Bách Khoa Thư Lịch Sử

Khoa Học Và Kỹ Thuật (1914–1949)

KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT (1914–1949)

Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, các nhà khoa học đã phát triển nhiều loại vũ khí có sức hủy diệt ghê gớm. Tuy nhiên, hoạt động sáng tạo của họ cũng đưa tới những phát minh phục vụ cho mục đích hòa bình.

Sau Chiến tranh Thế giới I, thiết bị mới giúp làm những việc vặt trong nhà dễ dàng hơn. Máy giặt chạy điện lần đầu tiên xuất hiện năm 1914.

Trong Chiến tranh Thế giới I, lần đầu tiên đã có vũ khí hóa học và cũng lần đầu tiên xe tăng được sử dụng trên chiến trường. Máy bay được sử dụng với mục đích quan sát, không chiến và ném bom. Đến Chiến tranh Thế giới II, các nhà khoa học phát minh ra các loại vũ khí tân tiến hơn rất nhiều. Năm 1940, hệ thống ra đa được phát minh nhằm xác định vị trí của các mục tiêu từ xa, chẳng hạn như máy bay địch. Năm 1934, nhà vật lý Enrico Fermi phát hiện ra rằng có thể dùng urani để tạo ra phản ứng phân chia hạt nhân dây chuyền. Phát hiện này dẫn tới Dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử tại Los Alamos của các nhà khoa học Mỹ vào năm 1941. Sự phát triển của ngành vật lý nguyên tử cũng dẫn tới việc phát minh ra phương pháp đo thời gian chính xác nhất.

Cho tới khi bóng bán dẫn được phát minh vào năm 1948, những chiếc đài mới sử dụng đèn điện tử và được đặt trong những chiếc hòm gỗ đánh bóng rất to, chẳng hạn như chiếc đài Columbia này. Chất bán dẫn cho phép thu nhỏ mọi chi tiết điện tử.

KHOA HỌC VÌ HÒA BÌNH

Sự xuất hiện của nhựa và sợi tổng hợp vào những năm 1930 khiến cho nhiều mặt hàng tiêu dùng và quần áo có thể được sản xuất hàng loạt với giá phải chăng. Trong lĩnh vực máy tính điện tử (computer) cũng xuất hiện những tiến bộ quan trọng. Những chiếc máy tính đầu tiên có kích thước chiếm cả gian phòng và cần rất nhiều điện năng mới có thể xử lý một lượng nhỏ dữ liệu. Năm 1948, Công ty Bell Telephone (Mỹ) phát minh ra chất bán dẫn. Điều này dẫn tới một cuộc cách mạng trong lĩnh vực điện tử và sự ra đời của những chiếc máy tính nhỏ hơn và hiệu quả cao hơn.

John Logie Baird (1888–1946) phát minh ra hệ thống truyền hình đầu tiên. Năm 1926, ông đã truyền đi những hình ảnh đầu tiên về một vật đang chuyển động. Hệ thống của ông sớm được thay thế bằng một hệ thống do nhà khoa học Mỹ gốc Nga Vladimir Zworykin (1889–1982) phát minh ra. Dịch vụ truyền hình công cộng đầu tiên trên thế giới do hãng BBC của Anh cung cấp năm 1936.
Ferdinand Porsche (1875–1951) muốn sản xuất một chiếc xe hơi mà ai cũng đủ tiền mua. Xe Volkswagen đầu tiên được thiết kế năm 1934 và lần đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 1938.
Được cải tiến từ một máy bay ném bom, máy bay HP42 Hannibal này của hãng Handley Page (Anh) được hãng Hàng không Hoàng gia sử dụng trong các tuyến bay từ Anh tới Ai Cập, Nam Phi và Ấn Độ vào những năm 1930.
Năm 1943, máy tính đầu tiên có linh kiện hoàn toàn điện tử được phát minh tại Bletchley Park, nước Anh. Được gọi là Colossus (“Gã khổng lồ”), máy tính này đã giải mã thành công những thông điệp tối mật do người Đức gửi đi bằng các máy Enigma của họ.
Thuốc penixilin do Alexander Fleming phát minh vào năm 1928, khi ông để ý thấy một đám nấm mốc trong phòng thí nghiệm giết chết các vi khuẩn ở xung quanh. Tuy nhiên, phải đến năm 1940, penixilin mới được nuôi cấy ổn định đủ để có thể sử dụng trong ngành y.
Các sản phẩm đầu tiên bằng ni-lông xuất hiện năm 1939. Đây là hình quảng cáo hàng dệt pha ni lông của Mỹ vào thập niên 1940.

Người ta cũng tìm ra cách chữa trị và phòng ngừa một số căn bệnh từng làm hàng nghìn người chết. Do hệ quả của hai cuộc chiến tranh, trong lĩnh vực cứu thương cũng có nhiều tiến bộ. Vào thời bình, trong số những tiến bộ đạt được có việc phát minh ra insulin vào năm 1921 để chữa bệnh tiểu đường, và phát minh ra loại thuốc kháng sinh đầu tiên năm 1928. Năm 1937, ngân hàng máu đầu tiên khai trương tại Mỹ và plasma lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1940.

Việc áp dụng kỹ thuật sản xuất hàng loạt vào những năm 1930 cũng khiến giá cả của những chiếc xe hơi trở nên phải chăng đối với mọi người. Máy bay quân sự được sửa đổi thiết kế để chở hành khách, và đến thập niên 1930, các hãng hàng không đã thường xuyên chở khách tới hầu hết các nơi trên toàn thế giới.

Đám mây hình nấm xuất hiện sau vụ nổ bom nguyên tử. Tháng 8-1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Sự kiện này buộc Nhật Bản phải đầu hàng.

MỘT SỐ SỰ KIỆN QUAN TRỌNG

1915 Hệ thống sonar định vị vật dưới nước bằng sóng âm được phát minh để phát hiện tàu ngầm

1919 Ernest Rutherford phân chia nguyên tử

1922 Vắc-xin lao BCG được sử dụng tại Pháp

1926 Tên lửa đầu tiên dùng nhiên liệu lỏng được phóng tại Mỹ

1928 Alexander Fleming phát minh ra penicillin

1937 Frank Whittle thiết kế thành công động cơ phản lực đầu tiên

1938 Lazlo Biro cho ra đời chiếc bút bi đầu tiên

1939 Tất ni lông đầu tiên được bán tại Mỹ

1940 Hệ thống ra-đa được phát triển

1941 Các nhà khoa học Mỹ chế tạo bom nguyên tử

1944 Anh và Đức sử dụng máy bay chiến đấu động cơ phản lực đầu tiên trong các trận đánh

1948 Phát minh đồng hồ nguyên tử