Sau Chiến tranh Thế giới II, Italia trở thành một nước cộng hòa; Hy Lạp trải qua cuộc nội chiến kéo dài trong ba năm và Josip Tito trở thành người đứng đầu nhà nước cộng sản Nam Tư.
Sau khi đầu hàng quân Đồng minh vào năm 1943, Italia có hai chính phủ. Ở miền nam, vua Victor Emmanuel và thủ tướng Badoglio cai trị với sự ủng hộ của khối Đồng minh. Ở phía Bắc, quân Đức cứu Mussolini ra khỏi nhà tù và thành lập một nhà nước phát xít. Tình trạng này kéo dài đến tháng 4- 1945, khi Mussolini bị các chiến sĩ kháng chiến Italia bắn chết. Nhà vua và thủ tướng mới Alcide de Gasperi điều hành toàn bộ Italia. Tháng 5-1946, vua Italia từ ngôi. Con trai ông trở thành nhà vua mới là Umberto II. Một tháng sau, một cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành và người dân đã chọn hình thức nhà nước cộng hòa; thế là hoàng gia Italia rời khỏi đất nước.
Trong thời gian Đức xâm chiếm Hy Lạp, những người cộng sản ở nước này đã thành lập được một lực lượng vũ trang rất mạnh. Sau chiến tranh, họ muốn biến Hy Lạp thành một quốc gia cộng sản. Năm 1946, một chính phủ hoàng gia được bầu ra đã đưa vua George II trở lại ngai vàng. Những người cộng sản bắt đầu nổi dậy và nội chiến bùng nổ. Theo học thuyết Truman, Mỹ cung cấp viện trợ cho quân đội Hy Lạp vốn ủng hộ nhà vua. Chiến sự tiếp diễn cho tới khi những người cộng sản bị thất bại vào năm 1949.
Nam Tư được thành lập sau Chiến tranh Thế giới I gồm Serbia, Montenegro, Croatia, Slovenia và Bosnia-Hercegovina, do vua Alexander I trị vì. Nam Tư bị quân Đức chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới II, khi nhà vua đã chạy sang London. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Đức do người Chetnik (những người Serbia theo chủ nghĩa dân tộc) và những người du kích cộng sản cùng tiến hành, nhưng hai lực lượng này sau đó lại đánh nhau. Sau Chiến tranh Thế giới II, lãnh đạo của lực lượng du kích Tito trở thành người đứng đầu chính phủ cộng sản.