Bách Khoa Thư Lịch Sử

Đế Quốc Khmer (802–1444)

Người Khmer sinh sống ở nơi mà nay là Campuchia. Quân đội Khmer chiếm nhiều vùng đất xung quanh và thống trị một vùng Đông Nam Á lục địa vào thế kỷ XII.

ĐẾ QUỐC KHMER (802–1444)

Đế quốc Khmer thành lập năm 802, khi Jayavarman II thống nhất được người Khmer. Đế quốc này phát triển tới đỉnh cao dưới thời trị vì của Suryavarman I và Suryavarman II.

Khoảng năm 400, người Khmer thành lập quốc gia với tên gọi Chân Lạp (Chenla), hùng mạnh nhất vào khoảng năm 700 dưới sự trị vì của vua Jayavarman I. Vốn theo đạo Hindu, thời gian này người Khmer đã chấp nhận đạo Phật. Quốc gia Chân Lạp suy tàn và sau một thời gian ngắn bị người Java chiếm đóng, một quốc gia Khmer mới được Rajah Jayavarman II sáng lập vào năm 802. Ông là một ông “vua thần” (hay devarajah – giống như Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng ngày nay). Rajah Jayavarman cai trị đế quốc Khmer từ thành phố Angkor Thom nằm gần hồ Tonle Sap (Biển Hồ). Người Khmer viết sách làm bằng giấy, lá cọ và da mịn. Hỏa hoạn và mối mục từ lâu đã hủy hoại chúng, nhưng người ta có thể tìm hiểu về người Khmer qua sử sách Trung Hoa và qua nhiều bức phù điêu, chạm khắc trong các phế tích ở Angkor Thom (“thành phố vĩ đại”) và Angkor Wat (“ngôi đền vĩ đại”) gần đó.

Thành phố Angkor Thom, ban đầu được gọi là Yasodharapura, bắt đầu được xây dựng ngay trước năm 900. Còn quần thể Đền Angkor Wat trang trí lộng lẫy bắt đầu được xây từ năm 1113 cho đến năm 1150 thì hoàn thành.

Khu Angkor Wat là một quần thể đền rộng lớn xây bằng sa thạch đỏ, có những bức tường thành và một con hào rộng 180 m, dài 4 km bao quanh. Đền chính Angkor Wat có ba lớp tường rào (tượng trưng cho thế giới bên ngoài) bao quanh một thánh điện bên trong.
Ở Angkor Wat, nhiều tác phẩm phù điêu trong đền mô tả cuộc sống hàng ngày của người Khmer cũng như kể về các trận chiến và huyền thoại linh thiêng của họ.
Kiệt tác kiến trúc điêu khắc này là một ngọn tháp của đền Bayon, xây vào thế kỷ XII ở thủ đô Angkor Thom.

Các đội quân của người Khmer, có thể gồm cả hàng trăm voi chiến, đã đánh nhiều trận và chiếm hầu hết các vùng đất xung quanh, kể cả Thái Lan và Chămpa (miền Nam Việt Nam ngày nay). Đế quốc Khmer phát triển tột đỉnh trong thời gian 1010–1150, dưới thời Suryavarman I và Suryavarman II. Vào thế kỷ XIII, người dân trở nên chán cảnh bị cưỡng bức lao động để phục vụ các “vua thần” (devarajah) và cuộc sống của người Khmer bắt đầu sa sút. Năm 1444, những đạo quân xâm lược Thái buộc người Khmer phải rời bỏ Angkor và từ đó trở đi, Campuchia bị Vương quốc Xiêm của người Thái cai trị.

Phù điêu hình các nữ thần nhảy múa trên tường ở Angkor Wat vào khoảng năm 1200.

CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT CỦA NGƯỜI KHMER

Người Khmer là những thợ xây, thợ thủ công, ngư dân, nông dân và chiến binh. Nhiều người sống trong các nhà sàn quanh hồ Tonle Sap. Lương thực chính của họ là gạo, và hệ thống tưới tiêu đặc biệt đã giúp họ mỗi năm thu hoạch được ba vụ. Các vị vua Khmer vẫn theo đạo Hindu nhưng hầu hết dân chúng là tín đồ đạo Phật. Họ tổ chức các nghi lễ tôn giáo phức tạp theo từng mùa trong năm. Người Khmer buôn bán với Ấn Độ, Java và cả Trung Quốc, đổi gia vị và sừng tê giác lấy đồ sứ và đồ sơn mài. Phụ nữ trong cung đình mặc váy, để trần nửa phần thân trên. Họ được khuyến khích nghiên cứu luật pháp, thuật chiêm tinh và các ngôn ngữ. Nam giới chỉ đóng một cái khố rộng thùng thình.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

Khoảng 400 Quốc gia Chân Lạp được thành lập sau sự sụp đổ của nước Phù Nam

Khoảng 700 Quốc gia Chân Lạp cực thịnh

802 Vua Jayavarman II thống nhất người Khmer và lập nên nước Khmer

Những năm 880 Người Khmer tấn công người Mon và người Thái

900 Angkor Thom được thành lập

1050-1150 Đế quốc Khmer cực thịnh dưới thời Suryavarman I và Suryavarman II

1113-1150 Angkor Wat được xây dựng

Khoảng 1215 Vua cuối cùng của Angkor là Jayavarman VII qua đời, đế quốc bắt đầu suy thoái

1444 Angkor bị bỏ hoang sau những cuộc xâm lăng của người Thái do Ayutthaya chỉ huy