Bách Khoa Thư Lịch Sử

Kiến Trúc (1914–1949)

KIẾN TRÚC (1914–1949)

Sau Chiến tranh Thế giới I, có những bước phát triển mới trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng nhà cửa ở châu Âu, và nước Mỹ trở thành “Phong cách Quốc tế”.

Ảnh hưởng kiến trúc Hồi giáo Moor trong kiến trúc Tây Ban Nha có thể nhận thấy rõ ở tháp của tòa nhà Bacardi tại Havana, Cuba. Tòa nhà với thiết kế đất nung này được xây dựng vào năm 1931.

Từ năm 1914, có hai phong cách kiến trúc hiện đại rất khác nhau cùng phát triển ở phương Tây. Phong cách Nghệ thuật Mới (Art Nouveau) có những đường nét và hình khối dựa trên các hình dáng trong thiên nhiên. Trái lại, nhiều kiến trúc sư khác lại bắt đầu thiết kế các tòa nhà theo phong cách hiện đại và có nhiều chức năng, sử dụng thép, kính và bê tông được gia cố vững chắc. Phong cách mới này được gọi là “Phong cách Quốc tế”.

Trường thiết kế mỹ thuật Bauhaus, được Walter Gropius thành lập năm 1919, chuyển từ Weimar tới tòa nhà này tại Dessau vào năm 1925. Trong số giảng viên của trường có các họa sĩ nổi tiếng như Paul Klee và Wassily Kandinsky.

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN Ở CHÂU ÂU

Các kiến trúc sư châu Âu và Mỹ đi đầu trong xu hướng thiết kế hiện đại và chú trọng vào chức năng. Tại châu Âu, trào lưu De Stijl của Hà Lan, các kiến trúc sư Mies van der Rohe của Đức và Le Corbusier của Pháp đều có phong cách độc đáo của riêng mình. Đặc biệt, Le Corbusier sử dụng bê tông gia cố vững chắc theo cách chưa từng được sử dụng trước đó. Tại Đức, một trường dạy về thiết kế là Bauhaus được kiến trúc sư Walter Gropius thành lập năm 1919. Trường đã có ảnh hưởng lớn mãi cho tới khi bị Đức Quốc xã đóng cửa vào năm 1933.

Xây dựng theo phong cách Nghệ thuật Mới, Tháp Einstein ở Potsdam (Đức) được Erich Mendelsohn thiết kế sau Chiến tranh Thế giới I và là nơi nhà bác học Albert Einstein đã thử nghiệm thuyết tương đối của ông.

PHONG CÁCH MỸ

Tại Mỹ, kiến trúc sư Frank Lloyd Wright đã thiết kế các tòa nhà hài hòa với phong cảnh xung quanh. Phong cách của kiến trúc sư này đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới các kiến trúc sư ở châu Âu trước Chiến tranh Thế giới I. Trong thập niên 1930, cùng nhập hội với Frank Lloyd Wright có các kiến trúc sư châu Âu như Mies van der Rohe, những kiến trúc sư này phải trốn chạy các sự truy nã tại đất nước họ. Do thiếu không gian trong các thành phố lớn nên các kiến trúc sư đã thiết kế những tòa nhà cao chọc trời. Tòa nhà Empire State 102 tầng ở New York, khánh thành năm 1931, là tòa nhà cao nhất thế giới thời bấy giờ.

Kiến trúc sư Le Corbusier sinh tại Thụy Sĩ nhưng làm việc tại Pháp. Tòa nhà chung cư này tại Berlin là một minh chứng cho việc sử dụng bê tông gia cố vững chắc của ông vào những năm 1930.
Vào thời kỳ này, kiến trúc sư vĩ đại nhất của nước Mỹ là Frank Lloyd Wright. Ông là học trò của Louis Sullivan, kiến trúc sư đã xây dựng các tòa nhà cốt thép tại Chicago. Ngôi nhà trong ảnh này được xây ở Los Angeles (bang California), do Wright thiết kế với dụng ý hài hòa với cảnh quan.
Tòa nhà Chrysler ở New York do William van Alen thiết kế và khánh thành năm 1930. Đây là một ví dụ kinh điển của Nghệ thuật Trang trí (Art Deco), phong cách đã có ảnh hưởng tới thiết kế của các tòa nhà trong những năm 1925–1939.

CHIẾN TRANH THẾ GIỚI II VÀ THỜI KỲ HẬU CHIẾN

Chiến tranh Thế giới II bùng nổ khiến hoạt động xây dựng ở châu Âu trở nên đình trệ. Tuy nhiên ở Nam Mỹ, đặc biệt là tại Brazil, Phong cách Quốc tế và các công trình của kiến trúc sư Le Corbusier có ảnh hưởng lớn tới thiết kế xây dựng.

Năm 1945, các thành phố thủ đô ở châu Âu cần đến hơn 40 triệu ngôi nhà mới để thay thế cho các ngôi nhà bị phá hủy trong chiến tranh. Việc xây nhà mới trở thành một nhiệm vụ ưu tiên. Theo chương trình xóa sổ các khu nhà ổ chuột ở nhiều thành phố và thị trấn, các tòa nhà quá cũ và tồi tàn bị thế chỗ bởi các tòa chung cư bê tông cốt thép.

Cầu treo Cổng Vàng ở San Francisco (bang California, Mỹ) khánh thành vào năm 1937. Nhịp chính của cầu dài 2.737 mét và hai tháp trên cầu cao 227 mét so với mặt nước biển.