Bách Khoa Thư Lịch Sử

Nghệ Thuật (1708–1835)

NGHỆ THUẬT (1708–1835)

Thế kỷ XVIII, hoạt động buôn bán và du lịch gia tăng khiến châu Âu chịu nhiều ảnh hưởng mới. Tình trạng này diễn ra vào thời điểm châu Âu đang đạt tới những đỉnh cao văn hóa mới của mình.

Jane Austen (1775–1817) là con gái của một mục sư người Anh. Bà đã viết sáu cuốn tiểu thuyết đề cập đến xã hội và phong tục tập quán đương thời. Các tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Austen là Kiêu hãnh và định kiến và Emma đến nay vẫn được độc giả ưa thích.

Xét về khía cạnh quyền lực và mức độ cách tân, người châu Âu lúc này rõ ràng đang dẫn đầu thế giới. Các tư tưởng và tiêu chuẩn của châu Âu đang xâm nhập vào các nền văn hóa khác, cách kiếm tiền và buôn bán của người châu Âu tác động tới cả những vùng đất xa xôi. Tuy nhiên hoạt động buôn bán này cũng khiến châu Âu chịu nhiều ảnh hưởng mới lạ.

Trong nhiều năm, người châu Âu cố bắt chước kỹ thuật làm đồ sứ của người Trung Quốc. Tượng sứ này được làm vào năm 1765 tại nhà máy Meissen gần Dresden.

Những sản phẩm mới như đồ chạm khắc của châu Phi, đồ sứ phương Đông và hàng vải bông Ấn Độ được nhập khẩu vào châu Âu. Những tư tưởng, kiến thức và cảm hứng sáng tạo từ vùng Viễn Đông cũng được châu Âu tiếp thu, và nền văn hóa Mỹ non trẻ cũng trở thành một lực lượng mới trên thế giới.

Các loại hình nghệ thuật và tư tưởng hiện đại trên toàn cầu đang dần bén rễ và hòa trộn với nhau. Đồ gốm của Anh mang phong cách Trung Quốc và mẫu hàng dệt phỏng theo mẫu của Ấn Độ. Nhưng cũng có nhiều người không bị tác động trước tất cả những biến đổi này, tiếp tục sống theo lối riêng của họ mà không hề bị ảnh hưởng từ công cuộc hiện đại hóa đang lớn mạnh và lan tỏa khắp châu Âu.

Phong cảnh bốn mùa trang trí trên chiếc khiên tinh xảo được làm vào thế kỷ XVIII. Tác phẩm của Đức này thể hiện chủ đề được trường phái lãng mạn quan tâm nhiều vào thời kỳ đó là thiên nhiên. Chiếc khiên tròn nhỏ này được là “bluckler”.
Một chiếc đàn clavico được làm vào những năm 20 của thế kỷ XVIII, cho ra những âm thanh trong và rõ. Nhà soạn nhạc Đức Johann Sebastian Bach đã viết nhiều bản nhạc thính phòng dành riêng cho đàn clavico.
Thần đồng âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart (1756–1791) đã nổi tiếng từ năm lên sáu tuổi sau khi chơi đàn phục vụ nữ hoàng Áo Maria Theresa.
Sóng lớn ở Kanagawa, một bức tranh mộc bản in màu nổi tiếng của Nhật Bản do Hokusai (1760–1849) sáng tác vào năm 1831. Bức tranh này mô tả sinh động một cơn sóng lớn đổ bộ vào Nhật Bản ngay trước đó.
Tượng netsuke của Nhật Bản có từ thế kỷ XVIII này thể hiện tài nghệ khéo léo và tinh tế của những người thợ chạm Nhật Bản thời đó.

Thế kỷ XVIII chứng kiến những thành quả lớn lao của con người trong mọi thể loại nghệ thuật. Ở Trung Quốc, nghệ thuật chạm ngọc đạt tới trình độ rất cao. Ở Nhật Bản, nghệ thuật tranh in khắc gỗ phát triển tiên tiến hơn và thể thơ haiku đã trở nên phổ biến.

Chiếc lọ bằng ngọc chạm từ thế kỷ XVIII này của Trung Quốc được làm vào thời Mãn Thanh, dùng để đựng bút lông dành cho nghệ thuật thư pháp (viết chữ đẹp).

VĂN HÓA CHÂU ÂU

Văn hóa châu Âu chịu ba ảnh hưởng chủ yếu. Những người thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có xây dựng nhiều tòa nhà và nhà hát opera tráng lệ, trả công hậu hĩnh cho các họa sĩ vẽ chân dung, vẽ tranh phong cảnh hoặc ghi lại các sự kiện. Tại các thành phố, sự xuất hiện các cuốn sách mỏng (pamphlet), các quán cà phê và cuộc sống nơi đường phố đã nuôi dưỡng một nền văn hóa mới – văn hóa đại chúng; còn trong các nhà máy, các sản phẩm mới được sản xuất hàng loạt làm thay đổi cả mẫu mã và việc sử dụng vật dụng hàng ngày, giúp có đủ cho hàng hóa để phục vụ dân chúng ngày một đông hơn. Xã hội đang biến đổi, và cùng với nó thị hiếu của con người cũng đổi thay.

Bức tranh này của họa sĩ Pháp Jacques Louis David (1748–1835) mô tả sự kiện được mệnh danh là "Lời thề sân quần vợt", một trong những sự kiện chính làm bùng nổ cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Phải đến 100 năm sau, các sự kiện lịch sử quan trọng mới được lưu lại bằng nhiếp ảnh.

Tại châu Âu, các nhạc sĩ như Handel, Beethoven, Haydn và Schubert đã viết những tác phẩm xuất sắc dành cho dàn nhạc. Constable, Ingres, Goya và những tên tuổi khác là những họa sĩ nổi tiếng nhất của thời kỳ này. Các nhà văn viết tiểu thuyết, tiểu luận và tản văn, và các nhà báo đã thể hiện nhiều văn phong mới. Các nhà thơ tân cổ điển hướng tới sự thanh tao, còn các nghệ sĩ theo trường phái Lãng mạn chọn các phong cách dễ gây xúc cảm mạnh mẽ. Trong lĩnh vực sân khấu, múa ba-lê phát triển và các vở nhạc kịch (opera) thu hút những khán giả tinh tế và am hiểu nghệ thuật, những người đòi hỏi tư tưởng và nhân vật tính cách phải có tính hiện thực.