Đây là thời kỳ củng cố và mở mang nghệ thuật. Những sáng tạo của thời sơ kỳ Trung đại tiếp tục được phát triển và tinh lọc.
Vào cuối thời Trung đại, hoạt động sáng tạo nghệ thuật phát triển rực rỡ trên khắp thế giới. Nghệ thuật, âm nhạc thời Trung đại đã phát triển, tinh lọc các phong cách và kỹ thuật được sáng tạo trong 500 năm trước đó. Lúc này đã có các thiết chế lớn hơn, chẳng hạn như Giáo hội, cần đến các tác phẩm nghệ thuật và ngày càng có nhiều nhà bảo trợ nghệ thuật – đó là những người giàu chuyên mua các tác phẩm nghệ thuật và tài trợ cho nghệ sĩ. Nghệ thuật đời Đường và đời Tống ở Trung Quốc sang thời nhà Nguyên và nhà Minh đã đạt tầm cao mới về độ tinh tế. Nghệ thuật làm đồ gốm, văn học, âm nhạc, kịch nghệ, tranh sơn thủy, nghệ thuật làm vườn, đồ sơn mài và điêu khắc, đều phát triển rực rỡ.
Tại Nhật Bản, phong cách nghệ thuật bản xứ đã thế chỗ các phong cách du nhập từ Trung Quốc trước đó. Trong khi đó, người Toltec và người Aztec đã tiếp nhận và phát triển tiếp các phong cách nghệ thuật trước đó của người Teotihuacán và người Maya. Nghệ thuật Hồi giáo vốn đã có lịch sử lâu đời lúc này cũng được “hiện đại hóa” bởi nhiều trường phái tư tưởng khác nhau ở Tây Ban Nha, Morocco, Ai Cập và Samarkand. Ở châu Âu, nghệ thuật và âm nhạc hầu như được sáng tác để phục vụ Giáo hội, kể cả nghệ thuật kính màu, thảm trang trí, nhạc thánh ca. Vào thế kỷ XIV và XV, một số họa sĩ làm việc độc lập đã bắt đầu sáng tác theo phong cách hiện thực.
Ở châu Âu, các vở kịch tôn giáo ra đời dựa trên Kinh thánh hoặc các huyền thoại, xuất hiện các bài tráng ca nói về những người anh hùng như Charlemagne và Vua Arthur. Nhà thơ Anh Geoffrey Chaucer sáng tác về những chuyện tình thanh cao và về cả những người dân thường. Sách đến với đông đảo dân chúng hơn vì bắt đầu được viết bằng các ngôn ngữ địa phương chứ không chỉ bằng tiếng Latinh.