Bách Khoa Thư Lịch Sử

Đế Quốc La Mã Thần Thánh (962–1440)

Đế quốc La Mã Thần thánh đã thống nhất tất cả các dân tộc nói tiếng Đức và bành trướng thế lực sang Italia, vừa để bảo vệ vừa để tìm cách kiểm soát các Giáo hoàng.

ĐẾ QUỐC LA MÃ THẦN THÁNH (962–1440)

Năm 936, Otto I trở thành vua nước Đức. Ông muốn khôi phục đế quốc La Mã cổ xưa và được Giáo hoàng phong làm Hoàng đế La Mã Thần thánh đầu tiên vào năm 962.

Đế quốc La Mã Thần thánh chẳng có gì đặc biệt thần thánh mà cũng không phải là La Mã. Được Hoàng đế Charlemagne thành lập vào năm 800, đế quốc này là của người Đức (German) và tùy thuộc vào quyền lực của các vị vua. Sau khi Charlemagne mất, triều đại Carolingian dần tan vỡ, chia thành Pháp và Đức. Ở Đức, một ông vua tối cao được bầu ra như một vị đại chúa tể, để có thể liên kết các công tước, bá tước và giám mục đang cai quản một cách độc lập những vùng đất khác nhau. Vị vua tối cao đầu tiên là Conrad I xứ Franconia, được bầu vào năm 911. Về sau, vua Otto I (936–973) đầy tham vọng cũng muốn khôi phục đế quốc La Mã. Ông đem lại bình ổn nhờ hợp nhất được tất cả những nhà cai trị trung thành với mình và đánh bại người Magyar. Ông chinh phục Bohemia, Áo và miền Bắc Italia. Sau 25 năm, ông được Giáo hoàng phong làm Hoàng đế Augustus, mở đầu truyền thống tấn phong hoàng đế kéo dài 850 năm, cho đến tận năm 1806. Đế quốc của ông đã trở thành một đế quốc La Mã Thần thánh hồi sinh.

Hoàng đế La Mã Thần thánh có quyền được Giáo hoàng ở La Mã trao vương miện. Nhiều giáo hoàng và hoàng đế bất đồng về các vấn đề quyền lực và quyền hạn, điều này dẫn tới nhiều rắc rối do mỗi bên đều muốn can thiệp vào công việc của bên kia.
Khi Heinrich IV tới yết kiến Giáo hoàng ở Canossa vào tháng 1 năm 1077 để giải quyết bất đồng về quyền lực, Giáo hoàng Gregory VII đã bắt Heinrich IV chờ ngoài bão tuyết suốt ba ngày mới tha thứ và bãi bỏ lệnh phạt vạ tuyệt thông.
Giới quý tộc thường ủng hộ hoàng đế chống Giáo hoàng, nhưng đôi khi cũng chống lại hoàng đế. Binh lính thường ủng hộ giới quý tộc, những người ban đất đai cho họ, còn nông dân thì được binh lính và quý tộc thuê làm việc. Tương tự, các thầy tu ủng hộ các chức sắc tôn giáo, các chức sắc tôn giáo thì ủng hộ Giáo hoàng. Đây là những mối quan hệ “phong kiến”, theo đó người ta phải trung thành và nộp thuế để được bảo vệ, có đất đai và được hưởng quyền lợi. Mọi người đều bị ràng buộc vào các mối quan hệ phong kiến này.
Năm 1122, giáo hoàng và hoàng đế La Mã Thần thánh ký một thỏa ước tại nhà thờ St Peter ở thị trấn Worm (Tây Nam nước Đức). Thỏa ước này chấm dứt bất đồng dai dẳng về vấn đề ai là người có quyền bổ nhiệm giám mục.

GIÁO HOÀNG VÀ HOÀNG ĐẾ

Một số Giáo hoàng muốn giúp đỡ trong việc cai trị châu Âu Ki-tô giáo nhưng thường xung đột với các hoàng đế. Tín đồ Thiên Chúa giáo phải phục tùng Giáo hoàng, vì vậy Giáo hoàng là người nhiều quyền lực. Các Giáo hoàng muốn được chỉ định hoàng đế, còn các hoàng đế lại muốn được chọn Giáo hoàng và kiểm soát công việc của Giáo hội. Cuối cùng, Hoàng đế Heinrich IV và Giáo hoàng Gregory VII xung đột với nhau; vào năm 1075, Giáo hoàng Gregory tuyên bố Heinrich không có quyền chỉ định giám mục. Để trả đũa, Heinrich tuyên bố Gregory không còn là Giáo hoàng nữa. Giáo hoàng Gregory liền phạt vạ tuyệt thông Heinrich, nghĩa là Giáo hội Ki-tô không còn công nhận Hoàng đế Heinrich và thần dân không phải tuân phục ông ta nữa. Năm 1077, Hoàng đế Heinrich xin được tha thứ. Bất đồng về vấn đề chỉ định giám mục cuối cùng được giải quyết vào năm 1122, nhưng sau đó lại nảy sinh thêm bất đồng, khiến Giáo hội và nhà nước dần dần bị chia rẽ.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

911 Conrad I xứ Franconia được bầu làm vua Đức

936-973 Otto I củng cố đế quốc La Mã Thần thánh

955 Otto I đánh bại người Magyar

1056-1106 Heinrich IV xung đột với Giáo hoàng

1122 Thỏa ước Worms giữa hoàng đế và Giáo hoàng

1200 Giáo hội Thiên Chúa La Mã ở đỉnh cao quyền lực chính trị

1300 Các Giáo hoàng mất quyền lực chính trị

1440 Đế quốc La Mã Thần thánh rơi vào tay triều đại Habsburg ở Áo