Bách Khoa Thư Lịch Sử

Đế Quốc Mông Cổ (1206–1405)

ĐẾ QUỐC MÔNG CỔ (1206–1405)

Khi bành trướng lãnh thổ rộng nhất vào thế kỷ XIII, dưới thời trị vì của Hốt Tất Liệt, đế quốc Mông Cổ trải dài từ Thái Bình Dương tới biển Đen.

Người Mông Cổ đã gây dựng được một đế quốc rộng lớn nhất trong lịch sử. Sự hiện diện của họ vô cùng rõ nét ở Trung Quốc, Nga và thế giới Hồi giáo, nhưng đế quốc của họ tồn tại không được lâu.

Năm 1180, một cậu bé mười ba tuổi được đưa lên làm thủ lĩnh bộ lạc khi cha của cậu bị đầu độc chết. Cậu bé đó tên là Thiết Mộc Chân (Temujin), và bộ lạc Mông Cổ Yakka của cậu là một bộ lạc du mục hiếu chiến. Hai phần ba số người trong bộ lạc nhanh chóng rời bỏ Thiết Mộc Chân, nhưng cậu đã sớm thống nhất bộ lạc trở lại và kiểm soát cả các bộ lạc Mông Cổ khác. Trong hội nghị các khan (thủ lĩnh) Mông Cổ vào năm 1206, Thiết Mộc Chân được phong là Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan), hay “Hoàng đế của tất cả mọi người”. Ông hứa hẹn là các thế hệ tương lai của người Mông Cổ sẽ được sống trong xa hoa. Thành Cát Tư Hãn bắt đầu sự nghiệp chinh chiến của mình bằng việc đào tạo một đội quân hung bạo, thần tốc và có kỷ luật tốt. Đội quân của ông khiến kẻ thù khiếp sợ, giết bất kỳ ai phản bội hoặc không chịu đầu hàng. Trong một loạt những cuộc chinh phạt, Thành Cát Tư Hãn đã chiếm Turkestan, miền Bắc Trung Quốc và Triều Tiên, tiếp đó quay về phía Tây tàn phá Afghanistan, Ba Tư và các vùng thuộc Nga. Một số thành công của ông có được là do đối thủ của ông mất đoàn kết.

Thành Cát Tư Hãn (khoảng 1162–1227) là một thủ lĩnh, nhà chiến lược và nhà tổ chức vĩ đại. Trong một chiến dịch, đội quân của ông đã di chuyển thần tốc – vượt qua 440 km trong ba ngày. Ông chết do bị ngã ngựa.

SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA MÔNG CỔ

Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, Oa Khoát Đài (Ogodai) và Mông Kha Hãn (Monke Khan) xâm lược Armenia, Tây Tạng và chiếm thêm nhiều vùng đất của Trung Quốc, tiếp đó tàn phá Đông Âu. Hốt Tất Liệt (Kublai Khan), cháu của Thành Cát Tư Hãn, đã hoàn tất cuộc thôn tính Trung Quốc. Ông tự xưng là hoàng đế đầu tiên của triều Nguyên (1271–1368). Sự cai trị của người Mông Cổ có một số điểm tốt, như mang lại địa vị cho phụ nữ, khuyến khích các học giả, tôn trọng các tôn giáo khác nhau và thúc đẩy buôn bán. Họ đã mở các con đường tơ lụa ở châu Á cho lữ khách từ Đông sang Tây. Nhưng có những điểm không tốt, như việc đội quân Mông Cổ tàn bạo đã phá hủy các thành phố và tàn sát nhiều người. Trong khi đó, nhà Tống ở miền nam Trung Quốc đã chiến đấu chống quân Mông Cổ trong suốt 20 năm trước khi sụp đổ, và vương quốc Hồi giáo ở Delhi đã ngăn được quân Mông Cổ xâm lược Ấn Độ. Cuộc bành trướng lãnh thổ của Mông Cổ chấm dứt vào khoảng năm 1260.

Người Mông Cổ là dân du mục sống trên những thảo nguyên Mông Cổ mênh mông. Họ sống trong những ngôi lều lớn quây tròn làm bằng da hoặc vải (yurt), có thể dọn mang theo tới chỗ khác rồi lại dựng lên một cách dễ dàng. Họ chăn thả trâu, bò, cừu, dê và ngựa. Ngay cả khi đã xâm lược các thành phố, quân Mông Cổ vẫn ở trong các lều dựng ngoài thành phố.
Trong chiến trận, người Mông Cổ mặc những bộ áo giáp nhẹ làm bằng da và sắt. Họ ra tay mau lẹ và tàn bạo đến nỗi hầu hết đối thủ của họ phải đầu hàng vì sợ hãi. Những lá cờ lớn bằng lụa phất phơ theo sau đội quân Mông Cổ. Bất kỳ ai chống đối lại họ đều bị giết.

THỦ LĨNH TAMERLANE HUNG BẠO

Từ năm 1275, một thương gia thành Venice là Marco Polo đã trải qua 17 năm trong cung điện của vua Hốt Tất Liệt. Những câu chuyện do ông viết ra đã giúp người châu Âu có được một bức tranh trung thực đầu tiên về Trung Quốc và sự giàu có của nước này. Sau khi Hốt Tất Liệt qua đời vào năm 1294, đế quốc Mông Cổ hùng mạnh bắt đầu chia rẽ. Một số khan như Chagatai ở Turkestan, các khan ở Ba Tư và Kim Trướng Hãn quốc (Golden Horde) thuộc miền Nam nước Nga chiếm giữ những vương quốc nhỏ hơn. Các khan Mông Cổ đều rất tàn bạo, nhưng có lẽ tàn bạo nhất là Tamerlane, tức Timur (1336–1405), người cai trị xứ Samarkand mang hai dòng máu Mông Cổ-Thổ. Ông ta cùng đội quân của mình đã tung hoành từ năm 1361 đến năm 1405, giày xéo một cách tàn bạo các xứ Ba Tư, Armenia, Gruzia, vùng Lưỡng Hà, Azerbaijan và Kim Trướng Hãn quốc. Tuy nhiên, dù nổi tiếng tàn bạo, Tamerlane lại là một nhà bảo trợ lớn cho nghệ thuật, thiên văn học và kiến trúc ở Samarkand. Nhưng nhìn chung, người Mông Cổ không để lại dấu ấn gì bền vững trong lịch sử thế giới ngoài sự tàn phá mà họ gây ra. Trung Quốc và Nga trở nên nghèo đói, thế giới Hồi giáo hỗn loạn và ngay cả các nước châu Âu như Ba Lan và Serbia cũng chịu tổn thất nặng nề. Sau khi Tamerlane mất vào năm 1405, cuộc phiêu lưu vĩ đại và đẫm máu của người Mông Cổ chấm dứt, trừ ở Nga và Turkestan.

Từ tuổi thiếu niên, các cậu bé Mông Cổ đã luyện bắn cung và đấu vật.

CÁC MÔN THỂ THAO CỦA NGƯỜI MÔNG CỔ

Người Mông Cổ thích cưỡi ngựa, đấu vật và bắn cung. Các khan Mông Cổ khuyến khích chơi thể thao như một cách rèn luyện kỹ năng chiến đấu và phát hiện những binh lính có tài. Có nhiều cuộc thi đấu thể thao, những ai đạt thành tích trong các cuộc thi này có thể được thăng chức trong quân đội. Chơi thể thao cũng giúp rèn luyện tinh thần đồng đội, một trong những ưu thế lớn nhất của người Mông Cổ.

Người Mông Cổ tiếp nhận môn thể thao polo (cưỡi ngựa chơi bóng) của người Ba Tư.