻ hơn. Các ông chủ nhà máy và hầm mỏ kiếm được các khoản lợi nhuận khổng lồ, và họ đầu tư một phần từ đó để mua thêm máy móc, qua đó tạo thêm việc làm. Các nhà đầu tư gửi tiết kiệm những khoản tiền nhỏ trong ngân hàng, và các nhà công nghiệp vay những khoản tiền lớn từ ngân hàng. Hệ thống tư bản đang phát triển này cung cấp tiền để xây nhà máy, văn phòng và nhà ở.

Đối với nhiều công nhân, cuộc sống trong các nhà máy và hầm mỏ vất vả và nguy hiểm. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em làm việc 13 giờ mỗi ngày hoặc nhiều hơn, mà tiền công thường rẻ mạt. Trước khi luật an toàn lao động mới có hiệu lực, nhiều công nhân bị thiệt mạng hoặc bị thương vì máy móc không an toàn. Các thành phố phát triển nhanh và không được quy hoạch phù hợp, nên một số vùng không có đường thoát nước hoặc không có nước sạch. Các bệnh như tiêu chảy (do nước bẩn gây ra) trở nên phổ biến và làm hàng nghìn người bị chết.

Henry Bessemer (1818–1898) đạt được bước tiến lớn trong lĩnh vực sản xuất thép. Trong lò chuyển Bessemer, khí nóng được thổi qua sắt nung chảy để luyện sắt thành thép. Thép chắc hơn và hữu dụng hơn so với sắt, nhưng trước khi có phát minh này vào năm 1856, việc sản xuất thép rất tốn kém.

Cuối cùng, các luật về giảm giờ làm và cấm lao động trẻ em được ban hành. Các tổ chức công đoàn, ban đầu bị cấm hoạt động, đã phát động chiến dịch đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Cuối cùng, những người cải cách đã giành được những điều kiện làm việc tốt hơn và giúp mọi trẻ em đều được đến trường. Các khu nhà ổ chuột bị dẹp bỏ và các luật mới về kiểm soát điều kiện làm việc và ăn ở được ban hành.

Năm 1842, James Nasmyth (1808–1890) sáng chế ra búa hơi, dùng để sản xuất các bộ phận của tàu thủy mới chạy bằng hơi nước. Máy này hoạt động nhờ một động cơ hơi nước hai chiều

CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1837 Nữ hoàng Victoria lên ngôi

1838 Brunel đóng tàu thủy hơi nước Great Western

1842 James Nasmyth sáng chế búa hơi đầu tiên

Những năm 1850 Các thành phố công nghiệp ở Anh được nối với nhau bằng kênh đào và đường sắt

1851 “Đại Triển lãm” được tổ chức ở điện Crystal

1868 Đại hội Công đoàn đầu tiên được tổ chức tại Manchester

1870 Kênh đào Suez hoàn tất giúp việc đi lại sang Ấn Độ dễ dàng

1893 Thành lập Đảng Lao động (Công đảng) Độc lập

1900 Cả Mỹ và Đức vượt Anh về sản lượng thép