Bách Khoa Thư Lịch Sử

Các Man Tộc (1–450 CN)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

CÁC MAN TỘC (1–450 CN)

Bản đồ này chỉ ra hành trình di chuyển phức tạp của các man tộc lớn trong khoảng thời gian 370-450, khi họ đến và xâm chiếm nhiều vùng đất đai của đế quốc Tây La Mã.

Thuật ngữ barbarian (“man tộc”) vốn chỉ có nghĩa là “bộ tộc bên ngoài” - người La Mã xem họ như những người chưa được khai hóa văn minh. Họ sống trong các cộng đồng nhỏ làm nghề nông và là những chiến binh hung dữ.

Người German sống ở miền Nam Thụy Điển và miền Bắc nước Đức (Germany), đã tiến về phía Nam và đuổi người Celt sang phía Tây. Người La Mã cố kiểm soát người German và bị họ đánh bại thảm hại vào năm 9 CN. Người La Mã buôn bán với một số bộ tộc German thân thiện và chiêu mộ số người này vào quân đội La Mã. Một số bộ tộc khác như người Frank, Alemanni và Goth đã tấn công đế quốc La Mã trong các năm 260-270 và người La Mã phải dàn hòa với họ, cho họ định cư tại đây.

Một chiếc ghim lộng lẫy bằng đồng thường được người man tộc dùng để cài áo choàng. Đây là một ví dụ về sự khéo léo của các tộc người này. Món đồ trang sức này được làm vào khoảng năm 400 theo phong cách đang hợp thời trang ở Đan Mạch và sau đó ở xứ Anh của người Saxon.

NGƯỜI HUNG NÔ (HUNG)

Người Hung Nô bị người Trung Quốc đuổi khỏi Mông Cổ. Họ tràn sang châu Âu, định cư ở Hungary vào khoảng năm 370. Các bộ tộc German hoảng sợ và lấn sâu hơn vào đế quốc La Mã cho an toàn. Người La Mã đã để cho nhiều người thuộc các bộ tộc này định cư, nhưng người Vandal ở Hy Lạp nổi loạn và vào năm 410, họ lại cướp phá chính thành Rome. Từ năm 440 đến năm 450, người Hung Nô tàn phá Hy Lạp, Đức và xứ Gaul, phá hủy mọi thứ. Một liên minh giữa người La Mã và người German đánh bại được quân Hung Nô, nhưng lúc này đế quốc đã suy vong. Sau khi thủ lĩnh Attila của người Hung Nô tấn công miền Bắc Italia, phần Tây đế quốc sụp đổ hoàn toàn.

NHỮNG NGƯỜI CHÂU ÂU MỚI

Khi La Mã sụp đổ, các man tộc định cư ở Đức, Italia, Tây Ban Nha, Anh và Pháp dần dần tiếp nhận nhiều tập quán La Mã. Đến năm 800, vua Charlemagne của người Frank đã trị vì một đế quốc trải dài trên lãnh thổ Đức và Pháp. Người Visigoth định cư ở Tây Ban Nha và người Vandal chiếm Carthage. Người Hung Nô rút về Romania và Ukraine. Người Lombard định cư ở Italia và thành lập một vương quốc hùng mạnh dưới sự trị vì của vua Odoacer. Người Burgundy định cư ở miền Đông nước Pháp, còn người Saxon và Jute chiếm xứ Anh.

Một bức tranh khắc trên mộ của người La Mã vào khoảng năm 200, miêu tả những binh lính La Mã trong một trận chiến ác liệt với các man tộc German.
Bức phù điêu trên ngọn tháp Theodosius này được dựng tại Constantinople năm 390. Các hình khắc đá mô tả cảnh hoàng đế đang tiếp nhận thư trình của người man tộc. Theodosius là hoàng đế cuối cùng của đế quốc La Mã thống nhất (379- 395) và là một tín đồ Ki-tô sùng đạo. Ông mang dòng máu “man tộc” của những German đến định cư ở đế quốc La Mã.
Bức tranh này tả cảnh vua Attila người Hung Nô đang tiến vào Paris khi quân đội của ông xâm lược xứ Gaul vào năm 452.

ATTILA NGƯỜI HUNG NÔ

Attila trở thành vua của người Hung Nô vào năm 433. Ông đã gây dựng quê hương mới của người Hung Nô ở Hungary sau khi tàn sát, cướp bóc và bắt nô lệ ở khắp Đông Âu (433-441). Người Hung Nô tàn phá Balkan và Hy Lạp (447-450), buộc người La Mã phải nộp vàng để cứu thủ đô Constantinople. Tiếp đó, họ tiến vào xứ Gaul và miền Bắc Italia, nhưng bị liên quân La Mã và Visigoth đánh bại. Năm 453, vua Attila lấy vợ là một người German và đột tử ngay trên giường, có thể do bị đầu độc. Ông là một thiên tài quân sự và là thủ lĩnh vĩ đại của người Hung Nô. Sau khi ông chết, người Hung Nô di cư về phía Đông đến Ukraine và không còn là một lực lượng thiện chiến như trước nữa.

CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

70 TCN Người German di cư tới xứ Gaul, đánh bại người Celt

56 TCN Julius Caesar đánh đuổi người German khỏi xứ Gaul

9 CN Người German nổi dậy chống người La Mã

200 Người German thành lập một liên bang

260 Các man tộc di chuyển vào trong lòng đế quốc La Mã

367 Người Scot, Pict và Saxon tấn công thuộc địa Anh của La Mã

451-454 Người Hung Nô tàn phá xứ Gaul và miền Bắc Italia