Bách Khoa Thư Lịch Sử

Kiến Trúc (1101–1460)

KIẾN TRÚC (1101–1460)

Khắp nơi trên thế giới, tay nghề cao và tiến bộ khoa học kỹ thuật đã dẫn đến sự ra đời những công trình kiến trúc bề thế và trang nhã.

Đẽo đá là một nghề quan trọng và cần những công nhân tay nghề khéo léo có thể cắt và đẽo đá một cách chính xác.

Phần lớn người dân châu Âu dựng nhà bằng gỗ vì nguyên liệu này rẻ và sẵn. Đáng tiếc là gỗ dễ bắt lửa và bị mối mọt. Do vậy, các công trình quan trọng được xây bằng đá. Các lâu đài và tường thành bao quanh thành phố được xây bằng những khối đá dày, chồng khít lên nhau. Các nhà thờ lớn được thiết kế theo phong cách Gothic mới. Thay cho các mái vòm, cột trụ vững chắc theo phong cách La Mã trước đây, các công trình thời kỳ này có vòm nhọn, cột trụ thanh hơn và nhiều cửa sổ kích thước lớn lắp kính màu. Các công trình kiến trúc trên khắp thế giới trở nên thanh thoát hơn về kiểu dáng. Các chạm khắc trang trí ở đền của người Khmer, mái cung điện và mái đền chùa thời nhà Minh ở Trung Quốc hay các công trình bằng gỗ ở Nhật Bản tạo nên một thời kỳ phong phú của nghệ thuật kiến trúc.

Thợ nề đặt những viên đá trên tường theo đúng vị trí mà thợ xây định ra cho họ.

KIẾN TRÚC HỒI GIÁO

Sự xuất hiện của người Thổ Ottoman ở thế giới Hồi giáo đã mang lại sức sống mới cho kiến trúc Hồi giáo. Phong cách kiến trúc Hồi giáo thời kỳ đầu chịu nhiều ảnh hưởng từ lối kiến trúc có nhiều khác biệt về chi tiết và kiểu dáng của người Seljuk và Ba Tư. Kiến trúc Hồi giáo mới bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Afghanistan và Samarkand, là những nơi kiến trúc vòm, mái vòm, trụ cột và khảm rất phát triển.

Phần lớn các bức tường lâu đài đều có những khe hở gọi là lỗ châu mai. Các lỗ châu mai này bên ngoài thì hẹp, bên trong thì rộng để các tay cung có thể bắn từ trong thành ra ngoài, nhưng từ ngoài thì không thể bắn vào trong.
Dưới sự chỉ dẫn của một thợ nề nhiều kinh nghiệm gọi là thợ cả, một lực lượng đông đảo nhân công được huy động để xây lâu đài. Dây chão, ròng rọc, giàn giáo gỗ và cả ngựa cùng được sử dụng để vận chuyển vật liệu tới nơi cần đến.
Các nhà thờ lớn theo phong cách kiến trúc Gothic cao và thanh thoát hơn so với các nhà thờ thời trước. Chúng được xây dựng tuân theo các nguyên tắc kiến trúc rất chặt chẽ, kỹ lưỡng và mất nhiều năm mới hoàn thành.
Tamerlane, thủ lĩnh vĩ đại cuối cùng của người Mông Cổ, được mai táng trong một hầm mộ dát ngọc lộng lẫy ở Samarkand (nay thuộc Uzbekistan). Đây là một trong những công trình đẹp nhất của nghệ thuật Hồi giáo thời kỳ này.
Các thợ khắc đá có cách đánh dấu đặc biệt để có thể nhận biết đâu là công trình của họ. Một số thợ tạc khuôn mặt của người quen ở miệng máng xối của nhà thờ và các hình trang trí khác xung quanh nhà thờ họ xây.

Ở Nam Mỹ, nằm chót vót trên dãy Andes, thành phố Machu Picchu của người Inca là một kỳ quan kiến trúc. Tại đây, người Inca xây những bức tường cao bằng đá tảng đồ sộ, ghép với nhau chính xác đến mức ngay cả động đất cũng không thể xê dịch được. Thành phố vẫn tồn tại đến tận ngày nay.

Người Tây Tạng xây những ngôi chùa cheo leo trên vách núi Himalaya dựng đứng, chẳng hạn như chùa Bố Đạt Lạp (Potala) ở Lhasa. Vào thế kỷ XIII, người Ethiopia xây các nhà thờ Ki-tô bằng cách tạc bên ngoài và khoét lõm vào bên trong nguyên cả khối đá lớn, khiến các nhà thờ này an toàn trước bất kỳ hình thức tấn công nào. Những nhà thờ khoét trong đá này vẫn tồn tại đến ngày nay, giống như nhiều công trình kiến trúc bề thế khác trên toàn thế giới được xây dựng trong thời kỳ này.

Ở Ấn Độ và Đông Nam Á, nghệ thuật khắc đá phát triển đến đỉnh cao trong thời kỳ này. Cổng đá này là lối vào một ngôi đền ở bang Orissa, Ấn Độ.