Bách Khoa Thư Lịch Sử

Nước Pháp Thời Cape (987–1328)

Khi Hugh Capet lên nắm quyền, nước Pháp đang bị chia thành nhiều lãnh địa do các công tước cai quản. Các cuộc hôn nhân và thay đổi liên minh chính trị của các công tước khiến nước Pháp bị chia cắt trong một thời gian. Mục tiêu của nhà Cape là thống nhất nước Pháp dưới một chế độ cai trị.

NƯỚC PHÁP THỜI CAPE (987–1328)

Tại Pháp, triều đại Cape tiếp nối triều đại Carolingian vào năm 987. Được Hugh Capet lập ra, mục tiêu của triều đại Cape là thống nhất nước Pháp thành một quốc gia kiêu hãnh.

Capet là biệt danh của Hugh Capet, người sáng lập triều đại Cape, vì trước đó, khi còn là cha trưởng đan viện, ông thường mặc áo choàng ngắn (cape). Là Công tước xứ Francia, ông là chư hầu quan trọng nhất của vua Carolingian cuối cùng và chính ông được bầu làm vua Pháp. Nhưng vị thế của ông không mạnh lắm: từ Paris, ông cai trị miền Bắc nước Pháp, nhưng các công tước vùng Normandy, Burgundy và Aquitaine cũng có quyền lực gần bằng ông.

Nhà nguyện Thánh Martin d’Aiguilhe là một công trình kiến trúc uy nghi ở Burgundy. Vùng này của Pháp do các công tước Burgundy hùng mạnh cai trị, các vị vua thuộc dòng họ Cape không thể cạnh tranh với họ về quyền lực.

HÌNH THÀNH NƯỚC PHÁP

Mục tiêu của nhà Cape là thống nhất nước Pháp và xây dựng thành một quốc gia kiêu hùng và thịnh vượng. Ảnh hưởng của nhà Cape và tinh thần dân tộc của nước Pháp lên cao dưới thời vua Louis VI, biệt hiệu là Louis Béo (1108–1137), người đã lập nên liên minh với các nhà lãnh đạo Giáo hội để chống lại Đức và Anh. Khác với các ông vua, các công tước quan tâm đến cơ đồ của riêng họ hơn là cơ đồ của cả nước Pháp. Các cuộc liên minh bằng hôn nhân khiến đất đai có thể vuột khỏi tầm kiểm soát của chính quyền trung ương, tình trạng này trở thành một vấn đề lớn.

Hugh Capet đang nhận chìa khóa của thành phố Laon từ người cai quản thành phố là Giám mục Asselin.
Bức tranh này mô tả việc vua Pháp Robert II (996–1031), con trai của Hugh Capet, bị giáo hoàng phạt tuyệt thông vì cuộc hôn nhân “đáng ngờ” của ông.

NGƯỜI PHÁP VÀ NGƯỜI NORMANDY

Năm 1152, Eleanor xứ Aquitaine, vợ của vua Louis VII, đã ly dị nhà vua vì ông thường xuyên đi xa, tham gia vào các cuộc Thập Tự Chinh. Tiếp đó bà cưới Henry II, vua Anh mang dòng máu Normandy-Pháp, và đặt Aquitaine dưới sự cai trị của người Norman. Pháp bị chia thành hai nửa, và việc này dẫn tới xung đột. Đến năm 1214, người Pháp giành lại một số đất đai vùng Normandy, và đến năm 1226, vua Louis VIII đã củng cố đáng kể vị thế của nước Pháp. Vua Louis IX (Thánh Louis) tiếp tục tiến trình này; ông chinh phục miền Nam nước Pháp và dẹp tan những cuộc nổi loạn của một số quý tộc. Tuy nhiên, các công tước vẫn nắm nhiều quyền lực và người Normandy đã khai thác điểm này. Họ muốn kiểm soát nước Pháp. Vấn đề quyền lực của người Normandy tại Pháp không được giải quyết, và sau khi nhà Cape sụp đổ vào năm 1328, người Anh và người Pháp bắt đầu cuộc chiến kéo dài một thế kỷ. Nhà Cape đã mang lại cho nước Pháp sự ổn định và vị thế của một quốc gia đích thực, nhưng phải khá lâu điều này mới thực hiện được.

Đan viện Jumièges được xây vào khoảng năm 1041, nằm trong dự định của triều đại Cape là biến nước Pháp thành một vương quốc nhiều thế lực được Giáo hoàng ủng hộ.

ĐAN VIỆN VÀ NHÀ THỜ

Dưới thời Trung cổ, hai chủ sử dụng lao động chính là nhà vua và Giáo hội. Nhiều nhà thờ và tu viện được xây dựng vào thế kỷ XII và XIII không hẳn chỉ vì những lý do tôn giáo. Các công trình xây dựng này thúc đẩy nền kinh tế, tạo việc làm và tượng trưng cho sự vĩ đại, ổn định và giàu có. Giáo hội cũng hành xử như một lãnh chúa tôn giáo có quyền uy tối thượng đối với các vị vua ở châu Âu, và các vị vua cũng có lợi khi tranh thủ được sự ủng hộ của Giáo hoàng. Ngoài chức năng là nơi thờ phụng, các nhà thờ mới ở thời kỳ này cũng là biểu tượng của sự tiến bộ và thịnh vượng.

Nhà Cape có công đem lại cho nước Pháp sự ổn định và giàu có. Một thành quả trong đó là công trình xây dựng các nhà thờ chính tòa, chẳng hạn như nhà thờ lớn Chartres này. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1195 và mất 35 năm mới hoàn thành.