Nhân dân Ấn Độ đã chiến đấu chống ách cai trị của đế quốc Anh từ thế kỷ XIX. Năm 1947, Anh chia cắt Ấn Độ, trao quyền độc lập cho người Hindu và người Hồi giáo.
Sau Chiến tranh Thế giới I, Anh hứa hẹn cho Ấn Độ đóng vai trò lớn trong việc tự quản để bù lại sự ủng hộ mà Ấn Độ đã dành cho Anh trong thời gian chiến tranh. Năm 1919, Đạo luật Chính quyền Ấn Độ được thông qua. Luật này cho phép người Ấn Độ được bầu ra một Nghị viện Ấn Độ, nhưng các thống đốc người Anh vẫn nắm thực quyền. Người Ấn Độ nhận thấy một đạo luật như vậy vẫn chưa đủ.
Các thành viên của Đảng Quốc đại Ấn Độ đã tổ chức chiến dịch bất phục tùng và bất hợp tác với người Anh. Được Mahatma Gandhi dẫn dắt trong chiến dịch này, họ đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Anh, không nộp thuế và phản kháng một cách thụ động, nghĩa là phản kháng bất bạo động chống lại người Anh.
Năm 1945, chính phủ Anh quyết định trao cho Ấn Độ quy chế độc lập trong khối Liên hiệp Anh. Tình hình trở nên phức tạp, vì Ấn Độ có hai cộng đồng tôn giáo lớn là người Hindu và người Hồi giáo. Người Hồi giáo ít hơn người Hindu, nhưng họ không chấp nhận bất kỳ hình thức chính phủ nào khiến họ bị đặt dưới sự cai trị của người Hindu. Và trong bối cảnh độc lập đang tới gần, người Hồi giáo bắt đầu đòi thành lập một nhà nước riêng rẽ của người Hồi giáo Ấn Độ.
Sau khi xảy ra các cuộc bạo động khiến nhiều người thiệt mạng, nước Anh cuối cùng cũng đồng ý với việc phân chia Ấn Độ. Khu vực Đông Bắc và Tây Bắc có dân cư chủ yếu là người Hồi giáo trở thành quốc gia Pakistan độc lập vào ngày 14-8- 1947. Muhammad Ali Jinnah trở thành quan toàn quyền đầu tiên tại Pakistan. Ngày hôm sau, phần lãnh thổ còn lại cũng trở thành nước Ấn Độ độc lập, với Jawaharlal Nehru là thủ tướng đầu tiên.