Bách Khoa Thư Lịch Sử

Đế Quốc Inca (1438–1535)

ĐẾ QUỐC INCA (1438–1535)

Đế quốc Inca rộng lớn hơn nhiều nước châu Âu gộp lại. Các vùng trong đế quốc nối với nhau bằng những con đường lát đá len lỏi giữa những ngọn núi cao trong rặng Andes, dải xương sống của lục địa Nam Mỹ.

Người Inca cai trị một đế quốc rộng lớn, được tổ chức tốt ở vùng núi Andes của Nam Mỹ trong vòng một thế kỷ. Đế quốc của họ sau đó đã bị người Tây Ban Nha phá hủy hoàn toàn.

Vua Inca gọi là Sapa Inca, được coi là con cháu của thần Mặt trời Inti, người trao cho nhà vua quyền cai trị. Chính nhà vua cũng được tôn thờ như một vị thần. Sapa Inca cai quản đất nước từ thành phố Cuzco, được cho là quê hương của thần Inti. Các quan chức triều đình điều khiển mọi việc ở khắp nơi trong đế quốc. Họ giám sát công việc của các thành phố, đảm bảo cho các xưởng sản xuất gốm, vải dệt, đồ trang kim cũng như các nông trại hoạt động hiệu quả. Người Inca không biết viết, do vậy, họ lưu giữ thông tin bằng các quipus – tức những sợi dây thừng thắt nút để truyền tải thông tin, chẳng hạn như dân số và các khoản thuế. Ở thời điểm phát triển nhất vào năm 1525, đế quốc Inca trải dài 3.500 km. Họ có một mạng lưới đường sá chằng chịt nối các thành phố, thị trấn và làng mạc với nhau. Liên lạc khắp đế quốc do những người chạy tiếp sức đảm trách.

Chiếc mặt dây chuyền vàng này của người Inca có những hình họa toán học. Đối với người Inca, chúng vừa có ý nghĩa tôn giáo vừa là một cách tính lịch.

INCA BÀNH TRƯỚNG LÃNH THỔ

Khi lên làm Sapa Inca vào năm 1438, Pachacuti bắt đầu mở rộng đất đai quanh thành phố Cuzco. Vào năm 1450, ông xâm chiếm lưu vực hồ Titicaca, và năm 1463, gây chiến với các bộ lạc Lupaca và Colla. Dưới sự chỉ huy của con trai ông là Topa, quân đội Inca đã đánh bại đế quốc Chimu láng giềng năm 1466, và Topa tiếp tục mở rộng lãnh thổ đế quốc sau khi trở thành Sapa Inca thứ 10 vào năm 1471. Trong vòng 15 năm sau đó, ông chiếm các vùng đất ở xa về phía Nam, rồi kiểm soát cả các vùng đất ở phía Bắc và phía Tây.

Quipu là một sợi dây dài có nhiều đoạn dây màu sắc khác nhau mắc vào. Trên mỗi đoạn dây có những nút thắt. Mỗi nút này là một mẩu thông tin, thường là một con số. Người Inca sẽ căng đoạn dây dài và “đọc” thông tin trên các sợi dây rủ xuống.
Để trồng cây lương thực trên các quả đồi thấp dưới chân núi Andes, người Inca dùng công cụ bằng gỗ đào ruộng bậc thang trên sườn dốc. Họ thả các giống lạc đà không bướu alpaca và llama trên đồi, và trồng ngô, bí đỏ, cây quinoa (lê mạch), đậu và cây ăn quả ở dưới thấp hơn.
Những người chạy tiếp sức mang các công văn và “bưu kiện” tới khắp mọi nơi trong đế quốc. Mỗi người chạy khoảng 1,5 km rồi chuyển giao nhiệm vụ cho người khác. Để bàn giao nhanh, người chạy tiếp sức thổi vào vỏ ốc xà cừ khi gần hết đoạn đường phải chạy.

SỰ PHÁT TRIỂN VÀ SUY TÀN CỦA NGƯỜI INCA

Người Inca đạt tới một trình độ tổ chức rất hiệu quả. Họ phát minh ra phương pháp trồng trọt tài tình trên các sườn dốc; họ làm cầu cống, đường sá, xây dựng đô thị trên các vùng núi cao. Họ làm được tất cả những việc này mà không hề có chữ viết.

Topa Inca đã xây nhiều đường sá và đô thị. Huayna Capac là con trai của Topa, lên ngôi Sapa Inca từ năm 1493, đã mở mang đế quốc, xây dựng thủ đô thứ hai ở Quito. Khi ông mất năm 1525, đế quốc bị chia đôi bởi hai người con của ông: Huascar cai trị miền Nam và Atahualpa cai trị miền Bắc. Sự chia rẽ này là nguyên nhân dẫn tới cuộc nội chiến nổ ra ngay trước khi người Tây Ban Nha tới vào năm 1532. Đến năm 1535, người Tây Ban Nha đã tàn phá đế quốc này vì họ có thể sử dụng hệ thống đường sá của người Inca và vì người Inca bất hòa với nhau.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1200 Manco Capac sáng lập triều đại Inca và thủ đô Cuzco

1350 Đế quốc Inca bành trướng dưới thời vua Mayta Capa

1438 Pachacuti lên ngôi Sapa Inca

1450 Pachacuti mở rộng đáng kể đế quốc Inca

1466 Topa Inca tàn phá đế quốc Chimu

1485 Topa Inca xâm chiếm Chile và Peru

1493 Quito trở thành thủ đô thứ hai của đế quốc Inca

1525 Huayna Cape qua đời và nội chiến bùng nổ giữa thành Cuzco và thành Quito

1532 Người Tây Ban Nha xâm lược đế quốc Inca

1535 Người Tây Ban Nha tiêu diệt đế quốc Inca

Hằng năm, người Inca thường mở Đại Lễ hội Mặt trời, để tạ ơn Mặt trời đã ban cho họ mùa màng, sự sống và cầu may mắn trong tương lai – không khác so với Lễ Phục sinh của người Kitô giáo.