Bách Khoa Thư Lịch Sử

Đế Quốc La Mã Suy Vong (200–476)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

ĐẾ QUỐC LA MÃ SUY VONG (200–476)

Năm 165 CN, một đợt bệnh dịch quét qua đế quốc La Mã khiến dân số giảm đột ngột. Tiếp đó là quá trình suy vong của La Mã kéo dài trong 300 năm.

Hoàng đế Diocletian đã lập ra cơ chế bộ tứ quyền lực (tetrarchy) để cai trị hai nửa của đế quốc. Bộ tứ này gồm hai hoàng đế cai trị với sự hỗ trợ của hai phó đế.

Bệnh dịch tàn phá trong hai năm, và tiếp theo, kể từ năm 180, là thời kỳ trị vì của hoàng đế điên Commodus, các cuộc nổi dậy ở châu Phi và Anh, và một loạt hoàng đế yếu kém liên tiếp bị lật đổ. Chính quyền ở chính quốc tan rã và đế quốc rơi vào hỗn loạn.

Từ năm 250 đến năm 550, người La Mã thường xuyên phải giao tranh với các man tộc German và châu Á. Những tộc người này lúc thì muốn gia nhập vào, có khi lại chỉ muốn cướp bóc hoặc đánh đổ đế quốc này.

NHỮNG THAY ĐỔI Ở CÁC TỈNH

Quyền lực chuyển về các tỉnh, nơi người dân muốn duy trì vị thế công dân La Mã của mình. Người Parthia ở miền Đông và người Anh ở miền Bắc nổi loạn, cùng một lực lượng mới đang xuất hiện là các “man tộc”. Người Marcomanni, người Goth, người Frank, người Alemanni và người Vandal gây sức ép với La Mã, và trong giai đoạn từ năm 260 đến 272, người La Mã phải bỏ Hungary và Bavaria lại cho các tộc người này. Các vùng thuộc đế quốc như Gaul, Anh và Syria dần tách ra và nền kinh tế La Mã cũng suy sụp.

ĐẾ QUỐC BỊ PHÂN CHIA

Năm 284, Hoàng đế Diocletian cho rằng đế quốc La Mã quá rộng lớn nên một người khó có thể cai trị. Ông chia đế quốc làm hai phần: nửa Đông đế quốc nói tiếng Hy Lạp và nửa Tây nói tiếng Latinh. Ông chỉ định một vị đồng hoàng đế tên là Maximilian cai trị nửa Tây đế quốc. Quân đội được tổ chức lại và tăng lên thành 500.000 quân, các loại thuế được điều chỉnh để có tiền chi phí cho quân đội. Các tỉnh được cơ cấu lại để dễ cai quản hơn. Lối sống La Mã được khuyến khích bằng việc nhấn mạnh uy lực thần thánh của hoàng đế.

Đế quốc trở nên quá rộng lớn và phức tạp đối với việc cai trị, vì vậy Hoàng đế Diocletian chia nó làm hai nửa. Điều này cũng có nghĩa là phần Đông giàu có không còn sẵn sàng giúp đỡ phần Tây khó khăn và phần Tây dần suy tàn. Mức thuế cao khiến người La Mã không quan tâm mấy tới số phận đế quốc, vì không còn đế quốc thì đỡ tốn kém hơn.
Cổng vòm Constantine ở La Mã được xây nhằm khôi phục tinh thần chiến thắng và uy thế của La Mã sau một thế kỷ nhiều thất bại. Nhưng những thành tựu thực tế của La Mã thời kỳ này không lớn đến tầm vóc như người La Mã muốn ám chỉ khi xây cổng.
Constantine trở thành hoàng đế cai trị La Mã từ năm 312 đến năm 337.

HOÀNG ĐẾ CONSTANTINE

Hoàng đế Constatine tự coi mình là vị cứu tinh của đế quốc La Mã. Ông quyết định dùng ảnh hưởng ngày càng lớn của đạo Ki-tô để gây dựng một nền văn hóa mới trong đế quốc. Ông triệu tập các giám mục vào một số hội đồng và buộc họ soạn ra học thuyết của Giáo hội, làm cho đạo Ki-tô trở nên có tổ chức. Ông ủng hộ các tín đồ Ki-tô giáo, những người mà ông cho rằng không bị tha hóa và ích kỷ như người La Mã. Tuy nhiên, bản thân ông không phải là tín đồ Ki-tô giáo cho tới tận khi ông gia nhập đạo vào phút lâm chung. Ông là hoàng đế hùng mạnh cuối cùng của đế chế La Mã. Nhưng với việc dời đô tới Constantinople và lập nên đế quốc Byzantine, ông cũng làm suy yếu phần Tây đế quốc và đẩy nhanh sự suy sụp của La Mã. Rất lâu sau khi La Mã sụp đổ, Giáo hội Công giáo La Mã vẫn tiếp tục là một lực lượng tôn giáo và văn hóa ở miền Tây.

Một chi tiết trên cổng vòm Constantine mô tả cảnh binh lính La Mã đang bao vây thị trấn Verona vào năm 312. Trận đánh này là một phần của cuộc chiến tranh do Constantine tiến hành chống lại đồng hoàng đế của ông là Maxentius. Cổng vòm này được khánh thành vào năm 315.
Hoàng đế Justinian tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại các man tộc. Đồng tiền vàng này được đúc vào năm 535 để tôn vinh viên tướng Belisarius dưới triều Justinian đã đánh bại người Vandal.

KẾT CỤC CỦA ĐẾ QUỐC

Hoàng đế Constantine đã nỗ lực khôi phục đế quốc. Ông ủng hộ và khuyến khích các tín đồ Ki-tô, xây dựng nhà thờ, tổ chức các hội đồng giám mục và biến đạo Ki-tô thành quốc đạo. Vào năm 330, ông dời đô tới Byzantium và đặt tên thành phố là Constantinople. Đô thị này trở nên hùng mạnh như thành Rome, trong khi nửa Tây ngày càng suy yếu và nghèo hơn. Trước cuộc tấn công của các man tộc, nửa Tây đế quốc sụp đổ sau khi Rome bị cướp phá vào các năm 410 và 455. Hoàng đế cuối cùng bị người Goth lật đổ năm 476. Sau đó, đế quốc Tây La Mã bị một số vương quốc của người German thay thế. Đế quốc Đông La Mã được gọi là đế quốc Byzantine, tồn tại cho đến năm 1453. Mặc dù nhiều nét trong lối sống La Mã được các man tộc tiếp nhận, nhưng đế quốc La Mã đã chấm dứt sự tồn tại.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

165-167 Dịch bệnh quét qua đế quốc La Mã

167-180 Các cuộc chiến tranh Marcomanni chống các man tộc đầu tiên

250 Sự tôn thờ hoàng đế trở thành bắt buộc dưới thời Hoàng đế Decius

250-270 Các man tộc tấn công đế quốc từ phía Bắc

276 Hoàng đế Tacitus bị chính binh lính của mình giết chết

286 Diocletian chia đế quốc thành hai nửa và cai trị phần Đông; Maximilian cai trị phần Tây

324 Constantinople được lập làm thủ đô mới của đế quốc

370 Người Hung Nô tới châu Âu; người German tìm nơi nương náu ở La Mã

378-415 Người Visigoth nổi dậy và cướp bóc La Mã

406 Người La Mã rút khỏi Anh, xứ Gaul và Iberia

410 Người Visigoth cướp phá thành Rome

441 Quân Hung Nô đánh bại quân La Mã

476 Hoàng đế La Mã cuối cùng qua đời