Bách Khoa Thư Lịch Sử

Thế Giới Hiện Đại (1950 - Hiện Tại)

Tàu con thoi Discovery được phóng lần thứ 21 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào tháng 7 năm 1995.

THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI (1950 - hiện tại)

Giai đoạn từ năm 1950 đến nay được coi là lịch sử hiện đại. Một số sự kiện của thời kỳ này có thể xảy ra mới đây, và chúng ta nắm được thông tin về những sự kiện đó qua truyền hình hoặc internet. Những năm tháng này đã chứng kiến những thay đổi chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ và môi trường. Các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách cũng như các sử gia nhận biết được một số xu hướng sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới của chúng ta: những tiến bộ khoa học và kỹ thuật, môi trường bị ô nhiễm, dân số tăng nhanh chưa từng thấy, cơ cấu gia đình thay đổi, chênh lệch ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo, và sự gia tăng các hoạt động khủng bố trên toàn cầu.

Tàu sân bay của Anh và Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình vào thập niên 1990 ở nhiều nơi bất ổn trên thế giới, chẳng hạn như Trung Đông hay Nam Tư.

SƠ LƯỢC TOÀN CẢNH THẾ GIỚI (TỪ 1950 ĐẾN NAY)

Thời kỳ này bị chi phối mạnh nhất bởi cuộc chiến tranh lạnh giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa và phương Tây tư bản. Mỹ và Liên Xô đóng vai trò dẫn đầu ở mỗi phe. Hai quốc gia này cũng tham gia vào cuộc chạy đua trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ. Liên Xô là nước đầu tiên đưa người vào vũ trụ, còn Mỹ là nước đầu tiên đưa người lên Mặt trăng. Những thay đổi diễn ra ở Liên Xô đã dẫn tới sự kết thúc chiến tranh lạnh nhưng lại gây nên tình trạng bấp bênh về tương lai vì những lực lượng dân tộc chủ nghĩa đòi độc lập.

Tại Tây Âu, Liên minh châu Âu khuyến khích tăng trưởng kinh tế và hợp tác hướng tới liên minh chính trị. Tại châu Phi, nhiều quốc gia giành được độc lập, nhưng lại phải đối mặt với các vấn đề kinh tế như hạn hán hay nạn đói. Ở Đông Nam Á, công nghệ và công nghiệp phát triển, và Nhật Bản trở thành nền kinh tế thành công nhất thế giới. Trung Quốc trải qua cuộc Cách mạng văn hóa, và Đông Dương bị tàn phá bởi hàng loạt cuộc chiến tranh.

BẮC MỸ

Nửa sau thế kỷ XX là cao điểm phát triển của nước Mỹ. Mỹ là nước dẫn đầu về vật chất cũng như về văn hóa. Vào thời gian này, khu vực ven biển phía Tây của Mỹ là trung tâm của công nghiệp điện ảnh và máy bay, cũng như khu vực phía Đông, và cũng là nơi nảy sinh nhiều ý tưởng tiên phong. Mỹ dẫn đầu trong cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và ngang hàng với Liên Xô trong cuộc chạy đua vũ trụ. Thập niên 1950, Mỹ phát triển thịnh vượng, song đến thập niên 1960 lại nảy sinh những bất ổn xung quanh các vấn đề về quyền dân sự và xã hội. Văn hóa Mỹ đạt tới mức phát triển cao trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, tư tưởng và phát minh vào thập niên 1970, nhưng lại bị lung lay bởi cuộc chiến tranh ở Việt Nam và sự thối nát của chính phủ. Từ những năm 1980, công nghệ máy tính điện tử và kinh tế thị trường tự do đã giúp kinh tế phát triển bùng nổ, xuất hiện tàu vũ trụ con thoi, và chấm dứt chiến tranh lạnh. Mỹ hành xử như một viên sen đầm quốc tế trong bối cảnh thế giới hết sức phức tạp. Chính sách đối ngoại của Mỹ làm một số nhóm oán giận và Mỹ ngày càng trở thành mục tiêu của các hoạt động khủng bố. Năm 2001, nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan Al-Qaeda đã cướp máy bay và đâm vào các tòa nhà cao tầng ở hai thành phố New York và Washington, DC, của nước Mỹ.


TRUNG VÀ NAM MỸ

Cho tới những năm 1970, tại châu Mỹ La-tinh diễn ra cuộc đấu tranh giữa các nhà độc tài cánh hữu và những người cách mạng cánh tả. Những vấn đề lớn tại khu vực này là sự nghèo đói, tranh giành quyền lực và chiến tranh du kích. Sự căng thẳng từ những vấn đề này đã giảm bớt, khi châu lục trở nên giàu có hơn và những lực lượng theo xu hướng tự do hơn lên nắm quyền. Nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng mất dần ảnh hưởng, và những vấn đề mới nảy sinh là rừng mưa nhiệt đới bị phá hủy, chính phủ tham nhũng, các tồn tại về nhân quyền và tình trạng buôn bán ma túy. Nội chiến ở những quốc gia như Peru và Nicaragua chấm dứt, và vào những năm 1990, khi đã được công nghiệp hóa, châu Mỹ La-tinh đóng một vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề quốc tế.


CHÂU ÂU

Bị tàn phá trong Chiến tranh Thế giới II và lu mờ bởi chiến tranh lạnh, châu Âu đã hồi phục mạnh mẽ trong những năm 1950–1970, bắt đầu một quá trình hợp tác lâu dài thông qua việc thành lập Liên minh châu Âu. Châu Âu phát triển mô hình kinh tế “thị trường xã hội”, khuếch trương các hệ thống phúc lợi xã hội, và đến những năm 1990 thì các hệ thống này trở thành một gánh nặng. Mặc dù có một số cuộc khủng hoảng, như cuộc nổi dậy tại Hungary vào năm 1956 và sự kiện “Mùa xuân Prague” năm 1968, châu Âu nói chung vẫn yên ổn. Bước đột phá lớn nhất là sự chấm dứt chiến tranh lạnh, dẫn tới sự thống nhất nước Đức và hòa giải giữa Đông và Tây. Tuy nhiên, những diễn biến tồi tệ như cuộc nội chiến tại Nam Tư đã làm sự tiến bộ bị chậm lại. Những mối quan ngại về môi trường và xã hội trở nên rất lớn, đặc biệt là sau thảm họa hạt nhân tại Chernobyl năm 1986. Liên minh châu Âu trở thành một tổ chức kinh tế và chính trị có ảnh hưởng lớn trong khu vực, tăng thêm số thành viên và áp dụng đồng tiền chung.


CHÂU Á

Vào thời kỳ này, vận may lại đến với châu Á. Kỷ nguyên của chủ nghĩa Mao ở Trung Quốc đã mang đến những kết quả lẫn lộn, một số rất ấn tượng, song một số lại đầy tính thảm họa. Kết quả này dẫn tới những cuộc cải cách vào thập niên 1980, và Trung Quốc tái hòa nhập vào nền kinh tế thế giới. Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế, công nghệ ở châu Á, và kích thích sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Đông Nam Á từ đầu thập niên 1970. Ấn Độ hiện đại hóa vào những năm 1970, nhưng vẫn tiếp tục xung đột với Pakistan. Sự rút lui của những cường quốc thực dân, chiến tranh tại Việt Nam, sự trỗi dậy của các giá trị Hồi giáo và Khổng giáo, sự sụp đổ của Liên Xô tại Trung Á và quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới, tất cả đều có ảnh hưởng lớn đối với châu Á.


ÚC-Á

Australia và New Zealand trở thành những quốc gia dẫn đầu thế giới, tuy nhiên, hai nước này cũng phải thích nghi với việc tăng cường quan hệ với châu Á. Australia trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới. Polynesia trở thành địa điểm du lịch nhưng cũng là nơi thử bom nguyên tử.


TRUNG ĐÔNG

Là nơi có nhiều dầu mỏ, Trung Đông trải qua cả sự giàu có lẫn những đau khổ tột đỉnh vào thời kỳ này. Sự nổi dậy của trào lưu Hồi giáo chính thống đem lại những kết quả lẫn lộn, gây bất ổn nhưng cũng giúp đỡ những người nghèo khổ và bị áp bức. Bị tranh giành giữa các cường quốc, Trung Đông lâm vào nhiều cuộc chiến tranh và chịu sự can thiệp của các cường quốc này.


CHÂU PHI

Sau khởi đầu đầy hứa hẹn vào những năm 1960, khi hầu hết các quốc gia ở châu lục này đều giành được độc lập, châu Phi lại lâm vào các cuộc chiến tranh, tình trạng tham nhũng, nạn đói và khủng hoảng xã hội. Sự can thiệp của nước ngoài và tình trạng khai thác tài nguyên vô độ là điều phổ biến. Tại Nam Phi, đất nước bị chia rẽ bởi chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, cải cách đã diễn ra vào năm 1990 và hứa hẹn một xã hội đa sắc tộc. Châu Phi vẫn bất ổn, nhưng những bài học thu nhận được có thể giúp châu lục này đạt những thành tựu to lớn trong tương lai.