Tây Ban Nha, nước hùng mạnh nhất châu Âu, đã đưa hạm đội của mình đi xâm lược xứ Anh, một quốc gia đang ngày càng có nhiều tham vọng. Thất bại của hạm đội này đã đưa Anh lên ngôi bá chủ các vùng biển trong 300 năm.
Vua Philip II cai trị Tây Ban Nha và các vùng đất thuộc nước này trong những năm 1556–1598. Đức tin Công giáo mạnh mẽ của ông khích động nhiều cuộc nổi dậy ở Hà Lan và Tây Ban Nha, dẫn tới chiến tranh với người Ottoman và Anh, rồi lôi kéo Tây Ban Nha vào cuộc chiến tranh tôn giáo ở Pháp. Sự cai trị độc đoán và các hoạt động quân sự của vua Philip đã triệt hạ nền kinh tế Tây Ban Nha, cho dù nước này sở hữu một lượng lớn vàng và bạc kiếm được từ châu Mỹ. Tây Ban Nha không ưa xứ Anh. Nữ hoàng Anh Elizabeth I khước từ lời cầu hôn của vua Philip II. Hải tặc Anh thường xuyên tấn công các thuộc địa và đội thuyền của Tây Ban Nha. Và nghiêm trọng nhất là vấn đề nước Anh theo Tân giáo.
Năm 1588, vua Philip cử hạm đội Tây Ban Nha (Armada) khởi hành từ Lisbon tới tấn công Anh, với 130 chiến thuyền lớn chở 8.000 thủy thủ và 19.000 binh sĩ. Bị bão làm chậm bước tiến, hạm đội Armada bị quân Anh phát hiện và quấy rối ngay ở Calais, nơi mà theo kế hoạch Armada sẽ gặp một hạm đội khác của Tây Ban Nha nhưng hạm đội này đã không đến.
Vào ban đêm, quân Anh dùng hỏa thuyền tấn công hạm đội Tây Ban Nha, gây hỗn loạn, rồi dùng hỏa lực bắn những tàu tháo chạy. Gió mạnh đã thổi những tàu còn lại dạt vào biển Bắc. Hạm đội Tây Ban Nha phải đi vòng qua Scotland và cuối cùng chỉ một nửa số tàu về được Tây Ban Nha. Đây là một tổn thất lớn đối với người Tây Ban Nha.