Đế quốc Hà Lan có nền tảng là hoạt động buôn bán trên toàn thế giới. Vào thế kỷ XVII, nhờ có các đoàn thương thuyền lớn mà họ trở thành một quốc gia buôn bán hùng mạnh.
Đến cuối thế kỷ XVI, Amsterdam trở thành cảng tấp nập nhất châu Âu, với nhiều nhà kho, ngân hàng, thương xá và rất nhiều thương thuyền. Sau khi bị Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha loại khỏi Nam Mỹ, người Hà Lan lên đường sang Viễn Đông. Họ thành lập một Công ty Đông Ấn cho các thương gia của mình và kiểm soát buôn bán từ quần đảo Hương liệu hay “Đông Ấn”, chiếm đảo Java và quần đảo Molucca từ tay người Bồ Đào Nha.
Năm 1619, Công ty Đông Ấn Hà Lan lập trụ sở ở Batavia (Jakarta) trên đảo Java (nay thuộc Indonesia). Công ty này luôn duy trì một đội quân và một hạm đội hùng mạnh, nhờ đó họ đã đánh đuổi Anh và Bồ Đào Nha khỏi Đông Ấn và chiếm Ceylon (Sri Lanka), cảng Malacca và một số cảng ở Ấn Độ. Họ thậm chí còn thành lập một trạm thông thương ở Nhật Bản – chỉ có họ là những người châu Âu duy nhất được Nhật Bản cho phép làm việc này.
Năm 1652, người Hà Lan chiếm mũi Hảo Vọng ở địa đầu phía nam châu Phi để làm điểm dừng chân cho hải trình dài từ Viễn Đông về châu Âu. Từ đây, tàu của Hà Lan có thể đi theo tuyến đường ngắn nhất sang Đông Ấn, vượt qua Ấn Độ Dương.
Đội thương thuyền đông đảo của Hà Lan cũng hoạt động nhộn nhịp ở khắp nơi. Năm 1621, Công ty Tây Ấn Hà Lan được thành lập ở bên kia Đại Tây Dương và đến năm 1623, có 800 tàu của Hà Lan hoạt động trên vùng biển Caribe, buôn bán đường ăn, thuốc lá, da thú và nô lệ. Công ty này đã thành lập thuộc địa ở Guiana, chiếm Curaçao và trong một thời gian đã kiểm soát miền Đông Bắc Brazil.
Tại Bắc Mỹ, công ty này lập ra thuộc địa New Netherland (Tân Hà Lan) dọc sông Hudson năm 1624. Từ nơi này, họ xuất khẩu da lông thú, gỗ và các mặt hàng khác mua của người bản xứ.
Cuối cùng, người Hà Lan để mất ưu thế hải quân về tay người Anh, và đế quốc của họ phải chịu tổn thất. Họ để mất Ceylon, Malacca và mũi Hảo Vọng về tay người Anh, chỉ còn giữ được các thuộc địa ở Đông Nam Á.