Cuộc chiến của người Tây Ban Nha nhằm giành lại quốc gia của mình từ tay người Hồi giáo bắt đầu vào thế kỷ XII. Ba trăm năm sau, Tây Ban Nha tái thống nhất hoàn toàn dưới thời Ferdinand và Isabella.
Sau khi đế quốc La Mã sụp đổ, người Visigoth cai trị Tây Ban Nha trong 300 năm. Sau đó, vào năm 711, người Berber (người Moor) đến từ Bắc Phi đã xâm chiếm và thành lập vương quốc Hồi giáo, tồn tại trong những năm 756–1031. Đến thời gian này, người Ki-tô giáo ở miền Bắc Tây Ban Nha bắt đầu mở rộng về phía Nam. Họ bắt đầu cuộc tái chiếm Tây Ban Nha, và đến năm 1235, đã dồn người Hồi giáo vào trong phạm vi vùng Granada ở miền Nam nước này.
Tuy nhiên, phần Tây Ban Nha theo Thiên Chúa giáo bị chia cắt thành một số tiểu vương quốc gồm Leon, Castile, Navarre và Aragon. Vào thế kỷ XV, Leon đã sáp nhập với Castile, khiến Castile và Aragon trở thành hai vương quốc lớn nhất. Bước đầu tiên tiến tới thống nhất toàn bộ Tây Ban Nha được thực hiện vào năm 1469, khi Ferdinand, người thừa kế vương quốc Aragon cưới Isabella xứ Castile. Khi vua Castile mất vào năm 1474, Isabella và Ferdinand nối ngôi cùng cai trị vương quốc này. Năm năm sau, Ferdinand thừa kế vương quốc Aragon và cùng Isabella cai trị cả Aragon.
Sau khi hai vương quốc hợp nhất, Tây Ban Nha trở nên mạnh hơn. Cả Ferdinand và Isabella đều là tín đồ Thiên Chúa giáo mộ đạo. Dưới thời cai trị của họ, Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha đã được thành lập. Đó là tòa án tôn giáo trừng phạt nặng những người bị nghi là dị giáo (tức là bất đồng với những giáo huấn của Giáo hội Thiên Chúa La Mã). Tòa án này rất khắc nghiệt, những người tình nghi bị xử kín và tra tấn cho đến khi nhận tội. Những ai nhận tội có thể bị phạt, còn ai không chịu nhận tội thì bị bỏ tù hoặc bị thiêu sống để triệt tiêu tội lỗi.
Năm 1492, tức 14 năm sau khi Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha được thành lập, Aragon và Castile đã chiếm lại vùng Granada của người Moor. Nhiều người Hồi giáo và Do Thái bị trục xuất hoặc bị ép cải đạo. Có tới 200.000 người Do Thái rời khỏi Tây Ban Nha. Hậu quả của cuộc truy bức này là nhiều người khéo tay và tài giỏi đã chuyển sang Pháp, Đức hoặc đế quốc Ottoman.
Cũng trong năm này, vua Ferdinand và hoàng hậu Isabella bảo trợ cho chuyến thám hiểm của Christopher Columbus – họ tìm kiếm tuyến đường biển mới tới Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng lại tìm ra châu Mỹ. Từ đó mở đầu thời kỳ xâm chiếm thuộc địa của Tây Ban Nha, dẫn tới sự sụp đổ các đế quốc của người Aztec, Maya và Inca.
Ferdinand và Isabella có năm con gái, trong đó một người là Catherine xứ Aragon đã cưới vua Anh Henry VIII. Nhưng Ferdinand và Isabella không có con trai, nên ngôi báu của họ được truyền cho con gái Joanna Điên. Khi Isabella mất vào năm 1504, vua Ferdinand làm nhiếp chính cho con gái Joanna lúc đó còn nhỏ. Năm 1515, vương quốc Navarre sáp nhập với vương quốc Castile, cuối cùng Ferdinand trở thành vua của một nước Tây Ban Nha thống nhất. Con trai của Joanna là Charles V cuối cùng trở thành hoàng đế của triều đại Habsburg và là người cai trị quyền lực nhất châu Âu. Dưới sự trị vì của ông, Tây Ban Nha trải qua thời hoàng kim.
1248 Người Ki-tô giáo giành lại hầu hết Tây Ban Nha
1469 Cuộc hôn nhân giữa Ferdinand và Isabella
1474 Isabella thừa kế vương quốc Castile
1478 Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha được thành lập
1479 Aragon và Castile hợp nhất
1492 Người Tây Ban Nha chiếm được Granada, chấm dứt sự cai trị của người Hồi giáo ở miền Nam Tây Ban Nha. Chuyến thám hiểm sang Ấn Độ của Christopher Columbus được hoàng hậu Isabella cấp kinh phí
1504 Hoàng hậu Isabella mất
1515 Navarre sáp nhập với Castile – Tây Ban Nha cuối cùng được thống nhất
1516 Vua Ferdinand mất