Bách Khoa Thư Lịch Sử

Chủ Nghĩa Phát Xít Trỗi Dậy (1922–1939)

CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT TRỖI DẬY (1922–1939)

Niềm tin chính trị được biết tới với tên gọi chủ nghĩa phát xít trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia ở châu Âu trong thập niên 1930. Nhiều người cho rằng đó là lối thoát cho tình trạng suy thoái kinh tế.

Benito Mussolini (1883–1945) trở thành nhà độc tài phát xít của Italia vào năm 1922.

Tư tưởng phát xít giành được sự ủng hộ sau Chiến tranh Thế giới I, với chính phủ phát xít đầu tiên xuất hiện tại Italia vào thập niên 1920. Thuật ngữ “chủ nghĩa phát xít” bắt nguồn từ từ fasce, nghĩa là một bó gậy với một cây rìu, biểu tượng quyền lực ở La Mã cổ đại. Chủ nghĩa phát xít dựa trên tư tưởng cho rằng một quốc gia có thể sẽ phát triển thịnh vượng nhờ ý chí kỷ luật, lòng quyết tâm và hành động không khoan nhượng.

Những người phát xít cho rằng để đạt được một mục đích đáng giá nào đó thì mọi biện pháp hành động đều có thể chấp nhận. Trường học, tôn giáo, báo chí, nghệ thuật và khoa học đều phải phục vụ quốc gia. Quân đội và cảnh sát mật ủng hộ các chính phủ phát xít. Những người phát xít tin rằng họ thuộc chủng tộc thượng đẳng, cao quý hơn các chủng tộc khác. Họ chống lại chủ nghĩa cộng sản, khuyến khích niềm tự hào dân tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Tại Đức, sự phân biệt này nhắm cụ thể vào người Do Thái và người Digan.

NƯỚC ITALIA VÀ BENITO MUSSOLINI

Tại Italia, Đảng Phát xít do Benito Mussolini thành lập năm 1919, khi tình trạng suy thoái kinh tế và tâm lý chống cộng giúp họ giành được quyền lực. Những người theo chủ nghĩa phát xít tại đây được gọi là Fasci de Combattimento (Hội đoàn chiến đấu), nhưng hay được nhắc tới là “những người áo đen” vì họ mặc đồng phục màu đen. Năm 1922, Mussolini lợi dụng tình trạng bất ổn gia tăng và cuộc tổng bãi công để giành chính quyền. Với danh xưng là Il Duce (lãnh tụ), Mussolini trở thành thủ tướng, và trong thời gian 1928–1929 đã áp đặt sự cai trị độc đảng.

Để phục thù cho thất bại thảm hại năm 1896, quân đội của Mussolini đã xâm lược Abyssinia (Ethiopia) vào thời gian 1935–1936, sau đó ký hiệp ước thành lập phe Trục với Đức. Tháng 5 năm 1939, Mussolini và thủ lĩnh độc tài phát xít của Đức là Adolf Hitler, ký một thỏa ước quân sự gọi là Hiệp ước Thép. Sự lãnh đạo của Mussolini đã đưa Italia đến thất bại trong Chiến tranh Thế giới II, và Mussolini bị vua Victor Emmanuel bãi chức và bỏ tù vào năm 1943. Sau đó, ông ta được quân Đức giải thoát và đã thiết lập chế độ cai trị phát xít ở miền Bắc Italia. Tháng 4 năm 1945, ông ta bị du kích Italia bắt và xử tử.

Thanh niên phát xít Italia diễu hành trước Mussolini trong cuộc Diễu hành Khải hoàn tại Rome tháng 10-1935.
Năm 1931, Quý ông Oswald Mosley (1896–1980) rút khỏi chính phủ của Đảng Lao động do Ramsay MacDonald đứng đầu để thành lập Đảng Liên minh phát xít Anh. Những người theo đảng này đã khuấy động chủ nghĩa bài Do Thái, đặc biệt là ở khu Đông London.

NƯỚC ĐỨC VÀ ADOLF HITLER

Những điều khoản trong Hiệp ước Versailles rất hà khắc đối với nước Đức, và sự suy thoái kinh tế vào đầu thập niên 1930 đã dẫn tới tình trạng thất nghiệp quy mô lớn trong nước. Nước Cộng hòa Weimar yếu ớt lúc đó đứng trước sức ép chính trị từ phía những người cộng sản và Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đức (gọi tắt là Đảng Quốc xã – Nazi) của Adolf Hitler. Hitler hứa hẹn chấm dứt tình trạng thất nghiệp và đói nghèo, xây dựng nước Đức thành một quốc gia vĩ đại sau thất bại thảm hại trong Chiến tranh Thế giới I. Trong bối cảnh hỗn loạn chính trị và bạo loạn, Tổng thống Đức Paul von Hindenburg đã bổ nhiệm Hitler làm thủ tướng vào tháng 1 năm 1933. Với danh xưng là Führer (lãnh tụ), Hitler đã tiêu diệt phe đối lập, ra lệnh giết hại hàng triệu người Do Thái, người Di-gan và nhiều người khác. Năm 1939, Hitler đưa nước Đức vào Chiến tranh Thế giới II, nhưng sau đó đã tự sát vì thất bại.

Áp phích chống phát xít này do Đảng Xã hội Catalonia tại Tây Ban Nha phát hành.

CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT LAN RỘNG

Tại các nước khác, những khó khăn kinh tế và tâm lý chống những người cộng sản giành chính quyền vào thời kỳ sau chiến tranh đã dẫn tới việc thành lập nhiều chính phủ phát xít. Tại Tây Ban Nha, Tướng Miguel Primo de Rivera lãnh đạo quân đội lên nắm quyền năm 1923 và cai trị cho tới năm 1930. Năm 1933, con trai của ông ta là José Antonio Primo de Rivera đã thành lập Đảng phát xít Falange.

José Antonio Primo de Rivera (1903–1936) thành lập phong trào dân tộc chủ nghĩa Falange tại Tây Ban Nha năm 1933.

Đảng Falange ủng hộ lực lượng của Tướng Francisco Franco trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936–1939). Với sự ủng hộ của nước Đức và nước Italia phát xít, Franco lên nắm chính quyền vào năm 1939. Ông ta đã cai trị độc tài cho tới khi chết vào năm 1975.

Cho tới trước khi bắt đầu Chiến tranh Thế giới II, chủ nghĩa phát xít cũng đã giành được sự ủng hộ tại Bồ Đào Nha, Áo, các quốc gia vùng Balkan và Nam Mỹ. Juan Perón cùng vợ là Eva cai trị Argentina trong những năm 1940 và 1950. Antonio Salazar là nhà lãnh đạo độc tài của Bồ Đào Nha những năm 1932–1968. Tại Anh, cựu bộ trưởng nội các Oswald Mosley thành lập đảng phát xít có tên là Đảng Mới vào năm 1931, trong thời kỳ kinh tế suy thoái và thất nghiệp hàng loạt. Các cuộc mít tinh của ông ta tại những nơi công cộng khét tiếng vì bạo lực giữa những người ủng hộ và những người phản đối ông ta.

Để phục thù cho thất bại nhục nhã của Italia vào năm 1896, Mussolini đã đưa quân xâm lược Abyssinia. Năm 1936, quân Italia dưới sự chỉ huy của Tướng Badoglio đã tiến vào thủ đô Addis Ababa. Hành động xâm lược này khiến cả thế giới phản đối kịch liệt và Italia đã rút khỏi Hội Quốc Liên.

CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1919 Mussolini thành lập Đảng Phát xít Italia

1922 Mussolini trở thành thủ tướng Italia

1923 Primo de Rivera nắm quyền tại Tây Ban Nha

1928 Mussolini trở thành nhà cai trị độc tài của Italia

1933 José Antonio Primo de Rivera thành lập Đảng Falange tại Tây Ban Nha; Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng Đức.

1936 quân đội Italia xâm lược Abyssinia

1939 Tướng Franco trở thành nhà lãnh đạo độc tài của Tây Ban Nha; Chiến tranh Thế giới II bắt đầu