Nửa cuối thế kỷ XIX, sức mạnh quân sự của nước Pháp bị một bang của Đức là Phổ vượt qua, và một nước Đức mới hùng mạnh đã trỗi dậy.
Sau thất bại của các cuộc cách mạng năm 1848, Liên bang Đức gồm hơn 40 bang vẫn trong tình trạng không thống nhất như nhiều thế kỷ trước. Hai bang mạnh nhất là Áo và Phổ tranh giành quyền lực trên toàn nước Đức. Mặc dù lúc đầu yếu hơn, nhưng thương mại và công nghiệp của Phổ phát triển vào những năm 1850. Phổ lớn mạnh không ngừng nhờ công của vua (Kaiser) Phổ cùng với thủ tướng mới là Otto von Bismarck.
Áo và Phổ đã tiến hành chiến tranh chống Đan Mạch để giành quyền kiểm soát các lãnh địa công tước Schleswig và Holstein. Mặc dù hai lãnh địa này thuộc Hoàng gia Đan Mạch nhưng có nhiều người Đức sống ở đó. Đan Mạch bị đánh bại, và cả hai lãnh địa này chuyển sang thuộc quyền kiểm soát của nước Đức, nhưng chẳng bao lâu sau, Áo và Phổ bất đồng về cách cai trị hai lãnh địa này.
Năm 1866, Bismarck giải thể Liên bang Đức, và Áo tuyên chiến với Phổ với niềm tin tưởng là sẽ giành phần thắng. Tuy nhiên, Áo đã không lường hết được kỹ năng và sức mạnh của quân Phổ. Quân Phổ tràn như vũ bão vào lãnh thổ Áo và quyền lực của dòng họ Habsburg ở Áo bị suy yếu vĩnh viễn khi quân Áo bị đánh bại vào ngày 3-7-1866 trong trận Sadowa. Sau đó, Bismarck thành lập Liên bang Bắc Đức, trong đó Phổ là thành viên mạnh nhất.
Hòa ước Prague là một ví dụ tiêu biểu về tài chính trị và ngoại giao khéo léo của Bismarck. Ông biết rằng hạ nhục Áo sẽ là một việc nguy hiểm, mặc khác ông muốn có đồng minh chứ không muốn có kẻ thù. Vì vậy, theo Hòa ước, nhà Habsburg chỉ mất hai lãnh địa mà họ không thật sự nhất định phải giữ, và Venice. Tuy nhiên, Phổ được lợi lớn trong phần còn lại của nước Đức.
Hoàng đế Pháp Napoleon III, vốn là một người thiếu khôn ngoan và ít được ủng hộ, cảm thấy bị đe dọa bởi quyền lực ngày càng tăng của Phổ, đã yêu cầu Đức trao cho Pháp một số vùng lãnh thổ nhằm cân bằng với lợi ích mà Phổ đã giành được. Bismarck phớt lờ yêu cầu này, và những lời đe dọa của Napoleon chỉ khiến các bang miền Nam nước Đức trước kia vốn “khó bảo” nay lại đi theo Phổ.
Bismarck khiêu khích người Pháp bằng cách cho sửa bản tường thuật cuộc nói chuyện giữa vua Phổ và đại sứ Pháp sao cho giống như một sự sỉ nhục đối với nước Pháp. Khi văn kiện này, gọi là “bức điện Ems”, được công bố vào năm 1870, Hoàng đế Pháp Napoleon III đã tức giận và tuyên chiến với Phổ. Trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ này, Phổ đánh bại Pháp vào năm 1871 và chiếm vùng Alsace và Loraine. Các bang còn lại của nước Đức cũng gia nhập Liên bang năm 1871. Tiếp đó Bismarck thành lập Đế chế Đức Đệ nhị, với vua Phổ William I là hoàng đế.
1852 Napoleon III trở thành hoàng đế Pháp
1862 Bismarck trở thành thủ tướng Phổ
1864 Đan Mạch lập kế hoạch chiếm Schleswig-Holstein
1866 Phổ chiếm Schleswig-Holstein
1867 Liên bang Bắc Đức được thành lập
1870 Bùng nổ Chiến tranh Pháp-Phổ
1870 Pháp thua trong trận Sedan.; Napoleon III bị bắt
1870 Quân Phổ bắt đầu bao vây Paris
1871 Chiến tranh Pháp-Phổ chấm dứt bằng Hòa ước Frankfurt
1871 Đế chế Đức Đệ nhị được tuyên bố thành lập tại Versailles
1873 Napoleon III qua đời trong thời gian đi đày