Trong thời kỳ này, từ một nhóm các tiểu công quốc, Nga đã phát triển thành một nước lớn. Sự cô lập với thế giới bên ngoài chấm dứt và Nga đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử.
Sau sự sụp đổ của nhà nước Kiev vào khoảng năm 1060, nước Nga gồm một nhóm tiểu công quốc riêng biệt như Novgorod, Smolensk, Kiev và Vladimir. Tình hình này đột nhiên thay đổi khi người Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Batu Khan tấn công nước Nga năm 1238. Người Mông Cổ đã đốt cháy Moscow và tàn phá Kiev. Hãn quốc Kim Trướng (Golden Horde) của người Tartar thống trị nước Nga thông qua việc đòi cống nạp tiền và cung cấp binh lính. Người Nga chịu cống nạp để được yên ổn. Vào thế kỷ XIV, Kiev bị sáp nhập vào Lithuania trong một thời gian. Năm 1263, Muscovy (tên gọi cổ của Moscow) có người cai trị mới là vương công Daniel. Ông đã dần mở rộng lãnh thổ Muscovy.
Dần dần, Muscovy bắt đầu chế ngự các tiểu công quốc khác ở Nga. Năm 1380, người Muscovy đánh bại Kim Trướng, tuy người Tartar vẫn tấn công Muscovy và đòi cống nạp cho đến tận năm 1480, khi họ bị Ivan III áp đảo. Ivan III, còn gọi là Ivan Đại đế, lên ngôi ở Muscovy năm 1462. Ông mở rộng lãnh thổ Muscovy và biến Muscovy trở thành biểu tượng của niềm tự hào Nga. Ông ban hành một bộ luật và tự xưng là “chúa tể toàn Nga”. Năm 1472, Ivan III cưới Sophia, cháu gái của hoàng đế Byzantine cuối cùng, tự coi mình là người bảo hộ cho Giáo hội Chính thống ở phương Đông và gọi Moscow là “thành Rome thứ ba”.
Đến năm 1480, Ivan III kiểm soát được Novgorod và các thành phố khác. Ông xây lại Kremli (một dạng thành lũy) nổi tiếng của Moscow. Khi ông mất năm 1505, con trai ông là Vasili lên kế vị, cai trị đến năm 1533. Sau khi Vasili qua đời, con trai Vasili mới ba tuổi tuổi lên kế vị, trở thành Ivan IV.
Ivan IV, còn gọi là Ivan Bạo chúa, là đại vương công của Muscovy những năm 1533–1584. Ông đăng quang làm Sa hoàng (Tsar – vua Nga) đầu tiên năm 1547. Ivan IV là người tính tình hung dữ và bất nhất do từ nhỏ được dạy dỗ một cách nghiệt ngã, nhưng biệt danh của ông thực ra chỉ có nghĩa là “dữ tợn”, chứ không hẳn là “bạo chúa”. Ông đã cải thiện hệ thống luật pháp và cả quan hệ buôn bán của Nga với Anh và các nước châu Âu khác – cho tới thời điểm đó, nước Nga vẫn trong tình trạng bị cô lập. Ông chiếm vùng Kazan và Astrakhan từ tay người Tartar và tiếp tục tiến về Siberia. Sa hoàng Ivan giảm bớt quyền lực của giới đại quý tộc (boyar) bằng cách thành lập một kiểu cơ quan mật vụ để kiểm soát đất nước chặt chẽ hơn. Ông định ra nhiều khuôn mẫu cho tương lai, thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ của các Sa hoàng từ trung ương. Năm 1581, trong một cơn giận dữ, ông đã giết thái tử là Ivan và do vậy, con trai thứ hai của ông là Fyodor, một người tâm thần bất ổn, trở thành người kế vị.
Khi Ivan IV mất vào năm 1584, Boris Godunov cai trị nước Nga trên cương vị nhiếp chính cho đến khi Fyodor mất vào năm 1598. Boris Godunov tự xưng là Sa hoàng Nga bất chấp sự phản đối kịch liệt của giới quý tộc. Ông thúc đẩy buôn bán với nước ngoài và đánh bại người Thụy Điển muốn xâm lược Nga. Nhưng sau khi ông mất vào năm 1605, nước Nga trải qua tám năm nội chiến bởi các lực lượng kình địch tranh giành ngai vàng. Cuối cùng, Mikhail Romanov (1596–1645), cháu họ của Ivan IV giành được ngai vàng vào năm 1613. Ông làm Sa hoàng trong 30 năm và sáng lập triều đại Romanov cai trị Nga đến năm 1917.
1238 Người Mông Cổ xâm lược Nga
1263 Muscovy bắt đầu lớn mạnh
1462-1505 Ivan III (Ivan Đại đế) củng cố Muscovy
1472 Ivan III tự bổ nhiệm là người bảo hộ cho Giáo hội Chính thống ở phương Đông
1480 Chấm dứt ách cai trị của người Tartar
1505-1533 Vasili trở thành Sa hoàng
1533-1584 Ivan IV (Ivan Bạo chúa) mở rộng lãnh thổ Nga
1584-1598 Fyodor trở thành Sa hoàng và Boris Godunov làm nhiếp chính
1598-1605 Boris Godunov trở thành Sa hoàng cai trị Nga
1605-1613 Nội chiến giữa các đại quý tộc
1613 Mikhail Romanov, người đầu tiên của dòng họ Romanov, trở thành Sa hoàng