Bách Khoa Thư Lịch Sử

Xâu Xé Châu Phi (1880–1912)

XÂU XÉ CHÂU PHI (1880–1912)

Với sự giàu có và kỹ thuật vượt trội, các cường quốc chủ yếu ở châu Âu đã chinh phục được các vùng đất rộng lớn trên thế giới và tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Tranh biếm họa này mô tả chim đại bàng Đức trong tư thế chuẩn bị chiếm châu Phi càng nhiều càng tốt. Đức chỉ là một trong nhiều cường quốc châu Âu đang tìm kiếm các vùng đất mới.

Gần cuối thế kỷ XIX, các cường quốc châu Âu ngừng tranh giành lẫn nhau về hoạt động buôn bán và đất đai trong nội bộ châu lục này. Với sự trỗi dậy bất ngờ của một lực lượng mới là nước Đức dưới sự lãnh đạo chính trị của thủ tướng Otto von Bismarck, tất cả các nước châu Âu đều hướng ra các nước ở xa hơn để tìm kiếm lợi ích kinh tế. Các nước châu Âu kình địch lúc này đổ xô đi xâm chiếm thuộc địa ở châu Phi. Quá trình này được gọi là sự “xâu xé châu Phi”.

Anh và Pháp vượt trội hẳn trong cuộc tranh giành này, nhưng Đức, Bỉ và Italy cũng theo sát nút đằng sau. Nhiều cuộc xung đột nổ ra giữa Anh và Pháp trong cuộc tranh giành thuộc địa ở Tây Phi. Trước đó, Anh hài lòng với việc kiểm soát một số ít các thị trấn miền duyên hải và cảng biển, nhưng đến cuối thế kỷ XIX, họ đã chiếm toàn bộ những vùng mà nay là Ghana và Nigeria, đồng thời kiểm soát một cách hữu hiệu Sierra Leone và Gambia.

Tiến sĩ David Livingstone, bị mất tích trong khi đang tìm nguồn sông Nile, đã có cuộc gặp lịch sử với phóng viên H. M. Stanley ở gần hồ Tanganyika năm 1871.

KÊNH ĐÀO SUEZ

Được khánh thành năm 1869, kênh đào Suez đã giảm thời gian đi đường biển giữa Anh và Ấn Độ từ ba tháng xuống ba tuần. Phó vương (khedive) Ai Cập lúc này đang gặp khó khăn về tài chính và người Anh đã mua một nửa số cổ phần của ông ở kênh Suez năm 1875.

Quan hệ giữa Anh và Pháp xấu đi khi người Anh chiếm Ai Cập vào năm 1882 để bảo vệ lợi ích của mình trong thời gian nổ ra một cuộc khởi nghĩa ở Ai Cập chống lại người châu Âu. Năm 1885, tướng Gordon cùng nhiều binh lính Anh bị giết khi Mahdi, một thủ lĩnh ở Sudan, chiếm thủ phủ Khartoum trên sông Nile Trắng. Người Italia xâm lược Eritrea và vua Bỉ Leopold chiếm Congo.

Người châu Âu đổi súng lấy vàng và ngà voi. Những khẩu súng này đã tàn phá châu Phi.
Trong nửa sau thế kỷ XIX, sự kình địch giữa các cường quốc châu Âu đã ảnh hưởng lớn tới cuộc tranh giành châu Phi.
Cờ Pháp được kéo lên ở Timbuktu vào năm 1893, tượng trưng cho việc hoàn tất công cuộc chinh phục của người Pháp đối với Mali ở Tây Phi. Bước tiến của quân Pháp dọc sông Niger bị chững lại trước sự chống cự của người Mande địa phương.

BÀNH TRƯỚNG LIÊN MIÊN

Cuộc xâu xé châu Phi trở thành một vấn đề được đem ra thương lượng chính thức tại một hội nghị ở Berlin năm 1884. Các nước châu Âu chia nhau châu Phi như chia một chiếc bánh. Chỉ có Liberia và Ethiopia, những nước đã đánh bại một cuộc xâm lược của Italia, vẫn giữ được độc lập. Công cuộc thực dân hóa châu Phi đã ảnh hưởng nhiều đến người châu Phi. Người châu Âu không hề để ý tới các dân tộc khác nhau ở châu Phi khi định ra những đường biên giới mới. Người châu Âu du nhập các hình thức chính quyền vào châu Phi, nhưng chỉ ít người châu Phi có quyền bầu cử. Lợi nhuận thu được ở các thuộc địa được đưa về châu Âu và người định cư châu Âu thường chiếm các vùng đất canh tác tốt nhất.

CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1869 Kênh đào Suez bắt đầu mở cho tàu thuyền qua lại

1875 Anh mua cổ phần của Ai Cập trong kênh đào Suez

1876 Vua Bỉ Leopold II chiếm Congo

1882 Anh chiếm Ai Cập để bảo vệ kênh Suez

1884 Các nước châu Âu họp tại Berlin để chia nhau châu Phi

1885 Mahdi bao vây Khartoum

1898 Anh đánh bại lực lượng của Mahdi ở Omdurman

1893 Pháp chiếm Timbuktu, Mali, Tây Phi

1899 Sudan chịu sự cai trị của người Anh ở Ai Cập

1912 Đại hội Dân tộc Phi (ANC) được thành lập ở Nam Phi

Kênh đào Suez được xây dựng dưới sự chỉ huy của một người Pháp là Ferdinand de Lesseps, đã giảm được đáng kể thời gian đi từ Anh tới Ấn Độ. Năm 1875, người Anh, dưới sự lãnh đạo của Disraeli, nghe tin Phó vương Ai Cập đang đứng trước nguy cơ phá sản, liền mua cổ phần của ông này trong Công ty Kênh đào Suez với giá bốn triệu bảng Anh.