Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, căng thẳng giữa phương Tây và phương Đông cùng sự tăng cường vũ khí hạt nhân gần như đưa thế giới tới bờ vực của một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba.
Liên Xô và Mỹ từng là đồng minh chống Đức và Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới II, nhưng tại thời điểm năm 1945, hai quốc gia này, lúc đó được xem là hai siêu cường, đã trở thành đối thủ và sau đó là kẻ thù của nhau. Sự chia rẽ này được gọi là chiến tranh lạnh, một cuộc chiến tranh không có chiến sự. Mỹ và Liên Xô đã “chiến đấu” với nhau bằng những ngôn từ răn đe và bằng việc củng cố lực lượng vũ trang. Cả hai bên đều phát triển một lượng lớn vũ khí hạt nhân. Các cuộc tiếp xúc hòa bình, thân thiện giữa nhân dân hai nước bị chấm dứt. Liên Xô dùng quân đội cô lập hoàn toàn quốc gia này với thế giới phương Tây. Chính khách nước Anh Winston Churchill đã mô tả một cách ấn tượng ranh giới giữa phương Tây và phương Đông là một “tấm màn sắt” trong bài phát biểu tại bang Missouri (Mỹ) vào ngày 5-3-1946.
Trong nhiều năm, chính trường thế giới bị chiến tranh lạnh chi phối. Một bên, Mỹ trở thành chóp bu của tổ chức NATO, liên minh quân sự của các nước phương Tây chống phe xã hội chủ nghĩa. Phía bên kia, Liên Xô chi phối khối Hiệp ước Warsaw, liên minh quân sự của các nước Đông Âu ủng hộ chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1945, Mỹ, Pháp và Anh kiểm soát Tây Đức, còn Liên Xô kiểm soát Đông Đức. Thủ đô Berlin nằm bên trong Đông Đức cũng bị chia đôi, và đến năm 1948, quân đội Xô-viết đã phong tỏa hoàn toàn lối đi đến Tây Berlin. Các cường quốc phương Tây phải dùng máy bay để chuyên chở hàng hóa tới Tây Berlin cho tới khi Liên Xô chấm dứt phong tỏa vào tháng 5-1949. Trong những năm 1949–1958, ba triệu người chạy từ Đông Berlin sang Tây Berlin. Năm 1961, Đông Đức đóng cửa các ngả đường sang Tây Berlin bằng việc xây bức tường xuyên qua trung tâm thành phố. Bức tường này chạy qua cả tuyến đường xe điện và đường sắt, tạo thành một khu vực không hề có người qua lại ở hai bên bức tường.
Giữa Mỹ và Liên Xô chưa bao giờ thực sự nổ ra chiến tranh, nhưng đã có lúc hai bên tiến gần đến một cuộc chiến tranh. Trong khoảng một tuần lễ vào tháng 10-1962, cả thế giới phải nín thở khi biết Tổng thống Mỹ John F. Kennedy (1961–1963) nhận được các bức ảnh của không quân chứng tỏ rằng Liên Xô đang xây dựng căn cứ phóng tên lửa tại Cuba. Từ những căn cứ đó, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể phóng tới hủy diệt các thành phố của Mỹ. Ngày 22-10, Tổng thống John Kennedy ra lệnh cho hải quân phong tỏa Cuba. Mỹ lên kế hoạch xâm chiếm Cuba, và cả thế giới chuẩn bị bước vào một cuộc chiến tranh hạt nhân. Cuối cùng, ngày 28-10, nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó là Nikita Khrushchev đã xuống thang, đồng ý rút tên lửa về nước và phá hủy các cơ sở phóng tên lửa tại Cuba. Khủng hoảng chấm dứt.
Vào thập niên 1980, mối quan hệ nồng ấm giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã giúp giảm đi tình trạng căng thẳng của chiến tranh lạnh, và vào năm 1987, hai nhà lãnh đạo này đã đồng ý cùng hủy bỏ tên lửa hạt nhân tầm trung. Năm 1989, Gorbachev cho phép các quốc gia cộng sản ở Đông Âu bầu ra chính phủ dân chủ, và đến năm 1991, Liên Xô tan rã thành 15 nước cộng hòa độc lập. Chiến tranh lạnh kết thúc. Ngày 12-3-1999, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc gia nhập khối NATO. Lễ gia nhập được tiến hành tại thư viện tưởng niệm Harry S. Truman ở Independence, bang Missouri (Mỹ).