Bách Khoa Thư Lịch Sử

Liên Hợp Quốc (1945–1948)

LIÊN HỢP QUỐC (1945–1948)

Kết thúc Chiến tranh Thế giới II, các cường quốc Đồng minh thắng trận chia nước Đức thành bốn vùng. Liên Hợp Quốc đã được thành lập để duy trì hòa bình trên thế giới.

Ngày 25-4-1945, tổ chức LHQ chính thức được thành lập tại một hội nghị ở San Francisco. Tôn chỉ của tổ chức này là duy trì nền hòa bình trên thế giới và giải quyết các vấn đề nảy sinh thông qua hợp tác quốc tế.

Tiếp sau Hội nghị Yalta, việc phân chia nước Đức được ba cường quốc trong khối Đồng minh khẳng định tại Hội nghị Potsdam. Lúc này, Roosevelt đã qua đời, thay ông lên làm tổng thống Mỹ là Harry S. Truman. Đại diện của Anh tham gia hội nghị là thủ tướng Clement Attlee. Nước Đức cũng bị mất một phần lãnh thổ cho Ba Lan và Liên Xô. Các nước bị Đức và Nhật Bản xâm chiếm giành lại quy chế cũ. Ảnh hưởng của Liên Xô tăng lên khi Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania, Tiệp Khắc, Nam Tư và Đông Đức trở thành các quốc gia cộng sản. Mỹ hứa giúp đỡ tất cả các dân tộc tự do bị đe dọa (Học thuyết Truman) và đưa ra Kế hoạch Marshall để giúp châu Âu hồi phục kinh tế.

Tuyên bố Potsdam năm 1945 tạo điều kiện để đưa những tên Quốc xã là tội phạm chiến tranh ra xét xử, đầu tiên tại Berlin và sau đó tại Nuremberg. Trong bức ảnh này, các cựu thủ lĩnh Quốc xã gồm Hermann Goering, Rudolf Hess và Joachim von Ribbentrop đang chờ bị thẩm vấn trước phiên tòa. Cả ba đều bị tuyên có tội. Goering tự vẫn chỉ vài giờ trước khi bị hành hình; Hess bị tù chung thân và chết năm 1987 tại nhà tù Spandau; còn von Ribbentrop bị treo cổ cùng chín thành viên cao cấp khác của Đảng Quốc xã ngày 16-10- 1946.

LIÊN HỢP QUỐC

Thuật ngữ “Liên Hợp Quốc” (LHQ) được sử dụng lần đầu tiên vào tháng 1-1942, khi các quốc gia Đồng minh ký Hiến chương Đại Tây Dương. Trong Hiến chương này, các nước này nhất trí chống lại các nước phe Trục và sẽ không ký bất kỳ một hiệp định hòa bình riêng rẽ nào. LHQ đặt mục tiêu sẽ trở thành một tổ chức mạnh hơn Hội Quốc Liên. LHQ thành lập Hội đồng Bảo an đầy quyền uy, là nơi ra quyết sách cần phải có hành động gì nếu xảy ra tranh chấp. Các thành viên có nghĩa vụ đóng góp vũ khí và nhân lực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình do LHQ tổ chức. Năm 1948, LHQ ra Tuyên ngôn Nhân quyền, không mang tính chất ràng buộc đối với các nước thành viên.

Tại Hội nghị Yalta vào tháng 2-1945, “Bộ Ba” cường quốc Đồng minh với các đại diện là Churchill, Roosevelt và Stalin, đã quyết định sau chiến tranh sẽ chia nước Đức thành bốn vùng.
Ngày 25-6-1948, Liên Xô phong tỏa thành phố Berlin với mục đích buộc Pháp, Anh và Mỹ phải từ bỏ quyền kiểm soát phần Tây Berlin. Để cung cấp lương thực cho dân chúng ở Tây Berlin, Anh và Mỹ đã phải thực hiện các chuyến bay chở hàng cho thành phố này trong suốt 15 tháng cho tới khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.